21/05/2016
Thứ Bảy tuần 7 thường niên
BÀI ĐỌC
I: Gc 5, 13-20
"Lời cầu
nguyện của người công chính rất linh nghiệm".
Trích
thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ai trong anh em buồn sầu, người đó
hãy cầu nguyện. Còn ai hân hoan, người đó hãy ca hát thánh vịnh. Ai trong anh
em ốm đau ư? Hãy mời các trưởng lão giáo hội đến, để các ngài cầu nguyện và
nhân danh Chúa xức dầu cho người đó. Lời cầu nguyện phát xuất tự lòng tin sẽ cứu
được bệnh nhân và Chúa sẽ cho người đó được bình phục; và nếu người đó mắc tội,
thì sẽ được tha. Vậy anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh
em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là
con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng
có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và
trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả.
Anh em thân mến, nếu ai trong anh em lạc đường chân
lý, và có kẻ làm cho người đó trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: kẻ làm cho
người tội lỗi bỏ đường lầm lạc mà trở lại, sẽ cứu linh hồn người tội lỗi khỏi
chết, và che lấp được nhiều tội lỗi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 140, 1-2. 3 và 8
Đáp:
Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm (c. 2a).
1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, xin mau chóng phù trợ
con, nguyện nghe tiếng con, lúc con kêu cầu Chúa. Xin cho lời con nguyện bay
lên Chúa như hương trầm, tay con giơ lên thành như của lễ lúc chiều hôm. - Đáp.
2) Lạy Chúa, xin đặt quân gìn giữ miệng và lính canh
gác gần cửa môi con. Ôi lạy Chúa, con mắt con hướng nhìn về Chúa, con tìm nương
tựa nơi Ngài, xin đừng huỷ mạng sống con. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 15, 15b
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy
đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Mc 10, 13-16
"Ai không
đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa
Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy,
Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy,
đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy
bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được
vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng. Đó là lời
Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM : Thương yêu trẻ em
Ðức
Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người
mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật
với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc
nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ
trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn
này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật
thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người,
nhất là nên người con của Chúa được.
Tin mừng
hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu
để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em,
Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các
trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả
đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời:
"Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được
vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ
cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà
quăng xuống biển còn hơn".
Cha mẹ
là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con
cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy
nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho
con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho
các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước
tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống
trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con
cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo
dục con cái.
Nhưng
để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức,
cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn
hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Xin
Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết
và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa
chúng đến với Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Bài đọc: Jam 5:13-20; Mk 10:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên
Chúa.
Chúng
ta lo lắng quá nhiều trong cuộc sống: bệnh tật, việc làm, gia đình, con cái;
nhưng chúng ta có lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì cả, vì chúng ở ngoài tầm
tay của chúng ta. Nhiều người lo lắng quá mất ngủ hay sinh bệnh tật; kẻ khác lo
lắng quá nên tối ngày cằn nhằn người phối ngẫu hay con cái, làm mất cả hạnh
phúc gia đình.
Các
bài đọc hôm nay dạy chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa như
trẻ thơ tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay cha mẹ của chúng. Trong bài đọc
I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu những điều cần làm trong khi vui cũng như
lúc buồn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, nhất là biết cộng tác với Thiên
Chúa trong việc đưa những người xa chân lý trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, các
môn đệ vì quá lo lắng cho Chúa Giêsu không có giờ nghỉ ngơi, nên xua đuổi các
trẻ khi chúng đến với Chúa Giêsu. Ngài bảo các ông hãy cứ để các trẻ nhỏ đến với
Ngài, vì Nước Trời là của những ai biết cư xử giống như chúng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Tin tưởng nơi sự
quan phòng của Thiên Chúa.
1.1/ Những
điều quan trọng người tín hữu cần làm: Thánh Giacôbê liệt kê 3 điều quan trọng người tín hữu cần làm.
(1) Cầu
nguyện khi đau khổ và đau yếu: “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu
nguyện... Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh
đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” Giáo Hội
Công Giáo dựa vào câu này để lập phép Xức Dầu Thánh. Linh mục được mời sẽ xức dầu
trên trán và hai tay của bệnh nhân, và cầu nguyện cho bệnh nhân được phục hồi sức
khỏe. Dĩ nhiên, không phải cứ xức dầu là khỏi bệnh. Bệnh nhân phải biết tuân
theo ý Chúa: nếu Ngài muốn để cho sống, Ngài sẽ cho phục hồi sức khỏe; nếu Ngài
muốn cất về, xin cho được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Thánh
Giacôbê nhấn mạnh đến cả bệnh phần xác: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người
bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy,” và bệnh phần hồn: “Nếu người ấy đã phạm tội,
thì sẽ được Chúa thứ tha.”
(2)
Hát thánh ca khi vui vẻ để tạ ơn Thiên Chúa: Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu
nên hát thánh ca, thánh thi, cùng thánh vịnh (Eph 5:19; Col 3:16). Mục đích là
để ngợi khen và cảm tạ những ơn lành đã nhận được từ Thiên Chúa.
(3)
Thú tội với nhau: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu
thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” Dòng
Đa-minh có giờ các tu sĩ thú tội và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Nếu
được làm đúng cách và với tinh thần khiêm nhường, việc làm này sẽ giúp thăng tiến
bản thân và cộng đoàn.
1.2/ Cộng
tác với Thiên Chúa để đưa anh em lạc xa chân lý trở về: Đây có lẽ là điều quan trọng thứ hai sau
việc mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình. Thánh Giacôbê cho chúng ta một phần thưởng
quan trọng của việc làm này: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà
trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của
mình.” Tội lỗi ai cũng phạm; xưng thú tội lỗi sẽ được Thiên Chúa tha thứ; nhưng
để đền bù các hậu quả của tội, chúng ta cần đưa nhiều anh/chị/em về với Ngài.
Càng giúp đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa càng nhiều, chúng ta càng được
giảm bớt các vạ do tội lỗi của chúng ta mang lại.
2/
Phúc Âm: Tin tưởng Thiên
Chúa như trẻ thơ tin vào cha mẹ chúng.
2.1/ Vấn
đề với con trẻ: Không phải
chỉ có các môn đệ ngăn cản trẻ thơ đến với Chúa Giêsu; nhưng có rất nhiều các cặp
vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3
con. Một số lý do họ nêu ra:
(1) Sợ
con trẻ gây phiền hà: Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn
tối ngày, họ sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc
ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.
(2) Sợ
phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn
toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em
sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.
(3)
Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều
quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ
hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.
Đàng
sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ
phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình
và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ
không còn thời giờ lo cho mình.
2.2/ Các
đức tính của con trẻ: Trước
hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào
những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của
trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.
(1)
Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng.
Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi
ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một
người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta
phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói
không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”
(2)
Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng
rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu
hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn
mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể
chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết
gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.
(3)
Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn
nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu
lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm
hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.
(4)
Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối
với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có. Thiên Chúa muốn chúng ta đặt trọn vẹn
tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa,
Ngài sẽ ban cho con người.
(5)
Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn
cho chúng. Nếu chúng có giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ
quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ
quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Tất cả
những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối
liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng
giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan
phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và sợ nguy hiểm là những lý do khiến
chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người
luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối
xử với tha nhân.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
21/05/16 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Th. Ki-tô-pho-rô Ma-ga-la-nê
Mc 10,13-16
Th. Ki-tô-pho-rô Ma-ga-la-nê
Mc 10,13-16
Suy niệm: .Có nhiều phương thế để lên thiên đàng: tử đạo, ẩn tu, làm việc tông đồ, bác ái… và cũng có một cách giản dị để đạt tới Nước Trời là có tâm hồn trẻ em, cách của thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giêsu. Ngài trở thành chứng nhân và mẫu gương sống động cho chúng ta trong việc áp dụng Lời Chúa hôm nay. Nói là giản dị nhưng thực ra phương thế này đòi hỏi con người phải đấu tranh quyết liệt để chống lại thói kiêu ngạo, cậy mình, ích kỷ, tự mãn, vô cảm…. Tính đấu tranh lúc này mãnh liệt tựa như đứa trẻ khóc thét lên đòi bú sữa mẹ vậy, một hành động đòi hỏi chính đáng đối với em, nhưng có thể không thích hợp với người lớn. Trẻ em đâu có gì để từ bỏ; thế nên từ bỏ là làm cho mình trở thành không có gì giống như trẻ em chỉ trừ nhìn nhận mình là thấp hèn, hư không trước mặt Chúa và một niềm khát vọng mãnh liệt là đạt được tất cả trong Thiên Chúa. Vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 62,2).
Mời Bạn: Có kẻ xin Gandhi tóm gọn đời mình bằng một câu không quá ba đặc điểm. Ông bảo đó là: “từ bỏ và vui hưởng” cuộc sống. Thái độ an bình vô tư lự và vui hưởng cuộc sống là đặc điểm tự nhiên của một trẻ nhỏ. Còn người “trẻ thơ trưởng thành” đạt đến sự an nhiên tự tại đó qua một quá trình chiến đấu từ bỏ để siêu thoát khỏi mọi ràng buộc thế tục và hướng tới Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Mỗi lần xưng tội tội hãy quyết tâm từ bỏ một thói xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn hồn mẫn cảm trước những đòi hỏi giản dị nhưng chính đáng để hướng tới Nước Trời.
Ngài ôm các trẻ em
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa. Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ, bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Suy
niệm:
Bài
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.
Chắc
các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.
Đó
có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.
Những
người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.
Họ
đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.
Họ
không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.
Điều
họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).
Một
cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.
Họ
mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.
Ơn
phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.
Thầy
Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng
các môn đệ lại không nghĩ như vậy.
Họ
nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.
Vả
lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.
Bởi
vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.
Nói
chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).
Khi
thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.
Chắc
Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,
sao
các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).
Đây
là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.
Trẻ
em có chỗ trong trái tim Giêsu.
Thầy
Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.
Ngài
không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.
Chúng
ta chẳng những không được ngăn cản,
mà
còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng
ta là cha mẹ, là thầy của các em,
nhưng
mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.
“Vì
Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).
Chúng
ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.
“Ai
không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,
thì
sẽ chẳng được vào” (c. 15).
Như
thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,
nghĩa
là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,
đón
lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.
Hãy
nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).
Hãy
nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.
Thầy
chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.
Thầy
còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.
Rõ
ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.
Thế
giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.
Bao
trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,
bị
thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Bao
trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.
Bao
trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.
Nhất
là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ
và
dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.
Hãy
giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.
Hãy
đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu
và
gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).
Cầu
nguyện:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin
Cha nhìn xuống
những
gia đình sống trên mặt đất
trong
những khu ổ chuột tồi tàn
hay
biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những
gia đình thiếu vắng tình yêu
hay
thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những
gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay
vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin
Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì
chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những
trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những
trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những
trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những
trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21
THÁNG NĂM
Di
Sản Của Chúng Ta
Đức
Kitô nói với các Tông Đồ về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy cho anh em mọi sự và
sẽ nhắc anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em.” Giáo huấn tông
truyền của Giáo Hội luôn luôn bắt rễ trong sự hiện diện năng động của Thần Khí
sự thật. Chính Thánh Thần bảo đảm cho chân lý của Tin Mừng. Ngài canh giữ để đảm
bảo rằng Giáo Hội sẽ chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tất cả những gì
Giáo Hội đã nghe được từ Đức Kitô.
Trong
vai trò bảo vệ và hướng dẫn sự phát triển của truyền thống, Chúa Thánh Thần
chính là nguồn mặc khải vô hình đối với Giáo Hội. Ngài sẽ “nhắc cho anh em nhớ”
– như lời Đức Giêsu nói. Truyền thống là di sản của chúng ta. Truyền thống là
“sự nhớ lại” tất cả những gì Đức Kitô đã nói với Giáo Hội: đó chính là toàn bộ
di sản mặc khải và đức tin.
“Thánh
Truyền và Thánh Kinh gắn bó mật thiết với nhau và liên lạc với nhau. Cả hai đều
xuất phát từ cùng một nguồn mạch thần linh, vì thế – một cách nào đó – cả hai nối
kết với nhau để tạo thành một thực thể và chuyển động về cùng một mục đích” (Hiến
Chế MK 9). Trong Truyền Thống và trong Thánh Kinh, chúng ta gặp thấy sự hiện diện
của Đức Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành – một sự hiện diện xuyên suốt bao thế kỷ.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
21-5
Thánh
Christôphôrô Magallanes, linh mục
Và
các bạn tử đạo
Gc
5, 13-20; Mc 10, 13-16
Lời
suy niệm: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”
Chúa
Giêsu đặc biệt yêu thương các trẻ em; bởi vì các em có tâm hồn đơn sơ, trong trắng,
chưa lây nhiễm sự tính toán như người lớn, các em có cái nhìn đầy tin tưởng và
trong sáng nơi cha mẹ của mình, các em có một sự âu yếm với những người gần bên
hằng yêu thương các em; sj âu yếm của các em thể hiện với con tim bằng thịt, chứ
không phải bằng đá; Các em còn có khả năng khóc và cười một cách hồn nhiên, tự
nhiên không giả tạo. Trong khi đó người lớn chúng ta lại bị chận lại vì sự
không thành thật.
Lạy
Chúa Giêsu, vì tất cả những lý do đó, Chúa đã mời gọi các môn đệ của Chúa đừng
ngăn trở trẻ em đến với Ngài. Xin Chúa cho chúng con học những nét đẹp nơi các
trẻ em để chúng con ngày sau được ở trong Nước Trời với Chúa.
Mạnh
Phương
21
Tháng Năm
Ðôi Cánh Con Tuấn Mã
Hai
người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn
về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người
có dáng vẻ đầy nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: "Một cảnh
vật phẳng lặng và độc điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ
ngôi làng nhỏ bé này để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây".
Người
bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung
quanh rồi nói: "Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại
không biết bao nhiêu nơi rồi".
Hai
người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau
nghe những cuộc du lịch của mình.
Sau
một năm, họ lại gặp nhau... người thứ nhất kể chuyện: "Trong một năm qua,
hầu như nơi nào tỗimcung đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt
đèo, qua suối. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết
kiếm được nhiều tiền... Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch...
Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?".
Người
bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: "Tôi đã lên trời, tôi
đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời". Nghe thế,
người kia thắc mắc: "Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?". Con
người có tâm hồn thi sĩ trả lời: "Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh.
Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ
công của vũ trụ. tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên... Ðối với
anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là
đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ
này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng
tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe
được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh không thể nghe được".
Người
có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng
nghe được những điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi
mắt Ðức tin cod thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt
Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa
trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta
thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày.
Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người
đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng
ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội
lỗi.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét