04/09/2015
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
22 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 15-20
"Mọi
vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Ðức
Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật, vì
trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình
và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi
vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và
mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể, tức là Hội thánh, là
nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì
chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao
hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên
Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào trước
thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
Xướng:
1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm
vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2)
Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc
quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3)
Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui,
hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4)
Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng
trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia:
Cl 3, 16a và 17c
Alleluia,
alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ
Ðức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 5, 33-39
"Khi
tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn
đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái
cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?" Người đáp lại rằng:
"Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân
lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ,
bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy".
Người
còn nói với họ thí dụ này rằng: "Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo
cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ.
Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da,
rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ
được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta
nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn' ".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Dứt Khoát Tận Căn
Kỷ
luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người
khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân
giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy
giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các
môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước
hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc
chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong
đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy
chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy
khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi
người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa;
thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui
mừng hoan hỉ.
Dụ
ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải
giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá
vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu
không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so
sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có
thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được
Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời:
"Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm
cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu
cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con
người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống
hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng
ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng;
đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là
thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo
lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng
được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi
hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin
Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa
với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Sáu Tuần 22 TN1
Bài
đọc:
Col 1:15-20; Lc 5:33-39.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần
biết trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình.
Tin
như nào sẽ sống như vậy. Ví dụ, nếu một người chỉ tin vào truyền thống của cha
ông, họ sẽ chống lại tất cả những học thuyết mới lạ, vì chúng có thể đe dọa đức
tin của họ. Tuy nhiên, các tín hữu cần tìm hiểu sự thật của những gì mình tin,
để họ có thể trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của họ. Khi không trả lời
được những câu hỏi do các lạc thuyết đề ra, nhiều người có đức tin yếu kém sẽ dễ
chạy theo những lạc thuyết đó.
Các
Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh vào sự hiểu biết của niềm tin. Trong Bài Đọc I, tác
giả nhắc nhở các tín hữu phải nắm vững đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức
Kitô, để có thể tránh được những ngụy thuyết chung quanh luôn đe dọa con người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của các kinh-sư và biệt-phái về
quan niệm ăn chay và cầu nguyện của họ. Mục đích của việc ăn chay cầu nguyện là
để con người sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và thương yêu tha nhân, chứ
không phải để được khen ngợi, để chu toàn Lề Luật, hay vì bất kỳ lý do nào
khác. Nếu các môn đệ đang có Thiên Chúa ở bên cạnh, họ không cần phải ăn chay.
Họ sẽ ăn chay cầu nguyện khi Đức Kitô bị cất đi khỏi họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.
1.1/
Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời: Col 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong
lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô,
Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống
lại chủ thuyết Thuần Tri Thức (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc
gia Hy-lạp. Một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy cho thấy sự đối nghịch
hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri Thức.
(1)
Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của
Thiên Chúa vô hình: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn 14:9). Chủ thuyết Thuần
Tri Thức cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa
vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn
không lệ thuộc vật chất.
(2)
Đức Kitô là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự không
ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên
Chúa tạo dựng bằng cách phán: "Hãy có!" tức thì mọi vật liền có. Do
Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo
thành (Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri Thức không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới,
mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa.
(3)
Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của
Thiên Chúa: "Tất cả đều tồn tại trong Người." Thuyết Thuần Tri Thức
cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.
1.2/
Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.
(1)
Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho
con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự
phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri Thức cho con người được giải
thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt
và bí mật mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.
(2)
Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người
bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có
được sự bình an.
Thuyết
Thuần Tri Thức không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không
thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.
2/
Phúc Âm:
Tại sao môn đệ ông không ăn chay, cầu nguyện?
2.1/
Họ trách môn đệ Chúa Giêsu không năng ăn chay cầu nguyện. Họ nói với Người:
"Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisees cũng thế,
còn môn đệ ông thì ăn với uống!"
Đức
Giêsu trả lời họ: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn
chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới
ăn chay." Qua câu trả lời, Người muốn nhắn nhủ họ làm việc gì cũng phải có
lý do, thời gian, và nơi chốn. Ăn chay, cầu nguyện là để con người sống gần gũi
với Thiên Chúa, và bớt lệ thuộc vào vật chất. Các môn đệ của Ngài không cần phải
ăn chay lúc này, vì họ đang có Thiên Chúa là chính Ngài. Khi nào Ngài xa lìa họ,
bấy giờ họ mới ăn chay. Ăn chay, cầu nguyện phải bày tỏ tâm hồn thống hối bên
trong, chứ không phải những việc làm bên ngoài để lấy tiếng khen, hay lấy làm
tiêu chuẩn để phán xét người khác có đạo đức thành thật hay không!
2.2/
Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải mới của Đức Kitô: Những người biệt-phái
và kinh-sư khó có thể chấp nhận những giảng dạy của Đức Kitô, vì trí óc của họ
đã quá quen với Lề Luật và lối sống vụ hình thức bên ngoài. Để có thể tiếp nhận
những giảng dạy mới lạ của Đức Kitô, họ cần thay đổi cách nhìn về việc giữ đạo.
Để họ nhận ra sự quan trọng của việc cần có một tinh thần cởi mở để lãnh nhận
giảng dạy mới của Thiên Chúa, Đức Giêsu còn kể cho họ nghe một số các dụ ngôn:
(1)
"Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới,
mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ." Không ai dại dột đến độ
không chịu mặc áo mới, mà lại xé ra lấy vải để vá vào áo cũ. Nếu làm như vậy,
người đó sẽ là người không bình thường, và miếng vá sẽ càng ngày càng tệ hơn
sau mỗi lần giặt.
(2)
"Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu,
sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới." Rượu mới
có nồng độ mạnh hơn nên dễ làm căng thẳng bầu da cũ; vì thế, để tránh việc nứt
bầu da và phí rượu, rượu mới phải được đổ vào bầu da mới.
(3)
Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ
ngon hơn." Các kinh-sư và biệt-phái là những người cố gắng bảo thủ các
truyền thống của cha ông. Họ bị Chúa Giêsu ví là những người thích uống rượu cũ
vì cho rượu cũ ngon hơn. Có một phần sự thực trong đó; nhưng đồng thời họ cũng
phải biết mở lòng đón nhận những điều hay của các mặc khải và dạy dỗ mới đến từ
Chúa Giêsu. Để có thể tiếp nhận những dạy dỗ của Ngài, họ phải thay đổi thái độ
"truyền thống quá khích," họ mới có thể hiểu được những gì Chúa muốn
nói.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết niềm tin của mình; nếu không đức tin của
chúng ta dễ bị lung lay bởi các lạc thuyết hay khi người khác chất vấn niềm tin
của chúng ta.
-
Biết cắt nghĩa niềm tin rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho những
người chúng ta có trách nhiệm. Nếu không được giải thích thỏa đáng, con người dễ
đánh mất niềm tin.
-
Chúng ta phải biết gìn giữ các tinh hoa của truyền thống, nhưng cũng cần biết mở
lòng đón nhận những cái mới của thời đại và hoàn cảnh.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
04/09/15 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
SONG HỶ VỚI CHÀNG RỂ GIÊ-SU
Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể
bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)
Suy niệm: Người ta không ăn chay trong đám cưới, không nhậu nhẹt trong đám tang,
không lang thang nơi chiến trận, không hờn giận trong ngày vui, không lui cui
khi khẩn cấp, không hấp tấp khi gặp việc hệ trọng… Có những điều thật bình
thường trong cuộc sống, theo lẽ thường tình ai cũng cư xử như vậy. Vậy mà lại
xảy ra điều trái khoáy là nhiều Ki-tô hữu đang sống với chàng rể là Đức Ki-tô,
nhưng với bộ mặt đưa đám! Do đâu mà cuộc đời bạn u ám như sương mù Đà Lạt? Do
mây mù bệnh tật, thất bại trong công ăn việc làm, “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong
đời sống vợ chồng con cái ư? Do chán nản buồn phiền vì cuộc sống đơn điệu không
lý tưởng ư? Đức Giê-su là chàng rể đem niềm vui bất tận, là người thầy chỉ dạy
lý tưởng sống cao đẹp, là người anh sống thân tình với đàn em. Tin vào lời Ngài
và chọn sống theo Ngài, mây mù nào cũng sẽ tan, niềm vui sẽ luôn ngự trị trong
tâm hồn và gia đình chúng mình.
Mời
Bạn: - “giải toả” nỗi buồn đang
che phủ tâm hồn bạn bằng việc thanh tẩy tâm hồn; - “qui hoạch” tâm hồn bằng lý
tưởng cao đẹp của thầy Giê-su; - “trang trí nội thất” tâm hồn bằng mối tình tâm
giao với Ngài; và bạn còn đợi gì mà không “đưa chàng rể Giê-su về dinh”?
Chia
sẻ: Nỗi buồn
nào đang ngự trị tôi và gia đình tôi? Làm gì để giải toả?
Sống
Lời Chúa: Rước lễ và đọc kinh gia đình mỗi ngày để Đức
Giê-su luôn hiện diện trong gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, cuộc đời chúng con bị bao lớp mây mù đau buồn che phủ. Xin Chúa đến và
ở lại với chúng con để gia đình chúng con luôn tràn ngập niềm vui của Chúa.
Chàng rể ở với họ
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi
thách đố. Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Suy niệm:
Sau khi Lêvi, người thu
thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc
khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng
nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả
với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của
nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị
mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không
có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của
Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn
chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với
uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái
giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của
nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn
các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại
ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể
còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu
các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn
và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống
hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không
khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao
giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được
niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều
mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không
phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi
tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người
thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui
khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các
môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm
vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm
vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà
lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của
người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của
chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với
chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn
trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ
giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như
hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia
vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh
làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh
phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh
được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải
cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô
hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi
khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông
trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian
dài,
con như mảnh đất khô khan
cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng Chín
4
THÁNG CHÍN
Cắm
Rễ Thâm Sâu Trong Thiên Chúa
Ý
nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh
Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô:
“Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức
thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như
vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều
đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động
trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho
chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức
Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực
từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ
dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ
sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện
xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái
tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài
là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim
nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
04-9
Cl
1, 15-20; Lc 5, 33-39.
LỜI
SUY NIỆM: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo củ, vì như vậy, không những họ xé
áo mới, mà miếng vải mới cũng không ăn với áo cũ” (Lc 5,36).
Chúa
Giêsu đưa dụ ngôn này; chúng ta phải biết suy nghĩ, để rồi nhận định mà sống.
Thường thường, khi sắm cái mới là để thay thế cái đã cũ. Nếu chúng ta chứa chất
cái cũ, nó sẽ choáng chỗ cái mới. Những cái đã dùng đi dùng lại nhiều lần và đã
cũ thì cần phải tìm ra cái mới để thay thế, khi đã khám phá ra cái mới thì cần
làm ngay và tập làm cho nhuần nhuyễn. Chứ đừng ngại cái mới để rồi cứ ôm cái cũ
cả đời. Trong đời sống Đức Tin, trong cầu nguyện. Chúng ta không thể mãn nguyện
những cái mà mình đã biết, đã quen làm. Nhưng phải luôn học hỏi, càng học hỏi
Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều mới lạ về tình yêu của
Thiên Chúa để chúng ta sống tốt hơn.
Mạnh
Phương
04
Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo
khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để
hành động.
Chúng
ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ
hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người
ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài
của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh
để qua đường.
Quan
sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất
bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc
không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ,
thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ
băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không
nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối
với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà
là gương của người khác.
Trong
cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động,
không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo
gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường
của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động
cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu
người làm theo.
Không
ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người
khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một
chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một
hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng
với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật
thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế
gian".
Ước
gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của
phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức
trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người
khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự
Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến
với Ngài.
Lẽ sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét