06/09/2015
Chúa Nhật 23 Quanh
Năm Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật XXIII Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Chủ đề:
TIN VÀO CHÚA
ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHỮA VÀ PHỤC HỒI
TIN VÀO CHÚA
ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHỮA VÀ PHỤC HỒI
“Đức Giêsu làm cho kẻ điếc được
nghe
và kẻ câm nói được”
(Mc 7,37)
và kẻ câm nói được”
(Mc 7,37)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Lời
Chúa hôm nay nói đến việc Thiên Chúa ra tay cứu thoát con người trong khi họ
gặp tình cảnh bất hạnh và bi đát nhất, qua đó giúp họ nhận ra ân huệ Thiên Chúa
và bắt đầu một đời sống mới trong chương trình cứu độ của Người.
1. Bài đọc I (Is
35,4-7a):
Bài
đọc I hôm nay thuộc phần Isaia đệ I (chương 1-39), được đặt trong bối cảnh
Israel đang gặp thử thách trầm trọng vì phải sống dưới ách thống trị của ngoại
bang và phải đi lưu đày ở Babylon do họ đã bất trung với Thiên Chúa. Thê thảm
hơn, họ đã đánh mất niềm tin và không còn niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Một khi
rơi vào hoàn cảnh như thế, họ nản lòng đến sợ hãi vì tương lai quá mịt mù trước
sự thắng thế của quân thù. Tình trạng bi đát này hoàn toàn đi ngược lại ý định
ban đầu của Thiên Chúa dành cho họ.
Trong
tình cảnh buồn thê thảm đó, ngôn sứ Isaia đã đến loan báo tin vui cho họ. Ông
đã gieo vào lòng họ niềm tin và hy vọng của thời Thiên Sai, kêu gọi họ đừng sợ
vì thử thách sắp kết thúc, đời sống của họ sẽ được phục hồi vì đã đến thời
Thiên Chúa đến để thưởng phạt công minh: kẻ thù sẽ bị trừng phạt và dân chúng
sẽ được cứu. Tin vui này được diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể: mắt người mù
được mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò.
Như thế, những người bất hạnh, tượng trưng cho tình trạng của Israel bấy giờ,
sẽ được chữa lành, phục hồi và tìm lại được niềm vui. Tin vui mà ngôn sứ Isaia
loan báo cho dân Israel này sẽ được chính Đức Giêsu thực hiện trọn vẹn như được
thuật lại trong bài Tin Mừng.
2. Bài đọc II (Gc
2,1-5):
Bài
đọc II cho thấy một tình trạng bi đát khác của một số người trong cộng đoàn
Kitô giáo tiên khởi. Tình trạng bi đát này không phải do kẻ thù ngoại bang gây
ra như đối với Israel cũ được đề cập ở trong bài đọc I, mà do chính những người
anh em khác trong cộng đoàn tạo nên. Cụ thể là một số cộng đoàn Kitô hữu thời
đó có thói quen đối xử thiên tư khi dành chỗ ưu tiên cho người giàu mà lại bỏ
quên người nghèo trong khi hội họp và tham dự Nghi lễ Bẻ Bánh. Chính thánh Phaolô
cũng lên án điều này trong các thư của Ngài (x. 1Cr 11,17-22). Trong bài đọc
II, thánh Giacôbê lên án thói quen đó, vì đi ngược với tinh thần của Đức Kitô.
Không thể để cho người nghèo bị chà đạp phẩm giá, vì chính họ là những người
được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn.
Ngay
trong cộng đoàn Kitô hữu, vẫn có sự thiên tư và đánh giá con người theo tiêu
chuẩn bên ngoài, nhất là phân biệt giàu nghèo trong việc đóng góp vật chất để
xây dựng cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và gây ra
sự mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Chúng ta chỉ khắc phục được quan niệm và cách
hành xử sai lầm này bằng con mắt đức tin để thấy được rằng Thiên Chúa đã chọn
những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, nhưng họ lại giàu đức tin và yêu mến
Thiên Chúa hết lòng, để trao cho họ sự giàu có đích thực đó là nguồn ơn cứu độ
tràn đầy.
3. Bài Tin Mừng (Mc
7,31-37):
Theo
thánh Máccô, sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu bao gồm việc công bố Tin Mừng Nước
Thiên Chúa, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, được trình bày qua “một ngày mẫu của
Đức Giêsu tại Caphácnaum” (Mc 1,21-34). Do đó, chữa lành bệnh tật là một phần
căn bản trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện
Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa câm trong vùng đất dân ngoại. Phép lạ
này mang tính biểu tượng vì không đơn thuần là việc chữa lành bệnh tật về thể
lý mà là về tinh thần. Quả thật, khi thuật lại việc chữa lành này, Máccô liên
hệ đến sự câm điếc đức tin của con người: không thể nhận ra những dấu chỉ thời
Thiên Sai, qua việc chữa lành bệnh tật, làm cho “kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói
được” như được đề cập trong sách Isaia. Như thế, qua việc Đức Giêsu chữa lành
khiến cho người ta kinh ngạc này (Mc 7,37), ai có con mắt đức tin sẽ nhận ra
Người là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa.
Cử chỉ
Đức Giêsu đặt ngón tay vào tai và bôi nước miếng vào lưỡi mang tính tượng trưng
chứ không phải là ma thuật. Theo Kinh Thánh, ngón tay Đức Giêsu đặt vào lỗ tai
tượng trưng cho ngón tay quyền năng của Thiên Chúa (x. Xh 8,15; Lc 11,20) và
nước miếng Đức Giêsu bôi vào lưỡi tượng trưng cho “hương vị khôn ngoan” và “hơi
thở sự sống” của Thiên Chúa (trong nước miếng có hơi thở). Mỗi khi được chữa
lành “mở tai ra” (Mc 7,45a) như thế, người ấy sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng cứu
độ của Đức Giêsu; và mỗi khi “anh ta được tháo gỡ” và “nói được rõ ràng” (Mc
7,35b), người ấy có thể loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho mình
và nhất là loan báo sứ điệp Tin Mừng mà mình đã được “mở tai” để nghe cho người
khác.
Ngoài
ra, kẻ vừa điếc vừa ngọng này cũng tượng trưng cho các tông đồ đang bước theo
Đức Giêsu. Họ đã theo Đức Giêsu một thời gian dài, đã nghe nhiều lời Người
giảng dạy và chứng kiến bao việc Người làm, nhưng họ vẫn chưa nhận ra căn tính
Mêsia của Đức Giêsu và vì thế, làm sao hiểu được bản chất sứ vụ tông đồ của
mình. Điều này được Máccô ám chỉ trước đó ít lâu (Mc 7,18a) và sau đó lặp lại
lời trách một lần nữa (Mc 8,17-18). Bên cạnh, kẻ vừa điếc vừa ngọng thể lý này
cũng tượng trưng cho phần đông dân chúng đã theo Đức Giêsu nhưng cách nào đó
đang điếc và ngọng về mặt tinh thần. Vì thế, cần phải để cho Đức Giêsu đụng
ngón tay vào tai, vào lưỡi và ra lệnh “Epphatha – hãy mở ra” để được chữa lành,
hầu có thể “lắng nghe” sứ điệp Tin Mừng và rồi có thể “nói” sứ điệp ấy cho
người khác.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên
Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.” Dù gặp hoàn cảnh bi đát hay
tình trạng thê thảm đến mức nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng có thể được
Thiên Chúa trợ giúp nếu không đánh mất niềm tin và hy vọng vào Người. Bên cạnh,
trong mọi nơi và mọi thời, Thiên Chúa vẫn gửi đến cho chúng ta những trung gian
để cũng cố niềm tin và gieo rắc hy vọng vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Trước mọi cảnh huống của cuộc đời, tôi có niềm tin và hy vọng vào Chúa như thế
nào?
2. “Không phải Thiên Chúa chọn người
nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước
Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?” Trong cộng đoàn Kitô
giáo, khi chúng ta sống thiếu xây dựng đời sống chung, so kè hơn thiệt, thiếu
bác ái với người khác, dựa quyền cậy thế phân biệt đối xử giàu và nghèo, là
chúng ta gây đau khổ, mâu thuẫn và chia rẽ lẫn nhau. Trong Tông huấn Niềm
Vui của Tin Mừng, ĐGH Phanxicô dạy chúng ta rằng đối với Hội Thánh,
việc chọn yêu thương người nghèo là một loại chọn lựa thần học, chứ không phải
là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học. Bên cạnh, người
nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta: về cảm thức đức tin, về thông phần với Ðức
Kitô chịu đau khổ, về cách nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ (x.
s. 198). Tuy nhiên, ĐGH đau lòng nhận định rằng người nghèo chưa được chăm sóc
tinh thần đúng mức (x. s. 200). Chúng ta suy nghĩ phản tỉnh gì về những lời
này?
3. “Người
đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào
lưỡi anh ta để được chữa lành”. Chúng ta có can đảm để cho Đức
Giêsu “đụng chạm” vào con người và cuộc đời của ta để Người phục hồi khả năng
“nghe” của đôi tai và “nói” của miệng lưỡi về mặt tinh thần chúng ta hay không?
Chúng ta có muốn để Đức Giêsu chữa lành khỏi “điếc” để có thể “nghe” được Sứ
điệp Tin Mừng, bao gồm các lời cảnh tỉnh nhưng cũng chứa đựng đầy những lời
chân lý, hy vọng và yêu thương, và khỏi giả điếc làm ngơ trước những bất công
của xã hội? Chúng ta có sẵn lòng cho Đức Giêsu “mở miệng” để chúng ta có thể
“lên tiếng” bảo vệ sự thật và công lý; hoặc “nói” lời hay lẽ phải, lời đem lại
bình an, thuận hòa, lời an ủi và nâng đỡ nhau, lời có tính xây dựng đời sống cá
nhân và cộng đoàn?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến!
Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã chữa lành những bệnh tật hồn xác của con
người, giúp chúng ta nhận ra hồng ân cứu độ của Người và bắt đầu một đời sống
mới. Cộng đoàn chúng ta hãy chân thành cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin cho mọi
người được sống trong ân sủng.
1. Hội
Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô. Xin cho các vị chủ
chăn trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, luôn yêu thương giúp đỡ mọi
người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật, hầu đưa họ đến gần Thiên Chúa.
2. Đức
Giêsu là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Xin cho các dân
tộc và những ai chưa đón nhận Tin Mừng, được ơn tin nhận Chúa Giêsu là Đấng duy
nhất cứu độ trần gian, thực thi lời Người truyền dạy hầu xứng đáng lãnh nhận ơn
cứu độ.
3. Thiên
Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành. Xin Chúa thương đến những người đang gặp đau
khổ thể xác và tinh thần, mở tai để họ lắng nghe và nhận biết ý Chúa, mở miệng
để họ luôn cao rao ngợi khen Chúa giữa những nghịch cảnh của cuộc đời.
4. Thờ ơ
trước sứ điệp Tin Mừng là một hình thức câm điếc thiêng liêng. Xin cho mọi
người, mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta, không chỉ biết lắng nghe mà còn
tích cực sống Lời Chúa bằng một đời sống yêu thương phục vụ và quảng đại chia
sẻ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha
toàn năng, Con Chúa giáng trần đã chữa lành và thi ân cho mọi người. Xin thương
nhậm lời chúng con cầu nguyện, giúp chúng con luôn thực thi ý Chúa và ca tụng
Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con. Amen.
SCĐ CHÚA NHỰT XXIII TN B
Chủ
đề :
Chúa cứu chữa
những khuyết tật của chúng ta
những khuyết tật của chúng ta
"Ngài đặt ngón tay vào lỗ tai anh"
(Mc 7,33)
(Mc 7,33)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Is
35,4-7a) : Ngôn sứ Isaia tiên báo rằng Đấng Messia sẽ làm cho người điếc
được nghe, người quẻ được đi và người câm nói được.
- Tin Mừng (Mc
7,31-37) : Đức Giêsu cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể
chuyện Đức Giêsu cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Về mặt thiêng liêng,
chúng ta cũng điếc và ngọng, vì tai chúng ta chưa biết lắng nghe Lời Chúa cho
đủ và miệng lưỡi chúng ta chưa biết ca tụng Chúa cho xứng. Chúng ta hãy tha
thiết xin Chúa cứu chữa chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Người công giáo Việt Nam
chúng ta quen đọc kinh nhưng chưa quen đọc và suy gẫm Lời Chúa.
- Trong khi cầu nguyện,
chúng ta thường xin Chúa ban ơn, nhưng ít khi biết ca tụng Chúa.
- Trong bài đọc II hôm nay,
Thánh Giacôbê chỉ trích những kitô hữu coi trọng người giàu và khinh rẽ người
nghèo. Phải chăng lời công kích ấy cũng đúng cho chúng ta ?
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 35,4-7a)
Chương 35 sách Isaia là
những lời an ủi dân do thái đang sống kiếp lưu đày khổ sở. Bằng những hình ảnh
rất cụ thể, Isaia mô tả ơn giải thoát Chúa sẽ ban cho họ : người điếc nghe
được, người què đi được, người câm nói được. Dĩ nhiên đây chỉ là những hình ảnh
được mượn để nói đến những ơn cao trọng hơn : điếc, què và câm là tình
trạng khốn khổ của con người bị tước mất những khả năng tự nhiên ; nghe,
đi và nói là tình trạng được ơn Chúa phục hồi.
Điều Isaia tiên báo sẽ được
Đức Giêsu thực hiện.
2. Đáp ca (Tv 145)
Thánh vịnh này mang cùng nội
dung với bài đọc I, nghĩa là nói về ơn giải thoát của Thiên Chúa. Nhưng tác giả
Thánh vịnh xử dụng những hình ảnh khác hơn : xử công minh cho người bị áp
bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng người tù tội, mở mắt kẻ mù lòa
v.v.
3. Tin Mừng (Mc 7,31-37)
Phép lạ này có nhiều ý nghĩa
biểu tượng :
- Diễn ra "giữa miền
Thập Tỉnh", nghĩa là miền đất lương dân.
- Nạn nhân là một người câm
và điếc, tức là một người mất khả năng tương giao với kẻ khác : người ta
nói thì anh không nghe, anh muốn nói cho người ta nghe cũng không được.
- Lúc chữa bệnh, Đức Giêsu
nói Epphata (Hãy mở ra), tiếng này ngày nay được phụng vụ dùng lại trong bí
tích Rửa tội. Khi đọc câu đó, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người
thụ tẩy.
4. Bài đọc II (Gc 2,1-5)
(Chủ đề phụ)
Thánh Giacôbê khuyên tín hữu
đừng đối xử thiên vị coi trọng người giàu và coi khinh người nghèo. Ngài còn
lưu ý rằng Thiên Chúa ưu ái người nghèo.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Ơn ban nghe được và nói
được
Nghe và nói là khả năng rất
quan trọng của con người.
- Ai không nghe được hoặc
nghe không rõ thì thường trở thành trò cười cho người khác, bởi vì không hiểu
đúng ý người nói cho nên trả lời hoặc phản ứng thường sai lệch. Bởi vậy những
người khiếm thính thường rút lui vào sự im lặng và cô đơn.
- Nói là khả năng giúp con
người giao tiếp và là phương tiện chủ yếu được dùng trong giao tiếp. Người kém
khả năng này cũng dễ thành trò cười cho thiên hạ.
Cho nên nghe được và nói
được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Việc Đức Giêsu chữa cho một
người câm điếc hôm nay không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà cũng có ý nghĩa
đối với chúng ta. Có ý nghĩa không phải vì chúng ta câm điếc, mà vì chúng ta
được Chúa ban cho hai khả năng quý báu đó. Tuy nhiên nhận được hai ơn ban ấy
không hẳn là chúng ta biết xử dụng đúng hai ơn ban ấy. Trong chúng ta, nhiều
người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt
nhưng không biết nói những điều đáng nói. Cho nên cả chúng ta ta nữa cũng cần
được Đức Giêsu chữa trị.
Nghe được mọi chuyện nhưng
lại không nghe được Lời Chúa thì cũng như điếc. Nói đủ thứ chuyện nhưng không
biết tuyên xưng lòng nhân lành của Chúa thì cũng kể như câm.
2. Mê tín trong đạo
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay
kể chuyện Đức Giêsu làm phép lạ cứu chữa cho một người khỏi tật câm và điếc. Có
một vài chi tiết trong câu chuyện này đáng chúng ta lưu ý, đó là :
. Khi chữa trị cho người
này, CG đã đưa anh ta ra khỏi đám đông và kín đáo làm phép lạ chữa trị cho anh.
. Và sau khi anh ta đã khỏi
bệnh rồi, CG còn cấm anh không được nói lại điều đó với ai khác.
Tại sao CG cư xử như
vậy ? Thưa vì CG không muốn đám đông ồn ào biết đến phép lạ này. Nếu biết,
họ sẽ ồn ào đổ xô theo Chúa, nhưng theo như vậy không phải vì tin cho bằng vì
óc hiếu kỳ, vì muốn được lợi lộc.
Con người ta rất dễ bị kích
động vì những chuyện lạ thường. Khi nghe nói chỗ nào có Đức Mẹ hiện ra thì
người ta ùn ùn kéo đến. Nhưng thử hỏi, những người đổ xô đi tới những nơi nghe
đồn có chuyện lạ thường ấy, họ đi đến đó vì động lực nào thúc đẩy ? Chắc
không phải vì lòng đạo đức chân thật, không phải vì đức tin chân chính, cho
bằng vì óc hiếu kỳ muốn thấy chuyện lạ, và vì óc vụ lợi muốn được khỏi bệnh...
Một hành động không vì niềm tin chân chính mà vì óc hiếu kỳ và tính vụ lợi rất
dễ đưa tới mê tín dị đoan. Mà mê tín dị đoan thì làm lu mờ đức tin chân chính,
làm méo mó sai lệch bộ mặt của đạo giáo.
Rất may là trong đạo Công
giáo chúng ta tương đối ít có những chuyện mê tín dị đoan. Đó là nhờ chúng ta
có giáo lý vững chắc, có luật cấm mê tín dị đoan và thường được Giáo hội thường
xuyên chỉ dạy nhắc nhở. Tuy nhiên, tương đối ít hơn nơi các đạo khác thôi, chứ
không phải là hoàn toàn không có. Thỉnh thoảng vẫn có những người công giáo đi
coi bói, đi xin bùa... Những người ấy đã làm những việc mê tín dị đoan đó trong
những hoàn cảnh nào ? Thường là :
. Khi có người thân bị bệnh
nặng : chữa trị bằng thuốc men không thấy hết, người ta quay sang các thầy
bùa thầy ngãi.
. Hay khi trong nhà bị mất
tiền, mất vàng, mất đồ đạc. Người ta sốt ruột, đi coi thầy bói để mong biết
được kẻ cắp mà lấy của lại.
. Hoặc khi gặp một cơn hoạn
nạn, người ta lo sợ muốn qua khỏi nên chạy đến cần cứu với thần thánh này nọ,
người ta cúng, người ta khấn vái...
Một bà kia xưa nay vẫn giữ
đạo rất tốt. Nhưng rồi bà mắc một chứng bệnh kỳ lạ, chữa chạy nhiều cách không
khỏi. Có người nói rằng chắc là bà ta bị thư bị ếm gì đó, cần phải nhờ thầy bùa
giải dùm. Gia đình rất băn khoăn, tới hỏi ý kiến của các Cha. Các Cha khuyên
rằng đây chính là dịp để mình chứng tỏ đức tin của mình vào Chúa. Các Cha nhắc
nhở về ý nghĩa của đau khổ, về sự phó thác trong tay Chúa v.v... Nhưng người
thân của bà ấy chỉ im lặng, rồi buồn bả ra về, đưa bà ta đến thầy bùa. Rốt cuộc
bà ta cũng chết thôi. Gia đình vừa buồn vì mất một người thân, mà lại thêm mặc
cảm là mình đã phạm tội không tin tưởng trọn vẹn vào Chúa. Một người giữ đạo
tốt bấy lâu nay, thế mà trong cơn hoạn nạn cũng không đứng vững trong đức tin,
để còn chạy theo những giải pháp mê tin dị đoan như vậy, chứng tỏ cái cám dỗ mê
tín dị đoan nó mạnh đến chừng nào !
Vậy, để chúng ta có thêm sức
chống lại cái cám dỗ đó, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ một vài điểm :
. Thứ nhất : hãy tưởng
tượng mình là Chúa đi. Rồi có một giáo dân này đó đến cầu xin với ta một ơn gì
đó. Ta chưa ban ơn thì người đó đã chạy đi cầu xin với một ông thần khác, cầu
xin với ma quỷ, với thầy bói thầy bùa. Thì ta nghĩ làm sao ? Đương nhiên
là Chúa phải nghĩ rằng người này không tin Chúa, hay có tin chỉ cũng không tin
bằng tin các thầy bói thầy bùa. Nếu tôi là Chúa thì chẳng bao giờ tôi ban ơn
cho một kẻ đến cầu xin với tôi mà không tin tôi như vậy. Hãy bỏ mọi thứ mê tín
dị đoan đó đi, hãy dứt khoát với các thầy bùa thầy ngãi đi rồi đến cầu xin với
Chúa thì mới mong được Chúa ban ơn. Đừng bắt cá hai tay, rốt cuộc tay nào cũng
không bắt được cá. Chúa đã từng nói : "Không ai có thể làm tôi hai
chủ" mà.
. Điểm thứ hai : chúng
ta cũng phải nhận thức rằng tuy trong lúc bệnh tật, gian nan chúng ta lo âu
thật, nhưng bệnh tật, gian nan, đau khổ là chuyện dĩ nhiên và đương nhiên phải
có trong cuộc sống ở thế gian này. Chỉ khi nào ở thiên đàng thì mới hết những
thứ đó, còn bao lâu còn ở thế gian thì phải gặp những thứ ấy. Có thể nói chính
Chúa để cho cuộc sống ở thế gian có những thứ ấy. Để làm chi ? Để nhắc
chúng ta biết rằng thế gian chỉ là tạm bợ, là bất toàn ; thiên đàng mới là
quê hương vĩnh viễn, là nơi hạnh phúc hoàn toàn. Cho nên mặc dù chúng ta phải
cố gắng hết sức để thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi bệnh tật, thoát khỏi tai
ương... Nhưng phải ý thức rằng sẽ không thoát khỏi hoàn toàn được đâu, vì mình
vẫn còn sống ở thế gian. Phải có đức tin để ý thức được điều đó. Một Linh mục
kia đã khuyên một người đau khổ như sau : "Khi chúng ta đến than thở
với Chúa về một Thánh Giá ta đang gánh vác. thì cách đáp ứng tốt nhất của Chúa
không phải là cất thánh giá đó đi, nhưng là ban thêm sức cho ta có thể vác nổi
thánh giá đó".
Qua bài Tin Mừng hôm nay.
Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không dửng dưng trước những đau khổ của loài
người, vì thế Chúa thường làm phép lạ để cứu chữa loài người khỏi những đau
khổ. Nhưng trong lần này, Chúa đã làm phép lạ xa khỏi cặp mắt của đám đông, làm
phép lạ xong còn cấm người ta không được kể lại phép lạ đó. Ấy là vì Chúa không
muốn những phép lạ làm cho người ta sai lạc về đức tin. Chúa muốn người ta theo
Chúa vì tin thật chứ không phải vì được hưởng những chuyện lạ thường, Chúa
không muốn người ta theo Chúa vì mê tín dị đoan hay vì hiếu kỳ hoặc vì lợi lộc
vật chất.
Xin Chúa cho chúng con theo
Chúa vì thực sự tin Chúa. Xin cho đức tin chúng con được vững mạnh, nhất là
trong những lúc đau khổ, gian nan.
Báo Tuổi Trẻ có đăng bài xã
luận về "Cái lưỡi và cái tai" như sau :
Một hôm trong lúc đang ngồi
uống trà và hàn thuyên tâm sự với nhau, tự nhiên tôi thấy ông Hai Hưu Trí có vẻ
tư lự và phát biểu như sau :
- Người đời thường hay đổ
thừa mọi điều xằng bậy là do tội của "cái lưỡi không xương nhiều
đường lắt léo". Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ có cái lưỡi thì cũng chẳng
có vấn đề ! Anh cứ ngẫm lại mà coi, nếu chỉ có mấy cái lưỡi lươn lẹo, xu
nịnh thường hay múa may với nhau thì bất quá cũng chỉ làm điếc tai hàng xóm
láng giềng mà thôi. Cái lưỡi chỉ có thể làm nên những chuyện tày trời nếu nó được
hỗ trợ của những "cái tai" không biết phân biệt tốt
xấu, thật giả của mấy ông : "Nhà báo nói láo ăn tiền".
Nhưng họ lại quên không chê
mấy ông cấp trên quan liêu chỉ khoái được nghe những bài báo cáo thành tích khi
chưa kiểm tra thực hư ! Nếu chỉ chuyên có cái lưỡi thì chắc sẽ không
thể "vẽ vời" để biến một công ty đang từ tình trạng
làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho nhà nước, bỗng dưng trở
thành một công ty đang trên đà phát triển và làm ăn khấm khá. Nếu có những cái
tai thực sự ngay chính thì những lời đường mật như vậy làm sao có khả năng gây
ra biết bao thiệt hại được.
Nghe ông Hai Hưu Trí triết
lý một hồi như vậy, tôi liền thêm vào :
- Hôm nay Bác Hai nói thật
là chí lý thậm phải !
Ông Hai Hưu Trí bèn cười lên
một tiếng lớn rồi ôn tồn nói :
- Nè nhá, cũng bởi cái tai
của chú mày chỉ khoái nghe những chuyện xốc hông xiên xỏ, nên cái lưỡi của lão
già rách việc này mới có cơ hội múa may như từ nãy đến giờ, phải không chú
em ?
*
Lưỡi và tai là hai cơ quan
truyền thông của con người. Kẻ "câm và điếc" hoàn
toàn bị tước đoạt hai phương tiện cần thiết này. Lưỡi họ như bị một sợi dây vô
hình trói buộc, tai họ dường như có một cánh cửa khóa chặt. Họ không hiểu được
ai và cũng chẳng ai hiểu được họ. Có thể nói, họ bị tách khỏi thế giới bên
ngoài. Hôm nay, Đức Giêsu chữa cho một người câm điếc. Người phán :"Ép-pha-ta" nghĩa
là "Hãy mở ra " lập tức tai anh mở ra, lưỡi anh
như hết bị trói buộc (x. Mc.6,34-35).
Chẳng ai muốn mình bị điếc,
nhưng trong thực tế không thiếu người mắc bệnh này. Chúng ta bị điếc khi để
mình mất khả năng lắng nghe kẻ khác. Chúng ta bị điếc khi chúng ta nghe người
khác nhưng lại cố hiểu theo ý mình. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không
nhận thức được đúng sai, hay dở. Vậy điều quan trọng không nằm ở nơi người nói,
mà ở chỗ người nghe suy nghĩ và quyết định ra sao. Nắm được tâm lý của con
người nên hãng bảo hiểm Prudential mới chọn khẩu hiệu :"Luôn luôn
lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu".
Vì thế, chỉ nghe bằng tai
thôi không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương,
chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp
mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe.
Cần phải chọn lựa những thông tin bổ ích hữu dụng ; không gây phương hại,
vẫn đục cho tâm hồn.
Cha Mark Link có viết :
"Chúng ta không thể luôn tin vào những gì nghe bằng đôi tai, nhưng luôn có
thể tin vào những gì thấy bằng con tim của mình".
*
Lạy Chúa, xin phá đổ bức
tường thành kiến trong tâm trí chúng con, để chúng con lắng nghe được tiếng gọi
thổn thức của anh em, và tiếng thúc giục của Lời Chúa.
Xin cho chúng con đừng câm
điếc trước lời mời gọi của Chúa và tha nhân. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
4. Đừng đánh giá con người
theo vẻ bề ngoài
Những chuyện dưới đây có thể
dùng để minh họa lời khuyên của Thánh Giacôbê trong bài đọc II hôm nay :
a/ Hôm đó, một đệ tử của một
vị thiền sư đi dự một buổi lễ trở về, mặt mày hớn hở. Khi được hỏi tại sao hớn
hở như vậy, người đệ tử ấy cho biết là mọi người đều khen anh mặc áo đẹp. Vị
thiền sư ôn tồn chỉ dạy : "Con chẳng có gì để vui mừng hớn hở cả, vì
người ta khen chiếc áo đẹp chứ đâu phải khen con đẹp".
b/ Một ông nhà giàu mở tiệc
khoản đãi tất cả những người láng giềng. Cạnh nhà ông có một người rất nghèo.
Vì nễ tình hàng xóm nên người này cũng đến dự. Tuy nhiên người này nghèo nên
chiếc áo anh mặc rất là tầm thường. Khi tới cổng, anh bị các đầy tớ của người
nhà giàu không cho vào. Tức quá, anh mượn một chiếc áo rất đẹp của một người
nhà giàu khác và lại đến. Lần này, anh được mời vào tử tế. Rủi thay, đang lúc
lấy thức ăn thì một cánh tay áo rơi vào dĩa thức ăn. Lý do là chiếc áo đặc biệt
này có hai cánh tay loại tháo ráp được. Người nhà nghèo chưa quen mặc nên đã
không cẩn thận cài nút ở chỗ ráp nối. Những đầy tớ thấy vậy bảo anh nhà nghèo
mau lượm cánh tay áo lại. Nhưng anh nhà nghèo thản nhiên nhìn cánh tay áo và
nói : "Mày nằm trong dĩa thức ăn thì cứ tha hô mà ăn cho thoả thích
đi nhé, vì người ta kính trọng mày chứ đâu phải kính trọng tao".
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân
mến, thời Đức Giêsu người ta đem các thứ bệnh nhân đến để xin Chúa chữa lành,
chúng ta cũng hãy đến với Chúa với tất cả mọi lo âu và bệnh tật hồn xác, và
dâng lên Chúa lời nguyện sau đây :
1. Hội thánh ngày nay đang sống giữa đa số những
người nghèo khổ bệnh tật cả xác hồn / Xin cho mọi người trong Hội thánh
trở nên bạn của những người nghèo khổ bệnh tật / và sẵn sàng chia vui sẻ
buồn với họ.
2. Đa số các nước trên thế giới còn sống trong
tình trạng kém phát triển, chậm tiến, đói khổ và bệnh tật / Xin cho các
nhà lãnh đạo các nước kém phát triển biết thật tình quan tâm hơn đến đa số dân
còn nghèo đói và chậm tiến.
3. Chung quanh chúng ta còn nhiều người bệnh tật
cả phần xác lẫn phần hồn / mà không có ai đem họ đến với Chúa / Xin
cho họ sớm gặp được người an ủi giúp đỡ và dẫn họ đến với Chúa.
4. Trong họ đạo chúng ta còn nhiều người mắc bệnh
câm điếc thiêng liêng sợ hôn câm điếc thể xác / Xin cho họ được chữa lành
để nghe tin Chúa và ca tụng cảm tạ.
Chủ tế : Lạy Đức
Giêsu, Chúa luôn quan tâm sẵn sàng giúp đỡ mọi người đang gặp cảnh khốn khó,
xin Chúa chấp nhận những y nguyện chúng con vừa dâng lên, để mọi người nhận
biết quyền năng Chúa, và dâng lời cảm tạ tôn vinh. Chúa là Đấng hằng sống và
hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha :
Khi chúng ta đọc "Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ", chúng ta hãy xin
Chúa thương đến những người nghèo nàn, bệnh hoạn, tật nguyền…
- Sau kinh Lạy Cha :
"Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là những
chứng mù, què, câm, điếc về mặt thiêng liêng, khiến chúng con không nhìn thấy
Chúa, không hăng hái đi theo Chúa, không ca tụng Chúa và không lắng nghe tiếng
Chúa…"
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em hãy ghi nhớ một
câu Tin Mừng hôm nay : khi Đức Giêsu chữa cho người vừa điếc vừa ngọng,
Ngài nói : "Epphata", nghĩa là hãy mở ra. Sống trong tuần này,
chúng ta hãy cố gắng mở lòng, mở tai và mở rộng bàn tay để vừa đón nhận tình
yêu của Chúa vừa đón tiếp anh chị em chúng ta.
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật XXIII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 6 Tháng 9, 2015
Việc chữa lành người câm điếc
Chúa Giêsu ban trả lại cho người ta món quà
ngôn luận
Mc 7:31-37
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc
Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.
Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã
giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn
về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết
thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể
lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện
của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người
nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống
như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của
Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng
con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu
xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về
Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần
phụng vụ của Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành một
người câm điếc trong miền đất Thập TỈnh và được ca tụng bởi người dân ở
đó: “Người đã làm tất cả những việc tốt lành; thậm chí Người còn làm
cho kẻ điếc được nghe và người câm được nói!” Lời ca ngợi này được
lấy cảm hứng từ một số đoạn trong sách tiên tri Isaia (Is 29:8-19; 35:5-6;
42:7) và cho thấy rằng người ta đã thấy trong Chúa Giêsu thời đại thiên sai
đang đến. Chính Chúa Giêsu đã dùng cùng một câu nói để trả lời cho
các môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan
những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, và … kẻ điếc được
nghe” (Mt 11:4-5).
Các
Kitô hữu tiên khởi đã dùng Kinh Thánh để làm sáng tỏ và giải thích những hành
động và thái độ của Chúa Giêsu. Họ đã làm điều này để bày tỏ đức tin
của mình rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để làm viên mãn lời hứa,
và để có thể hiểu rõ hơn những gì Chúa Giêsu đã nói và làm trong một ít năm mà
Người sống ở giữa họ tại miền đất Palestine.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 7:31: Lời mô tả địa
lý: Chúa Giêsu đang ở một nơi nào đó ngoài miền Giuđêa.
Mc 7:32: Tình trạng của người đàn
ông: câm và điếc.
Mc 7:33-34: Cử chỉ của Chúa
Giêsu trong việc chữa lành người câm và điếc.
Mc 7:35: Kết quả hành động chữa
lành của Chúa Giêsu.
Mc 7:36: Lời khyên bảo phải giữ im
lặng đã không được tuân theo.
Mc 7:37: Lòng thán phục của dân
chúng.
c) Tin Mừng:
31 Khi ấy, Chúa
Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập
tỉnh. 32 Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và
xin Người đặt tay trên kẻ ấy. 33 Người đem anh ta ra khỏi
đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. 34 Đoạn
ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Êphphatha!" (nghĩa là
"Hãy mở ra!"), 35 tức thì tai anh ta mở ra, và
lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. 36 Chúa
Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng
loan truyền mạnh hơn. 37 Họ đầy lòng thán phục mà rằng:
"Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm
nói được!"
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Thái độ của Chúa Giêsu trước người bị câm điếc và
đối với dân chúng ra sao? Bạn hiểu như thế nào về các cử chỉ này của Chúa
Giêsu: Người đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh
ta, đoạn Người thở dài và bảo: “Êphphatha”?
b) Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được mối quan tâm
của Chúa Giêsu khi đem người câm điếc khỏi đám
đông?
c) Tại sao lại Chúa Giêsu cấm không cho loan truyền tin
Chúa chữa lành? Chúng ta hiểu việc người ta bất tuân lệnh cấm của
Chúa Giêsu như thế nào?
d) Những văn bản khác trong Tân Ước và Cựu Ước đã được
bao hàm hay là tạo nên cơ sở cho đoạn Tin Mừng này là những văn bản nào?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
i) Phần phụ chú về Tin Mừng Máccô
Mc 7:31: Chúa Giêsu trong miền
đất Thập Tỉnh.
Cảnh chữa lành người bị câm điếc ít được biết
đến. Máccô không ghi rõ rằng Chúa Giêsu đã ở đâu. Người
ta chỉ hiểu rằng Người đang ở một nơi đâu đó bên ngoài đất Paléstine, trong
vùng đất dân ngoại, ngang một khu vực được gọi là Thập Tỉnh. Thập Tỉnh theo
nghĩa đen là Mười Thành Phố. Thực ra, đây là khu vực của
mười thành phố, vùng đông nam của xứ Galilêa, nơi dân chúng là dân ngoại và
chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp.
Mc 7:32: Người ta đem đến cùng
Chúa một người đàn ông câm và điếc.
Mặc dù không ở ngay trên quê hương mình, Chúa
Giêsu được biết đến như một người chữa lành các bệnh nhân. Như vậy,
người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người. Đây là kẻ không thể
thông tri với những người khác được. Anh là hình ảnh của nhiều người
ngày nay sống như khối thể chất ở những đô thị lớn trong sự cô đơn hoàn toàn,
không có bất kỳ khả năng thông tri nào.
Mc 7:33-34: Một loại chữa
lành khác biệt.
Một cách chữa lành thật khác
biệt. Mọi người đã nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ chỉ cần đặt tay lên người
bệnh. Nhưng Chúa Giêsu đi vượt quá lời yêu cầu của họ và đem anh ta
ra khỏi đám đông, đặt ngón tay của Người vào tai của anh ta và bôi nước miếng
vào lưỡi anh ta, đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và
bảo: “Ephphatha” có nghĩa là “Hãy mở ra!” Ngón tay để vào trong
tai gợi nhớ lại lời thốt lên của các thày phù thủy ở đất Ai
Cập: “Đây là ngón tay Thiên Chúa!” (Xh 8:15) và cũng là lời của tác
giả Thánh Vịnh: “Chúa… đã mở tai con!” (Tv 40:7). Việc
bôi nước miếng vào lưỡi đem lại khả năng nói chuyện. Vào thời gian
ấy, người ta nghĩ rằng nước bọt có công hiệu chữa bệnh. Ngước mắt
lên trời nói rằng việc chữa lành thì từ Thiên Chúa. Tiếng thở dài là
một thái độ của cầu khẩn.
Mc 7:35: Kết qủa của việc chữa
lành
Ngay lập tức, đôi tai của người điếc được mở
ra, lưỡi anh ta được tháo gỡ và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu
mong muốn rằng mọi người hãy mở đôi tai và tháo lỏng lưỡi của
họ! Ngày nay cũng vậy! Tại nhiều nơi, bởi vì thái độ độc
đoán dựa trên phần thần quyền, người ta đã bị im tiếng và không được
nói. Thật là rất quan trọng để cho mọi người khôi phục lại khả năng
ngôn luận trong Giáo Hội để bày tỏ các trải nghiệm của họ với Thiên Chúa và do
đó làm phong phú cho tất cả mọi người, kể cả bậc giáo sĩ.
Mc 7:36: Chúa Giêsu không muốn cho thiên hạ biết
Chúa Giêsu cấm họ đừng kể lại với ai những gì
xảy ra. Tuy nhiên, có một sự quan trọng quá mức kèm theo trong Tin
Mừng Máccô về việc cấm truyền bá tin tức việc chữa lành, làm như Chúa Giêsu có
một bí mật cần phải dấu kín. Thật ra, đôi khi Đức Giêsu bảo dân
chúng đừng loan tin về việc chữa lành (Mc 1:44; 5:43; 7:36;
8:26). Người yêu cầu sự im lặng, nhưng lại nhận được tác dụng ngược
lại. Người càng cấm thì Tin Mừng càng loan truyền (Mc 1:28,45;
3:7-8; 7:36-37). Mặt khác, nhiều lần, trong hầu hết trường hợp, Chúa
Giêsu đã không yêu cầu sự im lặng khi liên quan đến một phép lạ. Có
lần thậm chí Người còn bảo đi thuật lại cho mọi người biết (Mc
5:19).
Mc 7:37: Lòng thán phục của dân
chúng.
Tất cả mọi người đều đầy sự thán phục và
nói: “Người đã làm mọi sự tốt đẹp!” (Mc 7:37). Lời nói
này nhắc nhớ lại việc tạo dựng trời đất: “Thiên Chúa thấy mọi sự
Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1:31). Bất chấp sự ngăn
cấm, những người đã chứng kiến việc chữa lành bắt đầu công bố những gì họ đã
nhìn thấy, bày tỏ Tin Mừng trong hình thức ngắn gọn: “Người đã làm
mọi sự tốt đẹp!” Thật là vô ích mà ngăn cấm họ nói. Quyền
năng nội tại của Tin Mừng là chính tự nó loan truyền lấy! Những ai đã trải
qua kinh nghiệm với Chúa Giêsu, thì phải đi nói cho những người khác nghe, cho
dù họ có muốn hay không!
ii) Tài liệu về những phân đoạn
trong Tin Mừng Máccô:
Chìa khóa thứ nhất: Tin Mừng Máccô được viết để
được đọc lên và lắng nghe chung trong cộng đoàn.
Khi
một quyển sách được đọc một mình, người ta luôn có thể lật trở lại, ghép nối
điều này với điều kia. Nhưng trong khi cùng với cộng đoàn và
một người đang đọc Phúc Âm trước sự hiện diện của mọi người, người ta không thể
la lên: “Khoan đã! Hãy đọc lại lần nữa! Tôi chưa hiểu rõ
lắm!” Đối với một quyển sách được viết ra để được lắng nghe trong
các dịp cử hành chung với cộng đoàn, thì nó phải được bố cục khác với những
quyển sách được viết để cho người ta đọc một mình.
Chìa khóa thứ hai: Tin Mừng của Máccô là một câu
chuyện kể.
Một câu chuyện kể thì giống như một dòng
sông. Đi xuôi dòng sông trong một chiếc ghe, người ta không nhận
thức được các phân rẽ trong nước. Dòng sông không có những phân
rẽ! Nó được tạo bởi một dòng nước chảy mà thôi, từ thượng nguồn cho
tới hạ nguồn. Trong dòng sông, những phân rẽ, được tạo nên bởi các
bờ sông. Ví dụ, người ta có thể nói rằng: “Cảnh thật
tuyệt đẹp của dòng sông là từ căn nhà đến khúc quanh nơi có cây dừa và sau đó
thì rẽ làm ba khúc quanh khác nhau”. Thế mà người ta không thể thấy
được những phân rẽ trong nước. Lời thuật chuyện của Máccô chảy như
một dòng sông. Người nghe bắt gặp những nhánh rẽ của nó dọc theo bờ
sông, đó là, ở những nơi mà Chúa Giêsu đi qua, trong những người mà Chúa gặp
gỡ, trên đường phố mà Người rảo qua. Những dấu chỉ bên lề giúp cho
người nghe không bị lạc giữa những rất nhiều lời nói và các hoạt động của Chúa
Giêsu và liên quan đến Người. Khuôn khổ địa lý giúp người đọc đồng
hành với Chúa Giêsu, từng bước một, từ miền Galilêa đến thành Giêrusalem, từ
biển hồ lên đến đồi Canvê.
Chìa khóa thứ ba: Tin Mừng của Máccô được soạn để đọc
trong một lần thôi.
Đây là những gì người Do Thái đã làm với những
sách tóm lược Cựu Ước. Lấy ví dụ, trong đêm Phục Sinh, họ đọc tất cả
các sách Nhã Ca. Một số học giả có ý kiến cho rằng Phúc Âm của Máccô
được viết để được đọc toàn bộ trong đêm canh thức vọng Phục
Sinh. Giờ đây, để cho người nghe khỏi bị mệt mỏi, bài đọc phải được
chia ra thành những đoạn, những chỗ tạm dừng. Bởi vì, khi câu chuyện
kể dài, như trường hợp của Tin Mừng Máccô, bài đọc phải được ngắt quãng khá
thường xuyên. Cần phải có những lúc tạm dừng. Nếu không,
người nghe sẽ bị loãng. Tác giả của câu chuyện kể đã chuẩn bị những
lúc tạm dừng này. Chúng được đánh dấu bởi những đoạn tóm tắt, giữa
hai bài đọc dài. Những đoạn tóm tắt này giống như những đoạn chuyển
tiếp (bản lề) thu thập những gì đã được đọc trước đó và mở đường cho những gì
sẽ tiếp theo sau đó. Chúng cho phép người kể chuyện tạm dừng và lại
tiếp tục mà không làm gián đoạn trình tự của câu chuyện. Chúng giúp
cho người nghe tự đặt mình trong dòng sông của câu chuyện đang
trôi. Tin mừng của Máccô có một số đoạn tạm dừng này, cho phép chúng
ta khám phá và lần theo chủ đề Tin Mừng của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc
khải và Máccô kể cho chúng ta. Tổng quát có bảy bài đọc dài, được
xen kẽ với những bản tóm tắt ngắn hoặc những bài chuyển tiếp, đó là nơi có thể
làm tạm dừng.
Dựa trên ba chìa khóa này, bây giờ chúng ta
giới thiệu một phân đoạn của Tin Mừng Máccô. Người ta chia sách Tin
Mừng này theo những cách khác nhau. Mỗi cách có một sắc thái riêng
và giá trị của nó. Giá trị của bất cứ một phân đoạn nào là nó mở ra
một số phương cách để đi vào văn bản, để giúp chúng ta khám phá một cái gi đó
về Tin Mừng của Thiên Chúa và để nhận thức được cách thức Chúa Giêsu mở ra một
đường hướng cho chúng đến với Thiên Chúa và tha nhân.
Lời Giới Thiệu: Mc
1:1-13: Khởi đầu Tin Mừng
Chuẩn bị sự công bố
Bài tóm tắt: Mc 1:14-15
Bài đọc thứ nhất: Mc 1:16 –
3:16: Sự tăng triển của Tin Mừng
Cuộc xung đột xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc 3:7-12
Bài đọc thứ hai: Mc 3:13 –
6:6: Cuộc xung đột tăng triển
Mầu nhiệm xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc 6:7-13
Bài đọc thứ ba: Mc 6:14 – 8:21: Sự
tăng triển của mầu nhiệm
Sự hiểu lầm xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc
8:22-26
Bài đọc thứ tư: Mc 8:27 –
10:45: Sự hiểu lầm tăng triển
Ánh sáng tối tăm của Thập Giá xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc 10:46-52
Bài đọc thứ năm: Mc 11:1 –
13:32: Ánh sáng tối tăm của Thập Giá tăng triển
Sự òa vỡ và cái chết xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc 13:33-37
Bài đọc thứ sáu: Mc 14:1 –
15:39: Sự òa vỡ và cái chết tăng triển
Chiến thắng sự chết xuất hiện
Bài tóm tắt: Mc 15:40-41
Phần kết: Mc 15:42 –
16:20: Chiến thắng sự chết tăng triển
Sự tái xuất hiện của Tin Mừng
Trong việc phân đoạn này, các tiêu đề thật là
quan trọng. Chúng cho thấy đường lối của Chúa Thánh Thần, về sự linh
ứng, trải qua toàn bộ Tin Mừng. Khi một nhà nghệ sĩ có một nguồn
cảm hứng, người ấy cố gắng thể hiện nó trong một tác phẩm nghệ
thuật. Một bài thơ hay một bức tranh được tác tạo gói trọn trong
nguồn cảm hứng ấy. Sự linh ứng giống như một dòng điện chạy qua dây
điện một cách vô hình và thắp sáng bóng đèn trong nhà chúng ta. Cũng
cùng một cách tương tự nguồn cảm hứng chạy một cách vô hình qua những dòng chữ
của bài thơ hoặc hình thể của bức tranh để tỏ lộ hoặc thắp sáng trong chúng ta
một ánh sáng tương tự hoặc gần giống như vậy đã được chiếu giải trong tâm hồn
người nghệ sĩ. Đây là lý do tại sao các công trình nghệ thuật thu
hút chúng ta đến như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta đọc
và suy niệm về Tin Mừng của Máccô. Cùng một Chúa Thánh Thần
hoặc Nguồn Linh Ứng đã thúc đẩy Máccô viết lên văn bản, tiếp
tục hiện diện trong những dòng chữ Tin Mừng của ông. Qua việc đọc
chăm chú và cầu nguyện sách Tin Mừng, Chúa Thánh Thần tác động và bắt đầu hoạt
động trong chúng ta. Và như vậy, dần dần, chúng ta khám phá ra dung
nhan của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu và Máccô chuyển đạt đến chúng
ta trong sách của ông.
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 131
Cậy trông vào Chúa như trẻ thơ
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho
chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ
lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng
với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét