19/04/2018
Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.
Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết
lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam,
theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy
ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ
Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem.
Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo
Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới,
nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều
ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không
ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn
Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người
phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người
chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại
dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái
giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều
ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng
Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến
nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu
phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được".
Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra
lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và
Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem
Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục
hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi
thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 8-9.
16-17. 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân,
hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng
đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. -
Ðáp.
2) Phàm ai tôn sợ
Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng
đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen
Ngài. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa là Ðấng
không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. -
Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và
lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ
trời xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai
Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong
sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo".
Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ
Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai
tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã
ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này
thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời
đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tin Chúa Sẽ
Ðược Sống Muôn Ðời
Anh chị em thân mến!
Chúng ta không phủ nhận
sự kiện có nhiều người muốn chối bỏ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mà họ đang nắm giữ
chưa phải là Thiên Chúa thật, đó mới chỉ là một phác họa của trí tưởng tượng, một
phản ứng của những ước muốn nơi con người. Không chiều theo sở thích của họ thì
họ sẽ sẵn sàng chối bỏ. Muốn khám phá ra một Thiên Chúa thật, con người phải
tìm về cội nguồn là Ðức Kitô, như lời dạy của Ngài qua tường thuật của thánh
Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Thật thế, có nhiều
cách nghe và nhiều cách phản ứng trước điều đã nghe. Có người nghe để rồi phê
bình chỉ trích, có người nghe rồi chán nản bực mình, nghe để khiếp sợ xa lánh
hoặc nghe chỉ vì không có cơ hội để nói. Tất cả các cách nghe này đều không phải
là cách nghe mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: "Ai nghe và học nơi Cha thì đến
với Ta".
Nghe và học là đáp trả
đối với tình yêu Thiên Chúa. Vì Lời của Thiên Chúa như mưa tuyết từ trời sa xuống,
nó sẽ không trở lên trời lại nếu đã không thấm nhuần đất đai, nếu không làm cho
đất đai sinh sản nẩy mầm và cho người gieo có giống cùng cơm bánh cho người ta
ăn.
Lời Chúa là lời phát
sinh hiệu quả. Hiệu quả ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc kết
tinh của ước muốn. Nếu chỉ gặt hái được những kết quả như thế khi tiếp xúc với
Thiên Chúa, sớm muộn gì con người cũng sẽ chối bỏ Ngài.
Muốn gặp được Thiên
Chúa thật, con người phải đến với Ðức Giêsu: "Không ai xem thấy Cha trừ ra
Ðấng bởi từ Thiên Chúa Cha mà ra. Ðấng ấy đã thấy Cha và Ðấng ấy cũng là Thiên
Chúa".
Tìm đến với Ngài là
tìm gặp được Thiên Chúa. Nghe và học ở nơi Ngài không chỉ là việc tiếp nhận từ
Ngài các kiến thức khô khan, như các công thức toán học, vật lý hoặc văn chương
triết học. Nghe và học ở Ngài là đón nhận cả con người của Ngài. Thân thể Ngài
trở nên của ăn, Máu Ngài trở nên của uống nuôi sống trần gian: "Ai đến với
Ngài sẽ không hề đói. Ai tin vào Ngài sẽ không hề khát bao giờ".
Con người vẫn còn than
trách hoặc chối từ Thiên Chúa, vì họ còn giữ mãi cho mình hình ảnh của một
Thiên Chúa do họ nắn tạo ra. Cần phải phá bỏ hình ảnh đó đi, họ mới có cơ may gặp
được Thiên Chúa thật. Người Do Thái đã không từ chối hình ảnh của Ðấng Cứu Thế
theo những gì họ nghĩ tưởng. Thế nên, đứng trước một Ðấng Cứu Thế thật, họ cũng
chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Biệt phái nghe để phê
bình, luật sĩ nhìn để bắt bẻ, thì làm sao có thể nghe và nhìn để học hỏi nơi Ðức
Giêsu. Người tín hữu hôm nay cũng thế, nếu không biết nghe và học, họ sẽ không
gặp được Thiên Chúa. Nghe và học đòi buộc họ phải đến với Chúa Giêsu, đến với
Ngài đòi buộc họ phải đón nhận Ngài. Vì hiểu biết Thiên Chúa không phải chỉ là
mớ kiến thức, nhưng hiểu biết về Ngài là một cảm nghiệm, một đối thoại trao đổi
không ngừng.
Qua bài Tin Mừng hôm
nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta vượt qua hình ảnh về Thiên Chúa mà
bấy lâu nay mỗi người trong chúng ta đã đúc sẵn cho mình. Có thể đó là một
Thiên Chúa nhớ đến lúc nguy nan hoặc như nhãn hiệu gắn bên ngoài để che mắt người
đời. Có như thế, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa thật, Ðấng hằng mong chờ
chúng ta đến để sống với Ngài, để hưởng sự sống đời đời bên Ngài. Amen.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần III PS
Bài đọc: Acts
8:26-40; Jn 6:44-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con
người.
Để một người có thể
tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía con người, họ phải
có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về phía Thiên Chúa,
Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những người rao giảng Tin
Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi sáng cho con
người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy con người
tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con
người không thể tin vào Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có thể tin vào Đức Kitô.
Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip, viên
quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì
trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và
được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: không ai có thể
đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người ấy. Điều mà Chúa Cha lôi
kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng), và ban Thánh
Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quan Thái Giám người Ethiopia tin vào Đức Kitô.
1.1/ Thiên Chúa sắp đặt cơ
hội cho ông quan trở lại.
(1) Thiên sứ mặc khải
cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi về hướng
Nam, theo con đường từ Jerusalem xuống Gaza; con đường này vắng." Gaza,
Ashdod, và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển
Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám
dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza, vì đường vắng và địa thế gập
ghềnh rất khó di chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem xuống Joppa, rồi
lần theo đường ven biển xuống Gaza.
Khi Philip tới Gaza,
ông gặp một viên quan Thái Giám người Ethiopia, ông là quan lớn trong triều của
bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông
đã lên Jerusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà,
ông đọc sách ngôn sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo
Do-thái, nhưng không phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp:
"Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
(2) Philip cắt nghĩa
Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông nghe thấy
ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc
không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn
giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn Kinh Thánh ông
đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Isa
53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người
chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ
bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị
chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông cho biết: vị
ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông Philíp khởi
đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Chúa Giêsu là
Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người
khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền
này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/ Philip rửa tội cho
quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một
chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu
phép rửa không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được."
Viên thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên
Chúa." Ông truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ
có nước, và ông Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần
Khí Chúa đem ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng
ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp
thấy ở Ashdod. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi
đến Caesarea.
2/ Phúc Âm: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế
gian được sống.
2.1/ Chúa Giêsu dạy dỗ
con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với
tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi
sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên
bố này để bênh vực chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền
định cho được lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo
ai, người đó mới có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu
Thiên Chúa không lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu
quả là người đó sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều quan trọng là phải
hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo” con người đến với
Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô không phải như người
ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài:
(1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa
Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên
Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với
tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33. (2) Ban
Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật,
và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/ Chúa Giêsu nuôi dưỡng
con người bằng chính Mình Người: Niềm tin
vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa;
nhưng trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và
trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân
chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là
bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn
bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống
từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không
phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan trọng:
Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế
gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự trở lại của con
người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài cho
con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp ơn thánh bên trong để
giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô.
- Chúa Giêsu vẫn không
ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính mình Ngài
qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai nguồn sức mạnh chính
này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
19/04/2018
THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51
ĐỨC TIN - HỒNG ÂN - VÂNG PHỤC
“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng sai tôi,
không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,44)
Suy niệm: Đức tin không chỉ là
sự đồng ý của trí tuệ con người trước những chân lý Thiên Chúa mạc khải, mà đó
còn là hành động con người phó thác chính mình vào Thiên Chúa là Cha và gắn bó
với Ngài luôn mãi, bởi họ nhận biết lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho, nhất
là ưu ái ban cho con người đức tin. Như Chúa Giê-su đã nói, không ai đến được với
Ngài, nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, thì đức tin vào Chúa Giê-su là một hồng ân
Thiên Chúa ban cho con người. Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế: “Nhờ
lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ
của Thiên Chúa” (Ep 2,8). Nói cách khác, đức tin đem lại ân huệ của
Thiên Chúa, đón nhận đức tin là đón nhận ơn ban của Thiên Chúa. Như thế, đức
tin đòi hỏi ta phải đáp đền ơn Chúa ban, làm phát sinh lòng vâng phục Thiên
Chúa nơi chúng ta, vì vâng phục chính là kết quả của đức tin. Càng tin vào
Thiên Chúa, ta càng vâng theo Lời Chúa dạy. Như vậy, đức tin, ân huệ và vâng phục
không thể tách rời nhau.
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc lời Chúa hằng
ngày và thực hành lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhờ ơn Chúa thương ban, con nhận được đức
tin và có niềm hy vọng vào Chúa trong những lúc nghi nan. Đức tin kéo con lên
khỏi sầu buồn chất ngất, cho gia đình con thấy ánh sáng cuối đường hầm cuộc đời
nghiệt ngã. Đức tin nâng vực con chỗi dậy sau những lần quỵ ngã. Đức tin cho
con biết ngã nhào vào vòng tay yêu thương của Chúa mỗi khi mỏi gối chồn chân.
Con cảm tạ ơn Chúa luôn mãi.
(5 phút Lời Chúa)
Chúa Cha lôi kéo (19.4.2018 – Thứ năm Tuần 3 Phục sinh)
Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ. Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.
Suy niệm:
Sống ở đời là phải chịu
nhiều sự lôi kéo.
Thời nay sự lôi kéo lại
càng mạnh mẽ và thô bạo.
Có sự lôi kéo của khuyến
mãi, giảm giá,
khiến ta vui vẻ mua cả
điều không cần.
Có sự lôi kéo của những
sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,
khiến chúng ta mê mải
chạy theo và rượt đuổi không ngừng.
Có sự lôi kéo của hình
ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,
khiến chúng ta chẳng làm
chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.
Để chống lại được sự lôi
kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.
Nhiều người sa ngã vì bị
kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.
“Không ai đến được với
tôi, nếu Chúa Cha,
Đấng sai tôi, không lôi
kéo người ấy” (c. 44).
Đức Giêsu khẳng định về
sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.
Cha lôi kéo chúng ta về
phía Con của Ngài là Đức Giêsu,
bất chấp những lôi kéo
ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.
Nếu chúng ta để cho Cha
kéo đi mà không cưỡng lại,
thế nào ta cũng đến được
với Giêsu.
Và Giêsu lại là Con Đường
tuyệt vời dẫn ta đến với Cha.
“Thầy là Con Đường, là Sự
Thật và là Sự Sống.
Không ai đến được với Cha
mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).
Như thế Cha đưa ta đến
với Con:
“Này là Con ta yêu dấu…
hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).
Và Con đưa ta lại cho Cha
để hưởng sự sống đời đời
trong ngày sau hết.
Cuộc sống người Kitô hữu
là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,
giữa chính và tà, giữa
thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.
Tâm hồn con người là hiện
trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.
Hãy để cho Cha lôi kéo
bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.
Lời dạy dỗ của Cha có khi
chỉ nghe được trong thầm lặng.
Lời ấy đưa ta đến với
Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).
Hãy tin vào Giêsu để được
Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).
Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để
được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).
“Khi nào tôi được giương
cao lên khỏi đất,
tôi sẽ lôi kéo mọi người
đến với tôi” (Ga 12, 32).
Hãy để Giêsu lôi kéo
chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con
của loài người,
con của trái đất, con của
một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc
của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào
thập giá.
Xin cho chúng con biết
yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo
nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến
tranh,
một quê hương đang mở ra
trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn
bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của
cha ông.
Xin cho chúng con đừng
nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện
nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước
nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó
thật cụ thể
cho những đồng bào quanh
chúng con.
Ước gì chúng con biết
phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và
đôi tay.
Và ước gì chúng con biết
khiêm tốn
cộng tác với muôn người
thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG TƯ
Thoát Khỏi Ách Thống
Trị
Của Sự Chết
Nếu chúng ta không thuộc
về Thiên Chúa như các chứng nhân và các môn đệ của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ
hoàn toàn thuộc về thế giới đã sa ngã này. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ dẫn
đến sự chết. Qua cái chết, thế giới vật chất sẽ khống chế hoàn toàn phẩm giá của
chúng ta trong tư cách là những con người, làm cho chúng ta trở thành ‘bụi đất’
không hơn không kém. Nếu không có đức tin vào Chúa Kitô, thì đấy sẽ là viễn tượng
duy nhất của cuộc sống con người. Sự hiện hữu của con người sẽ thật là ảm đạm.
Cuộc Phục Sinh của Đức
Kitô giải thoát chúng ta khỏi một viễn tượng tối tăm như thế. Cuộc Phục Sinh ấy
giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết. Đó là lý do tại sao niềm
vui Phục Sinh của chúng ta tiên vàn là một niềm vui bật ra từ mầu nhiệm sáng tạo.
Bởi đó, chúng ta vui mừng, vì Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên chúng ta,
vì chúng ta thuộc về Ngài.
Chúng ta vui niềm vui
Phục Sinh vì chúng ta là dân của Thiên Chúa, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt.
Trong Mùa Phục Sinh, hình ảnh Đức Kitô là Chúa Chiên Lành hiện lên rõ ràng. Người
nói về chính mình: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta, và các chiên
Ta biết Ta.” (Ga 10,14)
Hạnh Các Thánh
19/04/2018
Chân Phước Luchesio
và Buonadonna
(c. 1260)
Ông
Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô.
Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai
ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam.
Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống.
Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc
đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường
than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia,
khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh
mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số
bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng
say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ
giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại
cho các người nghèo.
Vào
thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống
ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều
này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà
Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Ðể
đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên,
thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức
Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và
cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để
giúp đỡ tha nhân.
Một
ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường
thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng
trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Ðức Giêsu
Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai
ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được
phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là
"chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
Lời
Bàn
Thật
dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban
cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ
tiềm ẩn" của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích
-- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần,
người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một
mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức
Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và
giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.
Lời Trích
Thánh Phanxicô thường nói, "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương
đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên
nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, #76).
Trích
từ NguoiTinHuu.com
19 Tháng Tư
Trò Chơi Hòa Bình
Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ
ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát
các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.
Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất
tiếng hỏi: "Này các em, các em đang chơi trò gì đó?". Bọn trẻ nhôn
nhao trả lời: "Các em chơi trò đánh nhau".
Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi
ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích: "Tại sao các em chỉ chơi
trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì đẹp đẽ đâu.
Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên:
"Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao". Rồi cả bọn
kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. thấy chúng chấp nhận ý kiến của
mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước. Nhưng không
được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe
một giọng trẻ em hỏi: "Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không
biết".
Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình khi chúng chỉ thấy người lớn
"chơi trò chiến tranh". Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành
nghĩa vụ quân sự trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.
Làm
sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền
hình, trên các mặt báo hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu
nhau, ám sát nhau.
Làm
sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình chúng thấy
anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau. Có
khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói. Trong thức tế, bầu khí người lớn tạo
ra để cho các trẻ em lớn lên không phải là bầu khí hòa bình.
Ðến
bao giờ thế giới của người lớn mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự
mâu thuẫn: là hằng ngày thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim cho việc
nghiên cứu và trang bị về vũ khí.
Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết
cho con người, nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói. Có 600 triệu người trên thế
giới đang bị mù chữ. Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu
học trong hơn ba năm. Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn thì 2 trẻ bị
chết trong năm đầu tiên.
Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình,
nếu họ muốn trẻ con cũng noi gương chơi trò chơi ấy.
Trích
sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét