Sơ Martha Park Byongsuk - người
nữ tu Hàn quốc thay đổi bộ mặt của khu ổ chuột Bus-Park ở Nepal
Một phụ nữ nghèo ở Nepal (AFP) |
Sơ Martha Park Byongsuk 69 tuổi, là một nữ tu người Hàn quốc,
thuộc dòng thánh Phaolô thành Chartres, thường được người dân Nepal gọi cách
thân tình là sơ Martha. Sơ đến khu ổ chuột Bus-Park ở Pokhara, nước Nepal, từ
năm 2009, và sơ đã dấn thân thay đổi bộ mặt của nơi này.
Hồng Thủy - Vatican
Người nữ tu với chiếc túi y tế
Sơ Martha mặc bộ áo dòng màu xám, đầu đội chiếc nón rộng
vành để tránh hơi nóng của ánh mặt trời chói chang. Sơ đeo lủng lẳng trên lưng
chiếc túi đựng ống nghe và máy đo huyết áp. Khi sơ đi dọc theo những con đường
chật hẹp của khu ổ chuột, những người dân địa phương già trẻ đều chắp tay của họ
và kính trọng chào sơ với lời chúc "Namaste" bằng tiếng Nepal. Khi sơ
đi qua những con đường bùn đất lầy lội, một phụ nữ cao niên tiến đến và xin sơ
đo huyết áp cho bà, một số người khác vây quanh sơ và kiên nhẫn chờ đợi sơ.
Sơ Martha đã thay đổi đáng kể bộ mặt của khu ổ chuột
Manu Nepali, một cư dân tại khu ổ chuột, cũng là giáo viên đầu
tiên sơ Martha tuyển lựa để dạy học cho các trẻ em và đã cộng tác với các sơ được
8 năm, hiện đang theo học cử nhân về công tác xã hội, kể rằng sơ Martha đã thay
đổi đáng kể bộ mặt của khu ổ chuột kể từ ngày đầu tiên sơ đặt chân đến nơi này.
Trước khi sơ đến nơi này, người dân sống trong khu ổ chuột không có diện nước,
trẻ em không được đến trường học và người dân không có điều kiện để được chăm
sóc y tế sức khỏe; một số người không có nhà cửa. Nhưng với sự giúp đỡ của sơ
Martha, tình hình đã thay đổi đáng kể. Hiện nay các trẻ em có thực phẩm dinh dưỡng
và được điều trị bệnh tật, cũng như được đi học. Những em nhà nghèo được nhận học
bổng để tiếp tục việc học.
Những điều chứng kiến đã khiến sơ bị sốc
Sơ Martha đã kể lý do sơ đến truyền giáo tại Nepal. Các nữ
tu dòng thánh Phaolô ở Nam hàn điều hành một bệnh viện lớn. Khi quyết định đến
Nepal, một đất nước nghèo hơn, để mở các phòng khám nhỏ, các sơ đã giao bệnh viện
đó lại cho tổng giáo phận Seoul. Cha bề trên miền của dòng Tên ở Nepal đã mời
các sơ đến thành lập một bệnh xá ở Pokhara. Sơ Martha nhớ lại, ngày đầu tiên đến
đây, sơ đã mang hộp sơ cứu và đồ đo huyết áp và đi khắp khu ổ chuột Bus-Park.
Những điều sơ chứng kiến đã khiến sơ bị sốc. Ở đó rất dơ bẩn, người dân không
có nước sạch để uống và họ đang bị đói.
Trong 6 tháng, sơ Martha và các sơ cùng dòng đã tổ chức những
trại y tế kéo dài cả tuần cho dư dân ở khu ổ chuột Bus-Park, với sự giúp đỡ của
30 bác sĩ và trợ lý đến từ Học viện Y khoa của Hội người kiến tạo hòa bình của
giáo phận Seoul. Sau tuần khám bệnh đó, sơ Martha đã đưa 50 người cần được chữa
trị y khoa đến chi nhánh bệnh viện ở Pokhara để chữa trị các bệnh của họ. Một số
người cần được mổ cườm mắt, một số khác cần chữa các bệnh về tai mũi họng và số
khác nữa thì cần chữa phụ khoa.
“Chúng tôi không biết Chúa, nhưng qua sơ Martha, bây giờ
chúng tôi biết Người…”
Sơ Martha nghĩ rằng mình không có thể giúp hết mọi người ở
khu ổ chuột, nhưng có lẽ sơ có thể giúp mỗi lần một gia đình. Có một phụ nữ người
Nepal được sơ Martha giúp đỡ. Bà có 3 con gái và 1 trai. Chồng bà đã bỏ rơi và
sau khi bà sinh đứa con thứ 4. Sơ Martha đã giúp bà xây một căn nhà. Một ngày
kia sơ không thấy đứa con gái lớn của bà ở nhà. Hỏi ra sơ mới hay rằng cô gái
phải đi làm nghề mại dâm ở một nhà chứa lân cận. Sơ Martha đã yêu cầu người phụ
nữ đó đưa con gái lớn và về nhà và hứa giúp đỡ cho họ những điều họ cần. Cô gái
đã trở về nhà và từ đó sơ Martha thường đến thăm gia đình này. Phụ nữ này nói rằng
chính Chúa đã đưa sơ Martha đến với gia đình họ. Bà nói: “Chúng tôi không biết
Chúa, nhưng qua sơ Martha, bây giờ chúng tôi biết Người và qua sơ, Chúa chúc
lành cho chúng tôi. Chúng tôi biết ơn Chúa đã cho chúng tôi ngôi nhà.
“Nhà Hạnh phúc”
Sơ Martha nhận thấy các con của người phụ nữ cần những bữa
ăn, cần tắm rửa thường xuyên và cần nơi an toàn để học hành. Vì thế sơ đã tập họp
các trẻ em của khu ổ chuột một lần một tuần và cho các em tắm rửa và cho các em
ăn. Nhưng chẳng mấy chốc sơ nhận ra rằng cho các em ăn một tuần một lần là
không đủ. Vì thế, vào năm 2011, sơ và các nữ tu cùng dòng đã lập “Nhà Hạnh
phúc”, nơi đây khi các em đi học về thì được ăn uống, tắm rửa và học hành vào
ban chiều. Hiện nay có khoảng 120 em được chăm sóc tại “Nhà Hạnh phúc”. Các
tình nguyện viên Hàn quốc dạy các em cách giữ vệ sinh sạch sẽ.
Sơ Martha cũng quan tâm đến các phụ huynh. Sơ đã lập một
trung tâm cắt may để cung cấp công việc làm cho phụ huynh. Sơ còn muốn phát triển
chăm sóc sức khỏe tại khu ổ chuột. Bất cứ khi nào thấy ai cần chăm sóc sức khỏe,
sơ đưa họ đến bệnh viện để chữa trị. Sơ hy vọng rằng sơ đang gieo vãi những hạt
giống và công việc của sơ sẽ được tiếp tuc: những người trẻ sẽ lãnh nhận những
công việc này và phát triển nó, vì họ là những người sáng tạo và can đảm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét