07/04/2019
Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm C
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Is 43, 16-21
“Đây Ta sẽ làm lại những cái mới
và sẽ cho dân Ta nước uống”.
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Chúa là Đấng mở đường
dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh
và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi
như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc
thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như
các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô
khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa
có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác
tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab.
2cd-3. 4-5. 6
Đáp: Chúa đã đối xử
đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng:
1) Khi Chúa đem những
người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng
chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Đáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ
nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng
với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi
số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt
trong hân hoan. – Đáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa
khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. –
Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 3, 8-14
“Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua
thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi
coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu
Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn,
để lợi được Đức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của
tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công
chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực
phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống
Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt
đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy,
bởi vì chính tôi cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính
tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn
đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn
kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC
ÂM: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự
sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội,
hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên
núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người,
nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến
Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng
trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả
tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá.
Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người.
Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi
mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị
này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút
lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình
Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy
và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án
chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta
không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là lời
Chúa.
Suy Niệm: Ðức Giêsu Ban
Ơn Cứu Ðộ
Hôm nay là Chúa nhật V mùa Chay, có thể gọi là ngày Chúa nhật chót của cuộc
hành trình 40 ngày đi tới mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Chúa nhật sau đã là Chúa
nhật thương khó, mở ra tuần lễ thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ quan trọng
nhất. Chúng ta có thể thấy trong bài đọc thứ nhất hôm nay giai đoạn cuối cùng của
lịch sử Cựu Ước chuẩn bị ơn cứu độ và trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa
Giêsu đã thật sự đem ơn cứu độ này đến. Thế nên chúng ta sẽ bắt chước thánh
Phaolô trong bài thư hôm nay, vứt bỏ mọi sự để chạy thẳng đến ơn cứu độ mà Chúa
Giêsu đã mang lại, vì không có gì quý hóa và cần thiết hơn ơn cao cả này.
1. Cũ Ðã Qua, Mới Ðã Ðến
Thật vậy, chúng ta có thể coi bài sách Isaia hôm nay như muốn kết thúc mọi
công cuộc chuẩn bị của Cựu Ước để mở sang thời đại mới. Chúng ta hãy ôn lại các
bài Kinh Thánh Cựu Ước trong các Chúa nhật vừa qua. Hôm Chúa nhật I mùa Chay
chúng ta được nghe biết Chúa bắt đầu gọi một người Aram phiêu bạt để trở thành
tổ phụ của dân Israen. Sang Chúa nhật II, Chúa đã ký kết giao ước với Abraham.
Ðến Chúa nhật III, Người sai Môsê đi cứu dân khỏi Ai Cập. Và Chúa nhật IV đã
cho chúng ta thấy Giôsua đã đưa dân vào Hứa Ðịa.
Hôm nay, Isaia lên tiếng thay cho thế hệ tiên tri, thế hệ cuối cùng của Cựu
Ước, nếu chúng ta có thể nói được như vậy, để nói với mọi người đừng nhớ đến cuộc
xuất hành cũ nữa, vì kìa một điều mới đã hé rạng rồi.
Do đó thiết tưởng chúng ta có lý để coi ngày Chúa nhật hôm nay như là chặng
chót của mùa Chay 40 ngày. Và chúng ta phải để tâm nghe lời Cựu Ước loan báo
cho chúng ta về thời đại sắp đến.
Bài sách Giôsua rất cảm động, nó ôn lại thời buổi Chúa ra tay oai hùng cứu
dân. Ðó là lần xuất hành qua biển đỏ. Ðoàn người nô lệ được bàn tay Chúa giải
thoát khỏi Ai Cập. Họ tiều tụy, lếch thếch, nhưng vinh quang của Chúa phủ xuống
trên họ bảo vệ khỏi sự đuổi theo của người Ai Cập; và nhất là rẽ nước biển cho
họ đi qua ráo chân; rồi vùi dập binh mã Pharao xuống lòng nước. Sự kiện oai
hùng ấy là kiêu hãnh của nhà Israen, là bia miệng của các lân bang một khi nói
về dòng dõi Abraham. Thế mà hôm nay Isaia nói: "đừng nhớ tiếc những cái
ban đầu, những chuyện xa xưa, đừng còn ôn lại. Này, Ta đang gầy dựng một điều mới.
Kìa, nó hé rạng rồi".
Như vậy, lịch sử cũ đã qua. Thời đại mới bắt đầu Isaia nói mạnh hơn. Ông
viết: đã có tạo dựng mới. Và ông mô tả nó thật kỳ diệu. Những chốn hoang vu khô
cháy trước đây sẽ chằng chịt những dòng sông tươi mát. Và con đường của dân mới
không còn thấy sa mạc nóng bỏng, nhưng chỗ nào Chúa cũng giải khát dân. Người
ta không còn vừa đi vừa càm ràm như cuộc xuất hành xưa, nhưng dân mới sẽ chỉ cất
tiếng hát ngợi khen Chúa.
Thật ra Isaia đã không thấy được thời đại mới này. Nhưng Chúa cho ông biết
nó sẽ hoàn toàn trái ngược với những điểm thiếu sót trong cuộc Xuất Hành cũ.
Không phải nó chỉ đẹp hơn; nhưng phải nói là mới hẳn. Thiên Chúa sẽ làm ra một
tạo dựng mới khi đến cứu chuộc dân Người.
Có lẽ Isaia đã nghĩ đến ngày chấm dứt cuộc lưu đày Babylon. Nhưng Thánh
Thần linh ứng cho ông đã hướng ngòi bút của ông về thời đại xa xôi hơn, và nhất
là về thời đại mới, thời Ðấng Thiên Sai cứu thế đến ban ơn cứu độ. Và nếu chúng
ta thấy lời Isaia hôm nay đầy hứng thơ thì đó chính là vì ông không nói đến những
thực tại trần gian, mà là viết về những đổi thay tinh thần. Ông tạo cho chúng
ta được tinh thần tươi mát để hiểu và đón nhận những mầu nhiệm thần linh mà ông
thấy đã hé rộng cho chúng ta nơi Ðức Giêsu Cứu thế. Chúng ta hãy nhìn Người
trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Ðức Giêsu Ban Ơn
Cứu Ðộ
Người ta hồ nghi không biết có phải chính Gioan đã viết ra đoạn văn này;
hay nó là của Luca, một tác giả chuyên môn nói về lòng thương xót của Chúa và
có những nét bút độc đáo về phụ nữ. Nhưng dù là của tác giả nào, câu chuyện vẫn
xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu và nó làm chúng ta biết Người, hiểu Người
một cách thắm thiết.
Vậy hôm ấy, Người ra núi cây Dầu, chắc chắn là để cầu nguyện. Người vẫn
làm như vậy. Và theo Luca, chẳng bao giờ Người nói và làm một điều gì quan trọng
mà không cầu nguyện trước.
Hơn nữa, Người làm chứng không thể sống đạo mà không cầu nguyện, và cầu
nguyện là thành phần quan trọng trong đời sống đạo đức. Người lại còn quen cầu
nguyện ban đêm, khi tất cả đều tịch mịch, để cho Lời cầu nguyện được sáng sủa
và thánh thoát. Nhưng vừa rạng đông, Người đi vào Ðền thờ để làm việc. Mỗi khi ở
Giêrusalem, Người vẫn có thói quen ấy. Ở đấy, Người có nhiều dịp để nói với người
ta về Thiên Chúa.
Và toàn dân đến với Người. Họ thấy Người không giảng như các luật sĩ. Lời
Người có sức mạnh phi thường. Và việc này khiến các ký lục, luật sĩ, biệt
phái... những người lãnh đạo dân khó chịu. Họ mất ảnh hưởng. Họ sợ địa vị lung
lạc, vì Ðức Giêsu không phải chỉ giảng khéo hơn họ, mà nguy hiểm hơn nữa, Giáo
lý của Người có vẻ rất khác. Và như hôm Chúa nhật I mùa Chay chúng ta đã thấy:
có lối giải thích Lời Chúa để vận dụng theo ý mình và có lối giải thích ép mình
vào các đòi hỏi của Lời Chúa. Ðức Giêsu tuyên bố rõ ràng: Người đến để làm theo
ý Ðấng đã sai Người; đang khi các luật sĩ và biệt phái lại lấy truyền thống của
loài người mà làm chết Luật Chúa. Sự xung đột giữa hai bên không thể kéo dài.
Không thể để "thấy" Giêsu giảng dạy khác những "thầy" khác.
Một cơ hội đến với phe thù địch Ðức Giêsu. Họ dẫn một người phụ nữ đến, bắt
đứng giữa đám, và nói với Người: "Thưa thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt
tại trận; luật Môsê truyền ném đá hạng đàn bà như thế; Thầy dạy sao?"
Trông họ không có gì giận dữ. Ngược lại mắt họ sáng lên vì mừng rỡ. Họ
không buồn bực vì có kẻ phạm tội. Họ mừng trước việc Ðức Giêsu sẽ mắc bẫy họ.
Theo họ, Người không tài nào trốn thoát được. Nếu Người bảo phải ném đá
như Luật dạy, Người cũng sẽ như họ thôi và dân chúng chẳng có gì mà phải chạy
theo nghe lời Người. Người chẳng có giáo lý nào mới. Người chẳng có thể cứ đi lại
mãi với hạng thu thuế và tội lỗi. Hạng này cũng sẽ mở mắt ra mà thấy Người cũng
chẳng bênh đỡ được họ và cứu họ như Người vẫn thường nói có lòng thương xót đối
với tội nhân. Do đó đây là một thử thách ghê gớm. Nó là cái bẫy công khai không
sao thoát nổi. Người có thể bảo không ném đá người đàn bà hư hốt kia ư? Bấy giờ
Người sẽ bị ném đá tức thời vì Người công khai phá luật Môsê.
Ðã có một phút nín thở. Cái nút đã xiết đang đòi phải mở. Tuy nhiên có lẽ
đám đông hôm ấy cũng vẫn bình tĩnh. Họ có thể nhớ lại hôm nào Người cũng gặp một
trường hợp tương tự. Biệt phái hỏi Người có nên nộp thuế cho Hoàng đế Rôma
chăng? Hôm ấy Người đã trả lời tức khắc và khiến đối thủ phải bẽ bàng. Hôm nay
phản ứng Người khác lạ. Thay vì trả lời tức khắc, Người cúi xuống vẽ (hay là viết)
trên đất. Ðừng tưởng Người muốn suy nghĩ. Nét mặt Người vẫn bình thản như
không. Cũng đừng tò mò muốn biết Người đã viết gì? Người chỉ muốn người ta yên
lặng mà suy nghĩ. Câu chuyện nộp thuế hôm trước là việc đời. Câu chuyện hôm nay
là vấn đề tội lỗi có hệ đến lương tâm. Câu trả lời không phải ở ngoài miệng như
ở trong lòng. Người muốn mấy phút yên lặng cho người ta lục vấn lương tâm.
Nhưng đây là điều lạ điều hạng tội lỗi rất sợ. Họ đã tới tấp hỏi thêm, giục Người
trả lời cho lẹ.
Bấy giờ Người ngẩng lên và khoan thai bảo họ: "Trong các ông, ai vô
tội thì ném đá người này trước đi". Chết rồi, Người lại hỏi ngược lại. Người
ta đem Luật ra để bắt bí Ngài thì chính Luật pháp bây giờ lại tròng vào cổ người
ta. Sách Thứ luật chương 17,5-7 đã qui định ai là người phải ném đá trước tiên
vào tội nhân. Và sách Xuất hành chương 23,6-7 khuyến cáo người ta phải cẩn thận
khi xét xử người khác.
Như vậy Pháp luật không xét xử cách máy móc đâu. Họ đọc lại những điều luật
trên đây về xét xử để có tinh thần của Pháp luật. Phaolô sau này sẽ nói: mặt viết
thì giết chết, nhưng tinh thần thì làm cho sống. Luật sĩ và biệt phái đọc mặt
chữ mà không có tinh thần Luật pháp. Ðức Giêsu bảo họ cứ suy nghĩ đi. Và Người
lại cúi xuống viết trên đất, để cho họ suy nghĩ...
Thế là kẻ trước người sau, họ rút lui hết, các kẻ cao niên dẫn đầu, họ thật
đáng thương. Họ ra đi với lương tâm tội lỗi mà không thấy có ánh sáng cứu độ, để
lại một mình Ðức Giêsu và người phụ nữ kia. Thánh Augustinô đã chú giải cảnh tượng
còn lại này bằng hai chữ: Miseria et Misericordia (đó là hiện thân của sự khốn
nạn và của lòng thương xót). Thánh nhân đã tỏ ra tuyệt diệu.
Nhưng, đó không phải là bức ảnh bất động. Khi lòng thương xót gặp cảnh khốn
nạn, thế nào cũng có hành động cứu độ. Và Ðức Giêsu đã tỏ ra thật là cứu thế
trong câu chuyện này.
Ngẩng lên, Người thấy người phụ nữ kia còn đứng đó. Người ấy không lợi dụng
lúc người ta rút lui để đi theo. Người ấy còn chờ phán xét của Chúa, tức là đã
công nhận quyền của Ngài xét kẻ tội nhân. Nhưng người ấy chờ đợi đầy tin tưởng;
và đã không phải hổ ngươi, như Lời Chúa vẫn hứa. Quả thật, Chúa đã bảo người ấy:
"Ta cũng không xử tội ngươi đâu. Ði đi và từ nay đừng phạm tội nữa".
Chắc chắn người ấy đã ra đi nhẹ nhỏm, nếu không bảo là hân hoan, khác với
những người kia vì tất cả đều phải công nhận: Ðức Giêsu là Cứu thế. Ngài có quyền
xét xử; nhưng đã thi hành bằng lòng thương xót. Ngài diễn tả lòng thương xót của
Thiên Chúa, không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng đã cứu họ khỏi tội và được sống.
Ngài thật là niềm hy vọng của chúng ta là nhân loại tội lỗi. Sự hiện diện của
Ngài ở trần gian đã hé rạng cho chúng ta thấy một thời đại mới, một cuộc xuất
hành mới, một tạo dựng mới, như lời Isaia hôm nay đã loan báo. Thánh Phaolô đã
nhìn thấy như vậy và đã lựa chọn lập trường như sau:
3. Tôi Coi Mọi Sự Là
Thua Lỗ
Thánh Tông đồ đang tâm sự với giáo dân Philíp. Người trìu mến họ và thấy
họ thật đáng trìu mến. Do đó Người có thể chia sẻ mọi tâm tình với họ, nhất là
những nỗi cực lòng về phía những người Do Thái và tông đồ giả. Những kẻ này chê
bai Người chẳng có gì là vinh dự cả. Họ có ý nói đến những vinh dự thế gian
theo nghĩa xác thật như địa vị xã hội, giàu sang, phú quý hay học thức uyên
thâm... Có chứ, Người có nhiều lắm, và có thể kể ra từng chuỗi; nhưng Người bảo:
"Tôi coi mọi sự ấy hết thảy là thua lỗ bất lợi cả sánh với cái lợi tuyệt vời
là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi". Người còn nói mạnh hơn nữa:
"Tôi coi tất cả là phân bón để lợi được Ðức Kitô và thuộc về Ngài".
Không sự lựa chọn nào dứt khoát và thâm tín hơn. Và nếu chúng ta muốn biết
lý do nào đã khiến thánh Phaolô cương quyết như vậy, thì chỉ cần đọc tiếp câu
Người viết trong bài thơ hôm nay. Ðó là một lời thú nhận, gợi lên một sự đổi
thay quan trọng trong cuộc đời của Người.
Người nhớ mình thuộc dòng giống Israen, họ Benjamin, Hipri sinh bởi
Hipri, chịu cắt bì đúng ngày thứ 8; sống theo lề luật Biệt phái; nhiệt thành đến
nỗi bắt bớ Hội Thánh; chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô
phương trách cứ! Ai bì được với Người? Nhưng, vì Ðức Kitô, Người đã đành thua lỗ
mọi sự, và coi là phân bón tất cả, để được sự công chính, không phải bởi công
lao riêng, hay nại vào lề luật, nhưng là do Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin
vào Ðức Giêsu Kitô. Chính Ngài công chính hóa những ai đến với Ngài như bài Tin
Mừng hôm nay cho thấy Ngài đã công chính hóa người đàn bà tội lỗi. Lề luật đã
công chính hóa người ấy; và những kẻ giữ luật chỉ sẵn sàng xô người ấy đến chỗ
chết. Nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô đã đổi mới hẳn con người tội lỗi,
đến nỗi chúng ta thấy những người tưởng mình công chính đã ra về với lương tâm
tội lỗi; còn kẻ trước kia tội lỗi đã ra về được tha thứ và muốn sống thánh thiện.
Ðối với thánh Phaolô, Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế theo nghĩa đó. Chỉ ở nơi
Người mới có ơn cứu độ; nên thánh Tông đồ chỉ biết chạy thẳng đến với Người.
Người quên phía sau, là quá khứ sống trong chế độ lề luật trước đây, mà lao
mình về phía trước, để được biết về Ðức Giêsu và quyền năng sống lại của Người,
để đã thông phần vào sự thống khổ của Người thì cũng đạt đến ơn Phục sinh từ
cõi chết.
Suy nghĩ về sự lựa chọn của thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ Người có lý.
Người giúp chúng ta biết phải làm gì khi đã thấy con người và vai trò cứu thế của
Ðức Giêsu Kitô trong bài Tin Mừng Luca. Rõ ràng nếu muốn trở thành tạo vật mới
có đời sống mới, như tiên tri Isaia đã báo trước, chúng ta phải tin vào Ðức
Giêsu Kitô là tình thương xót của Thiên Chúa đến đổi mới thân phận khốn nạn của
loài người chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn Ngài, thi hành các đòi hỏi của Ngài
cho dù có phải hy sinh tất cả mọi sự khác. Vì chỉ có ơn cứu độ ở nơi Ngài và chỉ
Ngài có thể làm cho chúng ta nên công chính.
Những ngày này là những ngày chót đưa chúng ta lại với mầu nhiệm cứu thế
của Ngài. Ðừng ai đến tham dự các mầu nhiệm Phụng vụ thánh với não trạng của luật
sĩ và biệt phái; họ tự cho mình là công chính và muốn lên án kẻ khác. Nhưng
chúng ta hãy như người đàn bà tội lỗi, đến với Chúa mà không che giấu tội lỗi của
mình. Ngài sẽ thương xót, tha thứ và ban ơn đổi mới tâm hồn và đời sống chúng
ta.
Chính giờ đây trong thánh lễ, Ngài đã muốn làm công việc này. Chúng ta
hãy đến với tâm trạng khốn nạn vì tội lỗi. Lòng thương xót của Ngài lênh láng
trong chén rượu đầy và nơi lời đầy xót thương. Này là Mình Ta sẽ chịu nộp vì
chúng con. Chúng ta sẽ được hồi sinh và về với tinh thần đổi mới. Chúng ta góp
phần vào làm ra một tạo dựng mới và một thời đại mới, thời đại của Chúa Kitô, tạo
dựng ở nơi Ngài. Amen.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm
C
Bài đọc: Isa
43:16-21; Phi 3:8-14; Jn 8:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn mời gọi con người hướng về tương lai.
Nhìn lại lịch sử ơn cứu
độ, chúng ta thấy luôn có sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong khi
Thiên Chúa muốn con người tuân giữ Lời Người để được hạnh phúc, con người lại bất
tuân phạm tội để rồi phải chịu đau khổ và chịu chết. Trong khi Thiên Chúa luôn
tìm mọi cơ hội để đưa con người trở về, con người lại tìm cách đóng mọi cửa để
anh chị em mình bị giam giữ trong tội. Trong khi Thiên Chúa luôn hàn gắn, chữa
lành, và khơi niềm hy vọng được sống; con người lại tìm cách gây chia rẽ, hủy
hoại, và gieo đau thương chết chóc.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nói lên tình thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người qua các việc người
làm. Trong Bài Đọc I, tuy con người xứng đáng với mọi hình phạt trong nơi lưu
đày, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người hướng về tương lai; Ngài sẽ cho họ
có cơ hội trở về quê hương như đã từng đưa cha ông họ vượt Biển Đỏ để ra khỏi đất
nô lệ Ai-cập. Trong Bài Đọc II, tuy con người phải chết vì đã không giữ Lề Luật
của Thiên Chúa, Ngài đã cho Đức Kitô, Người Con của Ngài xuống trần để đền tội
thay cho con người. Nhờ sự hy sinh của Ngài, các tín hữu được trở nên công
chính và hy vọng sẽ được hưởng phần thưởng là cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm,
một số kinh sư và biệt phái đưa một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình
đến với Chúa Giêsu để bị ném đá. Mục đích của họ là để thử xem Chúa Giêsu sẽ
hành xử thế nào: theo Luật Moses để ném đá người phụ nữ hay bảo vệ Luật yêu
thương của Ngài?
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm
về những việc thuở trước.”
1.1/ Biến cố Xuất Hành ra
khỏi Ai-cập chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: Người
Do-thái luôn hướng về Biến-cố lịch sử quan trọng này như một bằng chứng của
tình yêu và uy quyền của Thiên Chúa. Mỗi năm khi mừng Lễ Vượt Qua, người cha
trong gia đình phải cắt nghĩa tường tận cho con cháu hiểu biến cố này. Mục đích
là để nhắn nhủ con cháu đừng bao giờ lãng quên tình thương Thiên Chúa để chạy
theo và thờ phượng các thần ngoại.
1.2/ Thiên Chúa sắp chuẩn
bị cho dân cuộc xuất hành mới: Mỗi khi người
Do-thái bị đô hộ bởi thế lực của ngoại bang hay làm nô lệ tại nơi lưu đày, họ
luôn nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ trong biến cố Xuất Hành
và xin Thiên Chúa giải thoát họ khỏi thế lực nước ngoài. Bối cảnh chương 43 của
Sách Isaiah hôm nay là hai cuộc lưu đày của người Do-thái tại Assyria và
Babylon; Thiên Chúa gởi tiên-tri Isaiah tới trong nơi lưu đày để tăng niềm hy vọng
cho dân: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những
việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi
không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những
dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn
vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất
khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân này,
chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.” Có hai mức độ hoàn thành của lời sấm:
(1) Thiên Chúa sẽ mở một
con đường giữa sa mạc cho dân trở về xây dựng lại quê hương và Đền Thờ.
Tiên-tri trấn an dân: Họ không cần phải tiếc nuối huy hoàng của biến cố Xuất
Hành, vì Thiên Chúa sắp làm những việc lớn lao hơn. Ngài sẽ phóng thích dân
chúng, cho họ về xây dựng lại quê hương và Đền Thờ, qua chiếu chỉ của Cyrus và
Darius, hai vua của Dân Ngoại Ba-tư.
(2) Kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa qua Đức Kitô: Ngài sẽ gởi Đấng Thiên Sai tới để giải thoát họ khỏi
làm nô lệ cho tội lỗi. Không chỉ người Do-thái mà tất cả Dân Ngoại sẽ nhận ra
và thờ lạy Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,
để lao mình về phía trước.
2.1/ Thẩm định quá khứ: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là hoàn cảnh của Phaolô
đang bị giam giữ trong tù (có thể tại Ephesus). Ngài có thời giờ nhìn lại quá
khứ, cuộc trở lại trên đường đi Damascus, và hành trình rao giảng Tin Mừng.
Ngài xác tín hai điều quan trọng trong Thư gởi các tín hữu Philip:
(1) Có Đức Kitô là có
tất cả: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được
biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả
như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”
(2) Lề Luật không làm
cho con người nên công chính; nhưng là niềm tin vào Đức Kitô: “Được như vậy,
không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Moses đem lại,
nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên
Chúa ban, dựa trên lòng tin.”
2.2/ Biết dùng thời gian
hiện tại để học biết về Đức Kitô: Ngài
khuyên các tín hữu: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền
năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ
nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày
cũng được sống lại từ trong cõi chết.”
+ Sự phục sinh: Thiên
Chúa đã dùng uy quyền làm cho Đức Kitô sống lại vinh hiển từ cõi chết. Đức Kitô
là bảo đảm cho sự sống lại mai sau của các tín hữu.
+ Thông phần đau khổ sẽ
thông phần vinh quang: Đức Kitô đã phải trải qua Cuộc Thương Khó để đền tội cho
con người. Nếu các tín hữu cùng chịu thông phần đau khổ với Đức Kitô, họ cũng sẽ
thông phần vinh quang với Ngài.
2.3/ Hướng về tương lai: Con người hành động là cho một mục đích: Vinh quang phục
sinh là niềm hy vọng thúc đẩy con người tiến tới. Thánh Phaolô tin chắc chắn nếu
ngài cứ thẳng đường tiến tới, Ngài sẽ nhận được triều thiên vinh hiển là sự phục
sinh mà chính Đức Kitô đang chờ đợi để trao cho Ngài. Hành động nhất tâm tiến tới
sẽ giúp ngài không chia trí vào những chuyện khác, nhưng vượt qua mọi khó khăn
gian khổ để đạt đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người qua Đức Kitô. Tuy
vẫn còn nhiều gian nan dọc đường; nhưng nếu các tín hữu luôn để Đức Kitô làm chủ
cuộc đời, Ngài sẽ giúp họ vượt qua tất cả.
3/ Phúc Âm: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng
phạm tội nữa!
3.1/ Bẫy giăng để Chúa
Giêsu phải rơi vào: Trình thuật cho chúng ta
thấy các chi tiết của biến cố: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân
đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người
Pharisees dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ
để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt
quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Moses truyền cho chúng tôi phải
ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
(1) Luật Moses: Gioan
cho chúng ta thấy rõ đây là một bẫy giăng của các kinh sư và biệt phái: “Họ nói
thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Theo Luật Moses (Lev 20:10;
Dnl 22:22-24), những người phạm tội ngoại tình đều bị ném đá cho đến chết.
(2) Luật yêu thương của
Chúa Giêsu: Họ biết Chúa Giêsu dạy dân chúng về luật yêu thương và tha thứ; vì
thế, họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy giáo lý Chúa Giêsu dạy là sai trái,
vì đi ngược lại với Luật Moses.
Một người sẽ nhận ra
ngay họ đang đặt Chúa Giêsu vào tình thế lưỡng nan: nếu Chúa Giêsu nói không được
ném đá, hòn đá của họ sẽ ném trên Ngài vì dám xúi dân chống lại Luật Moses; nếu
Chúa Giêsu cho phép ném đá, Luật tha thứ và yêu thương của Ngài sẽ trở nên vô
hiệu, vì Ngài dạy một đàng làm một nẻo. Họ tin chắc Chúa Giêsu sẽ không có lối
thoát. Chúng ta hãy xem cách xử thế khôn ngoan của Thiên Chúa.
3.2/ Luật yêu thương toàn
thắng.
(1) Giây phút xét mình
cần thiết: “Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi,
nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá
mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.” Ngài viết gì, chúng
ta không biết. Một điều chắc chắn Chúa Giêsu muốn mời gọi mọi người xét mình
trước khi kết án người khác; và có thể Ngài soi thấu tâm hồn của từng người để
đừng xét mình cách bất cẩn.
Khi xét mình, con người
thấy mình cũng chẳng tốt đẹp hơn ai; điều này giúp con người dễ thông cảm và
tha thứ cho người khác. Nếu mình chưa tốt đẹp, tại sao lại bắt tha nhân phải tốt
đẹp? Họ cũng là người yếu đuối như mình thôi. Người không thường xuyên xét mình
sẽ dễ dàng kết án tha nhân, vì họ tưởng là họ tốt lành, hoàn hảo.
(2) Đấng duy nhất có
quyền kết án lại từ chối không kết án: Nghe lời thách thức của Chúa, họ bỏ đi hết,
kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi; sau cùng, chỉ còn lại một
mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này
chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị trả lời: “Thưa ông, không có
ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về
đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Giây phút đối diện với
Chúa Giêsu chắc chắn sẽ khắc sâu một kỷ niệm khó quên trong tâm hồn người phụ nữ.
Đây là Người duy nhất có uy quyền kết tội lại từ chối không kết tội chị; Ngài mở
ngỏ ngưỡng cửa tương lai và mời chị bước vào. Ngài như thầm bảo chị: tuy tội chị
phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; nhưng người chịu thiệt hại nhất chính là chị.
Hãy lợi dụng cơ hội tha thứ để sửa mình và làm cho cuộc đời của chị tốt đẹp
hơn.
Chúa Giêsu đã chứng
minh: Luật yêu thương tha thứ của Ngài chiến thắng khải hoàn trên Luật Moses,
vì Luật yêu thương đưa về cho Thiên Chúa một người con tưởng chừng đã mất;
trong khi nếu theo Luật Moses, chắc chắn sẽ để lại một xác chết. Thiên Chúa chẳng
vui gì khi thấy một người con chết; nhưng Ngài nhảy mừng khi thấy một người con
biết ăn năn trở lại và được sống.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa phải sửa
dạy chúng ta bằng đau khổ; nhưng Ngài có uy quyền trên mọi quyền lực thế gian để
phục hồi địa vị làm con, nếu chúng ta biết thành tâm trở về với Ngài.
– Hãy để Đức Kitô làm
chủ hoàn toàn cuộc sống chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi gian khổ
trong cuộc đời và sẽ ban cho chúng ta triều thiên vinh hiển là cuộc sống đời đời.
– Chúng ta hãy thường
xuyên xét mình thay vì phí thời giờ xét đoán tha nhân. Người năng xét mình sẽ
có cơ hội thăng tiến bản thân, dễ dàng tha thứ cho tha nhân, và được Thiên Chúa
xét xử khoan hồng trong Ngày Chung Thẩm.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
07/04/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – C
Ga 8,1-11
SÁM HỐI LÀ BẮT ĐẦU TRỞ VỀ
Đức Giê-su bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy
dá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi
hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. (Ga 8,7-9)
Suy niệm: Đại văn hào Dostoievski có nói: Khi không tin có Thiên Chúa thì người
ta có thể phạm bất cứ tội ác nào. Còn Thánh Kinh thì cho ta biết, khi đối diện
với Thiên Chúa, người ta sẽ nhận rõ con người thật đáng tội của mình. Đối diện
với tiên tri Na-than, người của Thiên Chúa, Đa-vít cúi đầu thú nhận: “Tôi đắc tội
với Thiên Chúa.” Phê-rô và Gia-kêu không tránh khỏi cơn đau xé nội tâm khi được
ánh mắt của Đức Giê-su soi thấu. Điều đáng nói, càng để cho Thiên Chúa chất vấn,
người ta càng thật lòng sám hối và càng cảm nhận rõ lòng thương xót của Ngài. Đức
Giê-su yêu thương những kinh sư và người Pha-ri-sêu bằng chính tình yêu dành
cho người phụ nữ ngoại tình, khiến cho tất cả họ nhận ra tội mình đã phạm: người
thì cúi mặt xấu hổ, kẻ thì lặng lẽ rút lui. Thật ngạc nhiên! Tin Mừng không nói
gì về thái độ của mỗi người sau đó, như muốn để họ tự quyết cách hoán cải
sao cho tương xứng với lòng sám hối và chịu trách nhiệm về hoạ phúc của đời
mình.
Mời Bạn: Phụng vụ mùa Chay không ngừng nhắc nhở trở về cùng Chúa. Vậy đã có
thay đổi nào trong đời bạn chưa?
Chia sẻ: Sự tha thứ của Đức Giê-su có miễn trừ cho người phụ nữ
ngoại tình chừa cải tội lỗi không?
Sống Lời Chúa: Xét mình kỹ lưỡng, ăn năn tội thật lòng và lãnh nhận bí
tích Hoà giải và xin ơn hoán cải thực sự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trên
thánh giá, Chúa đã làm mọi việc cần làm để yêu thương con. Xin cho con biết làm
mọi việc phải làm để yêu mến Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA
Lắm khi việc áp dụng luật
lại dẫn đến bế tắc. Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu, nhưng lại
không ích lợi gì cho người phạm tội.
Suy niệm:
Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.
Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình
thì thật là kinh khủng.
Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,
bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.
Trời tang tảng sáng, nơi Ðền thờ Giêrusalem,
Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.
Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.
Các kinh sư và Pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.
Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có
để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.
“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này
Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.
Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,
và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.
Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.
Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào
hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.
Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.
Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.
“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi”.
Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.
Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,
bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.
Ai dám tự hào mình vô tội?
Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.
Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.
Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.
Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.
Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.
Các kinh sư và Pharisêu đã khiêm tốn xét mình.
Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.
Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.
Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.
Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.
Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.
Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.
Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:
“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,
từ nay đừng phạm tội nữa”.
Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.
Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,
nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.
Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,
Ngài còn làm sống lại một đời người.
Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,
nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.
Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt
còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng
mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG TƯ
Được In Dấu Ấn
Sự Sống
Chúng ta hãy cảm tạ vì
cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa Cha đã tôn vinh
Người. Người là Đấng đã hủy mình ra không, “trở thành vâng phục cho đến chết,
chết trên Thập Giá” (Pl 2,8).
Vâng, công cuộc cứu
chuộc thế giới được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Người. Dấu ấn của sự chết
đã được tháo gỡ khỏi ngôi mộ đá lạnh lùng. Và dấu ấn sự sống đã được đóng vào
trái tim của những người tin. “Đức Kitô đã chịu hiến tế để làm chiên lễ Vượt
Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).
Chúng ta hãy cảm tạ vì
hy tế của Đức Giêsu – hy tế đã đạt tới chính ngai tòa của Chúa Cha. Chúng ta
hãy cảm tạ vì tình yêu của Chúa Cha – tình yêu đã được mạc khải nơi cuộc Phục
Sinh của Chúa Con.
Chúng ta hãy cảm tạ vì
hơi thở của Chúa Thánh Thần Đấng trao ban sự sống. Hơi thở này được đón nhận bởi
các Tông Đồ, qui tụ tại căn gác thượng theo chỉ thị của Đức Giêsu. Đức Kitô sẽ
đến giữa họ, ngay cả xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Người sẽ nói với họ:
“Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được
tha… “ (Ga 20,22-23).
Chính từ cuộc Phục
Sinh của Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cuộc
hoán cải của chúng ta xảy ra nơi chính Thập Giá của Người. Và nơi cuộc Phục
Sinh của Người, chúng ta chiến thắng trên tội lỗi của mình. Người đã hòa giải
chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Người đã trao cho chúng ta
chính sự sống của Người, Người mở lối cho chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu bất
diệt.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07/4
Chúa Nhật V Mùa
Chay
Is 4, 16-21; Pl 3,
8-14; Ga 8, 1-11.
LỜI SUY NIỆM: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi
Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau,
bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ
đứng giữa,”
Trong câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” Cho chúng ta thấy được nơi những
kinh sư và người Pharisêu họ thiếu tình thương đối với tội nhân và họ không hy
vọng sự hoán cải của tội nhân, đồng thời cũng phơi bày sự ác tâm của họ khi họ
dùng người phụ nữ này để gài bẩy và thử thách Chúa Giêsu. Trong khi đó Chúa
Giêsu cho biết, mỗi người phải tự mình xét lại mình: chỉ có người vô tội mới có
quyền xét lỗi lầm của kẻ khác.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã nói với người phụ nữ phạm tội: “Tôi không lên án chị
đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Nhờ đó người phụ nữ đã
hoán cải và trở nên người tốt. Điều này, ngày hôm nay chúng con cũng được các
linh mục nhắc lại sau mỗi lần chúng con xưng tội xong. Xin cho chúng con ơn dóc
lòng chừa thật sự, để chúng con cũng trở nên tốt hơn trong việc thờ phượng Chúa
và sống với nhau.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 07-04
Thánh GIOAN
LASAN
Linh Mục (1651 – 1719)
Linh Mục (1651 – 1719)
Thánh Gioan Lasan là bổn
mạng của các nhà giáo dục, Ngài được thành công trong việc cung ứng một hệ thống
giáo dục cho quảng đại quân chúng vào thời mà dân nghèo như bị bỏ rơi hoàn
toàn. Nỗ lực của Ngài không phải chỉ trong việc mở trường mà là việc tạo lập
nên một đoàn thể những nhà giáo dục được đào tạo chu đáo. Chính nỗ lực này đặt
nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong việc giáo dục.
Không phải khuynh hướng
tự nhiên được đưa Ngài tới việc thực hiện công trình này. Thật vậy, hoàn cảnh
gia đình với sự đào luyện từ thuở nhỏ khó có thể coi được là một chuẩn bị cho
Ngài làm giáo dục. Sinh tại Reims ngày 30 tháng 4 năm 1651, Gioan Baotixita, là
con trưởng trong một gia đình quý phái và được thừa hưởng địa vị lẫn gia tài của
cha mẹ để lại. Những thứ này là vực ngăn cách Ngài với đám đông dân chúng nghèo
khổ.
Vào tuổi 16, khi đang
theo học ở Học viện dành cho trẻ em ưu tú (College des Bons enfants), thánh
nhân được đặt làm kinh sĩ ở Reims. Sau đó Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện
Xuân Bích và đại học Sorbonne để làm linh mục. Ngài thụ phong linh mục năm 27
tuổi.
Cho đến lúc này, chưa
có một yếu tố nào cho thấy rõ sứ mệnh tương lai của Ngài. Nhưng ít lâu sau,
Ngài được chỉ định giúp vào việc lập trường ngay tại quê hương xứ sở mình. Việc
này đặt Ngài và trách nhiệm săn sóc các giáo viên, dẫn Ngài tới chỗ đưa họ về
nhà mình và đào luyện họ. Dần dần, Ngài hiểu rằng: Chúa quan phòng định cho
Ngài làm dụng cụ kiến tạo một hệ thống giáo dục dành cho dân nghèo, lớp dân bị
xỉ nhục trong “thế kỷ huy hoàng” vì sự hư dốn và ngu dốt của họ.
Chọn thánh ý Thiên
Chúa làm nguyên tắc hứơng dẫn đời sống, Ngài quyết định hiến mình trọn vẹn cho
công tác này. Ngài từ chức kinh sĩ, phân phát gia tài để mang lấy cũng một địa
vị như các giáo viên Ngài chung sống. Làm như vậy Ngài làm cho những người đồng
hương nặng đầu óc giai cấp tức giận. Nhưng điều ấy không thay đổi được quyết định
của Ngài.
Năm 1684, Ngài biến đổi
nhóm giáo viên của mình để thành một cộng đoàn an sĩ với danh hiệu Sư huynh.
Các trường công giáo. Đây là nguồn gốc của hội dòng ngày nay, phổ biến rộng rãi
khắp thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho nỗ lực giáo dục, Ngài nhận định rằng:
sư huynh nào làm linh mục, cũng như không nhận một linh mục nào vào dòng. Luật
này ngày nay vẫn còn được áp dụng.
Những năm đầu, hội dòng
rất nghèo khổ và cực nhọc. Tuy nhiên thánh nhân vẫn kiên quyết chịu đựng và vững
tin ở Chúa quan phòng. Người nói với những người lo âu : – Tại sao mà không tin
tưởng ? Chúa thà làm phép lạ còn hơn để cho chúng ta phải thiếu thốn.
Mối quan tâm chính của
Ngài là đào luyện đạo đức và nghiệp vụ cho anh em. Nhưng, thấy không thể thỏa
mãn được mọi đòi hỏi của giáo viên nếu không huấn luyện giáo viên, năm 1678
Ngài lập ở Reims một học viện cho khoảng 40 trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử
giáo dục có một cơ sở giáo dục như vậy.
Sau khi lập trường ở
những thành phố lân cận, năm 1683, Ngài coi sóc một trường ở xứ Thánh Xuân Bích
(Sulpice), là nơi Ngài đặt bản doanh của mình. Tại thủ đô công trình lan rộng
mau lẹ. Ngài lập thêm một trường đào tạo nữa với một trường miễn phí cho các bạn
trẻ đã đi làm việc. Khi vua Giacôbê III trao phó cho Ngài săn sóc các thiếu
niên Ai Nhĩ Lan, Ngài đã dành cho họ các giảng khoá đặc biệt theo nhu cầu của họ.
Mục đích tốt đẹp của
Ngài bị chống đối bởi những giáo viên trường nhỏ, vì mất học sinh và học phí. Họ
kiện cáo Ngài. Trường của Ngài bị cướp phá. Ngài bị kết án và bị cấm không được
mở trường đào luyện miễn phí ở phạm vi Paris. Dĩ nhiên Ngài cũng bị trục xuất
khỏi thủ đô một thời. Nhưng công trình của Ngài đã lan rộng sang nhiều nơi khác
và những cấm đoán kia không thể phá hủy nổi.
Ở Rouen, Ngài đã lập
hai cơ sở quan trọng: một trường nội trú phải trả học phí, cho học sinh miền
quê muốn hiến thân, và một trường phục hồi cho những trẻ em bụi đời. Cả hai đều
rất thành công. Cha Gioan Baotixita trải qua những năm cuối đời ở Rouen để kiện
toàn thành tổ chức, viết luật dòng chờ các sư huynh và hai tác phẩm Meditations
(nguyện ngắm), Methode de la prière mentale (Phương pháp thực hành tâm nguyện)
Ngài từ trần ngày thứ
sáu tuần thánh 09 tháng 04 năm 1719.
(daminhvn.net)
07 Tháng Tư
Bình An Trong Tâm Hồn
Purna, một môn đệ của
Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để
tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối
thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: “Nhân dân vùng
Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ
là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến
đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống
con, con sẽ nghĩ thế nào?”. Purna thưa: “Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con
nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con
chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con”. Ðức Thích Ca tiếp lời:
“Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?”. Purna
thưa: “Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt
lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí
giới sắc bén để sát hại con”.
Nghe môn đệ xác quyết
như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: “Nhưng nếu họ thật sự
ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?”. Không cần suy
nghĩ lâu, Purna đáp: “Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những
người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư
nát này”. Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: “Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến
nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể
sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải
thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình
khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét”.
Thiết nghĩ tự tạo cho
mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh
nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này,
chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như
hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét