Trang

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

20-04-2019 : THỨ BA - TUẦN IV MÙA CHAY


02/04/2019
Thứ ba tuần 4 Mùa Chay.


BÀI ĐỌC I: Ed 47, 1-9. 12
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Khi đó có người đàn ông đi ra về hướng đông, tay cầm sợi dây, ông đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước tới mắt cá chân. Ông đo một ngàn thước tay nữa và dẫn tôi đi qua dưới nước đến đầu gối. Ông còn đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước đến ngang lưng. Ông lại đo thêm một ngàn thước tay nữa, và đây là suối nước, tôi không thể đi qua được, vì nước suối dâng lên cao quá, phải lội mới đi qua được, nên người ta không thể đi qua được. Người ấy nói với tôi: “Hỡi người, hẳn ngươi đã xem thấy”. Rồi ông dẫn tôi đi, rồi dẫn trở lại trên bờ suối. Khi trở lại, tôi thấy hai bên suối có nhiều cây cối. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến.
Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9
Đáp: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ (c. 8).
Xướng:
1) Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. – Đáp.
2) Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. – Đáp.
3) Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 50, 12a và 14a
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ. 

PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16
“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh ‘Vác chõng mà đi’?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ðừng phạm tội nữa
Việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là một trong những nguyên nhân khiến cho người Do Thái tức tối. Họ chống đối Chúa ra mặt. Thậm chí còn muốn trừ khử Ngài cho rảnh mắt.
Trong bài Tin Mừng trên đây, chúng ta thấy có ba tuyến nhân vật: một là Chúa Giêsu, hai là người mắc bệnh nan y, và ba là những người Do Thái.
Hôm nay chúng ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể xét mình theo thái độ của mình đối với anh chị em. Chung quanh chúng ta không bao giờ thiếu những người bất hạnh. Họ đau khổ trước nỗi bất hạnh của mình và chờ mong một ai đó chia sẻ nỗi khổ với họ. Con tim chúng ta có đủ can đảm để nhận ra tình cảnh khốn khổ của anh chị em mình hay không? Lời và việc làm của chúng ta có mang theo đủ tình thương để xoa dịu nỗi đau khổ của họ hay không? Chúng ta có đủ can đảm và quảng đại vượt qua những trở ngại bên ngoài để giúp đỡ người ấy ra khỏi tình cảnh khốn khó của họ hay không? Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta can đảm dấn thân chia sẻ nỗi đau khổ với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần IV MC
Bài đọcEze 47:1-9; Jn 5:1-3a, 5-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự hiện diện của Thiên Chúa mang lại sự sống cho con người.
Nước không thể thiếu trong đời sống con người. Tại Jerusalem và miền nam của Israel, nước còn quan trọng hơn nữa vì nằm trên núi và sa mạc. Nếu không có nước, con người và muôn lòai không thể sống. Nước còn có một công dụng khác: rửa sạch mọi nhơ bẩn. Nước thánh từ Đền Thờ chảy ra là hình ảnh của Nước Rửa Tội trong đêm Vọng Phục sinh, có thể thanh tẩy mọi ô uế trong tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự cần thiết của nước trong đời sống. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel, tuy sống trong nơi lưu đày, có một thị kiến về nước từ bên phải của Đền Thờ Jerusalem chảy ra. Nước này nhiều đến độ làm thành một con sông lớn và chảy về phía Biển Chết và sa mạc Arabah. Nước chảy đến đâu đem sự sống cho muôn lòai đến đó. Nước này cũng chữa lành mọi bệnh tật của con người. Trong Phúc Âm, một người bị liệt đã 38 năm, nằm bên hồ Bethzatha chờ mặt nước nối liền Đền Thờ được khuấy động là nhảy xuống hồ để được chữa lành. May mắn cho anh, Chúa Giêsu đi ngang, nhìn thấy, và chữa lành. Ngài truyền cho anh đứng dậy, vác chõng, và đi về nhà.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.
1.1/ Thị kiến “Nước từ Đền Thờ chảy ra” của tiên-tri Ezekiel: Nhiều tác giả đã dùng biểu tượng “Nước từ Đền Thờ chảy ra” (x/c Joel 3:18, Zech 14:8, Psa 36:8-9, Rev 22:1). Có tác giả cho đây có lẽ là một ám chỉ của giòng nước chảy ra từ Vườn Địa Đàng (Gen 2:10-14), ngưng chảy vì tội của Adam, xuất hiện trở lại trong cuộc Xuất Hành qua sa mạc qua biến cố “Nước chảy ra từ Tảng Đá,” và sau cùng tái xuất hiện trong thành Jerusalem vào Ngày Cánh Chung như một giòng sông. Phía Đông của Đền Thờ Jerusalem là thung lũng Kedron, thường thì khô cạn, và người ta có thể băng ngang để leo lên Vườn Cây Dầu như Chúa Giêsu và các môn đệ thường làm. Thị kiến của Ezekiel muốn nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài có thể làm cho nước ngập tràn thung lũng Kedron, làm thành một giòng sông chảy vào Biển Chết như sông Jordan.
1.2/ Nước từ Đền Thờ mang lại sự sống và chữa lành con người: Nơi nào có nước là có sự sống. Cây trồng bên suối nước sẽ luôn xanh tươi và sinh nhiều hoa trái. Trong thực tế, Biển Chết là nơi nước sông Jordan chảy vào; vì không có lối thóat nên nước trở nên rất mặn, và không một sinh vật nào có thể sống nổi. Thị kiến của tiên-tri Ezekiel có lẽ muốn nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa trong tương lai. Ngài sẽ làm nước từ Đền Thờ chảy ra nhiều đến nỗi làm thành một giòng sông lấp đầy thung lũng Kedron, chảy vào Biển Chết và thông xuống vùng sa mạc Arabah. Khi Biển Chết được thông thương, nước sẽ trở nên tinh sạch hơn và làm cho nước biển hoá lành. Vì thế, “Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” Một điều chắc chắn hơn, thị kiến này ám chỉ Nước Rửa Tội mà trong đêm Vọng Phục Sinh, khi chúng ta sẽ hát lên: “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra; và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên …”
2/ Phúc Âm: Người bệnh bất tọai chờ bên hồ nước Bethzatha để được chữa lành.
2.1/ Lịch sử của hồ nước Bethzatha: Trước thế kỷ 20, các học giả của Tin Mừng Gioan cho hồ nước này chỉ là biểu tượng, chứ không có thật tại Jerusalem, nhiều người còn chú giải 5 hành lang tượng trưng cho 5 Sách của Ngũ Kinh, 38 năm tượng trưng cho 38 năm dân Do-thái lang thang trong sa mạc. Trường Kinh Thánh và Khảo Cổ của Dòng Đa-minh, École Biblique, tìm ra tông tích của chiếc hồ này ở phía Tây của Đền Thờ, gần nhà thờ St. Ann hiện nay, cùng với các các di tích lịch sử của nó. Hai cái hồ tìm thấy nằm kế cận nhau được giải thích trong tờ hướng dẫn của các cha dòng White Friars như sau:
– Thời xa xưa, những hồ chứa nước được thiết lập trong thung lũng này. Một cái hồ đơn giản được đào để chứa nước chảy qua thung lũng như một cái hồ thiên nhiên. Sau này, cái hồ này được xây và biến thành hồ nhân tạo với chiều kích 40×50 m bằng cách dùng một ống dẫn nước rộng khỏang 6 m. Nước trong hồ được dẫn vào Đền Thờ bằng một con kênh nhỏ. Sách Isa 7:3 và 2 Kgs 18:17 ám chỉ con kênh nhỏ này.
– Vào cuối thế kỷ 3rd BC, một chiếc hồ thứ hai được thiết lập, có lẽ vào khỏang thời gian của Thượng Tế Simon (x/c Sir 50:3). Nó được xây ở phía Nam của ống dẫn nước, con kênh nhỏ được bao phủ và trở thành ống dẫn nước vào Đền Thờ.
– Vào giữa năm 150 BC và 70 AD, một trung tâm chữa bệnh nổi tiếng được phát triển về phía Đông của hai cái hồ này. Một giếng nước, chỗ tắm, và những bàn thờ cũng được thiết lập cho mục đích chữa trị và tôn giáo. Nơi đây là nơi tụ họp của nhóm người bị cấm không cho vào trong Đền Thờ vì bệnh tật. Họ chờ đợi khi thiên thần khuấy động nước là lăn xuống hồ để được chữa trị. Chính tại nơi Cửa Chiên này, Chúa Giêsu đã chữa lành người bại liệt.
– Vào thế kỷ 1st AD, một cái hồ lớn hơn, BIRKET ISRAEL, được xây gần Đền Thờ, làm cho những cái hồ ở Bethzatha không còn quan trọng nữa. Một tường thành mới được xây dựng về phía Bắc bởi Herod Agrippa vào năm 44 AD, ngăn cản không cho nước chảy vào Đền Thờ nữa.
2.2/ Chúa chữa lành người bại liệt đã 38 năm: Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Với tình trạng bệnh tật của anh, không thể nào anh là người thứ nhất lăn xuống hồ. Chúa Giêsu biết anh đã chịu bệnh lâu năm, nên bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabbath.
2.3/ Tranh luận về ngày Sabbath.
(1) Vi phạm ngày Sabbath: Vác chõng đi trong ngày Sabbath là vi phạm Lề Luật nặng nề, và có thể bị ném đá đến chết. Khi thấy anh vác chõng, người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày Sabbath, anh không được phép vác chõng!” Anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: “Anh hãy vác chõng mà đi!” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: “Vác chõng mà đi?” Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.
(2) Cuộc gặp gỡ lần thứ hai: Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sabbath.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG
– Như nước cần cho sự sống phần xác thế nào, nước từ Đền Thờ chảy ra cũng cần cho sự sống phần hồn như vậy. Nước Rửa Tội xóa sạch mọi tội của con người và mang lại cho người lãnh nhận nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
– Không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, con người sẽ bị khô héo lâu năm như người bại liệt. Khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời, Ngài sẽ chữa lành mọi bệnh tật cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


02/04/2019 – THỨ BA TUẦN 4 MC
Th. Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu
Ga 5,1-3a.5-16

COI CHỪNG CHAI LỲ TRONG TỘI
Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước gọi là Bết-da-tha… Ở đó có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Chúa Giê-su biết anh ta sống trong tình trạng ấy đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,2.5-6)
Suy niệm: Đó là những lời đầu trong trình thuật phép lạ của Chúa tại hồ Bết-da-tha. Chúng ta có ngạc nhiên về cách trả lời thờ ơ của người bệnh: Phải chăng sau ba mươi tám năm dài đằng đẵng, anh ta đã mất hết hy vọng? Khỏi bệnh hay không, đối với anh có lẽ cũng thế thôi. Biết đâu, cứ như thế này mà lại hay: dù sao anh đã quen với cảnh sống này rồi… Anh thờ ơ ngay cả khi được khỏi bệnh: vác chõng mà đi, không cần tìm hiểu người vừa chữa lành mình là ai – trông thật bất cần đời. Thậm chí đến khi bị những người Pha-ri-sêu tra vấn ai là người đã chữa cho anh, anh mới tìm hiểu điều đó và trả lời một cách hờ hững như thể là ông Giê-su ấy không có liên quan gì đến anh nữa. Nhưng coi chừng! Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật đáng sợ: “Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.”
Mời Bạn: Lời cảnh báo đó có thể cũng “ứng nghiệm” vào chính mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại biết bao lần chúng ta lãnh nhận Bí tích Hoà Giải, thế nhưng, có những thứ tội chúng ta cứ tái phạm hoài. Phải chăng đó là dấu chúng ta chưa ăn năn dốc lòng chừa cho thật?
Chia sẻ: Vì sao có nhiều người, cách riêng các bạn trẻ “dị ứng” với việc lãnh nhận bí tích hoà giải?
Sống Lời Chúa: Trong những dịp sám hối mùa Chay, bạn hãy quyết tâm chừa bỏ hẳn một tật xấu mà bạn hay phạm nhất.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn Năn Tội” và xin ơn được ăn năn tội thật lòng.
(5 Phút Lời Chúa)


Muốn trở nên lành mạnh (2.4.2019 – Thứ ba Tuần 4 Mùa Chay)
Suy niệm:

 Các Tin Mừng Nhất lãm chẳng khi nào nói đến chuyện
Đức Giêsu chữa bệnh cho ai ở vùng Giêrusalem.
Riêng Tin Mừng Gioan nói đến chuyện ngài chữa bệnh cho một anh bất toại
tại một cái hồ, gần Cửa Chiên dẫn vào khuôn viên Đền thờ Giêrusalem.
Hồ Bết-da-tha này khá lớn, có hình chữ nhật, được ngăn làm hai phần.
Chính vì thế có đến năm hành lang, nơi đây người bệnh nằm la liệt.
Họ mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền khác nhau,
nhưng ai đến đây cũng nuôi hy vọng khỏi bệnh.
 Giữa bao người ốm đau tàn tật đó, dường như Đức Giêsu chỉ thấy một mình anh.
Ngài biết anh mắc bệnh đã lâu, nằm trên chõng một thời gian dài.
Ba mươi tám năm, thời gian bằng một nửa đời người.
Chính Đức Giêsu là người đến với anh và mở lời bằng một câu hỏi:
“Anh có muốn trở nên lành mạnh không ?” (c. 6).
Câu hỏi có vẻ thừa này thật ra lại chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh.
Nó đụng đến chờ đợi mòn mỏi của anh từ nhiều năm qua.
Anh bất toại không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, người với anh vẫn còn xa lạ.
Nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này thấy cái ngõ cụt của mình,
những lý do khiến mình phải nằm ở đây lâu đến vậy.
“Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”: đó là lý do thứ nhất.
Tôi không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè thân thuộc.
Tôi cô đơn, trơ trọi một mình.
Giá mà tôi có ai đó giúp tôi lúc cơ may đến…
“Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi” : đó là lý do thứ hai.
Khi phải lê đi bằng chính sức của mình, thì tôi bao giờ cũng là người đến sau.
Tôi đã cố gắng nhiều lần, nhưng luôn phải cam chịu thất bại.
Bây giờ tôi còn dám tin vào mình nữa không ?
 Anh bất toại mong có một người bạn đem anh xuống nước đầu tiên.
Anh mơ thấy ngày trồi lên từ hồ nước, ướt sũng, nhưng đi lại bình thường.
Anh chẳng tin rằng ngày ấy là hôm nay.
Người bạn anh mong đang ở gần, kéo anh ra khỏi nỗi cô đơn.
Anh sẽ được khỏi bệnh mà người vẫn khô ráo.
“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !”: đây là lời mời hay mệnh lệnh ?
Bất ngờ, nhanh chóng và dễ dàng, anh đã đứng lên và đi được.
Cái chõng đã vác anh, bây giờ anh vác nó.
Hãy nhìn những bước đi đầu tiên của người ba mươi tám năm bất toại.
Anh đã trở nên lành mạnh, dù anh không xin hay bày tỏ lòng tin nào (cc. 6, 9,14).
Giêsu đến với anh như một người bạn làm anh trở nên lành mạnh (cc. 11,15).
Vì chữa bệnh cho anh này vào ngày sabát, ngài đã bắt đầu bị chống đối (c.16).
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi tôi : Con có muốn trở nên lành mạnh không?
Con có muốn ra khỏi sự bất toại kinh niên của mình không ?
Ngài mời tôi đứng lên và mạnh dạn bước đi, bỏ lại quá khứ tội lỗi.
Sau khi được chữa lành, ngài dặn tôi đừng phạm tội nữa (c. 14).
LỜI NGUYỆN
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TƯ
Sự Thật Sẽ Giải Phóng Các Ngươi
Đấng đã chết trên Thập Giá từng tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Chính đó là lý do thúc đẩy Đức Giêsu tiến tới với thập giá. Nơi Thập Giá, sự thật về tội lỗi con người, về tội lỗi của thế gian được kết đọng lại. Và dù con người có cố gắng phủ nhận sự thật đó mấy đi nữa, dù con người ngày nay có cố gắng xóa bỏ cảm thức tội lỗi khỏi lương tâm mình mấy đi nữa, Thập Giá vẫn luôn luôn làm chứng cho sự thật đó.
“Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những ai tin vào Người thì không phải hư mất, song được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Ngôi Lời bị đóng đanh! Chúa Con đã đến thế gian không phải để xét xử thế gian nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 12,47).
Hỡi con người của buổi bình minh thiên niên kỷ mới! Xin đừng lẩn tránh sự phán xét của Thập Giá Chúa Kitô. Thập Giá là sự phán xét cứu độ. Thập Giá là lời trao ban sự sống đời đời. Lời cứu độ này được thốt lên – một lần cho tất cả – giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không rút lại lời này. Lời này không tan biến.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/4
Thánh Phaxicô Poala, ẩn tu
Ed 47, 1-9.12; Ga 5, 1-3. 5-16.

LỜI SUY NIỆM:  “Nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem”
          Lời Chúa hôm nay trước hết cho chúng ta biết Chúa Giêsu và Đền Thờ Giêrusalem: “Chúa Giêsu cũng như các Tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền Thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được Thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời. Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền Thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người…” (GL 583). Và phần kế tiếp, Tin Mừng còn cho chúng ta thấy sự quam tâm và sự thấu hiểu của Người đối với những bệnh nhân đang nằm chờ bên hồ nước gần Cửa Chiên, và Chúa đã chữa lành người bại liệt đã ba mươi tám năm chờ đợi. “Anh hãy chỗi dậy, vác chỏng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chỏng và đi được” (Ga 5, 8-9)
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con biết tôn kính và quý trọng ngôi Thánh Đường nơi chúng con đang sinh sống và hết lòng cọng tác với cộng đoàn giáo xứ trong việc bác ái đối với những người nghèo khó, bệnh tật mà đang mong chờ sự trợ giúp.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-04
Thánh PHANXICÔ PAOLA
Ẩn tu – (1416 – 1507)

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cần bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn.
Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: – Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ?
Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì : “Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?”
Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: “Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy”.
Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt. Các thày dòng cảmkích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.
Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.
Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.
Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:
– Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.
– Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.
– Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi. Bà nói: – Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.
Thánh nhân trả lời em mình: – Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?
– Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.
Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy.
Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.
Ngài nói: – Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều.
Vua Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời : – Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành.
Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.
Phanxicô vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.
Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thư năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng. Cầm than nóng trong tay Ngài nói: – Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu.
Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở. Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.
(daminhvn.net)



02 Tháng Tư
Ve Sầu Kêu Ve Ve
“Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối…”.
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn “Con ve và con kiến” của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v… Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột voe, biến thành con ve với hai cánh dài để bay… Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất làđẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 5:1-16
Thứ Ba 2 Tháng Tư, 2019
Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay                                


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,
Chúa đã làm dịu cơn khát cho sự sống của chúng con  
Với nước của bí tích thanh tẩy.
Xin Chúa hãy biến sa mạc đời sống khô cằn của chúng con
Thành thiên đường của bình an và mừng vui,
Nguyện xin cho chúng con có thể sinh hoa kết trái
Về thánh thiện, công lý và bác ái.
Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Gioan 5:1-16
Hôm đó là ngày lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu đến Giêrusalem.  Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù lòa, què quặt, bất toại nằm la liệt.
Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.  Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh ta đã đau từ lâu, liền hỏi:  “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa:  “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động.  Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”.  Chúa Giêsu nói:  “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”.  Tức khắc, người ấy được lành bệnh.  Anh ta vác chõng và đi.
Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbát, nên người Do Thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng:  “Hôm nay là ngày Sabbát, anh không được phép vác chõng”.  Anh ta trả lời:  “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi:  ‘Vác chõng mà đi’”.  Họ hỏi:  “Ai là người đã bảo anh ‘Vác chõng mà đi’?”  Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong Đền Thờ, Người nói:  “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”.
Anh ta đi nói cho người Do Thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh. Vì thế, người Do Thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbát.

3.  Suy Niệm 
  Bài Tin Mừng hôm nay kể về chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt, người mà đã chờ đợi ba mươi tám năm để có một ai đó giúp đem anh ta xuống hồ để được lành bệnh!  Ba mươi tám năm!  Trước việc hoàn toàn thiếu sự tương trợ này, Chúa Giêsu làm gì?  Người đã phá giới răn giữ ngày Sabbát và chữa người bại liệt.  Ngày nay, ở các nước chậm tiến, việc trợ giúp cho người bệnh tật thì thiếu thốn, người ta cũng có cùng kinh nghiệm của việc thiếu tương trợ.  Họ sống trong cảnh hoàn toàn bị bỏ rơi, không có sự giúp đỡ hay tương trợ của bất cứ ai.
  Ga 5:1-2:  Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem.  Nhân dịp ngày lễ hội của người Do Thái, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem.  Ở đó, gần Đền Thờ có một hồ nước với năm hành lang.  Vào thời ấy, việc thờ phượng trong Đền Thờ đòì hỏi nhiều nước bởi vì vô vàn các con vật bị dùng làm của lễ, đặc biệt là trong các ngày lễ lớn.  Đây là lý do tại sao, gần Đền Thờ có nhiều bể nước hứng nước mưa.  Một số bể có thể chứa hơn ngàn lít nước.  Gần đó, vì nước dư tràn, có một khu nghỉ mát với nhà tắm công cộng, nơi mà đông người bệnh tụ tập chờ đợi được giúp đỡ hoặc để được chữa lành.  Khoa khảo cổ học đã cho thấy rằng ở các vùng ngoại vi của Đền Thờ, có nơi mà các Kinh Sư đã giảng dạy Lề Luật cho các học viên.  Một mặt, giảng dạy Lề Luật Thiên Chúa.  Mặt khác, bỏ rơi kẻ khó nghèo.  Nước đã thanh tẩy Đền Thờ, nhưng nó đã không thanh tẩy được người ta.
  Ga 5:3-4:  Tình trạng bệnh nhân.  Những bệnh nhân này bị lôi cuốn bởi nước của khu nghỉ mát.  Họ nói rằng thiên thần sẽ khuấy nước lên và người đầu tiên xuống nước sau khi thiên thần khuấy nước lên, thì dù mắc bệnh gì đi nữa cũng được khỏi.  Nói cách khác, các người bệnh bị lôi cuốn bởi một hy vọng hão huyền.  Việc chữa lành chỉ dành cho một người duy nhất.  Giống như chơi sổ xố thời nay.  Chỉ có một người được thắng giải!  Đa số người chơi trả tiền và chẳng thắng gì.  Một cách chính xác, trong tình huống hoàn toàn bị bỏ rơi này, nơi hồ tắm công cộng, Chúa Giêsu gặp người bệnh.
  Ga 5:5-9:  Chúa Giêsu chữa lành người bị bệnh vào ngày Thứ Bảy.  Rất gần với nơi mà việc tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa được giảng dạy, một người bất toại đã nằm ở đấy ba mươi tám năm, chờ đợi một ai đó sẽ giúp anh ta xuống nước để được lành bệnh.  Sự kiện này cho thấy hoàn toàn thiếu vắng sự tương trợ và chấp nhận những kẻ bị loại trừ!  Con số ba mươi tám chỉ về thời gian của cả một thế hệ (Đnl 2:14).  Cả một thế hệ không thành công để trải nghiệm tình tương trợ, hay lòng xót thương.  Tôn giáo vào thời ấy, không có khả năng mặc khải khuôn mặt thân thiện và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.  Khi đối diện với tình trạng bi đát này, Chúa Giêsu đã phá giới về ngày Thứ Bảy và chăm sóc người bất toại và nói rằng:  “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về!”  Tức khắc, anh ta vác chõng và bắt đầu đi vào giữa đám đông.
  Ga 5:10-13:  Cuộc đối thoại giữa người được khỏi bệnh và những người Do Thái.  Ngay lập tức sau đó, một vài người Do Thái đến và chỉ trích người vừa được khỏi bệnh đang vác chõng vào ngày Thứ Bảy.  Người vừa được khỏi bệnh không biết ai đã chữa mình khỏi bệnh.  Anh ta không biết Chúa Giêsu.  Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đi ngang qua nơi đó, nơi những người nghèo khổ và bệnh hoạn và trông thấy người ấy; Chúa cảm thấy tình cảnh khốn khổ của anh ta và đã chữa lành anh ta.  Người không chữa lành để cải đổi anh ta, cũng chẳng phải để anh ta tin vào Thiên Chúa.  Người chữa lành anh ta chỉ vì Người muốn giúp anh ta.  Người muốn anh ta trải nghiệm được lòng yêu thương và tình tương trợ qua sự giúp đỡ và chấp nhận yêu thương của mình.
  Ga 5:14-16:  Người được khỏi bệnh gặp lại Chúa Giêsu.  Vào trong Đền Thờ, ở giữa đám đông, Chúa Giêsu gặp lại người được khỏi bệnh và bảo anh ta:  “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”.  Vào thời ấy, người ta nghĩ và cho rằng:  “Bệnh tật là một sự trừng phạt của Thiên Chúa.  Thiên Chúa ở cùng bạn!”  Một khi người ấy được chữa lành, anh ta phải giữ không phạm tội nữa, để việc khốn khổ hơn sẽ không xảy ra với anh ta!  Nhưng với sự ngờ nghệch của mình, anh ta đi nói với người Do Thái rằng Chúa Giêsu đã chữa cho anh ta khỏi bệnh.  Người Do Thái bắt đầu truy cứu Chúa Giêsu tại sao Người làm những điều đó vào ngày Sabbát.  Trong bài Tin Mừng vào ngày mai, chúng ta biết những gì xảy ra sau đó.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
  Có bao giờ tôi đã có một kinh nghiệm tương tự như của người bất toại chưa:  nằm một chỗ trong một thời gian mà không có ai giúp đỡ không?  Tình trạng liên quan đến việc giúp đỡ những người bệnh tật tại nơi bạn sống thì ra sao?  Bạn có nhận thấy dấu hiệu nào của sự tương trợ không?
–  Việc này dạy cho chúng ta điều gì ngày nay?

5.  Lời nguyện kết
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
Núi đồi có sập xuống biển sâu,
Dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
Núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
Ta cũng chẳng sợ gì.
(Tv 46:1-3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét