Vatican News phỏng vấn Đc.
Phêrô Nguyễn Văn Viên về tông huấn Christus Vivit
Tông Huấn Christus Vivit – Đức Kitô hằng sống, hậu Thượng
HĐGM về người trẻ đã được công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua. Chúng tôi xin gởi đến
quý vị cuộc phỏng vấn với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, giám mục phụ tá Giáo
phận Vinh, và là chủ tịch Uỷ ban Mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN về tông huấn này.
Thực hiện: Văn Yên, SJ
Link audio phỏng vấn: https://youtu.be/QBA-yxK92WI
Nội dung phỏng vấn
1. Thưa Đức Cha, với tư cách là người đã tham dự Thượng Hội
Đồng Giám Mục, xin Đức Cha cho biết cảm nhận của Đức Cha về Tông Huấn Christus
Vivit. Đức Cha có mong đợi nào lớn hơn nữa?
Tôi rất vui mừng vì cuối cùng một Tông Huấn đặc biệt cho giới
trẻ đã ra đời trong lịch sử Giáo Hội gần 2000 năm. Điều đó cho ta nhận thức rằng
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô rất quan tâm đến giới trẻ. Ngài đã trình bày những vấn
đề phức tạp nhất liên quan đến giới trẻ theo cách thức đơn giản nhất. Tôi hy vọng
rằng Tông Huấn này sẽ được các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt các bạn
trẻ Việt Nam, thành tâm đón nhận, học hỏi, suy tư, chia sẻ cách thấu đáo và đem
ra thực hành như lòng mong muốn của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục và đặc
biệt của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.
2. Xin Đức Cha cho biết một số điểm đánh động nhất đối với
cá nhân Đức Cha trong Tông Huấn này.
Tôi xin đề cập đến năm điểm:
Thứ nhất, văn phong của Tông Huấn trôi chảy, từ ngữ đơn giản
và sứ điệp dễ dàng đi vào lòng người. Văn phong của Đức Thánh Cha là văn phong
của người cha, của người mẹ đối với con cái mình, hơn là văn phong của giáo sư
đối với sinh viên hay của người giám đốc đối các nhân viên mình.
Thứ hai, trong khi nhiều người phê bình, chỉ trích hay để
tâm đến những thiếu sót của giới trẻ, Đức Thánh Cha lại có nhãn quan rất đúng đắn
về họ. Một mặt, ngài chỉ ra những bất cập của giới trẻ trong thế giới toàn cầu
hóa và kỹ nghệ số hôm nay. Mặt khác, ngài đề cao những đóng góp rất tích cực của
giới trẻ cho Giáo Hội và xã hội. Đặc biệt, ngài khuyến khích họ hãy là những
nhân chứng cho Đức Giê-su Ki-tô và Tin Mừng của Người giữa lòng thế giới.
Thứ ba, người ta thường nói rằng giới trẻ là tương lai của
Giáo Hội. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lại nói rằng giới trẻ là hiện tại của Giáo Hội
và là hiện tại của Thiên Chúa (the now of God). Ý tưởng này dẫn chúng ta đến nhận
thức rằng giới trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo Hội, mà còn là chủ
nhân của Giáo Hội. Họ được mời gọi sống và diễn tả nội dung đức tin Ki-tô giáo.
Thứ tư, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của người nữ trong Giáo
Hội và xã hội. Ngài không chỉ nêu tên nhiều vị thánh nữ trẻ, nhất là Đức Trinh
Nữ Maria, đã can đảm sống và làm chứng cho niềm tin của mình, mà còn diễn tả rất
khúc chiết tương quan giữa người trẻ và Mẹ Giáo Hội.
Thứ năm, tôi rất cảm động khi tên của 2 nhân vật người Việt
Nam được Đức Thánh Cha đưa vào Tông Huấn như là những mẫu gương Ki-tô hữu sống
động giữa dòng đời cho tất cả mọi người noi theo, đó là Chân Phước An-rê Phú
Yên, một người trẻ Việt Nam (1625-1644) và Bậc Đáng Kính Đức Hồng Y Phan-xi-cô
Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Không những nêu tên, Đức Thánh Cha đã viết
rằng Chân Phước An-rê Phú Yên bị tù đày và bị giết vì trung tín với đức tin của
mình. Giây phút cuối cùng của cuộc đời, ngài tuyên xưng Danh Đức Giê-su Ki-tô. Đức
Thánh Cha cũng trích dẫn lời của Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận
rằng: "Sống giây phút hiện tại và lấp đầy giây phút đó với tình yêu dâng
trào."
3. Thưa Đức Cha Tông Huấn có gì mới và đặc biệt trong bối
cảnh hiện nay?
Những gì Đức Thánh Cha trình bày trong Tông Huấn không mới.
Điều mới ở đây là cách trình bày của ngài về các chủ đề chủ yếu đặt nền tảng
trên Kinh Thánh và thực tiễn. Chẳng hạn, tiếp tục tinh thần của các Nghị Phụ
Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngài quảng diễn câu chuyện hai môn đệ trên đường
Em-mau (Lk 24,13-35). Câu chuyện này là xương sống (backbone) của tài liệu đúc
kết Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tuy nhiên, cách trình bày của Đức Thánh Cha ngắn
gọn và rõ ràng hơn. Chúng ta có thể tóm lược cách trình bày của Đức Thánh Cha về
câu chuyện này vào '3 thì'. Đó là: (1) Chia sẻ Lời Chúa, (2) cử hành bí tích,
và (3) loan báo Tin Mừng. Như hai môn đệ trên đường Em-mau, các bạn trẻ được mời
gọi sống và thực hành '3 thì' này trong cuộc sống mình. Hơn nữa, có những chủ đề
đáng lẽ phải trình bày dài dòng, Đức Thánh Cha chỉ dùng vài từ là đủ đánh động
lương tâm của các bạn trẻ. Chẳng hạn, để trưởng thành hơn về đời sống đức tin
cũng như các tương quan khác trong bối cảnh hiện tại của các bạn trẻ, Đức Thánh
Cha chỉ nói đơn giản rằng luôn online với Đức Giê-su (remain online with Jesus)
hoặc đi vào mối tương quan tình bạn với Người (friendship with
Jesus).
4. Thưa Đức Cha, đây là Tông Huấn viết cho người trẻ,
nhưng người ta, đặc biệt là người Việt và giới trẻ Việt, ngày càng lười đọc những
văn bản dài, vậy làm sao để có thể phố biến Tông Huấn này cho người trẻ?
Theo tôi biết, ở Việt Nam, hằng năm người ta tiêu thụ khoảng
5 tỷ gói mì ăn liền. Xem ra 'não trạng' hay 'văn hóa mì ăn liền' đang thịnh
hành trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sống thử, sống gấp, sống nhanh đang là
xu hướng của nhiều người. Tông Huấn khoảng 30.000 từ thôi, tôi nghĩ không dài lắm.
Các bạn trẻ có thể tải xuống điện thoại hay máy tính của mình để đọc, suy niệm
và áp dụng. Nếu thời gian không cho phép, các bạn trẻ có thể đọc tóm lược Tông
Huấn hay những chia sẻ khác về Tông Huấn đang phổ biến trên các trang mạng
Internet.
5. Thưa Đức Cha, khi đọc Tông Huấn này, với tư cách là chủ
tịch uỷ ban Mục vụ giới trẻ, Đức Cha được gợi hứng gì trong việc mục vụ giới trẻ
trong tương lai?
Thứ nhất, ý thức hơn về vai trò của các bạn trẻ trong đời sống
Giáo Hội cũng như xã hội. Thứ hai, đi đường trái tim, như Đức Giê-su đã đi, để
đến với các bạn trẻ. Thứ ba, tiếp xúc với các bạn trẻ nhiều hơn. Thứ tư, học hỏi
ngôn ngữ và văn hóa của các bạn trẻ để đồng hành cùng họ. Thứ năm, mời gọi các
bạn trẻ sống và diễn tả nội dung đức tin Ki-tô giáo của mình bằng 3T
(Trí-Tâm-Tay). 'Trí' nghĩa là tin tưởng vào Chúa, 'Tâm' nghĩa là thông hiệp với
Chúa; 'Tay' nghĩa là thực thi thánh ý Chúa bằng hành động của mình.
6. Thưa Đức Cha, để áp dụng được một đường hướng thì cần
bắt mạch xem điểm mạnh và điểm yếu của nó. Vậy xin Đức Cha cho biết đâu là điểm
mạnh và điểm yếu của mục vụ giới trẻ Việt Nam, và cần cải thiện thế nào?
Điểm mạnh của mục vụ giới trẻ Việt Nam đó là đa số các bạn
trẻ yêu mến Giáo Hội, rất cầu tiến và thích dấn thân. Đặc biệt, họ muốn đóng
góp phần mình trong việc diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Điểm
yếu trong mục vụ giới trẻ Việt Nam đó là thiếu những người đồng hành có khả năng
tiếp cận và hướng dẫn các bạn trẻ. Hơn nữa, truyền thông thông tin và giáo dục
Công Giáo chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ.
Cảm ơn Đức Cha đã dành cho Vatican News bài phỏng vấn
này.
Xin chân thành cảm ơn phóng viên và các thính giả.
Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn tất cả chúng
ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét