23/06/2019
Chúa Nhật 12 Thường Niên năm C.
MÌNH MÁU THÁNH.
Lễ Trọng. Lễ HỌ
(phần II)
Phụng
vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa - năm C
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)
TRUNG GIAN CỨU ĐỘ
“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no
nê” (Lc 9,17).
I.
CÁC BÀI ĐỌC:
Các
bài đọc trong phụng vụ lễ Mình và Máu Thánh Chúa làm nổi bật vai trò trung
gian: ông Menkixêđê là trung gian để ông Ápraham nhận phúc lành từ Thiên Chúa;
Chúa Giêsu là trung gian của Giao Ước Mới khi hiến thân cho nhân loại; Nhóm Mười
Hai là trung gian để Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân
chúng. Mọi vai trò trung gian cuối cùng đều qui về Chúa Giêsu, Đấng là trung
gian cứu độ duy nhất của nhân loại, vì “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu
độ” (Cv 4,12).
1. Bài
đọc 1:
Đây
là lần đầu tiên ông Menkixêđê được tác giả Kinh Thánh đề cập đến. Ông được giới
thiệu như là vua và thượng tế của Thiên Chúa tối cao, ngay cả trước khi có sự
thiết lập hàng tư tế Lêvi. Sau này, hình ảnh ông Menkixêđê sẽ được tác giả Tân
Ước dùng để trình bày nền thần học về chức tư tế của Chúa Kitô.
Trước
hết, tác giả sách Sáng Thế tường thuật việc ông Menkixêđê ra đón gặp và chúc
lành cho ông Ápram (Ápraham) khi ông này vừa thắng trận trở về (St 14,19-20). Lời
chúc lành của ông Menkixêđê cho thấy vị thế cao trọng của ông trên ông Ápraham,
vì “chỉ người dưới mới nhận lời chúc lành của người trên” (Hr 7,7). Vị thế cao
trọng của ông Menkixêđê còn được khẳng định hơn nữa qua việc ông Ápraham “biếu
ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,20b). Một đàng, theo
truyền thống, chi tộc tư tế Lêvi nhận một phần mười hoa lợi từ các chi tộc
khác; đàng khác, tư tế Menkixêđê lại nhận một phần mười từ Ápraham là tổ phụ của
các chi tộc Ítraen. Như thế, chức tư tế của ông Menkixêđê không những khác mà
còn trổi vượt hơn chức tư tế Lêvi. Sau này, tác giả thư Hípri dùng hình ảnh tư
tế Menkixêđê, như được nhắc đến trong sách Sáng Thế và Thánh Vịnh 110, để trình
bày Đức Kitô như là Vua và là Thượng Tế, “theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110,4;
Hr 5,6.10; 6,20; 7,11.17).
Sau nữa,
khi chúc lành cho ông Ápraham, ông Menkixêđê cũng nhận được phúc lành của Thiên
Chúa theo như lời hứa của Thiên Chúa đối với ông Ápraham rằng: “Ta sẽ chúc phúc
cho những ai chúc phúc cho ngươi” (St 12,3). Quả vậy, lời chúc lành của ông
Menkixêđê: “Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch
của ông” (St 14,20a) cho thấy rằng mọi phúc lành đều phát xuất từ Thiên Chúa.
Chiến thắng của ông Ápraham cũng do Thiên Chúa, Đấng ban phúc lành và xứng đáng
nhận mọi lời chúc tụng. Ông Menkixêđê, vì là vua và tư tế, đóng vai trò trung
gian vừa để chuyển đến ông Ápraham phúc lành của Thiên Chúa, vừa thay lời cho
Ápraham mà tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa. Sau này, tác giả thư Hípri sẽ dùng
hình ảnh ông Menkixêđê để trình bày Đức Giêsu như là tư tế trung gian của một
giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người (x. Hr 8,6; 9,15; 12,24).
Như
thế, khi cho thấy vị thế của ông Menkixêđê như là trung gian giữa Thiên Chúa và
ông Ápraham, tác giả sách Sáng Thế cung cấp một nền tảng thần học quan trọng,
mà sau này tác giả thư Hípri dùng để trình bày về vai trò trung gian giao ước mới
của Đức Giêsu, Đấng là tư tế đến muôn đời theo phẩm trật Menkixêđê.
2. Bài
đọc 2:
Đặt
trong bối cảnh có sự chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô khi các tín hữu cử hành “bữa
tối của Chúa” cách bất xứng, khiến việc cử hành không đem lại lợi ích cho họ
(x. 1 Cr 11,17-22), thánh Phaolô xác nhận rằng việc cử hành “bữa tối của Chúa”
là giáo huấn mà ngài “đã lãnh nhận từ nơi Chúa” (11,23) và đóng một vai trò rất
quan trọng trong việc tưởng nhớ và loan truyền về cái chết của Ngài. Bài tường
thuật của thánh Phaolô có các điểm chính sau đây.
Trước
hết, bài tường thuật của thánh Phaolô minh xác về Mình và Máu Chúa Kitô. Quả vậy,
trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã khẳng định cách rõ ràng và chắc chắn rằng bánh
và rượu mà ngài trao cho các môn đệ chính là Mình và Máu Ngài. Cũng vậy, bánh
và rượu mà các tín hữu Côrintô đón nhận trong khi cử hành “bữa tối của Chúa”
không còn là bánh và rượu nữa, nhưng đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa
Giêsu. Vì thế, việc cử hành “bữa tối của Chúa” không phải là chuyện ăn, chuyện
uống, để rồi có kẻ no say, người lại đói (x. 1 Cr 11,21), nhưng là thật sự đón
nhận Mình và Máu Chúa Kitô. Do đó, cần có sự cung kính, xét mình cẩn thận để
không đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng, vì bất kỳ sự xúc phạm nào đều
dẫn đến án phạt (x. 1 Cr 11,27-29).
Hơn nữa,
bài tường thuật của thánh Phaolô xác nhận về giá trị Giáo Ước Mới được lập bằng
máu Chúa Giêsu. Thật vậy, theo truyền thống Do thái, chỉ có máu mới có thể “xá
tội” cho con người (x. Lv 17,11). Tuy nhiên, máu các con vật trong giao ước cũ,
dù được lặp đi lặp lại nhiều lần, không thể vĩnh viễn thanh tẩy tội lỗi con người.
Trái lại, “Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người”
(Hr 9,28), vì “Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình
mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những
ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa”
(Hr 9,15).
Sau
cùng, bài tường thuật của thánh Phaolô nhấn mạnh lệnh truyền của Chúa Giêsu về
việc tiếp tục cử hành “bữa tối của Chúa”. Thật vậy, thánh Phaolô hai lần nhắc lại
lời Chúa Giêsu rằng “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (11,24.25), vì “mỗi
lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (11,26).
Việc cử hành “bữa tối của Chúa” không chỉ là một sự chọn lựa mà là một mệnh lệnh
của Chúa Giêsu thúc bách các tín hữu Côrintô hãy tiếp tục thi hành, vừa để tưởng
nhớ hiến tế Thầy đã thực hiện để đem lại sự sống cho họ, vừa để loan truyền về
cái chết của Thầy “cho tới ngày Chúa đến” (11,26), ngày Đức Giêsu trở lại trong
vinh quang.
3. Bài
Tin Mừng:
Khi
các Tông Đồ trở về sau chuyến hành trình “rao giảng Nước Thiên Chúa”, Chúa
Giêsu đưa riêng các ngài đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nhưng khi đối diện
với đám đông dân chúng đang tìm cách đến với mình, Chúa Giêsu không những không
chối từ mà còn ân cần đón tiếp, rao giảng, chữa lành cho họ (9,11b), đồng thời,
qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Người đáp ứng nhu cầu của họ (9,12-17).
Trước
hết, các môn đệ nhận thức rõ rằng vào buổi chiều tà dân chúng cần chỗ trọ và thức
ăn, nhưng giải pháp các ông đưa ra chỉ đơn giản là giải tán đám đông để họ tự
giải quyết vấn đề của họ. Chúa Giêsu không chọn cách giải quyết đó, nhưng đòi
buộc các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (9,13). Các môn đệ cần phải nỗ lực
trong khả năng của mình để nhằm đáp ứng nhu cầu của dân chúng và dù sự nỗ lực của
các ông không đủ để thỏa mãn họ (“chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con
cá”), vẫn có giá trị như một sự hợp tác khởi đầu để phép lạ xảy ra. Sự nỗ lực của
các môn đệ vừa giúp các ông nhận thấy giới hạn của mình, vừa làm nổi bật quyền
năng của Chúa Giêsu.
Thêm
vào đó, trọng tâm của phép lạ là hành động mang đầy tính biểu tượng của Chúa
Giêsu. Thật vậy, các hành động của Chúa Giêsu như “cầm lấy”, “chúc tụng”,“bẻ
ra” và “trao cho” là dấu chỉ báo trước việc Người sẽ “cầm lấy bánh, dâng lời tạ
ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc
22,19). Năm chiếc bánh và hai con cá không thấm vào đâu so với đám đông dân
chúng, nhưng một khi được bẻ ra và ban phát như là “mình Thầy” thì luôn đủ cho
tất cả mọi người. Chỉ có tấm bánh cuộc đời Chúa Giêsu, một khi được bẻ ra qua
cuộc sống và cái chết cho con người, mới có sức sống thần thiêng để thỏa mãn những
khát vọng sâu xa nhất của con người.
Cuối
cùng, từ năm chiếc bánh và hai con cá mà mọi người đều được ăn no nê nhưng vẫn
còn dư mười hai thúng. Trong tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, Nhóm Mười Hai vẫn
chỉ như những “quản gia trung tín và khôn ngoan” để ban phát ân sủng của Thiên
Chúa cho dân của Ngài “đúng giờ đúng lúc” (x. Lc 12,41-48). Ân sủng Thiên Chúa
luôn dư tràn, nên các Tông Đồ hãy trở nên những quản gia quảng đại của Thiên
Chúa. Việc thu lại những “miếng vụn còn thừa” như một lời nhắc nhở các ông về lời
mời gọi trước đó của Chúa Giêsu rằng “anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa
cho lại”, vì Ngài “sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn,
mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38).
II. GỢI
Ý ÁP DỤNG:
1/
Trong vai trò là vua và tư tế của Thiên Chúa tối cao, ông Menkixêđê trở nên
trung gian để Thiên Chúa chúc lành cho ông Ápraham và nhờ ông “mọi gia tộc trên
mặt đất được chúc lành” (St 12,3). Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, tôi cũng được
tham gia vào ba chức vụ của Chúa Giêsu là tư tế, vương đế và ngôn sứ. Tôi được
trao cho nhiệm vụ làm trung gian để phúc lành của Thiên Chúa đến với người
khác. Tôi thực hiện nhiệm vụ này thế nào?
2/ Đặt
trong bối cảnh các tín hữu Côrintô cử hành “bữa tối của Chúa” cách bất xứng và
gây chia rẽ, thánh Phaolô cho thấy rằng “bữa tối của Chúa” không phải là chuyện
ăn uống, mà có kẻ no say người lại đói, nhưng là bữa tiệc Mình và Máu Chúa Kitô
đổ ra để thiết lập Giao Ước Mới với con người, nhờ đó con người được tha tội mà
giao hòa với Thiên Chúa. Do đó, các tín hữu phải cử hành mà loan truyền việc
Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho đến khi Người trở lại trong vinh quang.
Tôi có tham dự tiệc Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng? Tôi có xem bữa tiệc
Thánh Thể là cách loan truyền về Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì tôi,
cho đến khi Người lại đến?
3/
Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy quyền năng của Đức Giêsu, Đấng hiến thân
mình để ban phát dồi dào ân sủng của Thiên Chúa cho những ai tin. Phép lạ còn
thôi thúc các môn đệ hãy trở nên những trung gian quảng đại ban phát ơn lành của
Thiên Chúa cho những ai đang khao khát Ngài. Biết bao người vẫn đang đói khát
lương thực thiêng liêng, là môn đệ Chúa Kitô, tôi có sẵn sàng trở nên cầu nối để
dẫn người ta đến với Chúa là nguồn sự sống đích thực?
III.
LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết
lập bí tích Thánh Thể để hiến ban Mình và Máu Người làm lương thực dưỡng nuôi
linh hồn chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta hãy đồng
thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1- Bí
tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa Kitô ở giữa nhân loại.
Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn chuyên cần và sốt
sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, sống theo gương hy sinh quên mình của Thầy
chí thánh, để giới thiệu Chúa Kitô cách sống động cho con người thời đại.
2- Đức
Kitô là bánh bởi trời ban cho con người sức sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin
cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm bảo vệ và phục vụ quyền sống của
con người, cho người dân của các nước nghèo được thụ hưởng những quyền lợi tối
thiểu cả vật chất lẫn tinh thần xứng đáng với phẩm giá làm người của họ.
3- Bí
tích Thánh Thể là quà tặng thần linh Chúa Giêsu dành cho mọi tín hữu. Chúng ta
cùng cầu xin cho các kitô hữu biết trân trọng và mến yêu Bí tích Cực Thánh,
luôn siêng năng tham dự cử hành Thánh Thể, để được kết hiệp mật thiết với Chúa
Kitô và hiệp thông huynh đệ với nhau, hầu tích cực xây dựng Nhiệm Thể Chúa là Hội
Thánh.
4- Bí
tích Thánh Thể là bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu và vinh quang thiên quốc.
Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được Chúa liên kết
và biến đổi trở nên những tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, hăng hái xây dựng nước
Chúa nơi trần gian, hầu ngày sau xứng đáng chung hưởng hạnh phúc nước trời.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống và hy
vọng của nhân loại, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và nâng đỡ chúng con
trong cuộc sống làm chứng hôm nay, để mai sau xứng đáng tham dự bàn tiệc trong
Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
SCĐ
Lễ Kính Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô
LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Chủ đề :
Mình và Máu Chúa Giêsu là lương thực
cho loài người
Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc
9,11-17)
Sợi
chỉ đỏ :
– Bài đọc I (St 14,18-20) : Thầy
cả Melkixêđê dâng bánh rượu cho ông Abraham.
– Đáp ca (Tv 109) : ca tụng Đức
Kitô là Thượng Tế.
– Tin Mừng (Lc 9,11-17) : Chúa
Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
– Bài đọc II (1 Cr 11,23-26) :
Tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn
uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng
linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho
mạnh ; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng ; nếu
chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh
Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn
chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta lo tìm lương thực phần
xác hơn là lương thực phần hồn.
– Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc
Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết
yêu thương nhau.
– Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh
bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (St 14,18-20) :
Văn mạch của câu chuyện này là
Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng (xem St 14,1-16).
Hay tin ấy, Melkisêđê, vừa là vua vừa
là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để
chúc mừng ông ; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc
lành cho Abraham.
Phần Abraham. mặc dù lúc ấy ông đã
hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã
nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.
2.
Đáp ca (Tv 109)
Tv 109 ca tụng Đấng Messia như một
vì vua thống trị tất cả các vua trên mặt đất.
Câu đáp “Con là Thượng tế đến muôn đời
theo phẩm hàm Melkisêđê” lại cho thấy Vua Messia ấy còn là Thượng tế nữa.
Cả hai tước hiệu Vua và Thượng Tế đều
được áp dụng cho Chúa Giêsu.
3.
Tin Mừng (Lc 9,11-17) :
Phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Cách viết của thánh Luca chứa nhiều
ngụ ý :
– Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày
xưa : nơi diễn ra phép lạ là “sa mạc”, một đám đông dân chúng đang đói, họ
đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng tương đương con số các
chi tộc Israel à Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày
xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ xưa ấy nữa.
– Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà
Chúa Giêsu sẽ lập : thời điểm diễn ra là “khi đã xế chiều” (giống bữa tiệc
ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy”, “nhìn lên”, “chúc tụng”, “bẻ ra” và
“chia” (giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).
Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều
này nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
4.
Bài đọc II (1 Cr 11,23-26) :
Thời đó, tín hữu có thói quen cử
hành “bữa tiệc Thánh Thể” (Cena) trong khung cảnh một “bữa ăn huynh đệ”
(agape). Ý nghĩa của bữa Cena là như sau : mỗi khi họp nhau để cử hành
Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để
giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.
Nhưng ở Côrintô những người giàu đã
vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước không chờ những người nghèo. Tệ hơn nữa,
những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.
Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc
lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng
vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là một tài liệu rất quý giá (cc
23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng
đáng và đúng nghĩa. Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan
tâm đến việc chia xẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn
Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể (ý nghĩa
kiểu nói “phân biệt được Thân mình”).
IV. Gợi ý giảng
- Lễ Tạ Ơn
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh
lễ là một lễ Tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ trong các bài đọc hôm nay :
– Tư tế Melkisêđê hay tin Abraham
chiến thắng thì đã “chúc tụng Thiên Chúa” (bài đọc I). Chúc tụng là một cách tạ
ơn.
– Abraham nộp cho vị Tư Tế của Thiên
Chúa một phần mười tất cả các chiến phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn (bài
đọc I).
– Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh
Thể, Ngài cũng “cầm lấy bánh và tạ ơn” (bài đọc II)
– Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra
nhiều, hình ảnh tiên báo Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy, ngước mắt nhìn
lên trời và chúc tụng” (chúc tụng là tạ ơn) (bài Tin Mừng).
Nhưng ngày nay khi chúng ta dự Thánh
lễ, hầu như chúng ta chỉ biết xin ơn mà quên tạ ơn.
Có biết bao điều ta có thể tạ ơn
Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ.
2.
Những điều tầm thường trở thành phi
thường
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta
thấy nhiều điều rất tầm thường trong cuộc sống bình thường : bánh, rượu,
ăn, uống, cầm, bẻ ra, chia…
Nhưng Melkisêđê đã dùng bánh và rượu
ấy để làm lễ tế ; Chúa Giêsu cũng dùng bánh và rượu để biến thành Mình và
Máu Ngài. Và Chúa Giêsu đã làm việc đó bằng những cử chỉ bình thường như cầm lấy,
bẻ ra, trao…
Trong Thánh lễ, tất cả những điều
bình thường và thậm chí tầm thường đều có thể trở thành phi thường, cao cả,
thánh thiện.
Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng
ta hãy đến với những sự tầm thường và thánh hóa chúng thành những điều phi thường.
Thí dụ : mồ hôi, nước mắt, việc làm, tâm tư, nguyện ước….
3.
Quen thuộc hóa
Linh mục Walter Ciszek bị quân Nga bắt
trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết tội là “Gián điệp Vatican” và phải qua 23
năm trong tù và trong các trại lao động Sibêrica. Cuối cùng, khi ra khỏi tù,
Ngài viết lại một quyển sách về những kinh nghiệm của mình và đặt tựa cho nó
là : “He Liadeth me” (Ngài dẫn dắt tôi)
Một số câu chuyện cảm động trong cuốn
sách nói về những hy sinh mà các tù nhân phải chịu để được nhận lãnh Mình Thánh
Chúa Kitô ở trong tù. Đặc biệt có một câu chuyện đáng ghi nhớ. Trước khi chia sẻ
câu chuyện này với anh chị em, tôi xin trình bày bối cảnh của câu chuyện :
Vào những ngày xảy ra thế chiến thứ
hai, tức là trước Công Đồng Vatican II, giáo luật buộc kiêng ăn uống suốt 24 giờ
đồng hồ trước khi rước lễ. Xin lưu ý điều này khi đọc đoạn văn sau trích từ quyển
sách của Linh mục Ciszek :
“Tôi thấy các tù nhân phải bỏ bớt giấc
ngủ cần thiết và thức dậy trước chuông rung để tham dự thánh lễ bí mật. Chúng
tôi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nếu bị khám phá đang hành lễ và luôn luôn lúc
nào cũng có những tên chỉ điểm… Tất cả điều trên khiến cho những thánh lễ có
đông tù nhân trở nên rất khó khăn, vì thế khi có thể chúng tôi thường truyền
phép thêm bánh lễ để phân phối cho các tù nhân khác. Đôi khi chúng tôi thường
chỉ trông thấy họ khi chúng tôi trở về trại vào ban tối trước bữa ăn. Tuy vậy,
những người này thường phải thực sự nhịn đói cả ngày và phải lao động cật lực
mà không dám ăn một miếng kể từ bữa ăn tối chiều hôm trứơc chỉ với mục đích là
để có thể rước Thánh Thể, điều này cho thấy Bí Tích Thánh Thể có ý nghĩa với họ
biết là dường nào !” (Trích từ He Leadeth me của Walter Ciszek và Daniel
Fatherly, bản 1973 của Walter J. Ciszek S. J).
Nói cách khác, trường hợp các tù
nhân có thể sánh hệt như vào giờ này hôm qua đến giờ này hôm nay anh chị em và
tôi chẳng hề ăn uống gì cả, đồng thời chúng ta lại đang phải lao động vất vả
trong thời tiết dưới không độ. Điều ấy cho thấy sự rước lễ có ý nghĩa biết bao
đối với Linh Mục Ciszek và các tù nhân của Ngài.
Câu chuyện trên thật thích hợp với lễ
Mình Thánh Chúa Kitô hôm nay. Hai tiếng La Tinh “Corpus Christi” có nghĩa là
“Thân Thể Chúa Kitô”… Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa Kitô này, chúng ta tôn vinh
thân xác Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
Tại sao chúng ta dành riêng một ngày
đặc biệt để tôn vinh “Mình Thánh” Chúa Kitô ? Chúng ta đã chẳng tôn vinh
Mình Thánh Chúa Kitô vào mỗi khi dâng Thánh lễ sao ? Vậy tại sao lại có
ngày dành riêng đặc biệt này ?
Lý do chúng ta mừng lễ Mình Thánh
Chúa Giêsu cũng chính là lý do khiến chúng ta mừng ngày dành riêng cho các bậc
làm cha hôm nay. Bởi khuynh hướng con người chúng ta thường xem những tặng phẩm
đặc biệt là điều dĩ nhiên, chẳng hạn như thân mình Chúa Giêsu hoặc các người bố
của chúng ta.
Một trong những bi kịch lớn nhất của
cuộc đời chúng ta thường đánh mất sự quí trọng đối với một vài tặng phẩm quí
giá nhất mà chúng ta đang có. Tại sao vậy ? Các nhà tâm lý học cho chúng
ta hay là nếu chúng ta cứ phải chú ý đến từng âm thanh chúng ta nghe hoặc từng
mầu sắc chúng ta thấy thì chắc chắn chúng ta sẽ phát điên lên. Vì thế để bảo vệ
chúng ta khỏi sự điên khùng này, chúng ta liền thích ứng với những âm thanh và
mầu sắc này, chúng ta đóng khung chúng khỏi ý thức mình. chẳng hạn, nếu chúng
ta nghe ai đó đánh máy trong phòng bên cạnh thì chúng ta sẽ để cho lỗ tai làm
quen với âm thanh ngay. Các nhà tâm lý học gọi tiến trình này là “Quen thuộc
hoá” (habituation).
Tuy nhiên cũng có mặt trái của sự
quen thuộc này. Bởi vì chúng ta thường dễ có khuynh hướng làm ngơ trước mọi sự,
chẳng hạn những buổi mặt trời lặn, những bông hoa, bè bạn, các bà mẹ, các ông bố
và ngay cả Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta đánh mất sự quý chuộng và sự biết
ơn về những điều ấy. Chúng ta xem đó như những điều đương nhiên.
Sự quen thuộc hoá này là một trong
những lý do quan trọng khiến môn Thiền đã trở nên khá phổ biến. Mục đích của việc
thiền định là giúp chúng ta tiêu trừ “sự quen thuộc hoá” này. Nó giúp chúng ta
ý thức trở lại vẻ đẹp của hoàng hôn, của bông hoa, của bè bạn. Trong thiền định,
người ta cố gắng tập trung chú ý vào một đối tượng thân thuộc, chẳng hạn một
bông hoa, như thể lần đầu tiên người ta trông thấy nó ; hoặc tập trung vào
một kẻ mình yêu mến chẳng hạn ông bố của mình như thể đây là lần sau cùng mình
trông thấy ông và ao ước cho hình ảnh ông ấy trường tồn mãi trong tâm trí.
Điều này dẫn chúng ta đến với Mình
Thánh Chúa Kitô. Lễ Mình Thánh Chúa Kitô đưa ra cho chúng ta lời mời gọi lẫn
thách thức.
Trước hết là lời mời gọi. Mình Thánh
Chúa Kitô mời gọi chúng ta tự vấn xem việc rước lễ có ý nghĩa gì với chúng
ta ? Chúng ta còn trân trọng việc ấy nhiều như khi chúng ta rước lễ lần đầu
không ? Việc rước lễ có ý nghĩa đối với chúng ta nhiều như đối với các tù
nhân trong cuốn sách của Linh Mục Ciszek không ?
Nếu câu trả lời của chúng ta là
không thì chúng ta sẽ gặp phải một lời thách thức. Đây cũng là lời thách thức
dành cho các bậc làm bố đặt ra cho chúng ta. Thách thức đó là : “Làm thế
nào chúng ta có thể tìm lại được sự quí chuộng đối với phép Thánh Thể cũng như
sự quí chuộng đối với bố mình ? Làm thế nào chúng ta có thể phấn khích trở
lại về cả hai tặng phẩm ấy ?”
Một phương cách giúp chúng ta làm được
điều đó là bắt chước các thiền sư. Chúng ta cố gắng suy niệm về Mình Thánh Chúa
Kitô như thể lần đầu tiên chúng ta khám phá ra mầu nhiệm này.
Cách đây một ít năm, bà Emilie
Griffin làm nghề quảng cáo ở Nữu Ước đã trở lại đạo Công Giáo. Bà có viết một
cuốn sách hấp dẫn tựa đề Turning (Trở lại), trong đó bà bàn về lý do lôi kéo bà
đến với đạo Công Giáo như sau :
“Lòng sùng mộ gia tăng đối với phép
Thánh Thể và niềm tin vào việc Chúa hiện diện thực sự đã lôi kéo tôi đến nhà
các nhà thờ thuộc Công giáo Rôma và trong khi lòng sùng mộ phép Thánh Thể càng
gia tăng thì tôi lại càng bị lôi cuốn đến với Công giáo Rôma”.
Như thế, chúng ta nên cố gắng suy niệm
về bí tích Thánh Thể theo gương Emilie Griffin khi bà khám phá ra mầu nhiệm
khôn dò này ngay trong lần đầu tiên.
Tôi xin được phép kết thúc bài giảng
với hai gợi ý sau.
Thứ nhất, trong tuần lễ sắp tới, anh
chị em hãy gia tăng lời cảm tạ Chúa Giêsu vào giờ kinh nguyện hằng ngày vì Ngài
đã tặng ban Máu Thịt Ngài làm quà cho chúng ta.
Thứ đến, kể từ nay trong giờ lễ mỗi
khi bước ra khỏi hàng ghế để lên nhận Mình Thánh Chúa, anh chị em hãy tập trung
ý nghĩ một cách đặc biệt vào Đấng mà anh chị em sắp lãnh nhận khi thừa tác viên
Bí tích Thánh Thể nâng Bánh Thánh lên nói : “Mình Máu Chúa Kitô”. Bởi vì :
Anh chị em sắp lãnh nhận thân xác sống
động của Chúa Kitô.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa
Giêsu đã sinh ra ở Belem.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa
Giêsu đã chết trên thập giá.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa
Giêsu phục sinh từ cõi chết.
Khi anh chị em suy nghĩ về điều này,
chắc chắn anh chị em khó thể nào tin nổi vì điều ấy thật khó mà tưởng tượng được,
tuy nhiên nhờ đức tin chúng ta biết rằng điều ấy quả có thực. Chỉ một mình
Thiên Chúa giàu lòng yêu thương mới có thể ban cho chúng ta một quà tặng khôn
tưởng như thế. (Vietcatholic)
4.
Lương thực thần linh
Một số anh chị em dự tòng sau khi được
học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng
như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi : Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh
Thể cao quí và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều
người công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút
thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh
Chúa ?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và
rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể
tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận
thực rằng : tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những
gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu
trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu
hiểu biết nên không thấy được sự cao quí và tầm quan trọng của việc dâng lễ và
việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa Nhật chỉ là
một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức
rằng : thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là
Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín
múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không
do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết
lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi
xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời
và mọi nơi. Và thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành
trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã
nói đi nói lại nhiều lần : “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống.
Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả
khi Người biết rõ ràng rằng : Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ
không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề
Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác
nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ
cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa : “Người ta sống
không chỉ bởi bánh” (Lc 4,4).
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang
hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là
thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. (Sưu tầm)
5.
Bí tích tình yêu
Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại
Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử
hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.
Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên
mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên
Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng
hôm đó như sau : “Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá,
khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên
nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ,
ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện
trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào
quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói : Chúa ở cùng anh chị em,
giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà
tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt
loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi
nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (…)
Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân
được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ
đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là đức Ái Kitô giáo (…)
Bí Tích Thánh Thể – Dấu chỉ hữu hình
của Tình Yêu siêu việt
Bí Tích Thánh Thể lại một lần nữa
làm cho tôi kinh ngạc và cúi đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm
Nhập Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu. Chính để cứu chuộc
con người mà Thiên Chúa đã nên một Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống
Đích Thực cho ta, mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Điều kỳ diệu
là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ
thể. Ta không chỉ ăn Đức Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực
sự hữu hình và vật chất. Đó chính là sự kỳ diệu của Bí Tích vậy. Hội Thánh của
Đức Giêsu được nuôi dưỡng bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước
sự kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm
của Đức Giêsu hơn, với những phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống
dồi dào của Mẹ Thánh.
Đức Giêsu ban sự sống cho ta không với
tư cách một người ban phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn
cho ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ khác nhờ đó mà được
sống, tựa như hạt giống kia mục nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một
hành vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước muốn phục vụ đích thực
theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự
hiệp thông. Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại
trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì Hội Thánh là Nhiệm
Thể của Đức Kitô, nên khi dâng lên Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng
lên Cha chính mình với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Đức Kitô vậy. Và khi
cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm
cho tôi được kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, Bí Tích Thánh Thể còn liên kết
tôi với anh chị em khác vốn cũng đang mang Đức Giêsu trong mình : bởi vì họ
cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có thể yêu mến Đức Giêsu đích
thực không khi tôi chẳng yêu thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi
hiến mạng vì họ ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Đức Giêsu, thì liệu tôi có
sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của
Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh chăng ? Còn biết bao anh chị em trong cùng
Thân Thể với tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi giúp đỡ và
yêu mến. Chính Bí Tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến
và thể hiện Tình Yêu đó cho anh chị em tôi. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)
6.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy“
Đôi khi chúng ta bị coi thường. Điều
này thật đau buồn. Chúng ta thấy việc mình làm chẳng ai biết tới, và ngay chính
bản thân chúng ta cũng bị đối xử như chẳng có gì đáng chú ý.
Nhưng tệ hơn nữa là chúng ta bị quên
lãng. Điều này còn đau buồn hơn. Người ta quên chúng ta có nghĩa là không chỉ
người ta không coi trọng chúng ta mà còn coi như chúng ta không có.
Bởi vậy ai cũng cố gắng làm cho người
ta nhớ tới mình. Có câu nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là chết mà là bị
bỏ quên.
Chúa Giêsu cũng thế. Ngài muốn chúng
ta nhớ tới Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng
ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói : “Này là Mình Thầy được ban
cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói : “Này là chén Máu Thầy…
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến
Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần
nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ
đến Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích
Thánh Thể là chúng ta nhớ lại một số lời Ngài nói và một số việc Ngài làm.
Chúng ta suy gẫm những điều đó và cố gắng thực hành trong đời sống.
Mỗi lần chúng ta nhớ đến Ngài bằng
cách đó thì Ngài trở nên hiện diện gần gũi với chúng ta, tuy không hiện diện hữu
hình nhưng là hiện diện thực sự.
Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, một mối
dây yêu thương nối kết chúng ta lại với Ngài, kết quả là chúng ta có khả năng
đi vào sự thân mật sâu đậm với Ngài, sâu đậm hơn cả khi Ngài hiện diện hữu
hình. Chúng ta không chỉ thông giao với Ngài, mà còn hiệp thông với Ngài nữa, một
sự hiệp thông thánh thiện.
Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối
kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta
nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện với chúng ta. Họ không
chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp
tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến
Chúa Giêsu, hoa trái chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ
đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành Bí tích Thánh Thể (FM)
7.
Chuyện vui
Cô giáo giảng cho các học sinh về việc Chúa Giêsu lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá
nuôi cả một đám đông : “Các em phải biết là Chúa Giêsu không thực sự nuôi
dân bằng vài mẩu bánh. Chuyện đó không thể làm được. Đúng ra là Ngài đã dùng lời
ngon ngọt mê hoặc họ để họ không còn cảm giác đói khát và về đến nhà vẫn còn cảm
thấy no nê.” Chợt một bé gái đứng lên hỏi : “Thưa cô, vậy 12 thúng bánh vụn
lấy đâu ra ?”
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi cùng với các tông đồ dự bữa Tiệc Ly. Chúa
Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể để thánh hóa và dưỡng nuôi các tín hữu
trong cuộc lữ hành trần thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời
cầu xin :
- Bí tích Thánh thể là bí tích tình yêu / dấu
chỉ hiệp nhất / mối dây bác ái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi
thành phần Dân Chúa / khi tham dự bàn tiệc Thánh thể / được đức
tin duy nhất chiếu soi / và được liên kết trong cùng một đức ái vững
bền.
2 Chính Chúa Giêsu đón nhận người
Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy
các tín hữu / biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm Người.
3.
Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn
của uống cho loài người trong bí tích Thánh thể / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh / tồn tại mãi
trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.
4.
Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta
tránh xa tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng
ta hiểu được điều này / và chuẩn bị thật tốt tâm hồn / để mỗi khi
tham dự thánh lễ / đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, là Linh mục đích thực và vĩnh cửu, Chúa đã thiết lập
hy lễ trường tồn và truyền cho chúng con cử hành mà tưởng nhớ đến Chúa. Xin cho
chúng con biết tham dự thánh lễ một cách sốt sắng như Hội thánh đã dạy. Chúa hằng
sống và hiển trị muôn đời
VI. Trong Thánh lễ
– Kinh Tiền Tụng :
nên xử dụng kinh Tiền Tụng Thánh Thể I, đặc biệt nhấn mạnh phần cuối đoạn 2 “Khi
chúng con lãnh nhận Mình Người hiến tế vì nhân loại, chúng con được mạnh sức.
Và khi chúng con uống Máu Người đổ ra vì nhân loại, chúng con được rửa sạch tội
khiên.
– Trước kinh Lạy Cha :
Chút nữa đây khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, chúng ta
hãy nhớ rằng lương thực ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả
những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết xin
Cha trên trời ban cho chúng ta cả hai thứ lương thực ấy.
– Trước lúc rước lễ :
Rước lễ chính là kết hợp với Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, là được hưởng dùng
lương thực tuyệt hảo. Xin cho việc rước Mình Máu Chúa thánh hóa chúng ta, làm
cho chúng ta ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa. “Đây Chiên Thiên Chúa…”
VII. Giải tán
Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng
chính Mình Máu Chúa Giêsu. Khi ra về, chúng ta hãy quan tâm chia sẻ và giúp đỡ
anh chị em chúng ta để họ cũng được thoát khỏi những cơn đói cả vật chất lẫn
tinh thần.
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio:
Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (C)
Sunday
23 June, 2019
Việc
bánh hóa ra nhiều cho những người đang đói
Chúa
Giêsu giảng dạy về sự chia sẻ
Lc
9:10-17
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với
cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.
Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã
giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn
về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết
thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin
hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa
trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày
và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau,
chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những
người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình
anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức
Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến
với chúng con. Amen
2.
Bài Đọc
a)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc: bối cảnh văn học:
Đoạn
Tin Mừng của chúng ta được trích từ giữa quyển Phúc Âm viết bởi thánh
Luca: Chúa Giêsu nới rộng và tăng cường sứ vụ của mình trong các
làng vùng Galilêa và Người sai mười hai môn đệ đi giúp mình (Lc
9:1-6). Tin tức này lọt tới tai vua Hê-rô-đê, người đã ra lệnh giết
chết Gioan Tẩy Giả (Lc 9:7-9). Khi các môn đệ hoàn thành sứ vụ trở về,
Chúa Giêsu mời các ông đi đến một nơi thanh vắng (Lc 9:10). Tiếp
theo sau là đoạn Tin Mừng của chúng ta nói về những chiếc bánh hóa ra nhiều (Lc
9:11-17).
Ngay
sau sự kiện này, Chúa Giêsu hỏi các ông rằng: “Người ta nói Thầy là
ai?” (Lc 9:18-21). Thế rồi, lần đầu tiên, Người tiếp tục nói về cuộc
thương khó và cái chết của mình và những hệ quả của tất cả các việc này cho các
môn đệ nghe (Lc 9:22-28). Sau đó chúng ta thấy Chúa Giêsu Biến Hình
đàm đạo với các ông Môisen và Êlia về cuộc thương khó và sự tử nạn của Chúa ở
Giêrusalem
(Lc 9:28-43). Tiếp
theo đó là lời công bố nữa về cuộc thương khó của Chúa, rồi đến sự khinh ngạc
và không thông hiểu của các môn đệ Người (Lc 9:44-50). Cuối cùng,
Chúa Giêsu quyết định đi đến Giêrusalem để đối diện với cái chết của Người (Lc
9:52).
b)
Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc
9:10: Chúa và các môn đệ đi đến một nơi hoang vắng.
Lc
9:11: Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu và Người tiếp đón họ.
Lc
9:12: Các môn đệ lo lắng về việc đám đông sẽ bị đói.
Lc
9:13: Chúa Giêsu đề nghị và trả lời với các môn đệ.
Lc
9:14-15: Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề tìm thức
ăn cho đám đông.
Lc
9:16: Ý thức và ý nghĩa của Phép Thánh Thể.
Lc
9:17: Phép lạ cao quý: mọi người đều ăn và no nê
c)
Phúc Âm:
10 Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức
Giêsu những việc các ông đã làm. Người đem các ông đi riêng với mình, lui về
thành kia gọi là Bếtxaiđa. 11 Đám đông dân chúng biết thế,
liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa
lành những ai cần được chữa. 12 Ngày đã bắt đầu tàn; và
Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để
họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi
chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” 13 Nhưng Đức
Giêsu bảo: “Chính các con hãy cho họ ăn đi.” Các ông đáp: “Chúng
con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi
mua thức ăn cho cả đám dân này.” 14 Quả thật có tới chừng
năm ngàn đàn ông. Và Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy bảo họ
ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” 15 Các
môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy
giờ Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời,
dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám
đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no
nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
3.
Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Để Lời
của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta
4. Một
vài câu hỏi gợi ý
Để
giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân
a) Điều gì bạn thích nhất và điều gì đã
đánh động bạn nhất trong đoạn Kinh Thánh này?
b) Theo như đoạn Tin Mừng này, đám đông dân
chúng đã ở trong hoàn cảnh nào?
c) Các môn đệ đã có phản ứng hay cảm nghĩ
gì trước tình cảnh của đám đông?
d) Chúa Giêsu đã có phản ứng hoặc ý nghĩ gì
trước hoàn cảnh của đám đông?
e) Đoạn Tin Mừng này gợi cho chúng ta nhớ lại
sự kiện gì đã ghi trong Cựu Ước?
f) Ngày nay, bạn có biết người nào có những
sáng kiến để cung cấp lương thực cho đám đông đang đói để ăn không?
g) Làm cách nào chúng ta có thể giúp đám
đông đây? Chúng ta sẽ phân phát cá cho họ ăn hay chúng ta sẽ dạy họ
cách câu cá để tự tìm thực phẩm?
5. Ý
nghĩa chính của bài Phúc Âm
Dành
cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.
a)
Bối cảnh lịch sử của bài Tin Mừng:
Bối cảnh
lịch sử của sách Phúc Âm viết bởi Luca luôn có hai khía cạnh: khía cạnh thời đại
của Chúa Giêsu, đó là những năm thuộc thập niên 30 tại miền đất Paléstin, và bối
cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu vào thập niên 80 là các đối tượng mà Luca đang
viết sách Phúc Âm của ông.
Vào
thời gian Chúa Giêsu sống tại đất Paléstin, người ta đang sống trong sự mong chờ
một Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ là một Môisen mới và là người sẽ lập lại những việc
phép lạ tuyệt vời như Môisen đã làm trong thời gian lưu đày: lãnh đạo
dân chúng qua khỏi sa mạc và cho họ sống bằng bánh manna. Việc các
chiếc bánh hóa ra nhiều trong sa mạc đã cho đám đông một chỉ dấu là thời điểm của
đấng cứu tinh đã đến (Ga 6:14-15)
Trong
thời đại của ông Luca, trong các cộng đoàn giáo hữu Hy-lạp, việc xác tín của
các Kitô hữu về đức tin của họ là điều quan trọng và điều này cho họ tìm được
hướng đi ở giữa các khó khăn. Cách mà Luca mô tả những chiếc bánh đã được hóa
ra nhiều, nhắc lại việc cử hành Bí Tích Thánh Thể như đã được cử hành trong các
cộng đoàn của những năm 80, và giúp cho họ có thể đào sâu sự hiểu biết của mình
về Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày của họ. Ngoài ra,
trong lời mô tả của Luca về việc những chiếc bánh hóa ra nhiều, như chúng ta sẽ
thấy, ông nhắc lại những nhân vật quan trọng trong lịch sử của dân riêng của
Chúa: các ông Môisen, Êlia và Êlisa, cho thấy rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu
Thế, người đến để thực hiện những lời hứa trong quá khứ.
b)
Lời bình luận về văn bản:
Lc
9:10: Chúa Giêsu đem các môn đệ đi riêng với mình về một
nơi hoang vắng
Các
môn đệ vừa trở về từ sứ vụ mà các ông đã được sai đi (Lc
9:1-6). Chúa Giêsu đem các ông đi theo đến một nơi hoang vắng gần Bếtxaiđa,
phía bắc hồ Galilê. Phúc Âm của thánh Máccô viết thêm rằng Chúa bảo
các ông hãy nghỉ ngơi một chút (Mc 6:31). Khi Luca viết về sứ vụ của
72 môn đệ, ông cũng mô tả việc cải sửa các hoạt động mục vụ của Chúa Giêsu, một
hoạt động được hoàn thành bởi các môn đệ (Lc 10:17-20).
Lc
9:11: Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp
đón họ
Đám
đông dân chúng biết Chúa Giêsu đi đâu và họ đi theo Người. Máccô thì
cho biết một cách chi tiết hơn. Ông viết là Chúa Giêsu và các môn đệ
di chuyển bằng thuyền trong khi đám đông đi bộ theo Người bằng một ngả đường
khác đến một nơi định trước. Đám đông đến nơi trước Chúa Giêsu (Mc
6:32-33). Khi Chúa Giêsu đến nơi để tĩnh dưỡng, Người thấy đám đông
và tiếp đón họ. Chúa nói với họ về Nước Trời và chữa lành những người
bệnh. Máccô thêm rằng đám đông được ví như những con chiên không có
người chăn. Trước tình cảnh như thế, Chúa Giêsu đã phản ứng như một
“người chăn chiên tốt lành”, hướng dẫn đám đông bằng lời của Người và cho họ ăn
với những chiếc bánh và các con cá (Mc 6:33).
Lc
9:12: Nỗi lo âu của các môn đệ và sự đói khát của đám đông
Ngày
đã tàn, nắng sắp tắt. Các môn đệ lo lắng và thưa với Chúa Giêsu xin
để cho đám đông dân chúng đi về. Các ông nói rằng không cách nào có
thể tìm được đủ thức ăn cho bằng ấy người ở giữa nơi hoang vắng. Đối
với các ông, giải pháp duy nhất là để cho dân chúng đến những làng mạc gần đó
tìm mua thức ăn. Các ông không thể nghĩ ra được một phương kế nào
khác.
Nếu đọc
thật kỹ qua lời mô tả tình cảnh của đám đông, chúng ta tìm thấy một sự kiện rất
quan trọng. Người ta đã quên ăn để được ở bên Chúa
Giêsu. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu có sức thu hút đám đông, đến
nỗi mà họ quên hết tất cả để theo Người vào giữa sa mạc.
Lc
9:13: Lời đề nghị của Chúa Giêsu và lời đáp lại của các môn đệ
Đức
Giêsu bảo: “Chính các con hãy cho họ ăn đi.” Các môn
đệ hoảng sợ, bởi vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Vậy
mà các ông phải giải quyết vấn nạn và các ông chỉ có thể nghĩ ra một phương
cách là để cho đám đông tự đi tìm mua thức ăn. Các ông chỉ có thể
nghĩ ra được một lối giải quyết thông thường, đó là một người nào đó phải đi
mua bánh cho đám đông. Người ấy phải đi lấy tiền,
đi mua bánh và phân phát cho đám đông, nhưng lối giải quyết này thì bất khả thi
giữa sa mạc. Các ông không thể tìm ra được một cách giải quyết nào
khác. Nói cách khác, nếu Chúa Giêsu nhất quyết không chịu giải tán
đám đông, thì không có một phương cách nào giải quyết được vấn nạn nuôi ăn cho
đám đông. Các ông không hề nghĩ được rằng phương cách giải quyết có
thể đến từ chính Đức Giêsu và từ đám đông.
Lc
9:14-15: Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề đói của
đám đông
Đám
đông với năm ngàn người. Rất nhiều người. Chúa Giêsu bảo
các môn đệ cho đám đông ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một. Vào
lúc này, Luca bắt đầu dùng Thánh Kinh để đưa ra ánh sáng các sự thật về cuộc đời
Chúa Giêsu. Ông nhắc đến ông Môisen. Chính Môisen là người
đầu tiên cho đám đông đang đói có chút gì để ăn trong hoang địa sau khi rời bỏ
đất Ai-cập (Ds các chương 1-4). Luca cũng nhắc đến tiên tri
Êlisa. Thật ra, trong Cựu Ước, chính vị tiên tri này đã hóa ít chiếc
bánh ra nhiều để có thể nuôi được nhiều người (2V 4:42-44). Đoạn Tin
Mừng cho chúng ta thấy là khi ấy Chúa Giêsu là một ông Môisen mới, một tiên tri
mới phải đến với thế gian (Ga 6:14-15). Vô số những người trong các cộng đoàn
đã biết Cựu Ước, và một nửa sự ám chỉ là đã đủ cho họ. Vì vậy họ dần
dần khám phá ra được sự mầu nhiệm đang mở ra trong con người của Chúa Giêsu.
Lc
9:16: Nhắc lại Phép Thánh Thể và ý nghĩa của nó
Khi
đám đông đã ngồi xuống đất, Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều và bảo các môn đệ
đem phân phát cho họ. Điều quan trọng cần lưu ý là cách Luca mô tả sự
việc này. Ông viết: “Chúa Giêsu đã cầm lấy năm chiếc bánh
và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng; bẻ ra và trao cho các
môn đệ để các ông phân phát cho dân chúng”. Điều này nói đến các cộng
đoàn vào những năm 80 (và vào mọi thời điểm) nhắc lại Phép Thánh Thể. Bởi vì
chính những chữ này sẽ được dùng (và vẫn còn được dùng) trong dịp cử hành Bữa
Tiệc của Chúa (22:19). Ông Luca gợi ý rằng Phép Thánh Thể phải dẫn đến
việc hóa các chiếc bánh ra nhiều, có nghĩa là, để chia sẻ. Điều này
giúp các Kitô hữu phải để ý chăm sóc đến các nhu cầu cụ thể của người chung
quanh. Đây là bánh hằng sống mang lại lòng dũng cảm và hướng dẫn người
Kitô hữu khi phải đối diện với các vấn nạn của đám đông đi theo một phương cách
mới, không phải từ bên ngoài, mà từ trong đám đông.
Lc
9:17: Dấu hiệu tốt lành: mọi người đều ăn và no nê
Mọi
người đều ăn, tất cả sẽ no nê và sẽ có những thúng bánh vụn còn sót lại! Một
giải pháp bất ngờ, được thực hiện bởi Chúa Giêsu và phát sinh chính từ trong
đám đông, bắt đầu từ cái nhỏ nhặt họ mang đến, năm chiếc bánh và hai con
cá. Và đã có mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn sau khi năm ngàn
người đã ăn xong với năm chiếc bánh và hai con cá!
c)
Suy gẫm sâu xa hơn: một phép lạ trọng đại hơn:
Có
người sẽ thắc mắc: “Đó không phải là phép mầu sao? Hay đó
chỉ là một sự chia sẻ?” Sau đây là ba sự suy gẫm bằng phương cách
dùng câu trả lời:
Suy
gẫm thứ nhất: Phép
lạ nào sẽ nên cao trọng hơn ngày nay: vào một ngày nhất định trong năm, ví dụ
như lễ Giáng Sinh, mọi người đều có thức ăn đầy đủ và nhận được một giỏ thức ăn
Giáng Sinh; hay là người ta bắt đầu chia sẻ thức ăn để không một ai bị đói và rồi
sẽ có những thức ăn dư lại cho đám đông khác. Phép lạ nào cao trọng
hơn phép lạ nào? Bạn nghĩ gì?
Suy
gẫm thứ hai: Chữ Phép
lạ (miraculum) xuất phát từ động từ ngưỡng mộ. Phép
lạ là một sự việc ngoại hạng, ngoài sự hiểu biết bình thường, gây ra sự ngưỡng
mộ và dẫn đến suy nghĩ về Thiên Chúa. Phép lạ vĩ đại,
phép lạ cao trọng hơn tất cả là (1) Chúa Giêsu, Thiên Chúa mặc lấy xác loài người! Vì
thế, Thiên Chúa trở nên một con người phi phàm như việc Thiên Chúa có thể làm
người! Một phép lạ lớn lao khác là (2) sự thay đổi
mà Chúa Giêsu đã thành công trong lối làm việc với đám đông đã quen với cách giải
quyết từ bên ngoài. Chúa Giêsu thành công trong việc làm cho đám
đông phải đối diện với vấn nạn của họ từ bên trong và chính họ nhận phương cách
giải quyết. Một phép lạ vĩ đại, một việc phi phàm là (3) qua
cử chỉ của Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều được ăn và lại còn
dư! Khi chúng ta chia sẻ, luôn luôn có thêm …. và lại còn dư thừa! Như
thế là có ba phép lạ vĩ đại: chính Chúa Giêsu, việc hoán cải của dân
chúng, và việc chia sẻ của ăn dẫn đến sự phong phú dư dật! Ba phép lạ
nảy sinh ra một kinh nghiệm mới về Thiên Chúa là Chúa Cha mặc khải cho chúng ta
trong Chúa Giêsu. Kinh nghiệm này về Thiên Chúa đã thay đổi tất cả
các não trạng và cách sống, nó mở ra một chân trời hoàn toàn mới lạ và tạo nên
một cách sống hòa đồng với những người khác. Đây là một phép lạ to lớn
nhất: một thế giới khác có cơ hội được tạo nên!
Suy
gẫm thứ ba: Rất
khó để biết những việc đã xảy ra như thế nào. Không ai có thể nói rằng
Chúa Giêsu đã không làm phép lạ. Người đã làm nhiều phép lạ! Nhưng
chúng ta không được quên rằng phép lạ lớn nhất là sự phục sinh của Chúa
Giêsu. Qua đức tin vào Chúa Giêsu, người ta bắt đầu sống theo một
phương cách mới, chia sẻ cơm bánh với các anh chị em là những người nghèo khó
và đang đói: “Không ai trong số các cộng đoàn phải thiếu thốn, vì
tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới
chân các Tông Đồ” (Cv 4:34-35). Khi một phép lạ được mô tả trong Thánh
Kinh, sự quan tâm lớn hơn được chú ý đến không phải là hướng tới khía cạnh kỳ
diệu, mà là hướng tới ý nghĩa phép lạ đã ban cho đời sống và cho đức tin của cộng
đoàn những người tin vào Chúa Giêsu, sự mặc khải của Chúa Cha. Trong
nơi gọi là “thế giới thứ nhất” của các quốc gia “Kitô hữu”, các thú vật có dư
thừa thức ăn hơn là những con người đang sống trong “thế giới thứ
ba”. Rất nhiều người đang đói khổ! Điều này có nghĩa là
Phép Thánh Thể đã chưa bén rễ sâu xa hoặc là đã chưa lan rộng ra như đã đáng lẽ
ra.
6. Cầu
nguyện với Thánh Vịnh: 81 (80)
Thiên
Chúa giải thoát và nuôi sống dân Người
Reo
lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!
Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Giacóp!
Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm,
bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.
Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ.
Đó là luật Ít-ra-en phải cứ,
Thiên Chúa nhà Giacóp đã phán truyền.
Chỉ thị này, nhà Giuse đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi.
Một giọng nói tôi nghe khác lạ,
rằng: “Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho,
tay họ thôi cầm chiếc ky người nô lệ.
Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên,
Ta liền giải thoát.
Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời,
bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi.
“Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta,
thì đừng đem thần lạ về nhà,
thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.
Chính Ta là THƯỢNG ĐẾ Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập,
há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ.
“Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi!
“Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ,
thì hết những địch thù của chúng,
những kẻ hà hiếp chúng xưa nay,
Ta tức khắc trở tay quật ngã;
“Kẻ thù CHÚA sẽ cầu thân nịnh bợ,
ấy là số phận chúng muôn đời;
còn dân Ta, Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê.”
Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Giacóp!
Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm,
bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.
Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ.
Đó là luật Ít-ra-en phải cứ,
Thiên Chúa nhà Giacóp đã phán truyền.
Chỉ thị này, nhà Giuse đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi.
Một giọng nói tôi nghe khác lạ,
rằng: “Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho,
tay họ thôi cầm chiếc ky người nô lệ.
Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên,
Ta liền giải thoát.
Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời,
bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi.
“Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta,
thì đừng đem thần lạ về nhà,
thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.
Chính Ta là THƯỢNG ĐẾ Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập,
há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ.
“Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi!
“Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ,
thì hết những địch thù của chúng,
những kẻ hà hiếp chúng xưa nay,
Ta tức khắc trở tay quật ngã;
“Kẻ thù CHÚA sẽ cầu thân nịnh bợ,
ấy là số phận chúng muôn đời;
còn dân Ta, Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê.”
7. Lời
Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm
của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải
cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức
Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét