Giáo hội Indonesia, những cơ hội
và thách đố
ĐTC gặp HĐGM Indonesia nhân dịp Ad Limina 6/2019 |
Với gần 90% dân số theo Hồi giáo tại một đất nước hơn 260
triệu người, Indonesia là quốc gia có số tín hữu Hồi giáo đông nhất thế giới.
Tuy nhiên, Indonesia không tuyên bố là một quốc gia Hồi giáo.
Văn Yên, SJ - Vatican
Ngày 11 tháng 6 vừa qua, các giám mục Indonesia đã đến Roma
để viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô và thăm Toà Thánh trong chuyến viếng
thăm Ad Limina. Nhân dịp này, chúng tôi xin gởi đến quý vị một vài
nét về Giáo hội Công giáo tại Indonesia.
Đất nước Indonesia rộng 1 triệu 900 ngàn kilômét vuông với
dân số khoảng 262 triệu người theo thống kê năm 2017. Xét theo tỉ lệ phần trăm
theo tôn giáo thì Hồi giáo chiếm đa số với 88%, Kitô giáo khoảng 10% trong đó
chỉ 3,12% Công giáo. Và một thiểu số còn lại theo Ấn giáo, Phật giáo và đạo thờ
vật linh. Với số tín hữu Hồi giáo như thế, Indonesia là nước có số người theo Hồi
giáo đông nhất thế giới.
Theo thống kê năm 2016, số tín hữu Công giáo ở Indonesia khoảng
8 triệu, thuộc 5 giáo tỉnh và 1 giáo hạt quân đội. Chủ tịch HĐGM Indonesia là Đức
Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, TGM giáo phận Jakarta.
Sơ lược lịch sử
Công cuộc loan báo Tin Mừng trên quần đảo Indonesia bắt đầu
với các tàu buôn của người Bồ Đào Nha và người Hà Lan vào thế kỷ 16. Năm 1534
những người Bồ Đào Nha thiết lập việc truyền giáo Công giáo tại đảo Maluku, đến
năm 1546, thánh Phanxicô Xaviê đã viếng thăm các đảo Sulawesi và Maluku. Đến cuối
thế kỷ 16, người Hà Lan đến và truyền giáo Tin lành Calvin.
Công giáo bị cấm mãi đến đầu thế kỷ 19, các nhà truyền giáo
Công giáo mới trở lại. Sau đó, các sơ Dòng Orsoline mở một ngôi trường ở
Jakarta. Các vùng truyền giáo được giao cho các tu sĩ Dòng Tên. Các sơ dòng
Phansinh mở một cô nhi viện tại Trung Java.
Năm 1897, một cha Dòng Tên, người Hà Lan, Franciscus
Georgius Josephus van Lith (1863 - 1926), thành lập một cứ điểm truyền giáo ở
Trung Java. Ngài là một nhà giáo dục vĩ đại, đã thành lập nhiều trường học từ
đó sinh ra những nhân cách trổi vượt của Indonesia, trong đó có Đức cha
Soegijapranata, Dòng Tên, giám mục bản xứ đầu tiên của đất nước.
Năm 1924, tại Jakarta, lần đầu tiên tất cả các giám mục
Indonesia họp nhau.
Trong những năm Indonesia bị Nhật Bản chiếm đóng
(1942-1946), hầu hết các nhà thừa sai bị cầm tù hoặc đưa đến các trại tập
trung. Nhiều người đã chết trong những trại này.
Đến năm 1950, quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Indonesia
được thiết lập. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viếng thăm Jakarta năm 1970 trong
chuyến tông du đến Đông Á và Châu Đại Dương. Sau đó, ĐGH Gioan Phaolô II cũng
đã viếng thăm Indonesia năm 1989. Gần đây nhất, năm 2015, ĐHY Pietro Parolin,
Quốc vụ khanh Toà Thánh đã viếng thăm chính thức Indonesia và có nhiều hoạt động
về đối thoại liên tôn, cộng tác văn hoá, xuất bản và giáo dục.
Đời sống Giáo hội
Các giám mục Indonesia đặc biệt chú ý đến những người trẻ, để
họ giữ vai trò chính trong việc tuyên xưng Chúa Kitô trong xã hội đa văn hóa của
Indonesia và trở nên “tác nhân thay đổi” công lý và hòa bình trên đất nước của
họ.
Trong tinh thần này, các giám mục đã phát động Ngày Giới trẻ
Indonesia từ năm 2012, được tổ chức mỗi 4 năm, quy tụ những người Công giáo trẻ
từ khắp nơi của Indonesia. Chủ đề được chọn cho 2 lần Ngày giới trẻ Indonesia
2012 và 2016 lần lượt là “100% Công giáo, 100% Indonesia” và “Niềm vui của Tin
mừng trong xã hội đa nguyên Indonesia”. Không chỉ có Ngày giới trẻ quốc gia,
Indonesia cũng lần đầu tiên đăng cai tổ chức Ngày Giới trẻ Châu Á năm 2017.
Cùng với giới trẻ, các giám mục cũng muốn phát huy vai trò
hàng đầu của các gia đình Công giáo trong việc loan báo Tin Mừng trong xã hội
đa nguyên Indonesia. Đây là kết quả Đại hội Quốc gia của Giáo hội Công giáo
Indonesia về gia đình (tại Sagki 2015) với chủ đề: “Gia đình Công giáo, Tin Mừng
của Hy vọng. Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và xã hội Indonesia
đa nguyên”. Đây cũng là cơ hội khẳng định sự quan tâm của Giáo hội đối với các
vấn đề và đau khổ của các gia đình Indonesia và tái khẳng định vai trò chủ chốt
của gia đình trong xã hội.
Các hướng mục vụ của Giáo hội Indonesia được đặt theo chỉ dẫn
của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng và
mô hình Giáo hội đi ra, trong bối cảnh phức tạp và đa dạng về tôn
giáo, văn hóa và xã hội. Vì thế, Giáo hội Indonesia tăng cường việc đối thoại
liên tôn và thúc đẩy các sáng kiến bác ái.
Giáo hội trong xã hội
Sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Indonesia là một sự
hiện diện thiểu số, nhưng năng động và đang phát triển. Hiện nay, với hơn 8 triệu
tín hữu, tương đương với chỉ hơn 3% dân số, Giáo hội đang tiếp tục phát triển.
Sự hiện diện của người Công giáo trên đất nước cũng không đồng nhất: một mặt,
có các giáo phận Ende, Ruteni, Atambua và Larantuka thì gần như hoàn toàn là
Công giáo, mặt khác ở thái cực ngược lại, có ít nhất tám giáo phận trong đó cộng
đồng Công giáo không quá 1% dân số.
Mặc dù chỉ là một số nhỏ, nhưng cộng đồng Công giáo
Indonesia là một thực thể sống động và năng động, với ơn gọi phát triển ở nhiều
khu vực khác nhau và các tín hữu nhận được sự chăm sóc mục vụ một cách đầy đủ.
Họ cũng tham gia tích cực vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước.
Một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất của sức sống này đến từ lĩnh vực hoạt động
mạnh nhất: đó là giáo dục. Các trường Công giáo ở Indonesia luôn có được một
danh tiếng tuyệt vời và các sinh viên Hồi giáo cũng theo học tại các trường
này.
Với những đóng góp và được ghi nhận về các hoạt động xã hội,
y tế, văn hóa và giáo dục, tôn trọng các nhóm sắc tộc và văn hóa khác nhau,
Giáo hội Indonesia cũng hiện diện tích cực trong các chủ đề tranh luận của đất
nước. Từ việc liên tục kêu gọi chống lại án tử hình, đến việc phản đối việc hợp
pháp hóa phá thai, hay việc liên tục tố cáo về tham nhũng hoành hành. Giáo hội
Indonesia cũng dấn thân tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tích cực
các nguyên tắc Pancasila chống lại mọi chủ nghĩa cực đoan. Các
giám mục không làm ngơ trong việc lên tiếng trước các vấn đề khác nhau của xã hội
Indonesia. Đóng góp quan trọng này đã được nhấn mạnh trong hội nghị toàn thể của
HĐGM Indonesia tháng 11 năm 2018, dành riêng về đề tài ơn gọi của Giáo hội
trong đất nước.
Thách đố giữa tinh thần bao dung và chủ nghĩa cực đoan
Với dân số hơn 260 triệu người, trong số đó có gần 90% dân số
theo Hồi giáo, Indonesia là quốc gia có số tín hữu Hồi giáo đông nhất thế giới.
Dù đa số Hồi giáo, nhưng Indonesia không tuyên bố là một quốc gia Hồi giáo,
nhưng được thành lập dựa trên Pancasila, năm nguyên tắc được ghi
trong Hiến pháp (đức tin vào một Thiên Chúa tối cao; công bằng và dân sự; đoàn
kết; dân chủ lãnh đạo bằng sự khôn ngoan; công bằng xã hội) bảo đảm tự do của tất
cả mọi người.
Trên thực tế, xã hội Indonesia là đa tôn giáo, đa sắc tộc và
đa văn hóa, đến nỗi tiêu ngữ của quốc gia là “thống nhất trong đa dạng”, một đặc
thù đã góp phần tạo nên bản chất lịch sử của đạo Hồi ở nước này, vốn luôn được
sử dụng để cùng chung sống trong sự đa nguyên.
Cộng đồng Công giáo cũng được hưởng nhờ từ tinh thần bao
dung này. Điều này được khẳng định bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội và Nhà
nước Indonesia, với quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và được đánh dấu bởi hai
chuyến viếng thăm của ĐGH Phaolô VI năm 1970 và của Đức Gioan Phaolô II năm
1989. Hơn nữa, trong thời gian hiện tại, sự hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục
và văn hóa được đẩy mạnh. Trong số những điều được nhắc đến, sự hòa hợp này là
điều được nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ
khanh Toà Thánh trong chuyến viếng thăm chính thức Indonesia năm 2015.
Tuy nhiên, khó khăn và xung đột cũng không thiếu. Các luật lệ
khác nhau của hệ thống pháp luật Indonesia trừng phạt các nhóm thiểu số và vì
lý do này, họ cũng đã bị Giáo hội chỉ trích. Đây là trường hợp của luật lạm dụng
về tội báng bổ, luật về xây dựng nơi thờ phượng (được quy định bởi hai nghị định
năm 1969 và từ năm 2006), thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc tự ý đóng cửa
các cơ sở tôn giáo, và luật hôn nhân, chỉ công nhận giá trị hợp pháp cho các cặp
đôi theo nghi lễ và luật lệ của một tôn giáo duy nhất, do đó cấm kết hôn hỗn hợp.
Thêm vào các quy tắc này là các biện pháp khác nhau được chính quyền địa phương
áp dụng: từ năm 1999, hơn 150 quy định hạn chế mới về tôn giáo đã được đưa ra.
Mối đe dọa chính đối với hòa bình và hòa hợp tôn giáo đến từ
sự truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan (cũng được cổ vũ bởi các nhà thuyết
giáo nước ngoài), đã làm cho các cuộc xung đột giáo phái dâng lên ở các khu vực
khác nhau của quần đảo, lộ ra mạng lưới khủng bố địa phương liên kết với
al-Qaeda và gần đây là nhà nước Hồi giáo IS. Các mạng lưới khủng bố này đã
tuyên bố chịu trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công đổ máu kể từ đầu những năm
2000.
Nhiều báo cáo khác nhau, bao gồm cả những báo cáo của Trung
tâm nghiên cứu về Hồi giáo - “Viện Wahid”, cho thấy sự leo thang bạo lực và
phân biệt đối xử đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, kể cả đối với Kitô hữu.
Hầu hết các vi phạm xảy ra ở tỉnh Tây Java, ở Sumatra, tại
khu vực đô thị của Jakarta và ở tỉnh tự trị Aceh. Tỉnh tự trị Aceh là nơi duy
nhất luật Hồi giáo Sharia có hiệu lực và được áp dụng ngày
càng khắc khe và độc đoán, nhiều nơi thờ phượng đã bị đóng cửa, bởi vì chúng “bất
hợp pháp”, do áp lực của chủ nghĩa cực đoan địa phương.
Các hệ luận của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã được đánh dấu
tại đảo Maluku trong cuộc xung đột đẫm máu giữa năm 1999 và 2001 liên quan đến
các cộng đồng Kitô giáo (Tin lành) và Hồi giáo do sự hiện diện của phong trào cực
đoan Laskhar Jihad. Các nhóm Hồi giáo, trong số những người khác,
đóng vai trò chính trong chiến dịch bạo lực chống lại thống đốc Jakarta, ông
Basuki Tjahaja Purnama, là một Kitô hữu gốc Hoa, bị buộc tội báng bổ và do đó bị
kết án vào năm 2017.
Trong số các nhóm cực đoan năng nổ nhất ở nước này, phải kể
đến “Diễn đàn Hồi giáo Umat” và “Mặt trận Hồi giáo Pembela” hay
còn gọi là “Mặt trận của những người bảo vệ Hồi giáo”. Trước chủ nghĩa cực
đoan lan rộng tại nước này, cũng có một số đáng kể những người Hồi giáo, các
nhà lãnh đạo và trí thức ôn hòa cởi mở để đối thoại. Đây là một dấn thân tích cực
được Giáo hội Công giáo chia sẻ như là một trong những ưu tiên của mình trong
việc thúc đẩy đối thoại liên tôn và các nguyên tắc hòa hợp của Pancasila.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét