27/10/2019
Chúa Nhật 30 Thường
Niên năm C
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Hc 35, 15b-17. 20-22a
(Hl 12-14. 16-18)
“Lời cầu nguyện của người khiêm
nhường vọng lên tới các tầng mây”.
Trích sách Huấn Ca.
Chúa
là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch
với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh
rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời
than van.
Nỗi hồn
đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện
của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi
lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn.
Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời
phán quyết. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và
28
Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu
và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng:
1) Tôi
chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.
Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. –
Đáp.
2)
Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người
hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Đáp.
3)
Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương
giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến
nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18
“Từ đây triều thiên công chính
đã dành cho cha”.
Trích thư thứ hai của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con
thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến
đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức
tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng
phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho
cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Lần đầu
tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người
đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh
cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được
nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ
và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh
quang muôn đời! Amen. Đó là lời Chúa
.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa
phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà
không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
“Người thu thuế ra về được khỏi
tội”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy,
Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính
và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt
phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy
Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại
tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần
mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt
lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’.
Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất
cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng
lên”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Giáo
huấn của nhà khôn ngoan Ben Sira, người kế thừa giáo lý ngôn sứ xưa về sự công
chính và lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức,
dẫn chúng ta tới những tột đỉnh của linh đạo Kinh Thánh đích thực. Sách Đệ Nhị
Luật cảnh báo rằng Thiên Chúa là Ðấng “không thiên vị ai và không nhận quà hối
lộ” (Đnl 10:17), ngược hẳn với con người thường thiên vị dựa theo những thành kiến
xã hội, chủng tộc, hay ý thức hệ, khiến cuộc sống của những người thấp hèn phải
chịu thiệt thòi. Giáo lý này được áp dụng rộng rãi bởi Đức Giêsu trong lời rao
giảng và hoạt động giải phóng của Người, cũng như bởi các tông đồ và các tác giả
Tin Mừng, được trình bày trong các bài viết của các ngài và được truyền bá trên
khắp thế giới. Trong lòng thương xót vô biên của Người, Thiên Chúa luôn luôn đến
với những ai ý thức được tội lỗi và những yếu đuối của mình và tìm kiếm sự
trợ giúp và tha thứ của Người. Trái lại, đối với những kẻ kiêu căng, Người để mặc
họ lang thang và hoang mang với những tư tưởng kiêu hãnh trong lòng họ.
Dụ
ngôn của Đức Giêsu về người thu thuế và người Pharisêu chứng tỏ cách Người nhìn
con người, cũng là cách Thiên Chúa nhìn con người. Người không xét đoán người
ta theo vẻ bề ngoài, cũng không dựa theo thành kiến, nhưng dựa theo những gì
Người thấy rõ trong tâm khảm con người, nhận ra động cơ thực sự thúc đẩy các
hành động và lời cầu nguyện của họ.
Trên
thực tế, trong các sách Tin Mừng, chúng ta lần đầu tiên gặp thấy ý tưởng Thiên
Chúa không thiên vị ai, được nói ra từ chính miệng các địch thủ của Đức Giêsu;
mặc dù họ âm mưu hãm hại Người, họ vẫn phải công khai nhìn nhận sự chính trực vẹn
toàn của Người, khi họ nói, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách
thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên
Chúa” (Lc 20:21; x. Mt 22:16). Đây là đường lối của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã
thực hành và đã dạy. Người đã chứng tỏ điều này không những trong cách Người tiếp
xúc với những người thấp hèn và những người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề xã
hội vì bị coi là những kẻ tội lỗi, như những gái điếm và những người thu thuế,
hay những người bị coi là ô uế và bị chúc dữ, như những người phong cùi;
nhưng Người cũng chứng tỏ điều đó trong tất cả hoạt động loan báo Tin Mừng của
Người, phá vỡ mọi bức tường ngăn cách của sự kỳ thị, dù là kỳ thị tôn giáo, xã
hội, hay chủng tộc. Thực vậy, Đức Giêsu đã từng chấp nhận lời cầu xin khiêm tốn
của viên đại đội trưởng Rôma và đến chữa lành cho đầy tớ ông. Hơn nữa, trong những
chuyến đi liên tục như một Thầy dạy lữ hành, Người đã đến thăm vùng Samaria và
thường khen ngợi người dân vùng này. Khi đi ngang qua vùng đất dân ngoại, Người
đi đến xứ Tyrô và chữa lành cho con gái người phụ nữ Syrô-Phênixê. Băng qua bên
kia Biển Hồ Tibêriát, Đức Giêsu đi về phía Thập Tỉnh và chữa lành những người bệnh
tật yếu đau. Những chuyến băng qua Biển Galilê liên tục của Người chứng minh Đức
Giêsu là Chúa trên thực tại mà biển là biểu tượng; Người cũng có quyền năng dẹp
yên bão táp và đi trên mặt biển. Biển cả đáng sợ, một biểu tượng tiêu cực,
không còn là một sức mạnh của sự phân cách nữa, nhưng đã trở thành một cây cầu,
và qua sứ vụ của Đức Giêsu, trở thành con đường dẫn tới sự hòa giải giữa hai bên,
dân Do Thái và Dân Ngoại.
Trong
hội đường tại Nadarét, nơi Đức Giêsu giới thiệu chương trình sứ vụ của Người,
Người đã thách thức cử tọa về địa vị của Ítraen so với các dân tộc khác
như là dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Trên thực tế, những người hiện diện đã phản
ứng tiêu cục, lên án lời giảng của Người về sự ứng nghiệm các lời ngôn sứ. Các
ví dụ về ngôn sứ Êlia, người được sai đến với bà góa xứ Phênixê, và ngôn sứ
Êlisê, người từng chữa lành cho viên tướng Naa- man người Syria, đủ để chứng tỏ
rằng Thiên Chúa không thiên vị một ai hay một dân tộc nào; mọi tạo vật đều quí
giá trong con mắt của Thiên Chúa. Như lời thánh vịnh gia nói, Đức Chúa tốt lành
với mọi người, lòng từ ái của Người bao trùm muôn vật. Người đến gần tất cả những
ai thành tâm kêu cầu người. Thánh vịnh gia không kể ra cụ thể một chủng tộc hay
quốc gia nào, cũng không nói đến địa vị hay màu da. Nếu tình thương của Thiên
Chúa thấm nhập mọi loại, đó là vị muôn loài đều là tạo vật từ bàn tay Người làm
ra, và vì thế tình thương của Người là tình thương phổ quát, đầy sự chăm lo cho
mọi người, không có một sự phân biệt nào.
Nói thế
không có nghĩa là phủ nhận rằng Ítraen đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đi vào
một giao ước đặc biệt với Người. Nhưng sự tuyển chọn này là để phục vụ một sứ mạng
đặc biệt vì lợi ích của mọi dân tộc, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa hằng
sống trong lịch sử như là Đấng giải phóng những người bị áp bức và cứu chuộc
con người trong tất cả thực tại của nó: Chính các ngươi là nhân chứng của
Ta - sấm ngôn của ÐỨC CHÚA - là bề tôi Ta đã tuyển chọn, để các ngươi
nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta: trước Ta, chẳng có thần nào
khác được hình thành, và sau Ta cũng vậy. (Is 43:10)
Thực vậy,
Thiên Chúa không chỉ chọn người tôi tớ của Người, nhưng còn hình thành và dạy dỗ
người ấy: Ta là Ðức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức
công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước
với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù
loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi
trong chốn tối tăm. (Is 42:6-7)
Nhìn kỹ
hơn lời dạy của Đức Giêsu trong dụ ngôn của Người về người thu thuế và người
Pharisêu trong Đền Thờ, chúng ta thấy rằng sự khác biệt giữa hai người này
chính là ở những gì có trong lòng họ, được phơi bày trước sự hiện diện của
Thiên Chúa trong cầu nguyện.
Suy
cho cùng, chính là với ý hướng cầu nguyện mà người thu thuế và người Pharisêu
đi vào Đền Thờ, nhờ đó họ được chia sẻ một thời gian ngắn trong cùng một nơi
thánh. Nhưng cái cách riêng mà mỗi người trong họ bắt đầu cầu nguyện chính là yếu
tố quyết định số phận và tình trạng thiêng liêng cuối cùng của mỗi người. Người
thu thuế, vì có lòng khiêm nhường và thành thật nhìn nhận mình bất xứng và tội
lỗi để nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên người này trở về nhà thành một
người tốt hơn, được biến đổi và được giao hòa bên trong. Đáp lại lời cầu nguyện
chân thực của người này, ơn Chúa đã được ban cho. Một lần nữa, chúng ta học được
sự thật rằng “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được
nâng lên” (Lc 18:14b).
Trái lại,
người Pharisêu là một tù nhân bị giam hãm trong cái tháp ngà của tính kiêu ngạo
thiêng liêng của mình. Quá ý thức về những việc lành của mình và về giai cấp
tôn giáo-xã hội của mình, ông nghĩ mình cao hơn và tốt hơn mọi người khác, dựng
lên những rào cản giữa ông và họ, nhục mạ và miệt thị họ. Có lẽ ông là người tốt
cho tới lúc ấy, nhưng thái độ của ông cho thấy sự kiêu căng trong
lòng ông, làm hại đến nhân đức mà ông tưởng là mình có trong tâm hồn.
Hơn nữa,
chúng ta không đến với Thiên Chúa trong Đền Thờ để ăn mừng và nhìn ngắm bản
thân mình trong sự ngưỡng mộ, đồng thời đứng ở trên để nhìn những người khác
phía dưới. Chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa trong một cuộc gặp gỡ của tình
yêu, và để gặp gỡ những người khác trong Thiên Chúa. Theo nghĩa này, cầu nguyền
là chiêm ngắm Chúa, vui mừng vì những điều kỳ diệu mà ơn sủng của Người hoạt động
hằng ngày trong lòng sự yếu đuối của loài người, và vui mừng vì lòng thương xót
không mỏi mệt của Người giúp nâng dậy những người đã ngã và những người muốn đứng
dậy trở lại.
Khi
nghe dụ ngôn này, chúng ta tức khắc có thể bị cám dỗ tự đồng hóa mình với người
thu thuế, đơn giản là vì người này có chỗ đứng tích cực trong câu chuyện. Đó là
một dấu hiệu của ước muốn tế nhị của con người là làm cho mình được an tâm.
Nhưng dụ ngôn mời gọi chúng ta nhìn vào bên trong để loại bỏ mọi sự ý thức về
tính tự mãn của mình và sự khinh dể người khác, để tìm được một trái tim đơn
sơ, khiêm nhường và đầy tình huynh đệ, biết cách nhìn vào mình và người khác với
một cái nhìn từ tâm và hi vọng. Về phương diện này, thường cần phải đặt câu hỏi
về cách chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện bộc lộ cho chúng ta điều gì về chiều
sâu và chất lượng của trái tim chúng ta? Cầu nguyện tỏ cho chúng ta biết điều
gì về bản thân mình, về cách chúng ta giao tiếp với người khác và về cách chúng
ta nhận định về người khác một cách tự nhiên trong tương quan với chúng ta? Nó
tỏ lộ cho chúng ta thấy điều gì về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và
ơn cứu độ của Người?
Đức
Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nhắc nhở chúng ta về vị trí trung tâm của cầu
nguyện trong tương quan với Hội Thánh và sứ mạng của Hội Thánh. Cầu nguyện là
linh hồn của việc truyền giáo, bởi vì hiệu quả của việc gặp gỡ cá nhân với Chúa
Kitô, các mức độ tương quan đúng đắn của chúng ta với chính mình và với thế giới
trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, là gốc rễ của trải nghiệm về sự thật cứu rỗi
chúng ta. Nhờ cầu nguyện, người môn đệ truyền giáo luôn luôn coi mình nằm trong
số những người cần được ơn cứu rỗi mà mình được kêu gọi để loan báo và thông
truyền trong các bí tích. Điều chắc chắn là sứ mạng loan báo Tin Mừng được uỷ
thác cho chúng ta với danh nghĩa là Hội Thánh không thể được thực hiện trong sự
thật nếu chúng ta chọn một thái độ thống trị trong quan hệ với người khác, tự
tin và tự mãn về ưu thế đạo đức và tôn giáo của chúng ta. Truyền giáo phải là một
đề nghị khiêm nhường về tình bạn với Đức Kitô, với một sự kính trọng sâu
xa đối với tự do tôn giáo của những người khác thuộc thời đại chúng ta, kính trọng
văn hóa và lịch sử của họ. Khiêm nhường đích thực không bao giờ thiếu sự thật.
Đúng hơn, nó là một sự hiện diện hiệu quả của sự thật, một sự thật phán xét,
tha thứ và cứu rỗi những người rao giảng và những người nghe rao giảng sự thật ấy.
(Trích
31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường
10/2019)
Nguồn:
Uỷ ban loan báo Tin Mừng
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Sir 35:12-14, 16-18; 2 Tim 4:6-8, 16-18; Lk 18:9-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin và những thái độ cần
có khi cầu nguyện với Thiên Chúa.
Làm thế
nào để lời cầu nguyện của một người được Thiên Chúa đoái nhận là chủ đề của Lời
Chúa tuần này. Trước khi cầu nguyện, con người phải có một số những hiểu biết
căn bản để rồi có thái độ thích hợp khi cầu nguyện: Thiên Chúa là quan tòa
không bao giờ thiên vị; mọi lời cầu xin sẽ được Thiên Chúa cứu xét; những gì
Thiên Chúa hứa Ngài sẽ giữ lời; con người không bao giờ có thể tự mình trở nên
công chính vì tất cả đều phạm tội; con người chỉ có thể công chính bằng đặt niềm
tin nơi Thiên Chúa và cố gắng tuân giữ các điều Ngài truyền dạy.
Các
bài đọc hôm nay dẫn chứng những hiểu biết căn bản này. Trong bài đọc I, tác giả
Sách Huấn Ca mô tả Thiên Chúa là một quan tòa chí công vô tư. Ngài bênh vực quyền
lợi cho kẻ bị áp bức, và nghe tiếng van nài của mẹ góa con côi. Trong bài đọc
II, Phaolô biết trước những gì sẽ xảy ra cho ông trong những ngày cuối đời tại
Rôma, ông sẽ bị bạn đồng hành bỏ rơi và bị ngược đãi bởi người Do-thái cũng như
nhà cầm quyền; nhưng ông vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ
ông khỏi mọi nguy hiểm và đã sắm sẵn cho ông một triều thiên công chính trên trời.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nhắc nhở các môn đệ thái độ phải
có khi cầu nguyện: đừng cậy dựa sức mình, đừng khinh thường tha nhân; nhưng phải
biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của
mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa lắng nghe mọi lời nguyện
xin.
1.1/
Thiên Chúa là Đấng xét xử chí công vô tư.
Không
giống như các vua chúa hay những nhà lãnh đạo thế gian, họ thường xét xử theo
tình cảm và lợi lộc vật chất; Thiên Chúa là quan tòa chỉ xét xử theo sự thật.
Ngài không thiên vị ai, và cũng chẳng ai có thể mua chuộc Thiên Chúa.
Hơn nữa,
vì tất cả mọi người đều là con cái của Ngài, nên Ngài tỏ lòng quan tâm đặc biệt
đến những người cô thân cô thế. Tác giả Sách Huấn Ca liệt kê hai hạng người được
Thiên Chúa quan tâm đặc biệt:
(1) Những
người nghèo hèn bị đối xử bất công: “Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.”
(2) Mẹ
góa, con côi: Vì họ không có chồng hay không có cha, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi
những kẻ lợi dụng: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay
tiếng than van của người goá bụa.”
1.2/
Thiên Chúa cứu xét mọi lời cầu nguyện.
Nhiều
người tự hỏi làm sao Thiên Chúa có thể nghe và cứu xét tất cả lời cầu nguyện của
con người; nhất là của những người thấp mũi bé miệng; những người không có công
trạng gì trước mặt Thiên Chúa? Nhiều lần chúng ta đã nói Thiên Chúa điều khiển
vũ trụ bằng cách dùng các thiên thần. Họ là những sứ giả mang lời cầu nguyện của
con người lên Thiên Chúa và chuyển những ơn lành từ Thiên Chúa xuống cho con
người. Sứ thần Raphael đã củng cố điều này khi nói cho Tobia hiểu kế hoạch của
Thiên Chúa cho gia đình ông.
Tác giả
Sách Huấn Ca cũng xác nhận Thiên Chúa nghe tất cả lời cầu nguyện của con người
và sẽ cứu xét từng trường hợp để có thể ban như lời con cái kêu xin. Khi một
người luôn làm theo ý Thiên Chúa kêu xin, Ngài sẽ đáp lời họ: “Kẻ phục vụ Đức
Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng
mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.”
Vì thế,
thái độ con người cần có khi cầu nguyện là kiên trì tin tưởng lời cầu nguyện của
mình sẽ được thiên thần mang lên trước thiên nhan Chúa. Ngài sẽ cứu xét từng
trường hợp và sẽ ban như ý họ kêu xin.
2/ Bài đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn đợi triều
thiên dành cho người công chính.
2.1/
Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sau
khi đã làm chứng cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một
thị kiến ban đêm để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa;
đồng thời Ngài cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại
Roma.
Phaolô
viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục
đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô: “Còn
tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu
trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ
đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán
chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho
tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”
Phaolô
không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những
công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức
Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công
chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.
Đoạn
văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông
nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải
làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa
bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao
cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao
giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.
2.2/
Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa.
Nhìn lại
cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự
kiên trì phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong
cũng như bên ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự
biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi.
Xin Chúa đừng chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức
Kitô, chẳng những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.
Phaolô
nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng
không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn
nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi,
để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe
biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát
khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.
Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”
3/ Phúc Âm: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót
con là kẻ tội lỗi.
Trước
hết, chúng ta cần chú ý: mục đích của Chúa Giêsu khi kể câu truyện này là muốn
răn dạy những người tự cho mình là công chính và khinh chê người khác.
3.1/ Thái
độ của người Pharisee:
(1)
Tác phong của người Pharisee: Tác phong của một người nói lên rất nhiều về tính
khí của người đó. Trình thuật kể ông đứng thẳng trước thiên nhan của Thiên
Chúa, chứ không xấp mình đấm ngực như người thu thuế.
(2)
Hai cách ông làm để đề cao mình: nói xấu người khác và nói tốt về mình. Ông nói
xấu hay giảm giá trị của người khác khi ông cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ
ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc
như tên thu thuế kia.” Cầu nguyện là lúc con người nói chuyện của mình với
Thiên Chúa; chứ không phải là lúc để tố tội người khác. Có lẽ ông cám ơn Thiên
Chúa đã cho ông sức mạnh để ông trở thành người quá tốt như thế; nhưng đó không
phải là những gì Thiên Chúa muốn nghe. Ngài muốn ông nhận ra những khuyết điểm
của mình, chứ không muốn ông luận tội người khác, vì đó không phải là việc của
ông. Ông khoe thành tích của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con.” Việc khoe thành tích của ông chứng tỏ ông
không biết Thiên Chúa là ai. Ngài biết tất cả việc ông làm và ý hướng bên trong
của ông, Ngài không cần ông phải nhắc nhở. Việc ông đóng góp 10% cho Đền Thờ
cũng chỉ là dâng lại những gì Thiên Chúa ban cho ông. Nếu để ý lời cầu nguyện của
người Pharisee, chúng ta thấy ông không xin Thiên Chúa điều gì cả, ông chỉ tạ
ơn Chúa; nói đúng hơn ông chỉ khoe thành tích của ông với Thiên Chúa.
3.2/ Thái
độ của người thu thuế:
(1)
Tác phong của người thu thuế: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt
lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con
là kẻ tội lỗi.”
(2)
Ông biết ông là người tội lỗi. Ông biết ông không có công trạng gì trước mặt
Thiên Chúa. Ông hoàn toàn cậy dựa hoàn toàn vào lòng từ bi của Thiên Chúa.
3.3/ Kết
quả của việc cầu nguyện: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhận lời cầu nguyện của con
người. Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng kết quả: “Tôi nói cho các ông biết: người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì
không.” Lý do được chấp nhận hay từ chối: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Việc
tuyên bố ai là công chính hoàn toàn là việc của Thiên Chúa, vì không ai là người
không có tội. Con người được trở nên công chính là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng
đã gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên Chúa. Thái độ tự cho
mình là công chính gây ra rất nhiều nguy hiểm cho con người:
– Vì
thấy mình quá tốt lành nên họ không cần tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Thời
nào cũng có những loại người này: các Pharisees thời của Chúa Giêsu, Pelagism
hay Semi-Pelagism thời của thánh Augustine. Thánh Gioan khuyên nhủ các môn đệ của
Ngài: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và
sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta”
(1 Jn 1:8-10).
– Họ
không thấy có tội là vì chưa xét mình cẩn thận hay lương tâm đã quá chai đá đó
thôi. Nếu chịu khó xét mình cẩn thận, họ sẽ nhận ra họ cũng là tội nhân như bao
người khác.
– Khi
thấy mình hoàn hảo, họ dễ khinh thường và xét đoán người khác. Tật xấu này gây
cho họ nhiều bất an và phá hủy gia đình cũng như cộng đoàn của họ; vì họ luôn bắt
những người chung quanh phải sống theo tiêu chuẩn của họ, những gì mà họ nghĩ
là “hoàn hảo.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lời
cầu nguyện với lòng thành tín làm theo ý Thiên Chúa chắc chắn sẽ được Ngài nhậm
lời. Không một lời cầu nguyện nào mà không được dâng lên trước tôn nhan Thiên
Chúa.
–
Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan trong cuộc đời để làm chứng
cho Thiên Chúa. Ngài sẽ bảo vệ và cung cấp cho chúng ta sức mạnh cần thiết để
vượt qua.
–
Chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường khi cầu nguyện: nhận mình là người tội
lỗi và trông chờ ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
27/10/2019 – CHÚA NHẬT 30 TN – C
Lc 18,9-14
NGƯỜI ĐÁNG ĐƯỢC THỨ THA
“Người này khi trở xuống về nhà, thì đã được nên công chính
rồi; còn người kia thì không.” (Lc 18,14)
Suy niệm: Tại sao người thu thuế được coi
là công chính, được ơn cứu độ, còn người Pha-ri-sêu lại không? Trước hết, ta phải
công nhận ông này đạo đức đúng như lời ông nói: ăn chay tuần hai lần, đóng thuế
Đền thờ đến mười phần trăm lợi tức, một con số lớn lắm! Thế nhưng, việc ông tự
cho mình là công chính và khinh miệt người anh em thu thuế đang ở trong Đền thờ,
lại là hành vi kiêu ngạo, lỗi đức bác ái. Ông đến với Chúa, nhưng ông không cần
Ngài, mà chỉ để khoe khoang công trạng của mình. Ông không cần Chúa, làm sao có
thể được ơn cứu độ? Trái lại, người thu thuế ý thức mình là kẻ tội lỗi, biết đấm
ngực ăn năn, xác tín mình cần đến Chúa, ơn tha thứ của Ngài. Thái độ khiêm hạ của
anh đẹp lòng Chúa, Đấng “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Lòng khiêm tốn
là phương cách hữu hiệu để mở kho tàng tha thứ của Chúa, ơn cứu độ của Ngài.
Mời Bạn: Bạn cần Chúa trong cuộc đời, cần
lòng tha thứ của Chúa, cần được Ngài cứu chuộc, được ơn công chính hóa. Dẫu vậy,
đừng lạm dụng lòng thương xót của Ngài. Lòng thương xót ấy bao giờ cũng đi kèm
điều kiện là con người phải nhận ra tại sao mình được tha thứ.
Sống Lời Chúa: Không ai công chính bằng Thiên
Chúa. Tập sống công chính chính là tập sống tha thứ cho anh chị em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con ý
thức mình cần đến ơn tha thứ, sự cứu độ của Thiên Chúa. Xin cho con biết Chúa
và cho con biết con. Biết Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, và biết con mọn
hèn yếu đuối. Nhờ thế, con sẽ sống khiêm nhường hơn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Xin thương xót con (27.10.2019
– Chúa Nhật 30 TN, năm C)
Suy niệm:
Khi Ðức
Giêsu đưa ra kết luận:
người
thu thuế được nên công chính, còn người pharisêu thì không.
những
người nghe Ngài hẳn đã ngỡ ngàng, chưng hửng.
Ông
pharisêu là mẫu mực trong việc giữ Luật.
Những
điều xấu xa tiêu cực, ông không làm.
Những
điều Luật đòi hỏi, ông còn làm hơn thế.
Lời cầu
nguyện của ông heat sức tự phát và chân thành,
một lời
nguyện mà nhiều người đạo đức thèm muốn.
Tại
sao Thiên Chúa lại không nhìn đến ông?
Tại sao
Thiên Chúa lại thương người thu thuế tội lỗi,
dù anh
ta nào đã hứa bỏ cái nghề tồi tệ đó.
nào đã
chịu đền bù bao nhũng lạm mình gây ra?
Tình
thương của Thiên Chúa thì nghịch lý, nhưng không vô lý.
Chúng
ta cần nhìn ông pharisêu cầu nguyện.
Ông đứng
tách biệt với những người khác trong Ðền Thờ.
Mắt
ông vẫn thấy anh thu thuế đứng tuốt phía dưới.
Chúng
ta cần nghe lời ông cầu nguyện.
Ông muốn
dâng lên Thiên Chúa một lời tạ ơn,
nhưng
tạ ơn lại trở thành so sánh mình với người khác,
và đầy
ú cái tôi tự mãn, tự hào:
tôi
không như bao kẻ khác, tôi ăn chay, tôi nộp thuế...
Cái
tôi của ông thật tuyệt vời, hơn hẳn người khác.
Cái
tôi của ông quá ngon lành, bảo đảm,
nên
ông không cần xin Chúa thêm điều gì.
Ông chỉ
khoe Chúa những thành tích của ông,
hay
đúng hơn ông đang ngắm mình độc thoại.
Ðời sống
của ông pharisêu đầy đặn quá, tròn trịa quá
đến nỗi
Thiên Chúa trở nên thừa.
Ngài
chẳng tìm ra một kẽ hở nào để vào đời ông
nên
Ngài chịu đứng ngoài.
Ngược
lại anh thu thuế thì run rẩy xấu hổ,
chẳng
dám ngước nhìn Chúa, chẳng dám lại gần tha nhân.
Anh thấy
rõ các tội của mình,
và thấy
mình bị kẹt cứng, tự sức không sao tháo gỡ.
Anh chỉ
còn biết cậy dựa và phó thác cho Tình thương.
Người
thu thuế thật là con người tội lỗi,
nhưng
tội của anh đã trở nên một kẽ hở
để Thiên
Chúa có thể đi vào đời anh.
Chính
sự trống rỗng của anh đã thành khoảng trống cho Thiên Chúa.
Tội lỗi
hay công đức
đều có
thể làm ta khép lại hay mở ra.
Ðiều
quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.
Tiếc
là ông pharisêu chưa nhận ra khuyết điểm của mình.
Ông về
nhà mà không biết mình chẳng được Chúaưu ái.
Ông về
nhà mà vẫn khép kín tự mãn như lúc lên đền.
Làm
sao tôi có được sự trung tín của người pharisêu
và sự
khiêm hạ của người thu thuế?
Làm
sao tôi tận dụng mọi năng lực Chúa ban
mà vẫn
hoàn toàn phó thác cho Chúa định liệu?
Ước gì
đời tôi có nhiều kẽ hở để Chúa vào.
Cầu nguyện:
Lạy
Cha, những tội chúng con phạm
vừa
mang dáng dấp của tội Ađam
vừa
mang dáng dấp của tội Cain.
Tội
nào cũng là khép lại trên chính mình,
khước
từ Thiên Chúa và quay lưng trước anh em.
Tội
nào cũng là lấy mình làm trung tâm
và
qui tất cả về mình.
Xin
cho chúng con đừng nhìn ngắm công trạng của mình,
nhưng
nhìn vào những nén bạc Cha giao
mà
chúng con chưa đầu tư sinh lợi cho đủ.
Xin
cho chúng con đừng tự mãn nhìn về quá khứ,
nhưng
hướng đến tương lai với bao điều cần thực hiện.
Lạy
Cha, xin cho chúng con đừng lấy đức hạnh của mình
làm
thước đo người khác,
đừng
cứng cỏi lạnh lùng khi đánh giá tha nhân.
Ước
gì chúng con có quả tim như Con Cha,
hiền
lành và khiêm nhượng,
để
chúng con có thể mở ra đến vô cùng
trước
những đòi hỏi của Cha và nhu cầu của anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG MƯỜI
Vinh Quang Của Việc Khiêm Tốn
Phục Vụ Tha Nhân
Mối hiệp
nhất do đức tin và Phép Rửa phản chiếu đặc biệt vinh quang của Thiên Chúa, vinh
quang mà Thiên Chúa Cha từ đời đời đã ban cho Chúa Con, vinh quang mà Ngài đã
ban cho Chúa Con trên mặt đất này, nhất là khi Ngài bị treo trên cây thập giá.
Vì thế, tiếng gọi chia sẻ vinh quang này sẽ làm lan tỏa khát vọng hiệp nhất.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã
ban cho Con, để họ được nên một, như chúng ta là một” (Ga 17,22).
Vậy
đâu là vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Con? Đó là vinh quang của việc phục
vụ người khác cách khiêm tốn, vinh quang của việc thi hành thánh ý Cha trong mọi
sự, vinh quang tột đỉnh nơi thái độ tự do chấp nhận cái chết trên thập giá, nơi
hy tế cứu chuộc hết thảy trần gian. Vinh quang của Đức Kitô là như thế.
Đó
cũng là con đường vinh quang được tiếp bước bởi các môn đệ Đức Kitô. Phương thế
tuyệt hảo nhất để tôn vinh Thiên chúa là theo gương mẫu của Đức Giêsu, Đấng đã
nói: “Nếu ai muốn theo Tôi, hãy bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo Tôi” (Lc 9,23). Bất cứ ai tôn vinh Thiên Chúa bằng cách này đều thông dự
vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa và nên một với Ngài, như Chúa Cha và Chúa Con
là một.
Hiệp
nhất là một ân huệ của Thiên Chúa, Đấng duy nhất trong Ba Ngôi thần linh. Ở đâu
ân sủng này được đón nhận trong đức tin, ở đó sẽ có các hoa quả của Thánh Thần:
“Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và
tiết độ” (Gl 5,22). Vâng, Thiên Chúa giúp chúng ta vượt qua những chia rẽ và
tái khám phá sự hiệp nhất trong Ngài. Ngài ban cho chúng ta ánh sáng chân lý và
ân sủng cần thiết để chúng ta đổi mới tâm hồn. Ngài giải thoát ta khỏi sự ngu
muội, khỏi lầm lạc, và khỏi tội lỗi – khỏi tất cả những nguyên do gây chia rẽ
trong chính bản thân mình và trong các mối quan hệ với người khác. Chúa Thánh
Thần luôn ở gần những kẻ kêu cầu Ngài. Ngài ban tặng chúng ta mối hiệp thông trọn
vẹn với Thiên Chúa và giúp chúng ta hoà giải với anh chị em mình.
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/ 10
Chúa Nhật XXX thường niên
Hc 35, 15b-17.20-22a; 2Tm 4,
6-8.16-18; Lc 18, 9-14.
LỜI SUY NIỆM: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Trong tất cả mọi người chúng ta đều là người có tội, mỗi khi chúng ta đến với
Chúa trong tâm tình cầu nguyện cùng Chúa với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi”, thì lời cầu nguyện này sẽ được Chúa thanh tẩy
chúng ta ngay lập tức. Như lời Chúa Giêsu đã nói với người thu thuế trong đoạn
Phúc Âm này: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì
đã được nên công chính.” Bởi lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta
thì rất lớn.
Lạy Chúa Giêsu, trong mọi Thánh Lễ là cơ hội để chúng con nhận được sự tha thứ
của Chúa để nhận được sự bình an. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng
con luôn biết thu xếp mọi công việc trong ngày, để đến tham dự thánh lễ hằng
ngày, để nhận được ơn tha thứ của Chúa đem lại sự bình an cho bản thân và gia
đình.
Mạnh Phương
27
Tháng Mười
Bất Ngờ
Như
một chuyện khó tin mà có thật: đó là chuyện của một chàng thanh niên Tây Ðức một
mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ, vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ
Liên Xô, rồi an toàn đáp xuống Quảng Trường Ðỏ, gần điện Cẩm Linh… Trước khi
đáp xuống vào lúc 7 giờ tối, phi cơ còn lượn 3 vòng chung quanh mộ của chủ tịch
Lênin.
Người
thanh niên Tây Ðức tên là Matthias Rust này đã điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ,
ký sổ lưu niệm cho một số khách hiếu kỳ và khâm phục. Sau đó, công an Liên Xô
đã đến tóm cổ anh đưa đi mất.
Trong
suốt một cuộc hành trình dài, anh chỉ bị phi cơ tuần thám của Liên Xô theo dõi
mà không làm cản trở. Có thể họ cho phi cơ của anh định làm chuyện kỳ lạ khác
người cho nên không bắt anh đáp xuống nửa đường. Phi cơ lại bay rất thấp cho
nên đã tránh được sự kiểm soát của các dàn Radar. Dù sao đây cũng là một chuyện
khó tin chưa từng xảy ra trên một lãnh thổ có một hệ thống phòng thủ chặt chẽ
như Liên Xô.
Sự
thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền Liên Xô e ngại
và giật mình về sự phòng thủ sơ sót của mình. Sau một cuộc họp khẩn cấp của Bộ
Chính Trị, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Không Quân đã bị cách chức.
Trong khi đó thì chủ tịch Gorbachov lại nói một câu khôi hài như sau: “Chúng ta
phải cám ơn anh chàng Tây Ðức này vì nhờ có anh ta mà chúng ta mới cải tổ hệ thống
phòng thủ của chúng ta chặt chẽ và cẩn thận hơn”.
Nhiều
người đã xem lời phát biểu trên đây phản ánh tinh thần phục thiện và cởi mở của
chủ tịch Gorbachov.
Sự
thành công của chàng thanh niên Matthias Rust khi đáp xuống Quảng trường Ðỏ có
thể được xem như một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của Liên Xô.
Tai nạn
là một bất ngờ mà con người không bao giờ lường trước được… Không ai học được
chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm tay, ở ngoài khả
năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một
tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.
Người
Kitô luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố. Biến cố nào xảy đến
trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài nhắc
nhở cho con người biết rằng Chủ Tế của sự sống chính là Ngài. Ngài kêu mời con
người luôn sẵn sàng để đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài cho con người
thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng phó
thác.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét