Trang

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

30-10-2019 : THỨ TƯ - TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN


30/10/2019
 Thứ Tư tuần 30 thường niên


BÀI ĐỌC I: Rm 8, 26-30
“Những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên hình ảnh giống Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 12, 4-5. 6
A+B=Lạy Chúa, con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa (c. 6a).
A=Xin đoái xem, nhậm lời con, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa. Xin soi sáng mắt con, kẻo con thiếp ngủ trong tay tử thần, đừng để tên thù con nói được: “Ta đã thắng nó”. Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã.
B=Bởi con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, con sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con.
A+B=Lạy Chúa, con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa (c. 6a).

ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 22-30
“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Chính Thánh Thần cho chúng ta hợp với toàn thể tạo vật và loài người trong tiếng kêu gào khao khát ơn cứu độ. Bị chi phối bởi các mối lo lắng hằng ngày, chúng ta không biết phải cầu xin điều gì thực sự là thiết yếu cho mình. Và vì thế Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết cầu xin và mong đợi điều gì thực sự là tốt lành mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Người Kitô hữu mở lòng mình ra cho Thần Khí, Đấng biến niềm khát khao ơn cứu độ của toàn vũ trụ thành những lời cầu xin và mong đợi khẩn thiết. Chúa Cha sẽ không tự mình áp đặt giải pháp cần thiết, nhưng sẽ thực hiện ước muốn mãnh liệt này của trái tim chúng ta, giống như một cuộc cuộc gặp gỡ tình yêu được mong đợi từ lâu. Được tạo dựng với một niềm khát khao như thế, chúng ta sẽ được thoả mãn nhờ sự khẩn cầu và tự nguyện gắn bó.
Tội lỗi và sự chết của chúng ta đã được Chúa Thánh Thần đưa vào trong sự hiệp thông của Người với Chúa Cha và Chúa Con. Trong tình yêu dồi dào vô biên của Người, Thiên Chúa đốt cháy nơi Người mọi hình thức sự dữ, đưa nó trở về lại tình trạng nguyên thuỷ của sự thiện và sự thật, mở ra cánh cửa ơn cứu độ cho mọi loài. “Với những ai gắn bó với Chúa Giêsu, sự dữ là một kích thích để họ luôn luôn lớn lên trong tình yêu,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018. Là kết quả chiến thắng của Đức Kitô trên thập giá nhờ sự phục sinh của Người, ơn cứu độ trở thành nội dung, lý do, mục đích và phương pháp của mọi sự dấn thân truyền giáo của Hội Thánh được sai đến thế giới này.
Có phải rất ít người được cứu rỗi không (x. Lc 13:23)? Là câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi vào thời Đức Giêsu, và có lẽ cả hôm nay cũng thế. Và chúng ta, những người nghèo hèn hay cao sang, có sẽ thuộc số những người được chúc phúc không? Chủ đề cứu rỗi là chủ đề trọng tâm đối với Thánh Luca và là chủ đề chính trong Tin Mừng của ngài. Trên thực tế, chủ đề này đã có mặt ngay cả trong những câu chuyện về thời niên thiếu của Đức Giêsu: Trong kinh Magnificat, Đức Maria hoan hỉ trong Chúa, Đấng cứu độ của Mẹ (x. Lc 1:47); các thiên sứ loan tin cho các mục đồng, “Hôm nay một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít” (2:1); Người là “vị cứu tinh quyền thế của chúng ta” được ông Dacaria hân hoan đón chào trong bài Thánh Thi của ông, vì Người đến cứu dân Người khỏi kẻ thù và đem đến cho họ ơn tha tội (x. Lc 1:7-79). Chính Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ mà Luca loan báo trong Tin Mừng của ngài, là “ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại” (x. Lc 2:32), theo lời Luca thích trích dẫn từ ngôn sứ Isaia (Is 42:6; 49:6). Danh hiệu này hoàn toàn tương ứng với bình minh mới của nhân loại, được khởi đầu khi “Vầng đông từ chốn cao vời” xuất hiện (Lc 1:78).
Đời sống con người phải đối diện nhiều mối đe dọa: thời gian, bệnh tật, kỳ thị, áp bức, đói ng- hèo, chết. Đức Giêsu có quyền năng cứu thoát loài người không? Trớ trêu thay, Giêrusalem nhắm mắt lại để không nhìn thấy ánh sáng của nó và các dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trên thực tế, các dấu chỉ này đã hiện diện trong hoạt động rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, như Thánh Luca nhấn mạnh bằng thuật ngữ “cứu độ” cả khi ngài viết về việc chữa lành, như trường hợp Đức Giêsu chữa lành người phụ nữ bị băng huyết (“Này con, lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an” (Lc 8:48), chữa lành người phong cùi (“Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:19), người mù thành Giêrikhô (“Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu anh” (Lc 18:42), và con gái ông Giairô (“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu” (Lc 8:50).
Chúng ta gặp thấy nét đặc trưng này trong hai câu chuyện khác: trong trường hợp tha tội cho người phụ nữ có tội, Đức Giêsu nói, “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7:50), và trong trường hợp người thu thuế giàu có và tham nhũng Dakêu được hoán cải, Đức Giêsu nói, “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19:9). Tuy nhiên, tất cả những dấu chỉ này đòi hỏi người bệnh, người có tội, và mỗi người mở lòng mình ra với lòng itn để đón nhận ơn cứu độ là điều cao cả nhất. Các phép lạ chữa lành tỏ lộ ơn cứu độ toàn diện được Đức Giêsu đem đến và thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Vì vậy tác giả Tin Mừng [Luca] nói về một ơn cứu độ đòi hỏi sự thay đổi con tim; sự sám hối và hoán cải là cần thiết để chấp nhận Tin Mừng. Với người hỏi Đức Giêsu về chuyện có phải chỉ một số ít người sẽ được cứu rỗi hay không, câu trả lời của Đức Giêsu đặc biệt đầy đủ và giàu ý nghĩa, đồng thời mở ra một chân trời mới của lịch sử loài người. Chúa sử dụng ẩn dụ về cái cửa hẹp để chỉ về sự thách thức mà những ai muốn vào ơn cứu độ phải đối diện, và dụ ngôn về việc dự tiệc Nước Trời để chỉ ra những tiêu chí cho phép các khách mời được vào nhà của Thiên Chúa.
Với những người tuyên bố, “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13:26), người “chủ nhà” hai lần đáp lại rằng ông không biết họ từ đâu đến. Quả là một lời kết án kinh khủng và bất ngờ chống lại những người sống bất công mà vẫn tự xưng mình là thuộc về Người và có quyền được cứu rỗi. Tính cấp bách của sự hoán trong cải “hôm nay” của đời sống chúng ta được làm sáng tỏ một cách vô cùng ấn tượng. Nhiều người giàu có đã từng được gặp Đức Giêsu, nghe Người giảng dạy, nói chuyện với Người, và thậm chí mời Người đến nhà dự tiệc. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ đã chấp nhận lời Người yêu cầu họ hoán cải và bác ái với người nghèo giống như ông Dakêu đã làm?
Dụ ngôn này cảnh báo chúng ta về kết quả cuối cùng của việc chọn sống một cuộc sống giàu có nhưng vô cảm và sa đoạ. “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 6:24), Đức Giêsu cảnh cáo. Do đó, được cảnh báo về mối nguy của sự giàu có khiến người ta không thể vào Nước Trời, những người nghe Đức Giêsu hỏi Người, “Lạy Chúa, có phải chỉ một ít người sẽ được cứu không?” Tác giả Tin Mừng không để lại một chút mơ hồ nào. Những ai tưởng rằng chỉ cần biết Đức Giêsu lịch sử và giáo huấn của Người, hay được dự các bữa ăn và các việc phụng tự của Người là bảo đảm được cứu rỗi, mặc dù họ sống trong những tội từ chối Thiên Chúa, tham nhũng, bóc lột, hay bất kỳ bất công nào, họ là những người rất sai lầm. Không thể có sự tương hợp giữa ơn cứu độ với việc thiếu đức tin và sống bất công. Mọi người đều được kêu gọi, người Do Thái cũng như dân ngoại, nhưng mọi người đều phải đi qua cửa hẹp. Vi phạm đức công bình và các quyền con người có thể đóng chặt cánh cửa Nước Trời đối với chúng ta. Lối vào cửa thì hẹp, nhưng chưa đóng. Cửa tuy có thể hẹp (x. Lc 13:24), nhưng vì chính Đức Giêsu là cửa của Cha (x. Ga 10:7.9), niềm hi vọng có thể vào và được cứu rỗi trở nên mạnh hơn.
Thánh Luca cảnh báo chúng ta rằng điều này cũng được áp dụng cho người Kitô hữu. Trên thực tế, danh hiệu “Chúa” được gán cho Đức Giêsu trong dụ ngôn này chỉ được dùng bởi những ai nhìn nhận quyền năng cứu độ của danh xưng này. Lời cảnh báo của Đức Giêsu cũng được nói cho cộng đoàn Hội Thánh, để Hội Thánh không mắc sai lầm tự phụ rằng mình bảo đảm được chọn, thay vì đi theo Đức Giêsu trên con đường đức tin, đức cậy, đức mến và đức công bằng. Qui luật này vẫn còn giá trị: cả những người ở xa, những người hèn mọn nhất, những người bị bỏ rơi, những người tội lỗi, những người khác văn hóa và khác tôn giáo, khi họ thi hành bác ái và công bằng, họ có thể trở thành những khách danh dự tại bàn tiệc Nước Trời.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 30 TN1
Bài đọc: Rom 8:26-30; Lk 13:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tiến trình hưởng phúc vinh quang

Hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người, chứ không phải chỉ một giai đoạn hay một giây phút cuối cùng trên giường chết như nhiều người lầm tưởng. Nhiều người lấy câu truyện của anh trộm lành để bắt chước; nhưng họ sẽ thấy để nói lên được những lời đó trên giường chết thật không dễ tí nào.
Các bài đọc hôm nay muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải biết chuẩn bị cả cuộc đời để hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô liệt kê một tiến trình Thiên Chúa đã phác họa cho con người trước khi họ có thể hưởng phúc vinh quang với Ngài là: biết trước, tiền định, kêu gọi, cho nên công chính, cho hưởng phúc vinh quang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.
1.1/ Con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết cách cầu nguyện.
(1) Con người không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.
(2) Con người không biết điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được..
(3) Con người không biết lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ, xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức.

1.2/ Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”
Động từ Hy-lạp dùng ở Rom 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act 7:34; Exo 3:7-10).

Tại sao Thiên Chúa ban Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:
“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cor 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”

1.3/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là cho sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.”
Biết mục đích của cuộc đời không chưa đủ, con người còn phải biết cách làm sao để đạt được mục đích ấy mới trọn vẹn. Thánh Phaolô phác họa tổng quát kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Những ai Thiên Chúa đã biết Ngài cũng định trước cho trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa; những ai Chúa định trước Ngài cũng kêu gọi; những ai Chúa đã kêu gọi Ngài cũng cho trở nên công chính; những ai Chúa đã cho trở nên công chính, Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
Theo Phaolô, con người được trở nên công chính là niềm tin vào Đức Kitô; nhưng niềm tin này cần được thử thách bởi các gian nan và đau khổ Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Người tín hữu phải chứng minh niềm tin nơi Đức Kitô bằng cách vượt qua những thử thách này. Nếu người tín hữu trung thành với đức tin đến cùng, anh sẽ được Thiên Chúa cho hưởng phúc vinh quang với Ngài.

2/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Con người có khuynh hướng chọn giải pháp dễ nhất, đường nào ngắn nhất; nhưng kinh nghiệm dạy, nếu họ chọn như thế là chỉ đưa đến thất bại mà thôi. Nếu không có kỷ luật, một người không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể. Một số người rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa như sau: Vì tình thương bao la của Thiên Chúa, nên sau cùng Ngài sẽ cứu hết (Universalism). Sứ điệp của Chúa Giêsu hôm nay phải là lời cảnh tỉnh cho những người này.

2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi: Nhiều người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm. Ngài cảnh cáo những người chỉ tin nơi môi miệng: “Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Chúa đề phòng trước cho chúng ta một thực tế phũ phàng: “Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai... Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa... Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Để được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người. Chúng ta phải luyện tập để có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa.
- Chúng ta phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
- Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/10/19 – THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30


GIỜ ĐÃ ĐIỂM
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27)

Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng cửa – cánh cửa hẹp – và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ – mà “giờ” của ông thì bất ngờ như kẻ trộm. Thế nhưng, sự bất thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa đã hết sức nhẫn nại khi Ngài chờ đợi chúng ta “cho đến mùa gặt”. Nhưng một khi “giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa.
Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Họ có thể đang hưởng nhờ ơn ích từ cộng đoàn, từ những người đi trước, nhưng chính họ lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Liệu bạn có ở trong số này không?
Chia sẻ: Lời Chúa luôn đòi bạn đáp lại cách triệt để và dứt khoát. Bạn có chấp nhận đáp lại như thế không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhận ra tiếng Chúa mời gọi, bạn đáp lại ngay tức khắc, ví dụ tới giờ thức dậy, bạn dậy ngay; hoặc tới giờ đi lễ bạn xếp lại công việc để đi lễ, không làm ráng…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Ngài để con có thể vượt thắng yếu đuối của bản thân để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.
(5 Phút Lời Chúa)

Cửa hẹp (30.10.2019 – Thứ Tư Tuần 30 TN)
Suy niệm:


Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).


Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.


Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.


Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”


Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.


Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.


Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.


Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/ 10
Rm 8, 26-30; Lc 13, 22-30.

LỜI SUY NIỆM: “Hãy chiến đấu để được qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: sẽ có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
          Nước Chúa luôn rộng mở đón nhận tất cả mọi người có thiện chí ngay lành, nhưng muốn được bước vào cánh cửa này Chúa Giêsu mời gọi mỗi người phải chiến đấu đi vào cửa hẹp. Cửa hẹp đòi hỏi con người luôn phải biết gò mình lại, cần phải ép xác, đôi mắt mở to ra để nhìn và thấy rõ từng bước tiến của mình, để không thể va chạm dẫm chân lên người anh em.
          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang mời gọi chúng con chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào Nước Chúa. Xin cho chúng con vâng nghe tiếng Chúa cùng chiến đấu, dẫn đưa nhau qua cửa hẹp mà Chúa đang mời gọi.
Mạnh Phương


30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý


Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách… Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái… Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá… Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét