28/10/2019
Thứ Hai tuần 30
thường niên
THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ.
Lễ kính
* Tông đồ Simon có
biệt danh là Nhiệt Thành, có lẽ vì người thuộc nhóm cực đoan, chống người Rôma.
Người được xếp thứ mười một trong bản danh sách các Tông Đồ.
Còn thánh Giuđa,
cũng được gọi là Ta-đê-ô, là người đã hỏi Chúa trong Bữa Ăn Tối: “Thưa Thầy, tại
sao Thầy phải tỏ mình cho chúng con, mà không tỏ mình cho thế gian?”. Và ông đã
nhận được lời Chúa hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
BÀI ĐỌC I:
Ep 2, 19-22
“Anh em đã được xây
dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh
em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương
với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền
tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Đức Kitô làm đá góc tường. Trong Người,
tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả
anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự
trong Thánh Thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18,
2-3. 4-5
Tiếng chúng đã vang
cùng trái đất (c. 5a).
1) Trời xanh tường thuật
vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ
cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.
2)Đây không phải lời
cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng
đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
ALLELUIA:
– Chúng con ca ngợi
Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là Chúa tể; lạy Chúa, ca đoàn
vinh quang các tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 12-19
“Người chọn mười hai vị mà Người
gọi là tông đồ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy
Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó
là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan,
Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi
là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi
xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn
đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên
hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những
người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm
tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người. Đó
là lời Chúa.
Suy niệm
Phụng vụ tiếp tục chuỗi lễ kính các Thánh Tông Đồ, hôm nay
nhắc chúng ta nhớ đến hai thánh Tông Đồ ít được biết đến và thánh tích của các
ngài được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, gần bàn thờ Thánh
Giuse. Nhóm Mười Hai Tông Đồ, biểu tượng toàn thể một dân mới, đã được Đức
Giêsu chọn không phải từ việc Người xét đến đức tính hay công trạng của họ,
nhưng, Luca nói, từ một đêm Người cầu nguyện, hiệp thông sâu xa với Chúa Cha,
như thể rút lấy từ Người Thần Khí để ban cho những kẻ sẽ được kêu gọi, để biến
họ thành tông đồ. Trong Tin Mừng của ông, Luca cho chúng ta thấy trong nhiều dịp
Đức Giêsu coi cầu nguyện là việc quan trọng đến thế nào, nó là sự gặp gỡ trong
đối thọai thân mật và yêu thương với Cha trên trời của Người.
Vào một số dịp, Luca dừng lại để mô tả các câu chuyện này và
thậm chí cả nội dung các lời cầu nguyện của Đức Giêsu, để mỗi môn đệ học biết cách
cầu nguyện, bằng cách lắng nghe những điều Đức Giêsu nói, và làm những điều Người
truyền, thay vì chỉ nói ra thật nhiều lời vô ích hầu xin Thiên Chúa thoả mãn những
đòi hỏi ích kỷ của họ. Lời cầu nguyện chân chính của người Kitô hữu phát sinh
trong Thiên Chúa. Nó thúc đẩy chúng ta hành động, biến đổi cuộc sống chúng ta,
và đưa chúng ta quay về với Thiên Chúa với những tình cảm biết ơn, hiếu thảo,
hiến dâng bản thân, và liên đới với người khác. Luca nhấn mạnh rằng các quyết định
tối quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu đều được làm trong bối cảnh cầu nguyện, từ
lúc Người chịu phép rửa - thậm chí có thể kể từ tuổi thơ của Người - cho tới vườn
Ghếtsêmani và trên thập giá.
Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Đức
Giêsu cầu nguyện thâu đêm, vì Người sắp sửa có một chọn lựa sẽ mãi mãi kiện cường
mối liên kết của Người với các môn đệ. Đó là một cam kết dứt khoát, vì với Nhóm
Mười Hai, Đức Giêsu sẽ thiết lập cộng đoàn Mêsia của Người. Người sẽ chọn mười
hai cột trụ mà, như được hứa trước bởi các ngôn sứ, Người sẽ xây dân của giao ước
mới là Hội Thánh trên mười hai cột trụ ấy. Vì dân mới này, và vì toàn thể loài
người, Người sẽ đổ máu mình ra, một cách ý thức và tự nguyện, để ban cho họ ơn
tha tội. Các “Tông Đồ” - nghĩa là những người được sai đi - đã được Đức Giêsu
chọn trước cuộc Khổ Nạn-Chết-Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng chỉ sau biến cố
Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần, sứ mạng của họ mới thể hiện đầy đủ tiềm năng của nó,
hoàn toàn thành tựu. Tuy nhiên, trước thời gian này, họ được gọi để được đào tạo
và chuẩn bị cho những gì sẽ chờ đợi họ khi Thầy sẽ được làm cho hiện diện bởi
Thần Khí. Do đó cầu nguyện được tỏ lộ như là linh hồn của sứ mạng, nghĩa là, là
sự hiện diện trung thành và hiệu quả của Thiên Chúa trong hành động của Hội
Thánh Người vì sự cứu rỗi của thé giới mà Hội Thánh đã được sai đến.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói lên điều này về đức tin
và ơn gọi của hai thánh tông đồ Simon người Canaan và Giuđa Tađêô trong buổi
triều yết chung của ngài ngày 11 tháng 10, 2006: Anh chị em thân mến, Hôm
nay chúng ta hãy tìm hiểu về hai trong số Mười Hai Tông Đồ: Simon người Canaan
và Giuđa Tađêô (đừng lẫn với Giuđa Ítcariốt). Chúng ta hãy nhìn vào cả hai ngài
cùng một lượt, không phải chỉ vì hai ngài luôn luôn được đặt cạnh nhau trong
các bản danh sách Nhóm Mười Hai (x. Mt 10:3-4; Mc 3:18; Lc 6:15; Cv 1:13),
nhưng cũng vì chúng ta có rất ít thông tin về hai ngài, ngoại trừ việc Thư Qui
của Tân Ước còn giữ lại một Thư được cho là của Thánh Giuđa Tađêô.
Simon được đặt các biệt danh khác nhau trong bốn bản liệt
kê: trong khi Mátthêu và Máccô mô tả ông là “người Canaan”, thì Luca lại gọi
ông là “Nhiệt Thành/ Quá Khích”.
Trên thực tế, hai cách mô tả là tương đương vì có cùng một
nghĩa: thực vậy, trong tiếp Hípri, động từ qanà có nghĩa là “ghen tương, nhiệt
thành” và có thể chỉ cả về Thiên Chúa, vì Người ghen tương với dân của Người
(x. Xh 20:5), và cũng có thể chỉ về những con người nhiệt thành phụng sự một
Thiên Chúa với lòng sốt sắng tuyệt đối như ngôn sứ Êlia (x. 1 V 19:10).
Do đó, rất có thể là, dù Simon không thực sự là một thành
viên của phong trào ái quốc Nhiệt Thành, ít ra ông cũng nổi bật về lòng gắn bó
với căn tính Do Thái của ông, và vì thế, gắn bó với Thiên Chúa, với dân của Người,
và Lề Luật của Người.
Nếu đúng là như thế, Simon thuộc những giới khác hẳn với
Mátthêu, vì Mátthêu đã từng là một người thu thuế và bị xa tránh như là người
hoàn toàn ô uế. Điều này cho thấy Đức Giêsu đã chọn các môn đệ và cộng sự viên
mà không có sự phân biệt hay kỳ thị vì lý lịch xã hội hay tôn giáo của họ.
Điều Đức Giêsu quan tâm là những con người, chứ không phải
các giai cấp hay các nhãn mác xã hội! Và điều đẹp nhất là trong nhóm các môn đệ
của Người, bất chấp những khác biệt, tất cả họ đều sống bên cạnh nhau, khắc phục
mọi khó khăn có thể tưởng tượng ra được: thực vậy, điều ràng buộc họ lại với
nhau là chính Đức Giêsu, nơi Người tất cả họ thấy mình hiệp nhất với nhau.
Đây rõ ràng là một bài học cho chúng ta, những người thường
có khuynh hướng nhấn vào những điểm khác biệt và thậm chí tương phản nhau, mà
quên rằng trong Đức Giêsu, chúng ta được ban sức mạnh để chiến thắng những mối
xung đột liên tục.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng Nhóm Mười Hai là hình bóng trước
của Hội Thánh, ở đó phải có chỗ cho mọi đặc sủng, mọi dân tộc và chủng tộc, mọi
đức tính nhân bản được tạo thành và hợp nhất trong sự hiệp thông với Đức Giêsu.
Tiếp đến, liên quan đến Thánh Giuđa Tađêô, đây là điều mà
truyền thống đã gọi ông, bằng cách kết hợp hai tên gọi khác nhau: trên thực tế,
trong khi Mátthêu và Máccô chỉ đơn giản gọi ông là “Tađêô” (Mt 10:3; Mc
3:18), thì Luca gọi ông là “Giuđa, con ông Giacôbê” (Lc 6:16; Cv 1:13).
Biệt danh Tađêô có nguồn gốc không chắc chắn và được giải
thích là bắt nguồn từ tiếng Aram taddà’, nghĩa là ‘lồng ngực” và vì thế có thể
mang ý nghĩa là “độ lượng”, hay như là cách gọi tắt của một tên gọi Hi Lạp, như
“Teodòro, Teodoto”.
Chúng ta biết rất ít về ông. Chỉ có một mình Gioan nhắc đến
một câu hỏi ông thưa với Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly: Tađêô thưa với Đức Giêsu:
“Thưa Thầy, tại sao Thầy sẽ chỉ tỏ mình ra cho chúng tôi mà không tỏ mình ra
cho thế gian?”
Đây là một câu hỏi rất đúng lúc mà chúng ta cũng nói với
Chúa: Tại sao Đấng Phục Sinh không tỏ mình ra trong vinh quang cho các kẻ thù của
Người để chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng chiến thắng? Tại sao Người chỉ tỏ
mình ra cho các môn đệ? Câu trả lời của Đức Giêsu thì bí nhiệm và thâm sâu.
Chúa nói: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người
ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14:22-23).
Có nghĩa là chúng ta cũng phải nhìn thấy và nhận ra Đấng
Phục Sinh bằng trái tim của chúng ta, để Thiên Chúa có thể đến ngự trong chúng
ta. Chúa không hiện ra như một sự vật. Người muốn đi vào cuộc đời chúng ta, và
vì thế sự tỏ lộ của Người là một sự tỏ lộ đòi hỏi một trái tim rộng mở. Chỉ bằng
cách này chúng ta mới nhìn thấy Đấng Phục Sinh.
Một trong những Thư trong Tân Ước được nói là của Thánh Giuđa
Tađêo và thuộc nhóm các Thư gọi là ‘thư chung’, nghĩa là các thư không gửi cho
một giáo hội địa phương cụ thể nào, nhưng chung cho mọi tín hữu. Trên thực tế,
thư được gửi cho “những người được kêu gọi, được Thiên Chúa là Cha yêu mến, và
được dành riêng cho Ðức Giêsu Kitô” (c. 1).
Một mối quan tâm chính của thư này là cảnh giác các Kitô hữu
chống lại những kẻ viện cớ ân sủng của Thiên Chúa để bào chữa cho lối sống
buông thả của mình và làm tha hóa các anh em của mình bằng những lời giảng dạy
không thể chấp nhận được, gây chia rẽ trong Hội Thánh “trong những cơn mê sảng
của chúng” (c. 8).
Đây là cách mà Thánh Giuđa mô tả các học thuyết và các ý tưởng
kỳ lạ của chúng. Ngài thậm chí ví chúng với những thiên thần sa ngã và
ngài nói trắng ra rằng “chúng đi vào con đường của Cain” (c. 11).
Hơn nữa, ngài không chút thương hại mà gọi chúng là “những
đám mây không có nước, cuốn theo chiều gió. Họ là cây cuối mùa thu, không trái,
chết hai lần, bị nhổ tận rễ. Họ là sóng biển hung dữ, tung bọt là những hành vi
bỉ ổi của họ. Họ là những vì sao lạc, u ám tối tăm là nơi dành cho họ đến muôn
đời” (c. 12-13).
Có thể dễ thấy rằng tác giả của thư này đã sống trọn vẹn đức
tin của mình, trong đó bao gồm những thực tại cao cả như tính trung thực và niềm
vui, sự tín thác và ngợi khen, vì tất cả hoàn toàn được thúc đẩy bởi lòng nhân
hậu của Thiên Chúa đuy nhất và lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta.
Vì vậy, xin hai Thánh Tông Đồ Simon người Canaan và Giuđa
Tađêô giúp chúng ta tái khám phá vẻ đẹp luôn luôn mới mẻ của đức tin Kitô và sống
đức tin ấy không mệt mỏi, biết làm chứng đức tin một cách mạnh mẽ và đồng thời
ôn hòa.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong
tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Kính thánh Simon và Thadeus, TĐ
Bài đọc: Eph 2:19-22; Lk 6:12-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi tín hữu được kêu gọi để góp
phần xây dựng Nước Thiên Chúa.
Khi phải chọn người làm việc
chung, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng chọn những người chung sở
thích, tính tình hòa hợp, và cùng một nghề nghiệp, để có thể tránh những xung đột
thì mới có thể thành công được. Nhưng cách chọn lựa của Thiên Chúa và của Đức
Kitô rất khác con người, các Ngài chọn những người khác sở thích, tính tình
trái ngược đến chỗ xung đột nhau, và nghề nghiệp khác nhau để xây dựng Giáo Hội
và rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật
vai trò của mỗi tín hữu trong việc xây dựng và mở mang Nước Chúa. Trong Bài Đọc
I, tác giả Thư Ephesô phân tích tình trạng pháp lý của các tín hữu để khuyên nhủ
họ không còn là người xa lạ hay tạm trú nữa; nhưng đã được trở thành người đồng
hương vì được kêu gọi để cùng chung hưởng quê hương Nước Trời, và đã trở thành
người nhà của Thiên Chúa để hưởng những quyền lợi như các phần tử trong nhà và
chung sức lo cho Nước Chúa được phát triển. Trong Phúc Âm, sau khi cầu nguyện
suốt đêm, Chúa Giêsu đã chọn Mười Hai Tông Đồ. Đây là những người rất khác nhau
về tính tình, nghề nghiệp, sở thích; nhưng được kêu gọi để cùng nhau rao giảng
Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu nơi trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành
ngôi đền thánh trong Chúa.
1.1/ Tình trạng pháp lý của người
tín hữu: "Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay
người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các
người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.'' Tác
giả muốn phân biệt hai giai đoạn trước và sau khi một người biết Đức Kitô.
(1) Trước khi biết Đức Kitô: một
người là người xa lạ vì không biết gì về Thiên Chúa hay Kế-hoạch
cứu độ của Ngài; anh không được hưởng bất cứ quyền lợi gì của người trong nhà
hay trong nước. Hay người đó có thể là người tạm trú: mặc dù anh được
hưởng một số quyền lợi nhưng không trọn vẹn; mà nếu tạm trú, sẽ đến lúc anh phải
ra đi.
(2) Sau khi biết Đức Kitô: Người
tín hữu trở thành người đồng hương với các người thuộc dân
thánh vì các tín hữu được kêu gọi để cùng được chung hưởng một quê hương là Nước
Trời. Người đồng hương phải giữ một số những qui luật và hưởng một số những quyền
lợi, nhưng không hoàn toàn. Khi trở thành người nhà của Thiên
Chúa, người tín hữu được hưởng quyền lợi như những thành phần trong gia đình của
Thiên Chúa; tuy nhiên, khi là người nhà, các tín hữu có bổn phận phải tuân giữ
các điều luật và góp phần xây dựng trong nhà.
1.2/ Người tín hữu là một thành
phần sống động của Đền Thờ Thiên Chúa: Khi đã trở thành người nhà của
Thiên Chúa, người tín hữu trở thành viên gạch của Đền Thờ mà:
- nền móng là
các Tông Đồ và ngôn sứ: Đây là những người đi tiên phong để kêu gọi mọi người
gia nhập vào Giáo Hội của Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã tiên báo sự xuất hiện của
Đức Kitô; các Tông Đồ đã lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng trực tiếp từ Thiên
Chúa. Họ là nền móng vì họ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đức tin và Giáo Hội.
- đá tảng góc tường là
chính Đức Giêsu Kitô: Trong kỹ thuật xây dựng của người Do-thái, đá tảng góc tường
là nền tảng quan trọng nhất, vì từ phiến đá này, ngôi nhà hay Đền Thờ được xây
lên. Nếu không có viên đá này, chẳng có ngôi nhà nào được xây lên. Tác giả có ý
muốn nói: Đức Kitô là phần chính yếu nhất trong Đền Thờ của Thiên Chúa. Ý tưởng
về "tảng đá góc tường" cũng được đề cập tới trong Thư I Phêrô (I Pet
2:6).
(1) Mọi phần hòa hợp và ăn khớp
với nhau: Tác giả nhận xét như các thành phần của Đền Thờ được xây dựng ăn khớp
với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh như thế nào, thì các tín hữu cũng được
chuẩn bị để sống hòa hợp với mọi thành phần trong Giáo Hội như thế nhờ Đức
Kitô.
(2) Xây dựng trong cùng một
Thánh Thần: Cùng với Đức Kitô, Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho các tín hữu những
quà tặng khác nhau, để cùng chung sức xây dựng Giáo Hội là Đền Thờ của Thiên
Chúa: ''Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người
khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.''
2/ Phúc Âm: Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu cầu nguyện trước
khi gọi các Tông-đồ: Cầu nguyện là một trong những chủ
đề chính của Tin Mừng Lucas. Cầu nguyện được một người định nghĩa là bàn hỏi với
Thiên Chúa. Quyết định lựa chọn Nhóm Mười Hai là quyết định vô cùng quan trọng
cho sự sống còn của Giáo Hội; vì nếu Nhóm Mười Hai không trung thành chu toàn với
sứ vụ, Giáo Hội sơ khai không thể tồn tại được. Thánh Lucas nói rõ "Chúa cầu
nguyện suốt đêm;" điều này cho thấy Ngài không chọn Nhóm Mười Hai như một
tổng thể, nhưng chọn mỗi cá nhân của Nhóm Mười Hai. Trong sự quan phòng khôn
ngoan của Thiên Chúa, các Ngài biết rõ tính tình và những gì sẽ xảy ra cho từng
cá nhân này.
2.2/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ:
"Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông
và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simon mà Người gọi là Peter, rồi đến ông Andre,
anh của ông; sau đó là các ông James, John, Philip, Bartholomew, Matthew,
Thomas, James con ông Alpheus, Simon biệt danh là Nhiệt Thành, Judah con ông
James, và Judah Iscariot, người đã trở thành kẻ phản bội."
(1) Các con người không đặc biệt:
Nếu xét theo tiêu chuẩn con người, Nhóm Mười Hai này chẳng có gì xuất sắc hay đặc
biệt cả. Không một ai là học giả khôn ngoan, không ai có quyền thế trong xã hội;
đa số là những người chài lưới thất học, nghèo hèn. Thế mà Đức Kitô chọn các
ông để biến đổi thế giới. Điều này cho thấy khôn ngoan và sức mạnh không đến từ
các Tông Đồ; nhưng hoàn toàn do nơi Thiên Chúa.
(2) Các loại người xung khắc
tính tình với nhau: Cặp người xung khắc nhất có lẽ là Simon Nhiệt Thành chúng
ta mừng kính hôm nay và Matthew, người thu thuế. Simon thuộc nhóm Nhiệt Thành,
người rất ghét những người làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng; mà
Matthew lại cộng tác với ngoại bang để lấy thuế của dân chúng. Làm sao Đức Kitô
hòa giải và huấn luyện cho hai con người này trở thành bạn và cùng chung sức rao
giảng Tin Mừng! Cặp thứ hai là Phêrô và Thomas: Phêrô rất dễ tin và nhanh chóng
biểu lộ niềm tin của mình trước hết các Tông Đồ khác; trong khi Thomas rất cứng
lòng đến độ thách thức phải xem thấy mới tin.
(3) Các con người có mọi yếu đuối
và khuyết điểm: Ngoài Phêrô tin rồi chối, chúng ta có hai anh em James và John
ham muốn uy quyền và danh vọng làm cho các môn đệ khác tức tối. Judah Iscariote
là kẻ phản bội bán Chúa. Cả Nhóm Mười Hai bị Chúa Giêsu trách là không thể thức
với Chúa một giờ trong cơn hấp hối của Ngài; và tất cả bỏ chạy trốn trừ John
còn đứng lại dưới chân Thập Giá Chúa. Trong bản tính Thiên Chúa, Đức Kitô chắc
chắn thấy rõ những điều này; nhưng Ngài vẫn chọn và kiên nhẫn huấn luyện để
mang đến kết quả tốt lành sau cùng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đã được Thiên Chúa chọn
để trở nên người nhà lo việc của Thiên Chúa. Chúng ta đã làm gì để góp phần vào
việc mở mang Nước Chúa?
- Chúa chọn chúng ta không phải
vì khôn ngoan, tài giỏi, hay thánh thiện; nhưng khi chúng ta vẫn còn mang đầy
những yếu đuối, khuyết điểm, và tội lỗi trong người. Ngài muốn chúng ta hãy
ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và những dạy dỗ của Đức Kitô
để sống xứng đáng như người môn đệ và làm cho tha nhân được đón nhận Tin Mừng.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
28/10/2019 – THỨ HAI TUẦN 30 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19
CÙNG ĐI VỚI CHÚA
Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông. (Lc 6,17)
Suy niệm: Thầy Giê-su không chọn các
Tông đồ một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, theo cảm tính, nhưng sau một lần cầu
nguyện “xuyên đêm” với Chúa Cha. Thầy cũng không sai các Tông đồ đi loan báo
Tin Mừng Nước Trời liền sau khi các ông được chọn, nhưng là sau một thời gian đủ
chín muồi “ở lại” với Người. Lúc được chọn, các Tông đồ được đưa lên núi; và
sau đó, các ông “xuống núi” cùng Thầy. Ba năm “trên núi” ở lại với Thầy là thời
gian quý báu giúp các ông gần gũi thân thiết với Thầy, hiểu con người và sứ vụ
của Thầy hơn, để rồi một ngày kia, các ông có thể đi khắp thế gian loan báo Tin
Mừng của Thầy. Chúng ta cũng vậy thôi, thật quý giá biết bao những giây phút ở
lại với Chúa! Cùng đi với Chúa lên núi cao để nối kết mối tình thân với Người,
người tông đồ có thêm lửa để cùng đi với Chúa xuống núi, sống niềm vui Tin Mừng
cùng với những anh em, chị em của mình.
Mời bạn: “Được thánh tẩy và được
sai đi” là chủ đề sứ điệp tháng 10 truyền giáo năm nay của Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô nhằm cổ võ cho việc loan báo Tin Mừng. Được gia nhập vào Hội Thánh
Chúa, lãnh nhận ân sủng làm con cái Thiên Chúa, bạn được sai đi để chia sẻ ân
huệ đó cho con người. Hai thánh Si-mon và Giu-đa là mẫu gương tông đồ truyền
giáo ấy cho bạn. Bạn ý thức ơn gọi và sứ vụ của mình chưa?
Sống Lời Chúa: Mời Chúa cùng làm, cùng đi
với bạn khi bạn bắt đầu một dự định, hay khi bắt tay làm một việc gì.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, được
cùng đi với Chúa là một ân huệ cao quý. Xin cho con luôn cảm nghiệm niềm vui
khi có Chúa ở cùng và sống chứng tá Tin Mừng mỗi ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Gọi và chọn (28.10.2019 – Thứ
Hai - (Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ)
Suy niệm:
Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện
vào những thời điểm quan trọng.
Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (3, 21).
Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (9, 18).
Khi đang cầu nguyện trên núi, Ngài được hiển dung (9, 29).
Khi đứng trước cái chết gần kề, Ngài cầu nguyện trong xao xuyến (22, 41).
Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (23,
34).
Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện.
Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha.
Ngài thích gặp Cha vì Ngài là người con thảo hiếu.
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là người được Cha sai, để làm việc Cha giao.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Ngài.
Đức Giêsu vẫn thích cầu nguyện trên núi.
Núi cao làm Ngài thấy nhẹ nhàng và gần Cha trên trời hơn.
Tối hôm nay, Ngài muốn dành nhiều giờ để gặp Cha
trước khi đi đến một quyết định quan trọng,
quyết định chọn những môn đệ thân tín nhất mà Ngài gọi là tông đồ,
để đi sát với Ngài hơn và cộng tác với Ngài trong sứ vụ.
Đức Giêsu không chọn theo ý mình.
Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý (c. 12).
Tìm ý Cha, ngay cả đối với Đức Giêsu, cũng không phải là quá dễ dàng.
Ngài đã thức suốt một đêm để cầu nguyện,
để tìm xem Cha muốn Ngài chọn ai trong số những môn đệ ở đây.
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con…
Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6).
Đức Giêsu coi các tông đồ là một quà tặng của Cha.
Bởi đó, thật ra Ngài chỉ chọn những người Cha đã chọn,
Ngài chỉ muốn những người Ngài biết Cha muốn (Mc 3, 13).
Khi làm người ở đời, chúng ta cũng phải chọn như Đức Giêsu.
Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa.
Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời.
Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình.
Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa.
Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm.
Thánh Inhaxiô mời người làm linh thao
“không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ,
danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu,
và tương tự như thế đối với mọi sự khác.”
Khi có thái độ siêu thoát như trên, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định.
Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha.
Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ.
Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ.
Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG MƯỜI
Gương Mù Của Chia Rẽ
Mặc dù hiệp nhất là điều
mà con nguời sẽ chẳng bao giờ có thể tự mình đạt được, song chúng ta cũng phải
tìm kiếm hiệp nhất và cố gắng tranh thủ hiệp nhất. Hiệp nhất là một trong những
đặc tính của Giáo Hội, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: ” … Giáo Hội
duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền.” Nhưng thực tế, trong Giáo hội
duy nhất ấy lại có tình trạng … bất hoà giữa các Kitôhữu.
Nhiệm vụ tái lập mối
hiệp nhất giữa tất cả những người tin vào Chúa Kitô ngày càng trở nên cấp bách.
Những chia rẽ trong quá khứ và hiện tại là một gương mù cho những người ngoài
Kitô giáo, những chia rẽ ấy là một sự đối nghịch rõ ràng với ý muốn của Chúa
Kitô. Chúng là trở ngại nghiêm trọng cho nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.
Công cuộc đại kết đòi
hỏi những cố gắng không ngừng và những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta.
Trước hết phải nhận thức rằng mối hiệp nhất của Phép Rửa có ý nghĩa rất sâu xa
và rất hàm súc. Mối hiệp nhất này thực sự liên kết tất cả những người đã chịu
Phép Rửa lại với nhau, và cho họ được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba
Ngôi. Mối hiệp nhất này tồn tại mãi mãi, bất chấp những khác biệt hay những
chia rẽ. Lời của Thánh Phaolô vẫn mãi còn xác thực: “Vì tất cả anh em đã được
thanh tẩy trong Đức Kitô và mặc lấy Đức Kitô, nên không còn Do thái hay Hy lạp,
cũng không còn nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em là một
trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,27 – 28).
Chúng ta phải sẵn sàng
cộng tác với Đức Kitô và với các tín hữu khác để đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn
giữa các môn đệ của Đức Kitô trên toàn thế giới. Chúng ta vui mừng nhìn thấy những
bước tiến đã đạt được trong lãnh vực đại kết. Chúng ta đã có những nỗ lực vượt
qua các thành kiến in hằn xưa nay, vượt qua những xét đoán sai lầm và những luận
điệu khích bác. Chúng ta đã hiểu biết nhau hơn và tôn trọng nhau hơn trong tình
huynh đệ. Đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc đối thoại giữa các giáo hội
và trong sự cộng tác giữa các Kitôhữu trong việc phục vụ cho nhân loại. Chúng
ta ngày càng có được nhiều cơ hội hơn để cầu nguyện chung giữa các Kitô hữu –
trong sự tôn trọng các truyền thống khác biệt. Tất cả chúng ta hãy tiếp bước
trên con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong Đức Kitô. Chúng ta tràn trề
hy vọng mong chờ một ngày chúng ta sẽ thực sự nên một như Chúa Cha và Chúa Con
là một.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28/ 10
Thánh Simon và
Thánh Tôma Tông Đồ
Ep 2, 19-22; Lc 6,
12-19.
LỜI SUY NIỆM: Trong những
ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện
cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi
là Tông Đồ.”
“Qua các Tông Đồ của Chúa Giêsu đã thiết lâp, đã làm cho các vi kế nhiệm các
ngài là các Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến vào sứ vụ của Người. Các
Giám mục lại trao trách nhiệm thừa tác vụ của mình một cách hợp pháp cho các
linh mục, hầu chu toàn cách thích đáng sứ vụ tông đồ đã được Đức Kito trao
phó.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa dã trao gởi đến chúng con những vị Tông Đồ
của Chúa, để chăm sóc hướng dẫn chúng con trên đường tiến về Nước Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-10
Thánh SIMON Tông Đồ
Tân ước ngoài việc đặt
thánh Simon vào danh sách nhóm 12, đã không cung ứng một chỉ dẫn trực tiếp nào
liên quan đến vị tông đồ này. Ngài được phân biệt với Simon Phêrô bằng danh hiệu
“nhiệt thành” (Lc 6,15; Cv 1,13), một danh hiệu không có ý nói rằng: Ngài là phần
tử thuộc nhóm quá khích Do thái mang tên này, nhưng chỉ cho biết nhiệt tâm của
Ngài đối với lề luật. Theo tiếng Aram, nhiệt thành là “Cana”.
Điều này giải thích tại
sao các thánh sử nhất lãm gọi Ngài là người xứ Cana (Mt 10,4; Mc 3,18). Có người
cho rằng sinh quán của người là Galilêa. Một truyền thống còn nói thánh Simon
là chàng rể phụ trong tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12). Sách các thánh tử đạo kể
rằng Simon sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Kitô, đã “bỏ rượu”, bỏ lễ cưới để
theo Chúa Kitô và được liệt vào số các tông đồ. Thực sự, chẳng có chứng cớ lịch
sử nào nói tới việc này.
Cũng như thánh Giacôbê
Hậu, có lẽ thánh Simon là một trong các “anh em của Chúa” (Mc 6,3). Nhưng người
ta không thể đồng hóa thánh tông đồ với thánh Simon mà theo truyền thống là Đấng
kế vị anh mình làm giám mục Giêrusalem.
Chúng ta không thu lượm
được chi nhiều về hoạt động và cái chết của vị tông đồ. Có những tường thuật
cho rằng: Ngài đi truyền giáo ở Phi Châu và các đảo Britania. Những tường thuật
này không có nền tảng. Một truyền thống khác cho rằng Ngài đi truyền giáo ở Ai
cập và cuối cùng ở Batư. Truyền thống này đáng tin hơn.
Nhiều nguồn tài liệu đồng
ý cho rằng Ngài chịu tử đạo ở Batư. Một số ít hơn nói rằng Ngài cùng chịu tử đạo
với thánh Giuda. Dầu vậy, vì không có tài liệu nào đủ tính cách cổ kính nên khó
nói rõ về nơi chốn và hoàn cảnh thánh nhân qua đời.
Thánh GIUĐA Tông Đồ
Vị tông đồ này mang
nhiều tên khác nhau như Tadêo (Mt 10,3; Mc 3,18) hay Giuda (Lc 6,16; Cv 1,13).
Chính Ngài là vị tông
đồ trong cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly đã hỏi Chúa Giêsu: – Thưa Thày, tại sao
Thày tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian ?
Chúng ta có thể đồng
hóa Ngài với tác giả bức thư, trong đó có trình bày Ngài là: “Giuda, nô lệ của
đức Giêsu Kitô, anh em với Giacobê” (Gl 1) không ? Thực sự tiếng Hy lạp phải đọc
câu văn này như ở Lc 6,16 là: “Giuda, con của Giacôbê”. Hơn nữa câu 17 của bức
thư, tác giả như tách mình ra khỏi số 12. Dĩ nhiên, điều này không làm giảm giá
sự chính lục của bức thư. Có thể nói, tác giả “anh em với Chúa” (Mc 6,3) không
phải là tông đồ nhưng có thể giá trong Giáo hội sơ khai như Giacôbê (Cv 15,13).
Thánh Giuda tông đồ,
theo truyền thống, đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamina và chịu tử đạo ở đó.
Một thời Ngài được tôn
kính như đấng bảo trợ cho các trường hợp “vô vọng”. Lòng sùng kính này bị quên
lãng, có lẽ vì Ngài trùng tên với Giuda phản bội.
(daminhvn.net)
28 tháng 10
Chuyến Xe Cuộc Ðời
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh,
nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của
xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương
có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài
căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết
định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi
tàu...".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau:
"Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với
các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị
nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một
chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải
mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một
con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi
khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến
đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời,
ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu
hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành
trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh
tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể
làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn.
Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công
việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại
với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa
Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức,
vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói
như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái
nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta cũng
biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng
trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.
Trích sách Lẽ Sống
Lectio Divina: Lễ Các Thánh Tông Đồ Simon và Giuđa – Lc 6:12-19
Thứ Hai,
ngày 28 tháng 10 năm 2019
Mùa Thường Niên
Lc 6:12-19
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và hằng
sống,
Xin Chúa hãy củng cố đức tin, niềm
hy vọng và tình yêu chúng con.
Nguyện xin cho chúng con có thể
làm việc với trái tim yêu thương
Là những gì Chúa đòi hỏi nơi
chúng con
Và đến để chia sẻ sự sống Chúa hứa
ban.
Chúng con cầu xin vì Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng con, Con Chúa,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng với
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở
muôn đời. Amen.
2. Phúc Âm – Luca 6:12-19
Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu
lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Sáng ngày, Người gọi các môn đệ
và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ:
Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và
Gioan, Philípphê và Bartôlômêô, Mátthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon
cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội.
Người đi xuống với các ông, và dừng
lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng
đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe
Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật.
Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám
đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành
mọi người.
3. Suy Niệm
- Bài Tin Mừng hôm nay nói về hai sự kiện: (a) Mô tả sự chọn lựa của Nhóm Mười Hai Tông
Đồ (Lc 6:12-16) và (b) nó cho biết rằng có đoàn lũ đông đảo dân chúng gặp gỡ
Chúa Giêsu để nghe Người giảng dạy, tìm cách chạm tới Người và để được chữa
lành (Lc 6:17-19).
- Lc 6:12-13:
Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm và chọn mười hai vị tông đồ. Trước sự lựa chọn dứt khoát về mười hai vị
Tông Đồ, Chúa Giêsu lên núi và dành cả đêm để cầu nguyện. Chúa cầu nguyện để biết chọn ai và Người đã
chọn Nhóm Mười Hai, tên của các ông đã được ghi lại trong các sách Tin Mừng. Và sau đó các ông nhận được danh hiệu Tông Đồ. Tông Đồ có nghĩa là người được sai đi, đi
truyền giáo. Các ông được gọi để đi thực
hiện một sứ vụ, cùng sứ vụ mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha (Ga 20:21). Thánh Máccô cụ thể hóa sứ vụ và nói rằng Chúa
Giêsu đã gọi các ông ở cùng với Người và sai các ông đi rao giảng (Mc 3:14).
- Lc 6:14-16:
Danh sách của Nhóm Mười Hai Tông Đồ.
Ngoài những khác biệt nho nhỏ, danh sách của Nhóm Mười Hai thì giống
nhau trong các sách Tin Mừng của Mátthêu (Mt 10:2-4), Máccô (Mc 3:16-19) và
Luca (Lc 6:14-16). Nhiều tên trong số
danh sách này xuất xứ từ Cựu Ước: Simon
là tên của một trong các người con của Tổ Phụ Giacóp (St 29:33). Giacôbê (Giacômô) thì cũng là tên của ông
Giacóp (St 25:26). Giuđa là tên một người
con khác của ông Giacóp (St 35:23). Ngay
cả Mátthêu cũng đã có tên Lêvi (Mc 2:14), tên một người con khác của ông Giacóp
(St 35:23). Trong số Mười Hai Tông Đồ, bảy
người có tên xuất xứ từ thời các Tổ Phụ:
hai người tên là Simon, hai người là Giacôbê, hai người là Giuđa, và một
người là Lêvi! Điều đó cho thấy sự khôn
ngoan của khoa sư phạm loài người. Dựa
theo tên của các Tổ Phụ và Tổ Mẫu đã đặt cho con cái, người ta đã duy trì truyền
thống của tổ tiên và giúp cho con cái họ không mất đi bản sắc của mình. Ngày nay chúng ta đã đặt những tên nào cho
con cái chúng ta?
- Lc 6:17-19:
Chúa Giêsu từ trên núi xuống và người ta đi tìm Người. Từ trên núi xuống với Nhóm Mười Hai, Chúa
Giêsu gặp một đoàn lũ đông đảo dân chúng đang đi tìm Người để nghe Lời Người và
tìm cách chạm vào Người bởi vì họ biết rằng tự nơi Người xuất phát một sức mạnh
của sự sống. Trong đoàn lũ đông đảo dân
chúng này đã có người Do Thái và dân ngoại, những người đến từ xứ Giuđêa và
cũng như từ miền Tyrô và Siđôn. Họ là những
người đã bị bỏ rơi, bị lạc mất phương hướng.
Chúa Giêsu đón nhận tất cả những ai tìm kiếm Chúa, người Do Thái cũng
như dân ngoại! Đây là một trong những
chủ đề được ưa chuộng của thánh Luca, tác giả viết cho dân ngoại.
- Những người được Chúa Giêsu gọi là một sự an ủi
cho chúng ta. Các Kitô Hữu tiên khởi đã
nhớ và ghi lại tên của Nhóm Mười Hai Tông Đồ và những người khác, những kẻ đã
theo Chúa Giêsu một cách khắng khít.
Nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu gọi để hình thành cộng đoàn đầu tiên với
Người, không phải là các vị thánh. Các
ông là những người thông thường, giống như tất cả chúng ta. Họ có những đức tính cũng như các thiếu sót của
mình. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết
rất ít về các cá tính và đặc điểm của từng mỗi người. Nhưng những điều gì đã cho biết, dù rằng rất
ít ỏi vẫn là điều an ủi cho chúng ta.
- Thánh Phêrô là một người rộng lượng và đầy
nhiệt huyết (Mc 14:29, 31; Mt 14:28-29), nhưng trong giây phút nguy hiểm và cần
phải quyết định, trái tim của ông lại trở nên nhỏ bé và ông thoái lui (Mt
14:30; Mc 14:66-72). Thậm chí ông còn bị
Chúa Giêsu gọi là Satan (Mc 8:33). Chúa
Giêsu gọi ông là Phêrô – Đá (Pietro).
Chính ông Phêrô không phải là Đá, ông trở thành Tảng Đá (roccia), bởi vì
Chúa Giêsu cầu nguyện cho ông (Lc 22:31-32).
- Hai ông Giacôbê và Gioan đã sẵn sàng để cùng
chịu đau khổ và vì Chúa Giêsu (Mc 10:39), nhưng các ông cũng rất nóng nảy (Lc
9:54). Chúa Giêsu gọi các ông là “con của
thiên lôi” (Mc 3:17). Ông Gioan dường
như có lòng ghen tị nào đó. Ông muốn
Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho nhóm của mình (Mc 9:38).
- Ông Philípphê có cách chào đón riêng biệt. Ông biết cách làm cho người khác được tiếp cận
với Chúa Giêsu (Ga 1:45-46). Nhưng ông
cũng đã không thực tế trong việc giải quyết các vấn đề (Ga 12:20-22; 6:7). Thỉnh thoảng ông đã rất ngờ nghệch chất phác. Có lúc Chúa Giêsu đã mất kiên nhẫn với
ông: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà
anh Philípphê, anh vẫn chưa biết Thầy ư? (Ga 14:8-9).
- Ông Anrê, em ông Phêrô và là bạn của ông
Philípphê, thì thực tiễn hơn. Ông
Philípphê đến gặp ông Anrê để nhờ giải quyết các vấn nạn (Ga 12:21-22). Ông Anrê gọi ông Phêrô (Ga 1:40-41), và ông
Anrê đã tìm thấy đứa bé có năm tấm bánh và hai con cá (Ga 6:8-9).
- Ông Bartôlômêô dường như cũng là ông
Nathanaen. Ông là người cùng quê và
không thể thừa nhận rằng từ Nagiarét làm sao có cái gì hay được (Ga 1:46).
- Ông Tôma đã có khả năng duy trì ý kiến của
mình cả một tuần, trái ngược lại lời chứng của tất cả các người khác (Ga
20:24-25). Nhưng khi ông trông thấy thì
ông biết rằng mình đã lầm, ông đã không ngần ngại thừa nhận lỗi lầm của mình
(Ga 20:26-28). Ông là người hào phóng, sẵn
sàng chết với Chúa Giêsu (Ga 11:16).
- Ông Mátthêu hay là Lêvi là một người thu thuế,
giống như ông Giakêu (Mt 9:9; Lc 19:2).
Họ là những người đã tiếp tay cho hệ thống áp bức của thời ấy.
- Ông Simon, thì lại có vẻ dường như thuộc về
phong trào triệt để chống lại hệ thống mà Đế Quốc La Mã đã áp đặt lên dân tộc
Do Thái. Đây là lý do tại sao họ cũng được
gọi là phái Nhiệt Thành (Lc 6:15). Phái
Nhiệt Thành đã thành công trong việc xúi giục một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại
người La Mã.
- Giuđa là người được có trách nhiệm giữ túi tiền
cho nhóm (Ga 13:29). Hắn ta đã phản bội
lại Chúa Giêsu.
- Ông Giacôbê con ông Alphê và ông Giuđa Tađêô,
hai ông này thì các sách Phúc Âm không nói gì ngoại trừ cái tên.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
- Chúa Giêsu dành cả đêm cầu nguyện để biết chọn
lựa ai, và Chúa đã chọn ra mười hai ông này.
Bạn đã rút ra những kết luận nào từ cử chỉ này của Chúa Giêsu?
- Các Kitô Hữu tiên khởi đã nhớ tên của mười
hai Thánh Tông Đồ là những người đã hiện diện trong cộng đoàn đầu tiên của họ. Bạn có nhớ được tên của một số giáo lý viên
hoặc thày dạy là người quan trọng trong việc hình thành đời sống Kitô hữu của bạn
không? Điều gì khiến bạn đặc biệt nhớ về
họ: nội dung của những gì họ đã dạy bạn
hay là những chứng tá mà họ đã trao cho bạn?
5. Lời nguyện kết
Bởi vì
CHÚA nhân hậu,
Muôn
ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Qua bao
thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
(Tv
100:5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét