Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

18-05-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH năm A

18/05/2014
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A
(phần I)


Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7
"Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: "Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa".
Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.
Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9
"Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: "Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn". Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 6
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 1-12
"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người". Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói "Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha"? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðường Dẫn Tới Sự Sống

Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe thánh Phêrô khuyên nhủ hãy quay mặt về với Ðấng là Mục tử các linh hồn để thấy Người đã đi trước đưa chúng ta vào sự sống dồi dào. Hôm nay có thể nói chúng ta hãy đến xem cánh đồng cỏ mà Người đã dẫn chúng ta đến, cũng là đàn chiên mà Người đã đem chúng ta vào, là Hội Thánh mà chúng ta đã gia nhập nhờ đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người, khác nào như qua Cửa của ràn chiên. Cả ba bài Kinh Thánh vừa nghe đọc đều cho chúng ta thấy những phương diện khác nhau của Hội Thánh.

A. Một Cơ Quan Có Nhiều Phận Sự
Bài Công vụ các Tông đồ không đơn sơ như chúng ta tưởng sau khi nghe qua một lượt. Chúng ta nghĩ đây chỉ là chuyện thiết lập các Phó tế, chứng tỏ Hội Thánh đầy đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng tại sao lại có việc thiết lập ấy? Việc thiết lập này đã giải quyết được những gì? Và có hệ gì đến đời sống đạo của chúng ta ngày nay không?
Những câu đầu của bản văn thật ý nghĩa. Số các môn đồ gia tăng. Hội Thánh như hạt cải đang lớn thành cây. Sự đồng tâm ý hiệp phải khó hơn. Sách nói có tiếng người Hylạp rì rầm chống đối người Dothái. Ðó là triệu chứng bất hòa và xung khắc giữa bổn đạo mới và bổn đạo cũ, giữa lương dân trở lại và Dothái tòng giáo. Cả hai đều mới mẻ trong Ðức Kitô. Nhưng xuất xứ, nguồn gốc và nhất là phong tục làm cho hai bên khó sống chung trong một thân thể và nhận mình là chi thể của nhau. Sự khó dung hòa này còn kéo dài lâu và đưa đến những thái độ quyết liệt như chúng ta sẽ thấy sau này.
Ở đây, nguyên nhân sự bất hòa xem ra chỉ do việc các quả phụ người Hylạp không được phục vụ tươm tất. Bản văn nói vắn tắt quá khiến chúng ta khó thẩm định được sự thật như thế nào. Nhưng ít nhất chúng ta phải nhận thức: sinh hoạt của Hội Thánh ngay từ đầu đã không hạn chế nguyên trong phạm vi phụng vụ. Giáo hội đã biểu thị sức sống bác ái của mình trong cả việc phục vụ tha nhân, đặc biệt trong các phần tử đau khổ trong xã hội. Chính Chúa đã nói với Hội Thánh, kẻ nghèo sẽ còn ở mãi với chúng ta. Và Người ngầm bảo: thế nên, chúng con phải săn sóc họ. Chắc chắn các Tông đồ đã ý thức tầm quan trọng của công việc phục vụ này nên đã muốn tự tay làm. Nhưng miễn là việc cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa không bị thiệt thòi!
Thế mà dường như sự đó đã xảy ra. Lời các Tông đồ nói khi giải quyết nỗi bất hòa khiến chúng ta có thể nghĩ như vậy. Ít ra, khi có tiếng rì rầm phàn nàn về việc phục vụ, các Tông đồ đã có dịp suy nghĩ về cách thức thi hành phận sự của mình. Các ngài tỏ ra là những người cởi mở, biết nghe nguyện vọng và chỉ trích của người dưới. Ðó là những cơ hội để nhận định đúng về sứ mệnh và lề lối làm việc của mình. Nhận ra mình phải dồn sức cho những công việc quan trọng hơn, các ngài đem sáng kiến giải quyết vấn đề cho anh em suy nghĩ và kêu gọi sự cộng tác. Rõ ràng các ngài dành cho anh em nhiều phần sáng kiến để chỉ định những người có tiêu chuẩn. Người phục vụ phải đầy Thánh Thần và khôn ngoan, vì lẽ công việc của Hội Thánh là công việc của Chúa Thánh Linh và của Ðức Yêsu Kitô. Việc nào trong Hội Thánh cũng mang tính cách tôn giáo. Thế mà việc thờ phượng của Ðạo Mới phải thi hành trong Thần Khí và Sự Thật (Yn 4,23). Matthya đã được chọn thế chân Yuđa vì ông đã biết Chúa Yêsu và tất cả các Tông đồ phải chờ ơn Thánh Thần xuống để khởi sự hoạt động trong Giáo hội và cho Giáo hội. Vì thế việc lựa chọn những người mới theo các tiêu chuẩn trên chứng tỏ sự "một lòng một ý" giữa hàng ngũ Tông đồ và các cộng sự viên. Hội Thánh vẫn duy nhất trong cơ cấu, mặc dầu mỗi ngày càng nhiều cơ quan phục vụ. Và có lẽ đây là điểm then chốt trong bài Công vụ hôm nay. Tác giả muốn đề cao sự nhất trí sâu xa nhân dịp có những chuyện dường như muốn chia rẽ Giáo hội.
Hai nhóm trong Hội Thánh, hai khuynh hướng mới cũ, Dothái và Hylạp, tiêu biểu cho mọi mối căng thẳng, đã tìm lại được sự sống bình an. Vai trò chủ động vẫn do các Tông đồ nắm giữ, nhưng được thực thi với thái độ cởi mở, linh động và không thiếu phần cương quyết. Những người được kêu gọi hợp tác cũng ý thức phận sự của mình là tham gia vào sứ vụ của Thần Khí và Sự Thật. Kết quả dù những người được bầu lên đều mang tên Hylạp và sẽ đi giảng nơi dân ngoại như Philip sẽ đi Samari, công việc của họ đều đã được các Tông đồ đặt tay. Họ chỉ nối dài tay các ngài khiến ta thấy rồi đây Tin Mừng sẽ mau lan rộng ra lương dân. Và ngay ở Yêrusalem số môn đồ cũng tăng gấp lên, chắc chắn nhờ thái độ cởi mở của các Tông đồ và của Giáo hội, cũng như nhờ sự hợp tác và duy nhất sâu xa giữa các tín hữu.
Như vậy bài sách Công vụ hôm nay còn nói rất nhiều với chúng ta, với cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và Giáo hội chúng ta. Hội Thánh của Chúa không được đóng khung trong Phụng vụ. Sinh hoạt của Hội Thánh phải bao hàm việc phục vụ tha nhân. Cả trong lãnh vực này, Hội Thánh vẫn phải "chỉ có một tấm lòng, một linh hồn" và điều đó đòi hỏi cố gắng của mọi người trong chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những lý do mạnh mẽ để sống tinh thần duy nhất này khi suy nghĩ về bài Thánh Thư và bài Tin Mừng.

B. Một Ðền Thờ Do Nhiều Viên Ðá Sống Ðộng
Mở đầu bài thư, thánh Phêrô khuyên mọi người hãy đến với Tảng đá sống động mà loài người đã chê chối nhưng Thiên Chúa đã lựa chọn và tôn vinh. Rõ ràng ngài muốn nói đến Ðức Yêsu Tử nạn Phục sinh. Chúa nhật trước cũng chính thánh Phêrô giới thiệu Người như là Ðấng chăn dắt các linh hồn, đã hy sinh mạng sống vì chiên. Hôm nay Người được coi như Tảng đá sống động đã bị loại bỏ nhưng rồi đã được nhặt lên để xây lên một Ðền Thờ lớn. Không phải thánh Phêrô đã tạo ra hình ảnh này. Chính Ðức Kitô khi còn sống đã trích lời Thánh vịnh 118 nói về Viên Ðá bị thải nhưng rồi trở thành Ðỉnh Góc để ám chỉ cuộc Tử nạn-Phục sinh của Người (Mt 21,42). Thánh Phêrô chỉ thêm tĩnh từ "sống động" vào danh từ "Tảng Ðá" để nói lên niềm tin của mình vào Ðức Kitô Phục sinh hiện nay đang sống động thực sự. Và có thể nói Người sống động hơn bao giờ hết vì đang xây dựng tín hữu nên Ðền Thờ mới.
Những người này cũng là những viên đá sống động vì mang trong mình sự sống của Ðức Kitô phục sinh, nhờ việc đã đi qua Bí tích tái hiện việc chết đi sống lại của Chúa. Họ đã đồng hóa với Người nên cùng Người làm thành Ðền Thờ mới. Nói đúng ra, thánh Phêrô không dùng danh từ Ðền Thờ vì có lẽ khi ngài viết bức thư này, Giáo hội chưa có Ðền thờ riêng, nhưng thường thi hành việc bẻ bánh trong các "nhà". Nhưng nhà thiêng liêng cũng là Ðền thờ. Vì không phải vật liệu đá, gỗ hay các chiều cao thấp, lớn nhỏ, phân biệt nhà và Ðền thờ. Chính Thánh Thần mới là yếu tố phân định. Nhà trở thành Ðền thờ khi Thần Trí Chúa ập vào. Chính Thần xác Ðức Kitô cũng chỉ trở thành Ðền thờ thay thế Ðền thờ Yêrusalem như Yn 2,19-22 đã nói, khi Người đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh để Thân xác Người trở thành đầy Thánh Thần. Vậy, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, các tín hữu đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa, thì họ được đầy Thánh Thần, trở nên đá sống xây trên Tảng đá sống động, làm thành nhà thiêng liêng.
Và như Ðức Kitô Phục sinh không phải chỉ là Ðền thờ mới, mà còn là vị Thượng tế tuyệt với, các tín hữu khi làm thành nhà thiêng liêng cũng trở nên hàng tư tế thánh để dâng lễ. Không cần các lễ dâng vật chất nữa, nhưng đã có các hy tế thiêng liêng đầy Thánh Thần, là những lễ vật duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nghĩ trong đoạn thư này thánh Phêrô nhấn mạnh đến sinh hoạt phụng vụ và vai trò dâng lễ của Hội Thánh. Nhưng chúng ta cũng có thể nói chủ ý của ngài là nói lên đặc tính duy nhất, thánh thiện của Giáo hội. Toàn thể các tín hữu được xây trên Ðức Yêsu Phục sinh làm thành Ngôi nhà thiêng liêng. Và như vậy ta sẽ thấy ăn ý hơn ở đoạn sau.
Quả vậy tiếp đó, thánh Phêrô trích một lời trong Tiên tri Isaia (28,16) để làm chứng Thiên Chúa đã tiền định như vậy, để Ðức Kitô "trở thành viên đá đỉnh góc quý giá và ai tin vào đó tất không bị hổ thẹn" (c.6). Và ngài nói luôn: "Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì... đá kia chỉ là khối thạch chướng ngại". Như thế, ngài vẫn không quên Ðức Kitô Phục sinh đã được đặt làm "Thẩm phán" kẻ chết và người sống. Những ai tin Người ở một bên và bên kia là những kẻ không tin. Như vậy, thánh Phêrô đã coi tín hữu như một khối. Ngài muốn nói đến sự duy nhất trong Giáo hội. Ngài coi tín hữu như những viên đá sống động nằm trong Ngôi nhà thiêng liêng. Các vinh dự mà ngài kể ra và nói đã được dành cho tín hữu toàn có tính cách tập thể, vì anh em là "dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương, nước thánh thiện, dân được chọn làm sở hữu". Bao nhiêu phẩm tước của dân Giao ước cũ (Xh 43,20; 19,5) được chuyển cho Dân Giao ước mới. Ðó là những vinh dự của cộng đồng chứ không phải của cá nhân. Nên ta có thể nghĩ ở đây thánh Phêrô muốn nói nhiều về Hội Thánh duy nhất.
Nếu thế thì chữ "nhà" mà tác giả dùng ở trên có thể gợi đến một đoạn Kinh Thánh quan trọng. Ðavít bấy giờ muốn làm nhà cho Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa lại hứa sẽ xây cho Ðavít một nhà tồn tại muôn đời. Ðó là nhà vua Ðavít, dòng họ của ông, là Ðức Yêsu Kitô Vua muôn thuở nhờ việc Tử nạn Phục sinh, là Hội Thánh gồm những viên đá sống động làm nên nhà thiêng liêng. Nhà Ðavít chỉ nắm vương quyền; nhưng Ðấng Cứu Thế phải thi hành quyền tư tế, nên các tiên tri về sau vẫn loan báo một Vị Cứu Tinh vừa làm Vua vừa là Thượng tế. Và lời Thánh Kinh ấy đã ứng nghiệm nơi Ðức Kitô Phục sinh. Hội Thánh, Thân thể của Người, vì thế được gọi là hàng tư tế hoàng vương.
Thánh Phêrô muốn cho chúng ta suy nghĩ những tước hiệu tập thể ấy để chúng ta rao truyền các kỳ công của Thiên Chúa trong tinh thần duy nhất, như tác giả Công vụ đã khẳng định Hội Thánh thuở ban đầu đã một lòng một ý trong việc mở mang Nước Chúa. Và đó cũng là mệnh lệnh Chúa đã để lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

C. Một Ðường Dẫn Tới Sự Sống
Thánh Yoan ghi lại câu chuyện cuối cùng Chúa nói với môn đệ trước khi bị nộp. Người hướng về tương lai, nói đến những việc sẽ tới. Người đang ngồi giữa môn đệ trước khi ra đi chịu chết, nhưng lại nói như thể Người đang ở trong trạng thái phục sinh. Thế nên chúng ta có điều kiện hiểu Người dễ hơn các môn đệ lúc bấy giờ. Nói cách khác, đây đúng hơn là tâm tình của Chúa phục sinh nói với chúng ta. Và vì vậy chúng ta hãy chú ý nghe Người.
Người mở đầu: "Lòng chúng con chớ rúng động!". Người quen nói như vậy mỗi khi hiện ra sau ngày sống lại. Chính tiếng nói của Ðấng Vô hình làm cho người ta sợ, nên Chúa phục sinh phải mở đầu như thế. Và thái độ đầu tiên Người đòi hỏi nơi người ta là hãy tin vào Người. Không tin Người đã sống lại thì không có đủ điều kiện để thu hoạch lời Người. Và phải tin vào Người như tin vào Thiên Chúa, vì bây giờ Người không còn như xưa nữa, khi "Người đã chẳng nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, song Người đã hủy mình ra không" (Ph 2,6-7). Nhưng bây giờ Người đã được đặt làm Chúa, nên người ta phải tin vào Người như tin vào Thiên Chúa.
Vậy chính Chúa Yêsu Phục sinh đang nói với chúng ta, qua các môn đệ của Người. Người bảo: trong nhà Cha có nhiều chỗ ở; Người sẽ đi dọn chỗ cho chúng ta; rồi Người trở lại đem chúng ta đến nơi Người ở. Ðầu óc chúng ta tự nhiên muốn vẽ ra con đường lên trời và như thấy Người đang ở xa chúng ta, tận nhà của Cha Người. Nhưng không phải vậy, vì chính Người lại quả quyết: đàng dẫn đến Chúa Cha lại chính là Người. Làm sao có thể như vậy được? Ðầu óc chúng ta muốn nổ tung ra mất. Nhưng này, đang tiếp chuyện "Con Người thiên thai", sao chúng ta lại cứ nghĩ như con người trần ai? Chúng ta hãy để Người giải thích, nâng tâm trí chúng ta lên bình diện Nước Trời. Lúc đó, Lời Người nói sẽ rõ rệt hơn và có thể hiểu được lắm.
Người nói: Cha với Người là một. Người ở trong Cha và Cha ở trong Người. Ai thấy Người cũng thấy Cha. Có gì cấm ta tin như vậy? Người đã phục sinh rồi. Người đã trở lên nơi vinh hiển của thuở đầu; Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa, theo kiểu nói của người Dothái; và sống lại rồi, Người cũng đang ở với Hội Thánh hàng ngày cho đến tận thế. Vậy giữa Người với Cha và với Hội Thánh không có không gian cách quãng gì cả. Chỉ có giữa Hội Thánh và Cha phải có Người là trung gian, là đàng dẫn Hội Thánh tới Cha, dẫn các linh hồn tới Thiên Chúa. Một mình Người làm được công việc này; và Người đã làm khi ra đi Tử nạn Phục sinh. Chính khi chết và sống lại, Người đã trở nên đàng cứu độ dẫn chúng ta tới Thiên Chúa. Vì thế Người cũng là sự thật và là sự sống của chúng ta để chúng ta chắc chắn được đến cùng Cha và được sống.
Như vậy bài Tin Mừng Yoan quá sâu sắc. Ít nhất chúng ta phải thấy rằng Ðức Yêsu Phục sinh này là đàng dẫn ta đến Thiên Chúa. Không phải con đàng có chiều dài chiều rộng, vì Cha đang ở trong Người và Người đang ở trong Cha. Nhưng là Trung gian, là Cửa để chúng ta đến với Thiên Chúa, là Cửa ràn chiên để chúng ta ra vào tìm được sự sống. Chúng ta vào Cửa là đã gặp Thiên Chúa rồi. Chúng ta đến với Chúa Yêsu là đến với Thiên Chúa. Chỉ có một điều nên nhớ: tự sức mình chúng ta không đến với Người được. Chính Người phải đến đưa chúng ta lại. Và Người chỉ đến với chúng ta khi đã trở về với Cha qua mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, mầu nhiệm mà chúng ta sắp tái hiện trên bàn thờ. Ở đây, Chúa Yêsu trở lại gặp chúng ta đức chúng ta vào nhà Cha, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó; Người ở trong Cha và Cha ở trong Người thì chúng ta cũng ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Và sở dĩ được như vậy là nhờ Bí tích Thánh Thể, nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, nhờ Người là đàng, là sự thật và là sự sống.
Mầu nhiệm này không xây dựng sự hiệp nhất sao? Chính nhờ việc Người ở trong Cha, Cha ở trong Người và hai Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong các Ngài mà chúng ta mật thiết với nhau hơn các viên đá trong một Ðền thờ, hơn các chi thể trong một thân thể. Sự duy nhất ấy không được chỉ thể hiện nơi nhà thờ, vì như bài Công vụ cho biết, sinh hoạt tôn giáo phải là phục vụ tha nhân nữa. Chúng ta chỉ sống đạo đầy đủ khi thể hiện sự duy nhất cả nơi xã hội, trong mọi sinh hoạt với đồng bào, khiến tuy có nhiều phận vụ khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một tấm lòng, một linh hồn. Xuất xứ, tính tình, phong tục làm chúng ta xung khắc, nhưng sức mạnh hợp nhất chúng ta lại bởi Chúa. Chính Người là đàng đưa chúng ta vào sự duy nhất của Thiên Chúa để Thánh Thần sẽ là dây bác ái kết hợp chúng ta lại với nhau ở trong Người. Và Người sắp làm việc ấy bây giờ cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy cùng nhau sốt sắng tham dự.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm A
Bài đọc: Acts 6:1-7; 1 Pet 2:4-9; Jn 14:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá và cùng đích cao trọng của con người
Theo kế hoạch tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, con người giữ một địa vị quan trọng hơn tất cả mọi loài Thiên Chúa dựng nên (Psa 8:3-6). Để biết cách hành xử cho xứng đáng với phẩm giá cao trọng của mình, con người cần học hỏi để hiểu rõ những mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Nếu không chịu học hỏi, con người sẽ hành xử như các loài thú khác, để rồi cũng chết như chúng, và không bao giờ đạt được đích điểm cao trọng mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người.
Các bài đọc hôm nay dẫn chứng nhiều chứng minh con người không biết nguồn gốc và đích điểm cao trọng của mình nếu họ không chịu học hỏi những mặc khải của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, cộng đoàn tín hữu đầu tiên rất hăng hái trong việc sống chung và để mọi sự làm của chung thuở ban đầu; nhưng chẳng bao lâu, sự tham lam và ghen tị lại tái sinh giữa các bà góa Do-thái và các bà góa Hy-lạp. Các tông đồ được Thánh Thần soi sáng nên biết cách giải quyết rất khôn ngoan. Các ngài đề nghị chính họ tìm 7 phó tế khôn ngoan và thánh thiện giữa họ, để các ngài đặt tay, và họ sẽ trở thành những cộng tác viên với các tông đồ trong việc phục vụ Dân Chúa. Trong bài đọc II, tác giả thư Phêrô I nhấn mạnh đến vận mạng cao cả của các tín hữu. Họ là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài. Thiên Chúa đã gọi họ ra khỏi miền u tối để vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải rất nhiều điều quan trọng cho các tông đồ: Trong nhà Cha Ngài có rất nhiều chỗ ở, Ngài đi là để dọn chỗ cho mọi người, khi đã dọn xong Ngài sẽ đến để mang mọi người với Ngài, mục đích là để Ngài và con người không còn ngăn cách nữa...

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan.
1.1/ Vấn nạn xảy ra trong Giáo Hội sơ khai: Khi thấm nhuần niềm vui Phục Sinh, các tín hữu tin tưởng nơi Thiên Chúa và bỏ mọi sự làm của chung để ai cần thì dùng; nhưng chẳng bao lâu, tính bè phái, ghen tị và tham lam tiếp tục dấy loạn. “Các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”
Lời than phiền đến tai các tông đồ. Nếu họ không biết cách giải quyết khôn ngoan, cộng đoàn sơ khai sẽ có nguy cơ bị tan rã. Đồng thời, các tông đồ cũng biết họ không đủ khả năng và không có thời giờ làm tất cả mọi việc, và việc rao giảng Lời Thiên Chúa phải đặt lên trên việc ăn uống.
1.2/ Cách giải quyết tốt đẹp: Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephen, Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và Nicolaus. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
Vấn nạn được giải quyết. Các tông đồ có thêm 7 cộng sự viên đắc lực. Stephen trở thành vị tử đạo đầu tiên. Philip hăng hái rao giảng mọi nơi. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin. Nếu các tông đồ sợ bị phân chia quyền hành, cộng đoàn sơ khởi sẽ bị thiệt hại nặng nề và không có cơ hội phát triển.
2/ Bài đọc II: Vận mạng cao cả của các tín hữu
2.1/ Tảng đá góc tường: Cụm từ này có nguốn gốc từ Isaiah 8:14; 28:16, và được lặp lại trong Romans 9:33; Ephesians 2:20, và trong trình thuật hôm nay. Tác giả liệt kê 3 công dụng của đá:
(1) Dùng để phá hủy: Ngày xưa không có súng đạn, con người dùng đá tròn làm vũ khí để tiêu hủy căn cứ quân sự của đối phương. Ngày nay, vẫn còn hàng đống những viên đá này gần những căn cứ quân sự cũ bên Do-thái (x/c Isa 8:14).
(2) Dùng làm cho con người vấp ngã: Đá có thể là những chướng ngại làm con người vấp ngã, leo núi mà vấp phải một tảng đá có thể trượt chân rơi xuống vực. Các tác giả ví Đức Kitô như viên đá làm cho người Do-thái bị vấp ngã: “Đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.”
(3) Dùng để xây nhà hay Đền Thờ: Chúa Giêsu chọn Phêrô là Đá để xây Giáo Hội của Ngài (Mt 16:18). Tác giả Phêrô I trích dẫn lời Isaiah 28:16: “Này đây Ta đặt tại Sion một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.” “Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.” Tác giả Thư Ephesô gọi Đức Kitô là Đá Tảng Góc Tường của Đền Thờ Thiên Chúa, với nền móng là các ngôn sứ và các tông đồ, còn tất cả các tín hữu là những viên đá của Đền Thờ (Eph 2:20).
2.2/ Anh em là những viên đá sống động: Tác giả khuyên các tín hữu: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.”
Tác giả cũng nhấn mạnh đến vận mạng cao cả của các tín hữu. Anh em:
(1) là giống nòi được tuyển chọn: Chữ “genos” có 3 ý nghĩa trong Hy-lạp: con cháu của một dòng giống, những người trong cùng một gia đình, hay giống loại theo động vật hoặc thực vật. Tác giả có ý muốn nói theo nghĩa thứ hai: các tín hữu là những người trong cùng một gia đình với Thiên Chúa, vì họ đã tin vào Đức Kitô.
(2) là hàng tư tế vương giả: Trong Cựu Ước, chỉ có những người trong dòng tộc Aaron (Levi) mới được làm tư tế; nhưng trong Tân Ước, các tín hữu thuộc gia đình Đức Kitô, Ngài là tư tế muôn đời theo phẩm trật Melchisedech. Khi được rửa tội, các tín hữu thành những tư tế phổ quát (để phân biệt tư tế theo thừa tác), họ có bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa.
(3) là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa: Trong Cựu Ước, chỉ có dân Do-thái được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa. Khi Đức Kitô tới, tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều trở thành dân thánh của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người.
3/ Phúc Âm: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Có quá nhiều những mặc khải quan trọng của Chúa Giêsu cho chúng ta trong trình thuật hôm nay. Trong khuôn khổ của bài viết chúng ta chỉ có thể vắn tắt; khi nào có cơ hội, chúng ta sẽ khai triển rộng hơn.
(1) Về mục đích đời người và sự ra đi của Chúa Giêsu: Trên Thiên Đàng có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu sắp sửa từ giã các môn đệ là để dọn chỗ cho các ông. Khi đã dọn xong, Ngài sẽ trở lại để đón các môn đệ về chung sống với Ngài, và đó là cuộc sống hạnh phúc muôn đời của con người bên Thiên Chúa. Con người phải tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu nói, và đừng để bất kỳ đau khổ nào xảy ra trong cuộc đời làm con người sợ hãi và thất vọng. Những lời này cũng chứng minh tình yêu vô biên và sự chăm sóc cẩn thận của Thiên Chúa dành cho con người.
(2) "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”: Câu này có thể chia làm 3 mặc khải quan trọng, chính Chúa Giêsu là:
+ Con đường: Ngài là con đường và mọi người phải qua con đường này để đạt tới Thiên Chúa. Không còn con đường nào khác dẫn tới Thiên Chúa: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Một ví dụ giúp chúng ta dễ hiểu câu này hơn. Khi chúng ta bị lạc đường, chúng ta hỏi người để chỉ đường, họ chỉ dẫn chúng ta đi bao nhiêu thì quẹo trái, quẹo phải...; nghe lời họ, chúng ta lên đường, nhưng rồi lại lạc nữa. Nhưng nếu có người nói với chúng ta: cứ đi theo tôi, tôi sẽ dẫn tới đó. Chúng ta sẽ cảm thấy an tòan hơn. Trên đường đời cũng thế, có quá nhiều con đường làm chúng ta lạc hướng và bất an; nhưng nếu chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu: Chính Thầy là đường, và bước theo Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và chắc chắn sẽ đạt đích an toàn.
Con đường có thể được hiểu là toàn bộ những giáo huấn của Ngài.
+ Sự thật: Ngài là chính sự thật. Một người có thể học sự thật của Ngài rồi truyền lại cho người khác, nhưng không ai có thể vỗ ngực tuyên bố “họ là sự thật.” Tất cả những sự thật khác đều phải đối chiếu với sự thật của Chúa Giêsu để đáng được tin cậy.
+ Sự sống: Có nhiều phương diện khác nhau của sự sống như: thể lý, tâm lý, trí tuệ, thiêng liêng, và đời đời. Nếu một người chọn sống theo sự thật của Chúa Giêsu, họ sẽ đạt được sự sống hoàn toàn đầy đủ về mọi phương diện.
(3) Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha: Đây là nguồn để chứng minh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người Do-thái chỉ tin một Thiên Chúa, và đó là lý do ông Philíp nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." Chúa Giêsu trả lời rõ ràng cho Philip: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Giêsu là một. Chúa Giêsu giải thích thêm: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.”
(4) Việc lớn hơn nữa là việc nào? Chúa Giêsu bảo đảm cho các môn đệ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” Để tìm ra câu trả lời, chúng ta phải xem coi những việc gì các môn đệ có thể làm mà Chúa Giêsu không làm hay chưa làm. Chỉ có một việc là các môn đệ của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cho mọi người khắp cùng cõi đất. Điều này Chúa Giêsu đã không làm khi còn sống trên dương gian; nhưng Ngài để dành cho các môn đệ và sai các ông làm chuyện đó. Dĩ nhiên, các môn đệ có làm được hay không cũng cần có sự trợ giúp của Ngài, vì “không có Thầy anh em chẳng làm chi được.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một địa vị quan trọng trước mặt Thiên Chúa hơn hết mọi loài Ngài dựng nên. Hãy sống đúng với phẩm giá quan trọng của mình để đạt mục đích Thiên Chúa đã tiền định.
- Để hiểu biết phẩm giá quan trọng, chúng ta cần học hỏi và suy niệm những gì Ngài đã mặc khải. Lười biếng không chịu học hỏi sẽ làm cho chúng ta ù lỳ, và bằng lòng cuộc sống của loài vật, và của những thú vui hạ cấp mà thế gian dâng tặng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


18/05/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – A 
Ga 14,1-12

ĐƯỜNG LÊN THƯỢNG GIỚI
Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đức Giêsu đáp :”Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,5-6)


 Suy niệm: Nếu bạn lạc vào một khu rừng rậm không tìm thấy lối ra, hay đứng giữa một thành phố lớn xa lạ mà không có tấm bản đồ trong tay, hẳn bạn sẽ hiểu được nỗi lo lắng của Tô-ma cũng như của các môn đệ khi Chúa Giê-su nói về sự ra đi của Ngài: Thầy đi về nhà Cha Thầy mà chúng con không biết Cha Thầy ở đâu thì “làm sao chúng con biết được đường đi?” Chúa Giê-su cho biết Ngài chính là con đường vĩnh cửu dẫn đến “điểm hẹn nhà Cha”. Nơi Ngài, chúng ta sẽ gặp Chúa Cha vì: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chỉ cần bám chặt lấy Đức Ki-tô, kết hiệp nên một với Ngài là chắc chắn Ngài sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Có khi nào bạn dừng lại một giây thôi để tự hỏi bạn đang đi về đâu, bạn đang đi đúng đường hay đang lạc lối trong cuộc hành trình vĩnh cửu của bạn không? Mời bạn đến với Đức Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể, bạn sẽ có Đấng là Con Đường ngay trong lòng bạn. Và bạn nhớ cầm theo tấm bản đồ là cuốn Thánh Kinh để mỗi ngày bạn biết Chúa muốn dẫn bạn đi trên nẻo đường nào để đến với Cha của Ngài.
Sống Lời Chúa: Dành 5 phút mở sách Phúc Âm đọc một đoạn, suy gẫm và xin Chúa chỉ cho bạn con đường của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đường thập giá Chúa đã đi qua cũng là con đường Chúa muốn con đi theo. Xin Chúa giúp con đi đến cùng con đường thập giá để cuối đường đó, con sẽ gặp được Chúa sự sống vĩnh cửu của con.



Đường Giêsu
(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.
Chúa Giêsu là người mở đường.
Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.
Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.
Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.
Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.
Chúa Giêsu là đường.
Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.
Chúa Giêsu là đích tới của con đường.
Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.
Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.
Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.
Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)
2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?
3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG NĂM
Chúng Ta Không Bị Bỏ Mồ Côi
“Thầy sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác – để ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật…” (Ga 14, 16 – 17). “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu nói những lời này để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận cuộc ra đi của Người khi sứ mạng mê-si-a của Người trên dương thế gần đến hồi kết thúc. “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em”, khi nói những lời ấy, Đức Giêsu muốn nói về những ngày sau phục sinh – tức 40 ngày mà Người sẽ tiếp tục trải qua với các môn đệ. Những lời đó, đồng thời, cũng nhằm hướng chỉ đến Chúa Thánh Thần.
Đức Kitô Phục Sinh không để các môn đệ Người “mồ côi”. Người không để Giáo Hội “mồ côi”. Thật vậy, Người trao cho chúng ta Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18-5
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Cv 6, 1-7; 1Pr 2, 4-9; Ga 14, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Con đường của Chúa Giêsu xuất phát từ Thiên Chúa đi đến trong cung lòng Trinh Nữ Maria để làm người, sinh ra tại hang lừa máng cỏ ở Bêlem và chết trên Thánh Giá ở đồi Canvê. Con đường của Chúa Giêsu, là con đường thể hiện tình yêu thương cứu độ của Chúa Cha đối với nhân loại, và làm vinh danh Chúa Cha. Chúa Giêsu mời gọi Kitô hữu đi vào con đường sự thật và sự sống. – Vì yêu thương con người mỏng dòn, yếu đuối. Chúa Giêsu vạch cho chúng ta những con đường nhỏ dễ đi hơn: đó là: “Tám Mối Phúc”. Trên con đường này, cũng đầy thử thách và cam go, cần có sự cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha. Đồng thời, luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trợ giúp sức mạnh và khôn ngoan.Để chúng ta qua Chúa Giêsu để gặp được Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa là con đường sự thật và là sự sống. Xin cho mọi thành viên  gia đình chúng con luôn chọn Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 18-05: Thánh GIOAN I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+526)

Thánh Gioan sinh tại Tuscia. Ngài được chọn làm giám mục Rôma ngày 13 tháng 8 năm 523. Người ta không biết gì về đời thơ ấu của thánh nhân, nhưng tư ngày lên kế vị thánh Pherô Ngài đã nhiệt thành sống khẩu hiệu "tất cả vì danh Chúa". Ngài đã có công hoàn thành nhạc bình ca mà các vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Celestinô I, Leo Cả và Galesiô khởi xướng.
Năm 624, vua Justinô I bên Tiểu Á muốn hiệp nhất Giáo hội cũng như nhằm mục đích chính trị đã đàn áp nhóm theo lạc giáo Ariô. Tại Roma vua Theodôricô là người theo lạc giáo Ariô đã tức giận bắt đức giáo hoàng Gioan dẫn đầu phái đoàn đi thương thuyết. Sau nhiều lần phản đối, Ngài đã chấp nhận lên đường. Đây là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng rời khỏi nước Ý. Vua Justinô và toàn dân Constantinopole hân hoan vui mừng đón tiếp Đức Giáo hoàng. Ngài đã cử hành lễ phục sinh tại thánh đường thánh nữ Sôphia và phong vương cho vua Justinô.
Trở lại Rôma, Ngài bị vua Thêđôricô cho là đã hành động phản nghịch với mình. Tức giận, ông tính xử tử Ngài, nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, nên bắt giam Ngài tại Ravenna. Tại đây đức giáo hoàng đã từ trần ngày 18 tháng 5 năm 526.
Ngày 27 tháng 5 năm 530 xác Ngài được dời về Roma. Niên lịch phụng vụ cử kính nhớ Ngài vào ngày này
(daminhvn.net)


18 Tháng Năm
Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:
Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.
Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: "Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi". Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa tước nguyện như sau: "Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng".
Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: "Ít ra mình cũng làm cho người vui".
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.
Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.
Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.
Một tác giả nào đó đã nói: "Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng". Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.
Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bàgóa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.
Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét