Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Cái ôm hôn lịch sử giữa Đức GH Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras



Ngày giờ cuộc viếng thăm Đất Thánh sắp tới của Đức Phanxicô không phải là việc tình cờ. Chủ đích chính của chuyến viếng thăm trong các ngày 24-26 tháng 5 này là để cùng Thượng Phụ Barthôlômêô I của Constantinople kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức GH Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusdalem vào tháng Giêng năm 1964. 

Các tường thuật về cuộc gặp gỡ đầu tiên này thường giả định rằng mục tiêu hàng đầu chuyến hành hương của Đức Phaolô VI là tạo dịp để gặp thượng phụ đại kết. Các biên tập viên của tờ America, chẳng hạn, ngày 18 tháng Giêng năm đó, đã viết như sau: “mục tiêu tối hậu của Đức GH Phaolô khi tới Đất Thánh chính là cơ may do việc này mang tới cho cuộc gặp gỡ đầy cảm kích”. 

Nhưng thực ra, theo linh mục Thomas Stransky, vốn là nhân viên lúc đầu của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và hiện là viện trưởng về hưu của Viện Đại Kết Tantur Nghiên Cứu Thần Học tại Giêrusalem, vấn đề không hẳn như thế.

Hai tuần trước khi Đức Tân Giáo Hoàng khai mạc khóa hai của Công Đồng Vatican II vào ngày 29 tháng 9 năm 1963, ngài viết một appunto, tức bản ghi nhớ riêng cho chính ngài, trong đó, ngài tỏ mối hy vọng đây là “cuộc hành hương của giáo hoàng tại Đất Thánh”. Mục đích phụ mới là có được “một cuộc gặp gỡ huynh đệ với nhiều hệ phái Kitô Giáo khác nhau tại đó”. Tuy nhiên, trong diễn văn trước Công Đồng vào ngày 4 tháng 12 năm 1963, lý do này đã không còn khi ngài chia sẻ quyết định của ngài là thực hiện một “cuộc hành hương đạo đức tới quê hương của Chúa Giêsu Cứu Thế” vào tháng Giêng. Vì một lý do nào đó, ngài và ủy ban kế hoạch gồm 5 người kín tiếng đã không dự trù sẽ có những cuộc gặp gỡ đại kết. Dường như quan tâm duy nhất của các ngài là thăm viếng các cộng đoàn Công Giáo tại các thánh điểm ở Do Thái và ở Đông Giêrusalem thuộc Giócđăng và Bờ Tây (West Bank), và thương thảo với các nước đang có chiến tranh với nhau, đang sát hại lẫn nhau. 

Cuộc hành hương trên được giữ hết sức bí mật với Giáo Triều là cơ quan nổi tiếng về việc rì rỏ tin tức. Nó hoàn toàn là một ngạc nhiên đối với Đức HY Augustin Bea, Đức Cha Johannes Willebrands và các nhân viên của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, như Cha Pierre Duprey thuộc Hội Truyền Giáo Phi Châu, là người cho tới tháng 4 năm 1963 vốn là giám đốc Chủng Viện Thánh Anna thuộc nghi lễ Melkite tại Giêrusalem, nơi ngài rất quen thuộc với các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và các qui thức liên Giáo Hội khá nhậy cảm trong việc viếng thăm các vị đứng đầu các Giáo Hội. Cha Duprey tiên đoán ngay lập tức khả thể sẽ có các cuộc gặp gỡ của Đức Phaolô VI với các thượng phụ Hylạp và Ácmêni tại Giêrusalem, tức Đức Benediktos I và Đức Yeghishe Derderian. Nếu Tòa Thánh không đưa ra khả thể ấy với các vị, chắc chắn sẽ có hậu quả không hay, chứng tỏ một sự thiếu lịch thiệp, bất kể là cố ý hay không. 

Làm cho việc ấy xẩy ra

Đức HY Bea, Đức Cha Willebrands và Cha Duprey đưa ra sáng kiến. Ngay chiều hôm đó, Đức GH Phaolô đã nhận được tờ trình của các ngài. Trước khi Đức GH đủ thì giờ suy nghĩ và phúc đáp, thì một thông cáo báo chí chung đề ngày 6 tháng 12 của tòa thượng phụ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo không những niềm phấn khích của Đức Athenagoras trước “quyết định lịch sử” mà còn nhận định rằng “sẽ là công trình của Chúa quan phòng nếu, nhân dịp cuộc hành hương thánh thiện của Đức Thánh Cha, mọi vị đứng đầu các Giáo Hội Thánh Thiện của Chúa Kitô, cả Đông lẫn Tây Phương, của ba nhóm tuyên tín, đều gặp nhau tại thành thánh Xion”. Thông cáo chung đưa ra lời kêu gọi hơi hấp tấp cho một cuộc gặp gỡ thế giới, chỉ trong vòng một tháng, qui tụ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo dưới chân Gôngôtha, cạnh ngôi mộ trống và gần Thượng Lầu Hiện Xuống. 

Ngay năm 1954, trong một những cuộc đàm đạo đầu tiên với Thượng Phụ, Cha Duprey đã được yêu cầu trình cho Đức Piô XII hay: “Tôi muốn được gặp ngài và tôi sẵn sàng đi nửa đường, nhưng không thể đi thêm”. Và trong mùa xuân trước ngày khai mạc Vatican II, Đức Athenagoras công khai tuyên bố rằng ngài sẵn sàng viếng Đức Gioan XXIII tại Rôma nếu Đức GH chịu đáp lễ tại Constantinople. Thượng Phụ thường mượn lời Tin Mừng Gioan để nói về Đức GH Tốt Lành: “Có người được Thiên Chúa phái tới, tên ngài là Gioan”. 

Đức Phaolô vì thế mau mắn hành động. Ngài chấp thuận để Cha Duprey, trong tư cách phái viên của Đức HY Bea, qua Istanbul và Giêrusalem ngay ngày 9-12 tháng 12 năm 1963. Cha Duprey minh xác với Đức Athenagoras rằng cuộc gặp gỡ đại thể các vị đứng đầu các Giáo Hội là việc bất khả, nhưng Cha khôn khéo cho ngài hay: “Đức Giáo Hoàng sẽ đi hành hương Giêrusalem. Nếu Đức Thượng Phụ cũng có thể đi hành hương Giêrusalem vào những ngày này, ngài sẽ sung sướng được gặp Đức Thượng Phụ tại đó”. Thượng Phụ Athenagoras hân hoan trả lời và hy vọng rằng các vị đứng đầu các Giáo Hội Tự Trị Chính Thống Hy Lạp khác sẽ chấp thuận hay ít nhất không phản đối. Việc này, ngài sẽ tham khảo họ. 

Dấu hỏi lớn nhất là Thượng Phụ Benediktos của Giêrusalem. Theo một nghi thức có từ xưa của Công Đồng Canxêđoan năm 451, thượng phụ này sẽ là người đầu tiên cho mời thượng phụ Constantinople; ngài sẽ là người đầu tiên chào mừng giám mục Rôma và là thượng phụ Phương Tây; và ngài sẽ đón tiếp cuộc viếng thăm đáp lễ của Đức Phaolô VI. Thượng Phụ Benediktos vốn là người mạnh mẽ chống lại việc gửi quan sát viên Chính Thống Hy Lạp tới Vatican II. Ngài cho rằng “Họ sẽ trực tiếp và thụ động chứng kiến các bài diễn văn và các quyết định bài Chính Thống”. Ngài tin rằng Công Đồng có mục tiêu cải đạo nhằm quyến rũ những người Chính Thống yếu đuối vào đạo Công Giáo. Tuy nhiên, tại Giêrusalem, Thượng Phụ Benediktos miễn cưỡng bảo đảm với Cha Duprey rằng nếu Rôma tôn trọng các nghi thức, thì ngài sẽ hợp tác. Còn Thượng Phụ Ácmêni thì rất thuận hảo đối với việc gặp Đức Giáo Hoàng, và cả các vị đứng đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem cũng thế: Giáo Hội Chính Thống Đông Phương Coptic, các Giáo Hội Êtiôpia và Syria cũng như Giáo Hội Anh Giáo. Điều giúp làm dễ bầu khí tích cực trong các cuộc thăm viếng ngắn ngủi của Cha Duprey là mọi Giáo Hội, chỉ trừ Giáo Hội Chính Tống Hy lạp, đều có gửi quan sát viên tới hai khóa đầu tiên của Công Đồng Vatican II. 

Trong vòng hai tuần kế tiếp, Thượng Phụ Athenagoras nhận được nhiều phúc đáp tích cực từ các tòa thượng phụ Alexandria, Antioch, Mascow, Serbia, Romania và Bulgaria. Antioch đưa ra lời cảnh cáo này: đừng đặt dù chỉ một bàn chân lên đất Do Thái! Vì thế, theo đề nghị của Thượng Phụ Alexis I của Moscow, mọi người nhất trí rằng Thượng Phụ Athenagoras sẽ chỉ đại diện cho Giáo Hội Constantinople, chứ không đại diện cho toàn bộ Chính Thống Giáo. 

Chống đối công khai duy nhất diễn ra trong Giáo Hội Hy Lạp. Tổng Giám Mục Chrysostomos II của Athens gọi chủ trương của TP Athenagors là “chết người” đối với quyền lợi Chính Thống. Ngài cho tổ chức một đêm canh thức cầu nguyện trên Núi Athos “để duy trì Chính Thống Giáo khỏi các hậu quả của cuộc gặp gỡ đầy thảm họa tại Giêrusalem”. Chính Phủ Hy Lạp và hầu hết hàng giáo sĩ và giáo dân thì tích cực hơn. Các phân khoa thần học danh tiếng nhất tại Athens và Salonica đều hân hoan ủng hộ. 

Một số giáo phẩm cao cấp trong Giáo Triều chống đối ý niệm viếng thăm đáp lễ. Trong nhiều thế kỷ, nghi thức ngoại giao của Tòa Thánh chống lại việc Đức Giáo Hoàng đi viếng thăm như thế. Sau khi Đức Giáo Hoàng tới thăm vị quốc trưởng nào, thì một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ viếng thăm tòa đại sứ của nước đó tại Rôma. Đức HY Bea ghi lại rằng Đức Phaolô VI không thấy có vấn đề nào khi phải đích thân viếng thăm đáp lễ Thượng Phụ Athenagoras và hai thượng phụ Giêrusalem. Ngài từng nói: “Đến Chúa Giêsu cũng từng đi viếng bạn hữu của Người, thì có chi chống lại việc vị đại diện của Người trên thế gian cũng làm như Người?”

Thời gian thật khẩn cấp. Sau Lễ Giáng Sinh, một phái viên của Thánh Công Đồng Constantinople, là TGM Athenagoras của Anh, tới Rôma để trình bày “nghi thức tiếp đón”. Vị này từng phục vụ trong tư cách giám mục tại Mỹ và Canada và là khoa trưởng Trường Thần Học Thánh Giá của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp tại Brookline, Mass. Tòa thượng phụ công bố lời chấp thuận của họ vào ngày 31 tháng 12 năm 1963.

Cuộc gặp gỡ tại Đất Thánh

Bốn ngày sau, vào chạng vạng tối, Đức Phaolô VI từ Giócđăng tới Giêrusalem. Tối hôm đó, TP Benediktos chào mừng ngài tại trụ sở của phái bộ Tòa Thánh. Sau đó, Đức Phaolô VI tới thăm TP Benediktos tại cư sở của tòa thượng phụ trên đỉnh Núi Cây Dầu. Ngày hôm sau, Đức GH Phaolô VI tiếp TP Athenagoras tại trụ sở phái bộ, bằng cái ôm hôn đầu tiên của các tòa tông truyền Rôma và Constantinople, do hai anh em ruột là Thánh Phêrô và Thánh Andrê thiết lập, kể từ khi Đức Eugiêniô IV và TP Giuse II gặp nhau tại cuộc hội ngộ của Công Đồng Florence tháng Ba năm 1438. TP Athenagors gọi cuộc gặp gỡ này “là tia sáng đầu tiên của một ngày hạnh phúc khi các thế hệ tương lai sẽ tiếp nhận sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Chúa chúng ta từ cùng một chén thánh”. Để làm quà, Đức Giáo Hoàng tặng Thượng Phụ một chén thánh bằng vàng. 

Ngày hôm sau, ngày lễ Hiển Linh, TP Benediktos chào mừng Đức Giáo Hoàng tại cửa vào nơi TP cư ngụ trên Núi Cây Dầu. Bên trong có sự hiện diện của TP Athenagoras. Các vị cùng tiến qua nhà thờ chính tòa cạnh bên và cùng chủ tọa buổi cầu nguyện chung, bắt đầu bằng cái ôm bình an đầy tình huynh đệ. 

Tạp chí Look đăng hình mầu cuộc gặp gỡ ở ngoài bìa. TP Athenagoras người khá cao và vạm vỡ, với bộ râu rậm dài và không cắt tỉa. Xem ra ngài muốn trùm phủ cả vị giáo hoàng thấp hơn, gầy hơn trong vòng tay của mình. Cả hai đều lặng lẽ mỉm cười, đôi mắt long lanh. Trong thông cáo chung sau đó, Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ tự gọi nhau là “hai người hành hương, mắt đắm nhìn Chúa Kitô”. Các ngài cầu xin để cử chỉ huynh đệ của các ngài, sau “quá nhiều thế kỷ thầm lặng… có thể trở thành dấu chỉ và mở đầu cho các điều sắp tới nhằm vinh quang Thiên Chúa và soi sáng cho dân tín trung của Người”. Tờ America hồi đó nhận định rằng cái ôm hôn này “có khả năng nói nhiều thần học hơn một sơ đồ của Công Đồng Vatican”. 

Biến cố Giêrusalem cũng thay đổi bầu không khí của Chính Thống Hy Lạp đủ để cho phép tòa thượng phụ đại kết này gửi các đại diện làm quan sát viên tại khóa ba của Vatican II. Các nghị phụ công đồng thảo luận và sau đó cùng Đức Phaolô VI chấp thuận và công bố “Sắc Lệnh về Đại Kết” vào ngày 21 tháng Mười Một năm 1964. Nó hoàn tất cái ôm hôn tại Giêrusalem; nó quả là nền “thần học của cử chỉ”. 

Vào ngày gần kết thúc Công Đồng, tức ngày 7 tháng Mười Hai năm 1965, một phái viên của Thánh Công Đồng Constantinople viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và một phái viên của Đức Giáo Hoàng, là Đức HY Lawrence Shehan của Baltimore, đã viếng Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo St George tại Istanbul. Các vị đem theo mình một tuyên bố chung của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras, nói rằng “chúng tôi muốn hủy bỏ khỏi ký ức Giáo Hội và khỏi tâm trí Giáo Hội án tuyệt thông [lẫn nhau] được công bố hồi ấy [năm 1054], và muốn chôn nó trong quên lãng”. 

Như thế, TP Athenagoras quả đã khởi diễn bước đầu tiên dẫn tới việc hàn gắn cuộc ly giáo đã 1,000 năm nay, còn Đức Phaolô VI thì đã nắm lấy cơ hội này để cùng nhau khởi đầu một khởi đầu mới.
Vũ Văn An5/21/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét