Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

15-02-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN năm B

15/02/2015
Chúa Nhật 6 Quanh Năm Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên năm B
CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1;
Mc 1,40-45
SỰ THANH SẠCH VÀ LỀ LUẬT
“‘Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh’.
Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”

(Mc 1,41-42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46
Lêvi là quyển sách thứ ba trong bộ Ngũ Thư gồm năm quyển: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Đệ Nhị Luật. Bài đọc 1 nằm trong khối đơn vị văn chương thuộc hai chương 13 và 14 của sách Lêvi, vốn bàn đến những thứ bệnh da liễu, dưới tên gọi chung là sara‘at. Hạn từ này thường được chuyển ngữ là “bệnh phong hủi”, nhưng không nhất thiết là bệnh phong do vi trùng Hansen gây ra như cách hiểu của y học  ngày nay.
Theo sách Lêvi, các vị tư tế đóng vai trò kiểm tra người bệnh, có quyền tạm thời cô lập người bệnh trong trường hợp chưa thể xác định được bệnh cách rõ ràng; sau 7 ngày tư tế sẽ tiến hành kiểm tra bệnh lần nữa, và tư tế sẽ tuyên bố người bệnh đã khỏi bệnh (thanh sạch) hay bị “phong hủi”.
Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, và kêu lên: “ô uế, ô uế”. Ba hành vi này hầu chắc nhằm diễn tả nỗi đau thương, tang tóc, như thể mình đã chết rồi, hay ít ra như thể mình đang đau đớn phiền muộn trước cái chết của người thân. Quả vậy, St 37,34 nhắc đến chuyện ông Giacóp đã “xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giuse lâu ngày” sau khi nghe hung tin Giuse đã bị thú dữ ăn thịt. Lv 10,6 cũng nhắc đến chuyện ông Môisen ngăn cấm anh mình là thượng tế Aharon không được “xõa tóc và xé áo” trước việc hai người con của mình là tư tế Nađáp và tư tế Avihu đã chết thảm vì cả gan lấy lửa phàm tục mà tiến dâng Đức Chúa.
Hành vi kêu lên hai tiếng “ô uế, ô uế” hầu chắc nhằm cảnh giác cộng đoàn trước tình trạng “phong hủi” của người bệnh, để cộng đoàn có thể tránh được tình trạng lây bệnh, mà nhờ đó giữ được “sự thanh sạch” xứng hợp với Đức Chúa là Đấng Chí Thánh đang ngự giữa họ.
Việc người phong phải sống ngoài trại cũng nằm trong chiều kích phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Việc sống ngoài trại cũng làm nổi bật lên yếu tố “sự chết” trong dân Israel. Bộ Ngũ Thư cho chúng ta biết trong thời gian dân Israel đi trong sa mạc trên hành trình tiến về Đất Hứa, họ sống trong trại với nhau, giữa trại là Lều Hội Ngộ có Đức Chúa ngự trị. Việc sống ngoài trại, vì thế, biểu tượng cho sự xa cách Đức Chúa và tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Ngoài ra, khu vực ngoài trại là nơi những tội nhân và những người ô uế bị đưa đến đó (x. Lv 10,4-5; Ds 5,1-4; 23,14-15; 31,19-24). Án tử dành cho kẻ phạm trọng tội cũng diễn ra ở ngoài trại (x. Ds 15,35-36).
2. Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1
Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, 1Cr 10,31-11,1 là đoạn kết của một đơn vị văn chương, vốn bàn đến vấn đề “Thịt cúng và những mối nguy hiểm từ việc thờ ngẫu tượng” (1Cr 8,1-11,1). Trong đoạn kết này, vị tông đồ dân ngoại khuyên nhủ các tín hữu 3 điều cụ thể sau đây:
- Dù làm việc gì, người tín hữu hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa (x. 10,31)
- Người tín hữu đừng làm gương xấu cho bất cứ ai (x. 10,32)
- Người tín hữu hãy noi gương các vị thánh trong Giáo Hội, nhưng Đức Kitô mới là mẫu gương tuyệt vời nhất để họ noi theo (x. 11,1)
3. Bài Tin Mừng: Mc 1,40-45
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 6 Mùa Thường Niên năm B xuất hiện ngay sau trình thuật Chúa Giêsu âm thầm rời Caphácnaum để tiếp tục đi khắp miền Galilê, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Từ đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể rút ra những điểm chính yếu sau đây:
1/ “Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu” (c. 40a): Người phong hủi này một cách nào đó đã vi phạm Luật Môisen khi anh dám liều mình đến với Chúa Giêsu. Chiếu theo Luật Môisen như bài đọc 1 đã nói đến, người mắc bệnh phong phải sống tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Anh không được phép đến gần những người không mắc bệnh. Anh phải hô lên 2 tiếng “ô uế, ô uế”, một hành vi không chỉ diễn tả tình trạng đau thương của mình, mà còn để lưu ý người khác và để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn. Như vậy, trong mắt người phong hủi này, Chúa Giêsu phải là một người tuyệt vời, nhân lành và quyền năng lắm thay mới khiến anh dám đến với Ngài mà không sợ mang nặng cảm giác “vi phạm Luật” nơi mình, không sợ lây bệnh cho Ngài khiến Ngài phải trở nên ô uế, nhưng tin tưởng Ngài không chỉ có khả năng “miễn nhiễm” ô uế, mà còn có năng quyền chữa lành cho anh.
2/ “Anh quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (c. 40b): Người phong hủi đến với Chúa Giêsu với tâm tình của một người khiêm hạ. Anh dám nói lên mong ước của mình, nhưng cũng để Chúa Giêsu tự do quyết định điều gì Ngài cần làm.
3/ “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’” (c. 41): Tiếp nhận một người phong hủi đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu dám tiếp nhận sự ô uế vào mình. Là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Chúa Giêsu đã và đang gánh lấy bao nỗi khổ đau, bệnh tật và tội lỗi của con người. Ngài làm tất cả vì tình thương, vì “chạnh lòng thương” nhân loại lầm than và thống khổ, vì muốn con người được nên “thanh sạch”, được tái hòa nhập với cộng đoàn, được tham dự vào đời sống Phụng Vụ (thờ phượng Thiên Chúa chốn công khai), và sống hạnh phúc nhất với phẩm giá làm người. Tình trạng “ô uế” có thể lây từ người này sang người khác, nhưng không thể “gây hại” cho Chúa, vì sự chí thánh và lòng xót thương hải hà của Ngài xóa tan đi tất cả những gì là ô uế và nhơ nhớp.
4/ “Lập tức, chứng phong hủi biến mất khỏi anh, và anh được sạch” (c. 42): trạng từ “euthus” (lập tức), vốn được thánh Máccô ưa dùng (không dưới 44 lần), nhấn mạnh đến tính hiệu năng tức thời của lời Chúa Giêsu: “tôi muốn, anh sạch đi” (c. 41). Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta cũng bắt gặp những trường hợp tương tự trong các phép lạ chữa lành: Chúa Giêsu chữa người bại liệt (x. Mc 2,11-12); Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị băng huyết (x. Mc 5,28-29); Chúa Giêsu cho con gái ông Gaiah sống lại (x. Mc 5,41-42); Chúa Giêsu chữa lành anh mù Batimê ở Giêrikhô (x. Mc 10,52).
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Có “chứng bệnh” nào đang khiến tôi phải xa cách Chúa, và tách biệt khỏi cộng đoàn đức tin? Có “chứng bệnh” nào khiến tôi cảm thấy mình hết sức đau khổ, như thể đã chết?
2/ Người bị bệnh phong hủi mong ước được Chúa Giêsu chữa lành. Tôi cũng ao ước được Ngài chữa lành điều nào, vấn đề nào, “bệnh tật” nào trong cuộc sống của tôi?
3/ Người bị bệnh phong hủi rất khiêm tốn khi đến với Chúa Giêsu. Anh để Chúa tự do quyết định điều Ngài muốn. Còn tôi, tôi thường có thái độ nào khi đến với Chúa?
4/ Tôi có cảm nghiệm nào về Chúa Giêsu: Nơi Ngài tôi có cảm nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa? Nơi Ngài tôi có cảm nghiệm thấy quyền năng chữa lành? Tôi có nghiệm thấy Ngài đang giơ tay chữa lành tôi?
5/ Chúa Giêsu đã yêu thương chữa lành cho người bị bệnh phong. Có bao giờ tôi đã dám đón nhận “sự ô uế” từ người khác để tôi có thể chữa lành vết thương của họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để chữa lành và thanh tẩy hầu cứu độ mọi người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh và cộng đồng nhân loại:
1. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và đưa tay đặt trên người bệnh phong. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục và Linh mục trong Hội Thánh, luôn là dấu chỉ sống động của lòng Chúa thương xót đối với con người thời đại.
2. Người bệnh phong van xin Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ nơi thân xác hay tâm hồn ở khắp nơi trên thế giới, biết tin tưởng tìm đến với Chúa Giêsu để được Người chữa lành và an ủi.
3. Chúa nói với người bệnh: “Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu khi đón nhận biết bao ân huệ của Chúa cũng luôn biết sống tâm tình tạ ơn cho xứng đáng qua bổn phận thờ phượng và tuân giữ lề luật.
4. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết tích cực góp phần phúc âm hóa đời sống cộng đoàn bằng một đời sống thánh thiện và gương lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con, xin lắng nghe và chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, giúp chúng con luôn sống xứng đáng trong tư cách là nghĩa tử của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.



Sợi chỉ đỏ CN 6 TN.B
CHÚA NHỰT VI THƯỜNG NIÊN
Năm B
CHỦ ĐỀ :
"SẠCH" VÀ "DƠ"

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Lv 13,1-2.45-46) : Những quy định của sách Lêvi về bệnh cùi
- Đáp ca (Tv 31) : Trong quan niệm Cựu Ước rằng bệnh tật là hình phạt của tội lỗi, tác giả Thánh vịnh 31 tin rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi (từ đó suy ra là Thiên Chúa có thể cứu chữa mọi bệnh tật).
- Tin Mừng (Mc 1,40-45) : Đức Giêsu làm phép lạ chữa một người khỏi bệnh cùi.
- Bài đọc II (1 Cr 10,31--11,1) (chủ đề phụ) : Trong khi bàn về vấn đề ăn uống, thức gì được ăn, thức gì không được, thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.

I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ
Anh chị em thân mến
Trong cuộc sống chung với mọi người, chúng ta nhận thấy có một số người bị người khác khinh bỉ lánh xa ; có khi chính chúng ta cũng bị xa lánh như thế. Tại sao ? Lời Chúa hôm nay sẽ dạy rõ cho chúng ta về vấn đề này. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Lời Chúa và xin Chúa giúp chúng ta sống theo lời Ngài dạy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhơ uế, không xứng đáng đến với Chúa. Chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi và xin Chúa tẩy sạch tâm hồn chúng ta.
- Nhiều lần chúng ta tự làm nhơ uế đầu óc mình bằng những sách báo, phim ảnh đồi truỵ và những câu chuyện khiếm nhã.
- Chúng ta cũng làm nhơ uế trái tim mình do cách sống ích kỷ và giận hờn ganh ghét.

III. LỜI CHÚA

1. BÀI ĐỌC I (LV 13,1-2.45-46)
Đoạn này là một phần của sách Lêvi được các chuyên viên gọi là "Luật về sự tinh sạch". Đoạn này đề cập riêng về bệnh cùi. Nhưng quan niệm về "bệnh cùi" không giống với quan niệm ngày nay :
- Tất cả những hiện tượng về da liễu (ung nhọt, da đổi màu hoặc bóng láng) đều bị gọi là "cùi". Người ta còn nghĩ rằng bệnh cùi rất lây, cho nên sách Lêvi buộc những người mắc bệnh ấy phải ở riêng.
- Hơn nữa, người ta còn nghĩ bệnh này có liên hệ đến tôn giáo : trong quan niệm chung rằng bệnh tật là hình phạt của tội lỗi, và bệnh cùi là thứ bệnh nặng nhất, người thời đó cho kẻ mắc bệnh cùi đã phạm tội rất nặng. Do đó người bắt đầu bị cùi phải đến trình diện với tư tế, và sau này "nếu" khỏi bệnh thì cũng phải được tư tế xác nhận. Thực ra, đó chỉ là một chữ "nếu" to tướng, vì người ta đều coi cùi là một chứng nan y không thể nào khỏi, trừ khi chính Thiên Chúa ra tay cứu chữa.
Vì vậy, người nào cứu chữa được bệnh cùi, như Êlisê và Đức Giêsu, thì chứng tỏ người ấy có uy quyền đặc biệt do Thiên Chúa ban.

2. ĐÁP CA (TV 31)
Ca tụng sự tha thứ của Thiên Chúa và hạnh phúc của người được tha thứ.

3. TIN MỪNG (MC 1,40-45)
Như đã nói trong phần giải thích bài đọc I, người do thái coi bệnh cùi là a/ chứng nan y chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi ; b/ chứng bệnh rất hay lây ; c/ có liên hệ đến tội lỗi.
Người cùi trong bài Tin Mừng này nói với Đức Giêsu "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Điều này chứng tỏ anh tin rằng Đức Giêsu là người của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đưa tay đặt trên người ấy : chứng tỏ Ngài không sợ lây bệnh, nhất là Ngài không ghê tởm kẻ mắc bệnh cùi.
Ngài chữa bệnh một cách rất nhanh chóng và dễ dàng : chứng tỏ Ngài có uy quyền đặc biệt của Thiên Chúa.

4. BÀI ĐỌC II (1 CR 10,31--11,1)
Đoạn thư này tuy không đề cập đến bệnh cùi, nhưng cũng chung một vấn đề, đó là "sạch và dơ". Người do thái thời thánh Phaolô cũng còn phân biệt những thức ăn "sạch" và thức ăn "dơ". Thánh Phaolô đả phá sự phân biệt đó. Điều quan trọng không phải là cân nhắc thức ăn nào sạch hay dơ, mà là dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.
IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Thứ bệnh "cùi" nguy hiểm hơn
Những kiến thức y khoa ngày nay giúp chúng ta không còn quá sợ bệnh cùi Hansen nữa.
Nhưng chúng ta phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt với những nét mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả : Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra nhơ uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.
Tội "cùi" ấy là gì ? Là tội có những ý nghĩ xấu và tội loan truyền những ý nghĩ xấu ấy.
Ebba de Pauli trong quyển "Vị ẩn sĩ" đã mô tả một người cùi như thế : Đó là một bà trung lưu và có thể nói là "đạo đức". Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận :
- Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc !
- Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc ?
- Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.
- Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao.
Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp : từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành ; khi nói chuyện với người khác, hãy chia xẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.
Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.

* 2. Những "con hủi"
Hoàn cảnh đáng thương của người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay không phải vì anh mắc một chứng bệnh ô uế và hay lây, vì thực ra nếu xét theo y khoa bây giờ thì bệnh anh không đến nỗi như thế. Anh đáng thương vì người ta nghĩ anh như thế nên ghê tởm và xa lánh anh.
Có nhiều người tuy không "cùi" nhưng vẫn bị coi là "con hủi" do bị mọi người khinh tởm tránh xa.
Nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài rất thương và rất gần gũi với những "con hủi" ấy, chẳng hạn những người thu thuế, đĩ điếm, trộm cắp v.v.

* 3. Nỗi khổ bị xua đuổi
Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của con là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn.
Trẻ con mà bị cha mẹ xua đuổi thì kể như chết. Người lớn thì sợ bị xua đuổi còn hơn phải chịu tất cả mọi đau khổ khác dồn lại. Vết thương làm người tàn tật đau đớn nhất không phải là chứng bệnh thể xác hay tinh thần người đó đang mắc phải, mà là bị người khác xa lánh.
Người cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Hơn nữa vì người ta coi người cùi là kẻ tội lỗi bị Chúa phạt, nên anh còn thêm mặc cảm mình bị chính Thiên Chúa xua đuổi nữa.
Điểm hay trong chuyện này không phải là việc Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh cùi, mà là cách Ngài đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng để anh đến. Chẳng những thế Ngài còn giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ giơ tay đụng vào anh như thế, Đức Giêsu tỏ dấu hoan nghênh anh, đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.
Khi ta xua đuổi ai thì ta cũng coi người đó là cùi mặc dù có lẽ ta không ý thức rõ như thế. Ta có thể xua đuổi người khác bằng nhiều cách tuy nhỏ nhưng tế nhị, như giọng nói thế nào đó, một cách nhìn thế nào đó v.v. Đó là những mũi kim đâm rất nhỏ nhưng gây đau đớn rất lâu. (Viết theo Flor Mc Carthy)

* 4. Bệnh phong cùi
Một vụ nổ đã làm cho chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở đôi chân, đến nỗi các bác sĩ đã nghĩ rằng cần phải cưa chúng. Người ta nói với mẹ cậu : "Thằng Glenn của chị sắp thành kẻ tàn phế suốt đời đấy".
Thế mà hai năm sau với niềm tin mạnh mẽ, cậu đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những đi bộ mà cậu còn chạy được nữa. Dù chạy không nhanh lắm, nhưng vẫn chạy được.
Cuối cùng, cậu thi đậu đại học. Môn ngoại khoa của cậu là chạy đua. Quả thật, cậu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc. Cậu lần lượt phá kỷ lục ở liên đại học.
Thi đại hội Olympic Berlin, chẳng những cậu được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét, mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.
*
Với niềm tin vào khả năng của chính mình, cậu bé tưởng chừng như một phế nhân, đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới. Với niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, người phong cùi tưởng chừng như suốt đời sống trong căn bệnh ghê tởm nhất, đã trở nên lành sạch.
Đối với người Do thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ. Không được tham dự nghi lễ trong hội đường. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên "ô uế" để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Đức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin :"Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch" (Mc.1,40).
Thấy lòng tin của anh, Đức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói : "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh" (Mc.1,41). Chạm đến người phong cùi, Đức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Đức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.
M.Carré có nói : "Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông". Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhắm rúc rỉa ; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phong cùi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Người.
Vì thế Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng diệu kỳ là cho anh lành sạch cả thể xác lẫn tâm hồn. G.Bossis viết : "Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi xảy ra phép lạ".
Bí quyết trở nên hùng cường của nước Mỹ được in trên đồng tiền của họ, đó là câu : "In God we trust" (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa).Thánh Phanxicô Salêsiô nói : "Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa".
*
Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người ; tất cả nơi Người.
Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 5. Chạm vào
Nhiều người chúng ta sợ chạm vào người khác.
Thà cho người ăn mày một vài xu, nhưng đừng để người ấy chạm tới mình.
Đức Giêsu thì khác. Ngài không đứng xa, không ngại chạm vào.
Ngài chạm vào những người cùi, những người tội lỗi, những người bệnh tật, và cả những người chết.
Những cái chạm thân ái làm cho lòng người đang lạnh giá được ấm lại và những cõi lòng buồn sầu được vui mừng sung sướng.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim ấm áp và một đôi tay dịu dàng. (Flor Mc Carthy)

* 6. Chúa chạm vào
Người phong cùi nói với Đức Giêsu : "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". Đức Giêsu chạnh lòng thương đưa tay đụng vào anh và bảo "Tôi muốn, anh hãy được sạch"
Mẫu đối thoại ngắn này gợi cho tôi nhiều ý tưởng :
- Xét về mặt thiêng liêng thì ai cũng đều "cùi" vì ai cũng có tội.
- "Nếu Ngài muốn" : Đức Giêsu có muốn cho chúng ta hết "cùi" thiêng liêng không ? Dĩ nhiên là muốn, rất muốn, vì Đức Giêsu đến trần gian là để rửa sách tội lỗi cho loài người. Bởi vậy Ngài đã trả lời cho người cùi : "Tôi muốn"
- Người cùi trong bài Tin Mừng được sạch nhờ Đức Giêsu đụng tay vào anh. Chúng ta ngày nay không chỉ được Đức Giêsu đụng tay vào, mà còn được rước Chúa vào trong cơ thể chúng ta mỗi khi chúng ta rước lễ.

7. Ý nghĩa việc làm của Đức Giêsu
Các sách Tin Mừng trình bày Đức Giêsu luôn làm hai việc : chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng. Hai việc này không riêng rẻ nhưng song song nhau và hỗ trợ cho nhau. Nói cách khác, Đức Giêsu không rao giảng suông, mà vừa rao giảng vừa chữa bệnh. Việc chữa bệnh hỗ trợ cho việc rao giảng. Ta cũng có thể nói : chữa bệnh là một cách rao giảng Tin Mừng.
Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng những được chữa bệnh mà còn được đón nhận Tin Mừng. Chẳng những thế, sau khi khỏi bệnh, chính anh lại trở thành kẻ loan báo Tin Mừng : "Đi khỏi nơi đó, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó… và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người".

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã không ngại đụng chạm đến người cùi để chữa lành và tỏ lòng yêu thương họ. Chúng ta xin Đức Giêsu thương chữa lành cho mọi bệnh tật phần hồn và phần xác cho chúng ta :
1. Trong Hội thánh có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng là sống trong tình trạng tội nặng / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ sớm chạy đến tòa cáo giải để được lành sạch.
2. Trên thế giới có đủ các thứ bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn / Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền biết quan tâm để mọi người dân được chữa bệnh cả phần xác lẫn phần hồn.
3. Ngày nay ở khắp nơi có nhiều người mắc những bệnh hiểm nghèo không thể chữa được như ung thư, sida / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ luôn được nhiều người yêu thương và ủi an.
4. Trong xứ đạo chúng ta có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng mà không ý thức và không muốn chữa lành / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ gặp dịp để ăn năn sám hối và chạy đến với Chúa để được chữa lành.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa luôn luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con, Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Như những đứa con bệnh hoạn tật nguyền vì những chứng bệnh phần hồn, phần xác, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta lời kinh sau đây : "Lạy Cha chúng con ở trên trời…"
- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ làm cho tâm hồn chúng con ra nhơ uế, và sự dữ tách chúng con ra khỏi nếp sống cộng đoàn yêu thương, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…"

VII. GIẢI TÁN
Nhờ linh dược của Thánh Thể, mọi bệnh tật nhơ uế trong tâm hồn chúng ta đã được sạch. Chúng ta hãy ra về và giúp cho anh chị em chúng ta cũng được lành sạch như vậy.
Lm Carolo

Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 15 Tháng 2, 2015
Đức Giêsu chữa lành người phong cùi
Đưa nhũng kẻ sống bên lề trở lại trong xã hội con người
Mc 1:40-45


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ sáu Thường Niên tuần này cho chúng ta biết cách Chúa Giêsu đón nhận người phong cùi như thế nào.  Vào thời bấy giờ, kẻ phong cùi là những người bị xã hội loại trừ nhất, bị tất cả mọi người xa lánh.  Kẻ ấy không được tham gia vào bất cứ việc gì.  Trong thời xa xưa, vì thiếu thuốc men hiệu quả, vì sợ lây lan và việc cần thiết bảo vệ đời sống xã hội, đã khiến cho người ta xa lánh và loại trừ người phong cùi.  Ngoài ra, trong số những người dân riêng của Chúa, bảo vệ món quà của đời sống là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng nhất, họ nghĩ rằng loại trừ những người phong cùi là một nhiệm vụ thiêng liêng vì đó là cách duy nhất bảo vệ cho cộng đoàn khỏi sự lây lan hiểm nghèo.  Vì thế, tại Israel, người mắc bệnh phong cùi bị cảm thấy ô uế và không chỉ bị xa lánh bởi xã hội mà còn ngay cả bởi Thiên Chúa nữa (xem Lv 14:1-32).  Tuy nhiên, dần dần khi các phương cách chữa trị có hiệu quả hơn được tìm ra và hơn hết cả là nhờ vào kinh nghiệm thông tri sâu sắc cho chúng ta qua Đức Giêsu về Thiên Chúa là Cha chúng ta, những người bị phong cùi đã bắt đầu được chấp nhận và tái hòa nhập như anh chị em trong xã hội loài người.
Mặc dù qua hai ngàn năm của Kitô giáo, việc loại trừ và gạt bỏ ra ngoài lề xã hội một số hạng người vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, cho dù trong xã hội hay trong Giáo Hội.  Ví dụ, những người bị bệnh AIDS, những kẻ di cư, người đồng phái luyến ái, người ly dị, v.v.  Ngày nay, trong xã hội của các bạn và trong Giáo Hội, những loại người nào đang bị hắt hủi và xa lánh?  Với những câu hỏi này trong tâm trí, chúng ta hãy đọc và suy gẫm Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 1:40:  Tình trạng bị bỏ rơi và bị hắt hủi của người bị bệnh phong cùi
Mc 1:41-42:  Chúa Giêsu đón tiếp và chữa lành người bị phong cùi
Mc 1:43-44:  Đưa những người bị hắt hủi vào lại trong xã hội huynh đệ
Mc 1:45:  Người bị phong cùi loan truyền việc lành nhân đức Chúa Giêsu đã làm cho anh và Chúa Giêsu trở thành kẻ bị loại trừ   

c)  Phúc Âm:  
40 Khi ấy, có một người bị bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng:  “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.”  41 Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay lên đặt trên người ấy và nói:  “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh.”  42 Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch.  43 Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng:  44 “Anh hãy ý tứ và đừng nói gì cho ai biết, mà hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môisen để minh chứng mình đã được khỏi bệnh.”  45 Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành được.  Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Trong đoạn Phúc Âm này, bạn đã thích điều nào nhất, và điều nào đã động chạm đến bạn nhất?  Tại sao? 
b)  Đoạn Tin Mừng này diễn tả việc người phong cùi bị hắt hủi như thế nào?            
c)  Chúa Giêsu đã tiếp đón, chữa lành và phục hồi người bị bệnh phong cùi như thế nào?  Hãy cố gắng quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết.
d)  Hôm nay, làm thế nào chúng ta có thể bắt chước được thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bị xa lánh?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a.  Bối cảnh thời bấy giờ và ngày nay:

Cho dù vào những năm của thập niên 70, khi Máccô đang viết sách này, hay là ngày nay trong thời đại chúng ta, điều đã và vẫn còn rất quan trọng để nắm giữ một số tiêu chuẩn hoặc mô hình để biết làm thế nào sống và công bố Tin Mừng của Chúa, và làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ Kitô hữu của chúng ta.  Trong các câu từ 16 đến 45 của chương thứ nhất, thánh Máccô trong việc thu thập dữ kiện cho tám phân đoạn, đã mô tả cách Chúa Giêsu công bố Tin Mừng.  Mỗi phân đoạn chứa đựng một tiêu chuẩn cho cộng đoàn vào thời ấy, để sau đó người ta có thể duyệt xét lại sứ vụ của riêng mình.  Tin Mừng của Chúa Nhật này cụ thể hóa tiêu chuẩn thứ tám:  “phục hồi phẩm giá cho những người bị xã hội ruồng bỏ”.  Đây là sơ đồ toàn bộ để làm sáng tỏ những gì sau đó:

ĐOẠN TRÍCH
            CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU
                                    MỤC TIÊU CỦA TIN MỪNG
Mc 1:16-20
            Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên của Người
                                    Thiết lập cộng đoàn
Mc 1:21-22
            Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Chúa
                                    Tạo ra lương tâm công chính
Mc 1:23-28
            Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế
                                    Chiến đấu chống lại quyền năng của sự dữ
Mc 1:29-31
            Chúa chữa lành bà nhạc mẫu của ông Phêrô
                                    Khôi phục lại sự sống qua sự phục vụ
Mc 1:32-34
            Chúa chữa lành kẻ bệnh tật và những người bị quỷ ám
                                    Ân cần với những người sống bên lề xã hội
Mc 1:35
            Chúa Giêsu trở dậy để cầu nguyện lúc trời còn tối
                                    Luôn trong sự hiệp nhất với Chúa Cha
Mc 1:36-39
            Chúa Giêsu tiếp tục công bố Tin Mừng
                                    Không để cho những thành công ngăn cản chúng ta
Mc 1:40-45
            Chúa Giêsu chữa lành một người phong cùi
                                    Phục hồi phẩm giá cho những kẻ bị ruồng bỏ

b.    Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mc 1:40:  Tình trạng bị bỏ rơi và bị hắt hủi của người bị phong cùi.
Một người bị phong cùi tiến đến gặp Chúa Giêsu.  Anh ta là kẻ loại ra ngoài xã hội, kẻ ô uế!  Anh ta bị xua đuổi xa khỏi xã hội loài người.  Bất cứ ai đến gần y sẽ bị xem như ô uế.  Nhưng người bị phong cùi đã có đủ can đảm.  Anh đã phá vỡ các lề luật tôn giáo để có thể tiếp cận Chúa Giêsu.  Anh nói:  “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch!” Hay là:  “Ngài không cần phải chạm tới người tôi!  Nếu Ngài chỉ muốn thì đã đủ để chữa lành cho tôi!”  Câu này cho thấy các tệ nạn:  1)  Sự quái ác của căn bệnh gọi là phong cùi đã làm cho anh ta trở nên ô uế;  2)  Điều tai hại củanỗi sống cô đơn mà anh ta bị lên án bởi xã hội và tôn giáo.  Nó cũng cho thấy người ta đã có đức tin mãnh liệt vào quyền năng của Chúa Giêsu.      

Mc 1:41-42:  Bằng việc đón tiếp và chữa lành người bị phong cùi, Chúa Giêsu mặc khải khuôn mặt mới của Thiên Chúa
Thương cảm một cách sâu xa, Chúa Giêsu đã chữa lành cả hai điều tệ hại.  Trước hết, để chữa lành điều tai hại của nỗi sống cô đơn quạnh quẽ, Chúa đặt tay lên người cùi.  Cũng như thể Chúa nói với anh ta rằng:  “Đối với Ta, anh không phải là người bị hắt hủi.  Ta xem anh như người anh em!”  Thứ hai, Chúa đã chữa lành căn bệnh được gọi là phong cùi và nói:  “Ta muốn.  Anh hãy khỏi bệnh!”  Để có thể đến gần tiếp xúc với Chúa Giêsu, người bị phong cùi đã phá bỏ những luật lệ có sẵn. Để cho Chúa Giêsu có thể giúp đỡ người bị hắt hủi này và vì thế mặc khải khuôn mặt mới của Thiên Chúa, Chúa đã vi phạm lề luật tôn giáo và động chạm đến người cùi.  Vào thời bấy giờ, bất cứ ai động chạm vào một người cùi thì sẽ trở thành ô uế dưới con mắt của những người có thẩm quyền về tôn giáo và trước luật pháp thời ấy.  

Mc 1:43-44:  Đưa những người bị hắt hủi vào lại trong xã hội huynh đệ
Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành, mà Người còn muốn người đã được chữa lành có thể sống chung với những người khác.  Đưa người ấy trở lại với xã hội. Vào thời ấy, để cho một người bị phong cùi được trở lại sống trong cộng đoàn, người ấy phải có lời minh chứng đã được khỏi bệnh bởi một thày tư tế.  Vì vậy lề luật đã được ghi chép về việc thanh tẩy cho một người đã từng bị phong cùi (Lv 14:1-32).  Việc này vẫn còn xảy ra ngày nay.  Bệnh nhân rời khỏi bệnh viện với một lá thư có chữ ký của bác sĩ của phân khoa điều trị.  Chúa Giêsu giúp đỡ người bị phong cùi có được giấy tờ xác nhận của người có thẩm quyền để cho anh ta có thể tái gia nhập vào xã hội bình thường.  Vì thế Người thúc bách các người có thẩm quyền minh chứng rằng người ấy đã được khỏi bệnh.

Mc 1:45:  Người bị phong cùi loan truyền việc lành nhân đức Chúa Giêsu đã làm cho anh và Chúa Giêsu trở thành kẻ bị loại trừ
Chúa Giêsu đã cấm người bị bệnh cùi đừng nói gì về việc lành bệnh của anh ta. Nhưng người ấy đã nói.  Người bị phong cùi đã bắt đầu cao rao và loan truyền câu chuyện khắp mọi nơi, vì thế mà Chúa Giêsu không còn có thể công khai đi vào bất cứ thành nào được, mà phải ở lại ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ.  Tại sao Chúa Giêsu lại đi sống ở những nơi vắng vẻ?  Chúa Giêsu đã động chạm vào người bị phong cùi.  Vì thế, chiếu theo luật lệ thời ấy, Chúa bấy giờ đã trở nên ô uế và phải sống xa lánh tất cả mọi người.  Người không thể đi vào bất cứ thành nào. Nhưng thánh Máccô ngụ ý rằng dân chúng đã bất chấp lề luật chính thức, bởi vìngười ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người!  Một việc hoàn toàn đảo ngược!
Tin có giá trị gấp đôi mà Máccô muốn truyền đạt cho các cộng đoàn của thời ấy và cho tất cả chúng ta là:  1)  Công bố Tin Mừng có nghĩa là làm chứng tá cho kinh nghiệm cụ thể mà người ta có về Chúa Giêsu.  Người bị phong cùi đã công bố điều gì?  Anh ta công bố với những người khác việc nhân lành mà Chúa Giêsu đã làm cho anh ta.  Chỉ thế thôi!  Và chính là việc làm chứng này đã tạo cơ hội cho người khác chấp nhận Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu công bố.  Những ai không có kinh nghiệm về Chúa Giêsu thì sẽ chẳng có gì để công bố cho người khác.  2)  Đem Tin Mừng đến cho người khác, người ta không cần phải lo sợ vi phạm những quy tắc về tôn giáo mà đã đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa; và đem lại sự thông tri, đối thoại và một đời sống của tình yêu khó khăn.  Ngay cả khi một thái độ như vậy có thể tạo ra khó khăn cho người ta như nó đã làm cho Chúa Giêsu!    

c.  Lời chú giải thêm:

Tám chỉ tiêu để đánh giá sứ vụ của Cộng đoàn

Chế độ lưỡng nô lệ đã đánh dấu tình trạng người dân vào thời Chúa Giêsu:  ách nô lệ của nghi thức tôn giáo, duy trì bởi các người có thẩm quyền về tôn giáo của thời ấy, và ách nô lệ chính trị của Hêrôđê, duy trì bởi Đế quốc La Mã và được hỗ trợ bởi hệ thống tổ chức toàn bộ của sự khai thác và đàn áp.  Bởi vì tất cả những điều này, nhiều người đã bị loại trừ bởi tôn giáo và bởi xã hội.  Do đó, điều này đi ngược lại tình huynh đệ mà Thiên Chúa ước mơ cho tất cả mọi người!  Và đó chính là trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này là một phần của sự tập hợp văn học rộng lớn hơn (Mc 1:16-45).  Ngoài phần mô tả về việc chuẩn bị cho Tin Mừng (Mc 1:1-13) và việc rao giảng (Mc 1:14-15), thánh Máccô đã tập hợp tám hoạt động của Chúa Giêsu để mô tả sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người và để chỉ vẽ ra sứ vụ của cộng đoàn phải nên như thế nào (Mc 1:16-45).  Đây cũng là sứ vụ mà Chúa Giêsu nhận lãnh từ Chúa Cha (Ga 20:21).  Máccô đã tóm gọn lại những câu chuyện đã được truyền khẩu trong các cộng đoàn và liên kết chúng lại với nhau như những viên gạch cũ trong một bức tường mới.  Tám phân cảnh này là tám tiêu chuẩn dành cho cộng đoàn để kiểm soát và sửa đổi cho dù họ có đang thực hiện sứ vụ của họ cách tốt đẹp.  Chúng ta hãy nhìn xem:

i)  Mc 1:16-20:  Thiết lập cộng đoàn. 
Việc đầu tiên mà Chúa Giêsu làm là kêu gọi người ta đi theo Người.  Việc làm căn bản của sứ vụ là tập hợp người ta chung quanh Chúa Giêsu để thành lập cộng đoàn.

ii)  Mc 1:21-22:  Tạo dựng lương tâm công chính.
Điều trước tiên người ta trông thấy là sự khác biệt giữa cách giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật Sĩ.  Một phần của sứ vụ là tạo dựng lương tâm công chính ở người ta, ngay cả khi phải đối mặt với các người có thẩm quyền về tôn giáo.

iii)  Mc 1:23-28:  Chiến đấu lại quyền năng của sự dữ.  
Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm là trục xuất thần ô uế.  Một phần của sứ vụ là chiến đấu lại quyền năng của sự dữ đã hủy hoại sự sống và khiến người ta tha hóa với chính mình.

iv)  Mc 1:29-31:  Khôi phục lại đời sống qua sự phục vụ.
Chúa Giêsu chữa lành bà nhạc mẫu của ông Phêrô, và bà khỏi bệnh và bắt đầu đi tiếp đãi.  Một phần của sứ vụ là chăm sóc những người bệnh tật để họ có thể khỏi bệnh và trỡ lại đi phục vụ người khác.

v)  Mc 1:32-34:  Ân cần với những người sống bên lề xã hội.
Sau ngày Sabbát, người ta mang đến cho Chúa Giêsu những bệnh nhân và người bị quỷ ám để Người chữa cho họ, và bằng cách đặt tay, Chúa đã chữa lành cho tất cả.  Một phần của sứ vụ là ân cần với những người sống bên lề xã hội.

vi)  Mc 1:35:  Luôn trong sự hiệp nhất với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Sau một ngày làm việc cho đến mãi tận chiều tối, Chúa Giêsu đã vội vã chỗi dậy từ sớm tinh sương để Người có thể đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện tại đó.  Một phần của sứ vụ là luôn ở trong sự hiệp nhất với nguồn mạch của Tin Mừng, đó là Chúa Cha, qua lời cầu nguyện.    

vii)  Mc 1:36-39:  Duy trì nhận thức về sứ vụ.
Các môn đệ đã vui mừng với các kết quả vả mong muốn Chúa Giêsu trở lại.  Tuy nhiên, Chúa đã tiếp tục với cuộc hành trình của Người.  Một phần của sứ vụ là không được tự mãn với các kết quả, mà phải duy trì nhận thức về sứ vụ.

viii)  Mc 1:40-45:  Phục hồi phẩm giá cho những kẻ bị thiệt thòi trở về với xã hội loài người.
Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi và bảo anh ta đi trình diện cùng vị tư tế để anh có thể được chứng minh là đã khỏi bệnh và có thể được sống trong xã hội. Một phần của sứ vụ là phục hồi những người bị loại trừ để họ trở về với xã hội loài người.

Tám điểm này đã được chọn lựa khéo léo bởi Máccô, cho thấy mục đích sứ vụ của Chúa Giêsu:  “Ta đến để cho tất cả được sống, và sống dồi dào!”  (Ga 10:10). Cũng tám điểm này có thể dùng để đánh giá chính cộng đoàn chúng ta.  Vì thế chúng ta có thể nhìn thấy Máccô đã xây dựng sách Tin Mừng của ông như thế nào.  Một cấu trúc tuyệt mỹ mà tóm gọn hai điều cùng một lúc:  (1) Thông tri cho mọi người về những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy; (2) Thành lập cộng đoàn và người ta theo sứ vụ của những người đi loan truyền và rao giảng Tin Mừng của Chúa.
           
6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh:  Thánh Vịnh 125 (124)
Bất cứ ai tin tưởng vào Chúa sẽ không xao xuyến!

Ai tin tưởng vào CHÚA, khác nào núi Xi-on
chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn.

Như núi đồi bao bọc thành Giê-ru-sa-lem,
CHÚA bao bọc dân Người bây giờ và mãi mãi.
Chúa sẽ không cho vương trượng ác nhân
đè nặng trên phần đất người lành,
kẻo người lành tra tay làm điều ác.
Lạy CHÚA, xin đối xử nhân hậu với người nhân hậu
và những ai lòng dạ thẳng ngay.
Nhưng kẻ ngả theo đường tà bậy,
xin CHÚA đuổi đi cùng bọn làm điều ác.
Nguyện chúc Ít-ra-en được thái bình!
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét