Trang

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Luận lý của Thiên Chúa và của Giáo Hội là luận lý của lòng cảm thương, tiếp đón và hội nhập

Luận lý của Thiên Chúa và của Giáo Hội là luận lý của lòng cảm thương, tiếp đón và hội nhập

Con đường của Giáo Hội luôn luôn là con đường của Chúa Giêsu: của lòng thương xót và hội nhập, tiếp đón người con hoang đàng, chữa lành mọi vết thương của tội lỗi, xăn tay áo lên dấn thân chứ không thụ động nhìn nỗi khổ đau của thế giới, đổ tràn đầy lòng từ bi của Thiên Chúa trên tất cả mọi người , ra khỏi ràn chiên để đi tìm các người ở xa trong các vùng ngoại biên của cuộc sống.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế với các Tân Hồng Y và Hồng Y trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua (15-2-2015).

Quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại chuyện Chúa Giêsu đụng đến người phong củi và cho anh được khỏi bệnh ĐTC nói chính lòng thương xót, việc “cùng đau khổ với” khiến cho Chúa Giêsu tới gần mọi người khổ đau, để cho mình bị lôi cuốn vào nỗi khổ đau và nhu cầu của dân chúng, vì Ngài có con một tim không xấu hổ “cảm thương”. Chúa Giêsu không sợ liều nhận lấy nỗi khổ đau của người khác, nhưng chấp nhận trả giá cho việc này. Ngoài việc chữa lành người phong cùi Ngài còn nhận trên mình cả sự gạt bỏ do Luật Môshê áp đặt nữa. Sự cảm thương đưa Chúa Giêsu tới hành động cụ thể là hội nhập người bị gạt bỏ ngoài lề. Trong phung vụ Lời Chúa hôm nay Giáo Hội đề nghị với chúng ta ba ý niệm chìa khóa: lòng cảm thương của Chúa Giêsu trước sự gạt bỏ và ý muốn hội nhập. 

Chúng ta có thể tưởng tượng một người phong cùi khổ đau và xấu hổ biết bao nhiêu trên bình diện thể lý, xã hội, tâm lý và tinh thần. Họ không chỉ là nạn nhân của bệnh tật, mà cũng cảm thấy có lỗi, bị trừng phạt vì các tội lỗi của mình nữa. Họ là một người sống mà như đã chết. Ngoài ra người phong cùi gây sợ hãi, giận dữ và kinh tởm, và vì thế họ bị gia đình và thân nhân bỏ rơi, bị người khác xa lánh, bị xã hội gạt bỏ, còn hơn thế nữa bị chính xã hội trục xuất, khai trừ và bắt buộc phải sống trong các nơi xa người lành mạnh, tới độ ai tới gần người phong cùi cũng bị phạt và thường bị coi như người hủi.

Luật Môshê khai trừ họ để cứu người lành mạnh và che chở các người công chính khỏi mọi nguy hiểm bằng cách đối xử với họ không thương xót. Nhưng Chúa Giêsu cách mạng và mạnh mẽ lay động não trạng khép kín trong sự sợ hãi và tự hạn chế bởi các thành kiến ấy. Ngài không hủy bỏ Luật Môshê nhưng kiện toàn nó, bằng cách tuyên bố sự không hữu hiệu của luật báo oán, cho biết Thiên Chúa không khấng nhận việc tuân giữ luật ngày lễ nghỉ sabat mà khinh rẻ con người và kết án con người. Chúa Giêsu cứu người đàn bà tội lỗi khỏi sự nhiệt thành mù quáng của những người sẵn sàng ném đá bà nhân danh Luật Môshê. Chúa Giêsu cách mạng cả lương tâm con người nữa, bằng cách mở ra cho nhân loại các chân trời mới, và vén mở tràn đầy cái luận lý của Thiên Chúa: cái luận lý của tình yêu thương không dựa trên sự sợ hãi nhưng trên sự tự do, trên tình bác ái, trên lòng nhiệt thành và ước muốn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu Môshê mới dã muốn chữa lành người phong củi, đụng vào anh, hội nhập anh vào cộng đoàn, không tự hạn chế mình trong các thành kiến, không thích nghi với tâm thức thống trị của con người, không lo lắng tới việc lây bệnh. Đối với Ngài điều quan trọng là đến và chữa lành những người ở xa, săn sóc các vết thương của người bệnh, hội nhập tất cả mọi người trong gia đình của Thiên Chúa. Ngài không sợ gương mù gương xấu. Tư tưởng và cái luận lý của ngài là cái luận lý sợ mất những người đã được cứu rỗi và ước muốn cứu những nguời đã mất. Cái luận lý của các tiến sĩ luật là gạt bỏ nguy hiểm bằng cách đẩy xa người bị bệnh, trong khi cái luận lý của Thiên Chúa là mở vòng tay đón nhận và hội nhập họ với lòng thương xót, biến sự dữ thành sự lành, kết án thành cứu rỗi, loại bỏ thành loan báo. Hai luận lý gạt bỏ và hội nhập ấy chạy dọc dài toàn lịch sử cùa Giáo Hội. Thánh Phaolô đã phải đối phó với tâm thức bắt buộc người ngoại giao theo Kitô giáo phải tuân giữ Luật Môshê.

Từ Công Đồng Giêrusalem trở đi con đường của Giáo Hội luôn luôn là con đường của Chúa Giêsu: của lòng thương xót và hội nhập, tiếp đón người con hoang đàng, chữa lành mọi vết thương của tội lỗi, xăn tay áo lên dấn thân chứ không thụ động nhìn nỗi khổ đau của thế giới, đổ tràn đầy lòng từ bi của Thiên Chúa trên tất cả mọi người , ra khỏi ràn chiên để đi tìm các người ở xa trong các vùng ngoại biên của cuộc sống, con đường hoàn toàn theo cái luận lý của Thiên Chúa, theo Thầy và nói: “Không phải người lành mạnh cần thầy thuốc, nhưng người đau yếu, Ta không đến để kêu gọi người công chính mà để cho người tội lỗi hoán cải” (Lc 5,31-32).

Khi chữa lành ngươi phong cùi Chúa Giêsu không gây thiệt hại cho người lành mạnh, trái lại Ngài giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi; Ngài không gây nguy hiểm cho họ nhưng ban cho họ một người anh em, Ngài không khinh rẻ Luật Lệ nhưng trân trọng con người. Chúa Giêsu giải thoát người lành mạnh khỏi cám dỗ của “người anh cả” và gánh nặng của ghen tương và lẩm bẩm… Lòng bác ái không thể trung lập, thờ ơ, hâm hẩm hay thiên vị. Lòng bác ái lây lan, đam mê, liều lĩnh và liên lụy. Lòng bác ái sáng tạo trong việc tìm ra thứ ngôn ngữ đúng đắn để thông truyền với tất cả những người bị coi là không thể chữa trị được và vì thế không thể đụng chạm vào họ. Chúng ta có thể làm và thông truyền biết bao nhiêu cuộc chữa lành, khi học hỏi thứ ngôn ngữ của sự đụng chạm này! 

ĐTC đã khích lệ các Hông Y như sau:
Các Tân Hồng Y thân mến đó là cái luận lý của Chúa Giêsu, đó là con đường của Giáo Hội: không chỉ tiếp đón và hội nhập với lòng can đảm tin mừng, những người gõ cửa chúng ta, mà ra đi tìm kiếm không thành kiến và sợ hãi, những người ở xa bằng cách tỏ lộ cho họ điều mà chúng ta đã nhận lãnh một cách nhưng không. Việc hoàn toàn sẵn sàng phục vụ người khác là dấu chỉ phân biệt của chúng ta, đó là tước hiệu danh dự duy nhất của chúng ta! Trong ngày anh em nhận tước Hồng Y chúng ta khẩn nài sự bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, Đấng đã khổ đau nơi chính mình vì sự gạt bỏ, vì các vu khống (x. Ga 8,14) và đầy ải (x, Mt 2,13-23), để Mẹ xin cho chúng ta được ơn trung thành với Thiên Chúa. Xin Mẹ dậy cho chúng ta biết không sợ hãi tiếp đón những người bị gạt bỏ với sư dịu hiền, không sợ hãi sự dịu hiền và lòng cảm thương; xin Mẹ mặc cho chúng ta lòng kiên nhẫn trong việc đồng hành với họ trên đường đời, mà không tìm các kết quả của sư thành công trần thế; xin Mẹ chỉ cho chúng ta Chúa Giêsu và làm cho chúng ta bước đi với Ngài.

Anh em thân mến, khi nhìn lên Chúa Giêsu và Đức Maria Mẹ chúng ta, tôi khích lệ anh em phục vụ Giáo Hội làm sao để các kitô hữu được xây dựng bởi chứng tá của chúng ta, không bị cám dỗ ở với Chúa Giêsu mà không muốn ở với các người bị gạt bỏ, tự cô lập trong một giai tầng không có gì là giáo hội đích thật. Tôi khích lệ anh em phục vụ Chúa Giêsu chịu đóng đanh nơi mọi người bị gạt bỏ, đói khát, trần truồng. Chúa hiện diện ngay cả nơi những người đã mất đức tin hay đã xa rời việc sống đức tin. Chúa ở trong những người bị tù đầy, đau yếu, không có việc làm, bị bách hại. Chúa ở trong người phong cùi, trên thân xác và trong tâm hồn, bị kỳ thị. Chúng ta sẽ không khám phá ra Chúa nếu không tiếp đón người bị gạt bỏ một cách trung thực. Chúng ta hãy nhớ gương thánh Phanxicô thành Assisi đã ôm hôn nguời phong cùi và tiếp đón những kẻ khổ đau thuộc mọi loại gạt bỏ. Thật ra trên tin mừng của những ngươi bị gạt bỏ sự đáng tin cậy của chúng ta đuợc khám phá và được vén mở cho thấy.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Tầu, Pháp và Birmani. 

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin chúng với hàng chục ngàn ín hữu tụ tập tại công trường thánh Phêrô. Ngài nói:

Trong các Chúa Nhật này thánh sử Marcô đang trình thuạt hoạt động của Chúa Giêsu chống lại mọi lại sự dữ, để sinh ích cho những người đau khổ trên thân xác cũng như trong tinh thần: bị quỷ ám, bệnh tật, tội lỗi.. Ngài được giớí thiệu như Đấng chiến đấu và chiến thắng sự dữ ở khắp nơi Ngài gặp. Trong Phúc Âm hôm nay Ngài đương đầu với một trường hợp điển hình vì người bệnh là một người phong cùi. Phong cùi là một bệnh hay lây và đáng thương, nó biến dạng con người và là biểu tượng của sự ô uế: người phong cùi phải ở ngoài các trung tâm có dân cư, và phải ra dấu cho các người qua lại biết sự hiện diện của họ. Họ bị gạt bỏ khỏi cộng đoàn dân sự và tôn giáo. Họ như người chết di động.

Trình thuật chữa lành người phong cùi diễn ra trong ba đoạn ngắn: lời kêu van của người bệnh, câu đáp trả của Chúa Giêsu và các hiệu quả của phép lạ lành bệnh. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành”. Chúa Giêsu phản ứng lại lời xin khiêm tốn và tin tường ấy bằng thái độ sâu thẳm của tâm hồn Ngài: sự cảm thương có nghĩa là “đau khổ với người khác”. Trái tim Chúa Giêsu biều lộ sự cảm thương hiền phụ của Thiên Chúa đối với con người, bằng cách đến gần và đụng vào anh ta. Chi tiết này rất quan trọng. Chúa Giêsu giơ tay dụng vào anh ta và ngay lập tức bệnh phong cùi biến mất” (c. 41). ĐTC quảng diễn điểm này như sau: 

Lòng cảm thương của Thiên Chúa vượt qua mọi hàng rào và tay của Chúa Giêsu đụng vào người phong cùi. Ngài không đứng đàng xa vì an ninh và không hành động bằng cách sai phái, nhưng Ngài tự đặt mình một cách trực tiếp trong sự lây bệnh của chúng ta; và như thế cái đau của chúng ta trở thành nơi tiếp xúc: Ngài, Chúa Giêsu, lấy từ nơi chúng ta nhân tính sự đau yếu của chúng ta và chúng ta lầy từ Ngài nhân tính lành mạnh và chữa lành của Ngài. Điều này nảy sinh ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí tích trong đức tin: Chúa Giêsu đụng tới chúng ta và ban cho chúng ta ơn thánh của Ngài. Trong trường hợp này chúng ta nghĩ tới Bí tích Hoà Giải chữa lành chúng ta khỏi bệnh phong cùi của tội lỗi.

Một lần nữa Phúc Âm cho chúng ta thấy Thiên Chúa làm gì cho chúng ta trước sự dữ của chúng ta: Ngài không đến để dậy một bài học về khổ đau; Ngài cũng không đến để loại bỏ khỏi thế giới khổ đau và cái chết; Ngài đến để mang lấy trên mình gánh nặng của điều kiện là người của chúng ta, mang lấy nó cho tới cùng, để giải thoát chúng ta một cách triệt để và vĩnh viễn. Chúa Kitô chiến đấu chống lại các sự dữ và khổ đau của thế giới, bằng cách gánh lấy chúng và chiến thắng chúng với sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay Phúc Âm nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn là các môn đệ đích thật của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên hiệp nhất với Người, là dụng cụ tình yêu thương xót của Người, vượt mọi kiểu gạt bỏ. Để là những người noi gương Chúa Kitô (x. 1 Cr 11,1) trước một người nghèo nàn hay đau yếu chúng ta không được sợ hãi nhìn vào mắt họ, và tới gần với sự dịu dàng và lòng cảm thương. Nếu sự dữ hay lây, thì sự thiện càng hay lây hơn nữa. Vì thế sự thiện cần luôn càng ngày càng tràn đầy nơi chúng ta hơn. Chúng ta hãy để cho mình bị sự thiện lây và làm cho sự thiện lây lan.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chúc mừng Tết nguyên đán thanh thản và bình an đến các dân tộc Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới mừng năm mới âm lịch. Ngài nói: ước chi các ngày lễ này cống hiến cho họ dip hạnh phúc tái khám phá và sống tình huynh đệ sâu đậm, là mối dây qúy báu của cuộc sống gia đình và nền tảng cuộc sống xã hội. Ước chi việc trở về hằng năm với các nguồn gốc của bản vị con người và gia đình có thể giúp các dân tộc ấy xây dựng một xã hội, trong đó đan dệt các tương quan liên bản vị in dấu vết tôn trọng, công bằng và bác ái.

ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương khác nhau và cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình. Ngài xin mọi người đùng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét