01/03/2015
Chúa Nhật Tuần II
Mùa Chay Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật II Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
St 22,1-2.9a.10-13.15-18
Rm 8,31b-34
Mc 9,2-10
St 22,1-2.9a.10-13.15-18
Rm 8,31b-34
Mc 9,2-10
TRAO BAN ĐẾN TẬN CÙNG
“Đến như chính Con Một,
Thiên Chúa cũng chẳng tha,
nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”
(Rm 8,32)
Thiên Chúa cũng chẳng tha,
nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”
(Rm 8,32)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Câu
chuyện Abraham sẵn sàng vâng lệnh Thiên Chúa mà dâng con một, đứa con yêu dấu,
làm của lễ hiến tế, cho thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và lòng tin sắt
son của Abraham.
Đứa
con một đối với Abraham là báu vật vô giá mà ông đã được Thiên Chúa ban cho
trong tuổi già. Đứa con chính là sự sống của ông, là tương lai của dòng dõi
ông. Lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông về một dòng dõi đông đúc khi ông rời
bỏ quê hương nay dần được sáng tỏ qua đứa con này. Khi mà niềm hy vọng vào lời
hứa của Thiên Chúa lớn dần thì lại là lúc Thiên Chúa yêu cầu ông hiến tế chính
con một của mình.
Abraham
đứng trước một sự chọn lựa không hề dễ dàng: vâng theo mệnh lệnh của Thiên
Chúa; điều này đồng nghĩa với việc mất đi đứa con nối dõi. Sự dứt khoát đến
lạnh lùng của Abraham dường như không cho thấy ông có bất cứ sự do dự nào trước
mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đối với ông, đứa con thừa kế là báu vật Chúa ban nên
ở trong bàn tay quan phòng của Ngài, nên ông mau mắn thi hành điều Thiên Chúa
truyền mà không hề nghi ngờ hay lo sợ.
Sự
vâng phục tuyệt đối của Ápraham, niềm tin sắt đá của ông vào lời hứa của Thiên
Chúa là cơ sở vững chắc để Thiên Chúa chúc phúc cho ông: “bởi vì ngươi đã làm
điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng
phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu
trời, như cát ngoài bãi biển » (St 22,16-17).
Câu
chuyện của Ápraham trở nên mẫu mực cho lòng tin và sự phó thác cho ý định và sự
xếp đặt của Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2:
Thánh
Phaolô diễn tả tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người, tình
thương cao cả đến nỗi Ngài chẳng từ chối con người điều gì.
Đứng
trước những đau khổ và thử thách của đức tin, các tín hữu Rôma cảm thấy nản
lòng như thể Thiên Chúa bỏ rơi họ. Thánh Phaolô khẳng định với họ rằng Thiên
Chúa luôn đứng về phía họ để bênh vực và chở che họ. Thiên Chúa yêu thương họ
nhiều đến nỗi chẳng hề tiếc bất cứ điều gì với họ. Đến như Con Một của mình là
Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng ban cho họ.
Đức
Giêsu Kitô đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu
cho họ. Đó là dấu chứng rõ ràng nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho các tín
hữu. Tình yêu đó là bảo đảm chắc chắn cho họ trước bất cứ khó khăn, thử thách
nào của đời sống đức tin, vì không có gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của
Người, cho dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo
(Rm 8,35).
Nếu
như Abraham chẳng tiếc dâng con yêu dấu của mình cho Thiên Chúa, thì Thiên Chúa
cũng chẳng tiếc ban Con Một mình cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện
qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là sức mạnh cho các tín
hữu trước bất kỳ gian nan thử thách nào trong đời sống đức tin.
3. Bài Tin Mừng:
Thiên
Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài nơi con yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, nhưng đó
không phải là vinh quang theo nghĩa trần thế mà là vinh quang thập giá.
Biến
cố Đức Giêsu biến hình trên núi hé lộ cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang
của Thiên Chúa. Từ hình dạng đến y phục của Đức Giêsu đều biến đổi làm cho các
môn đệ cảm thấy lâng lâng, ngây ngất khi có cả sự hiện diện của Môsê và
Êlia. Trong lúc ngất ngây đó, các ông nghe tiếng từ đám mây tuyên phán: “Đây là
Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Lời Thiên Chúa mang hai
thông điệp quan trọng:
Trước
hết, Thiên Chúa long trọng xác định Đức Giêsu chính là “Con Yêu Dấu” của Ngài.
Vì là “Con Yêu Dấu” của Thiên Chúa, Đức Giêsu mang nơi mình tất cả vinh quang
và quyền năng của Thiên Chúa. Lời xác quyết của Thiên Chúa và sự biến đổi diệu
kỳ của hình dạng và y phục nơi Đức Giêsu là một cách biểu lộ vinh quang và
quyền năng đó. Các môn đệ ngỡ ngàng và ngây ngất khi được chứng kiến vinh quang
của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Giêsu.
Sau
nữa, Thiên Chúa truyền cho các môn đệ “hãy vâng nghe lời Người”. Những gì Đức
Giêsu căn dặn các môn đệ khi Thầy trò xuống núi mặc khải cho các môn đệ “lời”
của Người. Đức Giêsu cho các ông hiểu rằng vinh quang mà các ông vừa chứng kiến
chỉ được rao giảng công khai khi Con Người “từ cõi chết sống lại”. Các môn đệ
hãy vâng lời Đức Giêsu dù con đường đến vinh quang của Người phải đi qua cái
chết.
Lời
Thiên Chúa qua cuộc biến hình hé lộ rằng chỉ qua cái chết, vinh quang của “Con
Yêu Dấu” mới được thể hiện trọn vẹn. Và dù đó là con đường khó khăn, thử thách
đối với các môn đệ, các ông hãy “vâng nghe lời Người”.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Abraham
được Thiên Chúa chúc lành khi ông hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả trong
tay Thiên Chúa. Tôi có dám hy sinh ý riêng để ý định của Thiên Chúa được thể
hiện nơi cuộc đời tôi?
2/ Thánh
Phaolô khẳng định rằng đến như Con Một của Ngài mà Thiên Chúa cũng chẳng
tiếc trao ban cho con người. Tôi có sẵn sàng trao dâng cho Thiên Chúa những gì
Ngài cần nơi tôi để hoàn tất chương trình của Ngài?
3/ Thiên
Chúa truyền cho các môn đệ hãy nghe lời “Con Yêu Dấu” của Ngài. Tôi có sẵn lòng
vâng theo “lời” của Đức Giêsu, dù con đường phải đi đôi khi lắm gian nan, thử
thách?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta được biến đổi trở nên con người mới xứng
đáng với vinh quang Nước Trời. Chúng ta cùng cảm tạ tình thương cứu độ của
Thiên Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Đức
Giêsu đã tỏ vinh quang cho các Tông Đồ đang khi Người cầu nguyện. Chúng ta cùng
cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn phản ánh khuôn mặt đích thực
của Đức Kitô cho con người thời đại hôm nay, qua đời sống gương mẫu thánh
thiện.
2. “Ðây
là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu xin cho
các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và
sự thật trong khi thực thi quyền bính, nhằm đem lại hoà bình và công lý cho mọi
người.
3. Đức
Giêsu đã trải qua đau khổ để bước vào vinh quang. Chúng ta cùng cầu xin cho
những ai đang phải gánh chịu đau khổ về thể xác hay tinh thần, biết nhìn lên
thập giá để kết hiệp với Chúa và can đảm biến những đau khổ ấy thành niềm vui
cứu độ.
4. Thánh
Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ “ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của
Người.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nỗ lực canh tân bản
thân mỗi ngày để nên giống Chúa Giêsu hơn, hầu xứng đáng được chia sẻ vinh
quang với Người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn
năng hằng hữu, Cha đã tỏ cho chúng con thấy quyền năng và tình thương của Cha
qua Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con luôn trung thành bước theo Người, thực
thi lời Người truyền dạy, để cùng được dự phần vinh quang với Người. Người hằng
sống và hiển trị muôn đời. Amen.
CHỦ ĐỀ :
CŨNG VÌ THƯƠNG, THIÊN CHÚA BAN ĐỨC
GIÊSU CHO LOÀI NGƯỜI
- Bài đọc I (St 22,1-2.9a.10-13.15-18) :
Ngày xưa, Abraham đã tế sát đứa con duy nhất là Isaac. Câu chuyện này chỉ là
hình bóng của việc sau này Thiên Chúa ban Con Một Ngài là Đức Giêsu cho loài
người.
- Bài Tin Mừng (Mc 9,2-10) : Đức Giêsu chính
là Isaac. Trong cuộc biến hình Ngài được Thiên Chúa gọi là "Con yêu
dấu" như Abraham đã gọi Isaac.
- Bài đọc II (Rm 8,31-34) : Đức Giêsu là ơn
ban cho loài người. Ngài chịu nạn chịu chết là để cứu loài người ; Ngài
sống lại ngự bên hữu Chúa Cha là để biện hộ cho loài người.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Trong Mùa Chay, Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ những
điều rất quan trọng. Chúa nhật vừa qua, Giáo Hội nhắc ta nhớ đến những ơn ban
của Chúa. Hôm nay Giáo Hội nhắc ta nhớ đến một ơn quý giá nhất mà Thiên Chúa
ban cho chúng ta, đó là Đức Giêsu, Người Con Một yêu quý của Ngài.
Thiên Chúa ban Đức Giêsu cho chúng ta để Đức
Giêsu sống với chúng ta và chúng ta sống với Ngài, sống theo Ngài và sống như
Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy chú ý lắng nghe
Lời Đức Giêsu và kết hợp thân thiết với Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúa nhật vừa qua, Đức Giêsu đã kêu gọi chúng
ta sám hối, nghĩa là bỏ con được cũ lầm lạc để quay về với Chúa. Chúng ta đã
thực sự quay về chưa ?
- Đức Giêsu còn kêu gọi chúng ta hãy lắng nghe
Lời Chúa. Chúng ta đã làm việc này chưa ?
- Đã qua một tuần Mùa Chay rồi, mỗi người chúng
ta có dự định cụ thể nào chưa ?
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1 : St 22,1-2.9a.10-13.15-18
Tường thuật chuyện Abraham tế sát Isaac.
Tế sát Isaac là một hy sinh rất lớn của Abraham,
vì : a/ Isaac là đứa con duy nhất mà vợ chồng ông sinh được trong lúc tuổi
già ; b/ đứa con ấy lại là tất cả niềm hy vọng của ông về lới Chúa hứa sẽ
cho ông một dòng dõi đông đúc ; b/ bởi thế, Isaac là "đứa con một yêu
dấu" của Abraham. Vậy mà ông đành giết nó để dâng cho Chúa.
Tuy nhiên tấm lòng của Abraham đối với Thiên Chúa
còn to lớn hơn : a/ Chúa vừa gọi "Abraham" thì ông đáp lại ngay
"Dạ, tôi đây" ; b/ Chúa muốn ông làm một việc vừa ngược với tình
cảm của ông, vừa xem ra cũng ngược với lời Ngài đã hứa (cho ông một dòng dõi
đông đúc), ông cũng sẵn sàng làm.
Thiên Chúa coi trọng tấm lòng hơn lễ vật, coi
trọng sự hy sinh trong tâm hồn Abraham hơn đứa con mà ông sắp dâng. Cho nên
Chúa bảo ông dừng tay. Dù Abraham chưa giết con, nhưng Chúa kể ông đã dâng con
cho Ngài.
2. Đáp ca : Tv 115
Tác giả đang ở trong một hoàn cảnh bi đát
"Tấm thân tôi trăm phần khổ cực", hơn nữa đang chứng kiến "cái
chết của những bậc thánh nhân", thế mà tác giả vẫn tin vào Thiên Chúa.
Đáp lại đức tin kiên vững ấy, Thiên Chúa đã
"bẻ gãy xiềng xích" và cứu thoát tác giả. Ông vui mừng ca tụng Chúa
và dâng lễ vật tạ ơn.
Những tâm tình này rất đúng với Abraham.
3. Tin
Mừng : Mc 9,2-10
Bài tường thuật Đức Giêsu biến hình. Điểm đáng
chúng ta lưu ý nhất là tiếng từ trời "Đây là con yêu dấu của Ta". Câu
này là vang vọng của lời Thiên Chúa nói với Abraham về Isaac "Hãy đem
Isaac đứa con rất yêu dấu của ngươi… dâng nó làm lễ toàn thiêu" (Bài đọc
I)
Như thế, Isaac là hình bóng của Đức Giêsu. Cũng
như Abraham đã hy sinh đứa con một yêu dấu của mình, thì Thiên Chúa cũng không
tiếc khi ban Đức Giêsu, Người Con Một yêu dấu của Ngài, cho nhân loại để chịu
chết cứu chuộc nhân loại.
4. Bài đọc
II : Rm 8,31-34
Thánh Phaolô suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời Đức
Giêsu và hiểu rằng tất cả đều vì lợi ích cho loài người chúng ta : Khi Đức
Giêsu chịu chết là chịu chết "vì tất cả chúng ta" ; và khi Ngài
sống lại lên ngự bên hữu Chúa Cha thì cũng là để "biện hộ cho chúng
ta".
Đức Giêsu chính là ơn ban tuyệt vời nhất mà Thiên
Chúa ban cho loài người.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Món quà ngoài sức tưởng tượng
Các bài đọc hôm nay nói về những món quà vượt sức
tưởng tượng.
Abraham là một người sẵn lòng với Thiên Chúa.
Ngài bảo ông bỏ quê hương xứ sở mà ra đi đến một nơi vô định. Ông mau mắn làm
theo. Thiên Chúa thấy lòng quảng đại của ông, Ngài bảo ông dâng Isaac cho Ngài.
Món quà này chắc chắn Abraham không ngờ tới, vì đó không phải là một đồ vật
hoặc một con vật mà là một con người. Con người ấy lại là đứa con duy nhất của
ông. Hơn nữa nó còn là tất cả hy vọng của ông vì ông sinh ra nó trong lúc tuổi
đã già, và ông nghĩ chỉ có nó mới thực hiện được mong ước của ông là có một
dòng dõi. Dâng nó đi là dâng tất cả. Thế mà Abraham đã dâng. Một món quà ngoài
sức tưởng tượng (bài đọc I).
Nhưng món quà mà Thiên Chúa ban cho loài người
còn ngoài sức tưởng tượng hơn nữa. Đó là ban Đức Giêsu, Người Con độc nhất,
Người Con thân yêu vô cùng. Hơn nữa, Thiên Chúa ban Người Con ấy để Người Con ấy
chịu chết vì tội lỗi loài người, chết thay cho loài người (bài Tin Mừng). Thật
chẳng có tấm lòng nào bằng như thế. Chẳng có tình yêu nào cao cả như thế (bài
đọc II).
* 2. "Hãy vâng nghe lời Người"
Một hôm nhà vua triệu tập
các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và
hỏi :
- Ông hãy nói viên ngọc này
đáng giá bao nhiêu ?
- Muôn tâu, nó đáng giá còn
hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
- Ông hãy đẫp vỡ nó
ra !
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ
thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ !
Nhà vua thưởng cho quan Tể
Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Kế đó vua đưa viên ngọc cho
quan Thị Vệ, cũng hỏi :
- Theo ông, nó đáng giá bao
nhiêu ?
- Bằng nửa vương quốc.
- Hãy đập vỡ nó ra !
- Đập vỡ viên ngọc này ư ?
Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông
này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên
ngọc cho Abdul :
- Ngươi có biết viên ngọc
này đẹp đến mức nào không ?
- Muôn tâu, đẹp không thể
nói được.
- Hãy đập nát nó đi.
Lập tức Abdul lấy hai viên
đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự
táo bạo của Abdul. Họ hỏi :
- Tại sao nhà ngươi dám làm
thế chứ ?
Abdul bình tỉnh đáp :
- Lệnh của Hoàng Thượng đáng
giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính
viên ngọc.
Nhà vua khen ngợi thái độ
của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.
Câu chuyện giúp chúng ta
hiểu tại sao khi Đức Giêsu biến hình, tiếng Chúa Cha từ trời đã phán :
"Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài".
* 3. Con
yêu dấu
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay
về việc Đức Giêsu biến hình, tôi chẳng có chút cảm xúc nào cả. Đọc thêm bài đọc
I về chuyện Abraham tế sát Isaac, tôi khám phá rằng Isaac là hình bóng của Đức
Giêsu, và người cha già Abraham là hình bóng của Thiên Chúa. Và tôi rất xúc
động vì tiếng gọi "Con yêu dấu".
Abraham yêu dấu Isaac biết
chừng nào vì đó là đứa con duy nhất ông sinh ra được trong lúc tuổi đã già.
Chúa Cha cũng yêu dấu Đức Giêsu biết chừng nào vì đó chẳng những là Người Con
duy nhất mà còn là Người Con tuyệt hảo của Ngài.
Có người cha nào không tan
nát cõi lòng khi đứa con yêu dấu duy nhất của mình phải chết ? Chúa Cha
hiểu được tâm trạng này nên Ngài chỉ thử lòng Abraham thôi chứ không nỡ để
Isaac phải chết. Thế mà Chúa Cha lại cho Đức Giêsu Con Yếu Dấu của Ngài phải
chết thật ! Ôi tình Chúa Cha thương loài người chúng ta bao la và vĩ đại
biết chừng nào !
Chúa Cha chỉ mong nơi loài
người chúng ta một điều duy nhất là "Hãy vâng nghe Lời Đức Giêsu"
thôi. Nếu điều duy nhất ấy mà chúng ta cũng không đáp ứng thì thật là phụ bạc
biết chừng nào !
4. Thử thách
và biến hình
Bài đọc I nói về thử thách (Thiên Chúa bảo
Abraham tế sát Isaac), còn bài Tin Mừng nói về biến hình. Hai khía cạnh này
liên kết với nhau và bổ sung cho nhau như hai mặt của một đồng tiền.
- Khi Thiên Chúa mới gọi Abraham, Ngài đã thử
thách ông : Ông phải từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi vô định. Vì
Abraham trung thành trong thử thách nên Thiên Chúa đã cho ông có con. Trước khi
dẫn đời ông sang một biến đổi nữa, Thiên Chúa lại thử thách ông : đứa con
duy nhất ấy, Ngài muốn ông giết đi để làm lễ tế cho Ngài. Một lần nữa Abraham
đã vâng lời và một lần nữa ông được biến đổi : Isaac vẫn sống và sinh con
cháu, nhờ đó Abraham thực sự có một dòng dõi.
- Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy Đức Giêsu
chịu thử thách trong sa mạc. Hôm nay chúng ta chứng kiến Ngài biến hình trên
núi.
- Học sinh cũng phải thường xuyên trải qua thử
thách là các kỳ thi. Nhưng có như thế thì học sinh mới được chuyển cấp, càng
ngày càng cao hơn, giỏi hơn…
5. Biến đổi
là Quy luật
Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự
luôn biến đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên
trong nó có biết bao biến đổi : có những chiếc lá tháng trước nay không
còn ; nhiều chiếc lá mới mọc ra ; và nhiều chiếc lá hiện nay tháng
sau sẽ không còn. Nếu cái cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ
năm này qua năm khác thì đó không còn là một cái cây sống nữa mà là một khúc
gỗ.
Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy quy luật
biến đổi ấy : bầu trời hôm qua với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống
nhau mặc dù cũng vẫn là một bầu trời.
Hãy nhìn xuống nước. Một triết gia đã nói
"Không ai tắm hai lần trong một dòng sông".
Và nhìn vào bản thân : các nhà khoa học nói
rằng các tế bào luôn thay đổi, cái này chết, cái kia sinh ra. Sau 7 năm thì
không còn tế bào nào là tế bào cũ của 7 năm trước nữa.
Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết.
Đối với cuộc sống thân xác thì như thế. Đối với cuộc sống thiêng liêng cũng như
thế.
Bởi thế trong Mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ
sống y như cũ có nghĩa là chết.
Một Linh mục qua nhiều năm
coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau :
Có một đôi vợ chồng trẻ rất
xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo. Đúng là một cặp "trai tài
gái sắc". Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho
họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.
Một ngày nọ, người vợ ăn một
nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận :
- Ôi nửa trái táo ân tình,
công chúa của lòng anh !
Hai mươi năm sau. Cũng đôi
vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn
một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt :
- Sao lại cho nửa trái táo
ăn thừa ?
Tất cả nguyên trạng chỉ khác
có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ
tay "người đẹp" là trái táo ân tình. Hai mươi năm
sau từ tay "nàng già" là trái táo ăn thừa. Nên chỉ
dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.
*
Cuộc biến hình trên núi
Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Nếu người ta làm cho an toàn
những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Đức Giêsu cũng hóa giải
tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hoá
giải chứ không gây mê.
Nhưng có lẽ cuộc biến hình
đã phản tác dụng : "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng
con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Elia" (Mc.9,5).
Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor. Họ
đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn,
các cuộc truyền giáo. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.
Các ông đâu biết rằng Thầy
Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá
lên đồi Canvê. Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp
và leo lên thập giá với Thầy.
Cũng như ba môn đệ, đôi vợ
chồng trong câu chuyện kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu tồn
tại mãi. Chúa chỉ mặc "tấm áo trắng như tuyết" trong
chốc lát vì niềm hy vọng Phục sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ
đẹp. Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh
phúc.
Giá trị đích thực chính là
tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng thủy chung, chính
do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa.
Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh
quang ngời sáng của Người.
Đức Kitô vinh quang của
Tabor cũng chính là Đức Kitô rong ruỗi trên các đường phố Palestina rao giảng
chữa bệnh và làm các phép lạ.
Đức Kitô sáng láng của Tabor
cũng chính là Đức Kitô thấm đẫm mồ hôi trong vườn Giêtsêmani.
Đức Kitô rực rỡ của Tabor
cũng chính là Đức Kitô treo trên thập giá đỉnh Golgotha.
Hai đỉnh núi Tabor và
Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ,
con đường vượt qua : Đường tình yêu. Theo Thánh Têrêxa thành
Lisieux : "Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh
Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê".Thánh Bernadette
cầu nguyện : "Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng
chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau".
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con
luôn can đảm tiến bước trên đường đời chông gai vạn nẻo, với niềm hy vọng biến
cố Phục sinh sẽ bừng sáng. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, Đức Giêsu đã biến hình cho các môn đệ thấy vinh quang của Người, để
củng cố đức tin cho các ông, và chuẩn bị các ông đón nhận cuộc tử nạn và phục
sinh của Chúa, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
1. Trung thành với Đức Giêsu trong mọi hoàn cảnh
là nguồn thách đố cho Hội thánh / chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người
trong Hội thánh luôn tin tưởng bước theo đường lối Đức Giêsu / dù khi được
vinh quang hay khi phải trải qua gian nan tử nạn.
2. Trung thành để phục vụ công lý và công ích cho
xã hội là nguồn thách đố cho các nhà cầm quyền / Chúng ta hãy cầu xin Chúa
cho mọi người có trách nhiệm lãnh đạo trên thế giới luôn can đảm cương
quyết / không nhượng bộ những gì vi phạm đến nhân phẩm và nhân quyền của
người dân.
3. Nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, chậm tiến...
là những thách đố cho người Việt Nam hôm nay. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi
người Việt Nam biết can đảm kiên nhẫn / để đoàn kết với nhau và từng bước vượt
qua mọi khó khăn.
4. Những khó khăn bên ngoài và bên trong mà Hội
thánh ở Việt Nam đang trải qua cũng là những thách đố cho mỗi Kitô hữu Việt Nam
/. Chúng ta hãy cầu xin cho các Kitô hữu Việt Nam luôn vững lòng tin cậy / và
luôn tích cực phục vụ đồng bào nhất là những người nghèo khổ.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã tỏ vinh
quang để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin
Chúa cũng nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng
: nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì cũng chắc chắn được chung
phần vinh quang phục sinh với Chúa mai sau. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị
muôn đời.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật II Mùa Chay (B)
Chúa Nhật, 1 Tháng 3, 2015
Việc biến hình của Chúa Giêsu: Thập
giá sắp xảy ra
Cuộc Thương Khó dẫn đến vinh quang
Mc 9:2-10
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến
giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ
trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh
Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng
như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và
sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để
chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng
con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức
mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang
sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa
bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã
mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng
con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Giáo Hội
suy niệm về cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ đã đi theo Người
lên núi. Cuộc Biến Hình xảy ra sau lời tiên báo lần thứ nhất về cái
chết của Chúa Giêsu (Lc 9:21-22). Lời tiên báo này đã làm cho các
môn đệ bối rối, đặc biệt là ông Phêrô. Khi chúng ta nhìn kỹ hơn vào
các chi tiết nhỏ nhặt, chúng ta sẽ thấy lời văn mô tả việc biến hình theo một
cách khiến chúng ta nhận thức được làm cách nào mà trải nghiệm khác thường này
của Chúa Giêsu đã có thể giúp các môn đệ vượt qua được cuộc khủng hoảng mà
trong đó các ông tìm lại được chính mình. Khi đọc, chúng ta hãy cố
gắng chú ý vào những điều sau đây: “Cuộc biến hình đã xảy ra như thế
nào và phản ứng của các môn đệ về kinh nghiệm này là gì?
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ
giúp cho bài đọc:
Mc 9:2-4: Cuộc Biến Hình của
Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ
Mc 9:5-6: Phản ứng của ông Phêrô
về sự biến hình
Mc 9:7-8: Tiếng phán từ trời
giải thích ý nghĩa của sự Biến Hình
Mc 9:9-10: Giữ bí mật những gì
các môn đệ đã chứng kiến
c) Phúc Âm:
2 Sáu ngày sau đó, Chúa Giêsu đưa Phêrô,
Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt
các ông, 3 và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như
tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. 4 Rồi
Êlia và Môisen hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. 5 Bấy
giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây
thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho
Êlia". 6 Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều
hoảng sợ. 7 Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ
đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe
lời Người". 8 Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn
thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. 9 Và
trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại
cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các
ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống
lại nghĩa là gì?"
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài Tin Mừng mà bạn
thích nhất và phần nào đã tạo ảnh hưởng đến bạn nhất? Tại
sao?
b) Việc biến hình đã xảy ra như thế
nào và phản ứng của các môn đệ trước việc này ra
sao?
c) Tại sao Phúc Âm mô tả Chúa Giêsu
với quần áo trắng tinh chói lọi khi Người đàm đạo với các ông Môisen và
Êlia? Đối với Đức Giêsu, Môisen và Êlia là ai? Đối với
các môn đệ, các ông là ai?
d) Tiếng phán từ trời đã nói gì với
Chúa Giêsu? Và tiếng phán này nói gì với các môn đệ?
e) Ngày nay, chúng ta có thể biến
hình đời sống cá nhân và gia đình chúng ta và đời sống cộng đoàn nơi
chúng ta ở ra sao?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a. Bối cảnh thời bấy giờ và ngày nay:
Lời tiên báo về cuộc thương khó đã nhận chìm
các môn đệ vào cuộc khủng hoảng sâu xa. Các ông sống giữa những
người nghèo khó, nhưng trong tâm trí, các ông đã hoang mang bối rối như lời
tuyên truyền của nhà cầm quyền và các giới chức tôn giáo của thời các ông (Mc
8:15). Các giới chức tôn giáo đã dạy rằng Đấng Thiên Sai Mêssia sẽ
được vinh hiển và chiến thắng! Đó là lý do tại sao ông Phêrô đã phản
ứng mạnh mẽ chống lại thập giá (Mc 8:32). Khi một người bị kết án và
bị xử tử trên thập giá, kẻ ấy không thể là Đấng Cứu Thế; trái lại, theo Lề Luật
Thiên Chúa, kẻ ấy đáng bị xem như “bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đnl
21:22-23). Trong trường hợp này, trải nghiệm về việc Biến Hình của
Chúa Giêsu đã có thể giúp cho các môn đệ vượt qua được nỗi đau thương của Thập
Giá. Thực ra, tại lúc Biến Hình, Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh
quang và đàm đạo với các ông Môisen và Êlia về cuộc Thương Khó và sự Tử Nạn của
Người (Lc 9:31). Qua thập giá, sau đó là cuộc hành trình tiến đến
vinh quang.
Trong thời gian thập niên 70, lúc mà Máccô
đang viết sách này, Thập Giá là một trở ngại lớn cho người Do Thái chấp nhận
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Làm sao mà người ta có thể nhìn nhận một
người bị đóng đinh, đã chết như một kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội là Đấng Cứu
Thế mà họ đã mong đợi hằng nhiều thế kỷ được? Thập giá là chướng
ngại vật để người ta tin tưởng vào Chúa Giêsu. Họ
nói: “Thập Giá là một điều ô nhục” (1Cr 1:23). Cộng đoàn
Kitô hữu đã không biết phải trả lời như thế nào với các câu hỏi phê phán đặt ra
cho họ bởi các người Do Thái. Một trong những nỗ lực lớn của các
Kitô hữu tiên khởi là giúp cho mọi người thấy rằng thập giá không phải là một
sự ô nhục cũng chẳng là một điều điên rồ, mà đó chính là biểu hiện quyền năng
và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1:22-31). Tin Mừng Máccô góp
phần vào nỗ lực đó. Ông dùng văn bản từ Cựu Ước để mô tả cảnh Biến
Hình. Ông đã làm sáng tỏ các sự kiện của cuộc đời Chúa Giêsu và cho
thấy rằng Đức Giêsu đã hoàn thành các lời tiên tri và Thập Giá là con đường dẫn
đến Vinh Quang. Không chỉ có thập giá của Chúa Giêsu là vấn
nạn! Trong những năm 70, việc khủng bố thập giá là một phần của cuộc
sống mỗi ngày cho các Kitô hữu. Thật ra, chỉ trước đó một ít lâu,
hoàng đế Nêrô đã phát động cuộc đàn áp và nhiều người đã chết. Ngày
nay cũng vậy, có quá nhiều người chịu đau khổ bởi vì họ là Kitô hữu, và vì họ
sống theo Tin Mừng. Chúng ta sẽ tiến gần đến thập giá bằng cách nào
đây? Điều này có ý nghĩa gì? Với những câu hỏi này trong
tâm trí, chúng ta hãy suy gẫm và nhận xét về đoạn Tin Mừng của việc Biến
Hình.
b. Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
* Mc 9:2-4: Chúa
Giêsu biến hình.
Chúa Giêsu lên núi cao. Luca cho
biết thêm rằng Người lên đó để cầu nguyện (Lc 9:28). Ở đó, tại đỉnh
núi, Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang trước mặt các ông Phêrô, Giacôbê và
Gioan. Các ông Môisen và Êlia cũng cùng xuất hiện với
Người. Ngọn núi cao gợi nhớ lại núi Sinai, nơi mà trong quá khứ
Thiên Chúa đã cho dân chúng biết ý muốn của Người qua lề luật truyền cho
Môisen. Quần áo trắng tinh của Chúa Giêsu nhắc lại việc ông Môisen
được bao phủ bởi ánh sáng chói lòa bởi ông đàm đạo cùng Thiên Chúa trên Núi
Sinai và nhận lãnh các điều răn từ Thiên Chúa (xem Xh 34:29-35). Các
ông Êlia và Môisen, hai vị thủ lãnh có thẩm quyền của thời Cựu Ước, đàm đạo
cùng Chúa Giêsu. Ông Môisen đại diện cho Lề Luật và Êlia đại diện
cho các tiên tri. Luca nói rằng họ đã đàm đạo về cuộc Tử Nạn của
Chúa Giêsu tại Giêrusalem (Lc 9:31). Như vậy rõ ràng là Cựu Ước, cả
Lề Luật và các Tiên Tri, đã dạy rằng con đường đi đến vinh quang phải qua thập
giá (xem Is 53).
* Mc 9:5-6: Phêrô vui
thích trước những gì đang xảy ra nhưng ông không hiểu gì.
Phêrô lấy làm vui thích trước những gì đang
xảy ra và muốn thời gian hạnh phúc trên Núi được tồn tại. Ông đề
nghị xin dựng ba lều. Máccô cho biết rằng Phêrô đã hoảng sợ và không
rõ mình đang nói gì, và Luca thêm rằng các môn đệ thì đang ngủ mê mệt (Lc
9:32). Đối với các ông, cũng như đối với chúng ta, thật khó mà hiểu
được cây Thập Giá!
Bài kể lại việc biến hình bắt đầu với lời
khẳng định: “Sáu ngày sau đó”. Sáu ngày này là
ngày gì? Một số học giả giải thích cách nói này như
sau: Phêrô muốn dựng ba lều, bởi vì đó là ngày thứ sáu của
lễ lều. Đây là một ngày lễ hội rất phổ biến để kỷ niệm món quà của
Lề Luật Thiên Chúa và bốn mươi năm sống trong sa mạc. Để nhớ lại bốn
mươi năm này, người ta đã dành ra sáu ngày ở trong các lều trại tạm
thời. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Lễ Lều. Nếu họ
không thể cử hành được cả sáu ngày, thì tối thiểu họ phải cử hành vào ngày thứ
sáu. Câu khẳng định “sáu ngày sau đó” khi ấy sẽ là một ám chỉ về
ngày lễ lều. Đó là lý do tại sao Phêrô nhớ lại nhiệm vụ dựng
lều. Và cách tự nhiên, ông lên tiếng xin cho mình đi dựng
lều. Nhờ đó để Chúa Giêsu, các ông Môisen và Êlia có thể tiếp tục
đàm đạo.
* Mc 9:7: Tiếng phán
ra từ trời làm sáng tỏ sự kiện.
Ngay khi Chúa Giêsu được bao phủ trong vinh
quang, có tiếng nói từ trời phán ra: “Đây là Con Ta rất Yêu
Dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người!” Câu “Con rất Yêu Dấu”
gợi nhớ lại hình ảnh của Đấng Mêssia Tôi Tớ, được loan báo bởi tiên
tri Isaia (xem Is 42:1). Câu “Các ngươi hãy nghe lời Người” gợi nhớ
lại lời tiên tri đã hứa về Môisen mới sắp đến (xem Đnl 18:15). Trong
Chúa Giêsu, những lời tiên tri của Cựu Ước đang được viên mãn. Các
môn đệ không thể nghi ngờ điều này. Các Kitô hữu của những thập niên
70 cũng không thể nghi ngờ điều này. Đức Giêsu thật sự là Đấng Cứu
Thế vinh quang, nhưng con đường đi đến vinh quang phải trải qua cây thập giá,
lời công bố thứ hai được thực hiện trong lời tiên tri về Người Tôi Tớ (Is
53:3-9). Vinh quang của việc Biến Hình là bằng chứng cho điều
này. Các ông Môisen và Êlia đã xác nhận điều ấy. Chúa Cha
là Đấng bảo lãnh cho việc này. Chúa Giêsu nhận lãnh điều này.
* Mc 9:8: Chỉ có Chúa
Giêsu và không còn ai khác!
Máccô nói rằng sau thị kiến này, các môn đệ
chỉ thấy Chúa Giêsu và không còn ai khác. Điều nhấn mạnh về lời
khẳng định các ông chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu hàm ý rằng từ giờ trở đi Chúa Giêsu
là sự mặc khải duy nhất của Thiên Chúa cho chúng ta! Đối với các
Kitô hữu chúng ta, Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu, là chìa khóa để hiểu được
ý nghĩa đầy đủ của Cựu Ước.
* Mc 9:9-10: Giữ bí
mật những gì đã chứng kiến.
Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ không được nói
bất cứ điều gì cho bất cứ ai cho đến khi Người sống lại từ cõi chết, nhưng các
môn đệ không hiểu Người. Thật thế, bất cứ ai không liên kết sự đau
khổ với việc sống lại, thì không hiểu được ý nghĩa của Thập Giá. Đức
Giêsu thì mạnh hơn sự chết.
* Mc 9:11-13: Việc
trở lại của tiên tri Êlia.
Ngôn sứ Malakhi đã công bố rằng tiên tri Êlia
sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3:23-24). Lời công bố
tương tự cũng được tìm thấy trong sách Huấn Ca (Hc 48:10). Khi ấy,
làm sao mà Đức Giêsu có thể là Đấng Cứu Thế khi ông Êlia chưa trở
lại? Đó là lý do tại sao các môn đệ đã hỏi: “Tại sao các
Kinh Sư lại nói ông Êlia phải đến trước? (Mc 9:11). Câu trả lời của
Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia
đã đến, và họ đã đối xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”
(Mc 9:13). Chúa Giêsu đang nói đến Gioan Tẩy Giả, người mà vua Hêrôđê
đã ra lệnh giết (Mt 17:13).
c. Lời chú giải thêm:
i) Việc Biến Hình: sự
thay đổi diễn ra trong việc thực hành của Chúa Giêsu
Giữa cuộc xung đột với những người Biệt Phái
và người nhóm Hêrôđê (Mc 8:11-21), Chúa Giêsu đã rời miền Galilêa và đi đến
vùng Cêdarê Philíphê (Mc 8:27), nơi Người bắt đầu việc huấn luyện chuẩn bị cho
các môn đệ. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta
nói Thầy là ai?” (Mc 8:27). Sau khi nghe câu trả lời của các ông
rằng Người là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu bắt đầu nói về cuộc thương khó và cái
chết của Người (Mc 8:31). Phêrô liền phản ứng: “Xin Thiên
Chúa thương và đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Chúa
Giêsu trả lời: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Anh cản
lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người!” (Mc 8:33). Đây là thời gian khủng hoảng cho các môn đệ,
những người vẫn bám vào ý nghĩ về Đấng Thiên Sai vinh quang (Mc 8:32-33; 9:32),
không hiểu được câu trả lời của Chúa Giêsu và cố chuyển nó theo hướng
khác. Gần đến ngày Lễ Lều, (xem Lc 9:33), lúc sự kỳ vọng về Đấng
Thiên Sai phổ biến mạnh mẽ hơn bình thường. Chúa Giêsu lên trên núi
để cầu nguyện (Lc 9:28). Người đã vượt qua sự cám dỗ bằng lời cầu
nguyện. Mặc khải về Nước Trời thật là khác với những gì mà người ta
tưởng tượng. Chiến thắng của người Tôi Trung sẽ xảy ra thông qua bản
án tử hình (Is 50:4-9; 53:1-12). Thập giá đã xuất hiện ở chân trời,
không chỉ là sự có thể, mà là một sự chắc chắn. Từ lúc này trở đi sự
thay đổi diễn ra trong cách thực hành của Chúa Giêsu. Sau đây là một
số dấu chỉ quan trọng của thay đổi này:
Ít phép lạ. Thoạt đầu có nhiều phép
lạ xảy ra. Bây giờ, bắt đầu từ Mc 8:27; Mt 16:23 và Lc 9:18, các
phép lạ gần như là điều họa hoằn trong các việc làm của Chúa Giêsu.
Công bố về cuộc Thương Khó. Trước
đó có nói về cuộc thương khó như một điều có thể xảy ra (Mc
3:6). Bây giờ thì luôn nói về chuyện này (Mc 8:31; 9:9-31;
10:33-38).
Vác Thập Giá. Trước đó, Chúa Giêsu
công bố về việc Nước Trời sắp đến. Bây giờ Người nhấn mạnh về sự
cảnh tỉnh, đòi hỏi những ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo
(Mt 16:24-26; 19:27-30; 24:42-51; 25:1-13; Mc 8:34; 10:28-31; Lc 9:23-26,
57-62; 12:8-9, 35-48; 14:25-33; 17:33; 18:28-30).
Chúa giảng dạy cho các môn
đệ. Trước đó, Người giảng dạy cho dân chúng. Bây giờ
Người quan tâm đến việc huấn luyện các môn đệ. Người yêu cầu các ông
chọn lựa lần nữa (Ga 6:67) và bắt đầu chuẩn bị các ông cho sứ vụ trong tương
lai. Người đi ra khỏi thành phố để ở với họ và đào tạo cho các ông
(Mc 8:27; 9:28, 30-35; 10:10, 23, 28-32; 11:11).
Các dụ ngôn khác nhau. Trước đó,
các dụ ngôn mặc khải về mầu nhiệm Nước Trời hiện diện trong các việc làm của
Chúa Giêsu. Bây giờ, các dụ ngôn có chiều hướng về ngày phán xét
trong tương lai, vào ngày tận thế: chuyện những kẻ trồng nho sát
nhân (Mt 21:33-46); chuyện kẻ đầy tớ nhẫn tâm (Mt 18:23-35), chuyện những người
làm công vào giờ thứ mười một (Mt 20:1-16), chuyện hai người con (Mt 21:28-32),
chuyện tiệc cưới (Mt 22:1-14), chuyện mười nén bạc (Mt 25:14-30).
Đức Giêsu vâng theo ý muốn của Chúa Cha được
mặc khải về tình hình mới và quyết định lên đường đi về Giêrusalem (Lc
9:51). Người làm quyết định này với sự quyết tâm trong khi các môn
đệ, là những người không thể hiểu thấu được những gì đang xảy ra, lại sợ hãi
(Mc 10:32; Lc 18:31-34). Trong xã hội thời bấy giờ, việc công bố
Nước Trời như Chúa Giêsu đã công bố, là một điều không thể chấp nhận
được. Vì thế, hoặc là Người phải thay đổi nếu không thì Người phải
chết! Chúa Giêsu đã không sửa đổi lời công bố của
mình. Chúa tiếp tục trung thành với Chúa Cha và với những người
nghèo khó. Đó là lý do tại sao Người đã bị kết án tử hình!
ii) Việc Biến Hình và sự trở lại
của ngôn sứ Êlia
Trong Tin Mừng Máccô, cảnh biến hình được liên
kết với câu hỏi về sự trở lại của ngôn sứ Êlia (Mc 9:9-13). Trong
thời gian ấy, người ta đang mong đợi sự trở lại của ngôn sứ Êlia và đã không
nhận ra rằng Êlia đã trở lại trong con người của Gioan Tẩy Giả (Mc
9:13). Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày nay. Nhiều
người sống trong mong đợi sự trở lại của Chúa Giêsu và thậm chí còn viết trên
các bức tường của thành phố: Chúa Giêsu sẽ trở lại! Họ
không nhận thức được rằng Chúa Giêsu đã hiện diện trong cuộc sống chúng ta
rồi. Ngay cả bây giờ và sau này, giống như lằn chớp bất ngờ, sự hiện
diện của Chúa Giêsu xảy ra và tỏa sáng, biến đổi đời sống chúng
ta. Câu hỏi mà mỗi người chúng ta nên hỏi là: Đức tin của
tôi vào Chúa Giêsu đã có cho tôi một chút thời gian biến hình và vui mừng mãnh
liệt không? Làm thế nào mà những khoảnh khắc vui mừng ấy đã cho tôi
sức mạnh trong những lúc khó khăn?
6. Thánh Vịnh 27 (26)
Chúa là nguồn ánh sáng của tôi
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại!
xin thương tình đáp lại!
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.
Hãy cậy trông vào CHÚA.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ vì Lời
Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin
Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh
để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho
chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ
lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị
cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét