28/02/2015
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
I Mùa Chay
Bài
Ðọc I: Ðnl 26, 16-19
"Ðể ngươi trở
thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi".
Trích
sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê
đã nói với dân chúng rằng: "Hôm nay Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho
ngươi phải thi hành các lề luật và các huấn lệnh này; ngươi phải tuân giữ và thực
thi các điều đó hết lòng và hết tâm hồn. Hôm nay ngươi đã chọn Chúa làm Thiên
Chúa, thì hãy bước đi trong đường lối Người, tuân giữ các lề luật, giới răn và
huấn lệnh của Người; hãy vâng lệnh Người. Hôm nay Chúa đã chọn ngươi làm dân
riêng Chúa, như Người đã phán với ngươi, thì ngươi hãy tuân giữ mọi giới răn của
Người. Người sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi
dân tộc Người đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa
ngươi, như Người đã phán".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 118, 1-2. 4-5. 7-8
Ðáp: Phúc cho những
ai tiến thân trong Luật pháp của Chúa (x. c. 1b).
Xướng:
1) Phúc cho những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong Luật pháp của
Chúa. Phúc cho những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm
tìm Ngài. - Ðáp.
2)
Phần Chúa, Ngài ban bố những huấn lệnh, cốt để người ta tuân giữ hết sức ân cần.
Nguyện cho đường lối của con vững chắc, để tuân giữ các thánh chỉ của Ngài. -
Ðáp.
3)
Con ca tụng Chúa với lòng đoan chính, khi học hỏi những thánh dụ của Ngài.
Thánh chỉ của Chúa, con tuân giữ, xin Chúa đừng triệt để bỏ rơi con! - Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Am 5, 14
Các
ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ
ở cùng các ngươi.
Phúc
Âm: Mt 5, 43-48
"Các
ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu
thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù
địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và
nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự
trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống
trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến
trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như
thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi
hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như
Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Hãy
Nên Trọn Lành Như Cha Trên Trời
Nữ
tu Antoinet vẫn thường nhắc đến bệnh nhân già khó tính nhất trong bệnh viện, gặp
ai ông cũng nhăn nhó nạt nộ. Có chuyện gì khó chịu một chút là ông la lớn, rùm
beng lên. Ngày kia, đang lúc mải mê phục vụ các bệnh nhân, nữ tu Antoinet đã
nghe thấy tiếng bệnh nhân già đó hét lên: "Ðem cho tôi quả trứng". Nữ
tu Antoinet vui vẻ đem quả trứng đến cho ông, nhưng bệnh nhân già lại nhăn nhó:
"Trứng chưa chín đủ mà lại mang cho tôi ăn à?" và nữ tu Antoinet vui
vẻ mang trứng đi luộc lại. Nhưng rồi bệnh nhân lại kiếm lý do khác để gây phiền
hà đến nữ tu: "Trứng luộc chín quá, tôi không ăn nổi đâu. Tôi muốn trứng
khác".
Nữ
tu Antoinet không biết phải làm sao, chị bèn có sáng kiến chế một lò nấu nhỏ kê
ở bên giường ông, và trao cho ông một quả trứng để chính ông có thể nấu lấy
theo sở thích của mình. Người bệnh nhân thấy thế lại nổi giận lên hơn nữa. Ông
đạp đổ bếp, quẳng trứng xuống sàn nhà và quát lớn: "Tôi là bệnh nhân mà đi
luộc trứng à!" Nữ tu Antoinet chẳng nói nửa lời, chỉ biết thinh lặng cúi
xuống thu sạch và quét dọn. Lát sau, nữ tu đem đến cho bệnh nhân khó tính ấy một
quả trứng khác và nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: "Ông hãy dùng thử quả trứng
này, tôi luộc vừa chín mà thôi". Thái độ của nữ tu Antoinet đã làm cho bệnh
nhân cảm động và lập bập nói: "Cám ơn nữ tu. Tôi ăn trứng này và cũng ăn cả
lòng tốt của nữ tu nữa. Xin nữ tu tha thứ cho tôi".
Tình
thương bác ái phải được trải dài trong mọi giây phút, mọi hành động của cuộc sống.
Tình thương đó luôn bị thử thách bởi những thái độ nghi kỵ, đối nghịch, khắt
khe, khó thánh, thiếu cảm thông của những người sống xung quanh ta. Khi phải đối
diện với những người không thích mình, không hòa hợp, thông cảm với mình; thay
vì đối đầu trả đũa, thì hãy tự vấn mình xem có phải vì những tật xấu, những
khuyết điểm của mình đã khơi dậy thái độ đối nghịch hay không? Có thể đôi khi
chúng ta là thủ phạm đã gây nên những sự chống đối với người khác mà chúng ta lại
không hay biết. Cách sống, cách suy tư, cách hành động của ta không phù hợp với
những cách thức của anh em, hay cả những xúc phạm đến những anh em xung quanh
mà chính mình không hay biết. Chính vì thế mà ta cần phải kiểm điểm lại đời sống
của mình luôn để đừng khơi dậy những ngăn cách với người khác.
Nhưng
cũng có những trường hợp ta bị đối xử oan ức, bị ghét bỏ cách bất công vì niềm
tin của mình vào Chúa. Lúc đó chúng ta không còn gì khác đáp lại hơn là cầu
nguyện xin Chúa thêm sức mạnh, để ta có thể tha thứ và yêu thương họ đến cùng
như Chúa muốn. Và chúng ta cũng đừng bỏ cuộc, không rút lại điều tốt ta đang thực
hiện như nữ tu Antoinet trong câu chuyện kể trên: "Phúc cho kẻ bách hại vì
lẽ công chính, vì nước trời là của họ". Tình yêu thương kiên trì của ta chắc
chắn sẽ không trở thành vô ích, nhưng sẽ cảm hóa được người làm phiền lòng ta
vào lúc chỉ có Chúa biết mà thôi. Phần ta, ta chỉ cần biết một điều là:
"Hãy yêu thương cho đến cùng".
Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường
Hy Vọng" đã chia sẻ như sau: "Bác ái là tu đức liên lỉ. Tu miệng lưỡi,
tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc. Tất cả con người con
vùng vẫy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu". Hãy lấy một tờ giấy
và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không
hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu: "Tôi không muốn biết, không muốn nhớ
quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau,
giúp đỡ nhau và biết tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau".
Sống
bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định
chọn Chúa hay chối từ, và tìm nước Chúa là tin tưởng ở tình yêu vô bờ bến của
Ngài, là hành động với tất cả hăng say. Ðó là việc thể hiện đức mến Chúa và yêu
người ngay trong giây phút hiện tại. Ðó là những lời khuyến khích đầy kinh nghiệm
giúp mỗi người chúng ta sống sứ điệp Phúc Âm của Chúa xác thực hơn, hiệu quả hơn.
Ðặc
biệt Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: "Con hãy yêu
thương kẻ thù nghịch và làm ơn cho kẻ ghét con. Hãy cầu nguyện cho tất cả những
ai bắt bớ và nguyền rủa con, để các con trở nên giống Cha các con, Ðấng ngự
trên trời. Ngài làm ơn cho người lành, kẻ dữ và cho mưa xuống trên người liêm
khiết và kẻ bất lương. Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là
Ðấng hoàn hảo".
Mỗi
người Kitô hữu phải như tấm kính phản chiếu sự trọn lành tình yêu của Thiên
Chúa Cha. Nói theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày cuộc sống của chúng
ta phải chiếu sáng hơn, để anh chị em xung quanh có thể nhìn thấy mà ngợi khen
tình thương Thiên Chúa trên trời.
Lạy
Chúa, trên Thập Giá Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin
thương củng cố tình thương của Chúa trong tim con, để con mỗi ngày được tiến
thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I MC
Bài đọc: Deut 26:16-19; Mt
5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trở nên hòan thiện
bằng yêu thương kẻ thù.
Tự
do chọn lựa là hành động căn bản nhất của con người và được làm hằng ngày. Khi
phải chọn lựa, con người thường dựa trên một số tiêu chuẩn căn bản như: mục
đích, tiện lợi, dễ dàng, bền, rẻ, đẹp … Ví dụ, khi con người chọn những nhà
lãnh đạo để điều khiển quốc gia, thành phố, đòan thể, họ thường lựa chọn những
cá nhân có khả năng hơn người thường, để có thể chu tòan sứ vụ được trao phó.
Thiên
Chúa, Đấng dựng nên tất cả, cũng chọn lựa dân tộc và các cá nhân để thi hành
thánh ý của Ngài. Lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước thể hiện đầy đủ những sự
lựa chọn của Thiên Chúa: chọn Israel, Abraham, Moses, Aaron, Joshua, Vua Saul,
các tiên-tri, Chúa Giêsu … Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến lý do tại sao
Thiên Chúa chọn dân tộc hay nhóm người. Trong Bài Đọc I, tác giả đưa ra lý do tại
sao Thiên Chúa chọn dân tộc Israel là dân tộc riêng của Ngài: để tuân giữ các
thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các
môn đệ phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, vì các môn đệ được kêu gọi
để trở nên hòan thiện như Cha trên trời là Đấng hòan thiện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Phải hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa.
1.1/
Israel là dân tộc được Thiên Chúa chọn: Một trong những điều chính yếu Sách Đệ Nhị Luật muốn
nhấn mạnh tới là Thiên Chúa chọn Israel. Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là
Thiên Chúa của anh em, và anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người. Anh em
sẽ là một dân tộc thánh hiến cho Đức Chúa. Tại sao Thiên Chúa chọn Israel trong
bao nhiêu những dân tộc khác? Thiên Chúa chọn dân tộc Do-Thái vì họ là con cái
của tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa chọn và chúc lành cho giòng dõi Abraham, vì Tổ
phụ hết lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài.
1.2/
Dân tộc được chọn phải khác với các dân tộc khác: Vì Israel là dân tộc
được chọn, nên họ phải phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tác giả Sách Đệ
Nhị Luật liệt kê bổn phận và quyền lợi của dân tộc Israel:
(1)
Bổn phận: “Anh em phải đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em
phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.”
(2)
Quyền lợi: “Thiên Chúa sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về
vinh dự, danh tiếng, và vinh quang.”
Sự
lựa chọn của Thiên Chúa là lựa chọn có điều kiện: Ngài lựa chọn dân tộc Israel
để thi hành ý muốn của Ngài. Một cách cụ thể qua Giao Ước Sinai với Moses: Nếu
họ giữ các giới luật của Thiên Chúa, họ sẽ là dân riêng của Ngài, và được Ngài
che chở và gìn giữ. Nếu không, Thiên Chúa sẽ không nhận và không bảo vệ họ nữa.
Các tiên tri của Cựu Ước đã nhiều lần nhắc nhở dân về sự bất trung của họ và
cơn giận của Thiên Chúa.
-
Amos: Tôi thấy Chúa Thượng đứng bên cạnh bàn thờ. Người phán: "Đập vào đầu
trụ cho khung cửa lung lay! Phá khung cửa cho vỡ tan trên đầu cả bọn! Những đứa
còn sót lại, Ta sẽ giết bằng gươm. Trong bọn chúng, không một tên trốn nổi,
trong bọn chúng, không một đứa thoát thân” (9:1).
-
Hosea: “Khốn cho chúng vì chúng đã lìa bỏ Ta. Chúng sẽ bị tiêu diệt, vì đã dám
xúc phạm đến Ta. Ta, Ta muốn giải cứu chúng, còn chúng lại nói lời gian dối phạm
đến Ta” (7:13).
2/
Phúc Âm:
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
2.1/
Hãy yêu thương kẻ thù: Chúa
Giêsu biết rõ những gì Luật dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Nhưng
Ngài dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh
em.” Ngài biết con người không dễ để yêu kẻ thù; nhưng con người có thể làm được
chuyện đó nếu họ được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa.
-
Điểm đầu tiên chúng ta cần chú ý là động từ “yêu,” đặc biệt dùng ở đây là
avgapa,w. Động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Hai động từ
yêu khác trong tiếng Hy-Lạp là ejréevw và file,w. Con người phải thấm nhuần
tình yêu Thiên Chúa trước: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây
nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Jn 15:4). Sau khi thấm nhuần
tình yêu Thiên Chúa, họ có thể yêu kẻ thù bằng tình yêu này: “Như Thầy yêu anh
em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Jn 13:34).
-
Cầu nguyện cho kẻ thù là cách tốt nhất để tha thứ và bắt đầu yêu thương họ. Nếu
không cầu nguyện cho họ, cũng không thể tha thứ. Chúa Giêsu không chỉ dạy,
nhưng Người đã làm gương cho môn đệ, khi cầu xin cho những người đã bách hại
Ngài trên Thập Giá: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng
làm” (Lk 23:34). Thánh Stephanô, tử đạo tiên khởi, cũng bắt chước gương Chúa
Giêsu: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Acts 7:60).
2.2/
Lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 2 lý do:
(1)
Anh em là con Thiên Chúa: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Chúa
yêu thương mọi người, vì mọi người đều là con cái của Ngài: “Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính.” Chúng ta yêu thương mọi người, vì mọi người
đều là anh chị em chúng ta. Hơn nữa,
-
Anh em phải khác người thu thuế: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình,
thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế
sao?”
-
Anh em phải khác người ngọai đạo: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi,
thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế
sao?”
(2)
Được kêu gọi để trở nên hòan thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em
trên trời là Đấng hoàn thiện.” Trở nên hòan thiện đòi một luật sống khác với
người thường; nếu không chúng ta cũng chỉ là người tầm thường như họ. Nhưng nếu
họ nhìn thấy nơi chúng ta một lối sống không tầm thường, họ có thể nhận ra
chúng ta là con cái Thiên Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy
ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta là những người được chọn để sống cho Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải
sống theo lối sống của Thiên Chúa đề ra.
-
Một trong những đòi hỏi của lối sống môn đệ Chúa là phải yêu thương kẻ thù và cầu
nguyện cho những người bách hại chúng ta. Từ chối không thi hành điều Chúa
Giêsu dạy cũng đồng nghĩa với việc từ chối làm môn đệ Chúa.
-
Để có thể thực hiện điều khó khăn này, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu của
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
28/02/15 THỨ BẢY TUẦN 1 MC
Mt 5,43-48
Mt 5,43-48
Suy niệm: Chuyện
kể rằng một khách bộ hành thấy một cậu bé vừa đói vừa lạnh run, đang ngồi ăn
xin nơi lề đường, ông liền nghĩ: “Sao Chúa không làm gì để giúp cậu bé này
nhỉ?” Tức thì ông ta nghe tiếng Chúa nói trong lòng: “Ta có làm rồi!” Người bộ
hành thắc mắc: “Con có thấy Chúa làm gì đâu?” Và ông liền nghe tiếng Chúa nói:
“Ta đã dựng nên con đó.” Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa,
không chỉ ở sự tự do và thánh thiện, mà còn ở khả năng yêu thương như Ngài. Mỗi
người mang nơi mình khuôn mặt của Thiên Chúa và bổn phận của mỗi người chúng ta
làm cho mình ngày càng nên hoàn thiện như chính khuôn mẫu đã dựng nên chúng ta
là chính Thiên Chúa mang khuôn mặt của Tình Yêu.
Mời Bạn: Mùa
Chay mời gọi bạn nhìn lại thân phận của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, và
nhìn đến đích đến của cuộc đời mình là trở nên hình ảnh hoàn hảo đó. Mùa Chay
mời gọi bạn hoán cải, hy sinh và tập nhân đức để sống thánh thiện và yêu thương
như Chúa.
Chia sẻ: Điều
gì đang cản trở, làm bạn không thể hy sinh và sống yêu thương nhiều hơn, trong
gia đình và trong nơi làm việc của bạn?
Sống Lời Chúa: “Hãy
nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”, là lời nhắc nhở ý
thức về thân phận của tôi và là gương mẫu cho tôi sống trong mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm sức mạnh, để con có thể can đảm sống
hoán cải và hy sinh, để con biết ngày càng nên hoàn thiện, biết sống tha thứ và
yêu thương như Chúa. Amen.
Yêu kẻ thù
Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha
nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ. Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con
được Cha yêu như tôi.
Suy niệm:
“Tại
sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin
vào sự
hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.”
Đó là
một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi
cho anh
Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma.
Nhưng
ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh.
Vào Đại
Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá.
Điều
đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.
“Hãy
yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43).
Thật ra
Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù,
nhưng
ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh.
“Lạy
Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?...
Con
ghét chúng, ghét cay ghét đắng,
chúng
trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22).
Đức
Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44),
Nhưng
vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai?
Là quân
xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22).
Là
những người đồng hương thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu.
Là
những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu.
Đức
Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình.
Tình
yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.
Hãy yêu
kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên.
Yêu là
một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể.
Yêu là
cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ.
“Tôi
luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”,
Đức
Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.
Yêu kẻ
thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45),
trở nên
giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính.
Trở nên
con cái Cha là tiến trình dài một đời,
xuyên
qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên.
Cha yêu
mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện.
Chúng
ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha
nhờ yêu
kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48).
Kẻ thù
cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi.
Chúng
ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình,
những
người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa.
Tôi sẽ
làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có
những ngày
đón
nhận những người khác
là điều
vượt quá sức con,
vì con
kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có
những ngày
con
không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý
kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có
những ngày
mà yêu
mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói :
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm
cho chính Ta.”
(Trích
trong PRIER)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG HAI
Đức Kitô – Chóp Đỉnh Của Giao Ước
“Đức Chúa đã thiết lập một giao ước với Abram” (St 15,18). Xuyên
suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đặc biệt kết hợp mật thiết với Thiên Chúa
– Đấng đã tự kết ước với chúng ta. Thiên Chúa của đức tin chúng ta là Đấng Tạo
Hóa và là Chủ Tể của hoàn vũ. Ngài là Thiên Chúa uy phong khôn sánh song cũng
đồng thời là Đấng tự hạ mình xuống để kết ước với chúng ta.
“Cha đã nhiều lần kết ước với loài người” – đó là lời chúng ta đọc
trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV. Lời kinh ấy đưa ta về với các tổ phụ của mình
trong đức tin – tới tận tổ phụ Nô-e.
Giao ước với Abram – được nhắc đến trong phụng vụ – đánh dấu một
khởi đầu mới cho câu chuyện của dân Thiên Chúa: “Hãy nhìn lên bầu trời và đếm
các vì sao … Dòng dõi của ngươi cũng sẽ đông đúc như vậy” (St 15,5). Thật vậy,
dòng dõi của ông trở thành vô cùng đông đúc. Có lẽ hơn một nửa nhân loại hiện
nay (những người DoThái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo) tự nhận mình là con cái
thiêng liêng của Abraham – nhân vật mà Thánh Phao-lô gọi là “cha của đức tin
chúng ta” (Rm 4,11).
Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi làm mới lại giao ước
với Thiên Chúa – một giao ước bắt nguồn từ đức tin của Abraham. Giao ước này
đạt đến sự hoàn thành của nó nơi Đức Kitô. Điều này được Tin Mừng làm chứng một
cách hùng hồn. Hằng năm, trong Mùa Chay, Giáo Hội đưa chúng ta lên núi Ta-bo. Ở
đó, trước sự chứng kiến trực tiếp của Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, mạc khải
hoàn toàn về giao ước đã hiển hiện ra – từ Abraham cho đến Giê-su Na-da rét,
Đấng Mê-si-a. Chúng ta gặp thấy Mô-sê và Ê-li-a ở bên cạnh Đức Giêsu. Các ngài
đại diện cho Lề Luật và các ngôn sứ – tức những cột mốc trong giao ước của
Thiên Chúa với con cháu Abraham. Và tất cả mạc khải của Thiên Chúa biểu hiện
qua Luật và các ngôn sứ đưa dẫn chúng ta đến với Đấng mà Chúa Cha nói về Người
như sau: “Đây là Con Ta, kẻ Ta tuyển chọn; hãy nghe lời Người” (Lc 9,35).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-02
Đnl 26,16-19; Mt 5,43-48.
LỜI SUY NIỆM: “Anh
em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy
bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như
vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em. Đấng ngự trên trời”
Trong Cựu Ước, dân Chúa là một dân nhỏ bé sống chung đụng với
nhiều dân tộc đông và mạnh hơn với văn hóa riêng của họ; nên dân của Chúa cần
được tự vệ, để bảo vệ dân tộc mình, bằng những điều luật cần thiết, những điều
luật của Cựu Ước trong việc báo thù có một giới hạn nhất định, theo như lúc bấy
giờ đã là một sự văn minh và nhân đạo lắm rồi, những điều Luật của Cựu Ước
không gây tổn thương trầm trọng. Nhưng đến thời Tân Ước Chúa Giêsu đã tháo gỡ
những điều luật đó, không còn việc trả thù, nhưng hoàn toàn dựa vào tình yêu
thương, và tôn trọng nhân vị, vì tất cả mọi con người là hình ảnh của Thiên
Chúa, xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Trong giáo huấn xã hội Công Giáo đang hướng dẫn
chúng con khi sống với nhau cần có bốn nguyên tắc căn bản: Nhân vị, Công ích,
Liên đới và Bổ trợ. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, hiểu biết
Giáo Huấn của Giáo Hội khi sống trong cộng đồng nhân loại.
Mạnh Phương
28 Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của
tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang
và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã
cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi
đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi
mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại
chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ
hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui
trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc
khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac;
Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một
trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng:
một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những
người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc
sống với tha nhân.
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa
Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì
chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc
dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ
thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói:
"Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn
luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã
nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành
quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng
đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết
như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn
giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm
mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho
gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương
vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha:
những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là
anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh
em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm
Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự
chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét