Trang

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Myanmar

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Myanmar

Trong các ngày từ 27 tới 30 tháng 11 ĐTC Phanxicô sẽ công du  Myanmar, và sau đó sẽ viếng thăm Bangladesh cho tới ngày mùng 2 tháng 12. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị đất nước và Giáo Hội Myanmar.
Cộng hoà hiệp nhất Myanmar, hay cũng đã thường được gọi là Birmania, rộng 658.500 cây số vuông và có 55,5 triệu dân. Tên gọi Birmania phát xuất từ Bama là ngôn ngữ địa  phương. Trong tiếng Birma từ Birmania ám chỉ Bama cũng như  Myanma. Myanma là từ được dùng trong các danh sách cũng như trong các tác phẩm văn chương, trong khi Bama là hình thức phổ biến hơn trong ngôn ngữ đối thoại, và cả hai từ Burma và Birmania đều phát xuất từ đó. Theo giải thích của chính quyền quân đội, từ Burma liên quan tới chủng tộc đông nhất là Bamar vì thế không được các chủng tộc thiểu sốc khác ưa thích. Trong khi Myanmar, được chính quyền áp đặt từ năm 1988, phát xuất từ chữ Myanma hay Myama không phải là tên chủng tộc. Sau đó chính quyền thêm chữ r để cho dễ đọc trong tiếng Anh. Các nước Liên Hiệp Âu châu sử dụng cả hai tên gọi Myanmar hay Burma. Các chính quyền Anh, Hoa Kỳ, Canada và Australia tiếp tục dùng từ Burma. Trong khi Liên Hiệp Quốc các quốc gia khối ASEAN. Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ dùng từ Myanmar.
Myanmar giáp giới với các nước Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Myanmar bao gồm 135 chủng tộc khác nhau. Chủng tộc lớn nhất là Bamar chiếm 69% tổng số dân. Tiếp đến là chủng tộc Shan chiếm 9%, Karen chiếm 7%, Rakhine chiếm 4%, Người Tầu chiếm 3%, người Chin chiếm 2,94%, người Mon chiếm 2,73%, người Ấn Độ chiếm 2,35% các chủng tộc khác chiếm 4%. Tuy nhiên, trong tiểu bang Shan có tới 33 nhóm dân nói ít nhất 4 thứ tiếng khác nhau. Hiện nay ngôn ngữ chính là tiếng Birma thuộc gia đình các thứ tiếng Sinotibetane đông ngưòi nói nhất. Nhưng có bốn nhóm ngôn ngữ chính là sinotibetane, Austronesiano, Tai-kadai và Indoeuropeo. Chúng bao gồm tiếng Birmano, Karen, Kachin, Chin và Tầu. Tiếng Tai-kadai phổ biến nhất là Shan, Mon, Palaung và Va. Hai nhóm Indoeuropeo lớn nhất là Pali là ngôn ngữ phụng vụ của Phật giáo Theravada, hay  Phật Giáo Nguyên Thủy, cũng còn gọi là  Phật Giáo Nam Tông, Phật giáo Nam Truyền hay Tiểu Thừa, là tôn giáo cuả 89% người dân Myanmar, đặc biệt của người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Tầu. Hồi giáo chiếm khoảng 4% đa số là hồi giáo Sunnít sống trong vùng Rakhine, trong đó có chủng tộc Rohingya.
** Vào thế kỷ thứ I trước công nguyên vùng đất này có người Pyu sinh sống và buôn bán với Trung Hoa và Ấn Độ.  Vương quốc Pyu phồn thịnh nhất là Sri Ksetra, nhưng biến mất vào năm 656. Tiếp theo đó vương quốc Pyu được tái lập, nhưng vào thế kỷ XI bị vương quốc Nanzhao trong tỉnh Vân Nam hiện nay đánh bại. Người Birma hay Bamar từ Tây Tạng bắt đầu di cư tới đây sinh sống vào thế kỷ thứ IX và thành lập nhiều vương quốc tiếp nối nhau. Vào thế kỷ XI vương quốc Pagan hùng mạnh trở thành đế quốc Birma thứ nhất, nhưng sau đó bị người Mông Cổ xâm lăng. Vào thế kỷ XVI vương quốc Toungoo thống nhất đất nước làm thành đế quốc Birma thứ hai. Các cuộc nội loạn và khủng hoảng kinh tế khiến cho vương quốc Toungoo sụp đổ. Vào thế kỷ XVIII đế quốc Birma thứ ba được thành lập. Trung Hoa tính xâm lăng Myanmar 4 lần nhưng thất bại. Vào thế kỷ XIX chiến tranh Anh Birmania bùng nổ biến Birmania thành thuộc địa của Anh quốc.
Năm 1942 trong thế chiến thứ hai người Nhật trục xuất người Anh khỏi Birmania. Dưới sự lãnh đạo của ông Aung San, thân phụ bà San Suy Kyi, Birmania trở thành quốc gia độc lập. Năm 1947 ông Aung San và nhiều chính trị gia bị ám sát. Năm sau đó Birmania trở thành Cộng hoà độc lập gọi là Birmania hiệp nhất. Các chủng tộc thiểu số cũng bắt đầu đòi trở thành liên bang, họ phát động chiến tranh du kích chống chính quyền trung ương và bị đàn áp tàn bạo. Năm 1962 chính quyền dân chủ bị quân đội đảo chánh và từ đó trở đi Myanmar phải sống dưới chế độ độc tài quân phiệt. Chiến tranh du kích tiếp diễn giữa quân chính phủ và các nhóm chủng tộc khác nhau.
Ngày mùng 6 tháng 11 năm 2005 thủ đô đã được rời từ Yangon về Pyinmana, và từ ngày 27 tháng 3 năm 2006 được chính thức gọi là Naypyidau, có nghĩa là “trụ sở của nhà vua”. Từ năm 2010 chính quyền quân đội bắt đầu một loạt các cải tổ từ từ trên bình diện chính trị, bằng cách tái lập chính quyền dân sự, trả tự do cho các chính trị gia đối lập, trong đó có bà San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên minh dân chủ quốc gia. Chính quyền quân đội cũng tổ chức bầu cử quốc hội một phần năm 2012 và toàn diện năm 2015.
Kitô giáo đã được rao truyền tại Myanmar cách đây 500 năm, nhưng hiện chỉ chiếm 4% tổng số dân, bao gồm người Kachin, Chin và Karen, là các vùng đã có các thừa sai nước ngoài tới làm việc và rao giảng Tin Mừng. Khoảng ba phần tư kitô hữu theo Tin Lành, đặc biệt là Tin Lành Baptist. Giáo Hội Công giáo có khoảng 450.000 tín hữu, tức chiếm hơn 1%. Trong mấy thập niên đầu số tín hữu chỉ được 55.000 và chỉ gồm các chủng tộc thiểu số, nhất là các nhóm gốc Ân Độ. Vị Giám Mục đầu tiên của Giáo Hội Myanmar là ĐC U Win được truyền chức năm 1954. Năm 1962 tướng Ne Win lên nắm quyền và áp đặt  chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa. Chính quyền quân phiệt xã hội đã quốc hữu hoá các trường học và cơ sở bác ái của Giáo Hội. Các thừa sai ngoại quốc đến làm việc tại Myanmar sau năm 1948 đều bị nhà nước độc tài Myanamar trục xuất.
** Hiện nay Giáo Hội công giáo có 3 tổng giáo phận là Yangon, Mandalay, Taunggyi và 13 giáo phận. Giáo tỉnh Yangon bao gồm 4 phận Hpa-an, Mawlamyine, Pathein và Pyay. Giáo tỉnh Mandaly bao gồm 5 giáo phận Banmaw, Hakha, Kalay, Lashio và Myitkyina. Giáo tỉnh Taunggyi bao gồm 4 giáo phận Kengtung, Loikaw, Pekhon, Taungngu. Nhân lực của Giáo Hội gồm 22 Giám Mục kể cả các vị về hưu, khoảng 800 Linh Mục, 140 tu huynh và 1.400 nữ tu, gần 700 tiểu và đại chủng sinh và khoảng 2.400 giáo lý viên.
Cho tới năm 2017 đã không có các liên lạc ngoại giao chính thức giữa Toà Thánh và Myanamar, nên đã chỉ có Đức Khâm Sứ sống tại Thái Lan. Nhưng ngày mùng 4 tháng 5 năm nay sau khi bà San Suu Kyi, ngoại trưởng Myanmar, gặp ĐTC Phanxicô, Toà Thánh đã công bố hai bên thiết lập các liên lạc ngoại giao trên bình diện đại sứ và Toà Sứ Thần. ĐTGM Paul Tschang In-Nam người Đại Hàn được chỉ định làm Sứ Thần Toà Thánh Myanmar. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Charles Bo, TGM Yangon, cũng là bạn của bà San Suu Kyi. Theo ĐHY Giáo Hội công giáo Myanmar tuy là một thiểu số nhưng có thể là động lực giúp xây dựng quốc gia, củng cố hoà bình hoà giải và góp phần thăng tiến phát triển nhân bản, giáo dục và các quyền con người hữu hiệu, đặc biệt quyền của các chủng tộc thiểu số. Trong dịp này bà Cecilia Brighi, sáng lập viên “Hiệp hội Italia Birmania cùng nhau” cũng đã gặp ngoại trưởng San Suu Kyi để nghiên cứu các cách thức cộng tác giữa hai nước. Bà nói: Tuy là một thiểu số nhưng Giáo Hội Công giáo nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc đối thoại liên tôn. ĐHY Bo là một gương mặt nổi bật trong bối cảnh này, vì ngài có một cái nhìn xa rộng về vai trò xã hội chính trị của các tổ chức tôn giáo. Cuộc gặp gỡ với ĐTC là một dấu hiệu quan trọng của việc thừa nhận vai trò của Giáo Hội cả trên bình diện xã hội, sự trong sáng trong cuộc chiến chống lại nạn gian tham hối hộ, nhằm góp phần củng cố tiến trình dân chủ hoá Myanmar. Cuộc gặp gỡ này cũng là một dấu chỉ quan trọng đối với giới quân nhân cầm quyền, là những người trong một vài vùng đã dưỡng nuôi bạo lực chống lại các kitô hữu. Theo bà, đất nước càng bất ổn thì các quân nhân lại càng có thể nắm nguyên quyền lực chính trị và kinh tế trong tay.
Thật ra, hiện nay bà San Suu Kyi và chính quyền Yangon phải đương đầu với nhiều nhiệm vụ to lớn: tái tổ chức nền kinh tế cho tới nay vẫn bị các quân nhân kiểm soát; phổ biến phát triển tiến bộ giữa đa số dân còn đang phải sống trong cảnh nghèo túng bần cùng; hoà giải dân tộc với các chủng tộc khác nhau sau mấy chục năm nội chiến. Trong số các vấn đề nóng bỏng cũng có tình trạng đàn áp bách hại chủng tộc Rohingya theo hồi giáo khiến cho trong các tháng qua đã có 600 ngàn người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh. Trong nhiều buổi tiếp kiến và đọc Kinh Truyền Tin ĐTC Phanxicô cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Myanmar và cộng đồng quốc tế tìm giải pháp xứng đáng cho dân tộc Rohingya.
** Từ năm 2012 tới nay các đụng độ giữa các phật tử cuồng tín và người Rohingya theo Hồi giáo đã khiến cho ít nhất 300 người chết và 140 ngàn người phải tản cư. Và trong các tháng qua số người Rohingya lánh nạn đã lên tới 600 ngàn. ĐHY Charles Bo cho biết chính trong tình hình căng thẳng và bạo lực chủng tộc và tôn giáo này Giáo Hội công giáo  có thể góp phần tái thiết quốc gia, qua các công tác giáo dục, các trường học và cơ sở y tế và bác ái xã hội.  Tuy nhiên chính Giáo Hội công giáo cũng còn phải đương đầu với nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Tuy hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng đất Myanmar cách đây 500 năm, nhưng số tín hữu Kitô chỉ chiếm 5% tổng số dân. Linh mục Simon Pau Khan En, giáo sư Học viện Thần Học  Myanmar, cho biết cho tới nay Kitô giáo vẫn bị coi là một tôn giáo ngoại lai xa lạ với người dân vì 3 lý do: thứ nhất người dân Myanmar đồng hoá  Kitô giáo với chế độ thực dân; thứ hai là thái độ tiêu cực của các thừa sai đối với tôn giáo và nền văn hóa dân gian; và thứ ba là các vụ theo Kitô giáo ồ ạ của các nhóm bộ lạc.
Thật ra, các lý do kể trên là các hậu quả của các vết thương sâu đậm do lịch sử quá khứ và sự yếu đuối của nhân dân Myanmar gây ra. Để có thể xoá bỏ hay thắng vượt được các hiểu lầm này của quá khứ, các Giáo Hội Kitô Myanmar  phải nhìn lại quá khứ và  thay đổi kiểu loan báo Tin Mừng cho dân chúng, đặc biệt giữa các phật tử chiếm đa số dân.
Các vết thương đầu tiên xảy ra dưới thời vua Maha-dhamma-yaza. Hồi đó có một người Bồ Đào Nha tên là Philip de Brito tự phong là thống đốc Syriam tức miền Nam Birmania, ông cho xây một nhà thờ rồi mạ lỵ các tâm tình tôn giáo của dân chúng, bằng cách phá huỷ các chùa chiền và bắt dân chúng theo Kitô giáo.
Tiếp theo đó ngay từ năm 1885 khi vua Thibaw vì vua Birma cuối cùng bị truất phế, toàn vùng Myanmar Hạ rơi vào ách thống trị của Anh quốc, trong khi vùng bắc do vua Mindon cai trị. Người Anh tàn phá bình địa hệ thống quân chủ cũ, huỷ bỏ các ủy ban phật giáo và các chức sắc cùng rất nhiều cơ cấu truyền thống địa phương  như hội đồng các tộc trưởng. Chính quyền Anh khước từ không che chở Phật giáo và các trường của các tu viện phật giáo. Một số trường bị thay thế bằng các trường kitô do các thừa sai điều khiển và dậy bằng tiếng Anh. Tiến trình thay thế và tiêu diệt các nền tảng truyền thống của các cộng đoàn và nền giáo dục phật giáo khiến cho dân chúng phẫn uất.
Với việc huỷ bỏ Hội đồng phật giáo Sangha, là cơ cấu quyền bính tối cao của Phật giáo, loại trừ Phật giáo như quốc giáo, huỷ bỏ các nền tảng quân chủ truyền thống của cộng doàn Phật giáo và nền giáo dục đan tu, cuộc sống của người dân Myanmar bắt đầu tan vỡ. Đây là các lý do tạo ra sự thù nghịch đối với Kitô giáo làm nảy sinh ra các vụ biểu tình của sinh viên học sinh năm 1930 và phong trào bài lược đồ gồm 3 chữ M do người da trắng thực dân áp đặt: Mercanti thương gia, Militari, quân đội, Missionari thừa sai. Đây là đường lối chính trị được chính quyền Anh, và các cứ điểm truyền giáo kitô tin lành ủng hộ đặc biệt trong các thập niên 1930.
Tuy nhiều chuyện đã thuộc quá khứ, nhưng các hậu quả của chúng vẫn tồn tại và  trong chuyến công du ĐTC Phanxicô cũng phải ít nhiều đương dầu với các vấn đề và tình hình căng thẳng hiện nay tại Myanmar.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét