Cầu nguyên cho người già
Trong tháng 12 tới này ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta cầu
nguyện cho người già, để được nâng đỡ bởi các gia đình và cộng đoàn kitô, họ cộng
tác vào việc thông truyền đức tin và việc giáo dục các thế hệ mới với sự khôn
ngoan và kinh nghiệm của họ.
Từ nhiều thập niên qua các nước tây âu càng ngày càng lún
sâu trong “mùa đông dân số”. Các gia đình có quá ít con hay không có con cái nữa,
trong khi đó số người già ngày càng gia tăng và sống lâu hơn vì các điều kiện
kinh tế, y tế và an sinh trong xã hội ngày càng cao hơn. Sự kiện “xã hội già
nua” là một trong các vấn đề nghiêm trọng của các xã hội tây âu. Italia là một
trong các thí dụ điển hình, vì là nước tây âu có đông người già nhất.
Theo bản tường trình “Quan sát sức khỏe 2016” được công bố hồi
tháng 4 năm 2017 hiện nay Italia có hơn 23% trên tổng số 60 triệu dân là người
già trên 65 tuổi. Bản tường trình chia nguời già thành ba loại. Loại thứ nhất gọi
là “những người giả trẻ” tức thuộc lứa tuổi 65-74 gồm hơn 6,5 triệu, tức
chiếm 10,8% tổng số dân. Loại thứ hai gồm những người già trung niên thuộc lứa
tuổi 75-84 gồm hơn 4,8 triệu người, tức chiếm 8% tổng số dân. Và loại thứ ba là
những “người già khụ” tức hơn 84 tuổi gồm gần 2 triệu người, tức chiếm 3,3% tổng
số dân.
Nói chung trong cả ba loại tuổi già số phụ nữ đều đông hơn
nam giới. Và người miền Bắc Italia sống thọ hơn người miền nam Italia. Lý do là
vì tại miền nam Italia người dân có ít tài nguyên kinh tế; các dịch vu y tế
cũng thấp kém hơn, và các đường lối chính trị an sinh cũng không hữu hiệu bằng.
Do đó số người chết dưới 70 tuổi tại miền nam Italia cũng cao hơn.
Trong xã hội sản xuất tiêu thụ và hưởng thụ người già bị coi
như “các thành phần vô ích”. Lý do vì họ không còn làm việc được nữa, cũng
không có nhiều nhu cầu nên chi tiêu ít, không mua sắm nhiều, và cũng không ham
hưởng thụ những gì cuộc sống kỹ thuật tân tiến cống hiến cho họ như các phương
tiện máy móc tối tân của thế giới điện toán. Chính vì là giai tầng không đem lại
lợi nhuận cho xã hội nên người già bị khinh thường và gạt bỏ bên lề cuộc sống.
Nhưng đây lại là một trong những quan niệm sai lầm tai hại của xã hội kỹ thuật
tân tiến ngày nay, lúc nào cũng chỉ lấy lợi nhuận làm tiêu chuẩn đánh giá mọi sự
trong cuộc sống, mà quên đi các giá trị đích thực sâu xa của cuộc đời con
người. Những giá trị sâu xa này không thể đong đếm hay mua được bằng tiền bạc.
Có đúng thật là người già không ích lợi bao nhiêu cho xã hội sản xuất tiêu thụ
và hưởng thụ, nhưng không phải vì thế mà họ không thể đóng góp gì cho xã
hội.
Người già, bắt đầu từ ông bà cha mẹ của từng người trong
chúng ta, là cội nguồn sự sống của chính chúng ta, với kho tàng tình yêu
thương ấp ủ và sự khôn ngoan đức độ mà các ngài truyền lại cho chúng ta. Dòng
sông các giá trị thiêng liêng, luân lý, đạo đức này vẫn liên tục chảy từ
con tim của các ngài vào cuộc sống của từng người trong chúng ta, cho dù chúng
ta có ý thức được, có nhận ra và có trân quý hay không. Dòng chảy yêu thương
đem theo các giá trị nhân bản, luân lý đạo đức và tinh thần, thiêng liêng, siêu
việt ấy vẫn tiếp tục tuôn trào, cả khi chúng ta chối từ và không muốn tiếp nhận.
“Tre già măng mọc”, cuộc sống con người, cuộc sống gia đình,
cuộc sống xã hội sở dĩ có thể tiếp tục chính là vì có dòng chảy hữu hình và vô
hình ấy của tình yêu thương, của sự khôn ngoan của ông bà cha mẹ, của các thế hệ
đi trước. Như cuộc sống của một cái cây, những lá uá vàng rụng xuống, rời cành,
nhường chỗ cho lớp lá xanh tiếp nối, nhưng chúng vẫn tiếp tục sinh ích lợi, và
có lẽ còn ích lợi hơn, vì chúng trở thành phân bón cho cây tiếp tục ra lá, đơm
nụ, nở hoa và cho quả.
Chỉ một hình ảnh đó thôi cũng đủ minh chừng cho thấy ông bà
cha mẹ chúng ta, những người già trong gia đình và xã hội vẫn vô cùng quý báu
và ích lợi cho chúng ta. Đó là chưa kể tới các lời khuyên nhủ cụ thể, phát xuất
từ kinh nghiệm sống và sự khôn ngoan của các ngài, cũng như những lời cầu nguyện
các ngài dành cho con cháu và các thế hệ đến sau. Nếu hiểu biết quan niệm của vật
lý lượng tử coi năng lực là nền tảng cuộc sống, chúng ta có thể khẳng định rằng
các làn sóng của tình yêu thương và tất cả mọi tâm tình, giá trị và
kinh nghiệm khôn ngoan của ông bà cha mẹ và người già là năng lực giúp củng cố
và dưỡng nuôi cuộc sống của từng người trong chúng ta. Nhưng rất tiếc thường
khi chúng ta không hiểu được sự thật tuyệt diệu này, nên gạt bỏ khỏi cuộc sống
nguồn năng lượng mênh mông ấy là lớp người già trong xã hội. Và chúng ta quên rằng
thể hệ người già là thế hệ thông truyền gia tài đức tin và tình thẫn hữu hiệu
nhất. Vì thế không yêu thương yểm trợ người già trong gia đình và trong cộng
đoàn để họ chu toàn nhiệm vụ cao quý này thật uổng phí và thiệt thòi cho chúng
ta và cho thế giới này biết bao nhiêu !
Trong tháng 12 tới đây hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo
toàn thế giới chúng ta hãy cầu nguyện cho người già, để được nâng đỡ bởi các
gia đình và cộng đoàn kitô, họ cộng tác vào việc thông truyền đức tin và việc
giáo dục các thế hệ mới với sự khôn ngoan và kinh nghiệm từng trải của họ.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét