Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng
Yangon – “Chúng tôi mệt nhừ, nhưng chúng tôi sẽ được đền bù
bằng việc nhìn thấy Đức Thánh Cha. Nhìn thấy ngài, đối với chúng tôi, như là
nhìn thấy gương mặt của Chúa Giêsu. Đây là một ơn phúc và chúc lành.” Đó là lời
của một số phụ nữ trong nhóm 200 khách hành hương đã đi xe lửa 3 ngày 2 đêm từ
bang Kachin đến Yangon, Myanmar, tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô
khi ngài đến thăm Myanmar vào tuần tới.
Sáng nay, 24/11, sau hành trình dài 3 ngày 2 đêm, nhóm 200
khách hành hương này đã đến giáo xứ thành Phanxicô Assisi ở Yangon. Tất cả họ đều
thuộc sắc dân Kachin, là sắc tộc có số Kitô hữu đông nhất ở Myanmar, đến từ miền
cực bắc của đất nước, nơi bị tàn phá tan hoang vì cuộc xung đột giữa quân đội sắc
tộc và quân đội chính phủ. Nhóm khách hành hương này mang theo lời cầu nguyện
và đau khổ của tất cả những người Kachin mà vì lý do kinh tế và an ninh không
thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào ngày 29/11 tới đây.
Dù thật khó khăn để đến được Yangon, nhưng các tín hữu hành
hương vẫn tỏ rõ niềm vui của họ. Cụ Petru Longgam, 83 tuổi nói: “Những người
Kachinh chúng tôi như thế, chúng tôi thích nói chuyện, chúng tôi là những người
cởi mở. Lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi theo đạo, chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy
một đức giáo hoàng. Thật là không tin nổi!”
Ngày mai giáo xứ thánh Phanxicô sẽ đón tiếp một nhóm 500 tín
hữu hành hương khác và ngày sau nữa, một nhóm 700. Giáo xứ này cũng như các
giáo xứ ở Yangon, cộng tác với Hội đồng giám mục để trợ giúp tất cả khách hành
hương. Mỗi giáo xứ muốn đóng góp phần của mình. Có các tình nguyện viên chăm lo
cho khách hành hương. Có những người lo ăn uống, tắm giặt, ghi danh, vv.
Cha xứ Jacob chia sẻ về thời điểm này: “Chuyến viếng thăm của
Đức Thánh Cha là một phép lạ. Mọi người vui vẻ giúp đỡ nhau, nó là một ngày hội
tuyệt vời. Sự kiện này khuyến khích củng cố đức tin và tình yêu. Giáo xứ chúng
tôi có 1300 tín hữu và sẽ đón tiếp số khách hành hương tương tự. Tất cả vui vẻ
đón tiếp họ, cả người Hồi giáo và Phật giáo sống ở đây cũng thế. Đây là dấu chỉ
rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể là thời khắc đối thoại và có thể
đóng góp cho tiến trình hòa giải quốc gia. Niềm tin Công giáo liên kết, chứ
không chia rẽ. Tôi là một ví dụ: tôi thuộc sắc tộc Kharen, cha tôi là Phật tử
còn mẹ là Công giáo.” (Asia News 24/11/2017)
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét