25/11/2017
Thứ bảy tuần 33 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) 1
Mcb 6, 1-13
"Vì các tai hoạ
trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn bực mà chết".
Trích sách Macabê quyển
thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai
nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo
vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô,
con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến
tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng ông không thành công, vì dân thành
đã biết trước ý định của ông, nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực
lui quân trở về Babylon.
Lúc vua còn ở Ba-tư,
có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy
tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo
lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới,
lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân họ đánh bại.
Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành
đắp luỹ cao như trước chung quanh Ðền thờ và chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà vua
khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi
vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng
ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại
mà nói với họ rằng: "Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát
vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui sướng và được
người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ
trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt
các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ.
Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này, mà giờ đây trẫm
phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 4 và
6. 16b và 19
Ðáp: Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ (x. c.
16a).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng
rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao. - Ðáp.
2) Vì quân thù của con
đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên nhan Chúa. Chúa trách phạt
chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời. - Ðáp.
3) Người chư dân rơi
chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà họ đã che. Vì kẻ cơ bần
không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau khổ không mãi mãi tiêu tan. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! -
Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở
giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người
thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa
Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một
người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ
đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi
chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con.
Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và
đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết.
Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả
bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần
đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ
không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ
là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói
về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên
Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống,
vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ
lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không
dám hỏi Người điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chân lý của đời
sống đức tin
Vào cuối kinh Tin
Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày
sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen".
Sự sống lại và sự sống
đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và
sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập
thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây
là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy
ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin
vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí
con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên
Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.
Có thể nói chúng ta
cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác
định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những
kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị
thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc
phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu
tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại
và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của
Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì
sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc
khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới
vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi
thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng
luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những
người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy,
cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố
không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.
Trên bình diện này, mọi
lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến
sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật
có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế
nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể
là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn
cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải
chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện
cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc
sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống
lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng
ta trong niềm tin này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 33 TN1
Bài đọc: I
Mac 6:1-13; Lk 20:27-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống lại và cuộc sống đời đời
Có thể nói câu hỏi:
“Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?” là câu hỏi then chốt và quan trọng
nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng dẫn con người trong cuộc sống ở đời
này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người
sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nếu
không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con người sẽ tập trung mọi cố gắng
để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc và hưởng thụ tối đa, mà không cần
quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau. Niềm tin vào sự sống lại, tuy đã được
đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt nghĩa rõ ràng; đa số người thời
đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm tuổi, con đàn cháu đống, được
Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn được cắt
nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang ~100 BC), và sự sống lại trong
Sách Maccabees (~150 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài đã mặc khải rõ ràng cho
con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trong các Sách Tin Mừng.
Các Bài đọc hôm nay tập
trung vào việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này. Trong Bài đọc I,
vua Antiochus hối hận về những việc làm gian ác đã gây ra cho người Do-thái
trong những ngày cuối đời, khi nhà vua phải đương đầu với những thất bại liên
tiếp, bệnh tật, và sự chết. Trong Phúc Âm, những người Sadducees muốn chứng
minh không có sự sống lại nên dựng nên một câu truyện giả sử để hỏi thử Chúa.
Ngài trả lời Nhóm Sadducees về sự sống lại và sửa sai niềm tin của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu
tai biến.
1.1/ Những thất bại liên
tiếp của vua Antiochus:
(1) Lòng tham vô đáy:
Những người tham lam không bao giờ bằng lòng với những gì họ đang có, lòng họ
luôn mong muốn có nhiều của cải hơn. Khi con người say men chiến thắng, họ nghĩ
họ có thể làm mọi sự, và không ai có thể ngăn cản họ. Đó là lý do mà khi vua
Antiochus ''nghe tin ở Ba-tư có thành Elymais, một thành nổi tiếng vì nhiều của
cải vàng bạc. Đền thờ trong thành cũng có nhiều báu vật, có cả những mảnh giáp
trụ bằng vàng, có áo giáp và vũ khí mà con vua Philíp là Alexandre đã để lại;''
nhà vua đã tới đó, tìm cách đánh chiếm và cướp phá thành.
Nhưng lần này không
thành công, vì dân trong thành đã hay tin trước. Họ đứng lên giao chiến chống lại
vua khiến vua phải bỏ chạy về Babylon mà lòng buồn não ruột.
(2) Thất bại trong việc
quản trị đất Judah: Việc gian ác và cai trị bất chính sẽ không tồn tại lâu dài
vì "trời cao có mắt." Hơn nữa, khi con người bị dồn vào chân tường, họ
sẽ phản ứng lại để bảo vệ sự sống còn của họ. Đang khi vua ở Ba-tư, có người đến
báo cho vua biết là các đoàn quân bên đất Judah đã bị thảm bại: ''Tướng Lysias
chỉ huy đoàn quân tinh nhuệ nhất đã bị người Do-thái đẩy lui. Những người này
càng thêm mạnh nhờ vũ khí, quân nhu và và nhiều chiến lợi phẩm thu được của những
đoàn quân đã bị họ đánh tan tành. Họ đã triệt hạ Đồ ghê tởm do vua xây ở trên
bàn thờ dâng lễ toàn thiêu tại Jerusalem, rồi xây tường luỹ cao chung quanh
Thánh Điện giống như ngày xưa. Cả thành Bethzur của vua, họ cũng xây như vậy.''
Nghe tin ấy, vua rất đỗi kinh hoàng. Vua lâm bệnh liệt giường vì phiền não, lại
cũng vì sự việc không diễn ra như lòng mong ước.
1.2/ Gieo gió sẽ gặt bão:
Khi đối diện với thất bại, bệnh tật, và sự
chết, con người mới biết suy nghĩ lại những việc gian ác họ đã làm. Vua
Antiochus nhận ra tất cả của cải ông đã vơ vét được cách bất chính không đem lại
hạnh phúc cho ông. Máu của những người vô tội đổ ra vì tham vọng ngông cuồng của
ông giờ đây trở lại ám ảnh ông ngày đêm. Vua Antiochus nhận ra sự liên quan giữa
bệnh tật ông đang chịu với những hành vi gian ác ông đã làm. Vua nói với các bạn
hữu: "Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, tôi biết chắc rằng chính vì
thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải chết nơi đất khách
quê người vì buồn phiền vô hạn."
Những suy xét của vua
Antiochus phải là bài học cho những người ngông cuồng không chịu tuân theo luật
tự nhiên của Đấng Tạo Hóa. Họ phải biết một luật luân lý hết sức nền tảng của
con người họ phải tuân theo là "làm lành tránh dữ." Theo nguyên lý
nhân quả, con người phải hứng chịu mọi hậu quả về các hành động họ làm khi còn
sống trên dương gian này. Nếu làm những điều tốt lành, họ sẽ được thưởng công xứng
đáng; nếu làm những sự gian ác, họ sẽ phải đền trả cách cân xứng. Hầu hết các
tôn giáo lớn trên địa cầu đều chịu ảnh hưởng của nguyên lý này, cho dù mỗi tôn
giáo một niềm tin khác nhau.
2/ Phúc Âm: Có sự sống lại hay không?
2.1/ Câu hỏi khó của Nhóm
Sadducees nhằm chứng minh không có sự sống lại: Nhóm
này chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại. Đó là lý do tại
sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ông Moses có viết cho chúng ta
điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con,
thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình (Deut
25:5). Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con
thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy,
bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy
cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều
đã lấy nàng làm vợ?" Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực
sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai
trong 7 người anh em?
2.2/ Câu trả lời của Chúa
Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ:
chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:
(1) Chuyện vợ chồng:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng
phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”
Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em trong cuộc sống
mai sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như Hồi-Giáo
tin.
(2) Cuộc sống trường
sinh: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.
Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”
(3) Chúa dùng Luật họ
tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông
Moses cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức
Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên
Chúa của tổ phụ Jacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là,
vì đối với Người, tất cả đều đang sống." Nếu họ tin “Thiên Chúa là Chúa của
kẻ sống,” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Jacob vẫn đang sống; nói
cách khác, họ phải tin có sự sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu
trách nhiệm cho mọi hành động của mình khi còn sống trên dương gian; vì thế,
chúng ta phải luôn hành động theo Luật Chúa dạy và luật tự nhiên.
- Căn bản của niềm tin
vào sự sống lại là chính Chúa Giêsu. Chúng ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng
và soi sáng mọi công việc chúng ta làm, và phải biết sống làm sao ở đời này để
xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai sau.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIEN, OP.
25/11/2017
THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 20,27-40
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 20,27-40
TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI
“Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các
thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36)
Suy niệm: Hạt giống
gieo vào lòng đất, mục nát đi rồi nảy mầm, vươn lên khỏi mặt đất, trổ sinh cành
lá và đơm bông kết trái. Sự chuyển hoá của sự sống nơi cây cỏ từ trạng thái này
sang trạng thái khác thật là kỳ diệu. Thân xác con người cũng vậy, sự sống thể
lý hôm nay và sự sống phục sinh mai sau là cả một mầu nhiệm diệu kỳ. Không ai
biết được thân xác phục sinh của mình sẽ thế nào, nhưng chắc chắn là trong Đức
Ki-tô và như Đức Ki-tô. “Trong Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã mặc lấy
xác phàm, để cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cũng không chỉ cứu linh hồn con
người, nhưng Người cứu toàn bộ con người có hồn và xác” (Youcat 153).
Mời bạn: Ngày lãnh nhận Bí
tích Thánh Tẩy, bạn được gọi là con cái Thiên Chúa, bạn bắt đầu
một sự sống mới. Sau khi chết, sự sống mới ấy vẫn tiếp tục và đạt đến mức viên
mãn, dĩ nhiên, nếu bạn hoàn tất cuộc sống của mình trong niềm tin nơi Chúa và
bình an với mọi người. Thánh Phao-lô quả quyết rằng: “Chúng ta có sống là sống
cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống dù chết, chúng ta vẫn
thuộc về Chúa” (Rm 14,8).
Chia sẻ: Niềm tin vào sự sống lại “đụng chạm” đến phương cách sống
đạo và chứng nhân của tôi như thế nào?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay và lúc này, tôi
sống tử tế hơn trong vai trò Kitô hữu và bậc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cái chết sẽ không tách lìa con với Chúa, nhưng
đó sẽ là cuộc gặp gỡ đầy yêu thương. Xin giúp con sống với niềm xác tín và chuẩn
bị thật tốt cho cuộc gặp gỡ này. Amen.
(5 phú Lời Chúa)
Đời này, đời sau (25.11.2017 – Thứ bảy Tuần 33 Thường niên)
Cái chết dạy tôi biết cách sống. Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm.
Suy niệm:
Cuộc đời con người có vẻ
như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia Ðức bảo con
người sinh ra để chết.
Cái chết là số phận của mỗi
người,
nhưng nói chung ai cũng
muốn sống.
Kitô giáo cho rằng con
người sinh ra là để sống mãi.
Cái chết chỉ là cánh cửa
mở vào cõi vĩnh hằng.
Một số tôn giáo tin rằng
đời người có nhiều kiếp.
Kitô giáo chỉ nhận có một
cuộc đời ta đang sống.
Chính cuộc đời duy nhất
này
định đoạt số phận vĩnh
cửu của ta.
Không có một cơ hội thứ
hai để làm lại.
Chính vì thế phải sống
hết mình cho đời này
để đáng hưởng hạnh phúc
đời sau.
Ðời sau mãi mãi là một
mầu nhiệm.
Chẳng ai chụp hình được
thiên đàng hay hỏa ngục.
Người đã khuất cũng không
trở lại để kể ta nghe.
Bởi thế, nhiều người
không tin có đời sau.
Cả những tín hữu cũng bị
cuốn hút bởi vật chất,
và sống như thể chỉ có
đời này.
Ðời sau là chuyện ở đâu
đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc
tin rằng sau cái chết
linh hồn con người vất
vưởng như cái bóng nơi âm phủ.
Âm phủ là nơi tối tăm,
buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan
hơn, cho rằng
đời sau là sự kéo dài của
đời này.
Người ta sống như trước,
nhưng tràn trề hạnh phúc.
Ðức Giêsu vén mở cho ta
phần nào bức màn đời sau.
Ðời sau khác hẳn đời này.
Người ta không cưới vợ
lấy chồng, không cần con nối dõi,
nhưng sống như các thiên
thần,
nghĩa là chỉ lo phụng sự
và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn
bóng dáng của thần chết.
Người ta thoát khỏi quy
luật thông thường của lẽ tử sinh.
Toàn bộ con người được
sống lại: cả hồn lẫn xác.
Thân xác tuy đã tan thành
tro bụi theo thời gian,
nhưng sẽ được biến đổi
một cách kỳ diệu
để chung hưởng hạnh phúc
với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện
cho các tín hữu đã qua đời,
chúng ta nghĩ đến cái
chết và đời sau.
Cái chết dạy tôi biết
cách sống.
Ðời sau kéo tôi ra khỏi
những hạnh phúc giả tạo,
và những nỗi khổ đau do
mê lầm.
Tôi đang đi về đời sau
để gặp Ðấng mà tôi đã tin
yêu suốt đời.
Tất cả cuộc hành trình
đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên
cho Thiên Chúa,
và chúng ta còn khắc
khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi ra thăm nghĩa địa,
khi vào viếng phòng hài cốt,
con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao
mới dám nghĩ một ngày nào đó
những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro,
nhưng bụi tro sẽ trở lại
làm người,
vì con người sinh ra là
để bất tử như Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
trần gian này quá đẹp
khiến con mải mê, quên
mình là lữ khách;
thiên đàng lại xa xôi,
chẳng có chỗ trong con.
Con loay hoay vun quén
cho đời sống cá nhân,
như thể con sẽ sống mãi
trên mặt đất.
Xin khơi dậy nơi con
niềm khát khao những điều
cao cả.
Xin đừng để con
mãn nguyện với những cái
tầm thường.
Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao,
khi con quên mình
để sống cho anh em trên
mặt đất.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng TâmHồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của
Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của
Ta vào lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi hai con người, một nam một nữ, tiến tới
trước bàn thờ trong tư cách là thừa tác viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối,
Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa. Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con
người sắp trở thành vợ và chồng và sắp bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa
cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia
đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng
chung sống, là dấu hiệu bên ngoài của cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu
nhiệm thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ trong lòng. Con người ta không chỉ sống
trong một mái ấm, họ còn xây dựng một mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống
trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ
trong con cái. Và mái nhà của Cha chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của
trái tim con người. Như vậy, chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu
nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời
Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy”
(Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho
chúng ta hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã
được mô tả trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô
khi Thánh Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo:
“Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi đang nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep
5,32).
Tình yêu của vợ và chồng
có mẫu thức của nó nơi tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình
yêu ấy cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình
yêu này. Người hy sinh chính sự sống của Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của
người là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong
Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, giúp cho những người vợ và chồng có thể
yêu nhau với cùng tình yêu hiến thân đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng:
“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và
hiến mình vì Hội Thánh, … thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu
của Đức Kitô là một tình yêu bất diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống
và đơm bông kết trái. Cũng vậy, các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau
trong một sự kết hợp có sức sáng tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
Hạnh Các Thánh
25 Tháng Mười Một
Thánh Columban
(543? - 615)
(543? - 615)
Thánh Columban là nhà
truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu Châu. Khi còn là thanh
niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt, ngài phải xin sự cố vấn
của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên bảo của bà, ngài nhìn thấy
ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo Lough Erne, sau đó ngài
theo học tại tu viện Bangor.
Sau nhiều năm sống
tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây giờ) để truyền giáo
cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì sự hăng say rao giảng,
làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái, trong khi tu sĩ thời ấy thì
lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh Columban thiết lập vài tu viện
ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.
Như mọi vị thánh khác,
ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn đến đức giáo hoàng để chống
với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh xác điều ngài giảng dạy là
chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan. Ngài khiển trách nhà vua về
đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó, thánh nhân đã bị trục xuất trở
về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc cạn, và ngài lại tiếp tục công
việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón
ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong những năm cuối đời, ngài thiết lập
một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để
lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và các văn bản chống với bè rối Arian,
các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.
Lời Bàn
Sự phóng túng tình dục
ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến gương mẫu sống động của những
thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới
Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi thảm của hàng triệu người đang
chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ và có kỷ luật như các tu sĩ Ái
Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc, họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ
đi được tới đâu?
Lời Trích
Trong thư gửi cho đức
giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh Columban viết: "Chúng
con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa cầu, là những người theo Thánh
Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn
và truyền thống tông đồ này... Con thú nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu
về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia này... Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng
con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa này... Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình
an của Giáo Hội, xin ngài đứng giữa đàn chiên và bầy sói."
Trích từ NguoiTinHuu.com
25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một
hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong
triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập
mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người
đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người
ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở
đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai
đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định
làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi
mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc.
Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường
xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành
công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại
trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để
trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình
đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van
xin:
"Tôi xin sẵn sàng chịu chết.
Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự
đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến
ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người
thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo
thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với
kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến
trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến
đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự
định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục
trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa
đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
"Làm sao tôi có thể chém đầu được
thầy của tôi?"
Câu
chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường
nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố
trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người
đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhậ? ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một
tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục
thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới
xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy
khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt
cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên
nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét