29/11/2017
Thứ Tư tuần 34 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn
5, 1-6, 13-14, 16-17, 23-28
"Có những ngón
tay hiện ra như bàn tay một người".
Trích sách Tiên tri
Ðaniel.
Trong những ngày ấy,
vua Baltassar dọn tiệc linh đình đãi một ngàn triều thần: ai nấy cứ theo tuổi
mình mà uống rượu. Khi vua đã say rượu, liền truyền đem các bình, chén, bát bằng
vàng bạc mà Nabukôđônôsor, phụ vương ông, đã lấy trong đền thờ Giêrusalem đem về,
để cho vua, các triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng uống rượu. Bấy giờ, người
ta mang ra các bình, chén, bát bằng vàng bạc đã lấy trong đền thờ Giêrusalem
đem về. Vua, các triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng đồ đó mà uống rượu. Họ
vừa uống rượu vừa ca tụng các thần minh bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, đá của họ.
Chính lúc ấy, có những
ngón tay hiện ra như bàn tay một người viết chữ trên vách tường cung điện, đối
diện ánh bạch lạp; vua nhìn thấy ngón tay viết chữ. Bấy giờ mặt vua đổi sắc, tư
tưởng rối loạn, xương sống yếu sức, đầu gối va chạm lẫn nhau.
Lúc đó người ta dẫn
Ðaniel đến trước mặt vua. Vua hỏi người rằng: "Nhà ngươi có phải là
Ðaniel, con cái Giuđa, phải lưu đày mà phụ vương trẫm đã điệu từ Giuđa về đây
chăng? Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi được thần linh các vị thần phù giúp: ngươi
được thông minh, trí tuệ và khôn ngoan phi thường. Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi
có thể cắt nghĩa những huyền bí và giải thích được những chuyện khúc mắc. Vậy nếu
nhà ngươi đọc được hàng chữ này và cắt nghĩa cho trẫm, thì nhà ngươi sẽ được mặc
áo đỏ, cổ đeo vòng vàng và trở nên vị tướng thứ ba trong vương quốc trẫm".
Ðaniel tâu lại trước mặt
vua rằng: "Lễ vật của vua xin để lại cho vua, và ân huệ nhà vua, xin vua
ban cho kẻ khác. Thần xin đọc hàng chữ này và cắt nghĩa cho đức vua. Ðức vua đã
tự phụ chống đối Ðấng cai trị trên trời: đã đem bày trước mặt vua các bình, chén,
bát lấy trong đền Chúa, rồi vua, triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng những đồ
ấy mà uống rượu; vua còn ca tụng các thần vàng bạc, đồng, sắt, gỗ, đá, toàn là
những thứ không thấy, không nghe và không cảm giác: vua không tôn vinh Thiên
Chúa, Ðấng cầm trong tay vận mệnh và đường lối của đức vua. Bởi đó, Chúa khiến
ngón tay hiện ra viết hàng chữ đó.
"Ðây những chữ đã
viết như sau: Manê, Thêqel, Phares. Xin giải nghĩa những chữ đó như sau: Manê:
là Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại nhà vua rồi. Thêqel: là đã cân vua trên
cán cân, và thấy vua hụt cân. Phares: là vương quốc của vua đã bị phân chia và
trao cho dân Mêđia và Batư".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 62. 63.
64. 65. 66. 67
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc tụng
Chúa đi, mặt trời cùng với mặt trăng. - Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi,
trên trời cao, muôn tinh tú. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi,
mưa móc với sương sa. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi,
muôn ngàn ngọn gió. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi,
lửa đỏ với than hồng. - Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa đi,
rét mướt và lạnh lẽo. - Ðáp.
Alleluia: Mt 24, 41a và
44
Alleluia, alleluia! -
Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 12-19
"Các con sẽ bị
mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ
chẳng hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các
con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền
vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này
trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ
ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể
chống lại và bắt bẻ các con.
"Cha mẹ, anh em,
bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con
sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con
cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các
con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cơ Hội Làm Chứng
Bài Tin Mừng hôm nay
là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý,
trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ,
ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó
là cơ hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược
đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho
là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn
đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công
nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan,
vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và
bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng
trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra
sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại,
người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người
là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến
coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ
bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc
đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại.
Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa,
cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi,
chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về
Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là
tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết
chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có
dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp
ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải
nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất
cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội
để làm chứng cho Chúa.
Xin cho chúng ta được
luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả
cảnh huống nào của cuộc đời.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 34 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Dan
5:1-6, 13-14, 16-17, 23-28; Lk 21:12-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người phải tùng phục uy
quyền của Thiên Chúa.
Nhiều người nghĩ khi nắm
quyền trong tay, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, ngay cả quyền luận tội
và sát sinh người khác; nhưng thực tế chứng minh uy quyền của họ không tuyệt đối.
Mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa: Ngài ban cho và Ngài có quyền lấy đi bất cứ
lúc nào. Con người phải trả giá cho sự lạm dụng quyền hành. Hơn nữa, hạnh phúc
và bình an chỉ dành cho những ai biết kính sợ và phục tùng Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nêu bật một sự thật: mọi quyền lực trong vũ trụ đều thuộc về Thiên Chúa. Trong
Bài Đọc I, vua Belshazzar nghĩ đã là vua là có quyền làm mọi sự mình muốn.
Daniel giải thích cho vua hiểu rõ mọi quyền lực đến từ Thiên Chúa. Ngài có quyền
trao và có quyền lấy đi bất cứ lúc nào. Sự kiện nhà vua nhìn thấy ngón tay viết
hàng chữ chứng minh đã đến lúc Thiên Chúa tiêu diệt quyền lực của nhà vua, để
trao cho một vua khác biết xử dụng quyền bính. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo
trước những gian khổ sẽ xảy đến cho những môn đệ của Ngài và khuyến khích họ
kiên trì vượt qua; vì đó là cơ hội để họ chứng tỏ niềm tin yêu vào Thiên Chúa.
Nếu họ kiên trì chịu đau khổ và làm chứng cho Thiên Chúa, Ngài sẽ trao ban sự sống
đời đời và thưởng công xứng đáng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là Đấng nắm trong tay sinh khí của ngài, ngài lại
chẳng tôn vinh!
1.1/ Vua Belshazzar phạm
sự thánh: Khi vua cha là Nebuchadnezzar
chinh phục Jerusalem, ông đã vào Đền Thờ và lấy tất cả các ly chén bằng vàng bạc
đem về tích trữ trong nhà kho của mình. Sau khi vua cha băng hà, vua con là
Belshazzar tiếp tục nối ngôi. Nhà Vua cho mở tiệc lớn khoản đãi một ngàn đại thần.
Khi đã thấm hơi men, vua truyền mang ly mang chén bằng vàng bằng bạc mà vua cha
là Nebuchadnezzar đã lấy ở đền thờ Jerusalem. Người ta mang ly chén bằng vàng
đã lấy từ cung thánh Đền Thờ Thiên Chúa ở Jerusalem; vua và các đại thần, cung
phi và cung nữ đều dùng mà uống. Họ vừa uống rượu vừa ca ngợi các thần bằng
vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ và đá. Đang khi say sưa thì một hiện tượng lạ xuất hiện
trên tường: Nhà Vua nhìn thấy những ngón tay người xuất hiện, viết lên vách tường
quét vôi của hoàng cung ở phía sau trụ đèn. Vua nhìn thấy phần bàn tay đang viết.
Bấy giờ mặt vua biến sắc, tâm trí bàng hoàng, ruột gan rối loạn, đầu gối run cầm
cập.
1.2/ Vua Belshazzar kiếm
người giải thích ý nghĩa của các chữ viết trên tường: Giống như vua cha, vua Belshazzar cho vời tất cả những
nhà chiêm tinh và bói toán trong nước đến để giúp Nhà Vua giải thích thị kiến
ngón tay người và câu mà ngón tay đã viết trên tường; nhưng không ai giải thích
nổi, cho đến khi họ mang Daniel vào để yết kiến Nhà Vua.
(1) Daniel không màng
đến phần thưởng Nhà Vua hứa: Khi Daniel được dẫn vào chầu vua, Nhà Vua ngỏ lời
với ông rằng: "Nếu ngươi đọc và giải thích được hàng chữ đó cho ta, thì
ngươi sẽ được mặc cẩm bào đỏ thẫm, đeo vòng vàng vào cổ, và sẽ là nhân vật thứ
ba trong vương quốc." Daniel lên tiếng nói trước mặt vua: "Tâu đức
vua, lộc vua ban, xin giữ lại cho ngài; quà vua tặng, xin dành cho người
khác.''
(2) Daniel giải thích
ý nghĩa của điềm lạ: Những hàng chữ kia, thần xin đọc và giải thích hầu đức
vua. Quyền lực của nhà vua đến từ Thiên Chúa: Ngài ban quyền lực cho Nhà Vua;
nhưng "ngài đã tự cao tự đại, đã chống lại Chúa Tể trời cao: ly chén trong
Đền Thờ của Chúa, người ta đã mang đến trước mặt ngài; ngài đã dùng các ly chén
ấy mà uống cùng với các đại thần, cung phi và cung nữ. Ngài đã ngợi khen các thần
bằng bạc, vàng, đồng, sắt, gỗ và đá là những vật không thấy, không nghe, không
biết. Còn Thiên Chúa là Đấng nắm trong tay sinh khí của ngài và điều khiển mọi
đường đi nước bước của ngài, ngài lại chẳng tôn vinh!"
Triều đại của Nhà Vua
nay đã đến lúc bị tận diệt: "Vì thế, Thiên Chúa đã cho phần bàn tay ấy đến
viết hàng chữ kia. Đây là những chữ đã được viết ra: MENE, MENE, TEKEL, and
PARSIN; và đây là lời giải thích:
- MENE có nghĩa là đếm,
Thiên Chúa đã đếm và chấm dứt những ngày của triều đại ngài; - TEKEL có nghĩa
là cân, ngài đã bị đặt trên bàn cân và thấy là không đủ;
- PERES có nghĩa là
phân chia, vương quốc của ngài đã bị phân chia và trao cho các dân Medes và
Ba-tư." PARSIN đến từ động từ PERES.
2/ Phúc Âm: Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2.1/ Chịu đựng gian khổ để
làm chứng cho Chúa: Chúa Giêsu báo trước cho
các môn đệ về những gian khổ sắp xảy đến cho họ: "Nhưng trước khi tất cả
các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em
cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì
danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” Ngài nói rõ ràng:
Gian khổ xảy ra là cơ hội ngàn vàng để các môn đệ có cơ hội làm chứng cho Ngài;
nhường bước trước gian khổ là mất cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa.
2.2/ Đừng lo lắng phải đối
phó thế nào: Các môn đệ phải hiểu các ông
không chiến đấu một mình, nhưng Chúa Giêsu sẽ cùng các ông chiến đấu. Chúa
Giêsu hứa: “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải
bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất
cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị
chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người
trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Khi các ông biết
có một quyền lực mạnh hơn quyền lực của địch thù thế gian trợ giúp, các ông sẽ
không còn sợ hãi và tự tin hơn trong việc chống cự lại. Thánh Phaolô có kinh
nghiệm này khi ngài tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức
Kitô sống trong tôi.”
2.3/ Chúa bảo đảm các ông
sẽ chiến thắng: Không có một quyền lực nào
trên thế gian có thể thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Quyền lực thế gian chỉ
có hiệu quả tạm thời vì Thiên Chúa cho phép xảy ra; nhưng một khi Thiên Chúa
quyết định rút lại, không một quyền lực nào có thể chống lại được. Chúa Giêsu bảo
đảm điều này với các môn đệ, mặc dù các ông sẽ phải chiến đấu, “nhưng dù một sợi
tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng
sống mình.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Chủ Tể
của mọi quyền hành và thế lực trong thế gian này. Ngài ban cho con người và có
quyền lấy đi bất cứ lúc nào. Bổn phận của con người là phải biết dùng quyền
hành để điều khiển và sinh lợi ích cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
- Gian khổ phải có
trong cuộc đời để tinh luyện con người, để phân biệt người anh hùng với kẻ tiểu
nhân; và nhất là để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa. Khi
phải đương đầu với gian khổ, chúng ta không chiến đấu một mình. Chính Chúa
Giêsu hứa Ngài sẽ cùng chúng ta chiến đấu. Sự khôn ngoan và sức mạnh để chiến đấu
đến từ Đức Kitô.
- Chúa Giêsu bảo đảm sự
chiến thắng sẽ về tay chúng ta vì một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được
Thiên Chúa đếm. Hiểu biết tòan bộ trận chiến như thế, chúng ta còn chờ đợi gì
mà không xông vào cuộc chiến để làm chứng cho Thiên Chúa?
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
29/11/2017
THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Ga 21,12-19
Ga 21,12-19
MỐI LỢI ĐÍCH THỰC
“Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các
hội đường và ngục tù…” (Lc 21,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ sự bình an, không phải “bình
an theo kiểu thế gian” (Ga 14,27), mà là sự bình an giữa những “bắt
bớ và ngược đãi,” giữa những thù ghét và kể cả cái chết vì danh
Đức Ki-tô. Các thánh tử đạo ngày xưa, và các tín hữu ngày nay, điển hình là
các Ki-tô hữu đang sống ở một số nước Hồi giáo phải chịu hiểm nguy, bách hại,
tù đày, thậm chí cái chết chỉ vì mang danh nghĩa là môn đệ Chúa Giê-su. Sức mạnh
nào đã giúp họ vượt qua quyền lực ghê gớm của vua quan, sự độc dữ của súng đạn,
gươm giáo, nếu không phải là tin rằng có Chúa đồng hành với mình, ban ơn giúp sức
để mình vượt qua sự dữ? Hơn nữa, họ xác tín rằng mình đang đánh đổi sự sống mau
qua để lấy sự sống vĩnh hằng, vì “được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống,
thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).
Mời Bạn: Hãy bước theo Thầy Giê-su
một cách triệt để; hãy là môn đệ Chúa Ki-tô đúng với danh nghĩa cao quý ấy. Là
môn đệ của Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, bạn cũng phải đứng về phía
sự sống, sự thật, bác ái, công bằng, nhân phẩm… và đó là cách làm chứng cho
Ngài trong thời đại hôm nay.
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống theo
gương thánh Phao-lô: coi tất cả là đồ bỏ, là rác rưởi, trước mối lợi tuyệt vời
là Đức Ki-tô, là Tin Mừng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn chuộng cái dễ dãi, chóng qua hơn là sự
khó khăn, khổ cực. Xin cho con nghiệm ra rằng thú vui dễ dãi chỉ giải quyết cái
nhu cầu tạm thời, và dư âm là nỗi buồn dai dẳng; còn niềm vui trong Chúa sẽ đem
đến an bình thực sự, một niềm vui sâu xa bền lâu. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Một sợi tóc (29.11.2017 – Thứ tư Tuần 34 Thường niên)
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo, như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái,
nhân phẩm, tự do, lương tâm, khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.
Suy niệm:
Lúc trời còn tối, ngày 16
tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,
một nhóm người có vũ
trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh
mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo
xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.
Các linh mục này đều là
những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói
của người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội
chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng
vụ thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng
nhân, những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách
nay hai mươi năm rồi.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở
lại trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu
những gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược
đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính
người thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại
(cc. 16.17).
Tất cả những gì các môn
đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).
Chính tình yêu trung tín
đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự
nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy
cách công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua
thập giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta
bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,
như sự thật, sự sống,
công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ
Đức Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta
dám xả thân để sống cho những giá trị đó,
chúng ta đã làm chứng cho
Ngài rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì
nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì
muốn sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin
chết thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội
tôn kính như những vị tử đạo,
dù họ không chết vì tuyên
xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây
phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội
công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một
mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả
lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì
phải xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm
chứng tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị
bách hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ
nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em
cũng không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng
li từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ
ở đời này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và
trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau
được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau
lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ
bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ
được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức
sống.
Chúng con chẳng sợ mình
bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao
thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng
bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu
của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa
lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế
gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm
thấy niềm vui
của người được diễm phúc
nên giống Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI MỘT
Sự Giải Thoát Của
Chúng Ta
Đang Đến Gần
Theo Tin Mừng Luca,
khi Chúa Giêsu đề cập đến hồi tận thời trong bài giảng của Người, Người cảnh
giác chúng ta về những đại họa khủng khiếp, về các dấu hiệu của sự hủy diệt, và
về tất cả những gì sẽ gây ra “nỗi khốn khổ cho các dân tộc”. Chúa muốn nói với những
người của thời ấy và cả của thời chúng ta, vì lời của Người là lời phổ quát.
Người nói: “Anh em hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã
gần đến” (Lc 21,28). Tiếng gọi này là thách đố của Mùa Vọng. Ở đây, Chúa đúc kết
tất cả ý nghĩa của từ “Vọng” cho chúng ta.
Như vậy, Thiên Chúa
không chỉ được tôn vinh trên tạo vật của Ngài. Không chỉ mọi tạo vật làm chứng
cho Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng. Không chỉ thế giới đang thay đổi xung quanh
chúng ta làm cho chúng ta nghĩ về bản tính vĩnh hằng, bất biến của Ngài. Không,
Ngài cũng đích thân đi vào trong lịch sử thế giới chúng ta nữa. Ngài trở thành
một với chúng ta trong thân phận con người của chúng ta.
Chúng ta sẽ nhìn thấy
Ngài trong tư cách là “Con Người” (Lc 21,27). Mùa Vọng hướng chỉ sự đến ấy của
Ngài. Mùa Vọng tiên vàn nói rằng Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Mùa Vọng hướng
về mầu nhiệm Nhập Thể. “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một
mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít …” (Gr 33,15).
Hiểu một cách chính
xác, ơn cứu chuộc là sự hiện diện của Đấng Công Chính giữa các tội nhân. Vì thế,
Mùa Vọng gắn kết chặt chẽ với mầu nhiệm tội lỗi – tội lỗi đã đi vào trong lịch
sử loài người ngay tự ban đầu. Thiên Chúa đến và đem ơn cứu độ cho chúng ta.
“Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15).
29 Tháng Mười Một
Cái Dũng Của Thánh Nhân
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng
tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong
nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một
người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa
bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước
bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn
luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ
nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các
trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh
nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh
nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người.
Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh
nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức
đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng
tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét