01/12/2017
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 34 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn
7, 2-14
"Kìa có ai như
con người ngự trên đám mây".
Trích sách Tiên tri
Ðaniel.
Trong một thị kiến ban
đêm, tôi nhìn thấy có những ngọn gió từ bốn phương trời, làm dấy động biển cả.
Có bốn con thú khổng lồ khác nhau từ biển đi lên. Con thứ nhất giống như con sư
tử cái, mang hai cánh chim phượng: tôi nhìn nó mãi cho đến khi hai cánh nó bị
nhổ đi, nó cất lên khỏi đất và đứng thẳng hai chân như con người, nó được ban tặng
quả tim loài người.
Con thú thứ hai giống
như con gấu đứng một bên: trong miệng nó có ba hàng răng và người ta bảo nó rằng:
"Mi hãy chỗi dậy ăn cho thật nhiều thịt". Kế đó, tôi nhìn xem, và
đây, con thú thứ ba giống như con beo, trên mình nó có bốn cánh như con chim,
và nó có bốn đầu, nó được ban tặng một thứ quyền năng.
Sau đó, trong một thị
kiến ban đêm, tôi thấy con thú thứ tư dữ tợn lạ lùng và mạnh mẽ: nó có nanh sắt
to lớn, nó đang cắn nuốt nhai xé, và những gì còn sót lại thì nó lấy chân giày
đạp; nó khác hẳn những con thú tôi đã trông thấy trước, nó có mười sừng. Tôi
nhìn các sừng của nó, thì kìa một cái sừng nhỏ khác mọc lên giữa các sừng kia,
ba trong số mười sừng trước bị nhổ ra trước mặt nó: trong chiếc sừng nhỏ có mắt
như loài người và có miệng nói những lời trịnh trọng.
Tôi chăm chú nhìn mãi
cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà: áo Người trắng như
tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa,
các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuộn chảy như thác.
Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự
toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra. Tôi nhìn về phía có tiếng ầm ầm từ
chiếc sừng ấy phát ra: Tôi thấy con thú đó bị giết, xác nó bị huỷ diệt và bị lửa
đốt. Các con thú khác cũng bị tước đoạt hết quyền lực, và thời gian sinh sống của
chúng đã được quy định từng thời kỳ này đến thời kỳ kia.
Trong một thị kiến ban
đêm, tôi ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy Con Người đến trong đám mây trên trời,
Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này
ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và
tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không
khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 75. 76.
77. 78. 79. 80. 81
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc tụng
Chúa đi, núi non và các ngọn đồi. - Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi,
cỏ hoa mọc cõi trần ai. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi,
những dòng suối nước. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi,
biển cả với sông ngòi. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi,
cá voi và muôn loài lội nước. - Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa đi,
hết mọi giống chim trời. - Ðáp.
7) Chúc tụng Chúa đi,
mọi thú rừng và gia súc, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Kh 2, 10c
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho
ngươi triều thiên sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 29-33
"Khi các con
xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ
cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến.
Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên
Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi
mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua
đâu".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dấu Chỉ Thời Ðại
Người ta vẫn thường
nói: có nguyên nhân mới phát sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng
có gì là ngẫu nhiên, có lửa thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng
động.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn
vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến:
"Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con
biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con
hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến".
Theo Cha Lausade,
Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh,
hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là
chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta
thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra
các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta
ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn,
qua cả những lầm lỗi của chúng ta.
Do đó, để có thể nhận
ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến.
Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết
rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần
chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng
gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.
Xin cho chúng ta nhận
ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến
bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa
trên Nước Trời.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 34 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Dan
7:2-14; Lk 21:29-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm thánh ý Thiên Chúa qua
những dấu hiệu xảy ra trong cuộc đời.
Giống như người
Do-Thái, nhiều người chúng ta thích được chứng kiến những phép lạ xảy ra: Đức Mẹ
hiện ra, Đức Mẹ làm phép lạ, Đức Mẹ khóc, Trái tim Chúa chảy máu, sự linh
thiêng chữa lành của cha Piô hay cha Trương Bửu Diệp. Khi nghe chỗ nào có những
hiện tượng này, con người đua nhau tìm tới để chứng kiến và để xin ơn.
Nhưng con người phải
hiểu mục đích Thiên Chúa làm phép lạ là để khơi dậy niềm tin hay những gì Thiên
Chúa muốn con người hiểu. Ví dụ: Chúa Giêsu làm phép lạ để cho con người nhận
ra quyền năng của Thiên Chúa trong Ngài, và để con người tin Ngài là Thiên
Chúa. Nếu sau khi đã chứng kiến phép lạ mà con người vẫn còn nghi ngờ, hay
không tin, hay chối từ luôn cả phép lạ, thì có ích gì cho con người đâu cho con
người?
Các Bài đọc hôm nay dạy
con người phải hiểu biết lịch sử và những sự việc xảy ra trong trời đất, để tìm
ra thánh ý Thiên Chúa ẩn giấu qua những sự việc này. Trong Bài đọc I, tác giả
Sách Daniel muốn con người nhận ra uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên các
quyền lực thế gian, để con người vững tin nơi Thiên Chúa, nhất là những khi chịu
thử thách và bị bách hại.
Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu nhắc nhở con người: Nếu khi nhìn cây vả đâm chồi, họ biết mùa Hè sắp tới;
thì khi nhìn các sự việc xảy ra trong trời đất, họ cũng phải biết Ngày của
Thiên Chúa đã gần đến.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, vương quốc của
Người sẽ chẳng hề suy vong.
1.1/ Thị kiến về 4 con
thú vật: Để hiểu những thị kiến của Sách
Daniel, một người phải hiểu thể văn khải huyền. Theo thể văn này, tác giả dùng
rất nhiều dấu hiệu và biểu tượng để chuyển thông sự thật hay mặc khải những điều
bí nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, những sách thuộc thể văn khải huyền có cả tính
cách lịch sử lẫn tôn giáo, biểu tượng lẫn sự thật, thần linh và nhân loại. Điều
quan trọng để hiểu ý nghĩa tác giả muốn nói là phải hiểu ý nghĩa của các dấu hiệu
và biểu tượng, cũng như hoàn cảnh lịch sử chung quanh những điều tác giả muốn
nói.
Thị kiến thứ nhất ông
tường thuật hôm nay là về "bốn con thú lớn từ biển lên, mỗi con mỗi khác:
Con thứ nhất giống như sư tử, lại mang cánh đại bàng. Tôi nhìn theo
cho đến khi đôi cánh của nó bị giựt mất; nó được nhấc lên khỏi mặt đất và đặt đứng
trên hai chân như một người; nó được ban cho một quả tim người. Và này một con
thú khác, con thứ hai, giống như con gấu. Nó được đặt trong tư thế
chỉ đứng một bên, miệng ngậm ba khúc xương sườn giữa hai hàm răng. Người ta bảo
nó như thế này: "Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi!" Sau đó, tôi đang
nhìn, thì kìa: một con thú khác giống như con beo; hai bên mình nó,
có bốn cánh như cánh chim. Nó có bốn đầu, và được trao quyền thống trị.'' Ba
con thú đến từ biển này tượng trưng cho ba vương quốc thay phiên nhau thống trị
các quốc gia vùng Cận Đông thời đó là Assyria, Babylon, và Persia.
Tác giả không nêu tên
con thú thứ tư, mà chỉ nói đến đặc tính của nó: "Con thú thứ tư đáng kinh
đáng sợ và mạnh mẽ vô song; răng của nó bằng sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi
lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. Nó khác hẳn tất cả các con thú trước. Nó
có những mười sừng.
Tôi đang chăm chú nhìn
các sừng, thì kìa: giữa các sừng này, một sừng khác, nhỏ hơn, mọc lên; và ba
cái trong các sừng trước bị nhổ đi trước mặt cái nhỏ. Và kìa: có những con mắt
như mắt người trên sừng ấy, và có một cái mồm nói những điều quái gở.'' Con thú
này tượng trưng cho đế quốc Hy-lạp; và cái sừng nhỏ tượng trưng cho vua
Antiochus IV Epiphanes là ông vua Hy-lạp rất dữ tợn và độc ác. Ông bắt người
Do-thái phải bỏ Thiên Chúa, bất tuân Lề Luật, và phạm sự thánh ngay trong Đền
Thờ.
1.2/ Thị kiến về Con Người:
Sau những thời kỳ của các vua này là tới thời
kỳ của Đấng Thiên Sai. Tác giả mô tả thị kiến như sau: ''Tôi đang nhìn thì thấy
đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa,
bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn
cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt
đầu xử, sổ sách được mở ra. Bấy giờ tôi mải nhìn vì có tiếng ồn ào của cái sừng
thốt ra những lời quái gở; tôi vẫn mải nhìn khi con thú bị giết, thây nó bị huỷ
diệt và làm mồi cho lửa. Những con thú còn lại bị tước mất quyền thống trị,
nhưng đời chúng được kéo dài thêm một thời và một kỳ hạn." Sự mô tả huyền
bí làm độc giả nhận ra ngay Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa, vị Chúa Tể của
trời đất. Ngài có uy quyền trên tất cả quyền hành của trái đất. Ngài để cho các
vua của các đế quốc lớn mạnh trong một thời gian nhất định, và tước đi quyền
hành khi thời gian kết thúc; không ai có quyền cãi lời Ngài.
Đấng Thiên Sai được
tác giả mô tả như sau: "Tôi đang mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người
đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn
đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang
và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng
sự Người.'' Đấng Thiên Sai sẽ có hình dạng như một Con Người; nhưng lại đến từ
trời. Ngài lãnh nhận sứ vụ làm Vua, vinh quang, và uy quyền từ chính Thiên
Chúa. Tác giả mô tả rõ về triều đại của Vua này như sau: "Quyền thống trị
của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng
hề suy vong." Nói cách khác, Người sẽ làm Vua cai trị dân chúng đến muôn đời.
2/ Phúc Âm: Khi thấy những điều đó xảy ra, thì anh em hãy biết là Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần.
2.1/ Phiên dịch các hiện
tượng trong trời đất: Kinh nghiệm dạy con
người biết phiên dịch các hiện tượng trong trời đất. Ví dụ, khi con người quan
sát các hiện tượng trời đất: Nếu cùng một kết quả xảy ra sau nhiều lần như thế,
con người kết luận nó cũng sẽ xảy ra như vậy trong lần tới. Chúa Giêsu trưng dẫn
một ví dụ mà người nghe đều đã có kinh nghiệm: "Anh em hãy xem cây vả cũng
như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè
đã đến gần rồi.”
2.2/ Phiên dịch các hiện
tượng của Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu nói tiếp:
“Cũng vậy, khi anh em thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần.” Ngày Phán Xét là một chân lý, chứ không phải là sản phẩm
của trí tưởng tượng. Chúa Giêsu xác tín với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em:
thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cầm cương
nẩy mực mọi quyền lực và mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ, quá khứ, hiện tại, và
tương lai. Bổn phận của con người là phải vững tin nơi quyền năng của Ngài, nhất
là những lúc phải chịu đau khổ và bách hại, để làm chứng cho sự trung thành của
mình.
- Chúng ta cần tìm hiểu
thánh ý Thiên Chúa qua những sự kiện xảy ra trong cuộc đời: những hiện tượng
thiên nhiên trong vũ trụ, những biến cố trong lịch sử của nhân loại cũng như
trong cuộc đời mỗi người, và những gì sẽ xảy ra trước Ngày Phán Xét.
- Chúng ta cần chú ý đến
các sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời mà chúng ta đã nghe đi nghe lại trong
Phụng Vụ Lời Chúa cuối năm là 3 sự sau: sự chết, sự sống lại, và sự phán xét.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
01/12/2017
THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
Lc 21,29-33
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như cây vả mùa đông trụi lá chết khô để rồi sống dậy, đâm
chồi nẩy lộc khi “mùa hè gần đến,” cũng thế khi “những sự ấy xảy
ra” thì Nước Thiên Chúa cũng đến gần. Trong những đoạn trước đó (cc.
9-11.25-28), Phúc Âm Lu-ca mô tả “những sự ấy” là chiến tranh
loạn lạc và những xáo trộn kinh hoàng chấn động cả vũ trụ. Rồi trước đó nữa là
những bách hại ngược đãi mà các môn đệ Chúa phải chịu (c. 12). Qua những lời
đó, Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô loan
báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường
chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Mời Bạn: Chúng ta có xu hướng muốn
Nước Chúa trị đến mà không muốn “những sự ấy xảy ra.” Hoặc có
khi chúng ta có thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu ‘qua cơn mưa trời lại sáng’.
Một mặt Nước Chúa sẽ đến khi “mãn thời của dân ngoại” (c. 24).
Nhưng mặt khác chúng ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tham dự
cách tích cực vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám hy
sinh chịu thiệt để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp
hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải chấp
nhận những khó khăn nguy hiểm…
Chia sẻ: Mời bạn nêu một sáng kiến để tham dự cách cụ thể và tích
cực vào mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh để cầu cho
các đẳng linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
( 5 phút Lời Chúa)
Xem cây vả (1.12.2017 – Thứ sáu Tuần 34 Thường niên)
Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày. Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến
Suy niệm:
Cây vả là một cây rất
thường thấy ở xứ Paléttin.
Khi nó đâm chồi, người ta
biết ngay đã vào mùa hè.
Rồi thì nó sẽ ra hoa và
kết trái.
Không phải chỉ có cây vả,
mọi cây khác cũng vậy (c.29).
Cứ nhìn tình trạng hiện
tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến.
Nước Thiên Chúa cũng vậy.
Trước khi Nước Thiên Chúa
đến sẽ có những dấu hiệu
ở trên trời, dưới đất hay
ngoài biển khơi.
Đức Giêsu đã nhắc cho ta
về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26).
Khi bắt đầu đi rao giảng
cách nay hai ngàn năm,
Đức Giêsu tuyên bố: Nước
Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15).
Và Nước ấy đã được khai
mạc với chính con người Đức Giêsu.
Lời nói và việc làm của
Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất.
Như hạt giống, Nước ấy đã
không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm,
đã ảnh hưởng mạnh mẽ như
nhúm men trong đống bột,
và đã phải chịu sự tấn
công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa.
Với sự phục sinh của Đức
Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến.
Chắc chắn Nước Thiên Chúa
sẽ đến trong vinh quang,
dù chúng ta không biết rõ
khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước.
Ngày Nước Thiên Chúa đến
cách huy hoàng trên trái đất
sẽ là ngày tận thế, ngày
Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người.
Kitô hữu là người tin vào
lời Đức Giêsu.
“Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33).
Chúng ta chờ đợi, vì
chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại.
Sau hai ngàn năm chờ đợi
và nỗ lực dựng xây,
ngày Đức Giêsu quang lâm
đã gần hơn nhiều.
Biết đâu câu nói sau của
Đức Giêsu
lại chẳng ứng nghiệm cho
chính thế hệ chúng ta:
“Thế hệ này sẽ chẳng qua
đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32).
Không được để mình nguội
lạnh và mất đi thái độ chờ đợi.
Không được để chiến thắng
tạm thời của sự dữ ở đâu đó
khiến chúng ta mất đi
lòng tin,
và những bách hại khiến
ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).
Nước Thiên Chúa vẫn đến
gần hơn mỗi ngày.
Không thiếu dấu chỉ để
nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến.
Chúng ta phải thấy có
biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng,
ngay giữa những khi tưởng
như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ.
Đừng để mình rơi vào thái
độ bi quan, khoanh tay vì chán nản.
Phải làm sao để ngày tận
thế không phải là một ngày buồn,
ngày của những đổ vỡ và
mất mát chia ly.
Phải làm sao để ngày ấy
là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới.
Đức Giêsu xuất hiện như
Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ.
Con người và cả vũ trụ
đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23),
và Thiên Chúa Cha được
tôn vinh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâmg Tâm HồnLên
1 THÁNG MƯỜI HAI
Hãy Tỉnh Thức
Các bài đọc phụng vụ
khích lệ tất cả con cái Giáo Hội nắm vững chân lý Mùa Vọng: Thiên Chúa đang đến
gần! Nó cho chúng ta biết mình phải đáp trả thế nào trước sự đến này, một sự đến
vừa gần vừa xa. Con người cần nâng tâm hồn mình lên, như Thánh Vịnh đáp ca mời
gọi chúng ta: “Lạy Chúa, này con nâng hồn lên tới Chúa!” (Tv 25,1).
Nâng hồn lên nghĩa là
gì? Trước hết nó có nghĩa là học biết đường lối của Thiên Chúa. “Xin dẫn con đi
trong chân lý của Ngài và dạy bảo con” (Tv 25, 5). Tác giả Thánh Vịnh biết rằng
Thiên Chúa “chỉ đường cho các tội nhân, Ngài hướng dẫn kẻ khiêm nhường đi trên
đường công chính” (Tv 25,8-9).
Bằng cách này, Thiên
Chúa cho thấy “giao ước của Ngài” (Tv 25,14). Xuyên qua giao ước này, các ý định
của Thiên Chúa về con người được bộc lộ rõ cho mọi người. Để có thể hoàn thành
các ý định này cho con người, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài: “Mọi
đường lối Chúa đều yêu thương và thành tín” (Tv 25,10).
Như vậy, Thánh Vịnh
đáp ca mạc khải cho chúng ta tiếng gọi căn bản của Mùa Vọng, tiếng gọi mà Giáo
Hội tìm thấy trong lời Chúa nói với mọi người: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, để có đủ sức đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Hạnh Các Thánh
1 Tháng Mười Hai
Thánh Mary Joseph
Rosello
(1811-1880)
(1811-1880)
Thánh Mary Joseph sinh
ở làng ven biển Albissola, nước Ý, trong một gia đình Công Giáo đông con. Ngay
từ khi còn nhỏ, ngài đã có ý định đi tu, nhưng dù lòng khao khát ấy mãnh liệt đến
đâu đi nữa, ngài đã bị từ chối chỉ vì quá nghèo, không có của hồi môn. Ðôi vợ
chồng đạo đức nhưng hiếm muộn mà ngài giúp việc trong bảy năm, lẽ ra đã có thể
giúp ngài thể hiện giấc mơ ấy, nhưng họ không muốn làm như vậy chỉ vì quá yêu
quý thánh nữ và họ muốn nhận ngài làm con nuôi.
Nhưng Thiên Chúa Quan
Phòng đã can thiệp qua vị giám mục địa phương, là người biết đến tài dạy giáo
lý của thánh nữ, nên đã cung cấp cho ngài và các cô dạy giáo lý một ngôi nhà để
làm lớp học. Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử của
Ðấng Nhân Hậu vào năm 1837.
Vài năm sau, nhóm phụ
nữ đạo đức ấy tuyên khấn, và Mary Joseph làm bề trên của tu hội ấy trong 40
năm, ngài đặt cộng đoàn dưới sự bảo trợ của Ðức Mẹ Từ Bi và Thánh Giuse. Câu
nói thời danh của thánh nữ là, "Ðôi tay để làm việc, trái tim để dâng cho
Chúa."
Ngài muốn cảm nghiệm
cay đắng của ngài khi còn nhỏ sẽ không cản trở các thiếu nữ muốn dâng mình cho
Chúa. Do đó, bất cứ thiếu nữ nào cũng được nhận vào cộng đoàn của ngài mà không
cần của hồi môn.
Các nữ tu nào bị đau yếu
đều cảm nhận sự chăm sóc đặc biệt của ngài, như được bày tỏ trong lời nói sau
đây: "Qua sự kiên nhẫn, sự đau khổ và lời cầu nguyện của họ, toàn thể cộng
đoàn này đã sống còn cho đến ngày nay, nhờ bởi họ luôn luôn tìm kiếm và đạt được
những ơn sủng cho chúng ta từ Cha Nhân Lành."
Sơ Mary Joseph từ trần
vào tháng Mười Hai năm 1880 và được phong thánh năm 1949.
Trích từ
NguoiTinHuu.com
1 Tháng Mười Hai
Mang Nặng Ðẻ Ðau
Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta
đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai
nghén...
Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua
thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9
tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau... Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa
không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác
nhau của vui buồn lẫn lộn...
Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn
và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không
lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang
thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế
độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai... Có
nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước
không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức
khuya không?... Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.
Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng
thêm... Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui
của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những
đớn đau trong khi sinh con.
Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui,
nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của
cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái
nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.
Mùa Vọng là mùa của
thai nghén... Do tiếng "Thưa, xin vâng!" đáp trả của Ðức Tin, chúng
ta cũng cưu mang chính Chúa. Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự tăng trưởng
của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiển diện mỗi lúc một thêm
thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.
Cũng như người đàn bà
mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của
Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm
khuyết và tội lỗi của chúng ta. Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng
cố gắng vươn cao hơn. Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước
bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy
tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúa. Lẽ sống là động lực của người có
niềm tin chính là Chúa... Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ
càng gia tăng. Người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả
đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải
nhỏ lại"... Càng quên mình, người tín hữu Kitô càng cảm nhận được sự hiện
diện của Chúa trong tâm hồn. Ðó là định luật của đời sống Ðức Tin. Chính khi
quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được
chính mình...
Mùa Vọng là mùa của
thai nghén: chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn
chúng ta. Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho
con, chúng ta cũng hãy hưởng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsu. Hãy
để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta: nhỏ lại trong tham vọng,
nhỏ lại trong những ước muốn bất chính, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét,
ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đớn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống... Và rồi,
với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét