23/05/2018
Thứ Tư tuần 7 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gc 4, 13b-18
"Ðời sống anh
em là cái gì? Lẽ ra anh em phải nói rằng: 'Nếu Chúa muốn'".
Trích thư của Thánh
Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, bây
giờ anh em nói: "Hôm nay hoặc ngày mai chúng tôi sẽ đến một thành nọ, rồi ở
lại đó một năm mà buôn bán kiếm lời". Nhưng anh em đâu có biết ngày mai sẽ
ra sao. Bởi vì đời sống anh em là cái gì? Là một chút hơi nước xuất hiện trong
giây lát, rồi biến đi. Lẽ ra anh em phải nói rằng: "Nếu Chúa muốn, và nếu
chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ làm điều này điều kia". Nhưng này đây,
anh em huênh hoang với những lời khoác loác. Mọi kiểu, huênh hoang như thế đều
xấu xa. Vậy ai biết điều lành mà không làm, thì mắc tội.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 48, 2-3.
6-7. 8-10.11
Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ (Mt 5, 3).
Xướng: 1) Hỡi các dân,
xin nghe lấy chuyện này; xin hãy lắng tai, hết thảy những ai cư ngụ địa cầu,
người phận nhỏ cũng như người quyền thế, kẻ giàu sang cũng như kẻ cơ bần! -
Ðáp.
2) Tại sao tôi phải
kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn
người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn? - Ðáp.
3) Nhưng thực ra không
ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền chuộc mạng.
Giá chuộc mạng quá đắt, không bao giờ người ta có đủ, hầu mong sống mãi đời đời,
không phải nhìn coi sự chết. - Ðáp.
4) Bởi lẽ người ta thấy
cái chết cả những người khôn, kẻ dại kẻ ngu cũng đều phải chết, để lại cho người
khác tài sản của mình. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! -
Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 37-39
"Ai không chống
đối các con, là ủng hộ các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa
cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ
quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu
phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ,
rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các
con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cộng tác với nhau
Disney và Roy là
hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau.
Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản
xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ
này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.
Nhận ra tài năng của
người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và
cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng
của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ,
nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy, Chúa
Giêsu trả lời: "Ðừng ngăn cấm người ta... Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Qua suốt dòng lịch sử,
đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội không ngừng đẩy mạnh sự hợp nhất giữa
các Giáo Hội Kitô, hoặc trong chính nội bộ của mình. Nhu cầu của Giáo Hội thật
đa diện, cần có sự đóng góp của nhiều người mới mong đáp ứng đầy đủ. Những khác
biệt trong Giáo Hội là vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc, nếu tất cả múc lấy nguồi suối
từ Chúa Giêsu và sức mạnh từ Thánh Thần.
Ước gì lời Chúa hôm
nay hun đúc chúng ta lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác, tìm kiếm chân
lý hơn là tìm cách thắng cuộc trong tranh luận. Xin Chúa Kitô là nguồn hiệp nhất
trong Giáo Hội giúp chúng ta thành tâm hiệp nhất với nhau trong mọi việc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 7 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Jam
4:13b-18; Mk 9:37-39.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng
của Thiên
Chúa
Con người dệt nhiều mộng ước cho cuộc đời mình; nhưng rất ít khi thành tựu. Đa
số những gì con người không nghĩ tới, chúng lại xảy ra. Khi cha mẹ mới có con,
họ dệt bao nhiêu mộng ước cho cuộc đời của con; nhưng rất ít khi con họ đạt được
điều mộng ước mà họ muốn.
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhìn ra một chân lý căn bản: cuộc đời chúng
ta được điều khiển bởi Thiên Chúa, và chúng ta phải bước đi trong đường lối của
Ngài. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu đừng kiêu căng, hống
hách, phác họa chuyện làm giàu, vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Thay vào
đó, họ phải khiêm nhường tùy thuộc cuộc đời của họ nơi Thiên Chúa, Đấng ban sự
sống cho họ và điều khiển cuộc đời của họ. Trong Phúc Âm, tông-đồ Gioan khó chịu
và ngăn cấm một người trừ quỉ, vì người đó không thuộc hàng ngũ các môn đệ của
Chúa Giêsu. Ngài khiển trách Gioan và giải thích lý do nếu một người trừ được
quỉ, người đó phải có niềm tin nơi Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc đời con người tùy thuộc nơi Thiên Chúa.
1.1/ Đừng tự phụ trước
Thiên Chúa: Mộng ước làm giàu là mộng ước rất
phổ thông của con người. Có những học sinh chưa tốt nghiệp đã ngồi tính toán một
năm làm được bao nhiêu tiền nếu tốt nghiệp kỹ sư hay bác sĩ; nhưng với nền kinh
tế hiện đại, nếu họ không tìm được việc làm khi ra trường cũng chẳng ai ngạc
nhiên! Có những nhà nông chưa gieo đã ngồi tính số lượng mùa màng thu được để
làm kho chứa; nhưng nếu Trời không cho mưa, làm sao có mủa gặt. Hay những
thương gia trong trình thuật hôm nay dệt mộng: “Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta
sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời.”
Chúng ta không biết cuộc đời mình sẽ ra sao, vì chúng ta lệ thuộc vào quá nhiều
yếu tố. Trước tiên, sự sống của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ngài có thể cất
sự sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Thánh Giacôbê so sánh mạng sống con người
với hơi nước: “Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi
lại tan biến đi.” Hay nhiều người so sánh cuộc đời con người với bông hoa, sáng
mai nở ra thật đẹp, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. Thứ đến, nơi mà chúng ta
muốn tới. Có chắc chắn là chúng ta có tới được nơi mà chúng ta mong muốn hay
không? Nhiều lý do ngăn cản cuộc hành trình của chúng ta: bệnh tật, tai nạn
trên đường… Sau cùng, buôn bán cũng lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố: khách hàng,
món hàng, thời thế. Có phải ai buôn bán cũng thành công đâu? Có phải ai đem tiền
đầu tư cũng kiếm lời? Nhiều người tưng bừng khai trương rồi lại âm thầm đóng cửa!
Biết bao nhiêu người đầu tư số vốn đã dành dụm lâu năm vào thị trường chứng
khoán, vào cơn lốc nhà cửa với hy vọng sẽ về hưu sớm và dư giả, để rồi phải đau
đớn nhìn số tiền dành dụm không cánh mà bay, để rồi lại phải cong lưng gầy dựng
lại đến hết cuộc đời.
1.2/ Hãy khiêm nhường phó
dâng cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa: Thánh
Giacôbê khuyên các tín hữu nên nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều
nọ điều kia.” Trước tiên, phải xem mình có sống lâu để làm việc đó không đã. Nếu
Thiên Chúa cho phép hay để chúng ta sống, chúng ta mới được sống; nếu Thiên
Chúa cất sự sống ra khỏi chúng ta, không ai có thể cưỡng lại được, dù chỉ một
giây. Thứ đến, phải xét xem điều chúng ta dự định có phù hợp với thánh ý Thiên
Chúa hay không. Nếu đó là thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta mới được phép làm; nếu
không phải là thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng hết sức cũng chẳng
thành công.
Vì thế, con người phải tránh thói phô trương, khoác lác trước Thiên Chúa. Trong
Cựu Ước có một biến cố xảy ra làm kinh nghiệm cho con người, đó là tháp Babel.
Con người muốn xây một chiếc tháp đụng tới trời để xem có Thiên Chúa hay không;
nhưng khi mới bắt đầu, Thiên Chúa để cho bất đồng ngôn ngữ xảy ra. Họ không hiểu
tiếng nói của nhau để quyết định chung nữa, thế là đường ai nấy đi. Cha ông
chúng ta đã thấu hiểu điều này và khuyên con cháu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại
thiên.” Chúng ta cứ việc dệt mộng và thi hành mộng đẹp; nhưng phải xét xem điều
đó có đẹp ý Thiên Chúa hay không. Nếu biết điều đó không đẹp ý Thiên Chúa mà vẫn
làm, chúng ta chẳng những nắm phần chiến bại, mà còn phạm tội chống lại ý Thiên
Chúa.
2/ Phúc Âm: Cần có tâm hồn rộng lượng bao dung
Một hôm, ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy
danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng
ta.” Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những lời này, vì ông muốn đặc quyền trừ quỉ chỉ
giới hạn trong thành phần môn đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng trừ quỉ
được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không còn gì đặc biệt nữa.
2.1/ Cần loại trừ tính
phe đảng, độc tài: Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn
cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại
có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng
ta.” Nguyên lý Chúa đưa ra là một người không thể mâu thuẫn với chính mình: hoặc
có hoặc không, chứ không thể chọn cả hai một lượt. Để một người trừ được quỉ, họ
phải có một đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu, và phải nhân danh Ngài mà nói,
thì mới trừ được. Nếu một người không có đức tin, và không nhân danh Chúa, họ
không bao giờ họ có thể trừ được quỉ. Đức tin có được hay mất đi là phải có thời
gian lâu dài; chứ không thể một sớm một chiều là có hay mất được. Vì thế, khi họ
trừ được quỉ là họ đã có đức tin vào Thiên Chúa, tại sao cần phải ngăn cấm họ!
Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông
loan truyền Tin Mừng, chứ không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá
nhân hay của nhóm. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, chứ
không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe đảng nhiều khi làm con người không
còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ
dàng khai trừ người khác.
2.2/ Con người có tự do để
chấp nhận sự thật: Chúng ta cần biết rộng lượng
để chấp nhận tự do Thiên Chúa ban cho con người. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa
Giêsu chỉ có thể trình bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Ngài, đồng
thời kèm theo những phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải
tin vào Ngài. Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng chỉ có thể trình bày sự thật,
hay phân tích cái lợi và cái hại của việc không sống theo sự thật, rồi để tha
nhân có quyết định muốn theo hay không. Chúng ta không thể bắt người khác làm
theo ý mình hay thay đổi người khác được.
Trên con đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật và
khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa; chứ không phải chỉ có một cách.
Hãy để Thiên Chúa làm việc trong tha nhân và cho họ có thời gian để nhận ra sự
thật. Cần tránh thái độ võ đoán: chỉ có cách của chúng ta mới làm cho con người
nhận ra sự thật hay mới được cứu độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với
tha nhân. Đừng kiêu căng, phách lối, và hành động theo ý mình để rồi phải lãnh
chịu những thiệt hại.
– Chúng ta có được điều tốt nào cũng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho. Chúng
ta đừng tự mãn vì quà tặng, nhưng phải biết dùng nó để sinh lợi ích cho Thiên
Chúa và cho tha nhân.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
23/05/2018 – THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Mc 9,38-40
ĐỒNG LÒNG
XÂY DỰNG HỘI THÁNH
“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
(Mc 9,40)
Suy niệm: Thấy có kẻ không thuộc
“phe” mình mà cả gan lấy danh Thầy trừ quỷ, ông Gio-an đã cố ngăn cản, và cũng
xin Thầy ngăn chận việc vi phạm “tác quyền” này. Ông đinh ninh Thầy sẽ ủng hộ lập
trường của mình. Thế nhưng, Đức Giê-su cho ông thấy người môn đệ Chúa phải có
tinh thần bao dung, chấp nhận đồng lòng chung sức với những con người thiện chí
– dù khác quan điểm, tôn giáo – để xây dựng thế giới. “Ai không chống lại là ủng
hộ chúng ta” vì ủng hộ sự thiện, sự sống, các thiện ích của con người là cùng mục
đích như ta. Ai đứng về phía chân lý để chống lại sự dữ, dù không biết Chúa,
thì vẫn có tương quan với Ngài. Đức Giê-su mời gọi ta ra khỏi ranh giới hẹp hòi
của phe nhóm, tôn giáo, địa phương, đoàn thể, hội dòng… để cùng nhau góp phần
làm cho cuộc sống này nhân bản hơn, tốt đẹp hơn.
Mời Bạn: Có thể bạn quen nghĩ rằng
Chúa chỉ hoạt động trong Giáo Hội, nơi những người tin Chúa, mà quên rằng từ xa
xưa Thánh Thần đã hoạt động nơi các tôn giáo bạn, tạo nên những điều tích cực
nơi các tôn giáo ấy, để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế của nhân loại. Lòng bạn
cũng phải mở ra, bao dung hơn, khoáng đạt hơn với những con người thành tâm thiện
chí.
Sống Lời Chúa: Tập sống cởi mở, thân thiện
và hợp sức đồng lòng để làm những điều tốt cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn
mạch sự hiệp nhất của Giáo Hội, xin giúp con sẵn sàng cộng tác, làm việc chung
với nhau, để nhiệt thành phục vụ Giáo hội mỗi ngày một hữu hiệu hơn, cho danh
Cha muôn đời cả sáng. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đừng
ngăn cản người
ta (23.5.2018 – Thứ
Tư Tuần
7 Thường Niên B)
Suy niệm:
Sau khi Thầy
Giêsu
loan báo
cuộc Khổ Nạn và Phục
sinh lần hai,
các môn đệ đã cãi
nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất.
Như thế tham vọng cá nhân vẫn tồn tại
cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy
(Mc 9, 33-37).
Sau vụ tranh cãi có tính
nội bộ trên,
bài Phúc Âm hôm nay kể lại
chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm.
Gioan, “con của
Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu
chuyện.
Thực ra ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em.
Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”,
không ở trong nhóm,
mà lại dám lấy
Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ (c. 38).
Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công.
Danh Giêsu có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi.
Nhưng đối với Gioan và các bạn của ông,
chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy.
Chính vì thế
Gioan thú nhận, “chúng con đã cố ngăn cản…”
Họ muốn độc quyền sử dụng
Danh Thầy,
nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.
Nếu ai cũng lấy
Danh Giêsu
mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông!
Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia,
Chỉ biết Thầy Giêsu
không
chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39).
Thầy bao dung và cởi mở hơn
nhiều.
Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ.
Hẳn người ấy có niềm
tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của
Danh Thầy.
Như thế anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy,
dù không theo Thầy làm môn đệ chính
thức trong nhóm.
“Ai không chống
chúng
ta là ủng
hộ chúng
ta”
(c. 40).
Nguyên tắc này của Đức Giêsu
khiến chúng
ta có thêm nhiều bạn,
và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù.
Nó khiến
chúng
ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình
bị đe dọa,
và tránh được
những tranh chấp
không đáng có.
Thật ra thái độ khép kín và độc
quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ
chứ không
từ lòng đạo đức
thực sự.
Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân,
nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể,
một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia.
Đức Giêsu mời
chúng
ta vượt ra khỏi
ranh giới của nhóm mình,
để mở ra với thế giới, với các
kitô hữu khác,
với những người không
tin.
Chúng ta cần
thấy những điều chân
thiện mỹ nơi họ như những tia nắng
đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giêsu,
và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa.
Cần tập nhận ra Đức Giêsu đang hiện
diện và hoạt động
ở những nơi, những tổ chức và những
người mà ta
không
ngờ.
Rao giảng Tin Mừng cho một
người là nói với
người ấy rằng
anh đã quen biết
Giêsu
và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa,
xin cất
khỏi con mọi
lo lắng bề
ngoài.
Xin tha thứ
cho con
vì đã quá bận tâm
đến
những điều mình nói,
đến ảnh hưởng
của mình,
đến
những điều
người ta nói và nghĩ về
con.
Xin tha thứ
cho con
vì muốn nên giống
kẻ khác
mà quên mất
chính
mình,
vì khao khát có được
những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ
cho con
vì đã mất
nhiều thời
gian
cho việc
phô trương
hơn là cho việc xây dựng
bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với
con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG NĂM
Đường Về Emmau
“Bấy giờ mắt họ liền mở
ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: ‘Dọc đường,
khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng
bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 31 – 32). Là những con người thuộc thế hệ hôm nay
tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta cần đạt cho được cùng một cảm nghiệm
như hai môn đệ trên đường về Emmau ngày nào. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su
giúp cho ta hiểu Kinh Thánh; hãy xin Người đốt nóng lòng chúng ta khi Người nói
chuyện với chúng ta.
Tâm hồn chúng ta cần
được đốt nóng lên. Vì đức tin không thể chỉ là những dữ kiện cứng ngắt, lạnh
lùng được kiểm nghiệm bởi trí óc. Không, đức tin phải được làm cho nhạy cảm bởi
tình yêu. Đức tin phải sống hoạt xuyên qua các công việc thiện hảo nơi chúng ta
– những công việc khai mở chân lý của Thiên Chúa.
Cả chúng ta cũng thừa
hưởng lời chứng từ các Tông Đồ – mặc dù chúng ta không phải là những chứng nhân
trực tiếp của từ Đấng Phục Sinh. Chúng ta trở thành chứng nhân của Đức Kitô – bởi
vì, đó là căn tính của mọi Kitô hữu.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23/ 5
Gc 4, 13-17; Mc 9,
38-40.
Lời suy niệm: “Ông Gioan nói Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, chúng
con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn can, vì người ấy
không không theo chúng ta. Đức Giêsu bảo: ‘Đừng ngăn cản người ta, vì không ai
lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Đây là một giáo huấn của Chúa Giêsu về “Danh Người” Danh Chúa Giêsu không dành
đặc quyền cho bất cứ một ai, Ai tin vào danh của Người thì được sự sống, ai lấy
danh của Người mà cầu xin bất cứ điều gì cùng Thiên Chúa thì được Thiên Chúa nhậm
lời.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ
chúng ta.” Xin Chúa cho chúng con có lòng khoan dung, nhận ra những công việc
và những dấu chỉ tốt đẹp và thánh thiện nơi người anh em đang mang lại công ích
cho con người, cho xã hội và cho thiên nhiên.
Mạnh Phương
23 Tháng Năm
Chết Vì Niềm Tin
Một sĩ quan quân đội
Nga đến gặp một vị mục sư Hungari và xin được được nói chuyện riêng với ông.
Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc
trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách
đã được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với
vị mục sư rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt ra
để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những giàu dễ dàng kiềm hãm họ trong tình
trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông
không hề bao giờ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”.
Vị mục sư cười và
trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. “Ông đừng có lừa
dối tôi, cũng đừng giễu cợt tôi”, vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu
súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một
sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.
Vị mục sư điềm tĩnh
trả lời: “Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Ðức Giêsu thật sự là Con
Thiên Chúa”.
Viên sĩ quan vứt khẩu
súng xuống sàn và chạy đến ôm vị mục sư. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Ðúng thế,
đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám
chết vì Ðức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn
Ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho
Ðức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Ðiều này có thể làm được”.
“Các vị tử đạo nhắc nhở
chúng ta rằng: chết vì niềm tin là hồng ân được trao ban cho thiểu số, nhưng
trong niềm tin là ơn gọi của mọi tín hữu”.
Cộng đồng Vatican II
đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho hội thánh và mỗi tín hữu một mùa
xuân mới, đã nêu bật và tạo cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để biểu lộ niềm tin
qua hành động: Sống đạo và Hành đạo. Nhờ quan niệm này, Ðạo đã không bị giới hạn
trong nhà thờ và trong những giờ kinh, nhưng Ðạo và Niềm tin đã được đem ra Sống
và Thức hành trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh sống.
Nhưng câu vấn nạn thường
gây ra nhiều thắc mắc vẫn là: sống niềm tin và thực hành trong niềm tin nào?
Quan trọng nhất có lẽ
là tin vào Thiên Chúa tình yêu. Ðối với mỗi người trong chúng ta Thiên Chúa
tình yêu này có một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin yêu và đạt được
tình yêu hoàn hảo. Rồi bước thứ hai là thực hành tình yêu với câu hỏi đơn sơ: nếu
Chúa là tôi, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí và hành động như thế
nào?
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét