24/05/2018
Thứ Năm tuần 7 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gc 5, 1-6
"Tiền công của
những người làm công mà các ngươi đã gian lận đang kêu gào, và tiếng gào ấy đã
lọt thấu tai Chúa".
Trích thư của Thánh
Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những người
giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên
các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm.
Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các
ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi
cơn thịnh nộ trong ngày sau hết.
Này tiền công thợ gặt
ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào, và tiếng
kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã
ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát
hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự
lại các ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 48, 14-15ab.
15cd-16. 17-18. 19-20
Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ (Mt 5, 3).
Xướng: 1) Ðó là đường
lối của những người tự tín ngu si, chung cục của những ai thoả mãn về số phận.
Chúng như đoàn chiên bị dẫn xuống âm ty, tử thần chăn nuôi và người hiền lương
cai trị chúng. - Ðáp.
2) Trong giây phút
chúng thay đổi hình dung, và địa ngục sẽ là gia cư của chúng. Nhưng Chúa sẽ cứu
hồn tôi thoát nơi địa ngục, bởi lẽ rằng Người sẽ tiếp nhận tôi. - Ðáp.
3) Ðừng e ngại khi thấy
ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang
theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ. - Ðáp.
4) Dầu khi còn sống họ
ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu",
họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn
xem sự sáng. - Ðáp.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! -
Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa
làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 40-49
(Hl 41-50)
"Thà con mất một
tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các
con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng
đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin
Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
"Nếu tay con nên
dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống,
còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu
chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được
vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt
con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước
Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ
rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
"Muối là vật tốt,
nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy
có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sẵn
Sàng Hy Sinh
Vào thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Âu Châu lên đường
đi tìm vùng đất mới. Vị trưởng đoàn cho mọi người biết hễ ai chạm đến vùng đất
mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất ấy. Một người trong nhóm quyết chiếm
vùng đất mới bằng mọi giá. Ông tận lực chèo thuyền, nhưng một chiếc thuyền bạn
đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước gần sát bờ. Là một con người có ý chí sắt
đá và gan dạ, ông đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt bàn tay trái của ông, rồi
ném lên bờ. Thế là bàn tay ông đã chạm đến đất trước tiên, do đó vùng đất này
thuộc về ông.
Câu truyện trên đây
giúp chúng ta hiểu rõ hơn Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: "Nếu tay con
làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh,
còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục". Ðiều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây
là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội
mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo
nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng qua
cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để
chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay. Chẳng hạn, hy sinh
của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như hy
sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã
nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ
được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời, nếu
chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ cho công cuộc
truyền giáo.
Chính Chúa Giêsu đã
làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến
toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa
Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính
mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 7 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Jam
5:1-6; Mk 9:41-50.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lối sống phải
có của người môn đệ Đức Kitô
Khi một người muốn trở thành môn đệ của ai, anh muốn trở nên giống thầy mình,
không chỉ vì thầy có những đạo lý khôn ngoan và hiệu quả cho cuộc sống; nhưng
còn vì thầy có cách sống phản chiếu những đạo lý này. Tương tự như thế cho người
môn đệ Đức Kitô, chúng ta đi theo Đức Kitô là vì chúng ta thấy Ngài mặc khải
cho chúng ta những đạo lý tuyệt vời của Thiên Chúa. Chúng ta muốn thực thi các
đạo lý này để mưu cầu những hiệu quả tốt cho cuộc đời. Thật không còn gì vô ích
hơn khi theo Thầy mà không chịu thực thi những đạo lý Thầy dạy.
Hai bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhìn xem hai lối sống theo tiêu chuẩn của thế
gian và của Đức Kitô. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê muốn các tín hữu phải
tránh xa lối sống tham lam, vơ vét của cải của người thế gian, vì lối sống này
sẽ tố cáo chúng ta trong Ngày Phán Xét và không được dự phần vào cuộc sống đời
đời với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có lòng bác
ái, phải làm gương sáng, và phải diệt trừ tội lỗi bằng bất cứ giá nào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống của con cái thế gian.
1.1/ Kẻ tham lam sẽ phải
đền tội: Một khuynh hướng rất xấu nơi con
người là lòng tham lam vô đáy. Kẻ tham lam muốn thu tích của cải cho mình bằng
mọi cách, mà không cần biết mình sẽ gây đau khổ và thiệt hại cho người khác thế
nào. Thánh Giacôbê đã chứng kiến kẻ giầu bóc lột người nghèo trong cộng đồng của
ngài, nên ngài tuyên cáo họ: ”Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than
van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các
ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã
bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa
thiêu huỷ xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết
này.”
Những người lo tích trữ của cải cho mình còn phạm tội không tin tưởng nơi sự
quan phòng của Thiên Chúa. Họ nghi ngờ Thiên Chúa có uy quyền cung cấp cho họ
trong tương lai, nên họ phải dùng khôn ngoan con người tích trữ để khi về già
có của ăn, hay để đề phòng những bất trắc có thể xảy đến trong tương lai. Khi dọc
Kinh Lạy Cha, miệng họ xin lương thực hàng ngày, trong khi lòng họ tính toán
làm sao có của ăn, của để suốt đời. Những của cải tích trữ sẽ là bằng chứng tố
cáo những người tham lam, vì họ không thể từ chối Thiên Chúa là họ không vi phạm
điều đó.
1.2/ Những tội gây ra bởi
lòng tham lam của con người: Kẻ tham lam
không chỉ phạm tội vơ vét của cải; nhưng còn kéo theo nhiều tội khác nữa.
(1) Lỗi đức công bằng: ”Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những
thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán
trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo
binh.” Tội lỗi đức công bằng thời đại hôm nay còn được ngụy trang dưới đủ mọi
hình thức: trốn thuế, bóc lột sức lao động, lấy lệ phí gấp mấy lần việc họ làm,
ăn cắp của công, hối lộ, buôn người, bán đồ quốc cấm.
+ Tiêu xài xa hoa vào những việc bất chính: Trong khi người nghèo không có của
ăn, kẻ giàu có phung phí tiền bạc trong những sòng bạc và những cuộc truy hoan
đêm ngày. Thánh Giacôbê trách cứ hành động bất công của họ: ”Trên cõi đất này,
các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy
thoả mãn trong ngày sát hại.”
+ Giết hại người công chính: Để thỏa mãn lòng tham, kẻ gian ác loại trừ tất cả
những ai dám ngăn cản, phê bình, hay tố cáo lối sống của họ: ”Các ngươi đã kết
án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các ngươi.”
2/ Phúc Âm: Lối sống của người môn đệ Đức
Kitô
2.1/ Bác ái và gương sáng
là hai cách hiệu quả để rao giảng Tin Mừng.
(1) Phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước
vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất
phần thưởng đâu.” Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của
Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán
xét người môn đệ là đức bác ái (x/c Mt 25). Nếu ai làm cho tha nhân, người đó
làm cho chính Chúa, hậu quả là người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời trong
Nước của Cha Ngài.
(2) Phải làm gương lành cho người khác: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn
đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển
còn hơn.” Cùng một tư tưởng như trên: ai không làm gương lành cho tha nhân, là
không làm cho chính Chúa. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài.
Nếu đã không làm điều tốt cho tha nhân, họ còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng
gương xấu họ làm, chắc chắn họ phải sống xa Thiên Chúa. Rất nhiều gương mù người
lớn cần để ý khi sống gần con trẻ như: văng tục, chửi thề, bài bạc, rượu chè,
trai gái, hút xái… Các trẻ rất dễ bị nhiễm lây những tội lỗi này.
2.2/ Phải đoạn tuyệt mọi
tội lỗi: Năm câu kế tiếp có vấn đề về văn mạch:
câu 44 và câu 46 được các nhà chú giải coi giống như câu 48: “nơi giòi bọ không
hề chết và lửa không hề tắt.” Năm câu được sắp xếp như sau: “Nếu tay anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là
có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm
cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn
hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa
ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ
hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.”
Có ít nhất hai cách để hiểu đoạn văn này:
(1) Những người theo chủ thuyết Nền Tảng, Fundamentalism: Họ hiểu theo nghĩa
đen. Theo họ, Chúa Giêsu muốn con người phải cắt bỏ các phần thân thể, nếu họ
muốn được vào Nước Trời. Có một số người đã cắt các phần thân thể để khỏi phạm
tội.
(2) Con người phải nhận ra nguy hiểm của tội: Tội lỗi làm con người có nguy cơ
sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo
nghĩa đen như trên, con người chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì con
người vẫn thường xuyên phạm tội. Chúa Giêsu muốn con người nhận ra nguy hiểm của
tội, vì tội có thể làm con người sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời.
Vì thế, con người phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Của cải trong vũ trụ là của Thiên Chúa ban cho mọi người. Chúng ta đừng tham
lam thu tích của cải để tích trữ cho mình; trong khi bao anh chị em phải đói
khát.
– Chúng ta có bổn phận làm gương sáng cho mọi người bằng cuộc sống nhân đức.
Chúng ta cũng phải cố gắng để tránh mọi tội và đừng tạo gương mù làm lung lạc đức
tin của tha nhân.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/05/2018 – THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50
VÌ “NHỮNG KẺ BÉ MỌN” CỦA CHÚA
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải
sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42)
Suy niệm: Không cần phải tham khảo
những bản thống kê phức tạp chúng ta cũng dễ thấy rằng ngay trong môi trường học
đường, tình trạng đạo đức và chất lượng giáo dục đang xuống cấp một cách trầm
trọng. Hiện tượng bạo lực nơi học sinh, thậm chí nơi thầy cô giáo, đã là chuyện
thường ngày trên mặt báo. Người sống công bằng và trung thực trở thành những
“sinh vật lạ” lạc lõng trên ghế nhà trường, trên bục giảng. Hình ảnh những thầy
cô giáo mẫu mực tận tâm đang dần trở nên “hàng hiếm”. Mà đối tượng nạn nhân của
sự xuống cấp đó không phải ai khác hơn là những “kẻ bé mọn” mà Chúa rất trân
quý. Ngài không ngần ngại dùng những lời nặng nề lên án những kẻ nào làm gương
xấu cho “những kẻ bé mọn” ấy phải vấp ngã: “Thà buộc cối đá vào cổ chúng mà ném
xuống biển còn hơn.”
Mời Bạn: Đã hơn một lần các vị chủ
chăn kêu gọi các tín hữu nỗ lực củng cố môi trường giáo dục ki-tô ngay trong
gia đình của mình, chú trọng việc dạy giáo lý cũng như đào tạo giáo lý viên và
hình thành các cơ sở giáo dục tại các giáo xứ (x. Thư Chung HĐGMVN 2007). Một mặt,
đó là những phương thế khả thi trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội, mặt khác
đó là nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục toàn diện và lâu bền.
Sống Lời Chúa: Rà soát và loại trừ khỏi
gia đình bạn tất cả những gì có thể trở thành gương xấu cho “những kẻ bé mọn” của
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
xin cho chúng con biết sống yêu thương không chỉ bằng lời mà còn bằng mẫu gương
sáng trong đời sống chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
Làm cớ
cho anh sa ngã (24.5.2018 – Thứ
Năm Tuần 7 Thường
Niên B)
Suy niệm:
Khi nghe một
người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường,
chúng ta chẳng
ngạc nhiên mấy.
Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống
thì còn hơn là giữ lại mà phải
chết.
Có bao nhiêu người
chịu giải phẫu mỗi ngày.
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân
thể bị hư hoại,
để mong giữ lại được cả mạng sống.
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát
suốt đời,
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống.
Bài Tin Mừng
hôm nay có thể làm ta ngạc
nhiên và không vui.
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc.
“Nếu tay anh làm cớ
cho anh sa ngã,
thì
anh hãy
chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy
chặt nó đi…
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…”
Có cần
phải chặt tay, chặt chân
hay móc mắt không
?
Có cần
phải hiểu các câu này của Chúa
theo nghĩa đen không?
Nếu hiểu theo nghĩa đen,
chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn.
Bởi vậy chúng
ta thường dễ bỏ qua hay hiểu
theo nghĩa bóng,
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu
muốn chuyển tải.
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu
muốn chúng
ta coi trọng
đó là Sự Sống vĩnh
hằng, là Nước Thiên
Chúa
(cc. 43-47).
Để có được Giá Trị này,
ta phải chấp nhận hy sinh nhiều
giá trị khác.
Hơn nữa, chúng
ta lại càng
phải từ bỏ hy sinh
những gì cản
trở khiến ta không thể đạt tới mục đích
mình theo đuổi.
Tay, chân, mắt là những
bộ phận rất quan trọng
trong cơ thể.
Chúng là những
chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường.
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành
duyên cớ khiến
ta vấp phạm, sa ngã.
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng
ta vào cõi chết đời đời,
nơi toàn bộ cuộc đời
chúng
ta bị đổ vỡ nát
tan không
sao hàn gắn.
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá,
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính
Máu Con Thiên Chúa,
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp,
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên.
Chặt tay, chặt chân
hay móc mắt là những điều
kinh khủng, gây đau
đớn.
Bị què tay, què chân
hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.
Nhưng Đức Giêsu
mời chúng
ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu,
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang
làm hư hỏng đời
ta.
Cắt đứt với một thói
quen xấu lâu năm,
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người,
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt
tay.
Chúng ta chỉ có thể sống
Lời Chúa hôm nay
nếu chúng ta không bị hút bởi
khoái lạc trần gian ngay trước mắt.
Xin Chúa giúp ta thực
hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày,
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc
trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng,
khoái lạc
là những điều hấp dẫn
chúng
con.
Chúng trói buộc
chúng
con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những
giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự
phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những
gì chúng con có,
để
mua được
viên
ngọc quý là Nước
Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng
người trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG NĂM
Thiên Chúa Rọi Ánh
Sáng Ngài Trên Tội Lỗi Chúng Ta
Chúa Thánh Thần hoạt động
như một nguồn ánh sáng soi chiếu tâm hồn, giúp tội nhân nhận ra tội lỗi của
mình. Bao lâu con người còn khép mắt lại trước tội lỗi của mình, bấy lâu họ
không thể được biến đổi. Thánh Thần soi rọi ánh sáng của Thiên Chúa trong linh
hồn người ta, xét xử lương tâm người ta và làm cho tội nhân được giải phóng khỏi
tình trạng mù tối vốn không cho họ thấy thân phận tội lỗi của mình. Đó là lý do
tại sao những người tham gia vào vụ xử án Đức Giêsu (qua việc yêu cầu tử hình
Người) đã bất thần khám phá ra rằng thái độ của họ là tội lỗi.
Thánh Thần cũng sản
sinh lòng sám hối và thúc đẩy tội nhân xưng thú tội lỗi. Thánh Thần giúp chúng
ta hiểu rằng ơn thứ tha của Thiên Chúa luôn có sẵn đó cho ta, nhờ lễ hy sinh của
Đức Kitô. Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ đó. Chương 2 Sách Công Vụ Tông Đồ
kể rằng sau diễn từ của Phê-rô, các thính giả đã hỏi: “Vậy thì chúng tôi phải
làm gì đây?” Bằng cách nào tội nhân có thể quay lưng lại với tội lỗi? Không có
con đường nào để vượt thoát ra được nếu ơn tha thứ bị đóng lại trước mặt tội nhân!
Nhưng thực tế thì ơn tha thứ luôn rộng mở; và con người chỉ cần làm một việc là
bước vào để lãnh nhận sự thứ tha. Thánh Thần làm dậy lên trong lòng người ta niềm
tin tưởng vào tình yêu thứ tha của Thiên Chúa. Thánh Thần đưa dẫn người ta vào
nẻo đường cứu rỗi trong Chúa Giê-su Kitô.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24/ 5
Gc 5, 1-6; Mc 9
41-50.
Lời suy niệm: “Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như
thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy
gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với
nhau.”
Chúa Giêsu đang gợi cho chúng ta nhớ đến của tế lễ trong Cựu Ước: “Các ngươi phải
bỏ muối vào các lễ phẩm các ngươi dâng tiến, các ngươi không được để lễ phẩm
các ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa các ngươi; các ngươi phải dâng
muối cùng với mọi lễ tiến của các ngươi.” (Lv 2,13), Và lửa để thiêu đốt của lễ;
để giúp cho người Kitô hữu, biết mình cần được phải thanh luyện bằng lửa cũng
như ướp mặn Lời Chúa, giúp cho đời sống của chúng ta đẹp lòng Chúa, và sinh ích
cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Đời sống đẹp lòng Chúa là đời sống đã được thanh luyện bằng lửa
và ướp mặn đời mình bằng Lời Chúa. xin cho chúng con biết khép mình lại trong kỷ
luật và vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con.
Mạnh Phương
24 Tháng Năm
Lòng Tham Không Ðáy
Hôm ấy, trời vừa rạng
đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: “Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy từ
giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những
ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết”.
Sướng quá! Cha chết
sống lại cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu
chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng
hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân,
thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại
cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại
một hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời
đã xế chiều. Lại một vòng nữa… Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường
đi. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với “Ruộng vườn mặc sức
chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”.
Nhưng vừa bước chân
qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang
săn sóc… Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực
quá sức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng,
nhưng không quá ba tấc đất.
Ðiểm qua những câu
chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?… Chắc có người tự
hỏi: sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này làm gì có nhiều của
mà tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc
áo tơi đến độ có thể “ăn thua đủ” với những ai đánh cắp.
Lòng tham không cần bị
nhiều cám dỗ mới nổi tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập
là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như mục
đích. Bước thứ hai là tập cho có quan niệm: chúng ta chỉ là những người quản lý
chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất và có như thế chúng ta mới dễ
dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với những người cần thiết hơn.
Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ. Hạt muối cắn hai mới thật
sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Ngày 24 tháng 5
Ðức Mẹ Xà Sơn
Thượng Hải, Trung Quốc
Xin Mẹ Nâng Ðỡ Mọi Người
Tại Trung Quốc Giữa Khó Khăn Vẫn Tin Cậy Mến!
Mẹ là Ðấng mà toàn thể
Giáo Hội tại Trung Quốc ngước nhìn với lòng trìu mến sâu xa.
Roma (Vat. 24-05-2015)
- Ngày 24 tháng 5: lễ Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu cũng là ngày Ðức Thánh Cha Biển-Ðức
XVI chọn làm Ngày Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Trong bức thư đề ngày
27 tháng 5 năm 2007 gởi các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và tín hữu Cộng Hòa Nhân
Dân Trung Quốc, Ðức Thánh Cha viết:
- Tôi mời gọi anh chị
em cử hành ngày này trong tâm tình canh tân mối hiệp thông Ðức Tin nơi Ðức
Giêsu Chúa chúng ta và lòng trung thành với Giáo Hoàng, và sốt sắng cầu xin cho
mối giây hiệp nhất giữa anh chị em được mỗi ngày một sâu xa và hữu hình hơn (số
19).
Trước đó, trong khung
cảnh Ðại Năm Thánh, Chúa Nhật 1 tháng 10 năm 2000, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II (1920-2005) đã tôn phong 120 vị Tử Ðạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh.
Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Ðức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ XIV
đến đầu thế kỷ XX dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh
(1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907).
Trong số 120 thánh tử
vì đạo có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 thánh tử
vì đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và
7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ Maria).
86 trong số 120 thánh
Tử Ðạo Trung Hoa chịu chết vì Ðạo vào năm 1900.
Năm 1900 mở ra một
trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị
bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Ðoàn nổi lên đốt
phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát. Phiến quân này cho rằng chính vì các tín
hữu Kitô nên mới có sự hiện diện của các thế lực ngoại bang bấy giờ trên đất nước
Trung Hoa.
Xin giới thiệu cuộc
tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo của 2 vị:
1/ Thánh nữ Maria
Vương Lý.
Một người ngoại giáo
nói với bọn giặc Quyền Phỉ:
- Ðừng động đến bà
này, vì bà không phải tín hữu Công Giáo!
Ngạc nhiên, bọn lính hỏi
lại người phụ nữ:
- Có thật bà là người
Công Giáo không?
Bà quả quyết:
- Thật, tôi là tín hữu
Công Giáo!
Nghe vậy, người đàn
ông ngoại giáo đâm cáu kỉnh và trách mắng người đàn bà:
- Sao dại dột thế! Bà
không biết nói bà không phải là người Công Giáo sao? Chỉ cần nói: "tôi
không phải là tín hữu Công Giáo" đủ để thoát chết. Bà không nói được sao?
Thế nhưng, người phụ nữ
Công Giáo quả cảm, trung thành, làm sao có thể nói dối mình không phải tín hữu
Công Giáo, để được cứu sống? Do đó, người đàn bà tiếp tục tuyên xưng:
- Tôi là người Công
Giáo. Gia đình tôi theo Ðạo Công Giáo từ không biết bao nhiêu thế hệ qua!
Câu chuyện trên đây xảy
ra vào mùa hè năm 1900 tại làng Ðại Ninh bên Trung Quốc. Người đàn bà Công Giáo
nói trên chính là thánh nữ Maria Vương Lý, 49 tuổi, có chồng và ba đứa con.
Khi thấy làng Công
Giáo gặp nguy hiểm, bà Vương đem hai đứa con trai nhỏ - lên 9 và 14 tuổi - trốn
sang một làng khác, không Công Giáo.
Nhưng chẳng may vừa ra
khỏi làng, ba mẹ con chạm phải bọn giặc. Bọn lính hỏi bà Vương:
- Bà có phải là người
Công Giáo không?
Bà đáp ngay:
- Phải, tôi là người
Công Giáo và tôi theo đạo Công Giáo từ lâu lắm rồi!
Bọn lính bảo bà:
- Vậy phải quay trở về
làng.
Trên đường về, một người
không Công Giáo trong làng, trông thấy bọn lính áp giải bà Vương, ông hiểu ngay
bọn lính muốn giết bà, vì bà là người Công Giáo. Ông liền can thiệp:
- Ðừng bắt bà này vì
bà không phải người Công Giáo!
Nghe vậy, bà Vương cải
chính:
- Làm sao ông lại nói
thế! Tôi là tín hữu Công Giáo từ lúc còn nhỏ tuổi. Xin ông đừng lo lắng đến
chúng tôi làm gì!
Lợi dụng trong lúc cãi
cọ, bọn lính lơ đãng, hai đứa con trai của bà Vương nhanh trí lẻn trốn vào một
đống rơm gần đó và may mắn thoát nạn. Chỉ còn lại bà Vương.
Trên đường về làng, bà
Vương còn gặp hai người không Công Giáo khác cùng làng. Cả hai đều tìm cách cứu
bà Vương. Nhưng bà cương quyết tuyên xưng mình là tín hữu Công Giáo. Thấy thế,
bọn lính quyết định xử tử bà. Họ ra lệnh:
- Quỳ gối xuống và ngửa
mặt lên trời!
Bà Vương mau mắn thi
hành. Bà quỳ xuống, chắp hai tay lại và ngước mắt nhìn Trời. Một lưỡi gươm vung
mạnh chém đứt đầu, đưa linh hồn người phụ nữ Công Giáo Trung Hoa can đảm về
thiên quốc. Hôm ấy là ngày 22 tháng 7 năm 1900. Bà Maria Vương Lý hưởng dương
49 tuổi.
2/ Thánh Phêrô
Vương Tá Long
Thánh Phêrô Vương Tá
Long là cựu chủng sinh Công Giáo Trung Hoa. Ðời sống tu đức hấp thụ nơi chủng
viện ghi dấu vết sâu đậm trong cuộc đời ông Vương. Ông luôn nêu cao mẫu gương của
một tín hữu Công Giáo đạo đức.
Ngày 6 tháng 7 năm
1900, khi nghe tin bọn giặc Quyền-Phỉ tiến đến làng ông để giết hại người Công
Giáo, ông sợ hãi bỏ làng trốn đi. Ði một quãng đường xa, ông bỗng nhớ đến anh cả
và cảm thấy lo lắng cho số phận của anh. Ông tức tốc trở lại làng. Vừa lúc đó bọn
giặc cũng ồ ạt kéo đến. Ông Vương khéo léo ẩn mình khiến bọn lính không nhận
ra. Không may, một người đàn bà ngoại giáo xuất hiện. Bọn lính tưởng bà là người
Công Giáo liền túm lấy bà. Hoảng sợ, bà ta phân trần:
- Tôi không phải Công
Giáo. Nhưng nếu mấy ông muốn tìm người Công Giáo, thì đây, chính ông này!
Vừa nói bà vừa chỉ vào
ông Vương. Ông Vương nhanh nhẹn tẩu thoát. Nhưng bọn lính nhanh chân hơn đã đuổi
kịp ông. Họ nói với ông:
- Nếu ông bằng lòng chối
Ðạo, chúng tôi sẽ tha cho ông.
Ông Vương trả lời:
- Tôi theo Ðạo từ lúc
còn nhỏ tuổi. Dòng họ tôi cũng theo Ðạo Công Giáo từ không biết bao nhiêu đời.
Tôi không bỏ Ðạo. Nếu bị giết tôi sẽ lên Thiên Ðàng ngay!
Nghe vậy, bọn lính cười
chế nhạo:
- Coi kìa, ông ta muốn
lên Thiên Ðàng. Vậy tụi mình treo ông ta lên, càng cao càng tốt!
Nói rồi, chúng lôi ông
đến trước cổng ngôi chùa của làng. Tại đây có một trụ cờ. Chúng túm tóc và cột
ông Vương treo trên trụ cờ rồi bỏ đó từ sáng đến tối.
Không ai có thể tưởng
tượng tất cả nỗi đau đớn ông Vương phải chịu. Nhưng giữa mọi cực hình, ông
Vương không ngớt miệng kêu xin Thiên Chúa cứu giúp. Bọn lính lại một phen chế
nhạo:
- Coi kìa, kinh nguyện
ông ta đã kéo ông lên khỏi mặt đất!
Một người không Công
Giáo trong làng sau đó kể lại rằng. Tôi đứng xa nhìn ông Vương. Thấy tôi, ông
làm hiệu cho tôi đến gần và nói:
- Anh à, tôi còn mắc nợ
người bán bánh trong làng một số tiền. Tôi muốn thanh toán món nợ trước khi chết.
Vậy anh làm ơn đến nhà tôi, lấy tiền trong tủ và đem trả cho người bán bánh.
Sau một ngày ròng rã bị
treo trên cột cờ, ông Vương bị rơi xuống đất, mình đầy máu. Tuy nhiên ông vẫn
không ngớt miệng nói:
- Tôi sẽ lên Thiên
Ðàng!
Bọn lính chế nhạo:
- Vậy thì đi đi!
Sau cùng, bọn lính lấy
gươm chém ông chết. Năm đó thánh Phêrô Vương Tá Long hưởng dương 58 tuổi.
... Kinh Ðức
Thánh Cha Biển-Ðức XVI cầu cùng Ðức Mẹ Xà-Sơn (Trung Quốc)
Lạy Ðức Nữ Trinh Rất
Thánh, Mẹ Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ chúng con, được tôn kính nơi đền thánh
Xà-Sơn dưới tước hiệu "Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu", Mẹ là Ðấng mà
toàn thể Giáo Hội tại Trung Quốc ngước nhìn với lòng trìu mến sâu xa, ngày hôm
nay chúng con đến trước nhan Mẹ để khẩn cầu ơn che chở đặc biệt của Mẹ. Xin Mẹ
ghé mắt nhìn đến dân Chúa với mối quan tâm từ mẫu và dẫn dắt dân Chúa bước đi
trên con đường sự thật và tình yêu, hầu cho trong mọi hoàn cảnh đều có mối
chung sống hòa điệu giữa mọi công dân. Nhờ tiếng "Thưa Vâng" Mẹ thuần
thục đáp lại ở Nazareth mà Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong cung lòng
vô nhiễm của Mẹ và khởi đầu công trình cứu chuộc trong lịch sử loài người, công
trình mà Mẹ mau mắn hợp tác cách tận tụy khi chấp nhận lưỡi đòng đau đớn đâm thủng
hồn Mẹ, cho đến giờ phút tối cao của Thánh Giá, khi, trên đồi Can-Vê, Mẹ đứng
bên Thánh Giá Con Mẹ, chịu chết để cho loài người được sống.
Từ đó, Mẹ trở thành,
theo cách thức mới, Người Mẹ của tất cả những ai đón tiếp trong Ðức Tin Ðức
Chúa Giêsu Con Mẹ và sẵn sàng bước theo Ngài khi chấp nhận vác Thánh Giá trên
vai. Lạy Mẹ của niềm Hy Vọng, khi trong đêm đen của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, với
trọn lòng tin tưởng phó thác không lay chuyển, Mẹ đã can đảm tiến bước cho đến
buổi sáng Phục Sinh, xin Mẹ ban cho con cái Mẹ khả năng biết phân biệt trong mọi
hoàn cảnh, cho dù đen tối nhất, vẫn nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện ưu ái của
ThiênChúa.
Lạy Ðức Mẹ Xà-Sơn, xin
Mẹ nâng đỡ sự dấn thân của tất cả mọi người, tại Trung Quốc, giữa những khó
khăn hàng ngày, vẫn tiếp tục tin, cậy, mến, hầu cho họ không bao giờ sợ hãi nói
về Ðức Chúa Giêsu cho thế giới và nói về thế giới với Ðức Chúa Giêsu. Nơi bức
tượng Mẹ đặt trong đền thánh, Mẹ giơ cao Con Mẹ để giới thiệu cho thế giới với
đôi tay giang rộng trong cử điệu đầy yêu thương. Xin Mẹ hãy giúp các tín hữu
Công Giáo được luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương
này. Xin Mẹ gìn giữ các tín hữu Công Giáo luôn hiệp nhất với Ðá Tảng là Phêrô,
trên đó được xây dựng Hội Thánh. Lạy Mẹ là Hiền Mẫu của Trung Quốc và của Á
Châu, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen!
(Celestino Testore,
S.I, "Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo", I Beati Martiri
Cinesi nella persecuzione della Boxe, Celi Sud-Est 1900, Curia Generalizia
della Compagnia di Gesù, 1955)
Sr. Jean Berchmans
Minh Nguyệt
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét