18/02/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
6 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 12-18
"Chính
Thiên Chúa không hề cám dỗ".
Trích
thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Phúc
cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống
mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói
rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính
Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục
và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm
rồi, thì sinh ra chết.
Anh
em thân mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự
trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có
bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để
chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa,
phúc thay người được Ngài dạy bảo (c. 12a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của
Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. - Ðáp.
2)
Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự
xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.
- Ðáp.
3)
Ðang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ
thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui
sướng hồn con. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 27
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con
suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 8, 14-21
"Các
con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa
Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi
men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng:
"Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao
các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao
các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ
năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy
miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai
thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các
con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy
thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu
sao?"
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Tín
thác vào tình yêu của Chúa
Sau
phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về
hướng Betsaiđa; Ngài lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng
của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá
hóa ra nhiều.
Khi
cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu
có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa
Giêsu đã dùng chữ "men" để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù
quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc
các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
Chúa
Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa
các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn
luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt
và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ
điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu
khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết
lập.
Chúa
Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều
sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài,
hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con
người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ
ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín
thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình
yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: "Tất cả đều là hồng
ân của Chúa" bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của
chúng ta.
Xin
Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự, chúng ta luôn biết
dâng lời cảm tạ Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần VI TN
Bài đọc: Gen 6:5-8, 7:1-5, 10;
Jam 1:12-18; Mk 8:14-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần sống
đức tin trong cuộc đời.
Đức
tin không phải chỉ là những hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng còn là áp dụng những
hiểu biết này trong cuộc đời. Nếu chúng ta không sống những gì chúng ta tin, đức
tin chỉ là điều trong trí óc và chẳng giúp được gì cho chúng ta (Jam 2:14). Ví
dụ, nếu chúng ta tin lời Thiên Chúa nói về sự quan phòng của Ngài, chúng ta
không được phép lo lắng thái quá về việc ăn gì, uống gì, và mặc gì? Hay nếu
chúng ta tin điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho mọi người được cứu
độ, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ cho việc tìm hiểu và rao giảng Tin Mừng.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những mẫu gương sống và không sống đức tin. Trong Bài
Đọc I, năm chẵn, tác-giả Thư Giacôbê xác định cám dỗ không đến trực tiếp từ
Thiên Chúa; nhưng cần thiết để thử luyện đức tin của con người. Trong Phúc Âm,
Chúa nhắc nhở các tông-đồ “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees
và men Herode!” Vì tuy các ông đã chứng kiến 2 phép lạ cả thể Chúa Giêsu đã làm
để nuôi một lần 5,000, một lần 4,000 người ăn no nê; các ông vẫn bàn tán về việc
không mang đủ bánh theo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I (năm chẵn):
Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng thử thách.
1.1/
Thiên Chúa để cám dỗ xảy đến cho con người.
(1)
Nguồn gốc của cám dỗ: Con
người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khá hay hoàn cảnh đưa đến sự sa
ngã của mình. Trong trình thuật về sự sa ngã đầu tiên của con người: ông Adong
đổ tội cho bà Evà, người Thiên Chúa đã dựng nên và cho ông làm bạn. Bà Evà đổ lỗi
cho con rắn đã lừa đảo và cám dỗ Bà. Câu hỏi được con người đặt ra: "Ai là
nguyên nhân chính của cám dỗ?" Có ít nhất 4 ý kiến khác nhau:
+ Thiên Chúa: Ngài dựng nên mọi sự
trong trời đất: thiên thần, quỉ thần, và con người với mọi dục vọng trong cơ thể.
Tác giả thư Giacôbê phản đối ý kiến này: "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói:
"Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ," vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều
xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai." Hơn nữa, trình thuật tạo dựng
cũng xác tín: "mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành."
+ Quỉ thần: Rắn cám dỗ bà Evà
trong vườn Địa Đàng, và vẫn đang cám dỗ con người như lời Chúa Giêsu cảnh cáo
các môn đệ: "Thầy thấy Satan từ trời sa xuống, và sàng các con như sàng gạo."
+ Thế gian: Những người sống
chung quanh mình, và môi trường gia đình cũng như xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến
tội lỗi của cá nhân. Ví dụ: nghèo đói sinh ra mọi tệ nạn xã hội như ăn cắp, ăn
trộm, ăn cướp, và đĩ điếm. Tuy nhiên, con người vẫn có thể sống: "gần bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn."
+ Xác thịt: Không biết kiềm chế
những dục vọng trong con người mình. Thánh Giacôbê qui chế cám dỗ cho con người:
"Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi
mà bắt."
(2)
Trách nhiệm của con người: Thực ra, Thiên Chúa chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp vì Ngài dựng
nên và điều khiển mọi sự; nhưng con người là nguyên nhân trực tiếp cho các hành
động tội lỗi của mình. Thiên Chúa không dựng nên các điều xấu vì tội lỗi không
bén mảng được vào Thiên Chúa. Ngài để những sự xấu xảy ra và ban cho con người
có khôn ngoan để nhận ra các nguy hiểm và tự do để chọn lựa điều tốt giữa bao
điều xấu xa. Cám dỗ cần thiết vì nó cung cấp thử thách cho con người để họ chứng
minh niềm tin yêu của con người nơi Thiên Chúa. Tác giả Thư Giacôbê nhìn ra lợi
ích của cám dỗ: "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì
một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban
cho những ai yêu mến Người." Nhưng nếu con người không biết dùng khôn
ngoan để nhận ra những nguy hiểm của cám dỗ và sa ngã, họ là người phải chịu
trách nhiệm cho mọi hình phạt sẽ xảy đến, hình phạt nguy hiểm nhất là cái chết,
như tác giả nhận xét: "một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội
khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết."
1.2/
Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Tác giả tin mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành,
như trình thuật tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, khi viết: "Mọi ơn lành và
mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên
muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần
khi tối khi sáng." Tác giả nhấn mạnh đến tính bất biến của Thiên Chúa.
Ngài không bao giờ thay đổi: mặt trời, mặt trăng, và các tinh thể có thể lúc
sáng lúc tối; nhưng nơi Thiên Chúa hoàn toàn là sự sáng.
Trách
nhiệm của con người là biết tận dụng tất cả những gì Chúa dựng nên cho mục đích
tốt lành mà Thiên Chúa mong muốn. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài
không để con người lầm lũi bước đi trong tăm tối và bị rơi vào bẫy của ba thù
(quỉ thần, thế gian, và dục vọng xác thịt); nhưng ban cho con người một nguồn
sáng không bao giờ tối là Kinh Thánh. Con người phải biết chạy đến với nguồn
sáng này để nhận ra các cám dỗ và cách thức để vượt qua, như tác giả khuyên:
"Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của
đầu mùa trong các thọ tạo của Người."
2/
Phúc Âm:
Lo lắng chuyện ăn uống.
2.1/
Lo lắng chuyện thế gian: Các
môn đệ lo lắng vì quên đem bánh theo; các ông chỉ có một chiếc bánh trên thuyền.
Chúa Giêsu răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men
Pharisees và men Herode!" Men là miếng bột cũ còn giữ lại từ khối bột làm
bánh cũ; mục đích là để cho bột nổi lên trước khi nướng bánh. Chỉ cần một chút
men cũng đủ làm dạy cả một khối bột lớn. Người Do-thái đôi khi đồng hoá công việc
của ma quỉ với men.
(1)
Men Pharisees: Niềm
tin đặt trên việc nhìn thấy phép lạ để đem lại uy quyền và lợi lộc vật chất.
Chúng ta đã nói về vấn đề này hôm qua, khi họ đến tranh luận và thách thức Chúa
Giêsu làm phép lạ, trước khi họ có thể tin vào Ngài.
(2)
Men Herode: Nhà
Vua chú trọng đến uy quyền, danh vọng, và hưởng thụ các của cải vật chất. Vì thế,
ông đã từ chối sự thật và chém đầu Gioan Tẩy Giả.
Khi
khuyên các môn đệ phải đề phòng “men Pharisees và men Herode,” Chúa Giêsu muốn
nói với các ông đừng quan tâm đến những chuyện thế gian như họ. Hơn nữa, Chúa
đang chuẩn bị cho các ông chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc
con người.
2.2/
Các Tông-đồ đã không sống niềm tin: Mặc dù đã được Chúa Giêsu cảnh cáo, các ông vẫn
không hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói, vì “các ông vẫn bàn tán với nhau về
chuyện các ông không có bánh.” Chúa Giêsu cũng phải bực mình nên Người nói với
các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em
chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy,
có tai mà không nghe ư? Chúa Giêsu soi sáng bằng cách đặt câu hỏi cho các ông
phải suy nghĩ và trả lời:
-
Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho 5,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu
thúng đầy mẩu bánh?" Các ông đáp: "Thưa được mười hai."
-
Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho 4,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao
nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?" Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo
các ông: "Anh em chưa hiểu ư?"
Mục
đích của phép lạ là để khai mở niềm tin. Các Tông-đồ không những được khai mở một
lần, mà đến hai lần; các ông vẫn không tin Chúa Giêsu có thể làm phép lạ cho
các ông có bánh ăn! Nếu các ông được chứng kiến tận mắt hai lần phép lạ liên
quan đến bánh hoá nhiều như thế, mà vẫn cứ nói về chuyện không mang bánh, phép
lạ Chúa Giêsu làm có ảnh hưởng gì đến niềm tin của các ông?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Đức tin phải đi đôi với hành động; đức tin không việc làm là đức tin chết (Jam
2:17). Nếu chúng ta thực sự tin Lời Chúa, chúng ta phải áp dụng những Lời của
Ngài trong cuộc sống.
-
Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men
Pharisees và men Herode!" vẫn còn hiệu lực cho chúng ta ngày nay; vì rất
nhiều lần chúng ta đã để cho những lo lắng thế gian làm chủ cuộc đời.
-
Nếu chúng ta sống ngược lại với những gì chúng ta tin, chúng ta sẽ phải trả giá
trước mặt Thiên Chúa. Hình ảnh Lụt Hồng Thủy nhắc nhở chúng ta thân phận yếu đuối
và tội lỗi của con người.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
8,14-21
A.
Hạt giống...
Câu
chuyện này có liên quan tới phép lạ bánh hóa nhiều mà Mc vừa tường thuật phía
trước (Mc 8,1-10) :
-
Phép lạ ấy đã chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu : Ngài là một ông Môsê mới, ban
lương thực dư dật không những cho người do thái mà còn cho cả lương dân.
-
Nhưng những người pharisêu vẫn không tin Chúa Giêsu. Họ còn đòi Ngài làm một dấu
chỉ từ trời (Mc 8,11-13). Còn những người phái Hêrôđê thì chỉ lo chuyện chính
trị và bảo vệ quyền lợi vật chất của họ. Phép lạ hóa bánh ra nhiều (và cách
chung là tất cả những phép lạ của Chúa Giêsu) chẳng giúp cho họ hiểu gì cả.
-
Bởi đó Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đê mình : "Anh em phải coi chừng men
pharisêu và men Hêrôđê". Hình ảnh "men" chỉ những gì gây nên
tình trạng biến chất, hư hại. Do đó ý Chúa Giêsu muốn bảo các môn đệ đừng vì
thành kiến như pharisêu hay vì sự thù nghịch như phái Hêrôđê mà mù quáng không
nhận ra ý nghĩa phép lạ.
-
Cũng chính vì thế nên một lần nữa Chúa Giêsu nhắc các môn đệ nhớ lại hai lần
hóa bánh ra nhiều và giúp họ nhận ra ý nghĩa của chúng.
B....
nẩy mầm.
1.
Thành kiến làm cho người ta ra mù quáng. Người có sẵn thành kiến giống như một
người đã mang kính râm nên nhìn cái gì cũng thấy tối đen theo màu kính.
2.
Khi còn nhỏ, J. Dillinger phải ra tòa vì một tội vụn vặt. Được tha về, cha mẹ dẫn
anh đến trường. Một số phụ huynh khác thấy thế, đến làm áp lực với thấy giáo :
nếu thầy để Dillinger ở đây, chúng tôi sẽ đem con đến trường khác. Ông thầy bối
rối không biết làm thế nào cho các phụ huynh an tâm. Ông đành nói thật cho
Dillinger nghe. Anh bỏ học, không bao giờ bước chân tới trường nữa. Ít năm sau,
anh trở thành một tội phạm nguy hiểm nhất Hoa kì trong thập niên 30. (Góp nhặt)
3.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, điều còn vương vấn lại trong trí các môn đệ chỉ là…
bánh, không có gì hơn ! Các ông không biết đi từ dấu chỉ ấy để vươn lên tới chỗ
nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu.
Chúng
ta cũng thế, đầu óc chúng ta cũng nông cạn như thế. Nhiều khi Chúa ban cho ta một
ơn lành, chẳng hạn một thành công, một sự an ủi v.v. Sau đó điều duy nhất chúng
ta còn nhớ chỉ là sự thành công và an ủi đó. Chúng ta không thể vươn xa hơn một
chút để thấy đó là những dấu chỉ về tình thương của Ngài. Chúng ta phải tập
nhìn những sự việc xảy ra như những dấu chỉ tới những điều cao hơn.
4.
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống
đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng
suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối
suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ : "Đây chỉ là một ảo ảnh...
trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối". Nghĩ như vậy, ông lại
tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ
bắt gặp một xác người. Một người thốt lên "Chỉ còn hai bước nữa là người
này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt
cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?". Nhưng người bạn lắc đầu giải
thích "Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng
và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy
chúng.
Thảm
trạng của con người thời đại : con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng
bàn tay nhỏ bé của mình để che đây ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn
biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại." (Trích "Mỗi ngày một tin
vui")
5.
"Chúa Giêsu bảo các môn đệ : Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men
pharisêu và men Hêrôđê" (Mc 8,15)
Lên
Sài gòn học tiếp đại học, tôi và một anh bạn "chúa ghét" thuốc lá.
Nhưng rồi cũng phải hút, là để ngoại giao, xin việc, vì kẻ nào đến xin việc
cũng làm như vậy và họ đã được đưa đón ân cần hơn. Bằng không, cứ thấy chiếc xe
đạp dựng trước cơ quan là y như rằng lại vào ra không, tí khói lửa liền được
chào mời tử tế… Lâu ngày, cứ hễ nhạt miệng là chúng tôi lại mồi thuốc, bất kẻ
những người xung quanh là ai : già trẻ, trai, gái, người đau, kẻ ốm… và bất kể
nơi nào, thậm chí ngay trên xe khách chật ních người.
Tệ
hơn nữa, bây giờ chúng tôi lại mắc chứng "nổ" hết xảy, nói dóc không
"gớm miệng". Oái oăm thay, người đời lại thích vậy, nên chúng tôi có
thêm tài "ngoại giao" và kiến việc làm.
Vâng,
chắc chắn cả hai chúng tôi đã nhiễm, không những "mùi thuốc lá" mà
còn mắc phải cả "men lãnh đạm" trước những nhu cầu của tha nhân, một
thứ men làm cho lương tâm ra chai lì, không còn nhạy bén với chân lý nữa.
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy đến và cho con can đảm lội ngược dòng, để con ống giữa thế
gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa mình chứ không biến mình, nhập thể chứ
không biến thể. Xin mau đến, lạy Chúa, kẻo con "lên men" mất.
(Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
LÀ MEN KITÔ
“Anh em phải coi chừng, phải
đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!”
(Mc 8,15)
Suy niệm: Từ
hàng ngàn năm qua, người ta đã biết dùng men ủ vào bột, để bột dậy men và làm
ra những ổ bánh mì thơm ngon. Cũng có những thứ men hữu ích khác để làm rượu,
dấm, sữa chua, v.v. Thế nhưng lại có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư
thối, gây tật bệnh cho con người. Khi ví Nước Trời như men trong bột, Chúa
Giêsu dạy các môn đệ phải có loại men mang tên Kitô, chứ không phải “men Pharisêu và men Hêrôđê”,
là thứ men kiêu căng giả hình, thứ men của lòng đam mê tiền của, thú vui và
quyền lực; những thứ men đó làm cho con người ra hư hỏng. Các môn đệ vì còn
nặng tinh thần thế tục với óc thực dụng, cứ mải lo lắng về tấm bánh vật chất
nên không hiểu được lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Biết các ông đang có nguy cơ
tiêm nhiễm men độc hại nên Ngài cảnh báo: “Hãy coi chừng men Pharisêu và men
Hêrôđê”.
Mời Bạn: Men
Kitô trái ngược hẳn với men Hêrôđê và Pharisêu. Đó là men yêu thương, khơi dậy
lòng nhiệt thành hiến thân phục vụ trong vui tươi, hiền lành, khiêm tốn. Để men
Kitô dậy lên, phải loại bỏ tinh thần thế tục và óc thực dụng là môi trường cho
men Pharisêu và Hêrôđê phát triển.
Chia sẻ: Đâu
là những dấu hiệu cho thấy tinh thần thế tục và óc thực dụng đang tồn tại nơi
lối sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Thực
hành lối sống giản dị, tiết độ và sẵn sàng chia sẻ với người nghèo để men Kitô
phát triển.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con hãy tìm kiếm Nước Trời trước
rồi những sự khác Chúa sẽ ban cho. Xin giúp chúng con biết sử dụng của cải đời
này theo tinh thần Phúc Âm để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Suy niệm
Cuộc đời không chỉ nơi trần gian này.
Khi đọc đoạn tin mừng này tôi nhận thấy rằng các
môn đệ của Chúa Giêsu là những con người rất người và rất tầm thường. Nói vậy,
bởi vì khi các ông theo Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu và chứng kiến tận mắt
những phép lạ Chúa Giêsu làm mà các ông vẫn còn bị chi phối, bị ám ảnh bởi cuộc
sống vật chất nơi trần gian: “các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông
không có bánh”. Chính vì bị chi phối bởi đời sống vật chất như thế đã làm
cho con mắt đức tin của các ông bị lu mờ. Kết quả là các môn đệ không nhận ra
sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô để
mà tin tưởng và phó thác vào Ngài.
Cuộc sống của tôi cũng giống như các môn đệ. Tôi
cũng bỏ rất nhiều thời giờ để lo lắng và vun bén cho đời sống nơi trần gian.
Thậm chí vì lo cho cuộc sống nơi trần gian, vì lo cho cơm áo gạo tiền mà tôi
không chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và anh em. Và cũng vì quá lo cho
đời sống vật chất nơi trần gian này mà tôi không còn thì giờ để lo cho đời sống
tương lai, cho phần rỗi linh hồn của tôi nữa. Tệ hơn nữa là tôi mất luôn niềm
tin và sự tín thác vào Thiên Chúa. Lời Chúa nhắc nhở các môn đệ trong bài tin
mừng này cũng là lời nhắc nhở cho chính bản thân tôi.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng cuộc sống
nơi trần gian sẽ có ngày kết thúc. Xin cho con khi sống nơi trần gian không
phải chỉ biết lo cho đời này, mà còn biết quan tâm và lo cho đời sống vĩnh cửu
mai sau nữa. Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của
cuộc đời. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18
THÁNG HAI
Bạn Có Nghe Ngài Gõ
Cửa?
“Các
ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12). Đó là tiếng gọi của Thiên Chúa
cho riêng từng người trong Giáo Hội. Thiên Chúa kêu gọi mỗi chúng ta trở về với
Ngài. Đấy là sứ điệp của mọi mùa Chay. Đó là lý do tại sao mùa Chay được gọi là
một ‘nhịp mạnh’. Trong mùa này, hơn bất cứ lúc nào khác, chính Thiên Chúa nói với
chúng ta. Ngài kêu gọi. Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn ta.
Thiên
Chúa muốn chiếm lấy chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta thật quá đỗi
thâm trầm, vì Ngài biết từng người trong chúng ta đến tận những đáy sâu thẳm nhất.
Ngài biết rằng mãi mãi chúng ta còn khắc khoải bao lâu chưa trở lại cùng Ngài.
Vì thế, đây cũng là một tình yêu ‘hay ghen’(cf. Ge 2, 18). Tình yêu ‘hay ghen’ ấy
của Thiên Chúa làm nên bầu khí của mùa Chay, từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Tam Nhật
Thánh.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 18-02
LỜI SUY NIỆM: “Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một
chiếc bánh. Người bảo các ông: anh em phải coi chừng, phải đề phòng men
Pharisêu và men Hêrôđê!”
Các môn đệ đang bàn tán, lo sợ bị đói vì trên thuyền
chỉ có một chiếc bánh. Họ đã quyên đi là họ đang có Chúa ở cùng, họ quên quyền
năng của Chúa, họ quên sự quan tâm lo lắng của Chúa đối với họ, họ quên sự bảo
vệ của Chúa trong mọi sóng gió. Chúa nhác cho họ nhớ lại những hồng ân của Chúa
ban cho họ, và cho cộng đồng; chứ đừng cậy dựa sức riêng của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban mọi ơn
lành cho gia đình chúng con về phần hồn cũng như phần xác. Xin cho chúng con vững
tin vào tình yêu Chúa để tiến bước về Nhà Cha.
Mạnh
Phương
18
Tháng Hai
Hai Biển Hồ
Palestina
có tới hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường
được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà
người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những
vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ
này... Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và
Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển
hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống
nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể
trở thành bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến
không ai muốn sống gần đó.
Có
điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan.
Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông
lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của
nó luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con
người.
Biển
Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của
nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh
Phaolô đãghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giesu như sau: "Cho thì có phúc
hơn nhận lãnh". Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại
nhiều hơn.
Một
đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh
lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới
thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập
vui sướng...
Càng
trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi
lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài
năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng.
Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và
như vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực... Cũng như biển hồ
Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch
xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sống chúng ta
lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban
cho người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn
và chết dần chết mòn.
(Lẽ
Sống)
(c.107)
Lược sử
Simêon, hoặc Simon, dường
như là bà con với Đức Giêsu. Người ta cho rằng cha của ngài là Clêopha, anh của
Thánh Giuse và mẹ ngài là chị họ Đức Maria. Có lẽ ngài là một trong những người
"anh
em của Đức Giêsu"
có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần. Ngài được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của
ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.
Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc
người Do Thái chống đối đế quốc La Mã. Cộng đồng Kitô Hữu ở Giêrusalem được
tiên báo là sẽ bị người Rôma tiêu diệThánh Trong năm đó, trước khi Vespasian
đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn
trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Sau khi Giêrusalem bị đốt
và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Đế Hadrian
sau đó đã san bằng Giêrusalem.
Thánh Epiphanius và
Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do
Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra
lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Đavít, Thánh Simêon đã trốn thoát
sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị
bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là một Kitô Hữu, và
ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình
và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.
Mặc dù ngài thật cao tuổi
- truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra
tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán
phục.
Suy niệm 1: Anh em
Có
lẽ Simêon là một trong những người "anh em của Đức Giêsu" có mặt ở
căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần.
Dĩ
nhiên Simêon là anh em họ cùng huyết thống với Đức Giêsu. Nhưng ngài đã sống
thật xứng đáng, chứ không làm hổ danh cho gia tộc mình, khi được tín nhiệm để
giữ chức vụ Giám Mục cũng như chấp nhận cuộc tử hình thập giá.
Qua
bí tích Rửa Tội, mỗi kitô hữu cũng được vinh dự thuộc về linh tộc của Đức
Giêsu. Chớ gì mỗi người luôn nỗ lực sống xứng đáng với danh hiệu này, cho dầu
phải chịu bao thiệt thòi trên đường đời cũng như bao gian truân thử thách vì
đạo Chúa.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn vinh và sống rạng danh Chúa mọi nơi
mọi lúc.
Suy niệm 2: Giám Mục
Simêon
được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử
vì đạo.
Để
Tin Mừng luôn luôn được gìn giữ nguyên vẹn và sống động trong Hội Thánh, các
tông đồ đã đặt các Giám Mục làm người kế nhiệm, và trao lại cho họ trách nhiệm
giáo huấn của các ngài (DV 7).
Nhiệm
vụ giải nghĩa cách chân chính Lời Thiên Chúa đã được viết ra hay lưu truyền,
chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành
quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được ủy thác cho những Giám Mục
sống hiệp thông với Giám Mục Rôma là người kế nhiệm thánh Phêrô (DV 10).
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị Giám Mục luôn là những mục tử nhân lành như
lòng Chúa mong ước.
Suy niệm 3: Nội chiến
Vào
năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống
đối đế quốc La Mã.
Cuộc
nội chiến nào nói chung cũng có thời gian kết thúc dầu sớm hay muộn. Nhưng có
một cuộc nội chiến thiêng liêng luôn kéo dài mãi đến ngày tận cùng thế giới, đó
cuộc nội chiến giữa thế lực tối tăm của ma quỷ với Thiên Chúa cùng các tôi
trung của Người.
Thật
vậy kể từ ngày tội lỗi xuất hiện (St 3), Con Mãng Xà luôn săn đuổi người Phụ Nữ
và hậu duệ của Bà (Kh 12; 17; 19). Vì thế nảy sinh một cuộc nội chiến triền
miên mãi đến chết nơi bản thân mỗi người giữa thiện và ác (Rm 7,15; 2Cr
12,7) .
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sức mạnh thần linh để luôn chiến thắng trong
cuộc chiến nội tâm.
Suy niệm 4: Dẫn dắt
Trước
khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến
nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Người
mục tử nhân lành có sứ vụ chăn dắt với mối quan tâm chu đáo (Ed 34,11tt) và
mang lại sự sống dồi dào (Ga 10,10) ngay cả phần thân xác. Vì thế Thánh Simêon
đã tìm nơi an toàn cho đoàn chiên.
Đức
Giêsu chẳng những làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đoàn người
theo Chúa (Ga 6), mà còn xin binh lính đừng bắt nhưng để cho các tông đồ được
an toàn ra đi (Ga 18,8).
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con an tâm tín thác vào sự chăn dắt của các vị
mục tử của chúng con.
Suy niệm 5: Hoang tàn
Sau
khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang
tàn đổ nát.
Đức
Giêsu đã thấy trước cảnh hoang tàn đổ nát của Giêrusalem đến mức không còn hòn
đá nào nằm trên hòn đá nào khiến Ngài phải khóc thương (Lc 19,44).
Những
giọt lệ này chẳng là gì sánh với dòng máu đổ ra đến giọt máu cuối cùng (Ga
19,34) để ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng rồi Ngài lại phải chứng kiến bao
tâm hồn hoang tàn đổ nát do hậu quả tội lỗi gây nên (Kh 18,2-5).
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch, để lòng được
tràn đầy ân sủng Thiên Chúa chứ không trở nên cảnh hoang tàn.
Suy niệm 6: Giờ
Thánh
Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương
tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là
một Kitô Hữu.
Sở
dĩ Thánh Simêon đã trốn thoát được sự bắt bớ thời Vespasian và Domitian cũng
như giúp đoàn chiên tìm được nơi an toàn, vì giờ chưa đến. Nhưng đến thời Trajan
thì giờ điểm nên ngài đã bị bắt và bị tử hình.
Xác
tín vào giờ Chúa định liệu, mỗi kitô hữu nên tận dụng thời gian để sống thật
tốt nhằm chuẩn bị cho lúc giờ điểm, vì giờ Chúa đến thì như kẻ trộm, không một
ai có thể biết (Mt 24,42-44).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn sống tinh thần tỉnh thức để chờ đón giờ Chúa đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét