Trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Đức Bênêđíctô bác bỏ các nghi ngại về việc ngài từ chức

Đức Bênêđíctô bác bỏ các nghi ngại về việc ngài từ chức

Theo tin Zenit ngày 26 tháng Hai, trả lời các nghi ngại về việc ngài từ chức, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng những quả quyết cho rằng đang có hiện tượng quản trị kép trong Giáo Hội là một điều hoàn toàn vô lý.

Ký giả Andrea Tornielli của tờ Vatican Insider gửi một số câu hỏi cho Đức GH hưu trí liên quan tới các phúc trình cho hay ngài là nạn nhân của một âm mưu khiến ngài phải từ chức, do đó, ngụ ý rằng quyết định của ngài không hề tự do và bởi thế vô giá trị. Đức Bênêđíctô XVI cũng kêu gọi dân chúng đừng quá lưu ý tới một “số chọn lựa” của ngài, như việc ngài tiếp tục mặc phẩm phục trắng.

Đức Bênêđíctô viết cho Tornielli: “Tuyệt đối không có nghi ngại gì liên quan tới giá trị của việc tôi từ nhiệm khỏi thừa tác vụ Phêrô. Điều kiện duy nhất để việc từ nhiệm của tôi có giá trị là tính tự do hoàn toàn trong quyết định của tôi. Các suy đoán liên quan tính giá trị của nó đơn thuần chỉ là phi lý”.

Tornielli cũng hỏi Đức Bênêđíctô XVI về quyết định giữ tên giáo hoàng và mặc phẩm phục trắng của ngài. Dù các quyết định này là thể theo ý kiến của các chức sắc Vatican, một số người trong giới báo chí vẫn coi việc đó như lý do để suy đoán rằng Đức Giáo Hoàng Hưu Trí vẫn còn duy trì một hình thức thẩm quyền giáo hoàng nào đó.

Ngài trả lời: “Tôi tiếp tục mặc áo chùng trắng và giữ tên Bênêđíctô hoàn toàn vì lý do thực tiễn. Lúc từ nhiệm, tôi không có y phục nào khác. Dù sao, tôi mặc áo chùng trắng một cách khác hẳn cách Đức Giáo Hoàng mặc. Đây là một điển hình nữa cho thấy các suy đoán đưa ra hoàn toàn vô căn cứ”.

Tornielli cũng hỏi về giá trị của một đoạn văn được trích dẫn từ lá thư ngài gửi cho thần học gia Thụy Sĩ Hans Küng, trong đó, ngài bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Phanxicô và cho hay ngài coi “việc làm sau hết và cuối cùng của ngài là hỗ trợ triều giáo hoàng này bằng lời cầu nguyện”. Trong khi nhiều người trong giới báo chí đặt nghi vấn liệu đó có phải là lời của ngài hay không, Đức Bênêđíctô xác nhận đó là chính lời của ngài.

Ngài viết cho Tornielli: “Giáo sư Küng trích dẫn từng lời và rất chính xác nội dung bức thư tôi gửi cho ông”. Kết luận, Đức Bênêđíctô viết rằng ngài hy vọng ngài đã trả lời các câu hỏi của Tornielli "một cách rõ ràng và thỏa đáng".

Nguyên văn bài viết của Andrea Tornielli

“Tuyệt đối không có nghi ngại gì liên quan tới tính giá trị của việc tôi từ nhiệm khỏi thừa tác vụ Phêrô” và “các suy đoán” chung quanh việc đó là “đơn thuần phi lý”. Đức Ratzinger không bị buộc phải từ chức, ngài không bị áp lực phải làm vậy và ngài không phải là nạn nhân của một âm mưu: việc từ chức của ngài là chân thực và có giá trị và không hề có “nhị chế” (duarchy) trong Giáo Hội hiện nay. Hiện đang có vị giáo hoàng trị vì là Đức Phanxicô, người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, và vị giáo hoàng hưu trí với “mục tiêu duy nhất” là cầu nguyện cho người kế vị.

Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã đặt bút trên giấy nói rõ hồ sơ về quyết định lịch sử của ngài một năm trước đây, để trả lời cho một số giải thích khác nhau vốn được loan truyền trong giới báo chí và liên mạng liên quan tới quyết định của ngài. Viết từ Đan Viện Mater Ecclesiae trong thành Vatican, ngài đích thân trả lời một lá thư với một số câu hỏi được chúng tôi gửi tới cách đây mấy hôm, sau khi một số nhận định được nêu ra trên báo chí Ý và quốc tế về việc ngài từ nhiệm. Đức Ratzinger rất vắn tắt và đi thẳng vào chủ điểm; ngài bác bỏ các suy đoán nói tới các lý do thầm kín phía sau việc từ nhiệm của ngài và khẩn khoản yêu cầu dân chúng đừng quá chú trọng không cần thiết đối với một số lựa chọn của ngài, như quyết định tiếp tục mặc phẩm phục trắng của ngài sau khi rời khỏi chức vụ Giám Mục Rôma.

Bạn đọc hẳn còn nhớ lời loan báo gây sốc lớn mà Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra ngày 11 tháng Hai năm 2013, thông tri cho các Hồng Y tại mật hội biết quyết định tự do từ chức của ngài vì lý do cao tuổi (ingravescente aetate): “Tôi đã tiến tới chỗ biết chắc rằng sức khỏe của tôi, do tuổi già sức yếu, không còn thích hợp để thừa hành cách thoả đáng thừa tác vụ Phêrô được nữa”. Ngài cũng loan báo rằng Tông Tòa sẽ trống ngôi vào tối ngày 28 tháng Hai khi các Hồng Y họp để khởi đầu diễn trình bầu người kế vị ngài. Trong những ngày tiếp theo đó, Đức Ratzinger thông tri rằng ngài sẽ duy trì danh hiệu giáo hoàng Bênêđíctô XVI (tên mà ngài dùng ký thư trả lời gửi cho chúng tôi), rằng kể từ lúc ấy trở đi, ngài sẽ được xưng là Giáo Hoàng Hưu Trí (tước hiệu này cũng đã được in trên lá thư) và ngài dự tính tiếp tục mang phẩm phục trắng, dù theo một kiểu đơn giản hơn là kiểu của giáo hoàng: Ngài sẽ không mặc áo khoác vai ngắn, vốn gọi là “pellegrina”, và không mang dải lưng.

Trong buổi triều kiến chung cuối cùng vào ngày 27 tháng Hai năm 2013, Đức Bênêđíctô XVI nói với đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô chật cứng và nắng ấm rằng “Trong mấy tháng vừa qua, tôi cảm thấy sức khỏe của tôi giảm sút và trong lời cầu nguyện, tôi đã nài xin Chúa soi sáng cho tôi bằng ánh sáng của Người và giúp tôi đưa ra được quyết định tốt nhất. Tôi chọn giải pháp này với một ý thức đầy đủ về tính nghiêm trọng và mới lạ của nó, nhưng hoàn toàn thanh thản trong tinh thần. Yêu mến Giáo Hội cũng có nghĩa là có can đảm đưa ra các quyết định khó khăn, đau lòng, luôn luôn nghĩ tới thiện ích của Giáo Hội, chứ không phải lợi ích của ta”.

Ngài thêm rằng quyết định rời khỏi sự chú ý của công chúng, “ẩn dật khỏi thế gian”, không có nghĩa là trở về cuộc sống tư riêng. Ngài nói: “Quyết định lui khỏi việc thi hành thừa tác vụ tích cực không thu hồi việc này. Tôi không lui về cuộc sống tư riêng, cuộc sống du hành, hội họp, tiếp tân, hội nghị, vân vân… Tôi không từ bỏ thánh giá, nhưng vẫn ở bên cạnh Chúa chịu đóng đinh một cách mới mẻ. Tôi không còn mang quyền hành của chức vụ cai quản Giáo Hội, nhưng tôi sẽ tiếp tục phục vụ bằng lời cầu nguyện, có thể nói như thế, trong vòng đai của Thánh Phêrô”.

Chính những lời liên quan tới ý muốn được tiếp tục ở trong “vòng đai của Thánh Phêrô” của ngài này đã khiến một số người nghĩ rằng quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI đã không hoàn toàn tự do và do đó vô giá trị. Ý niệm cho rằng Đức GH Hưu Trí muốn tự cắt cho mình một vai trò giống như “Giáo Hoàng trong bóng tối” (a shadow Pope) không hề có nơi Ratziger bằng xương bằng thịt. Sau khi Đức Phanxicô được bầu, các thay đổi được ngài đưa ra và hiệu quả như diện giật do lời ngài nói và chứng từ bản thân của ngài gây cho Giáo Hội, thì đương nhiên sẽ có những so sánh được đưa ra giữa ngài và vị tiền nhiệm. Dù sao, đó cũng là điều vẫn thường xẩy ra bất cứ khi nào một tân giáo hoàng lên đảm nhận chức vụ. Chính Đức Bênêđíctô XVI đã luôn bác bỏ việc so sánh này. Trong mấy tuần qua, vì gần tới dịp kỷ niệm ngày ngài từ chức, một số người còn đi hơi quá xa bằng cách cho rằng việc từ chức của Đức Bênêđíctô XVI rất có thể vô giá trị và do đó, ngài vẫn còn đang đóng một vai trò tích cực và có tính định chế bên cạnh vị giáo hoàng đang trị vì.

Ngày 16 tháng Hai, tác giả bài viết này đã gửi tới Đức GH Hưu Trí một lá thư với một số câu hỏi chuyên biệt liên quan tới các lối giải thích nói trên. Hai ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời. Trong thư trả lời này, Đức Ratzinger viết: “Tuyệt đối không có nghi ngại gì liên quan tới giá trị của việc tôi từ nhiệm khỏi thừa tác vụ Phêrô. Điều kiện duy nhất để việc từ nhiệm của tôi có giá trị là tính tự do hoàn toàn trong quyết định của tôi. Các suy đoán liên quan tính giá trị của nó đơn thuần chỉ là phi lý”. Những người gần gũi nhất với Đức Ratzinger từ lâu đã biết rõ khả thể ngài sẽ từ chức và chính ngài từng xác nhận khả thể này trong cuộc phỏng vấn dài với nhà báo Đức Peter Seewald (“Ánh Sáng Thế Gian, 2010”): “nếu một vị giáo hoàng nhận ra rõ ràng rằng ngài không còn khả năng thể lý, tâm lý và thiêng liêng nữa để đảm đương các nhiệm vụ của chức vụ, thì ngài có quyền và trong một số hoàn cảnh, còn có bổn phận phải từ chức nữa”.

Điều không thể tránh được là quyết định gây sốc lớn này sẽ được người ta liên kết với tai tiếng rì rỏ Vatileaks và các âm mưu trong Giáo Triều Rôma. Dù sao, đây là lần đầu tiên trong hai ngàn năm, một vị giáo hoàng quyết định rời bỏ triều giáo hoàng của mình vì lý do tuổi tác. Trọn triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI là một Via Crucis (Đàng Thánh Giá), nhất là các năm cuối cùng: trước nhất là tai tiếng ấu dâm, một tai tiếng ngài đã dũng cảm đương đầu mà không đổ lỗi cho các nhóm vận động (lobbies) hay cho “các kẻ thù bên ngoài” Giáo Hội, nhưng đổ cho “cuộc bách hại”, một sự ác phát sinh từ bên trong Giáo Hội; rồi các tài liệu bị đánh cắp do cựu quản gia của ngài là Paolo Gabriele lấy từ bàn giấy của ngài. Và do đó, việc từ chức của Đức Ratzinger được liên kết với các biến cố đó. Nhưng trong cuộc phỏng vấn của Peter Seewald, Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng giữa cơn sóng gió, người ta không thể bỏ rơi con tầu. Chính vì thế, ngài quyết định chờ cho tới khi vụ Vatileaks, vụ xử Gabriele và cuộc điều tra về rò rỉ do 3 vị Hồng Y đảm trách qua đi rồi, mới loan báo việc từ nhiệm của mình. Chỉ sau đó, ngài mới rời chức vụ.

Trong lá thư gửi cho chúng tôi, Đức GH Hưu Trí trả lời một số câu hỏi liên quan tới quyết định duy trì danh hiệu giáo hoàng và tiếp tục mặc phẩm phục trắng. Ngài viết: “Tôi tiếp tục mặc áo chùng trắng và giữ tên Bênêđíctô hoàn toàn vì lý do thực tiễn. Lúc từ nhiệm, tôi không có y phục nào khác. Dù sao, tôi mặc áo chùng trắng một cách khác hẳn cách Đức Giáo Hoàng mặc. Đây là một điển hình nữa cho thấy các suy đoán đưa ra hoàn toàn vô căn cứ”.

Đức Bênêđíctô XVI chứng minh điều trên nhân Mật Hội Hồng Y hôm thứ Bẩy vừa qua, một biến cố chính Đức Phanxicô mời ngài tham dự, khi ngài quyết định ngồi cùng hàng với các Hồng Y giám mục chứ không nhận chỗ ngồi đặc biệt đã được dành cho ngài. Khi Đức Phanxicô tới chào và ôm hôn ngài lúc khởi đầu và lúc kết thúc nghi lễ, Đức Bênêđíctô đã bỏ chiếc mũ zucchetto ra để tỏ lòng tôn kính và cũng để cho thấy chỉ có một giáo hoàng đang trị vì mà thôi.

Mấy tuần trước đây, thần học gia Thụy Sĩ Hans Kung có trích một đoạn từ lá thư đức Bênêđíctô XVI gừi cho ông liên quan tới Đức Phanxicô. Những lời hết sức tỏ tường không thể hoài nghi gì nữa: “Tôi biết ơn khi được liên kết với việc đồng nhất lớn lao về quan điểm và tình bạn tận tâm can với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngày nay, tôi coi việc làm sau hết và cuối cùng của tôi là hỗ trợ triều giáo hoàng của ngài bằng lời cầu nguyện”. Trên liên mạng, một số người nghi vấn giá trị của những lời này và cố gắng bẻ cong chúng. Chúng tôi cũng đã xin Đức Giáo Hoàng Hưu Trí bình luận về việc này. Ngài viết trả lời: “Giáo sư Küng trích dẫn từng lời và rất chính xác nội dung bức thư của tôi”. Ngài kết luận bằng cách nói rằng ngài hy vọng đã trả lời các câu hỏi của chúng tôi “một cách rõ ràng và thỏa đáng”. 

Vũ Văn An2/26/2014(vietcatholic)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét