Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

HÃY THƯƠNG MẾN ANH CHỊ EM NHƯ CHÍNH MÌNH!

HÃY THƯƠNG MẾN ANH CHỊ EM NHƯ CHÍNH MÌNH!

... Bà Blandine Ropars hành nghề y tá nơi nhà thương Lannion ở miền Tây nước Pháp. Bà trình bày cách thức sống nghề nghiệp bên cạnh các bệnh nhân và những người ở giai đoạn cuối đời và cách thức sống này là đích điểm Đức Tin của bà như thế nào. Xin nhường lời cho bà.

Hôm nay lúc ra khỏi nhà thương tôi đến ngay nơi xảy ra tai nạn mô-tô. Công cuộc cấp cứu đã được thi hành thật nghiêm chỉnh nhưng vì tai nạn quá tàn khốc nên người lái môtô không thể sống sót. Chính chúng tôi là những người phải loan báo tin không lành cho thân nhân và gia đình.

Thông thường thì mọi sự diễn tiến tốt đẹp nhưng rồi một vấn đề có thể bất ngờ xuất hiện và khi ấy, mọi sự thay đổi hết. Đối với tôi thì thật quan trọng khi có thể tháp tùng nạn nhân ngay ở giai đoạn đầu. Hành nghề y tá từ 24 năm qua nơi nhà thương: bệnh tật, đau khổ và cái chết xuất hiện trước mắt tôi như những rách nát đổ vỡ tang thương trong cuộc sống con người. Chăm sóc tha nhân trở thành một ơn gọi đối với tôi. Tôi thấy mình không thể nào làm cách khác được. Tôi mang đến cho bệnh nhân sự thoa dịu, niềm an ủi, nhưng đôi khi cũng phải thực thi những động tác đau đớn với mục đích chữa lành.

Với việc hỗ trợ bằng chăm sóc và bằng kỹ thuật tôi cố gắng mang đến và tạo những giây phút đầy tình người để tháp tùng gia đình khi cái chết bất ngờ xuất hiện. Sự hiện diện của chúng tôi nơi xảy ra tai nạn không kéo dài lâu nhưng đủ để mang lại những trợ giúp quý giá và cần thiết.

Gặp những trường hợp có những chọn lựa khó khăn và rắc rối tôi thường nhớ đến Lời Chúa phán như kim chỉ nam: ”Điều gì các con làm cho những kẻ bé nhỏ nhất là làm cho chính Thầy”. Vậy thì khi làm bất cứ điều gì tôi phải nhớ là mình làm cho chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Mỗi khi trở về nhà sau ngày làm việc tôi thường nhớ lại một ngày đã trải qua. Gánh nặng âu lo của người khác đi vào lời cầu nguyện của tôi. Những gương mặt tôi gặp trong ngày tái xuất hiện.

Ngoài ra trên giường bệnh viện con người cần được lắng nghe. Với tư cách y tá chúng tôi may mắn được bệnh nhân tiếp nhận thật dễ dàng. Có những người khi khoẻ mạnh không bao giờ quan tâm đến THIÊN CHÚA và đặt vấn đề về THIÊN CHÚA. Giờ đây trên giường bệnh khi phải đối diện với cô đơn, với đau khổ người ta bắt đầu kiểm điểm lại cuộc sống. Chính lúc này đây bổn phận của tôi là làm cho người bệnh cảm nhận sự gần gũi. Đôi khi chỉ cần hiện diện trong thinh lặng. Hiền phu tôi thường nói với tôi: ”Nơi bệnh viện công, chỉ cần sự hiện diện của chúng tôi cũng đủ làm chứng cho Đức Tin của chúng tôi”.

Cuộc sống nghề nghiệp cống hiến cho chúng tôi những cơ hội sống bên cạnh người khác vào lúc diễn ra những giờ phút quyết liệt nhất của cuộc sống như hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Vào những lúc đó tôi cố gắng đồng hành cách hết sức trang trọng, bởi vì, dưới cái nhìn của tôi, mỗi con người là một câu chuyện thánh thiêng.

Với tư cách là tín hữu Công Giáo, chúng ta có thể hỗ trợ các anh chị em chúng ta với lòng bác ái. Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã chăm sóc hoàn toàn miễn phí. Người hành động vì cảm thương sâu xa các nỗi khốn khổ của loài người, như người samaritano nhân hậu và còn hơn thế nữa!

... Khi ấy, có một người thông luật hỏi thử Đức Chúa GIÊSU rằng: ”Thưa Thầy, con phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: ”Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là THIÊN CHÚA ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính mình”. Đức Chúa GIÊSU nói: ”Ông trả lời đúng. Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Đức Chúa GIÊSU rằng: ”Nhưng ai là anh chị em của con?” Đức Chúa GIÊSU nói tiếp: ”Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô và rơi vào tay bọn cướp. Chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ-tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư-tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ-tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: ”Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy”. Và Đức Chúa GIÊSU bảo ông: ”Ông cũng hãy đi và làm như vậy” (Luca 10,25-37).

(”Église en Côtes d'Armor”, No 12, Décembre 2013, trang 21)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét