Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Ở Lại Với Người (kỳ 21): Nghịch Lý Tin Mừng

Ở Lại Với Người (kỳ 21): Nghịch Lý Tin Mừng

Các bạn trẻ thân mến, 
Sự xuất hiện của Giêsu trên trần thế này như một mũi kim làm xé toạt tất cả những lề thói vốn đã quá quen thuộc với con người, đặc biệt là những người cùng thời với Ngài. Ngài đòi hỏi mọi người phải có một tinh thần mới để có thể sống trong kỷ nguyên mới mà Ngài thiết lập. Ngài muốn con người phải thay đổi não trạng vốn mang đầy những giá trị trần tục thấp kém để có thể sống thực sự trong Vườn Địa Đàng mới của Ngài. Tự bản thân Giêsu đã gồm tóm vô vàn sự lạ và là một nỗi ngạc nhiên vô cùng to lớn của con người mọi thời. Sinh ra trong cảnh khó nghèo, sống trong một gia đình nghèo, làm bạn với những người nghèo và tội lỗi, cứu chữa bệnh nhân trong ngày Sabat, đồng bàn với các kỹ nữ và thu thuế, kêu gọi các môn đệ là những người ngu muội, dốt nát và quê mùa, đi lang thang khắp nơi rao giảng, chứ không phải ngồi bệ vệ trên tòa cao. Chưa một vị Rabbi nào thực thi những điều ấy. Với cung cách kỳ lạ đó của mình, Giêsu đã thực sự chinh phục được trái tim của hàng triệu con người. 
Những giáo huấn của Giêsu cũng muôn phần khác lạ so với các bậc thầy khác. Chúng như thể một cuộc đảo lộn các giá trị, có vẻ như nghịch lý nhưng thực ra chứa đựng những chân lý thâm sâu. Đã có nhiều người không dám đón nhận những chân lý ấy vì chúng khác xa với mong đợi của họ bấy lâu nay.
Làm sao để trở thành người lớn nhất? Giêsu trả lời rằng người lớn nhất là người phải cúi xuống phục vụ anh em. Người lớn nhất ấy là người tự hạ, biến mình thành kẻ nhỏ nhất. Ấy là người khiêm nhường, tự xếp mình vào chỗ sau cùng, chứ không phải người cố gắng chiếm lấy phần tốt nhất. Làm sao để có được sự sống? Giêsu trả lời rằng để có được sự sống, trước tiên ta phải dám đánh mất nó vì Tin Mừng. Đánh mất sự sống không phải là tự hủy hoại mình, nhưng là sẵn sàng hy sinh để làm chứng cho một giá trị cao cả hơn. Người giàu có chưa chắc là người có thể vào được Nước Trời. Nước Trời dành cho những ai dám bán đi tất cả, chia cho người nghèo, rồi bước theo Giêsu. Khi đánh mất đi, ta sẽ có. Trong nhãn quan Giêsu, người có phúc không phải là người có lắm bạc tiền, người đang cười đùa khoái chí, người đang sống trong lợi lộc công danh. Nhưng người có phúc là người nghèo khó, người đang khóc lóc, người đang u sầu, người đang bị bách hại vì Danh Ngài. Bởi vì, chính Thiên Chúa sẽ là người bù đắp lại cho họ những thiệt thòi mà họ đang chịu trong tinh thần phó thác và vững tin. Kẻ rốt cùng sẽ được nên trước hết, còn những kẻ trước hết sẽ bị kéo xuống đàng sau.
Ngài còn kể nhiều câu chuyện và dụ ngôn để biểu lộ những chân lý ngược ngạo này của mình. Ngài cho biết viên đá mà người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Những gì người đời cho ta đáng vứt bỏ thì lại có giá trị vô cùng trước mặt Thiên Chúa. Hai đồng bạc của bà góa chẳng là gì trong mắt người ta nhưng lại là một khối tài sản đối với Ngài. Nước Trời được Ngài ví như hạt cải nhỏ xíu, ai cũng coi khinh, nhưng sau này lại phát triển thành một cây lớn khiến chim trời có thể đến trú ngụ. Người công chính không phải là người đọc kinh cầu nguyện nhiều, dâng cúng cho nhà thờ nhiều, rồi đứng trước mặt Chúa vỗ ngực kể công. Nhưng người công chính là người đứng xa xa, nơi góc tối, vừa khóc lóc, vừa đấm ngực hối lỗi, cầu xin lòng Chúa xót thương. Giáo huấn của Giêsu, dường như là một sự đảo ngược những nhận thức của con người: có thành không, không thành có, lớn thành nhỏ, nhỏ thành to, trước thành sau, sau thành trước. Vấn đề không phải là những biểu hiện bên ngoài, nhưng là nội lực tâm linh bên trong.
Các bạn trẻ thân mến,
Đi theo Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi để đón nhận và sống những giá trị nghịch lý ấy của Giêsu. Để có thể là người lớn, ta phải sống lối sống của người nhỏ. Sống được sự khiêm nhu và nhỏ bé, thấp hèn của người dưới, ta mới thực sự là người lớn. Một người có thể im lặng trước bất công mà mình đang gánh chịu vì nghĩ đến đại cuộc, ấy mới là người mạnh mẽ. Một người có thể giữ được bình tĩnh khi đứng trước cuộc bách hại, ấy mới thật sự là người cao cả. Hẳn là các bạn cũng có kinh nghiệm này là càng hy sinh ta càng thấy mình lớn lên, càng cho đi ta càng được nhận lãnh, càng trao ban ta càng thấy mình được đầy ứ. Và ngược lại, càng cố nắm giữ, ta càng đánh mất nó nhanh hơn; càng cố bồi đắp công danh, ta càng thấy nó mong manh dễ vỡ. Người tự do thực sự là người hoàn toàn thanh thoát với những bíu víu và quỵ lụy của thế gian.
Càng buông mình, các bạn càng cảm thấy tự do. Càng cố gắng hy sinh vác thập giá, các bạn sẽ càng cảm thấy một sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn. Cứ suy gẫm xem, rồi các bạn sẽ thấy: đấy đích thực là chân lý của chân lý, là khôn ngoan của mọi khôn ngoan!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét