Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

20-04-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm A

20/04/2014
CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm A
(phần II)

GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT PHỤC SINH
CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A
Sách Công Vụ Tông Đồ 10, 34. 37-43; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Colssê 3,1-4
và Phúc Âm Gioan 20, 1-9

I.                   Giáo Huấn P.Â.:
            Chúa đã sống lại ngoài ức đoán của con người: Thấy mồ trống, Bà Maria Madalêna nghĩ là người ta trộm xác Chúa. Thấy Chúa Giêsu sống lại, bà nghĩ là người làm vườn.  
            Chúa  đã sống lại thật: 
            Hiện tượng mồ trống: Khối đá lấp cửa mồ đã lăn sang một bên; Xác Chúa Giêsu không còn trong mộ, khăn liệm vải liệm xếp gọn ghẻ sang bên.  
            Chúa phục sinh hiện ra cho Maria Madalêna và bảo bà đi loan báo tin Chúa Phục Sinh cho các môn đệ Chúa.  

II.               Vấn nạn P.Â.    
           
Ngày thứ nhất trong tuần là ngày nào trong Kinh Thánh?

            Ngày Thứ Nhất trong tuần là  ngày Chúa Nhật tính theo Dương Lịch? 
            Ngày Thứ Nhất trong tuần theo Kinh Thánh và  truyền thống của người Do Thái:
            Từ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” được xử dụng tám lần trong Kinh Thánh Tân Ước và chúng ta không  thấy đề cập đến từ Chúa Nhật: 
            Bốn lần “ngày thứ nhất trong tuần” được nói đến trong Matthêô 28:1; Matcô 16:2; Luca 24:1 và Gioan 20:1 như chúng ta thấy trong Phúc Âm hôm nay. Tất cả bốn Phúc Âm đều nói đến “ngày thứ nhất trong tuần” như là ngày khám phá ra việc Chúa Phục Sinh.  Chắc chắn ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath vì những người đàn bà mang thuốc thơm đến mộ Chúa ngày Thứ Nhất trong tuần vì họ không kịp làm chuyện nầy trong ngày Sabbath như trong Luca 23:56.
             Hai lần khác nói đền “ngày thứ nhất trong tuần” là việc Chúa hiện ra trong cùng ngày được nói trong Phúc Âm Matcô 16:9 và Gioan 20:19. Trong Phúc Âm Gioan 10:19 nói đến việc Chúa hiện ra cho các tông đồ đang tụ họp trong phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái dòm ngó. Họ tụ họp không phải để cử hành ngày Sabbath gì cả, nhưng xem chừng chỉ nói cho nhau về những tin đồn Chúa sống lại.
            Thánh Phaolô giảng dạy trong “ngày thứ nhất trong tuần” như trong Công Vụ sứ Đồ 20:7 mô tả. Ai cũng hiều là chiều tối ngày Thứ Bảy sau khi mặt trời lặn theo như cách tính ngày của người Do Thái. Sau đó Phaolô đi Giêrusalem. Không thấy nói đến việc Phaolô giữ luật ngày Chúa Nhật. Trong thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gừi Giáo Đoàn Corintô 16:2 nói đến yêu cầu quyên góp giúp Hội Thánh nghèo ở Giuđêa vào ngày Thứ Nhất trong tuần. Nhưng đây là việc làm riêng tư chứ không phải là một quyên góp trong ngày nhóm họp Sabbath.
            Kinh Thánh và truyền thống Do Thái cho thấy: Ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath của Do Thái. Ngày Sabbath là ngày thứ bảy, ngày Đấng Tạo Hoá nghỉ sau sáu ngày tạo dựng như trong Sáng Thế Ký 2:2-3 mô tả. Sau nầy ngày Thứ Bảy tức ngày Sabbath thành ngày lễ buộc phải nghỉ cho toàn dân Do Thái như được ghi trong sách Xuất hành 20:11 và cả trong hai bia đá lề luật mà Môsê nhận ở núi Sinai (Xuất Hành 16, 23-30)
             “Ngày thứ nnhất trong tuần” là ngày sau ngày Sabbath, ngày nghỉ lễ mà sau nầy lịch Roma gọi là Dies Solis, ngày của Thần Mặt Trời, tức ngày Chúa Nhật bây giờ.
            Ngày Thứ Nhất trong tuần là  ngày Chúa Nhật tính theo Dương Lịch 
            Dương lịch, lịch tính theo Thái Dương hệ tức hệ mặt Trời. Đây là lối tính lịch của La Mã. Người La Mã gọi tên các ngày trong tuần theo tên của bảy hành tinh trong Thái Dương Hệ: Mặt Trời (Sun) – Mặt Trăng (Moon) – Hoà tinh (Mars) – Thuỷ tinh (Mercury) – Mộc tinh (Jupiter) – Kim tinh (Venus) – Thổ tinh (Saturn) 
            Mặt trời – Sun - Sunday – Dies Solis – First Day - Ngày Chúa Nhật – Dies Dominica.
            Mặt Trăng – Moon - Monday – Dies Lunae – Ngày Thứ  Hai.
            Hoả  Tinh – Mars – Tuesday -  Dies Martis – Third Day - Ngày Thứ Ba.
            Thuỷ  tinh – Mercury – Wednesday – Dies Mercurii – Fourth Day – Ngày thứ Tư.
            Mộc Tinh – Jupiter – Thursday – Dies Jovis –  Fifth Day – Ngày Thứ Năm.
            Kim Tinh – Venus – Friday – Dies Veneris – Ngày Thứ Sáu.
            Thổ  tinh – Saturn – Saturday – Dies Saturni –  Ngày Thứ Bảy.  

            Dương Lịch, lịch theo Thái Dương hệ của La Mã rất ảnh hưởng ngay từ thời bấy giờ và ảnh hưởng mạnh mẻ trong Kitô giáo. Nó minh định rằng: Ngày Chúa Nhật, Ngày thần Mặt Trời, ngày thứ nhất trong tuần, ngày của Chúa. Đó là ngày Chúa sống lại. Đó cũng là ngày mà con người phải thờ lạy Chúa theo như Chúa dạy trong điều răn Thứ Ba. Đó cũng là ngày lễ nghỉ cho mọi người. 

            Như  vậy ngày Chúa Nhật theo Dương Lịch của La Mã đã loại bỏ hay thay thế hẵn ngày Sabbath, tức ngày lễ nghỉ của người Do Thái trong Đạo Cựu  Ước. Do Thái Giáo đã cho rằng Công Giáo, vì vấn đề truyền giáo cho dân ngoại tức người La Mã và các nước Âu Châu thời bấy giờ mà loại bỏ truyền thống Cựu Ước, lấy ngày Chúa Nhật, tức ngày thứ nhất trong tuần,  thay thế cho ngày Sabbath.  Nếu Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, tại sao lại nằm trong ‘weekend’, tức những ngày cuối tuần bao gồm Thứ Bảy và Chúa Nhật? Tự Điển Webster’s Ninth New Collegiate xuất bản năm 1983 cắt nghĩa: Từ ‘weekend’ được xử dụng năm 1878 tức 132 năm trước để nói rằng: Đó là thời gian của ngày kết thúc tuần làm việc và ngày bắt đầu tuần mới. Như vậy Chúa Nhật vẫn là ngày đầu tuần, ngày Thứ Nhất trong tuần và là ngày Chúa sống lại.  
       
           
Chúa Giêsu ở trong mộ đá bao lâu? Không tìm thấy một thống nhất trong các tường thuật của Phúc Âm? 

            Các Phúc Âm Matthêô 28, 1; Matcô 16, 2; Luca 24,1 và Gioan 20,1 đều thống nhất một diểm là: Việc khám phá mồ trống xảy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức sáng sớm Chúa Nhật bây giờ. Cách hiểu thông thường: Chúa sống lại vào rạng sáng Chúa nhật.  
            Như  vậy Chúa Giêsu ở trong mồ độ chỉ dài chừng 36 tiếng đồng hồ tức chỉ có 1 ngày rưởi chứ nào có được ba ngày tức 72 tiếng đồng hồ như Chúa nói trong Matthêô 12:40 khi so sánh Chúa bị chôn trong mồ như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm? Nếu tính đủ trọn ba ngày, tức 72 tiếng đồng hồ thì Chúa phải chết vào chiều ngày Thứ Tư, hay sáng sớm Thứ Năm chứ không thể chiều Thứ Sáu được.
Nếu chúng ta đọc các sách Tân Ước như Phúc Âm Matthêô 16:21; 17:23; 20:19; 26:61; 27:40, 64; Matcô 9:31; 10:34; 14:58; 15:29; Luca 9:22; 13:32; 18:33; 24:7, 21, 46; Gioan 2:19, 20; Tông Đồ Công Vụ 10:40; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Côrintô 15:4. Chúng ta sẽ không thấy nói là: bị giết chết, chôn trong mồ trọn ba ngày rồi sống lại, nhưng tất cả đều nói là “Ngày Thứ Ba, Ngài sẽ sống lại”.
            Như vậy Chúa sống lại đúng như lời Ngài tiên báo:
            Chúa chết vào ba giờ chiều ngày Thứ Sáu, coi như  là ngày thứ nhất. Người ta vội vả chôn cất Chúa cho xong trước khi ngày Vượt Qua, tức ngày Sabbath bắt đầu lúc sáu giờ chiều.
            Chúa trong mộ suốt ngày Thứ Bảy, coi như ngày thứ hai Chúa chết.
            Ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa Nhật, ngày thứ ba sau khi Chúa chết, Chúa đã sống lại vinh quang.  Cách giải thích khác.
            Trong Matthêô 12:40 Chúa chỉ có ý so sánh Chúa  ở trong mồ, giống như Giôna trong bụng cá. Giôna là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu, để diễn tả việc Chúa chết, chôn trong mồ và sống lại. Chúa so sánh là so sánh sự kiện xảy ra, chứ không phải so sánh thời gian xảy ra của hai sự kiện. Hơn nữa chúng ta được cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chuyện Chúa Giêsu bị chôn trong mồ hai ngày, ba ngày hay 1 năm không là yếu tố quan trọng của ơn cứu độ.

III.      Thực hành P.Â.:
           
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm kẻ thù ám sát mình phục sinh:

            Thường ai cũng hiểu phục sinh là sống lại. Ai cũng hiểu chỉ có Phục Sinh sau khi đã chết thật về phần xác. Tôi nhìn thấy ý nghĩa sống lại hay đời sống mới nơi bản thân mình sau mỗi lần biết tha thứ cho người làm hại mình. Niềm vui phục sinh nầy tôi học được rất nhiều nơi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:
            Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ĐGH đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên làMehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi Ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.
            Ngài lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát. Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến Ngài dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, Ngài sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, Đức Giáo Hoàng lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria
            Sau khi hồi phục, Ngài đã tuyên bố với mọi người rằng: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Đức Giáo Hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: "Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?" Nhưng thay vì gửi bức thư đó, Ngài đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, Ngài đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát Ngài. ĐGH còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.
Không những Ngài tha lỗi cho người khác mà còn nhiều lần xin người khác tha lỗi cho mình và cho toàn thể Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin lỗi những người Do TháiGalileo,phụ nữ, những nạn nhân của Tòa án dị giáo, những người Hồi giáo bị những Thập Tự Quân tàn sát, và tất cả những người đã chịu đau khổ dưới bàn tay của Giáo hội Công giáo trong những năm tháng qua. Ngay khi chưa làm Giáo hoàng, ông đã biên soạn và ủng hộ các sáng kiến như Lá thư Hòa giải của Giám mục Ba Lan gửi Giám mục Đức vào năm 1965. Đến khi trở thành Giáo hoàng, ông đã chính thức công khai xin lỗi cho hơn 100 điều sai trái, bao gồm:
·         Vụ xử án nhà bác học và triết gia Galileo Galilei, một người mộ đạo, vào khoảng năm 1633 (vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).
·         Những dính líu của Công giáo trong những cuộc buôn bán nô lệ châu Phi (vào ngày 9 tháng 8 năm 1993).
·         Vai trò của Giới tăng lữ Giáo hội trong những vụ hỏa thiêu và chiến tranh tôn giáo sau cuộc Cải cách Kháng cách (vào tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).
·         Các đối xử bất công đối với phụ nữ, vi phạm quyền phụ nữ và sự phỉ báng trước đây đối với phụ nữ (vào ngày 10 tháng 7 năm 1995, trong thư gửi "mọi phụ nữ").
·         Sự im lặng và làm ngơ của nhiều người Công giáo trong cuộc Diệt chủng người Do Thái (ngày 16 tháng 3 năm 1998)
Thường người ta hiều: Chiến thắng có nghĩa là đánh bại kẻ thù hay tiêu diệt kẻ thù. Không bao giờ thành công! Giết chết kẻ thù, nhưng còn bạn bè, dòng họ, con cháu của kẻ thù… Chúa đã chọn cách chiến thắng hay nhất: Biến thù thành bạn. Người ta có thề thù ghét mọi người trừ người thương mình.  Hãy sống như người mang sự sống mới, mang niềm vui phục sinh chiến thắng. Hãy sống như Chúa Kitô Phục Sinh: Quên đi những người đánh đập, xỉ nhục và giết chết mình và hướng về tương lai cứu độ. Hãy sống Như Chân Phước Gioan Phaolô II, sống sót sau lần bị ám sát và mang sự sống mới và ơn tha thứ đến cho người khác.  Kính lạy Thánh Gioan Phaolô II, xin ban cho chúng con lòng quảng đại biết tha thứ và sống niềm vui phục sinh như Ngài. Amen

 Lm. Phêrô TRẦN THẾ TUYÊN


Đấng Phục Sinh
Một cậu bé hỏi mẹ về đứa em mới chết hiện đang ở đâu. Người mẹ đáp: Em con đang ở trên thiên đàng với Chúa Giêsu. Mấy ngày sau, bà mẹ nói chuyện với bạn bè tỏ ý đau buồn khi nhắc đến đứa con mới mất. Bé ngạc nhiên hỏi mẹ: Khi mẹ mất vật gì, tức là mẹ không biết nó đang ở đâu phải không mẹ? Bà mẹ đáp: Phải. Bé hỏi tiếp: Mẹ biết em con đang ở với Chúa, sao mẹ lại nói là em con đã mất? Bà mẹ chợt tỉnh, không còn đau buồn nữa, mà ý thức con mình đang vui hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Thánh Phaolô quả quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích, chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền". Có bao nhiêu bậc vĩ nhân của thế giới đã từng chết cho hoà bình. Có bao nhiêu con người đã sống, đã chết và để lại cho nhân loại một gương mẫu hay một giáo thuyết cao cả hướng dẫn cuộc sống con người. Tuy nhiên trong lịch sử nhân loại, chưa từng có một bậc vĩ nhân hay một thánh hiền nào được tuyên xưng là đã sống lại, duy chỉ có một mình Chúa Giêsu là được các tín hữu tin nhận và tuyên xưng Đấng Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì cái chết của Ngài, dù có một giá trị cao cả đến đâu, thì cũng chỉ là một cái chết trong muôn ngàn cái chết của loài người, nghĩa là không hề có giá trị cứu rỗi. Vậy đâu là ý nghĩa của biến cố Phục sinh?
Phục sinh không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp cậu con trai bà goá thành Naim, em bé gái 12 tuổi, và đặc biệt là ông Ladarô đã chết 4 ngày được Chúa Giêsu cho sống lại. Cả ba trường hợp này, người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ. Có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.
Trường hợp của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Ngài đã chết, nhưng khi nói rằng Ngài Phục sinh, có nghĩa là Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại chết. Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không một định luật tự nhiên nào có thể ảnh hưởng được Ngài: Ngài đến với các môn đệ khi cửa đóng kín, Ngài chuyện vãn với họ, ăn uống với họ, nhiều người trong họ sờ được Ngài như một người đang sống chứ không phải như một bóng ma. Đó là tình trạng đích thực của sự sống lại mà một số môn đệ của Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được mỗi lần Ngài hiện ra với họ.
Là những chứng nhân của Đấng Phục sinh, các môn đệ Đức Giêsu đã ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Tin Mừng ấy là: "Ai tin nhận Đức Giêsu, tuyên xưng Ngài là Chúa và sống theo giáo huấn của Ngài, người đó cũng sẽ được phục sinh như Ngài". Họ không thể là một nhóm người lừa bịp bởi vì không một kẻ lừa bịp nào chịu lấy mạng sống của mình đeể làm chứng cho điều mình rao giảng. Qua 2000 năm, không biết bao nhiêu sợi dây được nối kết bằng máu và bằng những cuộc sống phi thường của các tín hữu Kitô ở mọi nơi và trong mọi lúc. Ngày nay tất cả mọi tín hữu trên khắp thế giới đều được liên kết bởi cùng một niềm tin, đó là sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Nói đến niềm tin là nói đến một cái gì mà khoa học không thể kiểm chứng được. Sự Phục sinh của Đức Giêsu quả thật không thuộc trật tự khả giác. Người ta không thể dùng bất cứ tiêu chuẩn khoa học nào để kiểm chứng niềm tin ấy. Hai ngàn năm qua, các tín hữu Kitô tin chắc rằng với không biết bao nhiêu sóng gió đã xảy ra cho Giáo Hội, nếu Đấng Phục sinh không hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, thì Giáo Hội không thể nào tồn tại cho đến ngày nay. Nếu giờ đây các tín hữu Việt Nam cố gắng sống thánh thiện, tốt lành, chịu đựng mọi thứ bách hại là bởi vì họ thực sự có Đấng Phục sinh đang sống trong họ và ở với họ. Nếu giữa những mất mát thương đau của cuộc sống họ vẫn đứng vững được là bởi vì họ tin vào sự Phục sinh mà họ cũng sẽ được tham dự vào trong ngày sau hết. Chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các Kitô hữu bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.

Lectio Divina: Chúa Nhật Phục Sinh (A)
Chúa Nhật, 20 Tháng 4, 2014
Sự phục sinh của Chúa Giêsu  
Người đang sống giữa chúng ta  
Ga 20:1-9


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường E-mau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để giống như hai môn đệ từ E-mau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc: 

a)  Chìa khóa hướng dẫn bài đọc:

Chúng ta hãy đọc bài Tin Mừng, trong đó Thánh Sử tìm cách cho người đọc biết được ý nghĩa của niềm tin vào sự phục sinh.  Ông làm điều này bằng chuyến đi thăm ngôi mộ trống của hai môn đệ và việc hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna.  Trong khi đọc, chúng ta hãy chú ý đến các chi tiết của câu chuyện như được kể trong Tin Mừng của Gioan đã trình bày theo một khía cạnh biểu tượng rất sâu đậm.
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho việc đọc kỹ càng:

Ga 20:1-3:  Sự bối rối trước ngôi mộ trống
Ga 20:4-10:  Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ:  người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin
Ga 20:11-18:  Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với bà Maria Mađalêna và truyền cho bà một mệnh lệnh

c)  Phúc Âm:

1-3:  Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối.  Bà thấy tảng đá được lăn ra khỏi mồ và liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến.  Bà nói với các ông rằng:  “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu.”  Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ.    
4-10:  Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước.  Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.  Vậy Simon Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu Người trước đây; khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.  Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước.  Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.  Sau đó các môn đệ lại trở về nhà.
11-18:  Khi ấy, bà Maria Mađalêna còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc.  Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên thần hỏi bà:  “Này bà, sao bà khóc?”  Bà thưa:  “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”  Nói xong, bà quay lại và thấy Chúa Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu.  Chúa Giêsu nói với bà:  “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói:  “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”  Chúa Giêsu gọi bà:  “Maria!”  Bà quay lại và nói bằng tiến Hípri:  “Rápbuni,” nghĩa là “Lạy Thầy.”  Chúa Giêsu bảo bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.  Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng:  Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa của các con.”  Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng:  “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Điều gì đã làm bạn cảm động trong đoạn Tin Mừng mô tả kinh nghiệm đầu tiên của việc sống lại? 
b)  Người môn đệ được Chúa yêu bước vào, đã trông thấy và tin.  Ông đã thấy gì và điều gì đã khiến ông tin?  Tại sao bài Tin Mừng chỉ cho chúng ta biết phản ứng của người môn đệ Chúa yêu mà không nói về phản ứng của Phêrô?    
c)  Những thay đổi gì đã xảy ra với bà Maria Mađalêna trong lúc đối thoại?   Sự thay đổi này xảy ra như thế nào?  
d)  Chúa Giêsu đã trao cho bà Maria Mađalêna sứ vụ hay mệnh lệnh nào?  
e)  Bà Maria Mađalêna đang tìm kiếm Chúa Giêsu trong một hướng và gặp lại Người trong một hướng khác.  Điều này xảy ra trong đời sống của chúng ta như thế nào?
f)   Thấy và tin.  Người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin.  Điều gì đã khiến tôi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, Người đang hiện diện ở giữa chúng ta, đang ban đời sống mới cho người nghèo khó?
g)  Bạn đã có bao giờ trải qua một kinh nghiệm về mất mát hoặc chết chóc chưa?  Điều gì đã cho bạn cuộc sống mới, hay một hy vọng mới và niềm vui của đời sống?  Điều gì đã khiến tôi nói khi tôi khẳng định:  “Tôi tin vào việc sống lại”?
                                                                                                                                                                                
5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào bài Tin Mừng

a)    Trong Tin Mừng của thánh Gioan, đức tin vào sự phục sinh được đọ sức trong sự diễn tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu:

*  Khi mô tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Tin Mừng của Gioan không chỉ muốn vạch ra bản án đã được thông qua vì lý do mưu đồ chính trị, mà là thời điểm Con Thiên Chúa được vinh hiển. Trong toàn bộ quá trình đưa Chúa Giêsu đến cái chết của Người, Chúa chủ động những gì xảy ra cho Người và cho những đối thủ của Người.  Đối với Thánh Sử Gioan, thập giá được đồng nghĩa với “nâng lên”, giương lên cao, ở cùng với Chúa Cha (Ga 3:14; 8:28; 12:32-34).  Nó là sự khởi đầu của sự phục sinh đã được mặc khải đầy đủ vào ngày đầu tuần (Ga 20:1).  Đó là lý do tại sao trong Tin Mừng của Gioan không hề có sự chống trả tại vườn Cây Dầu (Ga 18:1-2).  Khi Chúa Giêsu đang bị giam, các binh sĩ đã khiếp sợ khi nghe Chúa Giêsu phán:  “Chính ta đây!” (Ga 18:6).  Khi Chúa Giêsu sinh thì, Người đã không kêu lên lớn tiếng như theo các sách Tin Mừng khác.  Một cách bình thản, Người trăn trối lại với thân mẫu và môn đệ Người, và sau đó thì gục đầu trút hơi thở cuối cùng (Ga 19:28-30).

*  Câu chuyện cuộc thương khó là một thí dụ cụ thể hơn về việc Gioan đã không đơn giản liên đới các dữ kiện lịch sử, mà lại đặt chúng qua một máy chiếu quang tuyến X.  Ông cố gắng cho thấy rằng có những sự thật ẩn dấu.  Khi Philatô, Anna, những người có thẩm quyền Do Thái và La Mã cố gắng kết thúc mạng sống của Chúa Giêsu, thì thật ra họ đang tạo cơ hội cho Chúa Giêsu được nâng lên hướng về Thiên Chúa.  Từ nhà giam, Chúa Giêsu đã điều hướng các sự việc và dâng hiến mạng sống của Người. “Chính Ta tự ý hy sinh mạng sống Ta, và như Ta có quyền hy sinh thì Ta cũng có quyền lấy lại mạng sống ấy.  Không ai lấy đi được, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:17-18).  Tất cả mọi người có thể yên tâm và tràn đầy hy vọng bởi vì Chúa Giêsu đã vượt thắng và đã được tôn vinh bên Chúa Cha (Ga 17:5).

b)    Phêrô và người môn đệ Chúa yêu đi đến ngôi mồ trống (các câu 1-10)

*  Kinh nghiệm về sự phục sinh của cộng đoàn tín hữu trong thời sơ khai là một quá trình lâu dài, một kinh nghiệm được tăng trưởng chậm chạp như sự tăng trưởng của một cái cây chắc chắn.  Thoạt đầu, nhiều người đã không tin vào lời chứng của những người đã có kinh nghiệm về sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu (Mt 28:17; Mc 16:11, 13, 14; Lc 24:11, 36, 41; Ga: 20:25).  Nhưng kinh nghiệm của sự phục sinh được thể hiện dưới dạng của những lần hiện ra quá mạnh mẽ, quá sâu xa và có sức thuyết phục đến nỗi mà nó đã thành công trong việc khắc phục được lòng tin của con người khi phải đối mặt với khả năng chiến thắng của sự sống trên cái chết.

 Phụ nữ thường trung thành hơn nam giới.  Họ là những người đầu tiên tin vào Tin Mừng của sự phục sinh (Mt 28:9-10; Lc 24:4-11; Ga 20:11-18).  Khi được bà Maria Mađalêna cho biết về tin vì bà đã thấy ngôi mồ trống, Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy ra mồ.  Tin Mừng thuật lại một chi tiết kỳ lạ, theo đó “người môn đệ kia” chạy nhanh hơn Phêrô và đến mồ trước, nhưng ông không vào trong.  Ông nhìn vào và thấy những dây băng trên mặt đất.  Và sau khi ông bước vào ông cũng thấy khăn liệm che đầu được gấp lại để sang một bên.  Tin Mừng sau đó cho biết tiếp:  “Ông đã thấy và ông tin!”  Nhưng không có chi tiết nào nói về phản ứng của Phêrô dù rằng ông là người đầu tiên bước vào ngôi mồ trống. Cuối cùng, Tin Mừng cho biết thêm:  “Cho đến lúc này, các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì con Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20:9).  Điều này có nghĩa rằng chỉ riêng phần Cựu Ước thì không truyền đạt được sự hiểu biết đầy đủ về những gì nó chứa đựng.  Ánh sáng cho sự hiểu biết ý nghĩa thật sự của Cựu Ước hiện ra ngay tại thời điểm khi người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và tin”.  Kinh nghiệm của ông về sự phục sinh giống như làn ánh sáng đập vào mắt các môn đệ và mặc khải cho họ ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của Cựu Ước.  Chính sự soi sáng này dẫn đến cái nhìn sẽ giải thoát những lời của Cựu Ước.

 Một so sánh cụ thể để hiểu được sự thay đổi.  Trong vòng bạn bè, có người đã cho xem một bức ảnh một người có khuôn mặt khắc khổ, với ngón tay dơ lên, gần như đang tấn công người ta.  Mọi người đều nghĩ rằng ông ta là một người khó khăn, khắc nghiệt, kẻ sống xa cách với những người chung quanh.  Vào lúc đó, một cậu bé chạy đến và nói:  “Đây là cha tôi!”  Những người khác nhìn ông ta và nói: “Thật là người cha cay nghiệt!”  Đứa bé trả lời:  “Không, không phải đâu!  Cha tôi rất yêu thương tôi. Cha tôi là một luật sư.  Bức ảnh đó được chụp trong tòa khi ông đang lên án tội ác của một người giàu có khi người ấy muốn chiếm giật mảnh đất của một gia đình nghèo mà họ đã làm chủ từ lâu!  Cha tôi đã thắng vụ kiện đó.  Gia đình nghèo khó kia đã không bị tước đoạt mất đất đai của họ!”  Tất cả mọi người cùng xem lại tấm ảnh và nói:  “Thật là một bức ảnh đẹp!”  Gần như là nhờ phép lạ, một tia sáng đã rọi chiếu trên bức ảnh và nó được khoác lên một cái nhìn mới.  Khuôn mặt khắc nghiệt ấy đã trở nên khuôn mặt tràn đầy từ ái!  Chỉ lời nói của cậu con trai đã thay đổi tất cả, trong khi không có gì thay đổi!  Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, phát sinh từ kinh nghiệm của Người như một người con, được nhận lãnh và nuôi dưỡng bởi Chúa Cha, không hề sửa đổi một dấu chấm hay một dấu phẩy, đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của Cựu Ước (Mt 5:17-18).  Cùng một Thiên Chúa, Đấng có vẻ như xa cách và nghiêm khắc, đã mang những nét của Chúa Cha nhân từ, đầy trìu mến!    

c)    Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna:

*   Maria Mađalêna là một trong số ít người có đủ can đảm ở lại với Chúa Giêsu cho đến giờ phút cuối cùng của Người trên thập giá.  Bà trở lại ngôi mồ lần chót, nơi mà bà đã đến đó với người môn đệ Chúa yêu.  Bà đi tìm Chúa Giêsu, Người mà bà đã đi theo trong ba năm qua.  Các môn đệ từ E-mau sẽ thấy Đức Giêsu, nhưng sẽ không nhận ra Người (Lc 24:15-16).  Điều tương tự xảy ra với Maria Mađalêna. Bà nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng không nhận ra Người.  Bà nghĩ đó là người làm vườn.  Nhưng bà đang tìm kiếm Chúa Giêsu của quá khứ, Đức Giêsu của ba ngày trước đây.  Hình ảnh của Chúa Giêsu như Người đã ngăn cản bà không nhận ra Chúa Giêsu hằng sống, hiện diện trước mặt bà.       

*   Chúa Giêsu gọi:  “Maria!”  Đây là dấu hiệu để cho bà nhận ra Chúa:  cùng một giọng nói, cùng một cách gọi tên.  Bà đáp lại:  “Lạy Thầy!”  Chúa Giêsu đã trở lại, và cũng là Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.  Ấn tượng đầu tiên của bà là cái chết ấy chỉ là một biến cố đau thương trên đường đời, và bây giờ tất cả đã trở lại như trước.  Maria ôm chầm lấy Chúa Giêsu.  Đó chính là Đức Giêsu bà đã biết.

*  Thật ra, đó cùng là một Đức Giêsu, nhưng phong cách đối xử với bà không giống như xưa.  Chúa Giêsu nói với bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta!”  Người sẽ đi về cùng Chúa Cha. Maria Mađalêna phải rời khỏi Chúa Giêsu và thi hành sứ mạng của mình:  đi báo tin cho các anh em hay Chúa Giêsu đã về cùng Chúa Cha.  Đức Giêsu đã mở đường cho chúng ta và đã mang Thiên Chúa tới gần chúng ta lần nữa.  

*  Cách Chúa Giêsu hiện ra với Maria Mađalêna được mô tả làm cho chúng ta nhận ra các giai đoạn của cuộc hành trình bà đã phải trải qua, từ việc tìm kiếm đầy thương đau đến việc gặp lại Chúa Phục Sinh. Đây cũng là những giai đoạn tất cả chúng ta đều phải đi qua trong cuộc sống của mình, việc tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách sống theo Phúc Âm.  

6.  Thánh Vịnh 27 (26): 

Thiên Chúa là sự vinh quang của con

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ chi ai?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi còn sợ gì ai?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
Xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.


7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét