Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

27-04-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH năm A

27/04/2014
Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A
LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(phần  II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM NHẬT II PHỤC SINH, NĂM A
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, NĂM A
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Công Vụ Tông Đồ 4,32-35; Thư Thứ I của Thánh Gioan 5.1-6
và Phúc Âm Thánh Gioan 20, 19-31

I. Giáo Huấn P.Â.:  

Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ để minh chứng Ngài thật sự sống lại từ cõi chết.
            
Đấng Phục sinh và đang hiện ra cho các môn đệ cũng chính là Đấng đã bị đau khổ và bị đóng đinh giết chết trên thánh giá trong tuần trước.
                       
Phúc Âm được ghi chép lại để: “anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” Nên Phúc Âm là sách dạy dạy đức tin: tin Chúa Giêsu Phục Sinh và nhờ tin mà chúng ta được cứu độ.

II. Vấn nạn P.Â.   

Tại sao Chúa hiện ra với những dấu đinh trên tay chân và dấu đâm bên cạnh sườn?

Người ta phái lính canh mồ Chúa với lý do là sợ “môn đệ hắn đến trộm xác rồi phao tin hắn sống lại từ cõi chết” (Matthêu 27:64-65). Lính canh mồ giữ xác, Chúa sống lại, xác không còn trong mồ. Lính canh nhận tiền hối lộ và được dạy để phao tin là: “Khi chúng tôi ngủ, môn đệ hắn đến trộm xác mang đi! Và người Do Thái vẫn tin như vậy cho đến ngày nay” (Matthêu 28:13-15)

Chúa mang những thương tích trên thân xác phục sinh để nói: Ta chính là Giêsu, đã bị giết chết và nay đã sống lại. Người bị giết chết và người sống lại là MỘT, chứ không phải Giêsu bị giết chết, xác đã bị trộm đem đi và người đang hiện ra là một người khác.

Chúng ta biết gì về Tôma, tông đồ?

Tôma được Chúa chọn làm tông đồ. Phúc Âm Nhất Lãm và Tông Đồ Công Vụ đều có đề cập đến Tôma (Mt.10:2-4; Mc.3:16-19; Lc. 6:14-16 và TĐCV. 1:13) Tôma trong triếng Aram có nghĩa là “sinh đôi” (Twin). Phúc Âm Thánh Gioan, dịch từ “Sinh đôi” sang tiếng Hy Lạp là Didymus để nói với các Cộng Đoàn người biết tiếng Hy Lạp là Tôma có nghĩa là “Sinh đôi” (Gio. 11:16; 20:24; 21:2)

Vào thế kỷ thứ ba và thứ tư, người ta thấy xuất hiện một ngụy thư mang tên Tông Đồ Công Vụ của Tôma (Acts of Thomas) và gọi Tôma là Giuđa Tôma và cho rằng Tôma là anh em sinh đôi với Chúa Giêsu. Cũng theo sách nầy, Tôma chịu tử đạo ở Ấn Độ và thi hài được chuyển về chôn cất ở Mesopotamia.

Phúc Âm Thánh Gioan có ba câu mô tả về Tôma: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy” (11:16); “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu thì làm sao biết đường mà đi đến?”(14:5); và “Tôi chỉ tin, khi tôi thấy dấu đinh nơi tay và đấu đâm nơi cạnh sườn Thầy. Tôi chỉ tin, khi tôi xỏ ngón tay vào đấu đinh và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Thầy!” (20:25). Phúc Âm mô tả Tôma như một người cứng đầu, đa nghi và giữ vững lập trường. 

Tại sao Chúa không hiện ra giữa phố thị chỗ đông người để có nhiều người thấy và tin Chúa Phục Sinh và Giáo Hội phát triển nhanh chóng và dễ dàng hơn chăng?
     
Kinh Thánh ghi nhận bốn lần Chúa hiện ra cho các tông đồ sau khi sống lại từ cõi chết:
           
Lần thứ nhất và lần thứ hai được ghi lại trong Phúc Âm Gioan chương 20,19-31 mà chúng ta đọc trong chúa Nhật II Phục Sinh năm A hôm nay. Lần thứ nhất vào ngày Thứ Nhất trong tuần, không có Tôma và lần thứ hai, tám ngày sau, có Tôma.
           
Lần thứ ba Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bảy môn đệ đánh cá ở biển hồ Tiberia. Chúa bảo họ thả lưới bên phải thuyền. Họ bắt được một lưới cá đầy đến 153 con. Và Chúa đã ăn sáng với họ bên biển hồ, Phúc Âm Gioan chương 21,1-14
Lần thứ tư được ghi lại trong những đoạn cuối Phúc Âm Thánh Matthêô chương 28,16-20 khi các tông đồ về Galilêa lên núi Chúa hẹn. Khi thấy Ngài, có người tin, có kẻ hoài nghi. Chúa Giêsu tiến đến gần họ và truyền lệnh: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã trao cho Thầy, vậy các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,. Dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con và luôn tin rằng: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
           
Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho bà Maria Madalêna đang khóc tìm kiếm xác Chúa. Chúa hiện ra cho hai môn đệ thất vọng bỏ thủ đô về lại quê nhà làng Êmau làm ăn. Thánh Phaolô trong Thư Thứ I gừi giáo đoàn Côrintô 15,3-8 có nói: “Chúa Giêsu Phục Sinh xuất hiện cho Phêrô trước, rồi đến nhóm 12, rồi có lúc Ngài xuất hiện cho cả đám đông 500 người, rồi cho Giacôbê, cho các tông đồ và sau cùng Ngài đã hiện ra cho tôi…”
           
Cũng có thể Chúa hiện ra cho nhiều người khác nhưng không ghi lại hết trong Phúc Âm. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các tông đồ và cho một số người khác không có tính cách biểu dương hay phô trương sự chiến thắng phục sinh, hay làm cho những người giết Chúa “sáng mắt” ra. Không! Chúa Phục sinh là đối tượng của đức tin. Không cần phải xem thấy Chúa sống lại. Không cần Chúa trưng bày dấu đinh nơi tay chân và dấu đâm nơi cạnh sườn thì mới tin, nhưng “phúc cho ai không thấy mà tin!”
           
Nói khác đi, Chúa không cần xuất hiện nơi phố thị đông người để chinh phục người ta tin Chúa phục sinh. Chúa không cần nán lại lâu hơn để có đủ thời giờ đích thân đi đó đi đây phô bày thân xác phục sinh cho nhiều người tin. Đó là nhiệm vụ của các tông đồ Chúa, những người đã chính mắt thấy Chúa chết và sống lại. Họ phải đi rao giảng tin mừng phục sinh cho muôn dân. Ai tin và lãnh phép rửa sẽ được ơn cứu độ tức sẽ được sống đời đời.
            
Đó chính là lý do Chúa chọn gọi các tông đồ. Họ được chọn để truyền giảng tin mừng Phục Sinh, truyền giảng những gì họ chứng kiến và tin. Đó cũng là sứ mạng tông đồ của mỗi người chúng ta. Hàng ngày chúng ta tuyên xưng đức tin: Chúa chết và phục sinh. Chúng ta phải mang niềm tin phục sinh đến những người khác, để họ không thấy Chúa Phục Sinh mà tin Chúa đã phục sinh.

III. Thực hành P.Â.:

Tin mừng Phục Sinh: Tại sao Chúa không hiện ra để trả thù những người đã hành hình và giết Chúa chết? Chúa Phục sinh là niềm vui, là tin mừng. Thượng Tế Cai Pha, Nhóm Biệt Phái, Tổng Trấn Philatô, đội lính hành hình chắc chắn sẽ sợ chứ không mừng khi Chúa hiện ra. Tin mừng chỉ nên ban tặng cho người sẵn sàng và vui mừng đón nhận

Những người được Chúa Phục Sinh hiện ra đều được trao ban sứ mạng “loan báo tin mừng Phục Sinh!” Chúa “chọn mặt gửi vàng!” Các Tông đồ Chúa đã hiến cả đời và mạng sống mình vì tin mừng Phục Sinh. Đang khi đó, Biệt Phái phải hối lộ linh canh để phao tin “xác bị trộm!”

Tin mừng Phục Sinh được ghi chép lại để “anh chị em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa và nhờ niềm tin nầy mà anh chị em có sự sống!”(Gio. 20:30) Chúa Phục sinh bỏ qua quá khứ đau khổ, hận thù, chết chóc để hướng về tương lai cứu độ nhân loại đầy hữu ích.

Một nhà thờ Công Giáo Việt Nam được xây dựng rất kỹ thuật và mỹ thuật nằm phô bày trọn vẹn và kiêu hãnh trong một thành phố lớn bên Mỹ. Giáo xứ sinh hoạt thật sinh động. Tiền rổ mỗi tuần lên đến gần hai mươi ngàn đô la. Những dịp Giáng Sinh, tết truyền thống Việt Nam, người ta tổ chức hội chợ thu hàng trăm ngàn không khó mấy. Một mùa bánh chưng bánh tét cũng kiếm được bốn chục ngàn tiền lời. Hảnh diện và thật hãnh diện cho con cháu Lạc Hồng, cho dòng máu Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.

Trong một dịp đến thăm nhà thờ, thăm Cha xứ và ca ngợi sự thành công của giáo xứ Việt Nam ở Mỹ. Đáp lại lời tán dương khen thưởng, Cha xứ bảo: “Tự ái dân tộc, cho bọn Mỹ biết tay!” Xây nhà thờ để giáo dân có chỗ thờ phượng Chúa và mang phần rỗi cho linh hồn giáo dân chứ đâu có ai xây nhà thờ cho to, cho đẹp để Mỹ lé mắt hay cho thoả mãn tự ái dân tộc? Chúa Giêsu đâu có xây nhà thờ, các tông đồ cũng vậy… Các Ngài chỉ đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và tạo dựng cộng đoàn đức tin thôi.

Nếu xây nhà thờ chỉ để cho Mỹ lé mắt hay vì tự ái dân tộc thì Chúa sống lại chắc cũng chỉ để cho kẻ giết Chúa lé mắt và chỉ để Chúa thoả mãn tự ái chăng? Không, Chúa Phục sinh hiện ra không để làm ai lé mắt hay thoả mãn tự ái kẻ chiến thắng tử thần, nhưng để chúng ta tin và nhờ tin mà chúng ta có sự sống đời đời. Nhà thờ nguy nga tráng lệ hay kiệu rước linh đình chưa hẵn đã là sự bộc lộ niềm tin hay loan truyền tin mừng, nhiều khi tự ái dân tộc, hay thói thích phô trương nằm tiềm ẩn bên trong lòng của những người đang ‘giữ đạo’ và thiếu tinh thần truyền đạo.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

Củng cố đức tin
Có một chi tiết đặc biệt liên quan tới đoạn Phúc Âm vừa nghe, đó là cùng một đoạn Phúc Âm này đã được chọn để dùng cho Chúa Nhật thứ hai phục sinh cho ba năm liền A, B, và C, nghĩa là năm nào vào Chúa Nhật thứ hai phục sinh, chúng ta cũng đều đọc, nghe đoạn Phúc Âm này. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa phong phú trong Mùa Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh là trung tâm và là nguồn năng lực tái tạo cộng đoàn những đồ đệ của Chúa.
Ngay từ khởi đầu đoạn Phúc Âm, chúng ta được nhắc lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ nhưng lại vắng mặt Thomas, và trong lần hiện ra này, Chúa đã ban cho các tông đồ sự bình an: "Bình an cho các con". Sự bình an này làm cho các tông đồ thực sự được vui mừng. Các tông đồ được vui vì thấy Chúa, rồi Chúa trao ban cho các tông đồ Chúa Thánh Thần, quyền năng tha tội và sai các ông ra đi làm chứng cho Chúa. Các tông đồ có thể nói được trong giai đoạn này - trong phần thứ nhất của đoạn Phúc Âm hôm nay - đã tin phần nào và đã chia sẻ cho Thomas: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa", nhưng Thomas không tin và đòi kiểm chứng một cách cụ thể. Có thể nói, đây là giai đoạn thứ hai của cộng đoàn. Thái độ cứng lòng tin của Thomas đã gây chia rẽ hay làm yếu kém đi sức mạnh làm chứng của cộng đoàn cho Chúa Phục Sinh. Một cộng đoàn chia rẽ như vậy thì chắc chắn không thể nào có sự bình an, không thể nào có niềm vui để làm chứng cho Chúa Phục Sinh.
Cộng đoàn Kitô chúng ta ngày hôm nay là một cộng đoàn của những người tin Chúa Phục Sinh đã qui tụ lại. Chắc chắn Chúa Phục Sinh hiện diện ở giữa chúng ta, Ngài là trung tâm liên kết và nâng đỡ sự hiệp nhất của cộng đoàn chúng ta, Ngài là nguồn mạch của sự bình an và niềm vui của cộng đoàn chúng ta. Chúa Phục Sinh ban cho cộng đoàn các đồ đệ đầu tiên sự bình an, Chúa Thánh Thần và sức mạnh làm chứng cho Chúa. Đó là một cộng đoàn lý tưởng cho tất cả mọi cộng đoàn Kitô khác rải rác khắp nơi trên thế giới, qua muôn thế hệ. Đó là một cộng đoàn lý tưởng, trong đó niềm vui và sự bình an đã thay thế cho sự u buồn thất vọng: thấy Chúa các tông đồ đều vui mừng. Và niềm vui, sự bình an này luôn luôn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Nhưng vì là những con người cụ thể, như chúng ta đây, mỗi người đều có những giới hạn của mình và cộng đoàn của chúng ta, cộng đoàn của các môn đệ Chúa chắc chắn phải trải qua những thử thách, những trở ngại.
Sự vắng mặt, sự cứng lòng tin của Thomas, thái độ của Thomas, tất cả những điều đó đã góp phần hay ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Sự vắng mặt của chúng ta, sự cứng lòng tin của mỗi người chúng ta hay thái độ của chúng ta đối với Chúa Giêsu cũng như đối với anh chị em, thái độ đó cũng có ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Chúa Giêsu đã đáp lại khuyết điểm này của cộng đoàn các tông đồ để mang lại niềm vui và sự bình an, để trao ban sứ mạng qua việc Chúa đáp lại đòi hỏi của Thomas để biến đổi ông, và Thomas đã tin và tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa Trời tôi, Lạy Chúa và là Chúa Trời con". Và Chúa Giêsu dường như muốn cho các môn đệ của Ngài từ đó không nên thách thức như Thomas nữa: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".
Cộng đoàn chúng ta hôm nay cần thực hiện lý tưởng của cộng đoàn Kitô tiên khởi của các đồ đệ. Hãy để cho Chúa Giêsu Phục Sinh qui tụ chúng ta lại trong tình yêu của Người, hãy đón nhận sự bình an của Chúa trong niềm vui nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần để làm chứng một cách xứng đáng cho Chúa. Nhưng như vừa nói chúng ta đây là những con người có giới hạn và Chúa Phục Sinh cũng đã hiểu như thế nên Ngài đã thiết lập và để lại cho chúng ta một phương thế để tái tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn, để gìn giữ cộng đoàn được luôn hiệp nhất với Chúa và giữa mọi người với nhau, phương thế đó là bí tích Hòa Giải: "Các con tha tội cho ai thì trên trời cũng tha; các con cầm tội ai thì trên trời cũng cầm lại".
Không có phương pháp nhân loại nào khác có sức phục hồi và củng cố sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa cho bằng phương thế siêu nhiên mà Chúa Giêsu đã thiết lập và muốn cho các tông đồ sử dụng, và chúng ta biết rất rõ phương thế đó là phương thế nào. Đó là sự tha thứ bí tích, và đó cũng là bí tích của sự tha thứ. Dĩ nhiên, để lãnh nhận bí tích tha thứ của Chúa để chúng ta được tha thứ và tha thứ cho nhau, để xây dựng lại sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa, để làm cho cộng đoàn chúng ta có thể chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó "Hãy làm chứng cho Thầy", thì mỗi người chúng ta cần hành động như Thomas, cần kiểm điểm lại đức tin của mình và loại bỏ đi những gì không phù hợp với đức tin trong nếp sống của chúng ta, để có thể khiêm tốn tuyên xưng mỗi ngày, mỗi giây phút: "Lạy Chúa, Lạy Chúa Trời con, Lạy Chúa, con tin Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của con." Cần phải canh tân đức tin hàng ngày để đức tin của chúng ta được củng cố thêm mãi, để chúng ta có được sự bình an, niềm vui và sức mạnh làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta canh tân đức tin và củng cố đức tin.
Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Phục Sinh (A)


Chúa Nhật, 27 Tháng 4, 2014
Sứ vụ của các môn đệ và  
Lời chứng của Tông Đồ Tôma
Ga 20:19-31

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha, ngày Chúa Nhật hôm nay con cái Cha đang tề tựu để ca tụng Đấng Trước Hết và Sau Hết mọi sự, Đấng hằng sống đã chiến thắng sự chết, xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã chế ngự được sự dữ, làm trầm tĩnh các nỗi sợ hãi và do dự của chúng con, để chúng con có thể mạnh dạn đáp trả với sự vâng phục và lòng yêu mến, trong sự ngự trị vinh quang của Đức Kitô.
2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Chúng ta đang đọc ở trong sách được gọi là “sách của sự sống lại”, trong đó chúng ta được cho biết, không hẳn theo một thứ tự hợp lý, một số sự việc liên quan đến việc Đức Kitô Phục Sinh và các sự thật chứng minh điều đó.  Theo quyển Phúc Âm thứ tư, những sự kiện đã diện ra vào buổi sáng (20:1-18) và buổi tối ngày đầu tiên sau ngày thứ bảy, và tám ngày sau đó, tại cùng một địa điểm và cùng ngày trong tuần.  Chúng ta đang đứng trước một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử loài người, một biến cố thách đố từng cá nhân chúng ta.  Thánh Phaolô tông đồ đã nói:  “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì việc rao truyền của chúng ta trở thành vô ích và đức tin của chúng ta cũng nên vô dụng … và chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi” (1Cr 15:14, 17), Phaolô đã không biết Đức Giêsu trước khi Người phục sinh, nhưng là người sau này đã đi rao giảng một cách thiết tha trọn cả quãng đời của ông.  Chúa Giêsu được sai đi bởi Chúa Cha.  Và Người cũng sai chúng ta đi. Sự sốt sắng của chúng ta để “đi” xuất phát từ chiều sâu đức tin của chúng ta vào Đấng Đã Sống Lại.  Chúng ta có sẵn sàng để nhận lãnh “sự ủy thác” của Người và dâng hiến cuộc đời chúng ta cho nước Trời của Người chưa?  Đoạn Tin Mừng này không chỉ nói về đức tin của những kẻ chưa thấy (lời chứng của Tôma), mà nó còn nói về sứ vụ được ủy thác cho Giáo Hội bởi Đức Kitô.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Ga 20:19-20:  Chúa hiện ra với các môn đệ và cho các ông xem những vết thương
Ga 20:21-23:  Ân sủng Chúa Thánh Thần ban cho sứ vụ
Ga 20:24-26:  Chúa hiện ra đặc biệt với ông Tôma tám ngày sau đó
Ga 20:27-29:  Cuộc đối thoại của Chúa với ông Tôma
Ga 20:30-31:  Mục đích của sách Phúc Âm theo thánh Gioan

c)  Phúc Âm:

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói:  “Bình an cho các con”.  20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người.  Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.  21Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:  “Bình an cho các con.  Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.  22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:  “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha.  Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng:  “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.  Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng:  “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông.  Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán:  “Bình an cho các con”.  27 Đoạn Người nói với Tôma:  “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.  28 Tôma thưa rằng:  “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”  29Chúa Giêsu nói với ông:  “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31 nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Để cho Lời Chúa được thấm vào tâm hồn chúng ta

4.  Suy Niệm

a)  Một vài câu hỏi gợi ý giúp cho giờ suy niệm chúng ta:

Người nào hoặc điều gì trong bài Tin Mừng đã tạo sự chú ý và thích thú cho tôi?  Có thể nào một người tự nhận là Kitô hữu mà lại chưa tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu được chăng?  Việc tin vào sự phục sinh thật là quan trọng đến mức như thế ư?  Điều gì sẽ bị thay đổi nếu chúng ta không còn rao giảng Lời Chúa và không tiếp tục làm chứng nhân cho Tin Mừng sự sống?  Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho sứ vụ có ý nghĩa gì đối với tôi?  Sứ vụ của Đức Giêsu trên thế giới được tiếp tục như thế nào sau khi Chúa Phục Sinh?  Nội dung của bản công bố sứ vụ truyền giáo là gì?  Việc làm chứng của ông Tôma mang một giá trị gì đối với tôi?  Tôi có sự nghi ngờ nào về tín lý không?  Nếu có, đó là những điều gì?  Tôi sẽ giải quyết và vượt qua những nghi ngại ấy bằng cách nào? Tôi có khả năng biện minh cho đức tin của tôi không?


b)  Dẫn giải:

Vào buổi chiều cùng ngày, ngày thứ nhất trong tuần:  Các môn đệ đang trải qua một ngày đặc biệt. Đối với cộng đoàn, vào lúc quyển Tin Mừng thứ tư được viết, ngày sau ngày Sabbát đã là “ngày của Chúa” (Kh 1:10), Chúa Nhật, và nó còn quan trọng hơn cả ngày Sabbát trong truyền thống của người Do Thái.

Những cửa nhà các môn đệ đều đóng kín:  Một chi tiết cho thấy rằng thân thể của Đức Giêsu phục sinh, dù rằng vẫn có thể nhận ra, đã không bị chi phối bởi các điều kiện vật lý như người phàm.

Bình an cho các con:  Đây không phải là một lời chúc tụng, nhưng đó chính là sự bình an thực sự đã được hứa hẹn với các ông khi các ông buồn rầu vì cuộc tử nạn của Chúa (Ga 14:27; 2Tx 3:16; Rm 5:3), sự bình an cứu chuộc, sự viên mãn những lời hứa bởi Thiên Chúa, giải thoát khỏi tất cả mọi sợ hãi, chiến thắng tội lỗi và cõi chết, giao hòa với Thiên Chúa, hoa trái của cuộc khổ nạn của Người, tặng phẩm cho không từ Thiên Chúa.  Sự bình an này được lập lại ba lần trong đoạn Kinh Thánh này cũng như trong phần dẫn nhập (20:19) và tiếp theo sau đó (20:26) trong cùng một thể cách.

Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người:  Chúa Giêsu cung cấp bằng chứng hiển nhiên và rõ ràng rằng chính Người là kẻ đã bị đóng đinh vào thập giá.  Chỉ có Thánh Sử Gioan đã ghi lại chi tiết về vết thương nơi cạnh sườn Người là do ngọn giáo của một tên lính La-mã đâm vào, trong khi ấy Phúc Âm của Luca lại nhắc đến vết thương nơi chân (Lc 24:39).  Khi cho các môn đệ xem các vết thương, Chúa Giêsu muốn nói rằng sự bình an mà Người ban tặng cho các ông đến từ cây thập giá (2Tm 2:1-13). Những vết thương này là một phần căn cước của Người là Đấng đã sống lại từ cõi chết (Kh 5:6).

Các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa:  Niềm vui mừng này giống như niềm vui mừng được diễn tả bởi tiên tri Isaia khi ông diễn tả về bữa tiệc thiêng liêng (Is 25:8-9), nỗi vui mừng ngày tận thế đã được báo trước trong lời từ biệt và rằng không ai có thể cất đi được (Ga 16:22, 20:27).  (Xin xem thêm Lc 24:39-40; Mt 28:8; Lc 24:41).

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con:  Chúa Giêsu là người truyền giáo đầu tiên, “chúng tôi xác nhận là vị linh mục tông đồ và thượng tế của đức tin” (Kh 3:1).  Sau khi trải qua kinh nghiệm của thập giá và sự phục sinh, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cùng Chúa Cha đã trở thành sự thật (Ga 13:20; 17:18; 21:15, 17).  Đây không phải là một sứ vụ mới, nhưng đó là sứ vụ của Đức Giêsu mở rộng đến những người là môn đệ của Chúa, gắn liền với Người như các cành nho gắn liền với cây nho (15:9), vì thế các môn đệ cũng gắn liền với Giáo Hội của Người (Mt 28:18-20; Mc 16:15-18; Lc 24:47-49).  Con Thiên Chúa hằng sống đã được sai đến thế gian để “thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17) và tất cả sự hiện diện của Người trên thế gian này, đã được thực thi một cách đầy đủ với ý định cứu chuộc của Chúa Cha, là sự hiện diện liên tục của Chúa để cho tất cả sẽ được cứu rỗi. Người lưu lại cuộc cứu chuộc lịch sử này như một di sản cho toàn thể Giáo Hội và, nhất là những người đã được tuyển chọn trong Giáo Hội.

Người thổi hơi vào các môn đệ:  Cử chỉ này gợi nhớ lại việc Thiên Chúa đã thổi hơi ban sức sống vào con người (St 2:7), việc này đã không thấy nhắc đến một nơi nào khác trong Tân Ước.  Nó đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc tác tạo mới.

Hãy nhận lấy Thánh Thần:  Sau khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, Thần Khí Chúa sẽ được trao ban (Ga 7:39).  Ở đây Thần Khí được truyền đến cho một sứ vụ đặc biệt, trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2) Chúa Thánh Linh hiện xuống trên toàn thể dân Thiên Chúa.

Các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha.  Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại:  Chúng ta cũng có thể tìm thấy quyền năng của việc tha tội hoặc không tha tội trong Phúc Âm của thánh Mátthêu dưới một hình thức có vẻ pháp lý hơn (Mt 16:19; 18:18).  Theo những người Luật Sĩ và Biệt Phái (Mc 2:7), và theo truyền thống (Is 43:25), chỉ có Thiên Chúa là đấng có quyền tha tội.  Chúa Giêsu có quyền này (Lc 5:24) và Người truyền lại cho Giáo Hội Người.  Trong lúc suy niệm, tốt hơn hết là chúng ta không nên vướng bận với lời văn của sự phát triển về thần học trong truyền thống giáo hội và những cuộc tranh cãi về thần học sau đó.  Trong quyển Phúc Âm thứ tư, sự diễn đạt có thể được hiểu theo một ý nghĩa rộng.  Ở đây nó là một vấn đề về quyền tha tội trong Giáo Hội được xem như là sự cứu rỗi của cộng đoàn và một cách đặc biệt cho những ai đã được tuyển chọn để nối tiếp và chia xẻ công cuộc tông đồ và truyền giáo.  Trong quyền năng tổng quát này được bao gồm cả quyền tha tội sau khi đã nhận bí tích rửa tội, mà chúng ta gọi là “bí tích hòa giải” được nhắc đến qua nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội.

Bấy giờ trong nhóm Mười Hai tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô:  Ông Tôma là một trong những nhân vật chính trong Quyển Phúc Âm thứ tư và là người đã được làm nổi bật vì đặc tính hoài nghi và dễ bị hoang mang nản lòng, (11:16; 14:5).  “Một môn đệ trong nhóm mười hai” vào bấy giờ là một lời nói khuôn sáo (6:71), bởi vì thật ra họ chỉ còn lại mười một người.  “Điđymô”  có nghĩa là “Sinh Đôi”, và chúng ta có thể là “anh em song sinh” của ông bởi vì sự cứng lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và đã sống lại.

Chúng tôi đã xem thấy Chúa!:  Khi các ông An-rê, Gioan, và Philípphê đã gặp được Đấng Cứu Thế, họ liền chạy đi loan báo cho các người khác (Ga 1:41-45).  Bây giờ lại có lời tuyên bố chính thức bởi những người chứng tận mắt (Ga 20:18).

Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin:  Ông Tôma không tin lời những người chứng.  Ông muốn chính mình chứng kiến tận mắt.  Quyển Tin Mừng thứ tư ý thức về sự khó khăn rằng một số người có thể có lòng hoài nghi về việc Chúa Phục Sinh (Lc 24:34-40; Mc 16:11; 1Cr 15:5-8), nhất là những kẻ chưa được gặp Người.  Tôma là người diễn đạt cho họ (và cho cả chúng ta).  Ông đã sẵn sàng để tin, nhưng ông muốn làm sáng tỏ tất cả những hoài nghi riêng trong lòng, vì lo rằng sẽ bị lầm lạc.  Chúa Giêsu đã không nhìn Tôma như một người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng xem ông như một người muốn đi tìm sự thật và mong muốn được đáp ứng trọn vẹn.  Tuy nhiên, đây là một dịp để thể hiện một sự cảm kích cho các tín hữu tương lai (Câu 29).

Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy.  Hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy.  Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!  Chúa Giêsu lập lại những lời của Tôma và bắt đầu cuộc đối thoại với ông.  Người hiểu lòng hoài nghi và các ước muốn của Tôma nên giúp ông.  Chúa Giêsu biết rằng Tôma yêu mến Chúa và vì vậy Người động lòng trắc ẩn vì Tôma chưa tận hưởng được sự bình an đến từ đức tin.  Chúa Giêsu giúp ông trưởng thành trong đức tin.  Để đi sâu hơn vào trong chủ đề này, chúng ta có thể đọc thêm: 1Ga 1-2; Tv 78:38; 103:13-14; Rm 5:20; Tm 1:14-16.

Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!:  Đây là lời tuyên xưng đức tin vào Đấng Đã Sống Lại và việc tôn sùng Người như đã được công bố ở chương đầu của Phúc Âm theo thánh Gioan (1:1).  Trong Cựu Ước, những chữ “Chúa” và “Thiên Chúa” được tương ứng với các chữ “Gia-vê” và “Elohim” (Tv 35:23-24; Kh 4:11).  Đây là lời tuyên xưng đức tin vào bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh một cách đầy đủ và trực tiếp nhất.  Đối với những người Do Thái, các từ ngữ này mang một ý nghĩa giá trị cao quý hơn vì họ đã dùng trong các văn bản về Chúa Giêsu liên quan đến bản tính Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã không chỉnh sửa những lời của Tôma như Người đã chỉnh sửa những lời mà người Do Thái đã dùng để buộc tội Người là đã mong muốn được “bằng Thiên Chúa” (Ga 5:18 và các câu tiếp); do đó, Chúa đã xác nhận việc mang bản tính Thiên Chúa của Người.

Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!  Chúa Giêsu không thể tha thứ cho những kẻ chỉ biết đi tìm những dấu lạ và điềm thiêng để mà tin (Ga 4:48) và Người đã dùng ông Tôma để chỉnh đốn việc ấy.  Ở đây chúng ta nên nhớ đến một đoạn Phúc Âm khác nói về một đức tin chân chính hơn, một “phương cách hoàn hảo” hướng về một đức tin mà chúng ta phải khao khát nhưng không có các điều đòi hỏi của Tôma, một đức tin được nhận lãnh như một món quà tặng và như là một hành động của lòng tin, giống như gương đức tin của cha ông chúng ta (Kh 11) và của Đức Maria (Lc 1:45).  Chúng ta, những người sống sau Chúa Giêsu hai ngàn năm, đã được bảo cho biết về Người, dù rằng chúng ta chưa hề gặp Người, nhưng chúng ta vẫn có thể yêu mến và tin tưởng vào Người để chúng ta có thể chan chứa với “một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1Pr 1:8).

Các điều đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người:  Quyển Phúc Âm thứ tư, như các quyển Phúc Âm khác, không có chủ đích viết một cuốn tiểu sử đầy đủ về Chúa Giêsu, nhưng chỉ để cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng Mêssia đang được mong đợi, Đấng Giải Thoát, và Người chính là Con Thiên Chúa.  Tin tưởng vào Người có nghĩa là chúng ta có sự sống đời đời.  Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì đức tin của chúng ta trở nên vô ích!

5.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 118 (117)

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ;
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Israel hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Nhà A-a-ron hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Chúng xô đẩy tôi, xô cho tôi ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.
Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi;
chính Người cứu độ tôi.
Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân:

Tảng đá mà người thợ xây loại bỏ
lại trở nên tảng đá chính góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa;
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa! 
Ôi lạy Chúa, xin thương giúp thành công.
6.  Chiêm Niệm

Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa, Chúa của con và Thiên Chúa của con, Chúa đã yêu thương con và đã cất tiếng gọi con, Người đã cất nhắc con trở nên môn đệ Chúa.  Chúa đã ban cho con Thần Khí Chúa, Đấng được sai đến, để con ra đi công bố và làm chứng cho sự phục sinh của Chúa, về lòng từ ái của Chúa Cha, để cho mọi người trên thế gian được nhận lãnh ơn cứu độ.  Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa là ánh bình minh không bao giờ xế tà, là vầng thái dương của công lý và hòa bình.  Xin Chúa hãy ban cho con được cư ngụ trong tình yêu của Chúa, xin ràng buộc con vào Chúa như cành nho gắn liền với cây nho.  Xin Chúa hãy ban cho con sự bình an của Chúa để con có thể khắc phục được những yếu đuối của con, đối diện với những nghi ngại của con và mạnh dạn bước theo ơn gọi của Chúa và để con sống trọn vẹn với nhiệm vụ Chúa đã giao phó cho con và ca tụng Chúa muôn đời.  Chúa là đấng hằng sống, hằng trị muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét