05/10/2014
Chúa Nhật 27 Quanh
Năm Năm A
(Phần II)
GLPÂ CN XXVII TN. A
CHÚA NHẬT
XXVII QUANH NĂM, NĂM A
Sách Tiên Tri Isaia 5.1-7; Thư Thánh Phaolô Tông
Đồ gửi Philipphê 4.6-9
và Phúc Âm Thánh Matthêu 21.33 - 43
I. Giáo Huấn P.Â.:
Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc vườn nho Chúa.
Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc dân Chúa chọn. Vườn nho Chúa vừa là chính Dân
Thiên chúa và cũng vừa là vương quốc Chúa được trao phó cho dân Do Thái để mang
hoa trái cho nước Chúa.
Hoa trái cần thu hoạch. Nhưng tá điền, những
người đang hưởng lợi tức của vườn nho lại đang tâm phản bội muốn chiếm lấy vườn
nho và khai thác cho tư lợi riêng mình.
Tá điền bất trung nhận lãnh hậu quả xấu: Chủ vườn
thu hồi vườn nho, trao lại cho những tá điền mới, những người mang lợi cho vườn
nho nước Chúa.
Dân Do Thái là những tá điền bất trung. Vườn nho
Chúa bị thu hồi và giao cho tá điền mới là chúng ta.
II.
Vấn nạn P.Â.
Vườn nho trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì?
Dân Do Thái, dân Chúa chọn là chính vườn nho Chúa. Được Chúa yêu thương, chăm
sóc và dành cho mọi cơ hội để phát triển. Bài đọc I hôm nay, sách tiên tri
Isaia là một mô tả rõ ràng về tình yêu thương Chúa dành cho Dân Do Thái cũng
như sự phản bội mà Dân Do Thái đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vườn nho trong
Kinh Thánh là chính Chúa. Phúc Âm của Thánh Matthêu trong hai Chúa Nhật
vừa qua đều ví “Nước trời giống như… chủ nhà từ sáng sớm ra đi mướn thợ làm
vườn nho mình trong chúa Nhật 25 quanh năm. Hay “Nước trời giống như người Cha
nhờ hai con trai đi làm vườn nho, người trả lời không làm thì đi làm.
Người trả lời sẵn sang đi làm thì lại không làm..”
Nước trởi là chính Chúa, là chính Ông Trời. Giáo
Hội là hiện thân của chính Chúa. Chúa được so sánh như vườn nho. Có nho mới có
rượu. Rượu được coi như thức uống ban sinh lực. Chúa chính là sinh lực của con
người. Trong Tân Ước Chúa cũng so sánh Ngài chính là rượu nho mới trong Nước
Thiên Chúa, như trong Matthêu 26.29. Vườn nho chính là Giáo Hội, là cộng đoàn
Dân Chúa mà mỗi Kitô hữu có bổn phận phải là thành viên tích cực và làm cho
vườn nho mình phát triển. Bài Phúc Âm Chúa Nhật 25 nói về lời mời gọi gia nhập
Giáo Hội Chúa, mỗi người được mời gọi vào những thời điểm khác nhau, nhưng rồi
cũng sẽ được Nước Chúa làm phần gia nghiệp.
Vườn nho
Giáo Hội có nhiều thay đổi
Nếu so sánh Giáo Hội Chúa Giêsu thiết lập như một
vườn nho, chúng ta thấy có nhiều yếu tố thay đổi đáng suy nghĩ:
Vườn nho Giáo Hội Chúa mỗi ngày thêm lớn rộng và
sinh hoa kết trái thật sum xuê. Giáo Hội Chúa bắt đầu với 12 tông đồ nghèo nàn
và thất học. Nhưng họ được trao trách nhiệm phải thành những cây nho sai trái.
Nhiều cây nho sai trái sẽ làm thành một Giáo Hội phát triển không ngừng. Vườn
nho Giáo Hội Chúa tăng sức lớn vượt bực. Tuy nhiên nó cũng bị thử thách và bị
thanh lọc và cắt tỉa qua nhiều cuộc bách hại thật khủng khiếp trong lịch sử
Giáo Hội. Ngay chính Giáo Hội Việt Nam nhỏ bé cũng phải đương đầu với nhiều thử
thách và hàng trăm ngàn người chết vì đạo.
Vườn nho Giáo Hội phát triển, bị thức thách không
chỉ do những thế lực chính trị bách hại nhưng còn do chính nội bộ của Giáo Hội
phân rẽ và làm cho thân thể Chúa Kitô, cho vườn nho Giáo Hội bị chia cắt và
phân hoá ra nhiều hệ phái. Vườn nho Giáo Hội Chúa được chuyển đổi từ mạnh sang
yếu hay ngược lại từ yếu sang mạnh tuỳ theo hoàn cảnh sinh hoạt của xã hội trần
thế. Ngày xưa, Âu Châu được kể như thế giới Kitô giáo. Người ta thấy nhà thờ
khắp nơi. Người ta thấy trường học công giáo mọi chỗ. Người ta thấy giáo sĩ, tu
sĩ trên khắp các đường phố và khu xóm và người ta cũng thấy ảnh hưởng lớn lao
của Giáo Hội trên từng cá nhân và từng xã hội. Ai sinh ra cũng phải được rửa
tội.
Nhưng ngày nay, bóng thánh giá không còn nhan
nhãn. Những tháp giáo đường cao không còn nhiều. Những ngôi thánh đường đồ sộ
vắng bóng người tham dự thánh lễ… Nhiều và còn nhiều nữa những thứ mà người ta
gọi là đang đi xuống. Tuy nhiên sự phồn thịnh Kitô giáo ở Âu Châu giờ đây
nhường chỗ cho Á Châu và Phi Châu. Ở Việt Nam dường khư không cần kêu gọi đi tu
làm linh mục hay tu sĩ, vì có quá nhiều ơn gọi tu trì. Một địa phận trung bình
thôi, cũng có thể có 200 nữ tu Mến Thánh Giá địa phận. Chủng sinh phải đợi
nhiều năm mới có thể được nhận vào chủng viện…
Vườn nho Giáo Hội luôn được chính Chúa là chủ vườn
nho xây rào giậu chung quanh và gìn giữ cẩn thật. Nhiều người thấy có quá nhiều
cơ cấu tổ chức trong Giáo Hội. Có nhiều người hoang mang về những lập trường
không Công Giáo trong Giáo Hội. Có nhiều người lo ngại về những chủ trương
“quốc doanh” Giáo Hội hay Giáo Hội tự trị… Khó khăn không ít. Nhưng vườn nho
Giáo Hội luôn có tháp canh và Chúa chính là người gìn giữ vườn nho của Ngài.
Hãy yêu
vườn nho Giáo Hội và tích cực xây dựng nó.
Những tá điền bất trung trong dụ ngôn vườn nho ám
chỉ người Do Thái, những người giữ đạo Cựu Ước. Họ được may mắn sống trong Vườn
Nho Chúa. Họ được Chúa gìn giữ và chăm sóc. Nhưng họ lại muốn chiếm đoạt vườn
nho của Ông chủ. Họ nghĩ rằng: Họ có thể tự lãnh đạo và phát triển vườn nho
theo lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, Chủ vườn luôn theo dõi từ tháp canh.
Nếu tá điền bất trung. Vườn nho sẽ bị lấy lại và giao cho người khác.
Lịch sử Kitô giáo đã chứng minh điều đó. Người da
trắng Âu Châu ngày nay càng ngày càng lệ thuộc vào sự làm việc và truyền giáo
của các giáo sĩ người da màu đến từ Á Châu hay Phi Châu. Cách nào đó, họ đả
quên bổn phận vun trồng vườn nho Chúa. Cách nào đó, họ phản bội tỉnh yêu thương
chăm sóc của Chúa. Chúa là chủ vườn nho. Chúa thành lập Giáo Hội. Chắc chắn
Chúa phải yêu Giáo Hội. Chắc chắn Chúa không để người ta làm hại vườn nho Giáo
Hội Chúa.Hãy yêu Giáo Hội và tìm cách làm Giáo Hội phát triển dưới sự hướng dẫn
của Chúa.
III.
Thực hành P.Â.:
Chúa lo cho Giáo Hội của Ngài qua những mục tử
biết sống chết vì vườn nho Chúa: Gương Cha Phanxicô Trương bửu Diệp.
Nhân chứng sống:
Đôminicô Nguyễn văn Đức và Mẹ Ông, Bà Huỳnh thị
Tú.
Chủ Chí: Cách nay nhiều chục năm, vùng đất nầy thuộc ông Cả Chí, từ đó có địa
danh Chủ Chí. Chủ Chí năm cách Hộ Phòng về phía Ngã Năm Thạnh Trị chừng 15 cây
số đường xe. Nhà thờ cũ đã bị phá sập. Nền nhà thờ cũ bây giờ không còn dấu
vết, dân cư đã xây cất nhà trên đó. Nhà thờ mới đang trong chương rình xây dựng
trên phần đất mới.
Phỏng vấn Ông Đôminicô Nguyễn văn Đức:
Sinh năm 1936 và Ông cho biết “được Cha Diệp Rửa
Tội năm 1945” Tuy nhiên, không tìm thấy bút tích Rửa Tội trong số 1643 người do
Cha Phanxicô rửa tội trong 16 năm ở Tắc Sậy. Ông Đức kể rằng: Cha Diệp vô nhà
thờ Chủ Chí làm lễ hàng tháng hay đôi ba tuần một lần. Cha đến ăn uống và ngủ
lại nhà ông hiện đang ở bây giờ là của Cha Mẹ Ông là Ông Lễ và Bà Tú.
Ông Muời Thính là cận vệ của tướng Cao Đài trong
vùng là Cao Triều Phát kể cho Ông nghe nhiều lần rằng: Không phải Cao Đài
hay Việt Minh giết Cha Diệp mà là hai tên lình Nhựt bị giải giáp và nhập vào
phe Ông Cao Triều Phát. Hai tên nầy mang tên Cao Triều Thắng và Cao Triều
Ngươn. Còn một tên nữa không biết tên. Thắng và Ngươn rất hung dữ và thù ghét
Pháp vô cùng. Thấy Cha Diệp tới lui với Pháp, hai tên nầy trả thù bằng cách bày
chuyện dẫn linh cao đài của Cao Triều Phát đi lùa Cha Diệp và giáo dân nhốt vào
lẫm lùa của Ông Châu văn Sự ở Cây Gừa và chém Cha rồi xô xuống ao gần bên. Ông
Cao Triều Phát nghe tin và nghĩ rằng: Ông đã nuôi ong tay áo, hai tên Nhật nầy
nếu giết người khác dễ dàng như thế thì có lúc cũng sẽ phản bội và giết Ông
chăng? Nên Ông đã lập mưu cho người giết hai tên Nhật mang tên Thắng và Ngươn
nầy. Tên lính Nhật còn lại ông âm thầm thanh toán sau.
Bà Huỳnh thị Tú sinh năm 1905
Bà không nhớ nhiều chi tiết về cuộc đời Cha Fx.
Trương Bửu Diệp. Bà khóc khi nhắc đến Cha và tình thương của Cha. Bà nói “mọi
chuyện đều do Cha lo: áo trằng mặc khi rửa tội hay khi rước lễ thường, khăn
tang hay hòm chôn người chết… cha đều lo cho dân nghèo. Cha dạy giữ lửa bằng
cách lấy trái ổi non, phơi khô, đốt lên rôi bỏ trong lon đậy kín lại, một tuần
sau vẫn còn than đỏ. Bà Huỳnh thị Tú cho chúng ta hình ảnh xác thực về
Cha Fx. Như một mục tử nhân lành: lo lắng và sống chết với đàn chiên.
Có tháp canh
Nhiều khi chúng ta chứng kiến có quá nhiều tiêu
cực xảy ra trong Giáo Hội: ít người sống đức tin, có những chủ trương chia rẽ
đòi tự trị trong Giáo Hội, có những người không phục tùng Đức Giáo Hoàng…Người
ta nghĩ đến một ngày nào đó trong tương lai gần, Giáo Hội Chúa sẽ bị thao túng
và bị quỉ hoả ngục phá đổ. Phúc Âm hôm nay nói: Chủ vườn làm rào giậu và đặt
tháp canh… Chúa chăm sóc cẩn thận Vườn nho Giáo Hội của Ngài. Bằng chứng là
Ngải đã gửi những trung gian đến để giáo huấn và chăn sóc vườn nho. Ngài còn gửi
Con yêu dầu của Ngài đến…Những chi tiết nầy làm cho tôi thật an tâm trước những
biến cố tiêu cực hay nguy hiểm xảy ra trong Giáo Hội.
Tôi không chủ trương: Để mặc cho Giáo Hội hay
những người có trách nhiệm trong Giáo Hội muốn làm gì tuỳ tiện. Không! Chỉ xin
góp phần theo khả năng của mình để xây dựng Giáo Hội và luôn xác tín là: Mình
chỉ là một dụng cụ hèn mọn trong việc làm vườn nho Chúa. Có mình hay không có
mình, Giáo Hội vẫn trường tồn. Đừng có ai vỗ ngực xưng tên rằng: Không có tôi
thì làm sao Giáo xứ hay nhà thờ nầy được như ngày nay! Chúa đang canh
chừng, gìn giữ và chăm sóc Giáo Hội Ngài. Hãy sống trong Giáo Hội với tin, cậy
và yêu thương.
Lm Phêrô
Trần Thế Tuyên
Thợ vườn nho
Dụ ngôn những thợ vườn nho
phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là
Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi
bị dân Ngài loại bỏ.
Như thường lệ Chúa Giêsu
cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa
thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn
nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước
ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm
vườn. Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa
kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho
chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi,
nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, người
con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.
Qua dụ ngôn này và qua đoạn
kế tiếp với hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho chúng
ta hiểu rằng: Chính Ngài là người con bị bọn thợ làm vườn nho giết đi, chính
Ngài là viên đá góc bị thợ xây loại bỏ.
Một cách quyết liệt, dụ
ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi
tới chỗ loại bỏ Đấng thiên sai? Tôi xin thưa vì họ đã buông thả theo bản năng
chiếm hữu của họ. Chủ vườn nho là Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất của họ. Thế
nhưng tinh thần chiếm hữu của họ hệ tại việc áp đặt quan niệm riêng của họ về
lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc của
họ để lên ngôi thống trị thế giới. Các vị tiên tri đã đến để nhắn nhủ họ, nhưng
tất cả đều bị họ giết chết, và sau cùng họ đã đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên
Sai, Con Một của Thiên Chúa. Thay vì phục vụ cho lề luật và dân chúng thì họ đã
chiếm hữu, coi mình là chủ của lề luật và của dân chúng.
Còn chúng ta thì sao, liệu
chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ của Tin Mừng, của chân
lý hay không? Làm thế nào để phục vụ Phúc Âm mà không chiếm hữu? Tôi xin thưa
bằng cách để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vài cải tạo chúng ta, chứ chúng ta
không đọc Phúc Âm, rồi sau đó ngồi sắp xếp Phúc Âm theo ý riêng của chúng ta.
Ngày xưa các thầy thông luật đã lèo lái niềm trông đợi của dân chúng tới những
ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay cũng không thiếu gì những người muốn lợi
dụng Phúc Âm để quảng cáo cho một hệ thống chính trị hay một quan niệm xã hội.
Chúng ta không có quyền sử dụng và dùng Phúc Âm vào một mục tiêu nào khác ngoài
mục tiêu đi đến Đức Kitô. Nhiều người muốn chiếm hữu Phúc Âm để mưu cầu lợi ích
riêng tư, để rồi cuối cùng đã đi đến chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Tin Mừng
mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá góc là Đức Kitô, Đấng chúng ta
tìm kiếm và yêu mến, chứ không nên lèo lái Ngài và Tin Mừng của Ngài vào những
ý đồ riêng tư của mình.
Lectio Divina: Chúa
Nhật XXVII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 5 Tháng 10, 2014
Dụ ngôn về những người tá điền sát nhân
Mt 21:33-43
Mt 21:33-43
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa, Chúa Nhật này con muốn cầu nguyện với một trong những
hình ảnh đẹp nhất của Cựu Ước: “Xin đừng bỏ rơi vườn nho tay hữu của
Chúa đã trồng nên”. Xin Chúa hãy tiếp tục vun xới và làm phong phú
nó với tình yêu của Chúa. Nguyện xin cho Lời Chúa trong phần Phụng
Vụ Chúa Nhật tuần này là niềm hy vọng và an ủi cho con. Xin cho con
có thể suy gẫm những lời ấy và để cho chúng vang dội trong lòng con, cho cả đến
cuối đời con. Xin cho nhân loại của con là cái nôi màu mỡ để từ đó
sự sinh động của Lời Chúa có thể nảy mầm.
2. Bài Đọc
a) Bối
cảnh:
Thánh Mátthêu đặt bài
dụ ngôn về những người tá điền sát nhân ở giữa hai dụ ngôn khác: dụ
ngôn hai người con (21:28-32) và dụ ngôn tiệc cưới (22:1-14). Cả ba
dụ ngôn chứa đựng câu trả lời tiêu cực: của người con trai đối với
cha nó, của những người tá điền đối với chủ vườn nho và của một số khách mời
đối với nhà vua làm tiệc cưới cho hoàng tử. Cả ba dụ ngôn có khuynh
hướng chỉ về một điểm duy nhất, đó là, những kẻ bởi vì họ không chấp nhận lời
rao giảng và phép rửa của ông Gioan, bây giờ đồng thanh từ chối lời mời gọi
cuối cùng của Thiên Chúa trong con người của Đức Giêsu. Lời giới
thiệu về dụ ngôn thứ nhất trong chương 21:28-33 cũng cần được xem như là lời
giới thiệu bài dụ ngôn về những người tá điền sát nhân: Sau khi
Chúa Giêsu đã tiến vào khuôn viên của đền thờ, và trong khi Người đang giảng
dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đã đến gặp Người và nói: Ông
lấy quyền gì mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? Đó
là tầng lớp thày cả quý tộc và giáo sĩ thế tục đến gặp Chúa Giêsu khi Người ở
trong đền thờ. Họ đang lo lắng bởi việc Chúa Giêsu được mến mộ và
hỏi Người những câu hỏi để tìm biết hai điều: Người lấy quyền gì để
làm những việc Người đang làm và nguồn gốc của quyền này. Thực ra,
câu trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng là câu trả lời cho câu hỏi thứ
nhất. Các thượng tế và kỳ lão trong dân đòi hỏi một bằng chứng pháp
lý, họ quên rằng các ngôn sứ nhận quyền trực tiếp từ Thiên
Chúa.
b) Phúc
Âm:
33 Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông
hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho;
ông rào giậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá
điền thuê, rồi đi phương xa. 34 Đến mùa nho, ông sai
đày tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. 35 Nhưng
những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném
đá đứa khác. 36 Chủ nhà lại sai một số đầy tớ khác
đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. 37 Sau
cùng, chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: ‘Họ sẽ
kính nể con trai mình.’ 38 Nhưng bọn làm vườn vừa
thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Đứa con thừa tự kia
rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia
tài của nó.” 39 Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho
mà giết. 40 Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ
thế nào?”
41 Họ trả
lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn
nho để cứ đến mùa nộp phần hoa lợi.” 42 Chúa Giêsu
phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh
Thánh: Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc tường;
đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta? 43 Bởi
vậy, Ta bảo các ông: ‘Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao
cho dân tộc khác biết làm trổ sinh hoa trái.’
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Chúng ta không thể hiểu thấu được Lời của Chúa trừ phi chính
Thiên Chúa mở lòng chúng ta (Cv 16:14). Tuy nhiên, điều ấy tùy thuộc
vào chúng ta khơi dậy sự tò mò của mình bằng cách lắng nghe, dừng lại và đứng
trước Lời Chúa …
4. Lời giải thích bài Tin Mừng
a) Một lời
mời để lắng nghe:
Dụ ngôn bắt đầu với một lời mời gọi để lắng nghe: Hãy
nghe một dụ ngôn khác(câu 33). Chúa Giêsu dường như thu hút sự
chú ý của các người lãnh đạo trong dân về dụ ngôn Người sắp sửa công
bố. Đây là một mệnh lệnh, “lắng nghe”, mà không loại trừ một sự đe
dọa nào đó (Gnilka) nếu chúng ta nhìn vào cách dụ ngôn kết thúc: “Ta
bảo các ông, lúc ấy, Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho một dân
tộc khác biết làm trổ sinh hoa trái” (câu 43). Mặt khác,
Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống với các môn đệ mà không có bất
kỳ dấu hiệu của sự quở trách (Mt 13:18).
Sự giải thích về lời mời để lắng nghe có một chút đe dọa này là
gì? Câu trả lời là để được tìm kiếm trong các điều kiện kinh tế của
vùng đất Palestine vào thế kỷ thứ nhất. Phần lớn đất đai đã thuộc về
những ngoại kiều tự do là những người đã thuê đất theo từng
nhóm. Hợp đồng cho thuê với điều kiện là một phần của vụ thu hoạch
sẽ nộp cho chủ đất, người này thực hiện quyền của họ bằng cách gửi người quản
lý đến để thu nhặt phần hoa lợi của mình. Trong tình huống như vậy,
người ta có thể hiểu được những cảm xúc của tá điền đã vô cùng mệt
mỏi: họ cảm thấy rất chán nản và điều này đôi khi đưa đến cuộc nổi
dậy.
Trong dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu đề cập đến tình trạng thực tế
này nhưng đòi hỏi phải ở một trình độ hiểu biết cao hơn, đó là, tình trạng trở
thành bản tóm tắt câu chuyện về Thiên Chúa và dân của Người. Thánh
Mátthêu mời gọi độc giả hãy đọc bài dụ ngôn trong một ý nghĩa biểu
tượng: Đằng sau “người chủ nhà” là hình ảnh của Thiên Chúa; đàng sau
vườn nho là dân tộc Israel.
b) Việc chăm sóc cẩn thận vườn nho của người chủ nhà
(câu 33):
Thoạt đầu, sáng kiến của người chủ nhà là trồng một vườn
nho. Mátthêu dùng năm động từ để mô tả sự quan tâm và chăm sóc này: trồng
… rào giậu … đào … xây … cho thuê. Sau khi ông đã trồng vườn
nho, người chủ nhà cho tá điền thuê, và rồi trẩy đi phương xa.
c) Nhiều nỗ lực của người chủ vườn để thu lại phần
hoa lợi của vườn nho (các câu 34-36):
Trong cảnh thứ hai, người chủ nhà hai lần sai các đày tớ của ông
là những người có nhiệm vụ đi thu lại phần hoa lợi của vườn nho, đã bị ngược
đãi và bị sát hại. Hành động hung hăng và bạo lực này được mô tả với ba
động từ: đánh … giết … ném đá … (câu
35). Bằng cách gửi một số đày tớ đông hơn trước và việc chịu đựng sự
ngược đãi cũng tăng theo, Mátthêu muốn ám chỉ đến lịch sử của các tiên tri cũng
bị ngược đãi tương tự như thế. Chúng ta nhớ lại một số các vị
này: tiên tri U-ria bị giết bởi một lưỡi gươm (Gr 26:23); ngôn sứ
Giêrêmia thì bị cùm (Gr 20:2); tiên tri Giacaria đã bị ném đá chết (2Sb 24:21). Chúng
ta có thể tìm thấy bản tóm lược phần lịch sử này của các ngôn sứ trong sách
Nơ-khê-mia 9:26: “Họ đã từng giết hại các ngôn sứ của
Ngài…”
d) Cuối cùng ông sai chính con trai mình:
Người đọc được mời gọi để nhận ra người con, người “cuối cùng”
được sai đến, Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa, Đấng phải được kính nể và hoa
lợi của vườn nho phải được thu nộp. Đây là cố gắng cuối cùng của
người chủ nhà. Thuật ngữ “cuối cùng” định rõ người con là Đấng
Mêssia. Ngoài ra, có thể rằng đây là phương án loại trừ người con
được mô phỏng theo một câu chuyện khác từ Cựu Ước: các anh em của
ông Giuse đã nói: “Nào bây giờ, chúng ta hãy giết nó và ném nó vào
trong một cái giếng ở đây!” (St 37:20).
Bài dụ ngôn đạt đến tột đỉnh thương tâm với hậu quả của nhiệm vụ
trao cho người con là anh ta đã bị các tá điền vườn nho giết đi để họ có thể
tiếp thu vườn nho và chiếm đoạt quyền thừa kế. Số phận của Chúa
Giêsu được so sánh như của các ngôn sứ, nhưng là trưởng tử và là người thừa kế,
cao trọng hơn các ngôn sứ. Những so sánh học thuyết Kitô giáo như thế có
thể tìm thấy trong Thư gửi Tín Hữu Do Thái, trong đó, tính ưu việt của Chúa
Kitô là Trưởng Tử và là người thừa kế vũ trụ được tìm thấy trong bằng
chứng: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy
cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã
phán dạy chúng ta qua Trưởng Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên
vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài…” (các câu
1-2).
Có một chi tiết ở phần cuối dụ ngôn này mà chúng ta không nên bỏ
qua: bằng cách đặt cạnh nhau các chữ: “họ lôi cậu ra
khỏi vườn nho” theo sau bởi “họ giết cậu”, Mátthêu đã chủ
ý ám chỉ đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi mà Chúa bị điệu ra để bị đóng
đinh.
e) Cho các tá điền khác thuê vườn nho (các câu
42-43):
Đoạn cuối của bài dụ ngôn khẳng định sự cất đi Nước Thiên Chúa
và trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái, đó là, có khả năng
sống với một đức tin sống động và một tình yêu thực tiễn. Các từ
ngữ “Ta bảo các ông, rồi … sẽ bị cất khỏi … và sẽ trao cho …” cho
thấy sự nghiêm trọng của việc làm Thiên Chúa đánh dấu chấm dứt truyền thống dân
tộc Do Thái cổ xưa và thiết lập một dân tộc mới.
5. Suy gẫm cho sự rèn luyện giáo hội
- Biểu tượng vườn nho cho chúng ta một tấm gương mà chúng
ta có thể thấy phản ảnh lịch sử cộng đoàn và cá nhân về mối quan hệ của chúng
ta với Thiên Chúa. Ngày nay, vườn nho mà Chúa vun xới, chăm bón và giao
phó cho chúng ta chính là giáo hội, các tá điền vườn nho (các cộng tác viên) là
những người có nhiệm vụ tiếp tục sứ vụ Người đã khởi đầu. Đây chắc
chắn là một trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, giống như giáo hội,
chúng ta nhận thức được sự căng thẳng còn tồn tại và giáo hội có thể phải trải
qua kinh nghiệm giữa những người trung thành và kẻ bất trung, giữa những kẻ
chối từ và người chào đón. Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta
biết, dù rằng có những khó khăn và dường như mong manh, không có gì có thể ngăn
chặn được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, thậm chí ngay cả việc giết
chết Con Một Người, và trong thực tế, đó là sự hy sinh để đạt được sự cứu rỗi
cho tất cả mọi người.
- Chúng ta được gọi ở lại với Chúa Giêsu và tiếp tục
sứ vụ của Người trong việc giúp đỡ các người đàn ông và phụ nữ đến gặp Người và
được cứu rỗi; cố gắng mỗi ngày để ngăn chặn sự dữ và thực hiện mong ước làm
điều tốt lành và nêu cao công lý.
- Giống như giáo hội, chúng ta được gọi để tìm hiểu,
noi theo gương của Chúa Giêsu, để trải qua kinh nghiệm cuộc xung đột và có thể
chịu đựng được những khó khăn trong việc quyết tâm rao giảng Tin Mừng của chúng
ta.
- Bạn có tin rằng những thử nghiệm hướng dẫn tâm hồn
chúng ta không? Và những khó khăn có thể là một khí cụ để đo lường
tính xác thực của chúng ta và sự bền đỗ của đức tin chúng ta không?
6. Thánh Vịnh
80 (79)
Tác giả Thánh Vịnh thể
hiện lòng mong muốn của mọi người được tiếp cận với bàn tay của Thiên Chúa,
Đấng khẩn hoang đất đai để trồng và cấy ghép vườn nho yêu quý của Người.
Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.
Bóng um tùm phủ xanh đầu núi,
cành sum sê rợp bá hương thần,
nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
cành sum sê rợp bá hương thần,
nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn!
Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn!
Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.
Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
Những người đã hoả thiêu chặt phá,
Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.
Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.
Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.
Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.
Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa, đã bao lần tình yêu được đền trả bằng sự vô ơn tối tăm
nhất? Không có gì tiêu cực hơn là cảm giác bị phản bội và bị đánh
lừa, để biết rằng mình đã bị lừa dối. Thậm chí còn khó hơn là nhận
ra rằng rất nhiều những đối xử tử tế, rộng lượng, khoan dung, cởi mở và chân
thành, và quyết tâm gắn bó đã không mang lại kết quả gì.
Lạy Chúa, Chúa đã có
kinh nghiệm về sự vô ơn bội nghĩa của nhiều người. Chúa đã nhẫn nại với
những kẻ công kích Ngài. Lạy Chúa, Đấng luôn tỏ lòng xót thương và
hiền lành, xin giúp chúng con phấn đấu với tính khắc nghiệt của chúng con đối
với những người khác. Cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng con cũng
cầu nguyện: “Xin Chúa đừng bỏ bê vườn nho Chúa đã
trồng”. Sau lần gặp gỡ này với Lời Chúa, nguyện xin cho lời
cầu nguyện của chúng con có thể trở thành lời nài van tha thiết hơn bao giờ hết
để có thể chạm tới trái tim Chúa: “Lạy Chúa, xin nâng chúng con dậy
lần nữa, xin tỏ lộ thánh nhan Chúa và chúng con sẽ được ơn cứu
rỗi”. Lạy Chúa, chúng con rất cần lòng thương xót của Chúa và ngày
nào tâm hồn chúng con còn tìm kiếm thánh nhan Ngài, đường cứu rỗi vẫn còn rộng
mở cho chúng con. Amen!
Chú giải và gợi ý suy niệm Chúa nhật 27 thường niên A: DỤ NGÔN
NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN
Bài này có thể chia làm hai phần:
1) Dụ ngôn những tá điền sát nhân: Hành động của dân Chúa
(21,33-41); 2) Kết luận từ dụ ngôn: Hành động của Thiên Chúa (21,42-43)
Chú
giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT
NHÂN
1. Ngữ cảnh
Tác
giả Mátthêu đặt bài dụ ngôn này giữa dụ ngôn Hai người con (Mt 21,28-32)
và dụ ngôn Bữa tiệc hoàng gia (Mt 22,1-14), trong
ngữ cảnh lịch sử và văn chương là các xung đột ngày càng trầm trọng giữa Đức
Giêsu và các thủ lãnh dân Israel (x. các chương Mt 21, 22 và
23). Sau khi đã nhấn mạnh rằng những người thu thuế và các cô gái điếm, giống
như người con bướng bỉnh rồi ngoan ngoãn trong bài dụ ngôn, đã đón tiếp ý muốn
của Chúa Cha được biểu lộ trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và của Đức
Giêsu (trong khi những người Pharisêu và các thủ lãnh của dân đã từ khước), Đức
Giêsu xác định trong một dụ ngôn thứ hai thế nào là tiếp đón Người Con. Người lấy
lại đề tài “nói” và “làm” (cc. 28-31) và đề tài cây vả không ra trái (cc.
19-20) để kêu gọi các thủ lãnh thêm một lần nữa, bằng cách làm cho họ hiểu rằng
giờ phút cung cấp hoa trái (cc. 34 và 41) đã đến, giờ phút quyết liệt khi mà
Thiên Chúa yêu cầu cây nho của Ngài tính sổ.
2. Bố cục
Bài
này có thể chia làm hai phần:
1)
Dụ ngôn những tá điền sát nhân: Hành động của dân Chúa (21,33-41):
-
giới thiệu hoàn cảnh: Vườn nho của ông chủ (c. 33),
-
các tá điền sát nhân (cc. 34-39):
.
giết các đầy tớ (cc. 34-36),
.
giết người con (cc. 37-39).
-
cách xử sự của ông chủ (cc. 40-41);
2)
Kết luận từ dụ ngôn: Hành động của Thiên Chúa (21,42-43):
-
đối với Đức Kitô (c. 42),
-
đối với dân Chúa (c. 43).
3. Vài điểm chú giải
- Chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp
nho (33): Ở đây cũng như
trong Is 5, tác giả liệt kê ra những công việc ông chủ làm cho
vườn nho nhằm nêu bật tình yêu cũng như quyền tuyệt đối của ông trên vườn nho.
Nó thuộc về ông bởi vì ông đã tạo ra nó từ đầu. Tháp canh là để bảo vệ nó, nhất
là vào mùa hái trái. Bồn đạp nho là để trích chất cốt của nho. Các chi tiết nêu
rõ sự tương phản giữa tình yêu của ông chủ đối với vườn nho của ông và sự độc
ác của các tá điền không cho ông hưởng hoa trái của công sức chăm sóc của ông.
- Gần
đến mùa hái nho (34): Mùa hái nho có lẽ gợi đến thời điểm quyết liệt,
lúc mà Thiên Chúa yêu cầu dân Ngài phải tính sổ. Nếu dịch sát câu này là “Khi
mùa hái nho đã đến gần”, chúng ta gặp lại cùng một động từ như
Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu đã dùng (x. 3,2 và 4,17). Vậy dường như Mt muốn
ám chỉ rằng thời điểm tính sổ trùng vào thời điểm Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu
xuất hiện. Do lời rao giảng của hai vị sứ giả đó của Thiên Chúa, bây giờ Israel
phải “sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (3,8).
- Bọn
tá điền … đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ (35): Có một
sự tiệm tiến trong cách sử dụng các động từ: quan hệ giữa ông chủ và các tá
điền các lúc càng trở nên xấu hơn. Việc ném đá các ngôn sứ là một đề tài truyền
thống trong Do Thái giáo và Kitô giáo tiên khởi (x. 2 Sb 24,21; Dt 11,37;
nhất là Mt 23,37; Lc 13,34).
- Ông
lại sai (36): Nếu tác giả Mt nói đến lần sai phái thứ
hai này có lẽ vì ông muốn ám chỉ đến việc truyền thống Do Thái phân chia các
ngôn sứ ra các ngôn sứ trước và các ngôn sứ sau.
- Sau
cùng (37): Công thức này có ý nói rằng đối với các tá điền, đây là cơ
hội cuối cùng để họ có thể hoán cải.
- Đứa
thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi (38): Theo ba Tin
Mừng Nhất Lãm, các tá điền tức khắc nhận ra người thừa tự (Dt 1,2; Rm 8,17).
Tội ác của họ không phải là hậu quả của một sự lầm lẫn bi đát, hoặc của một
tình trạng thiếu lòng tin nơi Vị sứ giả: Họ hành động với ý thức hoàn toàn về
mức độ trầm trọng của hoàn cảnh. Họ đã từ khước Thiên Chúa nơi bản thân Đấng
Ngài sai đến.
- Quẳng
ra bên ngoài vườn nho (39): Chi tiết này ám chỉ đến việc Đức Giêsu bị
giết chết bên ngoài tường thành Giêrusalem.
- Tảng
đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên … (42): “Loại bỏ” (apodokimazô)
là một động từ chuyên môn để nói về việc một người có thẩm quyền tuyên bố một
đồng bạc là vô giá trị vì bị coi là giả mạo. “Lại trở nên” là một thái bị động
thay tên Thiên Chúa, nên có nghĩa là: “Thiên Chúa đã làm cho lại trở nên”. Đây
là một hành vi tuyệt vời của Thiên Chúa toàn năng.
- một
dân (43): Từ ngữ này ở số đơn nên không thể có nghĩa là “các dân nước”
tức là “các dân ngoại”, nhưng có nghĩa là một tập thể đang được thành lập và
phát triển: ta có thể nghĩ đến “Dân thánh” trong Xh 19,6. Dân
thánh được tạo thành bởi tất cả những ai mang hoa trái của Nước Trời, nghĩa là
những người đón tiếp Người Con và làm thành dân mới của Thiên Chúa quanh Người
Con ấy (x. Rm 9,25; 1 Pr 2,10).
4. Ý nghĩa của bản văn
Đức
Giêsu kể cho các đối thủ của Người một câu truyện khác.
* Dụ ngôn những tá điền sát nhân: Hành động của dân Chúa (33-41)
Trong
một bài ca với giọng cảm động, ngôn sứ Isaia đã ví dân Israel với một vườn nho
được Thiên Chúa chăm sóc, bảo vệ. Ngài hy vọng sẽ nhận được hoa quả ngon ngọt:
“Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại. Vậy bây giờ, dân
Giêrusalem và người Giuđa hỡi, xin phân xử đôi đàng giữ tôi với vườn nho, có
làm gì hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?… Vậy bây giờ tôi cho
các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá
cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo” (Is 5,2b.3.4a.5).
Rào giậu (x. Tv 80,13-14) là để bảo vệ vườn nho khỏi bị thú
hoang và trộm phá hoại. Bồn đạp nho thường được đục khoét vào đá, gồm có hai
chậu, một chậu chứa các chùm nho để nghiền, chậu kia hứng nước cốt nho chảy ra.
Tháp canh là để đuổi chim và trộm cướp. Chủ vườn nho đã làm tất cả những gì cần
cho vườn nho.
Các
câu đầu của bài dụ ngôn Đức Giêsu kể được trực tiếp vay mượn từ bản văn trên.
Nhưng bài ca của Isaia chỉ là một khởi điểm mà thôi, câu
truyện được kể trong dụ ngôn được triển khai theo một chiều hướng khác. Ý tưởng
căn bản vẫn còn đó: Israel không sinh hoa trái nên đã đáng bị kết án. Nhưng nay
bài dụ ngôn đi sang một chiều hướng mới do chi tiết vườn nho được giao cho các
tá điền canh tác: Đức Giêsu kể một truyện mới về “vườn nho cũ”. Trong bài
ca Isaia, người chủ vườn nho (Thiên Chúa) và vườn nho (Israel) liên
kết mật thiết với nhau: Thiên Chúa trồng vườn nho, Ngài thất vọng về kết quả
nên đe dọa phá hủy. Trong bài dụ ngôn, vườn nho không phải là Israel mà là Nước
Thiên Chúa (c. 43). Hình ảnh vườn nho-Nước Thiên Chúa đã được Thiên Chúa cưu
mang trong quá khứ của Israel, nghĩa là Thiên Chúa đã muốn giao phó Nước Thiên
Chúa (= kế hoạch cứu độ và ân sủng của Ngài được tượng trưng bằng giao ước) cho
Israel lịch sử, nhưng Israel đã thất trung với chương trình cứu độ này khi vi
phạm giao ước đã được các ngôn sứ thay nhau đến nhắc lại.
Dân
Israel đã không nghe các sứ giả của Thiên Chúa, họ đã cứng lòng lại (x. Gr 7,24-26).
Sau này, Đức Giêsu cũng nối tiếp chuỗi những lời kể ra sự bất phục tùng của dân
Thiên Chúa (x. Mt 23,34-36). Và nếu họ đã không nghe các ngôn
sứ, họ cũng sẽ chẳng nghe Con Thiên Chúa. Ngược lại, họ đối xử với Người Con
còn độc ác hơn nữa, bởi vì họ không chỉ bắt Người Con ấy mà giết đi như đã giết
các đầy tớ, họ còn quẳng Người ra bên ngoài vườn nho để xử Người cách ô nhục
nhất: họ đã đóng đinh Người.
Vườn
nho đã được giao cho các tá điền để họ mang lại hoa trái. Các hoa trái của vườn
nho trong dụ ngôn là những hoa trái của Nước Thiên Chúa trong thực tế. Các tá
điền là “dân Thiên Chúa”. Dân đầu đã thất bại, họ đã không mang lại hoa trái,
họ đã làm cho ông chủ hoàn toàn thất vọng. Một dân khác sẽ được nhận lấy vườn
nho, nghĩa là Nước Thiên Chúa; dân này sẽ không làm cho ông chủ phải thất vọng,
họ sẽ mang lại hoa trái mà dâng cho Thiên Chúa. Các hoa trái ấy là sự công
chính vượt xa sự công chính của các kinh sư và Pharisêu (Mt 5,20).
Câu
40 bắt đầu với một quy chiếu về thời gian. Ông chủ trở về; chúng ta sắp được
thấy chuyện gì xảy ra. Tác giả lại dùng Isaia (5,3-4) mà thách
thức các thính giả bằng một câu hỏi để phán đoán. Câu trả thật rõ ràng: “Ông sẽ
tru diệt bọn chúng” (c. 41). Vườn nho sẽ được giao cho những tá điền khác. Các
nhà lãnh đạo Israel vừa tuyên bố chính án quyết trên mình.
* Kết luận từ dụ ngôn: Hành động của Thiên Chúa (42-43)
Sự
từ khước của dân cũ đã tới cao điểm khi họ giết Người Con; còn dân mới sẽ được
thiết lập trong máu Đức Giêsu, máu Giao ước (26,28). Đức Giêsu hỏi bằng giọng
châm biếm: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?” (c. 42). Dĩ nhiên các đối
thủ của Người phải biết nhờ Kinh Thánh. Nhưng nay Kinh Thánh trở thành một tòa
án phúc thẩm trong cuộc tranh luận với các nhà lãnh đạo Do Thái. Các Kitô hữu
xác tín rằng Kinh Thánh làm chứng về Đức Kitô. Câu trích kia lấy từ Tv 117,22-23
theo Bản LXX nói một cách bóng bảy về một tảng đá: tảng đá bị loại vì vô giá
trị lại trở thành đá tảng góc tường nâng đỡ cả tòa nhà. Giáo Hội thấy đây là
hình ảnh báo trước điều huyền diệu Thiên Chúa thực hiện: Đấng Mêsia bị loại trừ
đã trở nên Đức Chúa khi sống lại từ trong kẻ chết (Cv 4,11; 1
Pr2,7).
Trên
cái nền đen tối này với việc kết án Israel, lời Thiên Chúa hứa vẫn nổi lên rạng
rỡ:kế hoạch Thiên Chúa muốn là nhân loại mang hoa trái không hề bị vĩnh viễn
thất bại với sự suy thoái của Israel. Một dân mới sẽ được thành lập, họ sẽ được
giao phó Nước Thiên Chúa cho và họ sẽ mang hoa trái. Nhưng các hoa trái này sẽ
không phải là kết quả của nỗ lực con người, mà sẽ là “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22).
+ Kết luận
Dụ
ngôn Những tá điền sát nhân này đã có trong TM Mc,
trong đó vườn nho là biểu tượng truyền thống để gọi Israel, nên câu truyện có ý
nghĩa biểu tượng (Mc 12,1-12; Mt21,33-43; x. Is 5,1-10).
Tác giả Mt đã nêu bật khía cạnh lịch sử cứu độ của câu truyện
này. Thời kairos, thời phán xét, đã gần kề (21,34.40). Các nhà lãnh
đạo Do Thái hiểu rõ là Đức Giêsu nói về họ.
Dụ
ngôn này cho chúng ta hiểu rõ cách tác giả giải thích sự chống đối đang nhắm
vào Đức Giêsu. Sự loại trừ Người phải chịu ở trong cùng chiều hướng với tình
cảnh của các ngôn sứ. Bởi vì Đức Giêsu là sứ giả cuối cùng và cao quý nhất của
Thiên Chúa, vì là Con Thiên Chúa, hậu quả của việc loại trừ Người sẽ rất tàn
khốc. Đối với tác giả, xác tín này đã được xác nhận trong những cuộc tàn phá
Giêrusalem vào năm 70. Ngài cũng thấy được các dấu vết của chương trình cứu độ
của Thiên Chúa ngay giữa lòng bi kịch: Nếu Israel đã bỏ mất cơ hội trả lời lại
sứ điệp của Thiên Chúa mời gọi hoán cải để được cứu độ, Dân ngoại sẽ đáp trả.
Vì thế vai trò ưu tuyển của các tá điền sẽ được chuyển cho những người khác,
những người này sẽ làm sản sinh hoa trái dồi dào.
Vị
trí của các Kitô hữu là ở đó. Sứ điệp của Thiên Chúa hôm nay đang được gửi đến
cho họ, và Thiên Chúa cũng đang chờ đợi họ đáp lại.
5. Gợi ý suy niệm
1.
Thiên Chúa đã tạo dựng loài người với tình yêu thương âu yếm sâu xa. Trong nhân
loại này, Ngài đã chọn ra một nhóm người mang những lời Ngài hứa, họ có nhiệm
vụ làm cho Ngài hiện diện giữa nhân loại. Ngài đã ân cần nuôi dưỡng, chăm sóc
họ, và sai họ đi làm chứng về tình thương của Ngài. Đáng tiếc, thay vì sản sinh
những hoa quả ngon ngọt của lòng trung thành và của sự bình an, họ đã tạo ra sự
hận thù, ghen ghét, bạo lực.
2.
Thiên Chúa tiếp tục phái các sứ giả đến: Ngài ân cần và kiên trì tìm cách cứu
lấy dân Ngài. “Dân” đây cũng có thể là một tập thể như giáo xứ, gia đình hay
những cá nhân (mỗi người trong chúng ta). Trong thực tế, Thiên Chúa chỉ dừng
lại khi cái chết đến đóng ấn trên một cuộc đời vĩnh viễn từ khước tình yêu của
Ngài.
3.
Tội nặng nhất của các tá điền là từ chối đón tiếp các ngôn sứ và Người Con mà
Chúa Cha sai phái đến. Tuy nhiên, Đức Giêsu cho biết tội ấy bắt nguồn từ chỗ họ
muốn chiếm lấy vườn nho. Mỗi lần chúng ta muốn coi Nước Thiên Chúa là chuyện
riêng của chúng ta, mỗi lần chúng ta nhắm một thành công tưởng như là để phụng
sự Thiên Chúa nhưng thật ra là để thỏa mãn nhu cầu chúng ta là tỏ ra mình quan
trọng, là tạo một ảnh hưởng, khi đó chúng ta đang chiếm hữu vườn nho của Thiên
Chúa, bởi vì thật ra chúng ta đang phục vụ chính mình dưới cái vỏ bề ngoài là
sự tận tụy và sự đạo đức.
4.
Không có gì có thể ngăn chặn hành động uy quyền của Thiên Chúa trong thế giới.
Bởi vì Thiên Chúa đủ quyền năng để đưa mọi chuyện (kể cả điều ác) vào việc thực
hiện các kế hoạch của Ngài. Trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng dâng
cho Thiên Chúa tất cả những gì làm nên con người chúng ta, tất cả những gì
chúng ta có, Thiên Chúa sẽ có thể làm những điều kỳ diệu xuyên qua chúng ta.
Trong lịch sử các thánh, Thiên Chúa đã tỏ ra thích dùng những giới hạn của con
người để thực hiện những chương trình vĩ đại trong Giáo Hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét