19/10/2014
Chúa Nhật 29 Quanh Năm Năm A
(phần II)
GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXIX QUANH NĂM A
GLPÂ CHÚA
NHẬT XXIX QUANH NĂM A
Sách Ngôn
Sứ Isaia 45.1,4-6; Khởi đầu Thư I của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu
Tessalonica 1,1-5b và Phúc Âm Thánh Matthêô 22.15-21
I. Giáo Huấn P.Â.:
Trả cho Cêsar cái gì thuộc về Cêsar. Trả cho Chúa
cái gì thuộc về Chúa.
Con người có bổn phận đối với trần thế, đối với
quốc gia mình lệ thuộc. Người công dân phải chu toàn bổn phận đóng thuế và
nghĩa vụ xây dựng xã hội dưới chế độ chính trị mình đang sống.
Dù sống trên trần thế và thi hành bổn phận xã
hội, nhưng con người thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn.
Vì con người được Chúa tạo thành từ hư vô. Cả
những người không biết Chúa hay chối Chúa, cũng đang nằm trong bàn tay hoá công
toàn năng của Chúa.
II. Vấn
nạn P.Â.
Tại sao
Chúa không đứng hẵn về phe Biệt Phái mà chống việc nộp thuế cho đế quốc La Mã?
Chúng ta thử đặt vấn đề: Biệt Phái là ai? Họ có
là những người đáng để cho Chúa đứng về phe họ mà chống nộp thuế cho Đế Quốc La
Mã không?
Mở đầu Phúc Âm hôm nay, Thánh Matthêô nói “những
gnười Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Dức Chúa Giêsu phải lỡ lời
mà mắc bẫy”. Nên người Biệt Phái chỉ dựng chuyện nộp thuế cho La Mã để dùng La
Mã triệt hạ Chúa, nếu Chúa đứng về phe Biệt Phái chống lại La Mã. Người Biệt
Phái có thực sự yêu nước và ghét đế quốc La Mã không? Chắc có phần nào, nhưng
chúng ta cũng biết có những Biệt Phái thân La Mã và vấn đề chống đế quốc La Mã
nhiều khi chỉ là chiêu bài chính trị mang lợi lộc cho họ.
Chúa
muốn ám chỉ gì khi nói: Của Caesar thì trả cho Caesar?
Chắc chắn Chúa không tán thành việc đế quốc La Mã chiếm đóng quốc gia Do Thái
của Ngài. Tuy nhiên làm gì bây giờ? Cầm quân nổi lên dấy loạn hô hào lật đổ chế
độ đế quốc độc tài chăng? Không thể được. Vậy thì chịu khuất phục để đóng thuế
cho đế quốc? Cũng không hẵn thế. Nhưng khi nói “của Caesar thì trả cho Caesar”
Chúa chỉ muốn nói rằng: Ai cũng sinh sống trong xã hội trần thế và chế độ chính
trị nào cũng có những luật lệ của nó. Người dân không có cách nào khác hơn là
tuân hành luật đóng thuế. Đóng thuế tức đóng góp lợi tức để xây dựng công ích.
Âu cũng là lẽ công chính cần tuân giữ.
Chúa
muốn ám chỉ gì khi nói: Của Chúa thì trả cho Chúa?
Cái gì là của Chúa? Cả vũ trụ vạn vật và cả con
người chúng ta đều là của Chúa. Vì Chúa là Tạo Hoá. Ngài tại dựng nên mọi loài
mọi vật. Tất cả là của Ngài. Nên khi nói “của Chùa thì trả cho Chúa” có nghĩa
là từng người và toàn thể vạn vật được tạo dựng theo chương trình của Chúa và
qui hướng về Chúa như là đích điểm sau cùng của muôn loài muôn vật.
Cuộc đời của mỗi con người có khởi điểm và có kết thúc. Khởi điểm từ Chúa và
kết thúc là về với Chúa. Chúng ta không tự mình mà có và hiện hữu. Chúng ta lệ
thuộc và tuỳ thuộc hoàn toàn, dù muốn hay không? Không ai tránh khỏi cái chết.
Vũ trụ vạn vật được tạo thành và qui hướng về Chúa. Có thể so sánh cuộc đời của
mọi người như nước trong đại dương bao la. Nước có thể di chuyển mọi nơi, mọi
chỗ. Nước có thể hiện diện trong những dạng thức khác nhau: thể lỏng, thể khí
và thể đặc như nước đá… Tất cả đều là nước và rồi sẽ qui vể Đại dương biển cả
mênh mông, nơi nước đã phát xuất.
Dù
muốn hay không.
Dù kiêu căng tự phụ.
Dù quyền hành tột cùng
Dù danh vọng cao sang.
Dù tiền tài không thiếu.
Đến lúc cũng xuôi tay.
Đến lúc ngập ngùi chấp nhận:
Trở về nơi mình đi.
Thiên Chúa sinh thành.
Hoá Công toàn năng.
Vì “trả lại cho Chúa,
cái gì thuộc về Chúa!”
Tất cả đều là của Chúa.
Tất cả phải qui về Chúa.
III.
Thực hành P.Â.:
Thuộc về Chúa.
Trong Western Catholic Reporter, tuần báo Công
Giáo của Tổng Giáo Phận Edmonton, tuần lễ 10.10.2011 trình bày hai cảnh xem
chừng mâu thuẩn ở hai trang báo số 4 và 5. Trang số 4 là lệnh của Toà Tổng Giám
Mục đóng cửa vĩnh viễn hai giáo xứ lâu đời St. Angela Merici và St. Pius
X. Trang số 5 là việc những thanh niên trẻ đến tìm hiểu ơn gọi linh mục
nơi Chủng Viện St. Joseph cũng ở Edmonton.
Vấn đề khá mâu thuẩn là: Kêu gọi thanh niên đi tu
làm linh mục để làm gì khi các giáo xứ bị đóng cửa dần dần. Nguyên một tổng
giáo phận trung bình như Edmonton cũng đã có hơn 50 giáo xứ bị đóng cửa vĩnh
viễn trong 10 năm qua, qua ba thời Tổng Giám Mục. Số chủng sinh tu học làm linh
mục đang tăng dần. Trong tương lai, sau khi thụ phong linh mục, không chắc gì
họ có giáo xứ để trông coi hay có việc mục vụ để làm với tình trạng đóng cửa
nhà thờ liên tục xảy ra. Các Giám Mục, là những chủ chăn của Giáo Hội địa
phương. Các Ngài có toàn quyền trong việc thiết lập hay bãi bỏ một giáo xứ.
Theo tuần báo Westwern Catholic Reporter thì trong nhiều năm qua, hai giáo xứ
nầy đã càng ngày càng thiều hụt tài chánh. Họ không còn khả năng tài chánh để
trả lương và nuôi sống linh mục cũng như bảo trì ngôi nhà thờ. Đức Tổng Giám
Mục cũng đã bàn thảo sâu xa với hội đồng linh mục và Hội Đồng Giáo xứ để tìm cách
duy trì, nhưng sau cùng phải ban hành lệnh đóng cửa nhà thờ.
Điều thật khó hiều nhưng có thật là: “sau cùng,
buộc lòng phải đóng cửa nhà thờ! Và lệnh đóng cửa do Tổng Giám Mục ban hành! Có
nhiều người nghĩ là “nhiều Giám Mục đang nỗi tiếng vì đóng cửa nhà thờ! Thế nào
là sau cùng và thế nào là buộc lòng? Có thật sự là sau cùng và không còn một
chọn lựa nào khác chằng? Tôi nghĩ: chưa là sau cùng và cũng chưa là hết cách
chọn lựa. Vì chắc chắn có những linh mục sẵn sàng hy sinh làm việc cho giáo xứ
chỉ với những cung cấp hạn chế, không nhất thiết phải có lương bỗng đầy đủ như
những ai khác. Có ai đã thử kêu gọi sự hy sinh nầy chưa trước khi đóng cửa giáo
xứ? Nếu bớt được khoảng chi cho linh mục và thêm chút ít hy sinh từ giáo dân,
những giáo xứ trên vẫn có thể tiếp tục mở cửa hoạt động.
Tất cả đều thuộc về Chúa: Chúa cho một người đàn
ông làm linh mục. Chức linh mục thuộc về Chúa. Làm linh mục cho Chúa và làm
linh mục để qui hướng các linh hồn về với Chúa. Đừng lạm dụng từ: sau cùng hay
không còn chọn lựa nào khác mà đóng cửa nhà thờ. Quyết định nầy xem chừng đã
lấy cái thuộc về Chúa làm của riêng mình, đã tước đoạt quyền bính mà Chúa đã
ban cho mình.
Lệ thuộc
Sống ở Bắc Mỹ Châu, ít nhiều ai cũng có dịp quan
sát cảnh vợ chồng già và bệnh tật chăm sóc cho nhau. Một bà béo phệ bệnh hoạn
ngồi trên xe lăn do một người chồng gầy ốm đầy đến cửa để chờ lên máy bay đi
đâu đó. Thật là tội nghiệp cho Ông chồng: bà vợ to con, nặng ký và khá đòi hỏi,
kệ nệ và bận bịu với nào là túi xách và những thứ cần thiết cá nhân phụ nữ.
Người chồng cam phận, ít nói và thi hành răm rắp
lệnh của người vợ béo phệ bệnh hoạn. Thật là lệ thuộc! Chồng phải chăm sóc cho
vợ vì nghĩa phu thê. Vợ lệ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của chồng phần vị
bệnh, phần vì mập mạp đâm ra nặng nề, khó đi lại. Phải áp dụng Phúc âm như thế
nào? Cái gì thuộc về vợ hãy trả cho bà ấy? Cái gì thuộc về chồng hãy trả cho
ông ấy? Nhưng cái gì là thuộc về vợ và cái gì là thuộc về chồng? Thật ra, không
có cái gì là thuộc về cả, nhưng tất cả chỉ là lệ thuộc. Lệ thuộc không phải là
thuộc về. Lệ thuộc là tuỳ thuộc, là không độc lập hay không tự tại. Người bệnh
phải lệ thuộc vào tình yêu thương và sự chăm sóc của người khác.
Ít nhiều chúng ta phải lệ thuộc. Cái lệ thuộc căn
bản là lệ thuộc vào Chúa. Tôi muốn nói đến lòng cậy trông vào Chúa. Không có
Chúa, chúng ta không làm được gì. Không ai có thể độc lập với Chúa. Tuy nhiên,
trong thực tế cuộc sống hằng ngày, nên giảm bớt cảnh tuỳ thuộc hay lệ thuộc.
Đừng làm cho mình thành gánh nặng hay thánh giá cho người khác. Làm linh mục,
càng phải nhạy bén trong việc tránh lệ thuộc nầy. Nguyên tắc chung: càng nhận
có nghĩa là càng lệ thuộc, càng mất tự do và càng khó xử. Đừng tin vào những
lời như: Con không như người khác đâu, không cần nêu tên, không cần nhớ ơn gì
cả, chỉ xin cầu nguyện cho con là đủ rồi… Không bao giờ là đủ cả nếu linh mục
ấy không nhận một lệ thuộc nào đó như: nếu có dịp đi ngang phải ghé thăm, nghỉ
ngơi, ăn uống ở gia đình và phải coi những ân nhân nầy là những người làm ơn
cho mình nhất trên đời.
Lm Phêrô Trần thế Tuyên
CN TRUYỀN GIÁO 2014
NIỀM VUI TIN MỪNG
Lm. Thiện Duy
Sứ điệp Truyền Giáo 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô
có đoạn: “Sứ mạng Ad Gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi
thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản
chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”. Nhưng đi ra để
làm gì?
Trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô
khẳng định rằng: “Với các việc làm và cử chỉ của mình, cộng đoàn rao giảng
Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của người khác …”. Như
vậy “Ad Gentes” nghĩa là “đi ra” để “đi
vào” cuộc sống thường ngày của người khác.
Nhưng “đi ra” như thế nào để “đi
vào” được cuộc sống của người khác? Nội dung chính của sứ
điệp Truyền Giáo 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô là: “Vì Chúa
Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm hoá thế gian, đang nâng đỡ
và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực Truyền Giáo” ; và: “Sau
khi chu toàn sứ mạng rao giảng này, các môn đệ trở về lòng ngập tràn niềm vui:
niềm vui là một chủ đề nổi bật của kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên và khó quên
này”. Như vậy người môn đệ của Chúa phải “đi ra” với
niềm vui mới có thể “đi vào” được cuộc sống của người
khác.
Vì vậy sứ điệp Truyền Giáo 2014 cũng chính là nội
dung Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sứ điệp
đó, nội dung đó cũng chính là nội dung và sứ điệp của các bài đọc
lời Chúa hôm nay.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài Đọc I:
Is 2, 1-5
Tiên tri Isaia thấy viễn tượng tốt đẹp cho Giuđa và
Giêrusalem. Đó là sẽ đến lúc “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
nước nước dập dìu kéo nhau đi”. Họ đưa nhau tới, họ kéo nhau
đi “đến Nhà Đức Chúa”, vì ở đây có thứ ánh sáng tỏa
rạng, thu hút họ. Ánh sáng đó chính là niềm vui, hạnh phúc và bình
an trong Nhà Chúa.
2. Bài Đọc
II: Rm 10, 9-18
Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng
Đức Giêsu Kitô là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho
Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ”. Nhưng làm
sao để người ta có thể tin Thiên Chúa và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô?
Thánh Phaolô trích lời thánh vịnh: “Tiếng chúng đã vang cùng
trái đất”. Nghĩa là điều đó đã được rao giảng rồi. Nhưng
tại sao vẫn còn nhiều người chưa đón nhận? Phải chăng họ chưa thực
sự nhận được tin mừng, chưa thực sự nhận được niềm vui? Có lẽ đúng
như vậy, vì chính người rao giảng chưa cảm nhận được điều mình rao
giảng là tin mừng, chưa thấy điều đó mang lại niềm vui, mà chỉ đơn
giản là rao truyền một giáo thuyết.
3. Tin Mừng:
Lc 10, 17-21
Thánh Luca thuật lại niềm vui của các môn đệ khi họ
vâng lời Chúa Giêsu để đi truyền giáo, và kết quả thành công tốt
đẹp. Sự thành công này là do các ông xác tín mình đem đến niềm vui,
đem đến tin mừng, và sự giải thoát cho người khác.
Thánh Luca cũng cho thấy nếu các môn đệ thực sự đem
đến Tin mừng cho người khác thì đó cũng chính là niềm vui của Chúa
Giêsu, là thánh ý của Chúa Cha.
Vì vậy Truyền Giáo không chỉ đơn giản là giới thiệu
một tôn giáo, một nền luân lý bắt người ta phải sống theo, mà hơn
thế nữa, còn là đem đến cho người khác Tin Mừng, đem đến cho người
khác niềm vui và sự giải thoát. Nhưng trước hết chính người môn đệ
Chúa phải có được niềm vui của Tin mừng.
Với ý hướng đó, trong ngày khánh nhật Truyền giáo
hôm nay, tôi muốn khơi lên niềm vui Tin Mừng mà những người trẻ phải
cảm nhận được để chính họ phải sống và được giải thoát, sau đó
mới có thể rao giảng cho người khác.
I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT NƠI NGƯỜI TRẺ
Trong bài giảng bế mạc Đại hội Giới trẻ Châu Á của
Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 8 vừa qua, Ngài nhận định người trẻ
có những đặc tính sau đây:
1. Lạc quan: Vì họ có cả một tương lai rất
dài, rất rộng ở phía trước. Người trẻ hướng đến tương lai đó với
tất cả sự lạc quan. Họ mong muốn mình sẽ làm được điều này điều
nọ cho gia đình, cho xã hội, thậm chí nghĩ rằng mình sẽ thay đổi cả
vận mạng đất nước và thế giới.
2. Năng lực: Trước hết là năng lực về thể
xác. Họ có sức khỏe để làm được nhiều việc. Và vì thế có nhiều
việc chỉ cậy nhờ vào người trẻ… Cùng với năng lực thể xác, người
trẻ còn có năng lực sáng tạo. Có nhiều công trình, nhiều sản phẩm,
nhiều ứng dụng mà chính người trẻ là người đã phát minh hoặc khởi
xướng.
3. Nhiệt huyết: Đặc tính thứ 3 của người trẻ
là lòng nhiệt huyết. Họ sẵn sàng dấn thân cho lý tưởng hoặc những
gì họ ham thích, có khi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình. Bắt đầu
từ cuối tháng 09 đến nay, phong trào biểu tình đòi dân chủ của các
bạn sinh viên Hồng Kông liên tục nổ ra và đang trở thành nơi biểu tình
rầm rộ nhất thế giới hiện nay. Thủ lĩnh của phong trào đó lại là
một chàng sinh viên mang kính cận ốm yếu mới 17 tuổi đời.
II. ĐẶT
VÀO ĐÂU?
Câu hỏi đặt ra là sự lạc quan, năng lực và nhiệt
huyết đó các bạn trẻ đặt vào đâu? Nó đã đem lại cho cuộc đời của
các bạn vui tươi và hạnh phúc chưa?
1. Vào những đam mê không lành mạnh
Có những người trẻ đặt năng lực và nhiệt huyết của
mình vào những đam mê không lành mạnh nên nó đã hủy hoại cuộc đời
của họ.
Có các bạn đặt tất cả năng lực và nhiệt huyết của
mình vào ma túy xem.Chỉ tìm hưởng thụ chốc lác vào những sự đê mê,
nhưng họ sẽ trở thành nô lệ suốt đời, thậm chí là sẽ hủy hoại cả
cuộc đời của mình; chẳng những cuộc đời của mình, mà họ còn làm
hại đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh.
Tình trạng đáng báo động hiện nay là có nhiều bạn
trẻ chơi game đến mức bị nghiện, không còn giờ để làm gì khác. Thế
giới của họ, không gian của họ, bạn bè của họ, nhân vật của họ đều
nằm trong các trò chơi game.
Trong thời đại Internet hiện nay, có nhiều người,
nhất là các bạn trẻ suốt ngày đắm chìm trong những cuốn phim khiêu
dâm. Và hậu quả là nó phá hủy tâm hồn, phá hủy cuộc đời của họ.
Những người bị nghiện phim ảnh xấu có một cái nhìn không trong sáng,
có một cái nhìn lệch lạc và họ rất dễ bị bệnh loạn tâm thần vì
đầu óc họ bị kích thích bởi những điều không lành mạnh.
2. Vào tiền bạc và địa vị
Cũng có những người trẻ đặt năng lực và nhiệt
huyết của mình vào tiền bạc và địa vị. Làm sao cho có thật nhiều
tiền. Làm sao để leo lên địa vị cao trong xã hội. Mà vì muốn có
tiền, có địa vị nên bất chấp mọi giá trị đạo đức.
Ngày càng có nhiều người, nhất là những người
thành công trong cuộc sống, những người giàu có tìm đến cái chết,
nhiều nhất là ở hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản, là hai nước có nền
kinh tế phát triển.
Vì vậy nếu đặt nhiệt huyết và năng lực vào những
đam mê không lành mạnh thì sẽ làm hủy hoại cuộc đời; còn nếu đặt
vào tiền bạc và địa vị cũng không làm cho người ta được vui, được
hạnh phúc.
III. ĐỂ
CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI
Vì vậy mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề nghị với
các bạn trẻ Á Châu những điều này:
1. Biến lạc
quan thành niềm hy vọng Kitô giáo
Thay vì lạc quan theo nghĩa bình thương, hãy biến lạc
quan thành niềm hy vọng Kitô giáo. Nghĩa là không chỉ đặt hy vọng vào
con người, vào tiền bạc, của cải vật chất, mà đặt vào nơi Chúa. Vì
vậy dù cho cuộc sống này có gian nan thử thách, cuộc sống này không
có tiền bạc, không có địa vị người ta cũng không thất vọng đến nỗi
tự tử. Niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ dừng lại ở cuộc sống này,
mà dẫn chúng ta vượt qua cả biên giới của cái chết để đến cuộc
sống đời sau.
2. Biến nhiệt
huyết thành tình yêu đích thực
Người trẻ là người đầy nhiệt huyết, hãy biến nhiệt
huyết đó thành tích yêu đích thực. Khi nói đến tình yêu ngày hôm nay,
người ta nghĩ ngay đến chuyện chiếm đoạt, thỏa mãn, và hưởng thụ.
Hãy nhìn đến Đức Kitô, đến những người đã lo lắng cho mình để biết
được tình yêu đích thực là gì. Tình yêu đích thực đòi hỏi phải có
sự hy sinh cho người mình yêu.
3. Năng lực
phải đi đôi với giá trị đạo đức
Đừng chỉ dùng năng lực thể xác và sáng tạo để
thỏa mãn những cái xấu, nhưng năng lực đó phải đi đôi với những giá
trị đạo đức. Các bạn có sức khỏe, có sáng kiến, đừng chỉ để đánh
lộn, để thức đêm chơi game, tính toán để cá độ, mất giờ xem phim
khiêu dâm… nhưng hãy biết dùng sức lực và sáng kiến đó để làm điều
tốt, điều thiện, điều có ích cho xã hội, Giáo hội và gia đình.
Khi chúng ta biến lạc quan thành niềm hy vọng Kitô
giáo, nhiệt huyết thành tình yêu đích thực và năng lực được hướng
dẫn bởi những giá trị đạo đức thì cuộc đời chúng ta sẽ có được
niềm vui, hạnh phúc chẳng những trong cuộc sống hiện tại mà còn
trong tương lai nữa, chúng ta đang được giá trí của Tin Mừng canh tân,
biến đổi, hay nói cách khác, đang được Phúc Âm hóa.
Rao giảng Tin Mừng là đem đến cho người khác, cho xã
hội niềm vui, hạnh phúc và ơn giải thoát. Người rao giảng Tin Mừng
phải vui, phải hạnh phúc và thực sự được giải thoát bởi những ràng
buộc. Khi có được những tính chất của Tin Mừng, tự động Chúa Thánh
Thần sẽ dùng điều đó như một loại men để ướp vào cuộc sống hôm nay.
Lúc đó công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ được thực hiện.
Lectio Divina: Chúa
Nhật XXIX Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 19 Tháng 10, 2014
Việc nộp thuế cho Cêsarê
Khi kẻ giả hình gài bẫy người ngay thẳng
Mt 22:15-21
Khi kẻ giả hình gài bẫy người ngay thẳng
Mt 22:15-21
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc
Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường
Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa
đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau
buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự
kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống
lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có
thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự
việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những
người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin cho Lời Chúa hướng dẫn chúng con,
để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự
phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện
hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng
con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Phân
đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 22:15-17: Câu hỏi của các người Biệt Phái và
Hêrôđê
Mt 22:18-21: Câu trả lời của Chúa Giêsu
b) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Chúa Giêsu đi từ xứ Galilê đến thành Giêrusalem để dự lễ Vượt
Qua hằng năm. Khi tiến vào thành thánh, Người được dân chúng chào đón hoan
hô (Mt 21:1-11). Chúa lập tức đi đến đền thờ nơi đó Người đuổi các kẻ buôn
bán trong đền thờ (Mt 21:12-16). Dù rằng Chúa ở lại Giêrusalem,
nhưng Người nghỉ qua đêm ở bên ngoài thành và trở lại thành vào buổi sáng (Mt
22:17). Tình hình trở nên rất căng thẳng. Trong các cuộc
tranh luận với các nhà đương cuộc, các thượng tế, kỳ lão và các người Biệt Phái
tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nói ra ý nghĩ của mình trong các dụ ngôn (Mt 21:23a
– 22:14). Họ rất muốn bắt giữ Người, nhưng họ lại sợ (Mt
21:45-46). Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này nói về việc nộp thuế cho
Cêsarê (Mt 22:15-21) được lồng trong tình trạng xung đột giữa Chúa Giêsu và các
kẻ cầm quyền.
c) Phúc
Âm:
15 Khi ấy, các
người Biệt Phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời
nói. 16 Các ông sai môn đồ của các ông đi với những
người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng
tôi biết Thầy là người ngay thẳng, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối
Thiên Chúa, Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. 17 Vậy
xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào. Có được phép nộp
thuế cho Cêsarê hay không? 18 Chúa Giêsu thừa hiểu
ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm
gì? 19 Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp
thuế.” Họ đưa cho Người một đồng bạc. 20 Và
Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của
ai?” 21 Họ thưa rằng: “Của
Cêsarê.” Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy cái gì của Cêsarê thì
hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên
Chúa.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào
của bài dụ ngôn động chạm đến bạn nhất? Tại sao?
b) Nhóm người
cầm quyền nào đang sẵn sàng để gài bẫy Chúa Giêsu? Bẫy ấy là gì?
c) Chúa Giêsu
đã làm gì để tránh khỏi bị sập bẫy gài bởi bọn người có quyền thế?
d) Ngày nay,
câu nói “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì
hãy trả cho Thiên Chúa” có ý nghĩa gì?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối cảnh đoạn Phúc Âm của chúng ta trong Tin Mừng
Mátthêu:
Như chúng ta đã nói, bối cảnh của Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai
mươi chín là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những kẻ có thẩm
quyền. Nó bắt đầu với cuộc thảo luận với các thượng tế và kỳ lão về
quyền bính của Đức Giêsu (Mt 21:23-27). Sau đó là dụ ngôn về hai
người con trai trong đó Chúa Giêsu lên án việc đạo đức giả của một vài nhóm
người (Mt 21:28-32). Tiếp theo là hai dụ ngôn, một về những tá điền
sát nhân (Mt 21:33-46) và dụ ngôn kia nói về những khách được mời đã từ chối đi
dự tiệc cưới (Mt 22:1-14). Tại thời điểm này trong đoạn Tin Mừng của
chúng ta (Mt 22:15-22), những người Biệt Phái và những người thuộc phái Hêrôđê
xuất hiện và giăng một cái bẫy. Họ hỏi Chúa về việc đóng thuế cho
người La-mã. Đó là một câu hỏi phiền hà đã gây chia rẽ trong dân
chúng. Bằng mọi giá, họ muốn cáo buộc Chúa Giêsu và để làm giảm bớt
ảnh hưởng của Người trên dân chúng. Lập tức sau đó, các người phái Sađốc
bắt đầu hỏi Người về sự sống lại của kẻ chết, đó là một câu hỏi gây tranh cãi
khác và tạo ra sự bất đồng giữa những người Sađốc và Biệt Phái (Mt
22:23-33). Tất cả đều kết thúc với một cuộc thảo luận về điều răn
cao trọng nhất (Mt 22:34-40) và Đấng Mêssia là con của vua Đavít (Mt
22:41-45).
Giống như Chúa Giêsu, Kitô hữu của các giáo đoàn ở Syria và
Palestine, những người mà Mátthêu đang viết Tin Mừng cho họ, đã bị cáo buộc và
thẩm vấn bởi các kẻ cầm quyền, bởi các nhóm người khác và bởi những người hàng
xóm của họ là những kẻ đã cảm thấy áy náy bởi sự làm chứng của các môn
đệ. Khi đọc những đoạn này về cuộc xung đột với những kẻ có quyền
thế, họ đã cảm thấy được an ủi và khích lệ để tiếp tục cuộc hành trình của họ.
b) Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 22:15-17: Câu hỏi của những người Biệt Phái và
những người thuộc phái Hêrôđê.
Những người Biệt Phái và những người thuộc phái Hêrôđê là các
người có thẩm quyền tại địa phương đã không vui khi thấy Đức Giêsu được sự mến
mộ tại xứ Galilê. Họ quyết định đã đến lúc phải trừ khử Chúa Giêsu
(Mt 12:14; Mc 3:6). Bấy giờ, tuân theo lệnh của các thượng tế và kỳ
lão, họ muốn biết Chúa Giêsu thiên về phe ủng hộ hay phe chống đối lại việc nộp
thuế cho người La Mã. Một câu hỏi có chủ tâm, đầy ác ý! Dưới
chiêu bài của lòng trung thành với lề luật Thiên Chúa, họ tìm kiếm lý do để cáo
buộc Người. Nếu Chúa Giêsu trả lời là: “Các ông phải nộp thuế!” thì
họ sẽ buộc tội Người, cùng với dân chúng, là Người đi theo những kẻ xâm lược La
Mã. Nếu Chúa trả lời là: “Các ông đừng nên nộp thuế!” thì
họ sẽ buộc tội Người, cùng với chính quyền La Mã, là Người có âm mưu tạo
phản. Một tiến thoái lưỡng nan!
Mt 22:18-21a: Câu trả lời của Chúa
Giêsu: Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế.
Chúa Giêsu nhìn thấy được sự đạo đức giả của
họ. Trong câu trả lời của Người, Chúa đã không phí thì giờ trong
cuộc tranh luận vô bổ và đi thẳng vào trọng tâm của câu hỏi: “Hình
tượng này và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của
Cêsarê!”
Mt 22:21b: Lời kết luận của Chúa Giêsu
Bấy giờ Chúa Giêsu mới đưa là lời kết luận: “Vậy cái
gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho
Thiên Chúa!” Thực ra, họ đã thừa nhận thẩm quyền của
Cêsarê. Họ đã trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê kể từ khi họ
xử dụng tiền ấy để mua bán đổi chác và thậm chí còn trả tiền cống nạp cho Đền
Thờ! Vì thế, câu hỏi thật là vô dụng. Tại sao lại đặt vấn
đề về điều mà câu trả lời đã quá rõ ràng hiển nhiên như thế? Họ,
những người mà dựa vào câu hỏi, giả vờ là những tôi tớ của Thiên Chúa, mà thực
ra quên bẵng đi điều quan trọng nhất: họ đã quên trao cho Thiên Chúa
những gì thuộc về Thiên Chúa! Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu là
“họ phải trả Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”, đó là, họ lừa dối mọi
người vì họ đã đưa người ta xa lìa Thiên Chúa qua chính tội lỗi của họ, bởi vì
qua các giáo lý của họ, họ đã ngăn cản, không cho thiên hạ vào Nước Trời (Mt
23:13). Những người khác nói: “Hãy trả cho Thiên Chúa
những gì thuộc về Thiên Chúa”, có nghĩa là, thực hiện nền công lý và sự trung
thực theo sự đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, bởi vì qua sự đạo đức giả của bạn,
bạn đang phủ nhận Thiên Chúa những gì thuộc về Người. Các môn đệ
phải nhận biết điều này! Bởi vì chính sự giả hình của những người
Biệt Phái và Hêrôđê đã làm mắt của họ không trông thấy (Mc 8:15).
c) Đào sâu hơn: Tiền thuế, tiền cống nạp,
tiền xâu và tiền dâng cúng:
Vào thời của Chúa Giêsu, người dân Palestine đã trả rất nhiều
tiền thuế, xâu, cống nạp, tiền phạt, tiền đóng góp, tiền tặng dữ và dâng
cúng. Một số học giả thẩm định rằng phân nửa lợi tức của một gia
đình phải dùng để trả thuế. Sau đây là danh sách để cho thấy tất cả
những gì dân chúng đã trả dưới hình thức thuế má:
* Thuế trực thu trên tài sản và
thuế thân:
Thuế tài sản (tributum soli). Các nhân
viên thuế của chính phủ kiểm kê các tài sản, sản lượng, số lượng người nô lệ và
sau đó thì chỉ định số tiền phải nộp. Định kỳ, các khoản thuế mới
được thiết lập dựa theo cuộc kiểm tra dân số.
Thuế thân (tributum capitis). Dành cho
người nghèo không có đất đai. Khoản này bao gồm cả phụ nữ và nam
giới trong lứa tuổi từ 12 đến 65. Thuế dựa trên lực lượng lao động
là 20% lợi tức của từng cá nhân.
* Thuế gián thu trên các dịch
vụ trao đổi khác nhau:
Vương miện vàng: Khởi đầu đây là một món quà cống tặng cho hoàng đế,
nhưng sau đó đã trở thành một món thuế bắt buộc. Nó được trả vào
những dịp đặc biệt như vào các ngày lễ hội hay các chuyến ngự lãm của hoàng đế.
Thuế muối: Muối
là đặc quyền của hoàng đế. Tiền nạp cống phải được trả cho số muối được xử dụng
trong thương mại. Ví dụ, muối được dùng bởi các ngư phủ để muối
cá. Đó là nguồn gốc của chữ “lương bổng”.
Thuế chuyển nhượng: Đối với mỗi một cuộc giao dịch thương mại, tiền
thuế là 1%. Chính các nhân viên thuế vụ sẽ thu góp tiền thuế này. Ví
dụ, mua một người nô lệ, họ đòi 2% thuế.
Thuế hành nghề: Làm bất cứ một nghề nào, người ta cần phải có giấy
phép. Ví dụ, một người thợ đóng giầy ở Palmira phải trả một đồng
tiền thuế mỗi tháng. Một đồng tiền tương đương với một ngày
lương. Ngay cả các cô gái mãi dâm cũng phải đóng thuế.
Thuế xử dụng các tiện ích công cộng: Hoàng đế Vespasian đã đưa ra một
loại thuế dựa trên việc xử dụng các phòng tắm công cộng ở Rôma. Ông
ta đã thường nói: “Tiền không có
mùi!”
* Các loại thuế và nghĩa vụ khác:
Thuế đi đường: Đây là một loại thuế trên sự chuyển động của hàng hóa,
được thu góp bởi những người thu thuế. Thuế đi đường phải được trả
cho đường xá. Tại một số địa điểm cố định có các binh sĩ cưỡng bách
những kẻ đã miễn cưỡng trả thuế.
Cưỡng bách lao động: Mọi người đều có thể bị buộc phải làm một số dịch
vụ cho nhà nước trong năm năm, không có thù lao. Đây là lý do tại
sao ông Simon bị buộc phải vác thập giá cho Chúa Giêsu.
Trợ cấp đặc biệt cho quân đội: Dân chúng có nhiệm vụ phải cung cấp nơi ăn chốn ở
cho binh lính. Mọi người cũng buộc phải trả một khoản tiền nhất định
để nuôi dưỡng và hỗ trợ quân đội.
* Thuế cho Đền Thờ và cho việc Phụng Thờ:
Shekhalim: Đây
là thuế để bảo trì Đền Thờ.
Tithe: Đây là
thuế để nuôi dưỡng các thày cả. “Tithe” có nghĩa là thập
phân!
Hoa quả đầu mùa: Đây là loại thuế cho việc phụng thờ. Đó
là, hoa trái đầu tiên của tất cả các nông sản.
6. Thánh Vịnh
12
Chống lại miệng lưỡi
dối gian
Xin cứu nguy, lạy CHÚA, vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh,
giữa loài người, không một kẻ tín trung.
Người với người chỉ nói lời gian dối,
môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.
giữa loài người, không một kẻ tín trung.
Người với người chỉ nói lời gian dối,
môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.
Ước gì CHÚA xẻo môi phỉnh phờ, và cắt lưỡi ba hoa!
Bọn chúng nói: "Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi,
với môi mép này, ai làm chủ được ta? "
Bọn chúng nói: "Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi,
với môi mép này, ai làm chủ được ta? "
CHÚA phán rằng: "Trước cảnh người nghèo bị áp bức,
kẻ khốn cùng rên siết thở than,
giờ đây Ta đứng dậy,
ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ."
kẻ khốn cùng rên siết thở than,
giờ đây Ta đứng dậy,
ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ."
Lời CHÚA phán là lời chân thật,
như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.
như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.
Vâng lạy CHÚA, Ngài bảo vệ chúng con,
giữ cho khỏi bọn này mãi mãi.
Phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn,
chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian.
giữ cho khỏi bọn này mãi mãi.
Phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn,
chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp
chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa
soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành
Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được
trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn
thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha
trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Suy niệm và chú giải Lời
Chúa, Chúa nhật XXIX thường niên - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Trong cuộc tranh luận của Ngài với nhóm Biệt
Phái, Đức Giê-su trả lời một vấn đề nan giải giữa nghĩa vụ của người công dân
trần thế và nghĩa vụ của người công dân Nước Trời khi công bố rằng “Của Xê-da
trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
CHÚA
NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu lên một vấn đề thật tinh tế: mối
tương quan giữa công dân trần thế và công dân Nước Trời.
Is 45: 1, 4-6
Trong Bài Đọc I được trích từ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ an ủi
những người lưu đày ở Ba-by-lon, ông thoáng thấy vua Ba-tư là Ky-rô là khí cụ
mà Thiên Chúa chọn để giải thoát dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ.
Tv 96 (95): 1, 3-5, 7-10
Tác giả thánh vịnh kêu mời dân Thiên Chúa hãy kể lại vinh quang
của Đức Chúa và loan truyền những kỳ công của Ngài, cũng như muôn dân nước hãy
tôn vinh Đức Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất, xứng đáng muôn lời chúc
tụng.
1Th 1: 1-5
Bài Đọc II được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các
tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Đây là bản văn Tân Ước đầu tiên làm chứng về sức sống
mãnh liệt của Giáo Hội tiên khởi, trong đó thánh nhân ca ngợi đức tin, đức mến
và đức cậy của họ.
Mt 22: 15-21
Trong cuộc tranh luận của Ngài với nhóm Biệt Phái, Đức Giê-su
trả lời một vấn đề nan giải giữa nghĩa vụ của người công dân trần thế và nghĩa
vụ của người công dân Nước Trời khi công bố rằng “Của Xê-da trả về Xê-da, của
Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
BÀI ĐỌC
I (Is 45: 1, 4-6)
Bản văn này là một trong
nhiều sứ điệp an ủi mà vị ngôn sứ biệt danh I-sai-a đệ nhị ngỏ lời với những
người lưu đày ở Ba-by-lon. Vị ngôn sứ nầy, trên mười năm, từ 550 đến 539 trước
Công Nguyên, đã tìm cách an ủi đồng bào của mình, họ nhục chí trước cuộc lưu
đày tưởng chừng như vô tận nầy. Ông hứa với họ rằng Thiên Chúa sắp ra tay giải
thoát dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ tại Ba-by-lon. Niềm hy vọng của ông nhắm đến
vua Ky-rô, nước Ba-tư.
Vào năm 553 trước Công
Nguyên, vua Ky-rô đã cất đi quyền thống trị của vua Mê-đi là Astyage. Sau khi
đã thống nhất quyền lực Ba-tư và quyền lực Mê-đi, ông xuất quân chinh phục miền
Tiểu Á. Vào năm 539, ông tiến quân vào Ba-by-lon, chấm dứt thời kỳ thống trị
của Đế Quốc Ba-by-lon. Ngay cả trước khi những cuộc chiến thắng ngoạn mục của
vua Ky-rô vang dội khắp nơi, vị ngôn sứ lưu đày này đã loan báo rằng ý
định Thiên Chúa là sử dụng vua Ky-rô để giải thoát dân Ngài khỏi cảnh đời tù
đày tại Ba-by-lon.
1.Sấm
ngôn của vị ngôn sứ.
Sấm ngôn này thật sự gây
hoang mang. Phải chăng Đức Chúa nhờ đến một vị vua ngoại giáo để giải thoát dân
Ít-ra-en? Vị ngôn sứ xua đi những thành kiến của những người lưu đày bằng cách
khẳng định đó là cách hành xử của Thiên Chúa. Ông mạnh dạn quả quyết rằng vua
Ky-rô đã được Đức Chúa tuyển chọn và thánh hiến để trở nên khí cụ trung thành
của Ngài.
Phần đầu sấm ngôn được
trình bày như một bản văn phong vương, đồng hóa vua Ky-rô với một vị vua của
dân Ít-ra-en: Đức Chúa thánh hiến vị vua mà Ngài đã tuyển chọn, và “cầm
lấy tay phải”, nghĩa là trợ giúp và bảo vệ vua, đảm bảo rằng vua sẽ chiến
thắng mọi quân thù. Tất cả những diễn ngữ trong sấm ngôn nầy được gặp thấy
không chỉ trong các bản văn Kinh Thánh nhưng cũng trong các bản văn miền Cận
Đông. Người ta có thể đọc những dòng chữ được khắc trên một hình trụ: “Marduk
(vị thần Ba-by-lon) tìm kiếm một lãnh tụ chí công vô tư mà thần có thể cầm tay.
Đó là Ky-rô mà Ngài công bố là Chúa Tể muôn dân. Ngài đặt dưới chân vua xứ sở
Guti, thúc dục ông xuất chinh chống lại Ba-by-lon, đi bên cạnh ông như một
người bạn”.
Trong sấm ngôn của mình,
vị ngôn sứ xác định rằng Đức Chúa hứa với vua Ky-rô một cuộc chiến thắng như
thế nào khi gợi lên “mở toang cửa thành trước mặt vua, khiến các cổng
không còn đóng kín”. Cốt là các cổng thành danh tiếng bằng đồng của
Ba-by-lon. Quả thật, các cổng thành mở toang đón tiếp vua Ky-rô mà ông không
phải tốn một làn tên mũi kiếm. Ba-by-lon bị sụp đổ mà không cần phải giao
chiến.
2.Đức
Chúa, Chúa Tể của mọi biến cố.
Chính vì dân Ngài mà Đức
Chúa dẫn đưa vua Ky-rô từ chiến thắng nầy đến chiến thắng khác. Ngài“gọi
đích danh vua”, đây là diễn ngữ Kinh Thánh muốn nói rằng Thiên Chúa đã trao
phó cho vua một sứ mạng. Ngài ban cho vua một tước hiệu (có thể là tước
hiệu “Đấng được xức dầu” hay “người mục tử của Ta”,
được ngôn sứ trích dẫn ở nơi khác) dù vị vua ngoại giáo nầy không biết Ngài.
Quả thật, vua Ky-rô hành
xử như một vị vua được Đức Chúa tuyển chọn. Vua tỏ ra mình hào hiệp: khi chiến
thắng vua Mê-đi là Astyage, ông để cho vua nầy được sống và khi chiến thắng vua
Ba-by-lon là Crésus, ông cũng hành xử như thế. Ông không gây bất kỳ thiệt hại
nào đối với thành Ba-by-lon, bày tỏ lòng tôn kính tôn giáo của kẻ bại trận và
nhất là giải thoát những dân tộc bị lưu đày tại Ba-by-lon trong số đó có dân Do
thái. Dù thế nào, vị ngôn sứ quả quyết chính Đức Chúa là Chúa Tể của mọi quyền
bính chính trị, chính Ngài ban quyền lực, chính Ngài hướng dẫn mọi biến
cố: “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”.
Sứ điệp của vị ngôn sứ
thật rõ ràng. Đức Chúa không chỉ là Thiên Chúa của dân Do thái mà còn là Thiên
Chúa của muôn dân muôn nước. Ngài không lệ thuộc vào một quyền lực trần thế
nào, trái lại mọi quyền bính đều xuất phát từ Ngài. Dù có ý thức hay không, họ đều là khí cụ trong tay
Ngài để thi hành chương trình cứu độ của Ngài. Không phải Đức Giê-su sẽ nói với
Phi-la-tô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho
ngài” (Ga 19: 11) sao?.
THÁNH
VỊNH 96 (95): 1, 3-5, 7-10
Một thánh vịnh ca ngợi
vương quyền của Thiên Chúa. Thánh Vịnh này có một số lượng những đối chiếu với
Tv 98 và một nhị trùng trong 1Sb 26: 23-33. Một nét đặc thù của thánh vịnh này
là tính cách sứ vụ của nó: tác giả kêu mời trước hết dân Thiên Chúa hãy kể lại
vinh quang của Đức Chúa và loan truyền những kỳ công của Ngài, (cc. 2-6); tiếp
đó, muôn dân nước hãy tôn vinh Đức Chúa (cc. 7-10); và sau cùng, toàn thể vũ
trụ hãy rao mừng trước tôn nhan Thiên Chúa (cc. 11-13), vì Ngài là Thiên Chúa
duy nhất và công minh chính trực. Đoạn trích Thánh Vịnh này được cấu trúc như
sau:
-Dẫn
nhập (c. 1)
Tác giả mời gọi toàn thể
địa cầu hãy ca mừng vương quyền của Đức Chúa bằng những tâm tình mới qua một
bài ca mới (x. Tv 33: 3).
A.Lời
mời gọi được gởi đến dân Thiên Chúa (cc. 3-5)
Trước hết, lời mời gọi
được gởi đến dân Thiên Chúa hãy thi hành sứ vụ của mình là tường thuật vinh
quang của Đức Chúa và loan truyền những kỳ công của Ngài (x. Tv 9: 12; 105: 1;
Is 66: 19), bởi vì Đức Chúa là Thiên Chúa siêu vượt trên hết chư thần (cc.
3-4). Lời đoan quyết: “Chư thần các nước đều là hư ảo” (c. 5),
đánh dấu một bước tiến đến Độc Thần giáo tuyệt đối: “Đức Chúa là Thiên
Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không có vị thần nào khác”.
B.Lời
mời gọi được gởi đến muôn dân nước (cc. 7-9)
Tiếp đó, lời mời gọi cũng
được gởi đến muôn dân nước hãy dâng lên Đức Chúa những lời ca ngợi xứng với
vinh quang của Ngài. Chúng ta ghi nhận rằng những câu này được rút ra từ Tv 29:
1-2; tuy nhiên, ở đây “các dân các nước”, chứ không “chư
thần”, được kêu mời tôn vinh Đức Chúa trong Đền Thánh (x. cc. 6 và 8) bằng
cách nhận ra Đức Chúa là Thiên Chúa tối thượng (cc. 7-8a). Lời mời gọi này cũng
được được gởi đến các vua chúa trần thế, họ có bổn phận phải nghiêm chỉnh trình
diện và dâng tiến lễ vật trước thánh nhan Thiên Chúa (8b-9).
-Kết
luận (c. 10)
Vương quyền của Thiên
Chúa: “Chúa là Vua hiển trị!” (x. Tv 93: 1; 97: 1; 99: 1), đã
được mặc khải cho dân Thiên Chúa, nay được công bố cho muôn dân nước được tỏ
tường.
BÀI ĐỌC
II (1Th 1: 1-5)
Chúng ta bắt đầu đọc thư
thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Thánh nhân viết thư
nầy từ Cô-rin-tô vào năm 51. Đây là bức thư đầu tiên của thánh nhân và đồng
thời cũng là bản văn Tân Ước cổ kính nhất. Được viết chưa tới hai mươi năm sau
cái chết của Đức Giê-su, bức thư nầy thật sự là một chứng liệu quý báu vén mở
cuộc sống đức tin của Giáo Hội tiên khởi.
1.Lời
chứng:
Phần đầu của bức thư cung
cấp một lời chứng đáng chú ý về đức tin của Giáo Hội tiên khởi. Trước hết, đây
là một trong những bức thư liên kết thường hằng nhất danh xưng “Thiên
Chúa” với tước vị“Cha”: “Thiên Chúa là Cha” và “Thiên
Chúa là Cha chúng ta”; tiếp đó, danh xưng “Chúa Giê-su Ki-tô”,
nghĩa là Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a và là Chúa, một tước hiệu bao hàm thần tính
và vinh quang của Ngài. Cựu Ước dành riêng tước hiệu “Chúa” nầy
cho Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Cuối cùng, quyền năng của Chúa Thánh Thần được
bày tỏ trong việc loan truyền Tin Mừng. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa là nét độc
đáo của Ki-tô giáo.
Mặc khác, ngay từ bản văn
Tân Ước đầu tiên này, xuất hiện thuật ngữ “ecclesia” (“Hội
Thánh”) được dùng để chỉ một cộng đoàn Ki-tô hữu: “Kính gởi Hội Thánh
Thê-xa-lô-ni-ca”. Trước tiên, thuật ngữ“Hội Thánh” mang nét
nghĩa phàm trần: tại dân Hy lạp, thuật ngữ nầy chỉ Hội Đồng nhân dân. Thánh
Mát-thêu là thánh ký duy nhất đã đặt trên môi miệng Đức Giê-su thuật ngữ nầy
trong sách Tin Mừng Hy-lạp của mình (Mt 16: 18; 18: 17). Phải nói rằng để loan
báo Giáo Hội tương lai của mình, Đức Giê-su thật ra đã sử dụng thuật ngữ Híp-ri
và A-ram: “qahal”, một thuật ngữ chỉ “đại hội” trong
sa mạc (Đnl 4: 9-13; 9: 10; 18: 16; 23: 2; 31: 30) hoặc cộng đồng phụng vụ của
dân Thiên Chúa Cựu Ước (1Sb 13: 2; 28: 8; 2Sb 20: 3; 30: 1; Nkm 1: 12). Vả lại,
hai thuật ngữ Do thái và Hy lạp cùng chia sẻ một thực tại bởi ngữ căn của
chúng: trong khi thuật ngữ Do thái: “qahal”, bao hàm một khái niệm
về một dân được Thiên Chúa kêu gọi, triệu tập thành dân riêng của Ngài dưới
chân núi Xi-nai, thì thuật ngữ Hy lạp: “ecclesia”, phát xuất từ
động từ“kaleô” ở thể thụ động (được kêu gọi) và tiếp đầu ngữ: “ex”
(tách riêng ra). Cả hai được dùng để diễn tả cách chính xác thực tại Hội Thánh:
không tự mình hình thành nên, nhưng được Thiên Chúa quy tụ lại thành dân riêng
của Ngài.
Nếu thánh Phao-lô gọi các
cộng đoàn Ki-tô hữu địa phương là Hội Thánh, thánh nhân luôn luôn hiệp nhất các
cộng đoàn nầy vào Hội Thánh Mẹ, là Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Toàn thể hình thành
nên một Hội Thánh duy nhất, mà thánh nhân sẽ gọi là “Thân Thể Đức
Ki-tô”.
2.Hội
Thánh Thê-xa-lô-ni-ca:
Thê-xa-lô-ni-ca là thủ
phủ miền Ma-kê-đô-ni-a. Đây là thành phố thứ hai của Châu Âu mà thánh Phao-lô
mang Tin Mừng đến. Thành phố thứ nhất là Phi-líp-phê cũng thuộc miền
Ma-kê-đô-ni-a.
Thê-xa-lô-ni-ca là một
thành phố cảng được hưởng một nền thương mại phồn vinh. Tên của thành phố được
một trong các tướng lãnh của A-lê-xan-đê đại đế lấy tên vợ của mình là
Thê-xa-lô-ni-ca đặt cho. Ở đây có một cộng đồng kiều bào Do thái sinh sống. Họ
có một hội đường. Trong sách Công Vụ, thánh Lu-ca đã thuật lại tiến trình thành
lập Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca nầy vừa ngắn gọn vừa gian nan (Cv 17: 1-9). Chính
trong hội đường Do thái nầy mà thánh Phao-lô rao giảng trong ba ngày sa-bát
liên tiếp.
Lời rao giảng của thánh
nhân được vài người Do thái và một số đông người Hy-lạp hoan hỉ tiếp đón, trái
lại gây phẩn nộ cho cộng đoàn Do thái ở đây. Họ gây náo loạn trong thành phố
đến nổi thánh Phao-lô và bạn đồng hành của ngài là ông Xi-la buộc phải vội vã
trốn khỏi thành phố ngay đêm ấy. Thánh Phao-lô trốn chạy đến Bê-roi-a và từ đó
đến A-thê-na bằng đường biển. Lo lắng vì đã để lại một cộng đoàn non trẻ, đức
tin chỉ vừa mới bén rễ, ấy vậy đã phải chịu nhiều phiền nhiễu rồi, thánh nhân
khẩn khoản xin người môn đệ thân tín của mình là ông Ti-mô-thê trở lại
Thê-xa-lô-ni-ca để ủy lạo những người Kitô hữu non trẻ nầy. Khi gặp lại thánh
Phao-lô lúc đó ở Cô-rin-tô, ông Ti-mô-thê đem đến cho thánh nhân những tin tức
đầy khích lệ: Hội Thánh non trẻ nhưng thật kiên vững trong đức tin. Vui mừng và
an tâm, thánh Phao-lô viết thư thứ nhất nầy. Bức thư nầy cùng với thư gởi các
tín hữu Phi-líp-phê chất chứa những lời trìu mến nhất của thánh nhân.
3.Chúng
tôi, Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê.
Theo thể thức thư tín vào
thời đó, một hay nhiều người đồng ký tên vào một bức thư: “Chúng tôi, Phao-lô, Xin-va-nô và
Ti-mô-thê”. Ông Xin-va-nô cũng được gọi Xi-la trong sách Công Vụ và sau
nầy trở thành thư ký của
thánh Phê-rô ở Rô-ma (1Pr 5: 12). Vào lúc nầy, ông thay thế ông Ba-na-bê ở bên
cạnh thánh Phao-lô, sau khi thánh nhân chia tay với Ba-na-bê ở Cô-rin-tô. Còn
ông Ti-mô-thê là một trong những người đồng hành trung tín nhất của thánh
Phao-lô. Chúng ta gặp thấy tên ông bên cạnh tên thánh Phao-lô trong sáu bức thư
của thánh nhân.
4.Thiên
Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giê-su Kitô.
Tiếp đó là tên người nhận
thư: “kính gởi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca”. Chúng ta lưu ý việc chuyển từ danh từ số ít để chỉ
tập thể: “Hội Thánh”, đến ngôi thứ hai số nhiều: “Chúc
anh em được ân sủng và bình an”. Đây thật sự là điều hoàn toàn mới mẻ
và có sức hấp dẫn của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, trong đó mọi người đều
nhận ra nhau như anh chị em trong Thiên Chúa được tuyên xưng là Cha và trong
Đức Giê-su Ki-tô được tuyên xưng là Chúa, tương phản với tổ chức cơ cấu của xã
hội dân sự và thậm chí của Do thái giáo. Quả thật, chúng ta cũng gặp thấy danh
xưng “anh chị em” và biểu thức tiêu biểu của thánh Phao-lô: “trong
Đức Giê-su Ki-tô” hay “trong Đức Ki-tô” không chỉ
ngay từ những hàng đầu tiên của bức thư đầu tiên nầy, nhưng còn thường được lập
đi lập lại trong tất cả các bức thư khác của thánh nhân. Đây thật sự là danh
xưng diễn tả mối tương quan thân thiết của thánh nhân với tất cả mọi Ki-tô hữu
và đây cũng là biểu thức chủ chốt hình thành nên cuộc sống nội tâm của thánh
nhân, cũng như tính năng động sứ vụ Tông Đồ của ngài.
Như vậy, thuật ngữ “Hội
Thánh” tự nó nói lên cộng đồng Ki-tô hữu, trong đó mọi người, dù ở
chức vụ nào, đều coi nhau như anh chị em, tránh được quan niệm Giáo Hội trước
Công Đồng Vatican II theo đó, Giáo Hội như gắn liền với các Đấng các Bậc mà bỏ
qua một thành phần đông đảo và sinh động là Giáo Dân.
5.Ân
sủng và bình an.
Lời chào mở đầu của bức
thư liên kết lời chào của người Do thái: “bình an” (“shalom”)
với lời chào của người Hy-lạp: “ân sủng” (“charis”). Thánh
nhân sẽ sử dụng lời chào nầy trong tất cả các bức thư của ngài, ngoài trừ hai
bức thư gởi Ti-mô-thê trong đó thánh nhân thêm vào “lòng thương xót”: “ân
sủng, lòng thương xót và bình an”. Thật ra, sự liên kết của hai thuật
ngữ: “bình an” và “ân sủng” nầy vốn đã hiện
diện trong Do thái giáo rồi. Chúng ta gặp thấy như vậy trong sách Dân Số: “Nguyện
xin Đức Chúa chúc phúc cho anh em…Nguyện xin Đức Chúa ghé mắt
nhìn và ban bình an cho anh em”. Lời nguyện chúc
nầy tái xuất hiện trong các sách khải huyền Do thái ngoại thư như sách Hê-nốc
1: 4: “Nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an”,
cũng như trong các lời cầu nguyện của cộng đồng Qum-rân. Nhưng thánh Phao-lô
đem lại cho lời cầu chúc nầy ý nghĩa phong phú của Ki-tô giáo như khi thánh
nhân viết cho các tín hữu Phi-líp-phê: “Bình an của Thiên Chúa, bình an
vượt lên trên mọi hiểu biết” (Pl 4: 7).
6.Cảm
tạ Thiên Chúa.
Sau nầy, hầu như tất cả
những bức thư của mình, thánh Phao-lô đều bắt đầu với lời “cảm tạ” hay“chúc
phúc” theo cách thức Do thái. Ở trong thư gởi các tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca nầy, thánh nhân đặc biệt khai triển lời cảm tạ: “Chúng
tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa khi nghĩ đến anh em”. Thánh Phao-lô diễn tả niềm
vui của mình khi biết rằng các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vẫn một mực trung thành
và vững mạnh bất chấp những phiền nhiễu mà những người Do thái gây ra cho họ.
7.Ba
nhân đức đối thần.
Một lần nữa, một trong
những lợi ích lớn lao về phương diện lịch sử cũng như về phương diện thần học
của bản văn Tân Ước đầu tiên nầy, đó là khám phá ở đây lời phát biểu ba nhân
đức căn bản mà sau nầy sẽ được gọi là ba nhân đức đối thần: “Chúng tôi
không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi
khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những nghịch cảnh anh em
kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su
Kitô”. Ở đây cũng như ở Col 1: 4-5, thánh nhân trích dẫn ba nhân đức
đối thần nầy theo cùng một trật tự: đức tin, đức mến và đức cậy, còn ở 1Cr 13:
13 theo một trật tự khác: đức tin, đức cậy và đức mến.
8.Chiều
kích Ba Ngôi.
Các tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca đa số đều xuất thân từ lương dân. Thánh nhân nhấn mạnh họ thuộc
về dân Chúa chọn, cùng một tước hiệu như những người đồng đạo của họ xuất thân
từ Do thái. Từ đây, ơn tuyển chọn của Thiên Chúa mở rộng cho hết mọi người.
Nhưng nhất là thánh nhân thán phục những thành quả đáng ngạc nhiên ở
Thê-xa-lô-ni-ca: họ không thể là hoa trái duy nhất do lời loan báo Tin Mừng của
thánh nhân, nhưng trên hết do tác động của Chúa Thánh Thần.
Trong thư gởi cho các tín
hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng
lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng
Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan phàm
nhân, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1Cr 2: 1-4). Thật ra, đây là điều mà thánh nhân đã nói với
các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rồi:“Khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho anh em
, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần,
và một niềm xác tín sâu xa”.
TIN MỪNG
(Mt 22: 15-21).
Bài Tin Mừng nầy rất nổi
tiếng được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại. Lời công bố của Đức Giê-su: “Của
Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” đã được biện
luận như một sự phân biệt giữa hai lãnh vực: đạo và đời. Biện luận nầy gợi lên
nhiều áp dụng thực tiển khác nhau qua nhiều thế kỷ. Trong bối cảnh trực tiếp, lời công bố nầy được ghi ở
giữa những cuộc tranh luận với nhóm Biệt Phái vào những ngày cuối cùng sứ vụ
của Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem trước cuộc Tử Nạn của Ngài: “Nghe các dụ
ngôn Ngài kể, các thượng tế và người Biệt phái hiểu là Người nói về họ. Họ tìm
cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ” (Mt
21: 45).
1.Âm
mưu thâm độc:
Những người Biệt Phái bàn
mưu tính kế với nhau tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời để triệt hạ Ngài.
Họ cấu kết với phe Hê-rô-đê, một đảng phái chính trị, được thiết lập từ
Hê-rô-đê Cả, luôn luôn sát cánh với chính quyền Rô-ma với hy vọng rằng lần nầy
có thể làm chứng tố cáo Đức Giê-su để có thể hãm hại Ngài.
Bằng cách rào trước đón
sau, họ tán dương bản tính chí công vô tư của Đức Giê-su: “Thưa Thầy,
chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của
Thiên Chúa”. Chữ “đường lối”là ngữ vựng tôn giáo. Thuật ngữ nầy
có nguồn gốc trong các Thánh vịnh, đặc biệt Tv 119 trong đó tác giả đề xuất hai
con đường, một dẫn đến việc thực thi đức công chính và một dẫn đến sự hư vong.
Bất chấp ác ý của họ được khôn khéo bọc trong những lời tâng bốc, lời khen ngợi
này phải thật sự phản ảnh dư luận quần chúng về con người của Ngài qua lời nói
cũng như hành động của Ngài, nếu không làm thế nào những lời này có thể trở nên
cái bẫy được chứ. Cuối cùng, viện cớ soi sáng lương tâm của mình, họ đặt ra một
câu hỏi gài bẫy: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da, hoàng đế Rô-ma hay
không?”.
Phải nhận định rằng vào
thời đó miền Giu-đa có hoàn cảnh đặc thù. Kể từ khi vua Ác-khê-lao, con vua
Hê-rô-đê Cả, bị hoàng đế Au-gút-tô truất quyền vào năm 6 Công Nguyên, miền
Giu-đa đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của chính quyền Rô-ma, đại diện tại chỗ
là một quan Tổng Trấn Rô-ma, trong khi miền Ga-li-lê và những địa hạt phía Bắc
vẫn dưới quyền cai trị của hai người con khác của vua Hê-rô-đê Cả là tiểu vương
Hê-rô-đê An-ti-pát và tiểu vương Phi-líp-phê. Ở miền Giu-đa, nhóm Nhiệt Thành
khuyến cáo không được nộp thuế, vì đây là thái độ thuần phục chính quyền chiếm
đóng, trong khi nhóm Sa-đu-xê-ô, hợp tác với chính quyền Rô-ma, ủng hộ việc nộp
thuế, còn nhóm Biệt Phái giữ lập trường trung dung: họ không tán thành chủ
trương bạo động của bè Nhiệt Thành cũng như thái độ cộng tác của bè Sa-đu-xê-ô.
Vì thế, “nộp thuế hay không” là một vấn đề có tính thời sự.
Nhưng ý định của các địch thủ của Ngài thì hoàn toàn khác: họ muốn đặt Ngài vào
một vấn đề tiến thoái lưỡng nan để trừ khử Ngài.
Nếu trả lời “được
phép”, Đức Giê-su sẽ đánh mất uy tín của Ngài đối với quần chúng, vì họ đặt
ở nơi Ngài niềm hy vọng giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma.
Nếu trả lời “không được phép”, Ngài tự đặt mình đối đầu với chính
quyền Rô-ma, và chắc chắn những người thuộc phe Hê-rô-đê thân chính quyền Rô-ma
sẽ có cớ để tố cáo Ngài là phản động, là sách động quần chúng chống chính quyền
đô hộ. Nhưng nếu như Ngài giữ thái độ im lặng, các đối thủ của Ngài có cớ để
bài bác tính chí công vô tư của Ngài mà họ đã rào trước đón sau trước đó rồi.
2. Câu
trả lời của Đức Giê-su
Nhưng Đức Giê-su không
tránh né câu hỏi hóc búa nầy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem “một quan
tiền nộp thuế”. Lời đòi hỏi rất quan trọng, vì nó quyết định cho câu trả
lời của Ngài. Chung quy có hai loại tiền tệ hiện hành ở Giê-ru-sa-lem. Đồng
tiền chính thức của đế quốc Rô-ma mang hình và danh hiệu của Xê-da, hoàng đế
Rô-ma. Mọi hình thức nộp thuế đều phải được quy định bằng đồng tiền chính thức
nầy. Ngoài ra, còn có “tiền đền thờ” đặc thù của dân Do thái,
được dành riêng cho các cách dùng trong phụng tự (đó là lý do tại sao có những
người đổi tiền trong sân đền thờ). Cầm lấy một quan tiền mà họ trao cho Ngài,
Ngài hỏi họ: “Hình và danh hiệu nầy là của ai đây?” Họ
đáp: “Của Xê-da”. Ngài trả lời: “Của Xê-da trả về Xê-da;
của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.
3.Công
dân trần thế và công dân Nước Trời:
Về phương diện lịch sử,
đây là lần đầu tiên mà sự phân biệt giữa hai nghĩa vụ: người công dân trần thế
và người công dân Nước Trời, được diễn tả cách rõ nét nhất. Đứng trước sự phân
biệt ấy người ta dể rơi vào hai thái cực: hoặc đặt nặng các giá trị công dân
Nước Trời mà xem thường các giá trị công dân trần thế, hay quá chú tâm vào các
giá trị công dân trần thế mà hờ hửng với những giá trị công dân Nước Trời. Câu
trả lời của Đức Giê-su “Của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về
cho Thiên Chúa” đặt người tín hữu trước hai nghĩa vụ phải chu toàn:
công dân trần thế và công dân nước trời. Cả hai không hề loại trừ nhau, nhưng
đồng hiện diện và ảnh hưởng hổ tương: tìm cách xây dựng Nước Trời qua việc cùng
chung sức xây dựng trần thế bằng cách thăng tiến đời sống con người về phương
diện vật chất lẫn tinh thần, thăng hoa những giá trị của con người, và nhất là
làm cho mọi lãnh vực trần thế thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa để rồi
cuối cùng dẫn đưa trần thế trở về với Thiên Chúa. Đó cũng là lời dạy của Công
Đồng Va-ti-can II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con
người ngay nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng
và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự
là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (“Vui Mừng
và Hy Vọng”, 1).
Các đối thủ của Đức
Giê-su nghĩ là đặt Ngài vào thế bí không có lối thoát, nhưng cuối cùng chính họ
phải nhận ra rằng Ngài quán triệt vấn đề đến nỗi họ phải kinh ngạc. Những kẻ
muốn Ngài cứng họng chắc hẳn phải gặp thấy ở nơi câu trả lời của Ngài một giáo
huấn rành mạch thấu tình đạt lý: một sự hiệp nhất cuộc đời của người tín hữa
giữa công dân Nước Trời và công dân trần thế, bởi vì hai nghĩa vụ này hàm chứa
một huấn lệnh quan trọng bậc nhất, một huấn lệnh làm nên chân tính của người
Ki-tô hữu: mến Chúa và yêu người là một.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét