Trang

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thượng Hội Đồng về Gia Đình, ngày khai mạc

Thượng Hội Đồng về Gia Đình, ngày khai mạc

Sau Thánh Lễ khai mạc tại Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 5 tháng Mười, hôm qua, 6 tháng Mười, THĐ về gia đình đã bước vào ngày họp khoáng đại đầu tiên. Nhân dip này, Đức Phanxicô thúc giục các vị giám mục và các tham dự viên khác “mạnh dạn lên tiếng”, tuy nhiên vị diễn giả chính lại có một cung giọng thận trọng, khi nhấn mạnh rằng chủ điểm tranh luận không phải là tín lý mà là việc thực hành tín lý. 

Thực vậy Đức HY Péter Erdo, tường trình viên của THĐ, nghĩa là vị khai mạc các cuộc thảo luận và tổng kết chúng cuối cùng, cho rằng “Tại THĐ này, điều đem ra bàn… không phải là các vấn đề tín lý, mà là các vấn đề thực hành”. Dù thế, Đức HY Erdo vẫn nhấn mạnh rằng THĐ sẽ là một cuộc tranh luận tự do và công khai. 

Dù thời ký tiền THĐ có nhiều điều qua tiếng lại một cách công khai giữa các vị Hồng Y và giám mục về vấn đề liệu có nên cho phép người CG ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ hay không, một số nghị phụ bác bỏ việc có chia rẽ trong THĐ. 

Đức HY André Vingt-Trois của TGP Paris, trong một cuộc họp báo của Vatican, cho hay: “Không hề có tranh chấp. Trong bầu khí sôi động lúc này, có nhiều điều qua lại, nhưng tôi không định nghĩa chúng như một cuộc tranh cãi thực sự giữa các vị giám mục”.



Trong diễn văn mở đầu, Đức HY Erdo không đưa ra bất cứ tiên đoán nào về việc cuộc tranh luận liên quan tới người CG ly dị và tái hôn dân sự sẽ được giải quyết ra sao, nhưng ngài cho hay: bất cứ xẩy ra điều gì, giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân hiểu như một cam kết mãn đời sẽ không thay đổi. 

Ngài nói thế này: “giáo huấn về tính bất khả tiêu của hôn nhân đúng nghĩa sẽ không được đặt thành nghi vấn. THĐ đúng nghĩa chủ yếu không phải là nơi để thâm hậu hóa suy tư thần học, mà đúng hơn, để nói về các khả thể mục vụ”. 

Liên quan tới những thay đổi có thể có về thực hành, Đức HY Erdo hé mở khả thể đơn giản hóa thủ tục vô hiệu, tức việc Giáo Hội tuyên bố rằng một cuộc hôn nhân không thành sự vì một ngăn trở nào đó lúc kết hôn, và với lời tuyên bố này, tín hữu được phép tái hôn. 

Một cách chuyên biệt, Đức HY Erdo hé cho thấy ý niệm có thể ban án vô hiệu bằng thủ tục hành chánh vắn tắt hơn thủ tục hiện nay của tòa án Giáo Hội. Trong một nhận định với các nhà báo, Đức HY Erdo nói rằng sở dĩ ngài nói đến khả thể chuyên biệt này trong diễn văn mở đầu là vì các câu trả lời của một số hội đồng giám mục khắp thế giới nhận được trước khi THĐ khai mạc đều ít nhiều gợi ý theo chiều hướng này, nhằm kêu gọi một diễn tình tuyên bố vô hiệu đơn giản hơn; chiều hướng này được sự hỗ trợ rộng rãi của các giám mục. 

Cũng nên biết: tháng rồi, Tòa Thánh đã công bố việc thiết lập ra một ủy ban mới nhằm duyệt xét thủ tục tuyên bố vô hiệu, một thủ tục bị nhiều người chỉ trích là “ly dị theo lối Công Giáo”. Một số tín hữu từng kinh qua thủ tục này cho hay nó quá dài dòng, cồng kềnh, và quá đi vào đời tư qua các tín liệu bản thân bị nó đòi hỏi.

Đức Phanxicô nhiều lần kêu gọi Giáo Hội phải nhân từ hơn trong việc xử lý các người đang sống trong các hoàn cảnh bị Giáo Hội coi là ‘bất hợp lệ’, nhưng Đức HY Erdo tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh rằng nhân từ không có nghĩa ném luật lệ về hôn nhân ra khỏi cửa sổ. 

Ngài cho hay: “trong trường hợp hôn nhân bí tích đã hoàn hợp, cuộc hôn nhân thứ hai, sau khi ly dị, không thể được Giáo Hội thừa nhận”. 

Trong diễn văn của mình, Đức HY Erdo nhìn nhận rằng sứ điệp của Chúa Kitô liên quan đến ơn gọi của người ta và của gia đình không “dễ chấp nhận, vì nó đòi hỏi, buộc người ta phải hồi tâm”. Nhưng, ngài nói thêm, “niềm vui Tin Mừng tràn ngập trái tim và trọn bộ cuộc sống của những ai cảm thấy trống rỗng và cô đơn trong tâm hồn”. 

Trong lời nhận định mở đầu vắn vỏi của mình, Đức Phanxicô thúc giục 184 giám mục và 69 tham dự viên khác trong đó có các linh mục, tham vấn giáo dân, và nữ tu, đừng lo lắng về những gì người khác, kể cả chính ngài, nghĩ về những gì họ cần nói. 

Ngài khuyên: “anh chị em hãy nói một cách rõ ràng. Trong Chúa, anh chị em hãy nói mọi điều, không cần dè dặt theo lối con người. Đồng thời, nên khiêm tốn lắng nghe và hoan nghênh với một tâm hồn cởi mở những gì anh chị em khác phát biểu”.



Đức Phanxicô tâm sự rằng sau cuộc gặp gỡ các vị Hồng Y hồi tháng Hai để chuẩn bị cho THĐ này, một vị Hồng Y viết cho ngài một bức thư nói rằng “điều quá tệ là một số Hồng Y không có can đảm nói lên ý nghĩ của mình” vì sợ Đức Giáo Hoàng có ý nghĩ khác. Ngài bảo: lần này, sẽ không hề có sự cấm kỵ này. 

John L. Allen Jr., phụ tá chủ bút của Crux, cho rằng chức vụ tường trình viên THĐ của Đức HY Erdo là một chức vụ quan trọng, vì ba vị giáo hoàng gần đây nhất của ta từng là tường trình viên của THĐ. 

Có thể nói, trong diễn văn mở đầu, Đức HY Erdo đã ấn định nghị trình cho THĐ: không bàn tới các vấn đề tín lý, nhưng mở cửa cho các thay đổi về thực hành như đơn giản hóa thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Dĩ nhiên, không hẳn lúc nào THĐ cũng theo những gì vị tường trình viên nói lúc khởi đầu. Nhưng điều Đức HY Erdo phát biểu hôm nay cũng cho thấy những gì một trong những người có nhiệm vụ lèo lái THĐ “dám nghĩ” và “dám nói lên”. 

Vị HY 62 tuổi người Hung Gia Lợi này vốn có tiếng là người mạnh mẽ bênh vực giáo huấn của Giáo Hội. Được huấn luyện trong ngành giáo luật, Đức HYERdo tiến rất nhanh trong hàng lãnh đạo Giáo Hội. Năm 2001, lúc mới chỉ là 1 GM phụ tá và trước khi đầy 50 tuổi, ngài đã được bầu là Chủ Tịch Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu rồi. Năm 2006, ngài lại được bầu một lần nữa vào chức vụ này. 

Năm 2002, ngài được cử làm TGM đệ nhất tòa của Hung Gia Lợi lúc mới có 50 tuổi và được thăng Hồng Y một năm sau. Lúc 52 tuổi, ngài là vị Hồng Y trẻ nhất tham dự cơ mật viện bầu Đức Bênêđíctô XVI năm 2005. 

Đức HY Erdo đại diện một Giáo Hội vốn bị bách hại thời Xô Viết, được biểu tượng nơi Đức HY József Mindszenty, người từng bị tra tấn và kết án chung thân bởi chính phủ Cộng Sản, nên phải tỵ nạn tại Tòa Đại Sứ HK suốt 15 năm và đã chết trong cảnh lưu đầy tại Vienna năm 1975. Đầu năm nay, Đức HY Erdo đã thuyết phục được Chính Phủ Hung Gia Lợi chịu chính thức bãi bỏ vụ án chống lại vị tiền nhiệm của ngài, một vụ án có từ năm1949.

Năm 2011, ngài được đề cử làm thành viên của hội đồng Hồng Y và giám mục giám sát Bộ Phận Thứ Hai của Phủ Quốc Vụ Khanh phụ trách các liên hệ ngoại giao. Cùng năm, ngài được Vatican phái qua điều tra Đại Học Công Giáo Peru vì bị tố cáo là khinh thường giáo huấn và kỷ luật Giáo Hội. 

Ngài được coi là bảo thủ về nhiều vấn đề, nhưng cũng là một nhân vật có tinh thần mục vụ cao, thực tiễn nắm được những điều nòng cốt ở bình diện “bán lẻ”. Trong THĐ năm 2012 về Tân Phúc Âm Hóa, các vị giám mục rất lưu ý tới sáng kiến “đại phúc đô thị” của ngài: các giáo dân tới thăm viếng mọi gia đình Công Giáo tại một giáo xứ Budapest và mời gọi họ trở lại với Giáo Hội. 

Đức HY Erdo có thể là người tạo được sự đồng tâm nhất trí cho THĐ, một phần vì ngài có liên hê mạnh mẽ với thế giới đang phát triển. Trong tư cách chủ tịch các hội đồng giám mục Âu Châu, ngài có nhiều nối kết với các giám mục Châu Phi, cụ thể là tổ chức hội nghị hai năm một lần thay đổi giữa Âu Châu và Phi Châu. Ngài cũng là người phối trí các kế hoạch hỗ trợ các Giáo Hội tại các quốc gia đang mở mang, nhờ thế được khá nhiều Hồng Y và giám mục trong vùng biết đến. Đối với người Mỹ, Đức HY Erdo cũng không hẳn là người xa lạ: ngài đã được học bổng trong các năm 1995 và 1996 để học tại ĐH California tại Berkeley. 

Tưởng cũng nên biết, phòng báo chí của Tòa Thánh vừa gửi đi một “tweet” nhấn mạnh một trong các trọng điểm của Đức HY Erdo, đó là “những người ly dị và tái hôn dân sự vẫn thuộc về Giáo Hội (i.e. không bị tuyệt thông). Họ cần và có quyền nhận được sự chăm sóc của các mục tử của họ”. 

Tự do thảo luận

Dù thế, làm sao quên được vị Tổng Thư Ký của THĐ, Đức HY Lorenzo Baldisseri. Ngay ngày đầu tiên, ngài cũng lên tiếng kêu gọi tự do thảo luận. 

Trong diễn văn hôm nay, ngài nhắc lại các khai triển diễn ra từ THĐ năm 2012 về phúc âm hóa và việc chuẩn bị cho THĐ lần này. Ngài cho biết: giai đoan chuẩn bị có đặc điểm của “một tinh thần tự do và chân thành rất đáng ước ao. Sự tự do phát biểu rộng rãi này cũng phải lên đặc điểm cho cuộc hội họp này của THĐ, vì phát biểu xác tín của mình luôn là điều tích cực miễn là được nói lên một cách tôn trọng, đầy yêu thương và xây dựng”.

Ngài tiếp tục nói rằng “tất cả chúng ta đều ý thức rằng trong tự do, hiệp thông huynh đệ được lớn lên, thảo luận được phong phú hóa và các chọn lựa mục vụ thích đáng nhất liên quan tới gia đình được đơn cử. Thực vậy, điều quan trọng là người ta được phát biểu một cách không sợ hãi hay bị nghi ngờ. Cảm thấy mình được tự do phát biểu điều mình tin hay điều mình nghi ngờ chính là điều phân biệt con người nhân bản với các tạo vật khác và làm họ trở thành người có trách nhiệm đối với Thiên Chúa và người khác”. 

Ngài nói thêm: “thành thử, việc thảo luận tại THĐ phải được cởi mở. Khi nẩy sinh các khác biệt, các tham dự viên trong các vai trò khác nhau của mình được kêu gọi đừng quá nhấn mạnh tới quan tâm của mình hay quan điểm riêng mà phải tìm sự thật, một sự thật vốn không phải là một ý niệm trừu tượng hay là thành quả của suy đoán triết lý hay thần học, mà là chính con người Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa làm người, một người sinh ra trong thời gian, và là Con Chúa Cha: ‘Ta là đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14:6). Người là khởi điểm. Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên chính là Chúa Giêsu, Đấng tới cùng đi với ta và được biết đến qua lời nói và dấu chỉ của Người và cuối cùng với chứng tá Đời Sống Người”. 

Đức HY Baldisseri cho biết: THĐ lần này khác với THĐ trước đây: thay vì trình lên Đức Thánh Cha một bản các đề nghị, THĐ lần này sẽ bỏ phiếu cho một văn kiện kết thúc và văn kiện đúc kết này (Relatio Synodi) sẽ được trình lên cho Đức Thánh Cha xem sét.

Ngài kết luận: “tôi cầu xin để cuộc Tập Họp lần này của THĐ trở thành nơi ưu tuyển của tình hợp đoàn nhằm công bố Tin Mừng bằng cách đồng hành và để nó thấm nhiễm được thái độ cởi mở đối với Chúa Thánh Thần bằng một phương thức, một lối sống và làm chứng bảo đảm được sự thống nhất trong đa dạng và tính tông đồ trong tính Công Giáo”. 

Đức HY Baldisseri, nhân dịp này, cho biết nghị trình tổng quát của tuần này. Mỗi ngày, THĐ sẽ có hai phiên họp, mỗi phiên về một chủ đề tổng quát. Ngày 6 và 7 sẽ tập chú vào việc hiểu biết và tiếp nhận các giáo huấn của GH về đời sống gia đình trong các giáo xứ. Ngày có thể có tranh cãi gay gắt có lẽ sẽ là thứ Tư, với buổi sáng bàn về “các thách đố mục vụ của Gia Đình” và nhất là buổi chiều bàn về “Các Hoàn Cảnh Mục Vụ Khó Khăn”.

Vũ Văn An10/6/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét