Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ

Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ

Trích dẫn ký giả Ý Marco Tosatti, linh mục John Zuhlsdorf cho hay nhiều nghị phụ đã công khai tỏ ý không tán thành phương pháp phối trí của Đức HY Balfisseri, tổng thư ký của THĐ. Lý do chính là vì ngài quyết định không công bố phúc trình của các nhóm nhỏ cho công chúng. Quyết định này đã bị Đức HY Erdo, tổng tường trình viên của THĐ, phản đối, với lý do: đã công bố bản phúc trình sau khi thảo luận thì cũng nên công bố bản phúc trình của các nhóm nhỏ. 

Nhờ thế, phúc trình của các nhóm nhỏ đã lần lượt được công bố. Trước nhất là các phúc trình của ba nhóm nói tiếng Anh, sau đó là các phúc trình của các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha.

I. Phúc trình của các nhóm nói tiếng Anh 

1. Nhóm A dưới quyền phối trí của Đức HY Raymond Burke. 

Sau đây là các điểm chính của phúc trình:

a) Nhận xét về Phúc Trình Sau Thảo Luận (RPD), nhóm cho hay thay vì tập chú vào các hoàn cảnh đặc thù như đã được mô tả trong RPD, các ngài chú ý nhiều hơn tới những con người trong các hoàn cảnh ấy, tập chú vào những điều tốt lành nơi họ. 

b) Các ngài tin rằng cần có lời dẫn nhập cho RPD, để (i) nói lên hồng phúc vĩ đại của bí tích hôn nhân và ơn thánh Chúa ban dư đầy qua bí tích này, (ii) cung cấp một nền tảng thần học và nhân học để có thể giải quyết các vấn đề được THĐ nêu lên. Nhóm muốn Phúc Trình của THĐ (Relatio Synodi, tắt là RS) sẽ nói về sự sống con người, hôn nhân và cuộc sống gia đình như đã được mạc khải cho ta qua lý trí và đức tin, cả hai đều được ơn thánh Chúa trợ giúp. RS phải công bố sự thật của Tin Mừng, sự thật của sự sống con người và tính dục như Chúa Kitô đã mạc khải. Lời Chúa Kitô soi sáng nhận thức ta về bản chất con người và tính dục nội tại của người đàn ông và người đàn bà qua luật tự nhiên. 

c) RS phải là một tài liệu có tính mục vụ, nói tới con người về những vấn đề cấp bách đang thách thức các gia đình ngày nay. Các vấn đề này không tách biệt khỏi giáo huấn của Giáo Hội, tìm thấy trong kho tàng tài liệu của Giáo Hội. Dù gì RS cũng phải tham chiếu Thánh Kinh và các văn kiện của Huấn Quyền. 

d) Các đề xuất của nhóm nhấn mạnh tới tình yêu Thiên Chúa, tình yêu và chăm sóc mục vụ của ta đối với các cá nhân, đồng thời trung thực nhìn nhận và thừa nhận các hoàn cảnh tội lỗi, và tìm cách mời gọi người ta hồi tâm. Nhóm tin rằng chỉ có cách sống như môn đệ Chúa Kitô với mọi thách đố nó mang tới mới là lối sống dẫn tới niềm vui thật và hạnh phúc nhân bản thật sự. 

Nhóm đưa ra thí dụ: trong khi RPD xem ra gợi ý rằng có thể cho phép việc làm tình ngoài hôn nhân hay việc sống chung với nhau không cần cheo cưới, nhóm cố gắng cho thấy lý do tại sao các lối sống này không dẫn con người tới chỗ thành toàn nhân bản. Cùng một lúc, nhóm muốn nhìn nhận rằng trong những con người liên hệ, có hạt giống sự thật và sự thiện, và nhờ một nền chăm sóc mục vụ tận tụy, những hạt giống này có thể được đánh giá và phát triển. Theo suy nghĩ của nhóm, nếu ta ngụ ý rằng một số lối sống nào đó có thể chấp nhận được, thì các cha mẹ hay quan tâm và ưu tư xưa nay sẽ bảo: vậy thì còn cần gì phải phí công dạy dỗ con cái sống theo Tin Mừng và giáo huấn Giáo Hội làm chi nữa!

e) Nhóm không ủng hộ việc cho phép các người ly dị và tái hôn được lãnh các bí tích, nhưng ủng hộ các phương thế khác để kết hợp với Chúa Kitô. 

f) Nhóm thừa nhận và ủng hộ việc quan tâm và cảm thông của RPD đối với những người sống trong các hoàn cảnh mục vụ khó khăn. Nhưng nhóm cho rằng ta cần biểu lộ những tình cảm này một cách cẩn thận để đừng tạo nên lẫn lộn trong tâm trí tín hữu. 

g) Nhóm ưu tư đối với việc trình bày nguyên tắc tiệm tiến. Theo nhóm, ta không nên nói tới tính tiệm tiến của tín lý đức tin và luân lý, mà chỉ nên nói tới sự lớn mạnh từ từ về luân lý của cá nhân trong hành động của họ. 

h) Nhóm muốn RS có lời khuyến khích và hỗ trợ những người đang trung thành sống lời hứa kết hôn của họ và gầy dựng gia đình họ theo giáo huấn của Giáo Hội, cả ông bà và các thành viên khác của đại gia đình nữa. 

j) Tính mục vụ của RS đòi một ngôn ngữ không mếch lòng người nhưng khích lệ và hỗ trợ họ trong cuộc hành trình vươn tới Chúa. 

2. Nhóm hai dưới quyền phối trí của Đức HY Wilfrid Napier

Nhóm này gồm 5 vị từ Phi Châu, 7 vị từ Á Châu, 1 vị từ Đại Dương Châu, 1 vị từ Hoa Kỳ và 1 vị từ Âu Châu. Các dự thính viên và đại diện anh em cũng đóng góp đáng kể cho nhóm. 

A. Trước nhất, nhóm trình bày một số nhận định:

a) Nhóm cho rằng RPD quá chú trọng tới các vần đề đang thách thức các gia đình và không nhấn mạnh đủ tới nhu cầu đưa ra một sứ điệp phấn khởi để khuyến khích và gợi hy vọng cho các gia đình, dù gặp nhiều thách đố, có khi thất bại, nhưng vẫn cố gắng sống thực sứ mệnh và ơn gọi của mình cách trung thành và hân hoan trong Giáo Hội và trong xã hội. 

b) Nhóm đề nghị nên thêm ở đầu phúc trình một số đoạn nhấn mạnh tới việc Lời Chúa và vẻ đẹp của Tin Mừng Gia Đình phải giữ vị thế trung tâm ra sao đối với toàn bộ tập chú của RS. 

c) Nhóm minh nhiên tỏ ra ưu tư đối với một số kết luận của RPD, đối với phương pháp học của nó, đối với ngôn từ phức tạp của nó (cộng hưởng bởi lối dịch nghèo nàn) và đối với hậu qủa cuả việc công bố nó trước khi được các nghị phụ THĐ duyệt xét.

d) Theo nhóm, trách vụ của THĐ đặc biệt lần này là vẽ ra một bức tranh về gia đình và về các thách đố đang đặt ra cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong thế giới phức tạp và đa dạng hiện nay. Dĩ nhiên việc này khiến ta phải tập chú vào các vấn đề và vào một số thách đố chính từng khiến Giáo Hội phải băn khoăn. Nhưng RS phải đi xa hơn việc chỉ chú tâm vào các nan đề và bệnh lý của hôn nhân và gia đình. 

e) Nhóm cho rằng giới trẻ đọc RPD sẽ ít có hứng thú bước vào hôn nhân Kitô Giáo. Thành thử RS phải hướng về người trẻ, giúp họ hiểu và bị lôi cuốn trước viễn kiến Kitô Giáo về hôn nhân và gia đình.

f) Nhóm cho rằng nhiều mục tử thất bại và bất cập trong việc cổ vũ sự hỗ trợ đối với các gia đình. GH cần triệt để canh tân phong cách thừa tác của mình đối với họ. Việc đồng hành với hôn nhân phải có tính mãn đời, chứ không dừng lại ở ngày cưới, sao cho các cặp vợ chồng thể hiện được lý tưởng hôn nhân. 

g) Dĩ nhiên, Giáo Hội phải vươn tay ra với những ai chưa hoàn toàn đạt tới lý tưởng trên. Vấn đề là không quên trình thuật chính nhưng cũng không nên để trình thuật này khiến ta đẩy những ai đang lao đao qua một bên hay làm nản lòng họ. Nhóm cho rằng đây không hẳn là việc đưa ra một văn kiện mới hay đơn thuần chỉ lặp lại giáo huấn của Giáo Hội, mà là vươn tay ra và tìm ra một ngôn ngữ giúp con người nam nữ, nhất là giới trẻ, mở tâm trí ra đối với tin mừng gia đình, để hiểu nó và chịu để nó lôi cuốn. Ngôn ngữ mới này phải đào sâu hơn vào kho tàng đức tin và truyền thống của Giáo Hội và tìm ra các phương cách lắng nghe kinh nghiệm sống của tín hữu trung thành sống bí tích hôn nhân của họ. 

Về khía cạnh vươn tay này, nhóm cho rằng ta phải có can đảm “gõ những cánh cửa cấm”. Nhiều khi sau những cánh cửa cấm này, là “cả một sự hiện diện của Thiên Chúa giúp ta giải quyết các thách đố của ngày nay, không phải theo điều kiện của ta mà theo những cách mới mẻ khó tưởng tượng nổi”. Nhóm không cho biết những cánh cửa cấm này là những cánh cửa nào. 

B. Sau đó, nhóm đưa ra một số gợi ý cụ thể

a) Về việc cho phép người ly di và tái hôn lãnh nhận các bí tích, nhóm nhấn mạnh hai nguyên tắc phát sinh từ chính Lời Chúa: quả quyết rõ ràng tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích thành sự, trong khi khiêm nhường nhận rằng ta cần một cách thế đáng tin hơn để trình bày và làm chứng cho giáo huấn đó; ước muốn mạnh mẽ chào đón và hỗ trợ những người CG thành thực cảm thấy mình bị ra xa lạ đối với gia đình GH vì các hoàn cảnh không hợp lệ của mình.

Về phương diện trên, nhóm đề nghị: (i) xem xét những ngả đường thống hối và biện phân có thể có nhờ đó, trong những trường hợp đặc thù, người ly dị và tái hôn có thể tham dự các bí tích; và (ii) cung cấp các biện pháp thay thế như đánh giá sâu sắc hơn sự khôn ngoan cổ điển và giá trị của việc rước lễ thiêng liêng. 

Điều nhóm nhấn mạnh là các anh chị em trên vẫn là thành phần của GH và phải được khuyến khích họ tiếp tục là thành phần của GH qua cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, thực hành nhân đức, tham dự các cộng đồng Kitô Giáo nhỏ và làm việc tông đồ. Họ luôn phải gặp được nơi Giáo Hội cái nhìn chào đón và vòng tay thân yêu của Chúa Giêsu. 

b) Tuy nhiên, nhóm ưu tư đối việc quá nhấn mạnh tới “các yếu tố tích cực” khi nói về cuộc hôn nhân dân sự và việc sống chung. Nhóm thích dùng ngôn ngữ của luật tiệm tiến để bước vào đối thoại với những người này và tìm cách nhận diện các yếu tố trong đời họ có thể dẫn họ tới việc cởi mở hơn đối với tin mừng gia đình một cách trọn vẹn. Những yếu tố này có thể trở thành các nhịp cầu trong cố gắng phúc âm hóa của ta đối với những người chưa hoặc không còn tương hợp với lý tưởng hôn nhân nữa. Cần nhấn mạnh rằng luật tiệm tiến luôn bao hàm cả tiến tới lẫn hồi tâm hướng về lý tưởng trọn vẹn. 

c) Về việc chăm sóc mục vụ các người có xu hướng đồng tính, nhóm nhận định rằng GH phải tiếp tục cổ vũ bản chất hôn nhân đã được mạc khải tức luôn luôn là sự kết hợp mãn đời, hiến sinh, và hiệp thông trung tín giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. 

Nhưng nhóm khuyến khích các mục tử và các giáo xứ chăm sóc các cá nhân có xu hướng này, bằng cách lo liệu (?) cho họ trong gia đình GH, luôn bảo vệ phẩm giá làm con cái Chúa của họ, được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Trong GH, họ phải tìm thấy một mái ấm nơi đó, với mọi người khác, họ nghe được lời Chúa Giêsu mời gọi bước chân theo Người trong việc trung thành với sự thật, nhận lãnh được ơn thánh của Người để làm điều đó, và lòng xót thương của Người khi thất bại trong việc bước chân theo Người này.

d) Về vấn đề cởi mở đối với sự sống, nhóm muốn nhấn mạnh tới điểm con cái là hồng phúc tối cao của hôn nhân. Do đó, GH nên đọc lại và đánh giá tích cực sứ điệp của TĐ Humanae Vitae để huấn luyện lương tâm về vấn đề kế hoạch hóa gia đình. 

e) Về vấn đề đa thê, nhóm đề nghị các hội đồng giám mục Phi Châu thực hiện một cuộc nghiên cứu mục vụ toàn diện về những người đa thê trở lại Đạo Công Giáo. 

f) Nhóm cũng đề nghị ở phần kết luận của RS, nên nói tới Đức Mẹ như mẫu gương cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn chạy tới. 

3. Nhóm ba dưới quyền phối trí của Đức TGM Edward Kurtz

Sau khi cho rằng việc công bố bản RDP làm nhóm rất ngỡ ngàng, nhóm đưa ra các nhận định sau đây:

a) Hôn nhân là hồng phúc của Thiên Chúa cho hạnh phúc của con người. Hồng phúc này được Cựu Ước xác nhận và được Tân Ước thâm hậu hóa và giải thích như là tấm gương phản chiếu mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội, qua các thế kỷ, không ngừng giảng dạy và trợ giúp tín hữu sống và trân qúy cuộc sống vợ chồng như Thiên Chúa dự kiến. Với GH, hôn nhân không chỉ là một định chế nhân bản. Việc hiến thân trong hôn nhân, một cách nào đó, vốn biểu lộ việc hiến mình của Chúa Kitô cho dân của Người, đạt được biểu thức trọn vẹn nhất của nó trong giao hợp tính dục, trong đó, vợ chồng nói lên việc hiến mình trọn vẹn cho người khác, về xúc cảm, về thể lý và về tâm linh, chứ không phải chỉ là việc tự thỏa mãn mình một cách vị kỷ. Chính trong việc hiến mình này, ta trở nên người hơn và nên giống Chúa Kitô hơn. Do đó, nền tảng Thánh Kinh và giáo huấn của GH về hôn nhân phải được làm sáng tỏ ngay ở phần đầu của tài liệu để xây dựng khuôn khổ cho các vấn đề thảo luận. 

b) Nhóm cho rằng cung giọng của toàn bộ tài liệu phải nói lên lòng tin tưởng đối với hôn nhân. Đã đành khi suy nghĩ tới các thách thức của hôn nhân và đời sống gia đình, ta phải xem xét hiện tượng đổ vỡ, đau đớn và cô đơn… Nhưng không nên rơi vào cái bẫy nghĩ rằng và nhất là chuyển tải ý nghĩ cho rằng hôn nhân và đời sống gia đình là một thất bại. Thực tế, nhiều gia đình, bất chấp mọi thăng trầm, vẫn tỏa sáng sự hòa hợp và yêu thương… Ta phải nhìn nhận rằng các tín hữu hiện đang cam kết với hôn nhân và nhiều gia đình đem lại hy vọng, gợi hứng và làm gương cho người khác, nhất là các người trẻ. 

c) Vì vậy, tài liệu phải khuyến khích các gia đình trên. Không để họ mất hy vọng. GH cần họ, và cả thế giới cũng cần họ. GH phải hỗ trợ và chăm sóc mục vụ cho họ. Phải làm nổi bật chứng tá của họ rằng cam kết hôn nhân mãn đời là việc có thể làm được, đây là chiều kích phúc âm hóa của gia đình Công Giáo. 

d) Tuy nhiên, ta cũng phải chào đón, không phê phán hay kết án, những người, vì một lý do nào đó, chưa có thể biểu lộ được cam kết mãn đời trong hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. Ta cũng cần khuyến khích họ và giúp họ thừa nhận chính điều tốt của họ và chăm sóc họ như Chúa Kitô chăm sóc họ vậy. Làm thế rất có thể có người cho rằng hôn nhân không quan trọng hay “hôn nhân” nào cũng là hôn nhân, nên điều cần là phải xác định ý nghĩa của luật tiệm tiến để nó đừng là tính tiệm tiến của luật lệ. Luật tiệm tiến không nên biến lời kêu gọi hồi tâm của Tin Mừng thành nhạt nhẽo, “hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Luật tiệm tiến phải kéo người ta gần lại Chúa Kitô hơn. Sự thật và lòng thương xót không loại trừ nhau. 

e) Nói thế rồi, tài liệu phải tích cực nói lên tình yêu của Giáo Hội đối với mọi người, 1 tình yêu không có biên giới, 1 tình yêu chào đón cả người tội lỗi và những ai đang sống ngoài lề xã hội. Họ có thể không do tự do chọn lựa mà vì hoàn cảnh kinh tế mà hóa ra như vậy. Tài liệu phải biểu lộ sự chào đón, chấp nhận và thương yêu những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn và đau khổ, những người đang tìm kiếm sự thật và những người mong được Chúa Kitô chữa lành. 

f) Nhóm thấy việc chăm sóc mục vụ các gia đình và những người trong các mối liên hệ khác cần có những linh mục được huấn luyện kỹ, vừa hiểu biết các vấn đề liên quan tới hôn nhân và gia đình mà còn có trái tim mục vụ nữa để chăm sóc và chào đón những người đi tìm Chúa Kitô. Nhóm cũng chú ý tới các tổ chức và hiệp hội giáo dân chuyên lo củng cố hôn nhân nhất là giúp các người trong các hoàn cảnh khó khăn, và các phong trào chuyên làm chứng cho hôn nhân và gia đình như là đặc sủng của họ. 

g) Nhóm biết ơn đối với sự cởi mở xuyên suốt THĐ đặc biệt lần này, giúp nhóm lắng nghe các thông sáng và kinh nghiệm của nhiều người nhằm trình bày một đánh giá quân bình và toàn diện đối với tính sống động của đời sống gia đình cũng như nhiều quan tâm khác.


Vũ Văn An10/18/2014(vietcatholic)
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét