Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Tường trình của các nhóm nhỏ tại Thượng HĐGM thế giới về gia đình

Tường trình của các nhóm nhỏ tại Thượng HĐGM thế giới về gia đình

VATICAN. Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt về gia đình đang tới hồi kết thúc. Trong phiên khoáng đại thứ 14 sáng thứ bẩy 18-10-2014, từ 9 giờ đến 12 giờ rưỡi, các nghị phụ sẽ nghe đọc dự thảo Bản tường trình kết thúc công nghị GM thế giới này, và bỏ phiếu chấp thuận văn bản chung kết Sứ điệp Thượng HĐGM gửi cộng đồng dân Chúa.

Ban chiều từ 4 giờ rưỡi đến 7 giờ, có phiên khoáng đại thứ 15 và là phiên cuối cùng. Các nghị phụ sẽ bỏ phiếu thông qua Bản tường trình Thượng HĐGM để đệ lên ĐTC. Văn kiện này chưa phải là quyết định chung kết nhưng sẽ được dùng làm Tài Liệu làm việc cho Thượng HĐGM thế giới khóa thường lệ lần thứ 14 nhóm vào tháng 10 năm tớim 2015.

Để đi tới Bản tường trình chung kết này, các nghị phụ đã làm việc khẩn trương trong hai tuần qua: trong tuần đầu là phần góp ý kiến, được đúc kết thành bản Tường trình giữa khóa mà ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng tường trình viên, đã trình bày sáng thứ hai, 13-10, trong phiên khoáng đại thứ 11.

Bản này bị dư luận và nhiều nghị phụ phê bình và đã được nghiên cứu đào sâu thêm trong 6 cuộc họp nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng từ 18 đến 20 nghị phụ, cùng với các dự thính viên và chuyên gia. Sau đó, sáng thứ năm, 16-10 vừa qua, Thượng HĐGM thế giới đã nhóm phiên khoáng đại thứ 12 để nghe tường trình về kết quả các cuộc thảo luận nhóm: 3 nhóm tiếng Ý, 3 nhóm tiếng Anh, 2 nhóm tiếng Pháp và 2 nhóm Tây Ban Nha. Vị tường trình viên của mỗi nhóm lần lượt trình bày kết quả cuộc thảo luận. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị một số ý chính trong các bản tường trình nhóm:

Vài nét chính trong các bản bá cáo của các nhóm

Tất cả các nhóm đều đưa ra nhiều nhận xét và đưa ra 500 yêu cầu sửa chữa bản phúc trình giữa khóa mà ĐHY Peter Erdoe trình bày.

Nói chung, Phúc trình này bị phê bình là quá nhấn mạnh đến các vấn đề, có nguy cơ làm cho các gia đình và người trẻ không quan tâm cố gắng làm cho hôn nhân và gia đình được tiến hành tốt đẹp. Theo nhiều nghị phụ, Thượng HĐGM về gia đình phải qui trọng tâm nhiều hơn về vẻ đẹp của hôn nhân và tránh để cho lối tiếp cận ”chào đón” và thương xót lấn át nghĩa vụ của Giáo Hội phải kêu gọi con người từ bỏ con đường tội lỗi.

Nhiều nhóm muốn có sự thay đổi lớn, hay là viết lại một số phần trong phúc trình giữa khóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của một Giáo Hội tìm đến các gia đình và những người đang có vấn đề trong thế giới ngày nay, trong đó có những cặp sống chung mà không kết hôn, những tín hữu Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự, những cặp đồng phái. Cần giúp đỡ và tháp tùng họ trở về cùng Giáo Hội. Hầu hết các nhóm nghị phụ đều muốn thấy Phúc trình chung kết của Thượng HĐGM này nhấn mạnh hơn về vẻ đẹp và sự thu hút trong cái nhìn của Thiên Chúa về hôn nhân bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, cởi mở đối với sự sống.

- Nhóm Anh ngữ thứ 2, trong đó có ĐHY Timothy Dolan, TGM New York, Hoa Kỳ, ĐHY Wilfried Napier, TGM Durban, Nam Phi, và Đức TGM Diarmuid Martin của giáo phận Dublin, thủ đô Ai Len, cho biết nhiều vị trong nhóm cảm thấy rằng một người trẻ, khi đọc bản tường trình giữa khóa, sẽ cảm thấy bớt phấn khởi trong chấp nhận ơn gọi sống đời hôn nhân Kitô với tất cả những thách đố kèm theo.

- Nhóm tiếng Anh thứ 1, do ĐHY Raymond Burke, người Mỹ, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, nói rằng bản Tường trình chung kết của Thượng HĐGM phải công bố chân lý Phúc Âm, sự sống con người, và tính dục dựa trên mạc phải và luật tự nhiên, vì việc săn sóc mục vụ không thể tách rời khỏi giáo huấn của Giáo Hội. Nhóm này cũng có ĐHY Gerhard Mueller, người Đức, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Đức TGM Vincent Nichols của giáo phận Westminster, Anh quốc. Nhóm phê bình phương pháp của bản tường trình giữa khóa, theo đó trước tiên lắng nghe dân chúng trước khi phán đoán và phân định hành trình mục vụ. Theo nhóm, Giáo Hội luôn phải nhìn thế giới qua lăng kính Tin Mừng để có thể yêu thương và săn sóc con người, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tình trạng tội lỗi và tìm kiếm con đường để mời gọi con người hoán cải tâm hồn.

Nhóm này cảm thấy phúc trình giữa khóa có vẻ như muốn nói tính dục ngoài hôn nhân và những lối sống bất hợp lệ có thể là điều được phép khi khẳng định rằng: ”Có những hạt giống sự thật và tốt đẹp ở nơi những ngừơi liên hệ, và qua việc săn sóc mục vụ, những hạt giống ấy có thể được quí chuộng và phát triển”. Nhóm này nói bất kỳ sự ngụ ý nào nói hành vi vô luân là điều có thể chấp nhận được, sẽ làm cho các cha mẹ ngỡ ngàng và tự hỏi: tại sao mình lại phải cố gắng vất vả như vậy để dạy con cái về Tin Mừng?

- Nhóm tiếng Anh thứ ba, trong đó có ĐHY Donald Wuerl, TGM thủ đô Washington, Hoa Kỳ, Đức TGM Joseph Kurtz của giáo phận Louisville, bang Kentucky, Chủ tịch HĐGM Mỹ, và Đức TGM Denis Hart của giáo phận Melbourne, Australia, tuyên bố là không muốn bản phúc trình chung kết làm suy yêu cảm thức hy vọng rằng ”sự dấn thân có hiệu quả và trọn đời trong hôn nhân là điều có thể đạt tới được”. Nhóm này nói: Giáo Hội cần tìm đến để chào đón, mà không phán xét hay lên án, những người vì lý do nào đó, chưa có thể diễn tả sự dấn thân trọn đời trong hôn nhân giữa một người nam và một ngừơi nữ”, nhưng nhóm cũng kêu gọi quan tâm làm sao để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, vì chúng ta có thể vô tình gây ra cảm tưởng hôn nhân không phải là quan trọng, hoặc nó chỉ là một lý tưởng mà một vài người ưu tuyển có thể đạt tới.

- Nhóm tiếng Ý thứ 2, trong đó có nhiều vị thuộc giáo triều Roma như ĐHY Walter Kasper, Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng văn hóa và Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng tái truyền giảng Tin Mừng, kêu gọi nhấn mạnh làm sao để không có sự rạn nứt hay tách biệt giữa đạo lý và việc săn sóc mục vụ. Nhưng nhóm cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo Hội phải đưa ra một phán đoán về những vấn đề trong nền văn hóa ngày nay, Giáo Hội không thể quên vai trò ngôn sứ của mình và phải cảnh cáo những kẻ xấu về hình phạt của Thiên Chúa nếu họ không thay đổi cuộc sống gian ác (Ez 3,17-19).

- Nhóm tiếng Pháp do ĐHY Christoph Schoenborn, TGM giáo phận Vienne bên Áo, làm điều hợp viên, và có Đức TGM Paul-André Durocher của giáo phận Gatineau, Québec, Canada là thành viên, nói rằng thách đố ở đây là làm sao dung hợp “lòng yêu mến sự thật và đức bác ái mục tử, để không gây sốc cho những người đang cố gắng sống trọn các giáo huấn của hội Thánh. Nhóm này nói đến người anh cả trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, cảm thấy không hài lòng khi người cha mở tiệc đón đứa em tội lỗi trở về, nhưng không bao giờ cho anh ta, vốn là người ở lại gia đình và làm việc, được mở tiệc để vui với các bạn.

Nhóm Pháp ngữ này có nhiều GM Phi châu. Các vị khẳng định sự tôn trọng và chào đón những người đồng tính luyến ái và lên án những kỳ thị đối với những người này, nhưng các vị nói rằng Giáo Hội không thể ”hợp thức hóa những việc thực thi đồng tính luyến ái, và càng không thể nhìn nhận những cặp đồng phái là hôn phối. Các vị tố giác các tổ chức quốc tế đặt điều kiện đòi các nước nghèo phải ban hành những luật tháo thứ hơn về luân lý thì mới được viện trợ.

- Nhóm tiếng Ý, trong đó có nhiều vị thuộc giáo triều, trong đó có ĐHY George Pell, Chủ tịch Hội đồng kinh tế, ĐHY Coccopalmerio Chủ tịch Hội đồng về các văn bản luật, và Đức TGM Paglia, Chủ tịch Họi đồng về gia đình, nói rằng có hai quan niệm khác nhau trong các cuộc thảo luận tại Thượng HĐGM. Một quan niệm cho rằng không nên do dự gì khi dùng những từ như ”tội lỗi”, ngoại tình và hoán cải, khi nói về những tình trạng trái ngược với Tin Mừng. Trong khi một lối tiếp cận khác phải nhìn nhận rằng ước muốn có một gia đình đã được Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn mỗi người, cả những tín hữu vì những lý do khác nhau không sống hoàn toàn phù hợp với Lời Chúa Kitô”.

Nhóm này cũng nói: Một sự thiếu ý thức về tội lỗi và những hoàn cảnh văn hóa nghiệm trọng thường là lý do khiến một tín hữu không sống phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Tường trình chung kết phải nhấn mạnh sự cầnthiết phải cải tiến việc giáo dục về đức tin (CNS 16-10-2014)

- Nhóm nghị phụ tiếng Ý thứ I, do ĐHY Filoni Tổng trưởng Bộ truyền giáo làm điều hợp viên, nói đến khó khăn trong việc mang lại một ý nghĩa cho thành ngữ ”luật tiệm tiến” đã được nhắc đến trong bản tường trình giữa khóa để biện minh cho sự bất toàn trong hành động của một số tín hữu, và áp dụng vào việc cho tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ. Các nghị phụ nói rằng luật tiệm tiến không thể áp dụng được cho số 34 của Tông Huấn Familiaris consortio về gia đình, vì trong tông huấn này luật tiệm tiến được áp dụng chủ yếu cho vấn đề luân lý liên quan đến việc làm cha làm mẹ ý thức. Thành ngữ ”Luật tiệm tiến” dường như vượt ra ngoài sự kiểm soát với nguy cơ làm cho người ta nghĩ rằng những khó khăn trong đời sống vợ chồng đưa tới sự hạ thấp ý nghĩa trọn vẹn của chính ơn gọi vợ chồng. Nhóm này yêu cầu viết lại phần thứ II của tường trình giữa khóa để làm nổi vợt dự phóng vui tươi về hôn nhân do Thiên Chúa đề ra.

Nhóm cũng không đồng ý về việc để cho ĐGM giáo phận trực tiếp can dự vào các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu, vì thường các GM không phải là những nhà chuyên môn trong lãnh vực này, vì thế nên đề nghị một sự phối hợp mục vụ giữa những người liên hệ với tòa án hôn phối, các cố vấn và các văn phòng khác nhau của giáo phận về gia đình.

Về vấn đề cho người ly dị tái hôn được rước lễ, các nghị phụ trong nhóm tuy nhạy cảm đối với vấn đề, nhưng vẫn đề nghị tái nghiên cứu vấn đề này dưới ánh sáng số 84 của Tông huấn Familiaris consortio, để xác định những điều kiện khác với kỷ luật hiện hành.

G. Trần Đức Anh OP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét