23/02/2018
Thứ sáu tuần 1 Mùa Chay
Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo.
Lễ nhớ.
* Thánh Pôlicáp là môn đệ của thánh Gioan và là chứng nhân cuối cùng
của thời các Tông Đồ. Người đã chết trên
giàn hoả thiêu, giữa hí trường Miếcna, trước mặt dân chúng. Đang lúc đó, người dâng lời tạ ơn Chúa “vì mình đã được xét là xứng đáng được kể vào số các chứng nhân (tử đạo) và được chia sẻ chén đắng của Chúa Kitô”. Hôm đó là ngày 23
tháng 02 năm 155, thánh nhân được tám mươi sáu tuổi.
Bài Ðọc I: Ed 18, 21-28
"Có phải Ta muốn
kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?"
Trích sách Tiên tri
Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa
phán: "Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm, tuân giữ mọi giới
răn của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ không phải chết.
Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó
đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: "Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết,
chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?
Còn nếu kẻ công chính
bỏ đàng công chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người gian ác quen phạm, có
phải nó được sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công chính nó đã thực hiện,
vì sự bất trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.
Các ngươi nói rằng:
"Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe
đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của
các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội
ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ
đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu
nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.
3-4ab. 4c-6. 7-8
Ðáp: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu
nổi được ư? (c. 3)
Xướng: 1) Từ vực sâu,
lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy
lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2) Nếu Chúa con nhớ hoài
sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha,
để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3) Tôi hy vọng rất nhiều
vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi,
hơn người lính gác mong trời rạng đông. - Ðáp.
4) Hơn lính gác mong hừng
đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa
rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian
ác. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là
sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".
Phúc Âm: Mt 5, 20-26
"Hãy đi làm
hoà với người anh em ngươi trước đã".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ
và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người
xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn
Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt.
Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em
là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi
bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của
lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại
dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo
kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính
canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi
nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tha
thứ
Vào thời thế chiến
thứ nhất, khi nhận được tin con trai yêu quí của mình tử trận, nữ bá tước Litsi
rất đau khổ và hầu như mất cả nghị lực. Tuy nhiên bà vẫn cố gắng lao mình vào
việc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập.
Một ngày nọ, một
binh sĩ Đức được chở tới bệnh viện. Dù người lính này thuộc phe đối nghịch
nhưng bà vẫn tận tình săn sóc. Khi soạn đồ đạc của anh, bà thấy chiếc ví và đồng
hồ của con trai mình trong túi áo người lính. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, bà
đã thốt lên: “Đây đúng là kẻ đã giết con tôi”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy
trong chiếc ví của con bà rơi ra, bà vội nhặt lên đọc; nét chữ quen thuộc đập
vào mắt bà: “Mẹ yêu quí, con luôn nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may
con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, hãy can đảm chịu đau khổ và cầu nguyện
cho con”. Sau một hồi xúc động, bà cúi xuống tiếp tục săn sóc người lính một
cách tận tình. Những giọt nước mắt tha thứ trào ra từ đôi mắt bà.
Trong cuộc sống thường
ngày, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những xúc phạm nặng, nhưng
những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu và do đó chúng ta luôn được mời gọi để
tha thứ. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau: “Đừng tức
tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con
mà người ta chưa nói tới. Chúa nói: nếu ai làm mất lòng con, hãy để của lễ về
làm hoà với người ấy trước; còn con, con làm ngược lại: cứ dâng của lễ và phóng
thanh cho mọi người biết. Con không khuyết điểm tại sao lại tức tối và tấn công
khuyết điểm của người khác.”
Thật ra, tha thứ không
phải là điều dễ. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng
đáng: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất
bình với ngươi, hãy đặt cuả lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước,
rồi hãy đến mà dâng của lễ”. Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là
bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ
và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần I MC
Bài đọc: Eze
18:21-28; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống trung thành yêu thương suốt cả đời.
Chúng ta thường chú trọng
đến những cuộc trở lại, từ xấu thành tốt; và dường như không để ý đến những cuộc
đời từ tốt thành xấu như cuộc đời của Judah Iscarioth. Trong thực tế, cả hai đều
có thể xảy ra; và trường hợp thứ hai có thể xảy ra thường xuyên hơn trường hợp
thứ nhất, đặc biệt trong đời sống gia đình. Ví dụ, khi chưa thành vợ chồng, cả
hai người dường như ít khuyết điểm và đối xử với nhau yêu thương tử tế hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc
nhở cho chúng ta biết cả hai cuộc trở lại đều có thể xảy ra, nếu chúng ta không
cẩn thận xét mình. Trong Bài Đọc I, tiên tri Ezekiel nhấn mạnh đến cả lòng nhân
từ lẫn sự công bằng của Thiên Chúa. Vì lòng nhân từ, Ngài không muốn kẻ gian ác
phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống. Vì sự công bằng, Ngài phải
luận phạt nếu người công chính bỏ đàng ngay thẳng để làm điều bất chính. Mỗi
người có cả một cuộc đời để luyện tập trước khi Thiên Chúa xét xử con người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải sống công chính hơn các kinh sư:
không phải chỉ tránh giết người phần xác, nhưng phải tránh cả giận hờn, la mắng,
chửi rủa; vì những hành động này làm tổn thương danh dự của họ và đưa đến những
thiệt hại phần hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa nhân từ và công bằng.
1.1/ Đường lối xét xử của
Thiên Chúa: Thiên Chúa không xét xử con người
mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm; nhưng cho con người có cơ hội cả một đời, trước
khi phán xét con người. Tiêu chuẩn phán xét dưới đây có lẽ áp dụng cho Ngày
Phán Xét.
(1) Kẻ gian ác ăn năn
trở lại sẽ được sống: Điều nổi bật trong Sách Tiên Tri Ezekiel là lòng nhân từ
và thương xót của Thiên Chúa, được tóm gọn trong câu: “Chẳng lẽ Ta lại vui
thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại
không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” Vì thế, Ngài sẽ
không ngừng gởi tới cơ hội và kêu gọi kẻ gian ác trở lại để được sống. Ngài hứa:
“Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta,
cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải
chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống
vì đã thi hành lẽ công minh.”
(2) Người công chính từ
bỏ đường ngay sẽ bị luận phạt: Thiên Chúa nhân từ nhưng cũng công bằng. Ngài
kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, và ban ơn gìn giữ người ngay lành đừng phạm tội. Tuy
nhiên, Ngài cũng báo trước: “Nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình
mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả
những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và
tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.”
1.2/ Lý luận của con người:
Đứng trước cách phán xét của Thiên Chúa, nhiều
người sẽ nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Thiên
Chúa trả lời: “Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta
không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?”
- Lý luận của con người:
Chẳng lẽ chỉ vì phạm một tội cuối đời mà người công chính phải hư mất? Nếu
Thiên Chúa công bằng, Ngài phải bỏ tội và phúc lên cân xem bên nào nặng hơn. Nếu
bên tội nặng hơn, phải chịu hình phạt; nếu bên phúc nặng hơn, cần được thưởng.
- Trả lời: Tội và phúc
không phải như đồ vật có thể cân được; nhiều khi một tội xem ra nhẹ, nhưng gây
hậu quả nặng nề; và ngược lại. Hơn nữa, tội rất hay lây. Nếu một con vi trùng
ung thư có thể làm thiệt hại mạng sống, tội còn gây hậu quả nặng nề hơn thế nữa.
Ví dụ, trường hợp ngọai tình của Vua David: không những gây thiệt hại mạng sống
cho Uriah, cho đứa con đầu lòng, cho Amnon và Absalom; mà còn để lại những vết
thương lòng cho chính Vua David, Bà Bathsebah, và con gái Tamar. Đấy là chưa kể
làm gương mù cho nhiều người và xáo trộn tình hình chính trị cả nước. Thiên
Chúa là Đấng xét xử công minh, Ngài sẽ thưởng phạt chúng ta công bằng. Chúng ta
không biết được hậu quả của tội; điều hay nhất là tránh mọi tội.
2/ Phúc Âm: Môn đệ Chúa phải sống công chính hơn các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.1/ Giết người không chỉ
giết về phần xác: Nhiều người khi xét tới điều
răn thứ năm, thứ chín, và thứ mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ
giết người, ngọai tình, và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh
chúng ta phải xét mình cẩn thận hơn. Có những người muốn giết người, ngọai tình
trong tư tưởng, và ham muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người
phạm tội. Về việc giết người, Chúa nhấn mạnh đến 3 điểm sau:
- Ai giận anh
em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Có hai động từ “giận” trong Hy-lạp: (1)qumomace,w có
nghĩa “tức giận,” nhưng xong rồi thôi. Cơn giận nổi lên như lửa gần rơm, nhưng
rồi cũng mau chóng nguội. (2) ovrgi,zomai chỉ sự giận âm ỉ, hờn
giận. Cái giận thứ nhất có thể tha thứ vì thuộc bản năng con người; cái giận thứ
hai đáng bị luận tội hay bị đưa ra tòa xét xử, vì là cái giận giai dẳng và từ
chối không tha thứ, dù trí khôn đã cho biết phải bỏ qua. Cái giận mà có người
nói “sống để trong lòng, chết mang theo.” Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ
lột tả được cái giận này: “Giết nhau chẳng cái lư cầu. Giết nhau bằng cái âu sầu
độc chưa.”
- Ai mắng anh
em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. ~Raka, có
nghĩa người không có trí khôn, không biết suy xét; nó là tiếng khinh thường tha
nhân. Con người thường rất tức giận khi nghe ai mắng mình là “đồ ngu ngốc.”
- Còn ai chửi anh
em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Mwre,
có nghĩa là người hành động như người điên rồ về phương diện luân lý. Thánh Vịnh
14, câu 1 nói “Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!"
Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện.” Gọi
ai Mwre, có nghĩa khinh thường họ có một cuộc đời vô luân, làm đĩ
làm điếm, không xứng đáng với người có đạo. Tội làm mất danh giá người khác qua
việc nói xấu, nói hành là tội nặng, và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
2.2/ Phải hòa thuận trước
khi rước Mình Thánh Chúa: Luật Cựu Ước đòi
phải dâng lễ vật để đền tội đã phạm đến Thiên Chúa và con người. Vì thế, Chúa
Giêsu nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người
anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ,
đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Nếu không
giao hòa và tha thứ cho anh em, làm sao con người có thể dâng lễ vật để xin
Thiên Chúa tha thứ tội của mình. Tương tự khi con người lên rước lễ, nếu còn
đang có chuyện bất bình với tha nhân, làm sao họ có thể kết hợp và xin sự tha
thứ của Thiên Chúa?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều
có thể từ xấu trở nên tốt, và từ tốt trở nên xấu. Nếu Thiên Chúa nhân từ không
muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống; Ngài cũng
công bằng xét xử, nếu người công chính bỏ đàng tốt lành để theo đàng tội lỗi.
- Để trung thành theo
đàng công chính, con người cần hiểu biết và sống theo những điều Chúa dạy; nhất
là phải tuyệt đối sợ và tránh xa tội.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
23/02/2018
THỨ SÁU TUẦN 1 MC
Th. Pô-ly-cáp, giám mục, tử đạo
Mt 5,20-26
Th. Pô-ly-cáp, giám mục, tử đạo
Mt 5,20-26
XIN LỖI NGƯỜI ANH EM
“…Hãy đi làm hoà với
anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)
Suy niệm: Là con người, ai cũng có
thể phạm lỗi lầm. Mà đã phạm lỗi, trước hết phải biết xin lỗi. Vì thế, xin lỗi
là điều cần thiết phải làm thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Ta có thể cảm
nghiệm được điều này là một lời xin lỗi, dù vụng về đến đâu, cũng có thể đem lại
một hiệu quả nào đó, khi lời xin lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chân thành, sẵn
lòng chịu trách nhiệm về điều sai lỗi của mình. Trong thánh lễ, ta thú nhận với
Thiên Chúa và anh chị em về lỗi phạm của mình trong tư tưởng, lời nói, việc
làm. Thế nhưng, có thể ta chỉ thú nhận trên môi miệng, theo thói quen cách máy
móc, chứ chưa hẳn đã thành tâm hối hận, muốn sửa chữa và đền bù. Làm hòa với
nhau là điều vô cùng cấp bách, đến nỗi Chúa Giê-su dạy ta để của lễ trước bàn
thờ, đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất hòa với ta, rồi mới trở lại
tiếp tục dâng của lễ cho Chúa (c. 23-24).
Mời Bạn: Lời xin lỗi rất cần thiết
với mọi người trong cuộc sống. Không chỉ người “nhỏ” phải xin lỗi người “lớn,”
mà cả người “lớn” cũng phải biết xin lỗi người “nhỏ.” Sai lầm làm bạn bất an và
cuộc sống trở nên nặng nề, nhưng lời xin lỗi chân thành khả dĩ phục hồi niềm
vui của cuộc sống. Mời bạn hãy can đảm nói lời xin lỗi với tha nhân và Chúa, với
ý muốn sửa lỗi và đền bù, khi tham dự thánh lễ hay trước khi đi ngủ.
Sống Lời Chúa: Hãy cảm nghiệm và sống câu
Lời Chúa này: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn
giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26).
Cầu nguyện: Đọc kinh Thú nhận chậm rãi mỗi ngày để
xin lỗi Chúa và tha nhân trong Mùa Chay này.
(5 phút Lời Chúa)
Làm hoà
(23.2.2018 – Thứ sáu Tuần 1 Mùa Chay)
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em. Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.
Suy niệm:
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có
tính tôn giáo,
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự
viên:
“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng
chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu
cho mình…
Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng
chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi
chớ giết người.”
Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải
thích giới răn ấy.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”
Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái
tim con người:
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).
Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không
hay.
Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục
người khác.
Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ
giết người.
Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận
chính đáng,
như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người
anh em.
Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.
Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ
và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại
dâng của lễ.
Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu
khí hòa thuận.
Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên.
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa
với các anh em đang có điều bất bình với ta,
phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người
gây chuyện.
Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c.
25).
Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp
cho ổn thỏa.
Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và
tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa
với Chúa,
vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống
gần bên.
Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng,
nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ
muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng
tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu
rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn
mới,
để vòng tròn được mở rộng
đến vô cùng
và trái tim được lớn lên
mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết
rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương
và lục địa.
vòng tay người nối với
người,
vòng tay con người nối
với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người
chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang
tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm
lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG HAI
Tấn Công Vào Tận
Sào Huyệt Của Tội Lỗi
Thánh Vịnh 91 rung lên
âm hưởng từ kinh nghiệm được mô tả trong cuộc Xuất Hành của It-ra-en. Quả thế,
thánh vịnh này được lặp lại trong phụng vụ Lễ Phục Sinh. Đó là một khúc ca về
niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng giải cứu và che chở bất cứ ai tự
đặt mình trong sự bảo vệ của Ngài:
“Hỡi ai nương tựa Đấng
Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền
năng tuyệt đối,
hãy thưa với Chúa rằng:
‘Lạy Thiên Chúa, Ngài
là nơi con náu ẩn,
là đồn lũy chở che,
con tin tưởng vào Ngài.’”
(Tv 91, 1 – 2).
Trên con đường tiến về
với Thiên Chúa, mọi tín hữu – giống như gã Aramean lang thang – là một lữ khách
phải đi qua bao rủi ro và nguy hiểm. Như tác giả thánh vịnh nói: “Bạn có thể giẫm
lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.” (câu 13). Nhưng hễ ai
tin, thì Thiên Chúa sẽ giải cứu và đưa vào mối quan hệ mật thiết với chính Ngài
– và đấy là mục tiêu của tất cả chúng ta là những lữ khách trên con đường dương
thế. Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy rõ ràng rằng Giáo Hội – được hướng dẫn bởi
Đức Giêsu là Chúa của mình – bắt đầu cuộc hành trình cứu độ, cuộc hành trình
đưa về sự giải phóng đích thực. (cf. Lc 4, 1 – 13).
Giao ước mới của Đức
Kitô cung ứng cho chúng ta sự tự do khỏi sự dữ – tức khỏi sự tội và sự chết.
Con đường giải phóng ấy bắt đầu với chiến thắng của chúng ta trên những cám dỗ.
Vì cám dỗ dẫn đến sự tội, và vượt qua cám dỗ tức là vượt qua tội lỗi ở tận gốc
rễ của nó! Và cái gốc rễ mà chúng ta phải chặt bằng rìu trước hết là thói ích kỷ
và kiêu căng nơi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình” (Lc 9, 23).
Hạnh Các Thánh
23 Tháng Hai
Thánh Polycarp
(c. 156)
Là
môn đê của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh
Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo
đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.
Tuy
nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà
thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy
không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào?
Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?
Khi
các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy
trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về
vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.
Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu
trả lời - trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh
Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên
Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."
Khi
đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi
Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người
Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên (*), khi đối chất với Ðức
Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng
tôi." Ðức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận
ngài là đứa con của Satan."
Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, ngài lại rất khoan dung và
tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh.
Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự
Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây
Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua. Khi Thánh
Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất
đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô
Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà
nguyện của đức giáo hoàng.
Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo
đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" -
không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại
cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là
"một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một
mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."
Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên
cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Thánh
Polycarp thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong một nông trại
gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi
họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.
Thấy
đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh
thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy
một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài
như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy
trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm
ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.
Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông
sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ"
tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử
đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.
Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội
Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.
Lời Bàn
Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu
thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Ðức
Giêsu Kitô. Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào Thiên Chúa, ngay cả khi các
biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này. Sống giữa những người
ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của
ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và
gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa. Sự tín thác vào Thiên Chúa của ngài được
tóm lược trong câu nói trước khi chết:"Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài,
vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Ðạo, Chương 14).
Lời Trích
"Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức
tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu
dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu
Philippi).
(*)
Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của
Tân Ước, và Ðức Giêsu là Con của Thiên Chúa trong Tân Ước.
Trích từ NguoiTinHuu.com
23 Tháng Hai
Ánh Sáng Hồi Phục
Mới đây tại trường đại học y khoa Stanford
bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức,
nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân
tạo này là một phó nhòm thuộc tiểu bang California. Ông đã chứng kiến cái cảnh
thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần bảng của phòng hồi sức chỉ thấy
toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày
trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh
nhân khó hồi phục mà còn để lộ những triệu chứng của bệnh tâm thần.
Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ
một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với
ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay
đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây
bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi
với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.
Trong tương lai gần đây, người ta cũng
có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như các vì sao lấp lánh trên khung cửa.
Con
người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng
không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp cho con người khỏi cô
đơn. Bóng tối dễ làm cho con người cô đơn và sợ hãi...
Có
nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống chúng ta. Bóng tối của ích kỷ, của ganh
ghét, của hận thù, của đam mê... Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta
càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn. Người càng sống ích kỷ, người
càng nghiền ngẫm đắng cay, hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình...
Chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa
trị những băng hoại trong tâm hồn. Có ánh sáng của Lời Chúa để soi sáng dẫn từng
đường đi nước bước của chúng ta. Có những ánh sáng của những nghĩa cử hằng
ngày. Không có một nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng để giúp
chúng ta hồi phục vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác
ái, một biểu lộ tin yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến
cho tăm tối cô đơn trong tâm hồn chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Lectio Divina: Mátthêu 5:20-26
Thứ Sáu Sau Chúa Nhật I Mùa Chay
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và
từ bi lân tuất,
Chúa đòi hỏi chúng con phải có trách nhiệm
Với điều lành cũng như điều dữ chúng con làm
Và chúa kêu gọi chúng con phải hối cải.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy giúp chúng con đối diện với chính mình
Rằng chúng con không thể dùng lời bào chữa hời hợt
Để khỏa lấp những lỗi lầm của chúng con.
Xin Chúa hãy khiến cho chúng con thành thật với chính mình,
Và nhận thức được rằng chúng con luôn có thể trông chờ vào Chúa Giêsu Kitô
Là Đấng hướng dẫn và là sức mạnh của chúng con trên con đường hướng về Chúa,
Bây giờ và cho đến muôn đời.
2.
Phúc Âm – Mátthêu 5:20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các ngươi không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các ngươi chẳng được vào Nước Trời đâu.
Các ngươi đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.
Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.
Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”
3.
Suy Niệm
– Văn
bản bài Tin Mừng hôm nay là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn hoặc bao quát hơn: từ câu Mt 5:20 đến 5:48.
Trong những câu Tin mừng này, thánh sử Mátthêu cho chúng ta biết Chúa Giêsu diễn giải và giải thích Lề Luật của Thiên Chúa như thế nào. Chúa lặp lại câu này năm lần: “Các ngươi đã nghe dạy người xưa rằng, Ta bảo thật cho các ngươi biết!” (Mt 5:21, 27, 33 , 38,
43). Trước đó, Người đã nói: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ; Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn chúng” (Mt 5:17). Thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề Luật là phá vỡ và tiếp nối trong cùng một lúc. Người phá vỡ đi những diễn giải sai lầm, nhưng vẫn duy trì vững chắc mục tiêu mà Lề Luật cần phải đạt được: thực hành một nền công lý cao cả hơn, đó là Tình Yêu.
– Mt
5:20: Công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái. Câu Tin Mừng đầu tiên này trình bày chìa khóa chung cho tất cả mọi việc theo sau đó của đoạn Mt
5:20-48. Từ ngữ Công Chính không bao giờ xuất hiện trong
Tin Mừng của Máccô, và nó xuất hiện bảy lần trong
Tin Mừng Mátthêu (Mt 3:15; 5:6, 10, 20;
6:1, 33; và 21:32). Điều này có ít nhiều liên quan đến tình trạng của cộng đoàn mà thánh Mátthêu đã viết cho họ. Ý thức tôn giáo của dân Do Thái thời bấy giờ là “nên công chính trước mặt Thiên Chúa”. Người Biệt Phái đã được dạy: “Người ta đạt được sự công chính trước mặt Thiên Chúa khi họ thành công trong việc tuân giữ tất cả các quy tắc của lề luật trong mọi chi tiết của nó!” Giáo huấn này đã tạo ra sự đàn áp mang tính cách pháp lý và đã gây ra nỗi đau khổ lớn lao trong dân chúng, bởi vì rất khó mà có thể tuân giữ được tất cả các quy tắc (xem Rm 7:21-24). Đây là lý do tại sao Mátthêu đã dùng lời của Chúa Giêsu về sự công chính để cho thấy rằng nó phải vượt hẳn sự công chính của người Biệt Phái (Mt 5:20). Theo lời Chúa Giêsu, sự công chính không đến từ những việc tôi tuân thủ lề luật cho Thiên Chúa, mà là từ những gì Thiên Chúa làm cho tôi, chấp nhận tôi là con cái Người. Lý tưởng mới mà Chúa Giêsu đưa ra là như sau: “Vậy các con hãy nên toàn thiện như Chúa Cha các con trên trời!” (Mt
5:48). Có nghĩa là: Các con sẽ trở nên công chính trước Thiên Chúa khi các con cố gắng chấp nhận và tha thứ cho người ta như Thiên Chúa đã chấp nhận và tha thứ cho các con, cho dù các con có thiếu sót và tội lỗi.
– Qua
năm ví dụ rất cụ thể này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết phải làm gì để đạt được sự công chính vượt hẳn sự công chính của các Kinh sư và Biệt Phái. Như chúng ta có thể thấy, bài Tin Mừng hôm nay đưa ra ví dụ về lối giải thích mới của điều răn thứ năm: Chớ giết người! Chúa Giêsu đã mặc khải về việc Thiên Chúa muốn gì khi Ngài trao giới răn này cho ông Môisen.
– Mt
5:21-22: Lề luật dạy rằng: “Ngươi không được giết người!” (Xh
20:13). Để tuân giữ đầy đủ giới răn này, nếu chỉ tránh việc giết người thôi thì chưa đủ. Người ta cần phải nhổ tận gốc rễ tất cả mọi mầm mống mà, cách này hay cách khác, có thể dẫn đến việc giết người; ví dụ, giận dữ, thù hận, mong muốn trả thù, xúc phạm, lợi dụng, v.v.
– Mt
5:23-24: Cách thờ phượng hoàn hảo mà Thiên Chúa muốn. Để được Thiên Chúa chấp nhận và duy trì sự kết hợp với Người, điều cần thiết là người ta phải đi làm hòa với anh chị em mình trước. Trước khi Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy, vào thập niên 70, lúc ấy các Kitô hữu Do Thái đã tham dự vào các cuộc hành hương ở Giêrusalem để dâng của lễ và lời thề hứa của mình tại Bàn Thờ, họ luôn nhớ đến lời giáo huấn này của Chúa Giêsu. Trong thập niên 80, khi mà Mátthêu viết sách này, Đền Thờ và Bàn Thờ đã không còn nữa. Chúng đã bị người La Mã phá hủy. Cộng đoàn và các nghi thức cộng đoàn đã trở thành Đền Thờ và Bàn Thờ Thiên Chúa.
– Mt
5:25-26: Đi làm hòa. Một trong những điểm mà Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh nhiều nhất là việc làm hòa. Điều đó chỉ ra rằng trong các cộng đoàn thời ấy, có rất nhiều căng thẳng giữa các nhóm cực đoan với những xu hướng cách biệt và đôi khi có cả những kẻ chống đối. Không ai muốn nhường bước trước kẻ khác. Không có đối thoại. Thánh sử Mátthêu soi sáng cho tình trạng này với Lời của Chúa Giêsu về việc làm hòa đòi hỏi sự chấp nhận và hiểu biết. Bởi vì tội lỗi duy nhất mà Thiên Chúa không tha thứ là việc không tha thứ cho người khác (Mt
6:14). Đó là lý do tại sao, bạn hãy cố gắng làm hòa trước khi quá muộn màng!
4.
Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Ngày
nay có nhiều người lớn tiếng hô hào “Công lý!” Đối với tôi, nền công lý của Tin Mừng có ý nghĩa gì?
– Tôi ứng xử ra sao trước những kẻ không chấp nhận tôi? Chúa Giêsu đã ứng xử ra sao trước những kẻ không chấp nhận Người?
5.
Lời nguyện kết
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
Nghe lời con tha thiết nguyện cầu!
(Tv 130:11-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét