Trang

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Lời cầu nguyện của người chiêm niệm, kỳ cuối

Lời cầu nguyện của người chiêm niệm, kỳ cuối
Vũ Văn An
25/Feb/2018

Cầu nguyện và Dấn thân 

Khi xem xét kinh nghiệm cầu nguyện của Thánh Têrêxa như “một chia sẻ thân mật giữa bạn bè,” ta có thể thấy việc cầu nguyện và lý tưởng chiêm niệm của ngài là một kinh nghiệm dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó. Điều này hiển hiện ngay ở các trang đầu của Đường Trọn Lành; “Tôi vốn chỉ ước mong và vẫn còn ước mong rằng vì Người có quá nhiều kẻ thù và ít bạn bè như thế, nên số bạn bè ít ỏi này phải là những bạn bè thật tốt. Thành thử, tôi quyết tâm làm ít thôi trong khả năng của mình; nghĩa là, sống theo các lời khuyên của Tin Mừng một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể và cố gắng để số người ít ỏi đang sống ở đây này cũng làm y như vậy.” (W.1.2) Cầu nguyện đưa chúng ta vượt quá chính chúng ta. Có một sự dấn thân thâm hậu hóa muốn sống ơn gọi của mình một cách trung thành và đáp trả các đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử trong đó, ta đang sống.

Dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó cho Giáo Hội và thế giới không phải chỉ là hoa trái của cầu nguyện. Đối với Thánh Têrêxa, cầu nguyện còn là việc dấn thân và quyết tâm giúp đỡ thế giới nữa.
     
Cầu nguyện như tình bạn với Thiên Chúa là phải hòa mình vào thế giới của Thiên Chúa vì Thiên Chúa vốn dấn thân với con người và lịch sử nhân bản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm,” vì cầu nguyện chiêm niệm thanh tẩy và giải thoát ta khỏi các dây trói của ích kỷ và biến đổi cách nhìn và cách yêu thương của ta; chiêm niệm mở đôi mắt ta để thấy vẻ đẹp của thế giới Thiên Chúa và của các anh chị em ta và đổ đầy trái tim ta lòng cảm thương đối với các đau khổ của con người. Người của cầu nguyện nào biết mình được Thiên Chúa yêu thương sẽ thấy mình được tái tạo và được Thiên Chúa cứu rỗi và nay trở nên dụng cụ cứu rỗi cho người khác. Gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện là gặp gỡ chính ta, khám phá ra sự thật của riêng ta, và rồi ta hiến mình cho người khác, vì đời sống là về tất cả các điều ấy: tự hiến, yêu thương, hiệp thông.

Chính vì thế, ở TòaThứ Bẩy, Thánh Têrêxa bảo chúng ta rằng “Các con thân mến, đây là lý do để cầu nguyện, mục đích của cuộc hôn nhân thiêng liêng này: luôn luôn sinh ra việc làm tốt lành, việc làm tốt lành.” (7M.4.6) Người của cầu nguyện cảm nghiệm một sức mạnh ở bên trong thúc đẩy họ chia sẻ tình yêu và cảm thương của Thiên Chúa với người khác. Đây là một điều Thánh Têrêxa quan sát được từ chính kinh nghiệm của ngài. “Tôi để ý có một số người, không nhiều lắm do tội lỗi của ta, càng tiến tới trong lối cầu nguyện và hồng ân của Chúa chúng ta này, thì họ càng chú tâm tới nhu cầu của người lân cận họ, nhất là các nhu cầu của linh hồn những người này.” (MC.7.9)

Ta thấy điều đó nơi Thánh Têrêxa. Ta thường giải thích ơn gọi của các nữ tu Carmel Đi Chân Đất bằng chính lời lẽ của Thánh Têrêxa: “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ Bản B). Là “tình yêu trong trái tim Giáo Hội” có nghĩa gì? Nghe thì đẹp quá, nhưng ở đời thực, nó tròn méo ra sao?

Như ta biết, ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa cháy rất sâu trong trái tim Thánh Têrêxa. Ngài cảm thấy những ước nguyện không tài nào thể hiện được và rất mênh mông muốn được yêu Chúa Giêsu và công bố Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa cho người khác. Ngài bị dằn vặt bởi các ước muốn được làm chiến binh, thập tự quân, linh mục, tông đồ, tiến sĩ Giáo Hội, và tử đạo. 
    
“Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, nếu con muốn viết ra tất cả các ước muốn của con, thì con cần đến cả một cuốn tiểu sử: trong đó các hành động của mọi vị thánh được ghi lại.” (Thủ Bản B) Được thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô gợi hứng, với lời dạy rằng tình yêu là ơn phúc thiêng liêng vĩ đại nhất và kéo dài mãi mãi, Thánh Têrêxa đã khám phá ra ơn gọi làm tình yêu trong trái tim Giáo Hội. “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu”. Ngài muốn được kết hợp với Chúa Thánh Thần đến độ trở thành sự hiện diện yêu thương trong Giáo Hội, trong cộng đồng của ngài, và trong thế giới. Hơn nữa, Thánh Têrêxa cũng là người hiện thực. Ngài hiểu rõ tình yêu không thể tồn tại trên bình diện mộng mị, viễn mơ và xúc cảm. Tình yêu phải được phát biểu bằng hành động. Ngài cũng biết: tình yêu là vĩnh cửu và có năng lực đi thâu qua các bức tường, các biên giới, các quốc gia, các dinh thự Giáo Hội, các gia đình, và chữa lành được các cõi lòng tan nát và hồi hướng các cuộc đời. Dùng hình ảnh “rắc hoa,” ngài nói lên sự dấn thân của ngài trong việc thực hiện các hành vi yêu thương cụ thể ngay lúc này và các hành vi yêu thương này sẽ có hiệu quả nhân thừa trong thế giới. Chúng sẽ có giá trị vô chừng trước mặt Thiên Chúa và giúp Giáo Hội chiến đấu và những người đang chịu đau khổ trong luyện ngục.    

Điều gây ấn tượng hết sức về Thánh Têrêxa là ngài sống một cách có ý hướng. Ngài áp dụng tình yêu một cách có ý hướng, có ý thức, và lưu ý đến mọi hành vi và mối liên hệ trong đời sống hàng ngày của ngài và dâng các hành vi yêu thương này vì phần rỗi của người khác. Các hành vi tin và yêu đầy tính anh hùng của ngài trong 18 tháng sau cùng của đời ngài khi ngài bị săn đuổi bởi các hồ nghi đầy ám ảnh về việc hiện hữu của sự sống đời đời, (một thứ đêm đen đức tin ngài có chung với những người tội lỗi và vô thần, những người được ngài gọi là anh em, và dâng các đau khổ của mình cho họ), chứng tỏ sự cảm thương và quan tâm sâu xa của ngài đối với phần rỗi của nhân loại.

Thánh Têrêxa thách thức ta nghi vấn tính ý hướng của ta, việc yêu thương của ta, và cách ta sống đời sống chiêm niệm của mình. Tại sao ta làm điều ta đang làm? Đâu là động lực khi ta thức dậy vào buổi sáng? Điều gì làm động lực cho các mối liên hệ của ta, cho các cuộc gặp gỡ của ta với người khác, cho việc làm, việc cầu nguyện, các hành vi đơn giản của ta? Ta đem lại ý nghĩa gì cho các đau khổ, các tranh chấp, các cám dỗ, và thử thách của ta? Ta áp dụng tình yêu ra sao trong đời sống hàng ngày và trong các tương tác cộng đồng? Đó là các câu hỏi nghiêm túc vì nếu ta nói tới đời sống chiêm niệm và giá trị tông đồ của việc ta cầu nguyện cho nhân loại, thì tính ý hướng trong việc cầu nguyện của ta, trong các liên hệ của ta và trong việc ta yêu thương hết sức quan trọng và chủ yếu.

 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” 

 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Điều này đúng xiết bao đối với thế giới Thế Kỷ 21 của ta. Thế giới của ta đang rực lửa! Khi tôi đang viết giòng này vào Ngày Lễ Lá, hai nhà thờ Coptic đang bị đặt bom ở Ai Cập, sát hại ít nhất 43 người. Hãy nghĩ tới chiến tranh hóa học từng sát hại hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Syria. Thế giới quả đang rực lửa và Nhiệm Thể Chúa Kitô đang chịu một cuộc đóng đinh tại Trung Đông, Syria, Mễ Tây Cơ, và phần lớn Phi Châu. Hôm nọ, tôi đọc thấy năm nay 20 triệu người sẽ chết đói! Tình hình di dân hiện nay ở đất nước này và số phận nghiêm trọng của các di dân đang tuyệt vọng trốn thoát Trung Đông sang Âu Châu và nhiều nơi khác là một tình huống nghiêm trọng trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng làm ta thức tỉnh đối với nỗi đau khổ của các di dân và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới mở cửa biên giới và trợ giúp những người không nhà này.
     
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một phân tích về thực tại hiện thời và khuyên ta “luôn tỉnh táo rò xét các dấu chỉ thời đại.” (51) 

Một số các thách đố được Đức Giáo Hoàng khám phá ra là:

-  Ta đang thấy một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Thực phẩm bị vứt đi trong khi người ta chết đói.

- Chính các con người nhân bản bị vứt bỏ. Ta đang trải nghiệm việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng và con người đang trở nên không tài nào cảm nhận được lòng thương xót trước sự kêu gào của người nghèo, hay khóc trước đau đớn của người khác. Ta ngày càng trở nên vô cảm trước nỗi đau thương của con người.

- Ta đang thấy việc thờ ngẫu thần tiền bạc.

- Đang có lời kêu gọi để có nhiều an ninh hơn tại các thành phố vì sự bất bình đẳng giữa người giầu và người nghèo đang nuôi dưỡng ngày một nhiều bạo lực hơn. Bạo lực giữa người trẻ ở Hoa Kỳ đang leo thang.

- Về văn hóa, việc duy tục hóa xã hội có xu hướng thu gọn đức tin và Giáo Hội vào lãnh vực tư và cá nhân. Ta đang thấy việc bác bỏ siêu việt và việc giảm giá trị đạo đức do đó mà ra, và việc làm suy yếu cảm thức tội cá nhân và tập thể.

-Các giám mục Hoa Kỳ vốn chỉ ra rằng việc Giáo Hội nhấn mạnh tới các qui luật luân lý khách quan, có giá trị đối với mọi người, đang bị chống đối bởi nhiều người trong nền văn hóa của ta và bị coi như một giáo huấn bất công. Giáo Hội bị coi như đang cổ vũ một thiên kiến đặc thù và xen mình vào tự do cá nhân. (64)

-Các gia đình đang gặp khủng hoảng thực sự. Hôn nhân bị coi chỉ là một hình thức thỏa mãn xúc cảm có thể được xây dựng hay pha chế tùy ý.

Hiện có khá nhiều thách đố trong việc hội nhập văn hóa đức tin. Đã có sự suy sụp trong cách người Công Giáo truyền lại đức tin cho lớp trẻ. Nhiều người cảm thấy vỡ mộng và không còn tự đồng hóa với truyền thống Công Giáo nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ huynh không thực hành đức tin, hoặc đưa con đi chịu phép rửa và dạy dỗ chúng cách cầu nguyện nữa.
    
Thánh Têrêxa sống trong “thời buổi khó khăn” nên ngài nói với con cái ngài rằng: “thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Thế giới hiện vẫn đang rực lửa và Chúa Kitô đang bị đóng đinh hàng ngày ở Syria, Phi Châu, Iraq, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Ta có thể làm gì giúp giập tắt các đám lửa bạo lực, hận thù, bất khoan dung tôn giáo, thờ ngẫu thân tiền bạc và dửng dưng đối với người nghèo và người thiếu thốn? Thánh Têrêxa cho biết: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.” (L.15.5) Chúng ta được kêu gọi trở nên những người bạn mạnh mẽ của Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện chiêm niệm và bác ái huynh đệ, mở tâm mở trí đón nhận năng lực biến đổi của chiêm niệm để có thể trở thành những cỗ xe chuyên chở chữa lành và cứu chuộc đến cho thế giới. Là các tu sĩ Carmel, ta tin rằng cầu nguyện có năng lực thay đổi cõi lòng và biến đổi thế giới. Ta không tận hiến đời ta cho Thiên Chúa nguyên vì lý do tìm sự cứu rỗi của riêng mình, mà là sự cứu rỗi của người khác và chia sẻ hồng ân tình yêu của Thiên Chúa, đặc sủng của chúng ta, vì sự cứu rỗi của mọi người. Thiên Chúa đã yêu ta đến độ đã ban cho ta khả năng yêu như Chúa Giêsu yêu; Chúa Giêsu, Đấng hiến đời mình để cứu chuộc mọi người và cứu ta để biến ta thành “những người cứu vớt,” cùng với Người, mang nhãn hiệu thập giá, trở nên nô lệ của mọi người như Người đã trở nên. (7M.4.8)

Các trường cầu nguyện 

Trong tư cách người chiêm niệm, làm sao ta rao giảng Tin Mừng? Một cách để ta rao giảng Tin Mừng là bằng đời sống cầu nguyện. Bằng cuộc sống của mình, ta làm chứng cho chiều sâu nội tâm của con người nhân bản như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa và sau cùng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn cõi lòng con người mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta rằng ngày nay, nhiều người không biết phải cầu nguyện ra sao. Nhiều người đơn giản không còn cảm thấy nhu cầu phải cầu nguyện hay chạy đến với Thiên Chúa lúc cần nữa. Nói cách khác, không còn mối liên hệ thực chất nào với Thiên Chúa nữa. Vì lý do này, các người chiêm niệm có thừa tác vụ cầu nguyện, có sứ vụ làm chứng cho những chiều sâu nội tâm của con người nhân bản và nỗi khát khao Thiên Chúa của ta được biểu lộ trong đời sống cầu nguyện. Không điều gì nên “làm bế tắc, làm trệch hướng, hay làm gián đoạn thừa tác vụ cầu nguyện của ta.” Bằng cách này, nhờ chiêm niệm, ta trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết hình ảnh Chúa Kitô và các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện.” (17)  Ý niệm cho rằng các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện” là điều quan trọng sinh tử, và tôi hiểu “trường cầu nguyện” đây là nơi người ta có thể cảm nghiệm được thánh nhan Thiên Chúa và được lôi kéo vào việc cầu nguyện và học cách cầu nguyện. Điều buồn là nhiều người không biết cầu nguyện ra sao, hay thậm chí không muốn cầu nguyện.

Số 2 của điều 5 phần kết luận và các qui luật khuyến khích việc nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các tu sĩ tận hiến khác và các giáo dân như phương thế để chia sẻ kinh nghiệm biến đổi của lời Thiên Chúa và như một biểu thức nói lên tình hiệp thông đích thực trong Giáo Hội. Đây là một chỉ thị quan trọng. Làm thế nào các đan viện của qúy chị trở thành các trung tâm nối vòng tay lớn thiêng liêng và “trường cầu nguyện?” Hình thức nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các người tận hiến và các giáo dân khác sẽ tùy thuộc từng cộng đồng và sự biện phân của họ. Có nhiều cách ta có thể khuyến khích một cuộc nối vòng tay lớn thiêng liêng. Thí dụ, mời người ta tham dự phụng vụ, chia sẻ sách thánh ca và cả sách Thánh Vịnh với những người tới dự Thánh Lễ và Kinh Phụng Vụ. Nếu có thể, cho phép người ta cầu nguyện trong nhà nguyện. Trong Đường Trọn Lành, Thánh Têrêxa nói với ta rằng “việc bận bịu của chị em là cầu nguyện;” “Thiên Chúa là việc để chị em bận bịu.” Nếu là thế, thì làm sao ta có thể giúp người ta cầu nguyện, làm sao đụng đến những tầng sâu nội thẳm nhất của họ?
   
Kết luận: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.” 

Thánh Têrêxa nhìn thấy sự quan trọng của các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa để nâng đỡ các người yếu ớt trong các thời buổi khó khăn của thế kỷ 16. Ngày nay, điều y hệt như thế cũng đang đúng trong thế kỷ 21 với mọi thách đố và thử thách ta đang đương đầu về phương diện bản thân, quốc gia và hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Đừng bao giờ quên rằng không được sống đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của chị em như một hình thức chỉ chăm chú đến mình: phải mở rộng trái tim chị em để ôm lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người đau khổ.” (16)  

Tôi xin kết luận bằng những lời sau đây của Mẹ Têrêxa Chúa Giêsu trích từ chương 3 cuốn Đường Trọn Lành:

“Đừng nghĩ sẽ vô ích khi có những lời cầu xin này [1] liên tục trong lòng, vì đối với một số người, không cầu nguyện nhiều cho linh hồn của chính họ hình như là một điều khó khăn đối với họ. Nhưng có lời cầu nguyện nào tốt hơn những lời cầu xin tôi đã nhắc đến? Nếu chị em băn khoăn nghĩ rằng các đau khổ của chị em trong luyện ngục sẽ không được rút ngắn, thì chị em hãy biết cho rằng nhờ lối cầu nguyện này, chúng sẽ được rút ngắn; và nếu chị em vẫn còn phải trả một số nợ nào đó, thì cứ làm. Đâu có hệ gì nếu tôi phải ở trong luyện ngục cho đến ngày phán xét nếu nhờ lời cầu nguyện của tôi mà tôi có thể cứu được dù chỉ là một linh hồn? Càng ít hệ trọng hơn xiết bao nếu lời cầu nguyện của tôi sinh ích cho nhiều người và để vinh danh Chúa. Đừng lưu ý tới các đau khổ sẽ chấm dứt nếu qua chúng, một phục vụ lớn lao hơn được thực hiện cho Người, Đấng đã chịu quá nhiều đau khổ vì ta.

Dường như tôi quá bạo dạn khi nghĩ rằng tôi có thể đóng một vai trò nào đó trong việc có sự đáp ứng các lời cầu xin này. Lạy Chúa, con tin tưởng vào các tôi tớ của Chúa đang sống ở đây, và con biết họ muốn và không cố gắng làm điều gì khác hơn là làm vui lòng Chúa. Vì Chúa, họ từ bỏ chút ít mà họ có, và họ muốn có nhiều hơn để có thể phụng sự Chúa. Vì lạy Chúa, Đấng dựng nên con, Chúa không vô ơn, nên con nghĩ Chúa nhất định sẽ làm điều họ nài xin Chúa. Mà Chúa, lạy Chúa, khi Chúa còn sống trên thế gian, Chúa cũng không khinh miệt đàn bà; đúng hơn, với lòng xót thương lớn lao, Chúa luôn giúp đỡ họ. [Và Chúa thấy nơi họ nhiều yêu thương và đức tin hơn là nơi đàn ông. Trong số họ, có Mẹ diễm phúc nhất của Chúa, và nhờ các công phúc của ngài, và vì chúng con mặc áo của ngài, chúng con cũng đáng được điều chúng con không xứng đáng, vì các lỗi phạm của chúng con...][2] Khi chúng con xin Chúa ban vinh dự, thu nhập, tiền bạc, hay các sự thế gian, Chúa đừng nghe chúng con. Nhưng khi chúng con xin Chúa cho vinh quang của Con Chúa, thì há tại sao Chúa lại không nghe chúng con, lạy Cha trường cửu, vì Người, Đấng đã mất cả ngàn vinh dự và cả ngàn sự sống vì Chúa? Lạy Chúa, không phải cho chúng con, vì chúng con không xứng đáng, nhưng cho máu Con Chúa và các công phúc của Người.” (W.3.6-7)

------------------------------
Chú Thích 

[1] Điều quan trọng cần nhớ câu hỏi và lời khuyên giữ Chúa Giêsu ở bên cạnh mình phát xuất từ chính cảm nghiệm của ThánhTêrêxa về Chúa Giêsu Phục Sinh (thị kiến Kitô Học), Đấng ngài “cảm thấy” rồi thấy bên cạnh ngài. Xem Đời Sống, 27-29.

[2] Sau khi nhìn ngắm vẻ đẹp lạ thường của Chúa, tôi không thấy có ai khi so với Người mà lại lôi cuốn được tôi hay chiếm giữ ý nghĩ của tôi. Nhờ hướng cái nhìn của tôi chỉ một chút thôi vào bên trong để nhìn ngắm hình ảnh tôi có trong linh hồn, tôi nhận được một sự tự do về phương diện này đến nỗi mọi sự tôi thấy ở dưới thế này đều đáng ghét thế nào khi so sánh với các phẩm tính trổi vượt và đẹp đẽ tôi được nhìn ngắm nơi vị Chúa này. (L.37.4)

[3] Đức Phanxicô, Misericordiae Vultus, 10.

[4] “Đây là tình yêu trong hình thức triệt để nhất của nó. Nhờ chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (xem 19:37), ta có thể hiểu khởi điểm của Thông Điệp này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính ở đó sự thật này được chiêm niệm. Chính từ đó, định nghĩa về tình yêu của ta phải bắt đầu. Trong việc chiêm niệm này, Kitô hữu khám phá được con đường mà đời họ và tình yêu của họ phải theo.  (Deus Caritas Est, 12)

[5] Chỉ Phôngxiô Philatô và câu Chúa Giêsu trả lời, mượn của Ronald Rolheiser, The Passion and the Cross, Franciscan Media, 2015, 12.

[6] Đêm đen này là việc Thiên Chúa chẩy tràn vào trong linh hồn tẩy rửa nó khỏi những ngu dốt và bất toàn thường tình, tự nhiên và siêu nhiên, và các người chiêm niệm gọi là chiêm niệm phú bẩm hay thần học huyền nhiệm.  Qua việc chiêm niệm này, Thiên Chúa dạy linh hồn một cách bí mật và huấn giáo nó sự trọn lành của tình yêu mà không xét đến việc nó làm hay hiểu nó xẩy ra cách nào. (2N.5.1)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét