Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

25-11-2018 : (phần I) CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN năm B - ĐỨC GIÊSU VUA VŨ TRỤ - LỄ TRỌNG


25/11/2018
Chúa Nhật tuần 34 Thường Niên năm B
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Lễ Trọng.
(phần I)


BÀI ĐỌC I: Đn 7, 13-14
“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8
“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 11, 10
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít tổ phụ chúng ta đã đến! – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37
“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðấng Thiên Sai là Vua
Bài Tin Mừng theo thánh Yoan hôm nay cho chúng ta thấy rõ Ðức Yêsu đã xưng mình là Vua trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, không thể tưởng tượng được khiến chúng ta cũng phải thay đổi hết mọi quan niệm thông thường khi nghĩ đến tước hiệu làm Vua của Chúa Yêsu Kitô. Làm như vậy chúng ta không ngại mừng lễ Chúa Yêsu Kitô Vua trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng đồng thời nhờ vậy chúng ta cũng biết phải tránh những gì có thể gây nên những sự hiểu lầm về mầu nhiệm Chúa Yêsu là Vua.
Ðể nắm vững vấn đề, chúng ta hãy sáng suốt nghe Lời Chúa dạy bảo hôm nay.

1. Một Thị Kiến
Daniel kể lại một thị kiến ban đêm. Thực ra thị kiến này đi sau một thị kiến khác. Nhà tiên tri trên giường nằm đã thấy chiêm bao. Ông đã viết lại và đại khái ông nói như thế này:
Tôi thấy bốn gió trời khuấy động biển cả. Và bốn mãnh thú to lớn khác nhau từ biển đi lên... Mãnh thú thứ tư dễ sợ đáng kinh và mạnh quá đỗi... Tôi mãi nhìn cho đến khi ngai được đặt hành và Ðấng cao niên ngồi xuống... Pháp đình an tọa và sổ sách mở ra Mãnh thú kia bị giết và thây nó bị hủy và phó cho lửa thiêu. Còn những mãnh thú khác, chúng bị tước hết quyền bính.
Nếu chúng ta đã nhớ những điều đã nói trong Chúa nhật trước về sách Daniel, chúng ta có thể dễ nhận ra ngay ý nhà tiên tri đang muốn nói gì. Biển cả trong quan niệm của các dân miền Cận Ðông là nơi phát xuất ra nhiều sinh vật, nhưng lại toàn là các mãnh thú, tượng trưng cho sự dữ. Bốn mãnh thú ở đây là những sức mạnh chính trị thời bấy giờ, thay lượt nhau thống lãnh các dân tộc và đặc biệt dân riêng của Chúa. Mãnh thú thứ tư dữ dằn hơn hết chính là Antiôkô, vị vua bắt đạo làm đổ máu người lành. Sự dữ tung hoành như vậy cho đến khi trời mở ra. Ngày của Chúa đến. Người ngự trên ngai; tổ chức pháp đình; sổ sách công tội được mở ra. Các kẻ dữ lần lượt chịu tội.
Ðó là thị kiến thứ nhất. Nói đúng ra đó là phần đầu của một chiêm bao còn tiếp diễn. Nó diễn tả các sự dữ xảy ra ở đời này, cho đến khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Lúc này sẽ là phần thị kiến sau.
Daniel thấy với mây trời như thể một Con Người đến. Ngài tiến lại Ðấng cao niên và được ban tặng quyền bính, vinh dự và vương triều.
Ngài là ai mà quyền bính sẽ không bị hủy và tất cả các dân phải làm tôi Ngài? Theo Daniel, đó là dân thánh của Chúa. Họ không sinh ra từ biển, tức là không bởi sự dữ mà có. Trái lại, họ đến với mây trời, ám chỉ họ bởi chính Thiên Chúa mà ra vì mây trời vẫn là một trong những hình ảnh để chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Có lẽ theo Daniel nữa, thì họ là những người lành thánh đã "giữ mình" trong thời bắt bớ của Antiôkô, và là các thánh nhân đã đổ máu vì Thiên Chúa trong cuộc bắt đạo này. Ðến ngày của Người, họ sẽ được đưa lên gần Thiên Chúa. Và Người sẽ ban tặng họ vinh dự, quyền uy, vương triều. Họ được chia sẻ quyền cai trị của Thiên Chúa và quyền bính của họ sẽ vô tận.
Ðó là cái nhìn đức tin của Daniel về thời cuộc lúc bấy giờ. Về sau, người ta có thói quen lấy vinh dự của toàn thể đặt nơi vị thủ lãnh của mình. Và danh từ Con Người không được hiểu về toàn dân thánh nữa, nhưng được dành riêng cho Ðức Kitô, vị Thiên Sai cứu thế. Là vì theo quan niệm thời xưa, cái gì vị thủ lãnh được cũng là để toàn thể hưởng. Dù sao cũng vì quan niệm này mà bài sách hôm nay đã được dùng để gợi lên vương triều của Chúa Yêsu Kitô. Chúng ta chấp nhận, nhưng không được quên ý của Daniel. Vương triều chỉ được ban cho những ai đã có công phấn đấu, đến cả thí mạng mình nữa. Và chỉ được ban trong ngày của Chúa, tức là trên bình diện Nước Trời, chứ không phải ở trần gian này. Những điều này rất cần để hiểu bài Tin Mừng hôm nay.

2. Một Cuộc Tra Hỏi
Thánh Yoan cho chúng ta thấy Ðức Yêsu bấy giờ đang ở trước tòa Philatô. Ông này rất lúng túng. Người Dothái không chịu vào phủ đường vì sợ mắc uế không ăn lễ vượt qua chiều hôm ấy được. Do đó Philatô lúc phải ra gặp họ ở ngoài phủ đường, lúc lại phải đi vào trong, tra hỏi riêng Ðức Yêsu. Ông lúng túng lúc ra lúc vào. Nhất là ông không biết phải xử vụ này ra sao. Người Dothái đòi xử tử Ngài... Còn Ngài nào có tội lỗi gì? Ðứng về quan điểm hành chính Rôma, chỉ có việc họ cáo Ngài là Vua là đáng kể. Nhưng không lẽ một con người như vậy mà lại là vua? Thành ra ông bắt đầu hỏi Ngài:
- Ông mà lại là Vua dân Dothái sao? Ông hỏi mà không tin ở lời mình. Rõ ràng ông rất lúng túng. Có lẽ vì vậy mà thay vì trả lời, Ðức Yêsu lại hỏi ông:
- Tự mình ông, ông nói thế, hay đã có ai khác nói với ông về tôi?
Dường như Người muốn giúp ông biện phân ra sự thật. Nhưng ông lại không muốn. Ông vừa muốn nói sự thật vừa không. Ông lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn: "Tôi là Dothái hay sao?". Có nghĩa là người Dothái nào nói với tôi điều đó? Thế thì sao ông không nhận quách đi, chính ông nghĩ như vậy. Nhưng thật sự ông không có ý tưởng như thế. Và nếu có, ông không hỏi nữa, hay có hỏi cũng sẽ có giọng tra hỏi hơn. Ðàng này, ông đã hỏi chỉ vì người Dothái đã cáo Ngài là Vua... mà như ông thấy, điều đó không thật được. Thế nên ông lúng túng...
Ðể ra khỏi thế khó xử này, Philatô chuyển sang chuyện khác. Ông nói rằng người Dothái đã nộp Ngài cho ông, thì hỏi Ngài để làm gì? Nhưng Ðức Yêsu không muốn bước sang chuyện ấy. Không gỡ được nghi vấn lúc đầu cho ông, lương tâm ông chỉ có thể cứ rối thêm mãi. Ðàng khác Ngài cần thực hiện mọi lời Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh bảo: Ðấng Thiên Sai là Vua. Cho đến nay Ngài từ chối danh hiệu này kẻo người ta hiểu lầm. Nay đến lúc phải làm trọn lời sách thánh. Daniel không tiên báo Con Người là Vua trước pháp đình, như chúng ta đã thấy ở trên sao?
Do đó, Ðức Yêsu đã tuyên bố: "Nước Tôi không thuộc về thế gian này..." để nói lên rằng Người không phủ nhận mình là Vua, nhưng đồng thời lại khẳng định Người không là Vua theo kiểu thế gian. Philatô có thể đã giựt mình. Ông hỏi lại cho chắc: "Vậy thì Ông là Vua sao?". Ðức Yêsu khẳng định một lần nữa: "Ông nói đó: Tôi là Vua". Tức là Người thấy Philatô không còn hoài nghi như lúc đầu nữa. Ông đã bắt đầu tin Ngài là Vua. Nhưng để ông đừng hiểu lầm, Ngài đã nói thêm: Ngài không làm Vua theo kiểu thế gian để cai trị trên người ta, nhưng để làm chứng cho sự thật. Philatô chắc chắn hiểu được phần đầu trong câu trả lời; vì ông vẫn nghĩ rằng theo quan điểm thế gian Ngài không thể nào là Vua được. Ngài không có bá quan văn võ, cũng chẳng có binh lính. Và chẳng thiết đến vấn đề này. Có bao giờ Ngài lộ ra ý tưởng muốn tổ chức một triều đình đâu? Vua gì mà để mình bị bắt nộp như thế này? Ðàng khác, Ngài uy nghi, sáng suốt, không thể có đầu óc điên đến nỗi tưởng mình làm Vua theo nghĩa bình thường được. Philatô đồng ý Ngài không là Vua theo kiểu thế gian.
Còn câu Ngài xác định sứ mệnh làm Vua của Ngài là làm chứng về sự thật, thì Philatô vừa không hiểu vừa không muốn hiểu. Người ta nói rằng ông có quan điểm triết học hoài nghi, tức là không nghĩ rằng có sự thật, vì theo ông sự thật chẳng là gì cả.
Tiếc thay, ông không nhớ mình đang đứng trước một Con Người tôn giáo, chứ không phải con người triết học. Ðức Yêsu không nói triết lý, nhưng nói tư tưởng Thánh Kinh. Thế mà sách Samuel quyển 2 chương 14 khẳng định Salomon, con Ðavít không những có quyền trị dân mà còn được ơn khôn ngoan. Vị hoàng đế lý tưởng là người biết được ý Thiên Chúa để đem ra cai trị. Thế nên sáng sáng ngài phải có tấm lòng của môn đệ để đón nhận Lời khôn ngoan của Chúa để biết đàng biện phân phải trái cho dân. Ở đây, Ðức Yêsu còn muốn nói xa hơn nữa vì Người còn hơn Salomon và là Con Ðavít sâu xa hơn vua này. Người sinh ra để đem chân lý, tức là sự thật trọn vẹn xuống mạc khải cho loài người. Người đem sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến. Người là chính sự khôn ngoan ấy. Người là mạc khải của Ðức Chúa Cha để cứu chuộc và nuôi sống người ta. Người là Vua khi đưa người ta vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và việc này chỉ xảy ra trong mầu nhiệm thập giá, là sự điên rồ trước mắt thế gian nhưng lại là sự khôn ngoan cao cả được giấu kín cho đến thời sung mãn.
Những ý tưởng này Philatô làm sao nhận được? Nhưng ông đã nhận Ngài là Vua. Ông để cho lính tráng chế diễu Ngài là Vua. Ông không nói gì khi chúng đội triều thiên gai và khoác áo đỏ hoàng đế cho Ngài. Chính ông sẽ còn đặt Ngài ngồi trên tòa ở nơi gọi là Gabbata và giới thiệu Ngài với dân Dothái: này là Vua các ngươi. Và cuối cùng chính ông truyền đóng bản án "Yêsu Vua Do Thái" lên đầu thập giá và khăng khăng bảo phải cứ để như vậy. Ông đã thi hành nhiều việc theo ý Chúa mà ông không biết. Chính Ðức Yêsu nói: Ngài sẽ kéo mọi người lên khi được treo lên. Thế mà Philatô lại đặt Ngài ngồi trên tòa và kéo Ngài lên cây thập tự. Ông đã giúp Ngài làm Vua trong mầu nhiệm Thánh giá theo như sách Daniel đã gợi lên.
Nhà tiên tri này đã mô tả Con Người được trao vương triều khi sự dữ đã bị đánh bại và Con Người đã ở trong mây trời. Những điều đó đã xảy ra trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Yêsu cứu thế, là mầu nhiệm tiêu diệt tội lỗi và đi vào vinh quang Thiên Chúa.
Chúa Yêsu Kitô làm Vua theo nghĩa đó... Nhưng không phải để cho mình, mà là để cho mọi người. Ðó là điều mà bài sách Khải huyền muốn nói lên.

3. Một Dân Vương Ðế
Thật ra thì bài sách Daniel đã nói rồi.
Con người được lãnh vương quyền trong bài tiên tri đọc hôm nay thoạt đầu là toàn dân thánh của Thiên Chúa. Về sau người ta mới đặt nó nơi Vị Thủ Lãnh như nơi kết tinh mọi vinh dự tập thể. Ở đây tác giả sách Khải huyền cho thấy sự thật thì chính Vị Thủ Lãnh của đạo mới thông đạt vương quyền của Ngài cho toàn dân.
Chắc chắn quan điểm của ông đúng hơn. Vì vương quyền nói đây không phải là cái gì của trần gian, nhưng là một đặc quyền của Thiên Chúa mà người ta được tham dự. Chính Ngài mới là Vua theo nghĩa tuyệt đối và cao siêu. Ngài chủ sự tất cả, và nhất là cứu thế là công trình của Ngài. Người ta chỉ có thể tham dự vào vương quyền của Ngài khi được giải thoát khỏi tội lỗi, để được đưa ra khỏi Nước tối tăm mà vào trong Nước sáng láng, thánh thiện của Ngài. Thế mà mọi người chỉ có thể được tha tội nhờ Ðức Yêsu và trong Ðức Yêsu . Chính Máu Ngài đã cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và đã làm ta thành một vương quốc tư tế cho Thiên Chúa.
Chúng ta đội ơn Ngài nhưng không được quên kết hiệp với Ngài. Ðó là điều kiện tiên quyết để được tham dự quyền bính của Ngài. Người ta đã khởi sự kết hiệp với Ngài trong bí tích Rửa tội là mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô. Nhưng còn phải ở trong mầu nhiệm ấy không ngừng để có thể mãi mãi là Con Người của sách Daniel, đang tiến lại gần Thiên Chúa để được trao ban vương triều.
Giờ đây cả cộng đoàn tín hữu cũng làm thành người Con Người ấy. Chúng ta tiến lên mầu nhiệm bàn thờ để được Con Người là Ðức Yêsu Kitô Cứu thế kéo lên. Chúng ta được ra khỏi Nước tối tăm của tội lỗi để được đưa vào Nước sáng láng của ân sủng. Chúng ta có thể và phải giữ ơn "làm Vua" ấy trong tất cả đời sống, khi chúng ta sống mầu nhiệm thánh giá trong mọi sinh hoạt của cuộc đời. "Con Người" mà Daniel đã nhìn thấy trong chiêm bao, thật sự đang hiện thân nơi chúng ta, nhờ ơn của Chúa Yêsu Kitô là Vua trên thánh giá đã kéo chúng ta lên gần Thiên Chúa để chúng ta được trao ban Vương triều. Chúng ta hãy suy nghĩ những điều ấy và đem ra thi hành... Cuộc đời của chúng ta sẽ là tiếng tung hô không ngừng: Chúa Yêsu Kitô Vua muôn năm!

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)




Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 34 Thường NiênLễ Chúa Kitô VuaNăm B
Bài đọc: Dan 7:13-14; Rev 1:5-8; Jn 18:33b-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô là Vua sự thật.
Con người ao ước được biết sự thật, nhưng bị vây quanh bởi những giả dối của thế gian: đồ giả, vàng giả, người giả, cha giả, sư giả, thần giả. Con người mong muốn được đối xử chân tình, nhưng lòng người lắm nẻo quanh co và khó đoán như bài toán đố; hứa đó rồi thất hứa vì những lợi nhuận vật chất làm con người thay đổi còn nhanh hơn chong chóng… Làm sao để học biết sự thật và cảm nhận được tình yêu chân thành?
May mắn cho con người, các Bài Đọc hôm nay chỉ đường cho con người để biết đâu là nguồn gốc của sự thật; con người không thể tìm đâu khác ngoài Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel tường thuật thị kiến một Con Người lãnh quyền vương đế, vinh quang, và thống trị vĩnh cửu muôn đời từ Thiên Chúa. Tất cả mọi người trên vũ trụ sẽ phải tuân phục quyền bính của Người Con này. Trong Bài Đọc II, tác giả Sách Khải Huyền xác tín Đức Kitô là Vua muôn thuở và muôn đời; ngay cả lúc Ngài hy sinh chịu chết vì con người. Mọi người đã giết và từ chối Đức Kitô sẽ đấm ngực than khóc khi nhìn thấy triều đại Người trị đến trong vinh quang. Trong Phúc Âm, cuộc đàm thoại giữa Đức Kitô và quan Tổng Trấn Philatos nêu bật sự khác biệt giữa vua thế gian và vua Nước Trời. Philatos hiểu Đức Giêsu muốn làm vua kiểu của thế gian như phần đông người Do-thái; trong khi Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Vua của Nước Trời, Vua của sự thật. Tất cả những ai biết lắng nghe và sống theo sự thật là con dân của Nước Trời, dưới quyền cai trị của Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
1.1/ Chúa Cha đặt Ngài làm Vua cai trị muôn đời: Tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến phong vương xảy ra trên trời cho một nhân vật đặc biệt: Người có hình dạng của một con người; nhưng lại đến từ trời. Người được dẫn tới trình diện Đấng Lão Thành, và Đấng này trao cho Người “quyền thống trị, vinh quang và vương vị.” Sau đó, muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Con Người đây chính là Đức Kitô, và Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa Cha. Thị kiến muốn nói lên quyền làm Vua của Đức Kitô trên tất cả mọi tạo vật của Thiên Chúa. Trước thị kiến này là thị kiến 4 con vật, tượng trưng cho sự chóng qua của các 4 đế quốc trên mặt đất: Babylon, Ba-tư, Hy-lạp, và Rôma.
1.2/ Vương quyền và vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời: Thị kiến cũng nói lên “quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; và vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.”
Con người luôn khát khao những gì vĩnh cửu, trường tồn. Trong lãnh vực cai trị, họ ước ao có được một vị anh quân cai trị họ đến muôn đời; nhưng thực tế chứng minh niềm khao khát này không bao giờ được đáp ứng vì các đế quốc tiếp tục đổi ngôi, và những nhà cai trị nổi danh cũng hết thời. Có 3 lý do tại sao ước mơ của con người không thành tựu: (1) Vua chúa và các thủ lãnh thế gian là những con người bất tòan. Họ sống bất công và không lo lắng cho dân; họ lợi dụng niềm tin của dân để vơ vét của cải cho mình. (2) Vuơng quốc trần gian luôn thay đổi: Hết triều đại này đến triều đại kia, hết đế quốc này tới đế quốc khác. Kiếm mỏi mắt được một người biết thương yêu lo lắng cho dân, lại bị ám sát hay chết sớm. (3) Dân chúng hỗn hợp nhiều lọai khác nhau: cả người lành lẫn kẻ dữ, cả chiên lẫn dê; vì thế, rất khó cai trị.
Nhưng đối với các Kitô hữu, thiên đàng chỉ có được ở đời sau, nơi mà cả 3 điều kiện trên đều có thể tìm được: (1) Vua duy nhất là Đức Kitô: Ngài sẽ chiến thắng tất cả, và các thủ lãnh thế gian phải qui phục Ngài. Ngài sẽ qui tụ tất cả về cho Thiên Chúa; sẽ cai trị trong tâm hồn; sẽ cai trị trong sự thật, công bằng, và thương yêu. (2) Vương quốc của Ngài là Nước Trời, sẽ tồn tại muôn đời. (3) Dân của Vua Kitô: chỉ tòan chiên (những người công chính), dê (những kẻ gian ác) bị lọai ra ngòai. Họ sẽ không bao giờ phải chết nữa. Điều kiện để thuộc về vương quốc: nghe tiếng sự thật và tin vào Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người.
2.1/ Những gì Đức Kitô làm cho con người:
(1) Đức Kitô là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an: Tác giả Sách Khải Huyền đề cập đến ba danh xưng của Đức Kitô, và những danh xưng này đều có liên hệ với nhau. Thứ nhất, Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành. Tất cả những gì Ngài nói đều ứng nghiệm và Ngài đã làm chứng sự trung thành với Thiên Chúa bằng cách chấp nhận ngay cả cái chết để chuộc tội cho con người. Thứ hai, Ngài là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy. Trước Ngài, chưa có một ai sống dậy từ cõi chết và không bao giờ chết nữa. Ngài là người đầu tiên đã chết, đã sống lại, và sống muôn đời. Thứ ba, Ngài là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, tất cả các vương quốc trần gian đều thuộc quyền của Ngài. Theo Phaolô, chính vì sự vâng lời Thiên Chúa và chấp nhận cái chết trên Thập Giá của Ngài, mà khi nghe danh hiệu Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, phải bái quì và tuyên nhận “Đức Kitô là Chúa” (Phi 2:11). Nhờ cái chết của Ngài mà con người nhận được hết ân sủng này đến ân sủng khác. Nhờ sự tin tưởng và sống theo những gì Đức Kitô dạy, mà con người tìm được bình an thực sự cho tâm hồn.
(2) Đức Kitô làm cho chúng ta thuộc về vương quốc và trở thành hàng tư tế: Ngài làm cho con người thuộc về vương quốc Nước Trời bằng cách đổ máu trên Thập Giá để rửa sạch tội lỗi và giao hòa con người với Thiên Chúa. Chúng ta cần chú ý đến cách dùng hai phân từ khác nhau trong câu này: Phân từ “yêu mến” được dùng ở thời hiện tại, vì Đức Kitô luôn yêu mến con người. Phân từ “rửa sạch” được dùng ở thời quá khứ, vì biến cố Đức Kitô đổ máu chỉ xảy ra một lần trên đồi Golgotha, và có sức để rửa sạch mọi tội lỗi con người.
Trong Cựu Ước, chỉ có tư tế mới được vào gặp Thiên Chúa trong nơi cung thánh, mọi người Do-thái đều phải dừng lại ở khu vực của họ. Bằng cái chết của Chúa Giêsu, bức màn trong Đền Thờ xé ra làm hai, để từ nay mọi tín hữu đều có thể cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa. Qua bí-tích Rửa Tội, người tín hữu trở được thành “tư tế phổ quát” (universal priesthood) để ”phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!”
2.2/ Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã giết chết hay từ chối: Sách Khải Huyền tường thuật thị kiến khi Đức Kitô đến lần thứ hai để phán xét nhân loại: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!”
Điều này không những áp dụng cho quân lính Rôma và những người Do-thái đã kết tội và giết Chúa Giêsu; nhưng cũng đúng cho mọi người qua mọi thời đã từ chối không tin vào Đức Kitô. Họ phải đấm ngực ăn năn, vì họ đã từ chối Người mang ơn cứu độ đến cho họ. Họ phải đấm ngực than khóc, vì Đức Kitô là sự thật. Ngài như một tấm gương soi; khi nhìn vào Ngài, mọi gian dối và mưu mô quanh co của họ bị lột tẩy ra tất cả. Con người nghĩ không ai có thể thấu hiểu những gì họ giấu kín trong tâm tư để đánh lừa Thiên Chúa và tha nhân; nhưng mọi ý nghĩ và việc làm của họ sẽ bị mọi người nhìn thấy trong Ngày Phán Xét.
Tác giả Sách Khải Huyền liệt kê ba danh xưng của Thiên Chúa: Thứ nhất, Ngài là Alpha và Ômêga: Đây là hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của Hy-lạp, có ý muốn nói Thiên Chúa là khởi nguyên vì nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, và là tận cùng vì muôn vật muốn tìm được ý nghĩa cuộc đời phải qui hướng vào Ngài. Thứ hai, Ngài là Đấng đã có, hiện có, và đang đến: Đối với Đức Kitô, không có quá khứ, hiện tại, hay tương lai, vì Ngài là Thiên Chúa; mọi sự đều xảy ra như trong hiện tại và liên tục đối với Ngài. Ngài không bao giờ thay đổi như con người. Sau cùng, Ngài là Đấng Toàn Năng, vì Ngài làm được mọi sự; và không có gì là không thể đối với Ngài.
3/ Phúc Âm: Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.
3.1/ Âm mưu gian tà của những người trong Thượng Hội Đồng: Để hiểu cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatos trong trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử chung quanh cái chết của Chúa Giêsu. Những người trong Thượng Hội Đồng của người Do-thái không có quyền giết Chúa Giêsu, vì họ đang bị cai trị bởi đế quốc Rôma. Vì thế, họ bắt Chúa Giêsu và trao nộp cho quan Tổng Trấn Philatos. Để có thể luận tội Chúa, Philatos cần biết lý do rõ ràng Ngài phạm tội gì. Lúc đầu người Do-thái buộc tội Chúa Giêsu phạm thượng (Jn 19:7), vì là người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Sau này họ biết được Philatos không muốn lên án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo (Jn 19:6), họ họp nhau lại tìm một lý do chính trị để làm áp lực với Philatos. Họ tố cáo Chúa Giêsu dám xưng mình là “Vua dân Do-thái;” và bất cứ ai xưng mình là vua, là chống lại Caesare (Jn 19:12).
3.2/ Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatos: Quan Tổng Trấn chỉ quan tâm đến một điều là làm sao cho Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là vua để có lý do luận tội Ngài; vì thế, ông cho gọi Đức Giêsu tới và hỏi Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giêsu biết rõ tà ý của những người trong Thượng Hội Đồng và Philatos, Ngài hỏi ngược lại: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Chúa Giêsu có ý nhắc nhở Philatos về bổn phận của ông như một người cầm quyền là phải điều tra kỹ lưỡng trước khi luận tội, chứ không chỉ nghe những gì người khác tố cáo mà luận tội người khác cách bất công. Để tránh né, Philatô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”
3.3/ Chúa Giêsu giải thích cho Philatos về vương quốc và cách cai trị của Ngài: Chúa Giêsu không sợ đương đầu với sự thật và tìm cách tránh né, người Do-thái hiểu đúng phần nào về Đấng Thiên Sai sẽ đến để cai trị họ trong công bằng và sự thật; nhưng họ không hiểu về phương cách dùng để chinh phục con người của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Philatos hiểu hai điều quan trọng:
(1) Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này: Người Do-thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ dùng sức mạnh để dẹp tan mọi quyền lực ngoại bang để giải thoát dân chúng và lên ngôi cai trị họ. Đức Giêsu giải thích quan niệm sai lầm này: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái; nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”
(2) Phương cách chinh phục dân của Chúa Giêsu: Khi vừa giải thích về vương quốc thực sự của Ngài, ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Lần chất vấn thứ hai này Chúa Giêsu xác nhận với Philatos Ngài là vua, không theo cách hiểu của vua và vương quốc trần gian; nhưng theo cách hiểu Ngài là Vua của Nước Trời và cách chinh phục dân là thuyết phục họ biết nghe theo và sống cho sự thật. Philatos không hiểu lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu hay không có can đảm sống theo sự thật, vì sau đó ông trao Chúa Giêsu cho họ đem Ngài đi đóng đinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chỉ có Đức Kitô mới đem lại cho chúng ta ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc đời, vì Ngài được Thiên Chúa trao ban mọi uy quyền, vinh quang, và vương vị. Chúng ta hãy mời Ngài vào tâm hồn để làm vua hướng dẫn, cai trị, và bảo vệ chúng ta.
– Thế gian đầy dẫy những gian trá và mưu mô đen tối để lừa lọc con người. Sự thật chỉ có nơi Đức Kitô vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nếu muốn tìm hiểu sự thật, chúng ta hãy đến học với Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP



25/11/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B
CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ
Ga 18,33b-37

SỰ THẬT TỪ VUA KI-TÔ
Phi-la-tô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đức Giê-su khẳng định: mục đích Ngài đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Sự thật nào? – Sự thật là Ngài, vốn là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người (ngoại trừ tội lỗi), chết dưới bàn tay con người, nhưng rồi sẽ sống lại. Sự thật ấy minh chứng rằng thế gian chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,16); dù vậy, Đức Giê-su vẫn một mực gắn bó với thế gian, bởi Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Sự thật ấy không nhằm tố cáo thế gian bội nghĩa, cho bằng minh chứng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi dám trao ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Tình yêu ấy là THẬT. Vấn đề con người có nhìn nhận sự thật ấy để được thuộc về sự thật hay không?
Mời Bạn: Mặc dù là Vua, nhưng Đức Ki-tô không ép ai thừa nhận, Ngài chỉ mời gọi: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Như thế, để thuộc về Vương quốc của Ngài, không phải cứ kêu lên “lạy Chúa” hay “tâu Vua,” mà là đứng về phía sự thật. “Sự thật” ấy là tiếp tục diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, và phải diễn tả cách trung thực như Vua Ki-tô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).
Sống Lời Chúa: Sự thật mà Vua Ki-tô muốn chúng ta làm cho sáng tỏ là “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin ban Thần Khí dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Đứng về phía sự thật ( 25.11.2018 – CN 34 Thường niên_ Lễ Chúa Kitô Vua)

Suy Niệm
Từ sau vụ nổ big-bang, vũ trụ được thành hình,
và càng ngày càng bành trướng.
Trái đất chỉ là một hạt bụi nhỏ xíu trong vũ trụ,
nhưng nó lại lớn lao vô cùng,
vì là hành tinh được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Con Thiên Chúa đã ghi dấu chân mình trên mặt đất,
đã sống trọn phận người bên cạnh nhân loại anh em.
Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ,
chúng ta được mời gọi ngắm nhìn trái đất tròn.
Ðây là vũ trụ của hơn 6 tỉ người đang sống.
Vũ trụ này sẽ đi về đâu? Lịch sử này sẽ đi về đâu?
Tất cả sẽ được hội tụ và biến đổi nơi Ðức Kitô,
để rồi Ngài sẽ dâng lại tất cả cho Thiên Chúa Cha.
Tuy Ðức Giêsu không nói rõ mình là vua,
cũng không chịu để dân chúng tôn vương mình,
nhưng Ngài lại nói nhiều về Nước của Ngài.
Nước đó, Philatô chẳng có gì phải sợ.
Một nước không có quân đội để chiến đấu,
không có lãnh thổ trên bản đồ, không thuộc về thế gian.
Nhưng Nước đó lại có những công dân thực sự.
Bất cứ ai đứng về phiá sự thật thì thuộc về Nước này.
Họ bắt gặp sự thật nơi lời chứng của Ðức Giêsu.
Họ đã nghe tiếng Ngài và theo Ngài tiến bước.
Có những người chưa biết Ðức Giêsu, nhưng đã ở rất gần Ngài.
Nước của Vua Giêsu là Nước của sự thật.
Sống theo sự thật chẳng bao giờ dễ dàng.
Kẻ trung thực thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột.
Sự dối trá nhiều khi được coi là khôn ngoan.
Người ta dối trá một cách trơn tru, không chút áy náy.
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Chúng ta không nghe được tiếng Chúa,
chỉ vì ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật,
như Philatô muốn giữ ghế ngồi hơn là cứu người vô tội.
Lương tâm bị băng hoại, lòng tin vào nhau bị đổ vỡ.
Cuối cùng chính chúng ta là nạn nhân của mình,
của một thế giới xây dựng trên những đồ giả.
Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ,
ta đặt mình trước một thế giới bề bộn bao vấn đề:
ô nhiễm môi trường, tăng dân số, aids, thất nghiệp, ma tuý,
mafia, tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu, bất công…
Thế lực của sự dữ và tội ác có vẻ thắng thế,
ích kỷ, hận thù, bạo lực tung hoành khắp nơi.
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Chúa mau đến,
mà còn đưa tinh thần Ðức Kitô vào mọi cơ cấu trần gian:
chính trị, xã hội, nghệ thuật, giáo dục, thể thao, giải trí…
Càng làm cho sự thật và tình yêu thắng thế
thì Nước Chúa càng lớn dần lên
cho đến lúc thành tựu viên mãn vào ngày tận thế.
Xin Ðức Giêsu làm vua cả vũ trụ loài người
nhờ làm vua tiểu vũ trụ là cõi lòng từng Kitô hữu.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi hai con người, một nam một nữ, tiến tới trước bàn thờ trong tư cách là thừa tác viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa. Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con người sắp trở thành vợ và chồng và sắp bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng chung sống, là dấu hiệu bên ngoài của cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ trong lòng. Con người ta không chỉ sống trong một mái ấm, họ còn xây dựng một mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ trong con cái. Và mái nhà của Cha chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của trái tim con người. Như vậy, chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy” (Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho chúng ta hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã được mô tả trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô khi Thánh Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo: “Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi đang nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Tình yêu của vợ và chồng có mẫu thức của nó nơi tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình yêu ấy cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình yêu này. Người hy sinh chính sự sống của Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của người là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, giúp cho những người vợ và chồng có thể yêu nhau với cùng tình yêu hiến thân đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, … thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu của Đức Kitô là một tình yêu bất diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống và đơm bông kết trái. Cũng vậy, các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau trong một sự kết hợp có sức sáng tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-11
Chúa Nhật XXXIV thường niên
Đức Giêsu Vua Vũ Trụ
Đnl 7, 13-14; Kh 1, 5-8; Ga 18, 33b-37.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ông Philatô nói với Người “Sự thật là gì?”
            Trong ngày Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ. Giáo Hội dành tôn vinh “Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ” Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nghe: Chúa Giêsu tuyên bố Người là Vua, Vua của những ai “đứng về sự thật”. Điều này đòi hỏi mọi Kitô hữu chúng ta phải học biết đâu là sự thật để mà đứng vào vị thế của mình. Chứ đừng như quan Tổng Trấn Philatô một người đại diện cho công lý xét xử Chúa Giêsu, thế mà ông lại hỏi Chúa Giêsu một câu thật ngớ ngẫn: “Sự thật là gì?”
            Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống hiện tại trong xã hội chúng con đang sống, sự thật không được tôn trọng. Xin Chúa ban cho chúng con những vị lãnh đạo biết tôn trọng sự thật, và cho mọi người dân, đặc biệt đối với con cái của Chúa có thêm sức mạnh để cam đảm nói lên sự thật, bảo vệ sự thật để đứng về sự thật như ý Chúa muốn.
Mạnh Phương


25 Tháng Mười Một
Không Quá Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:” Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ”. Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét