26/11/2018
Thứ Hai tuần 34 thường niên
BÀI ĐỌC I: Kh 14, 1-3,
4b-5
“Tên của Đức Kitô và của Cha
Người viết trên trán họ”.
Trích sách Khải Huyền
của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi ngắm
nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn
mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ.
Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền,
và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ
hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài
một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có
thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người
được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con
Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên
Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 1-2.
3-4ab. 5-6
A+B: Đó là dòng dõi
người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).
A)Chúa là chủ trái đất
và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính
Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.
B)Ai khá trèo lên cao
sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng
thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.
A)Người đó sẽ được
Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng
dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.
A+B: Đó là dòng dõi
người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).
ALLELUIA: Lc 21, 36 – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để
có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 21, 1-4
“Người thấy một bà goá nghèo
khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng
thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo
thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi
người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã
dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Cho Ði Tất Cả
Vào thời xưa cũng
như thời này, có những giai tầng bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc
bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi.
Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là
trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt
giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp
tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa nghèo trong Tin
Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của
bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác
tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá
trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà
xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có
thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được
thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể
cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng,
người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu
có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải
vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo
túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp
nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn
toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự
túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự
lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên
Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình
Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin
Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn
vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người
khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa
qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo
này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ
trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức
của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để
không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực
hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa
nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những
kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới
xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ
xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa
hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc
của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần
xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu
Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên
con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa mỗi ngày
Thứ Hai Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev
14:1-3, 4-5; Lk 21:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành
hy sinh cuộc đời cho Thiên Chúa
Trong những ngày cuối
năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng lòng con người về: (1) Sự chóng qua của đời này và
những giá trị cao quí của đời sau như: sự bất tử của linh hồn, sự sống lại, và
cuộc sống trường sinh mai sau. (2) Những mẫu gương cao quí và sự hy sinh của tiền
nhân: Đức Kitô, người mẹ anh hùng và 7 anh em nhà Maccabees, các thánh tử đạo
Việt Nam. (3) Kêu gọi chúng ta bắt chước các mẫu gương anh hùng đó: sống anh
hùng, sống chứng nhân, và dám hy sinh tất cả cho Nước Trời.
Các Bài đọc hôm nay
cũng theo chiều hướng đó: Bài đọc I tường thuật thị kiến Con Chiên và 144,000 bạn
đồng hành của Con Chiên. Họ trung thành bước theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào.
Bài Phúc Âm kêu gọi con người dám hy sinh tất cả như người đàn bà góa; Bà dám bỏ
mọi sự mình có vào Hòm Tiền trong Đền Thờ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó.
1.1/ Thị kiến Con Chiên
cùng với 144,000 người trên Núi Sion: “Tôi
thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có 144,000 người,
mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán.”
Núi Sion được gọi là
Ngai của Thiên Chúa (Mic 4:7, Isa 24:23), là Núi Thánh, là kinh thành của Đức Đại
Vương (Psa 2:6), là thành cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống (Heb 12:22). Con
Chiên là chính Đức Kitô. Ai là 144,000 người? Đây là những người được thiên thần
đóng ấn trên trán từ 12 chi tộc của Israel, mỗi chi tộc 12,000 người (Rev
7:4-8). Ấn tín được đóng là ấn tín mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên
trên trán (Rev 7:3). Có tên Thiên Chúa và tên Đức Kitô trên trán chứng tỏ người
đó được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa. Bạn đồng hành với Con chiên được
phân biệt với đồng bọn của Con Thú, những người cũng được đóng ấn với dấu hiệu
của nó (Rev 13:16, 14:11).
“Và tôi nghe thấy tiếng
từ trời như tiếng nước lũ, như tiếng sấm lớn. Tiếng tôi nghe thấy tựa hồ tiếng
những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát. Họ hát một bài ca mới trước ngai Thiên Chúa,
trước bốn Con Vật và các vị Kỳ Mục. Không ai có thể học được bài ca này, ngoài
144,000 người ấy, là những người đã được chuộc về từ mặt đất.” Bài ca mới được
mô tả bằng những từ ngữ Kinh Thánh quen thuộc: tiếng nước lũ (Rev 1:15, 9:16,
Eze 43:2); tiếng sấm lớn (Exo 19:16, Eze 1:7); và tiếng đàn cầm (Rev 5:8,
15:2).
1.2/ Điều kiện được chọn
để theo Con Chiên:
(1) Giữ mình đồng
trinh: Vì 144,000 người này được mô tả đối nghịch với những người thờ phượng
Con Thú, họ phải là những người từ chối không theo Con Thú. Con số này là con số
tượng trưng cho tất cả các tín hữu, chứ không phải chỉ có bằng ấy người được cứu
độ. Chữ “đồng trinh” đây cũng không hiểu theo nghĩa hẹp của nó, nhưng theo
nghĩa của nhiều tiên tri Cựu Ước (Hos 2:14-21, Jer 2:2-3, 32, Zeph 3:9-13): đồng
trinh là biểu tượng của sự trung thành với Thiên Chúa; trong khi thờ bụt thần
được coi như làm điếm, không trung thành với Thiên Chúa (Rev 2:14, Eze 16, 23).
Babylon được ví như con điếm (Rev 14:8, 17:4-6) trong khi Giáo Hội được ví như
Hiền Thê của Con Chiên (Rev 19:7, 21:2-9).
(2) Trung thành theo
Con Chiên: “Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó. Họ đã được chuộc về từ giữa
loài người, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên.”
(3) Sống thành thật:
“Chẳng ai thấy miệng họ nói dối; không ai chê trách họ được.” Những người nói dối
là con cái của ma quỉ, cha của những người nói dối (Jn 8:44). Người theo Con
Chiên không những phải nói thật mà còn phải sống thật; để biến mình thành của lễ
không tì ố dâng lên Thiên Chúa (Rom 12:1).
2/ Phúc Âm: Bà bỏ vào tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Tiêu chuẩn xác định
cho nhiều hay ít: không dựa trên số lượng
cho mà dựa trên số lượng người cho có. Chẳng hạn: một người cho 5000 đồng, nhưng
tài sản anh có là 1,000,000 đồng, tỉ lệ anh cho đi là 1/200, một số lượng rất
nhỏ so với tài sản của anh. Trong khi đó, một người nghèo bỏ vào chỉ 2 hào,
nhưng tài sản anh có là 4 hào, tỉ lệ anh cho đi là ½; anh đã cho phân nửa tài sản
anh có.
Chúa Giêsu có lẽ đang
ngồi ở “Sân của phụ nữ” trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những
người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà
goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật
anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người
kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì
rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình.”
Trước mắt con người, hầu
hết sẽ đánh giá trị sai. Họ sẽ quí trọng tiền cho của người giầu và khinh thường
sự đóng góp của người đàn bà góa; họ sẽ nghĩ hai đồng kẽm này làm được gì, lại
còn phải nhớ số lẻ trong việc làm sổ sách nên quăng đi cho xong chuyện! Nhưng với
cặp mắt thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu, Ngài phân biệt rõ cho các môn đệ: Đừng
đánh giá theo giá trị bên ngòai, nhưng phải đánh giá theo khả năng bên trong:
(1) Cho đi những của
dư thừa: Những người giầu có mặc dù cho nhiều, nhưng họ chỉ cho đi những của dư
thừa mà họ không cần đến.
(2) Cho đi tất cả những
gì mình có: Đồng tiền kẽm là đơn vị nhỏ nhất trong các tiền được dùng để trao đổi,
một đồng tiền kẽm trị giá khỏang 1/20 xu. Hai đồng kẽm mới chỉ có 1/10 xu. Nếu
so sánh với sự cho đi của những người khác thì chẳng đáng là gì. Nhưng với cặp
mắt nhìn thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu: Bà góa này đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì
bà đã “rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để
nuôi sống mình.”
2.2/ Những cái cho khác: Ngòai tiền bạc ra, người môn đệ của Đức Kitô còn phải cho
nhiều thứ khác khó khăn hơn nhiều: ý muốn, tình yêu, thời gian, tài năng, sức
khỏe. Chúa đòi hỏi nơi người môn đệ: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng
với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không
vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”
(Mt 10:37-39).
Vì thế, trước khi theo
Chúa, hãy ngồi xuống tính tóan xem có theo được không; kẻo nửa chừng mà bỏ thì
mất cả chì lẫn chài. Một khi đã quyết định theo, phải theo cho tới cùng; cho dù
gặp bao khó khăn gian khổ, ngay cả cái chết, cũng phải vượt qua. Gương các
thánh, những người đã theo Chúa tới cùng, phải trở thành những mẫu gương soi dẫn
cuộc đời chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mục đích của chúng
ta sống trên đời này là để chứng tỏ lòng trung thành của chúng ta với Thiên
Chúa qua việc dám hy sinh từ bỏ mọi sự để làm chứng cho Ngài.
– Chúng ta không chỉ
thích chọn và sống một hai điều Thiên Chúa dạy, nhưng phải chọn và sống tất cả
những gì Thiên Chúa truyền.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
26/11/2018 – THỨ HAI TUẦN 34 TN
Lc 21,1-4
VỚI CẢ TẤM LÒNG
“Thầy bảo thật anh
em, bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 11,3)
Suy niệm: Ai cũng công nhận “tốt gỗ
hơn tốt nước sơn” nhưng người ta lại thường “xem mặt mà bắt hình dong,” dựa vào
hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong: Tuyển nhân viên mấy ai chọn
tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình”? Lắm khi người
ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng
dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp,
v.v. Chúa Giêsu thì khác; Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người.
Ngài cho biết: Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà goá nghèo đã bỏ
nhiều hơn ai hết vì đó là tất cả gia tài của bà! Bà đã dâng tất cả những gì bà
có và dâng với cả tấm lòng.
Mời Bạn xét lại cách bạn
đánh giá người khác và bản thân căn cứ theo cách đánh giá của Chúa Giêsu:
* Với tha nhân: ta thường
ca ngợi, hoặc “xông hương” người này, người nọ vì họ thuộc “phe ta”, họ đóng
góp lớn lao tiền của để đem lại một kết quả nào đó. Ngược lại, chúng ta coi thường,
rẻ khinh ai đó vì họ nghèo, kém tài hay vụng về.
* Với chính mình: Ta tự
hào tự mãn vì được khen khi thành công, ta thất vọng chán ngán khi thất bại hoặc
bị chê bai. Ta bị nhận chìm trong những dư luận bên ngoài hơn là sống thật với
chính mình dưới cái nhìn của Chúa Đấng thấu suốt tất cả mọi sự về chính tôi.
Sống Lời Chúa: Xét mình: “Cách tôi cư xử
và cách tôi nhìn tha nhân đây có phải là cách của Chúa không?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa
không cần con phải dâng cho Chúa những của lễ sang trọng hay đẹp đẽ bên ngoài.
Nhưng Chúa cần con dám mạnh dạn phó thác và dâng trọn tất cả những gì là của
con trong sự khiêm tốn chân thành.
(5 Phút Lời Chúa)
Bỏ vào tất cả (26.11.2018 – Thứ
hai Tuần 34 Thường niên)
Suy niệm:
Thánh Luca là văn sĩ tuyệt vời viết về sự hiền dịu của Đức Kitô.
Nhưng thánh nhân cũng là người nhấn mạnh đến sự đòi hỏi.
Thầy Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải từ bỏ tất cả (Lc 14, 33).
Các môn đệ đầu tiên như Simon, Gioan, Giacôbê, Lêvi,
đều là những người đã bỏ tất cả để theo Thầy (Lc 5, 11. 28).
Bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay (c.4)
cũng là người đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để sinh sống.
Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người.
Yêu Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình,
đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Lc 10, 27).
Nhưng thánh nhân cũng là người nhấn mạnh đến sự đòi hỏi.
Thầy Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải từ bỏ tất cả (Lc 14, 33).
Các môn đệ đầu tiên như Simon, Gioan, Giacôbê, Lêvi,
đều là những người đã bỏ tất cả để theo Thầy (Lc 5, 11. 28).
Bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay (c.4)
cũng là người đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để sinh sống.
Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người.
Yêu Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình,
đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Lc 10, 27).
Có người tự hỏi nếu bà góa nghèo dâng cho Đền thờ
tất cả số tiền nhỏ nhoi còn lại thì ngày mai bà sống bằng gì.
Bà có phải là người bị đầu độc và bóc lột bởi các kinh sư không,
vì đã có những kinh sư nuốt chửng nhà của các bà góa (Lc 20, 47)?
Đức Giêsu có coi bà góa này như một tấm gương cho ta không?
tất cả số tiền nhỏ nhoi còn lại thì ngày mai bà sống bằng gì.
Bà có phải là người bị đầu độc và bóc lột bởi các kinh sư không,
vì đã có những kinh sư nuốt chửng nhà của các bà góa (Lc 20, 47)?
Đức Giêsu có coi bà góa này như một tấm gương cho ta không?
Khi ngồi nhìn người ta dâng cúng tiền cho Đền thờ,
Đức Giêsu thấy người giàu bỏ tiền, có khi là những món tiền lớn.
Nhưng Ngài cũng thấy một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng.
Một món tiền rất nhỏ, bằng đơn vị tiền tệ nhỏ nhất.
Ngài nói cho các môn đệ nghe về cách đánh giá của Ngài,
cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa.
Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn những người giàu.
Vì các môn đệ có thể bị ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích cho họ.
Người giàu bỏ vào từ sự dư thừa của họ.
Còn bà góa bỏ vào từ sự túng thiếu của bà (c. 4).
Trao đi một điều đụng chạm đến cuộc sống của mình
thì khó hơn gấp bội,
vì mình phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức.
Bà góa ở Xarépta chắc chắn đã gặp khó khăn
khi ngôn sứ Êlia xin bà làm cho ông một cái bánh nhỏ trước đã,
rồi sau đó mới làm cho bà và con bà (1 V 17,13).
Bà đã dám vâng lời dù đang túng thiếu,
dù nhà chỉ còn một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.
Cái chết đang đến với mẹ con bà, vậy mà bà đã dám chia sẻ.
Chia sẻ của hai bà góa trên đây đều nằm trong những tình huống
tưởng như không thể chia sẻ được, vì chẳng có gì để chia sẻ.
Chia sẻ cho Chúa hay cho tha nhân lúc ấy, thật là quý biết bao,
vì nó đòi ta ném mình vào sự mất an toàn,
và đồng thời ném mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mọi tính toán kiểu con người biến mất,
để nhường chỗ cho lòng quảng đại vô bờ.
Đức Giêsu thấy người giàu bỏ tiền, có khi là những món tiền lớn.
Nhưng Ngài cũng thấy một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng.
Một món tiền rất nhỏ, bằng đơn vị tiền tệ nhỏ nhất.
Ngài nói cho các môn đệ nghe về cách đánh giá của Ngài,
cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa.
Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn những người giàu.
Vì các môn đệ có thể bị ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích cho họ.
Người giàu bỏ vào từ sự dư thừa của họ.
Còn bà góa bỏ vào từ sự túng thiếu của bà (c. 4).
Trao đi một điều đụng chạm đến cuộc sống của mình
thì khó hơn gấp bội,
vì mình phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức.
Bà góa ở Xarépta chắc chắn đã gặp khó khăn
khi ngôn sứ Êlia xin bà làm cho ông một cái bánh nhỏ trước đã,
rồi sau đó mới làm cho bà và con bà (1 V 17,13).
Bà đã dám vâng lời dù đang túng thiếu,
dù nhà chỉ còn một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.
Cái chết đang đến với mẹ con bà, vậy mà bà đã dám chia sẻ.
Chia sẻ của hai bà góa trên đây đều nằm trong những tình huống
tưởng như không thể chia sẻ được, vì chẳng có gì để chia sẻ.
Chia sẻ cho Chúa hay cho tha nhân lúc ấy, thật là quý biết bao,
vì nó đòi ta ném mình vào sự mất an toàn,
và đồng thời ném mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mọi tính toán kiểu con người biến mất,
để nhường chỗ cho lòng quảng đại vô bờ.
Chắc chắn Thiên Chúa chẳng để cho bà góa nghèo phải chết đói.
Hũ bột không cạn và bình dầu không vơi
vẫn là quà tặng Chúa ban cho bất cứ ai dám trao đi tất cả đời mình,
vì trao đi mà sau đó mình không thấy thiếu thì không thật là trao đi.
Hũ bột không cạn và bình dầu không vơi
vẫn là quà tặng Chúa ban cho bất cứ ai dám trao đi tất cả đời mình,
vì trao đi mà sau đó mình không thấy thiếu thì không thật là trao đi.
Lời nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI MỘT
Mỗi Đứa Trẻ Đều
Mang Một Sứ Điệp Về Lòng Tín Thác
Mỗi khi một đôi bạn đến
trước bàn thờ để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần để
Ngài biến đổi tâm hồn họ – một sự biến đổi trở thành một nền tảng vững chắc cho
giao ước hôn nhân của họ.
Sự biến đổi thâm sâu
này cũng là một sự thánh hiến đặc biệt của hôn nhân (Humanae vitae 25). Khi người
nam và người nữ cam kết dấn thân cho nhau, họ thánh hiến linh hồn và thân xác họ
cho Thiên Chúa bằng một cách thế mà một đời sống gia đình trọn vẹn có thể nảy
sinh từ sự kết hợp đó: một sự hiệp thông của tình yêu và sự sống được diễn tả
trong một cộng đồng nhân vị.
Những người vợ và chồng
nhận sự hiệp thông này từ Thiên Chúa như một món quà. Đây là một quà tặng mà họ
phải ân cần chăm sóc và đào sâu qua tháng năm. Cùng với nhau, họ đem lại sự sống
từ mối hiệp thông yêu thương thâm sâu này. Con cái họ trở thành một dấu hiệu và
một hoa trái của tình yêu vốn là quà tặng của Thiên Chúa ấy. Với sự chào đời của
đứa con, một điều vốn cần đến tình yêu dâng hiến, họ khám phá rằng sự kết hợp của
họ trong tình yêu đã đào sâu tới mức bao gồm một con người khác. Họ nhận ra sự
thực trong những lời sau đây của nhà hiền triết Ấn Độ R. Tagore: “Mỗi đứa trẻ
được sinh ra mang theo với nó sứ điệp rằng Thiên Chúa không mất lòng tín thác
vào con người”.
Công Đồng Vatican II dạy
rằng những cha mẹ có trách nhiệm phải cân nhắc đến “thiện ích của mình và thiện
ích của con cái mà mình đã sinh ra hoặc chưa sinh ra, phải biết đọc những dấu
chỉ của thời đại và của hoàn cảnh riêng mình trên phương diện vật chất và tinh
thần, và cuối cùng phải biết đánh giá về thiện ích của gia đình, của xã hội và
của Giáo Hội” (MV 51).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26-11
Kh 14, 1-3.4b-5;
Lc 21, 1-4.
LỜI SUY NIỆM: “Ngước mắt
lên nhìn, Đức Giêsu thấy những ngươi giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào
thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào vào đó hai đồng tiền
kẻm.”
Chúa Giêsu khi nhìn những người dâng cúng đồng tiền cho Đền Thờ, Chúa biết tất
cả những đồng tiền đó đều là tiền của họ. Nhưng đối với hai đồng tiền kẻm của
người đàn bà góa mang tính cách là dâng hiến tất cả những gì đang cần cho cuôc
sống hằng ngày của bà, còn những người giàu có, khi họ bỏ vào thùng những số tiền
lớn, những đồng tiền này đều là của dư thừa, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống
của họ. Nhưng tất cả đều tốt.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con khi dâng cúng cho Đền Thờ hay là giúp đỡ cho
những ai, thì luôn do sự thúc đẩy của lòng yêu mến với sự hy sinh của chính
mình.
Mạnh Phương
26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc
Cha Pierre, người
sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được
nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một
trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình
tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại
với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã
phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về,
ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng
làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người
anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa
gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi
khác.
Ba tôi đang đau liệt
trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho
gọi tôi vào� Lúc đó tôi mới hiểu được
sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày
tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ
xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con
không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu
rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong
tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ
quên được câu chuyện trên đây� Và có lẽ đây là câu chuyện
đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản
hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết
đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một
sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá
trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ hai đó
là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng
đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống
của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ ba là
phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn.
Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính
đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản
mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học
mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy
những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên đây
cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của
ngài:"Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa vị
nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn,
mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc
đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người
khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của
chính mình".
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét