ĐTC Phanxicô: Mười Giới Răn giúp
sống cuộc sống nhân bản đích thực
Dưới ánh sáng mạc khải của Chúa Kitô, Mười Giới răn không được
hiểu như là một loạt các quy luật nhưng là hướng dẫn đến một cuộc sống nhân bản
đích thực được hoàn thiện trong tình yêu, niềm vui và hòa bình, được nảy sinh từ
lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Mười Giới răn trước hết mời gọi chúng ta đi
vào tương quan trung thành và yêu thương với Thiên Chúa bằng cách chối từ các
ngẫu tượng, và sau đó dạy chúng ta sống cuộc sống được cứu độ, được ghi dấu bởi
sự trung thành, lương thiện và chân thật với tha nhân.
Hồng Thủy – Vatican
Trong bài giáo lý trước 10 ngàn tín hữu hiện diện trong buổi
tiếp kiến chung sáng thứ tư 28/11/2018, ĐTC Phanxicô kết thúc loạt bài về Mười
Giới răn với từ khóa là “các ước muốn”, được nhìn dưới ánh sáng mạc khải trọn vẹn
nơi Chúa Kitô. ĐTC mời gọi các tín hữu suy tư đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu
Galát chương 5, nói đến các hoa quả của Thần khí như mến yêu, vui mừng, bình
an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ.
Vâng phục Thiên Chúa để được tự do khỏi các ngẫu tượng
Trước hết, ĐTC nhắc lại với các tín hữu rằng từ đầu hành
trình Mười Giới răn, chúng ta đã bắt đầu từ “lòng biết ơn”, như là nền tảng của
mối quan hệ tin tưởng và vâng phục. ĐTC giải thích như sau: Thiên Chúa không
yêu cầu điều gì trước khi ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta cầu xin.
Ngài mời gọi chúng ta vâng phục để giải thoát chúng ta khỏi sự lừa dối của các
ngẫu tượng, là những thứ có quyền lực rất mạnh trên chúng ta. Thực
tế là việc tìm kiếm thực hiện mong ước của mình nhờ các thần tượng của thế giới
này sẽ làm cho chúng ta trở nên trống rỗng và khiến chúng ta trở thành nô lệ,
trong khi điều mang lại sự mạnh mẽ kiên cường chính là tương quan với Thiên
Chúa, qua Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên con cái nhờ tình phụ tử của Thiên
Chúa (Ep 3,14-16). Điều này ám chỉ một tiến trình chúc lành và giải phóng, là sự
nghỉ ngơi đích thực. Như Tv 62,2 nói: “Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn tôi mới
nghỉ yên: ơn cứu độ của tôi ở nơi Người”.
Cuộc sống tự do đích thực dẫn đến tương quan với tha nhân
Cuộc sống được giải phóng này trở thành sự đón nhận lịch sử
cá nhân của chúng ta và hòa giải chúng ta với những gì chúng ta đã sống, từ thơ
bé cho đến hiện nay, khi làm cho chúng ta trở nên người trưởng thành và có khả
năng đóng góp đúng mức cho thực tế và cho con người trong cuộc sống chúng ta.
Nhờ con đường này, chúng ta đi vào trong tương quan với tha nhân. Tương quan
này, bắt đầu từ tình yêu mà Thiên Chúa tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô, là lời mời gọi
đến với vẻ đẹp của sự trung thành, của lòng quảng đại và của sự đích thật.
Chúa Thánh Thần biến đổi con tim cũ thành con tim mới với
ước muốn thánh thiện
Nhưng để sống như thế, nghĩa là trong vẻ đẹp của sự
trung thành, của lòng quảng đại và của sự đích thật, chúng ta cần một trái tim
mới, được Chúa Thánh Thần cư ngụ trong đó (x. Ed 11,19; 33,26). Việc thay trái
tim cũ thành quả tim mới đó được làm như thế nào? Qua món quà của những ước muốn
mới (x. Rm 8,6), được gieo trồng trong chúng ta bởi ân sủng của Thiên Chúa,
cách đặc biệt qua Mười Giới răn mà Chúa Giêsu đã làm cho nên trọn vẹn như Người
dạy trong “bài giảng trên núi” (x. Mt 5,17-48).
Bản chụp quang tuyến của Chúa Kitô
Thật ra, khi suy gẫm về cuộc sống được miêu tả trong Mười Giới
răn, đó là một sự hiện hữu biết ơn, tự do, đích thực, được chúc phúc, trưởng
thành, gìn giữ và yêu thương cuộc sống, trung thành, quảng đại và chân thành,
mà chúng ta, hầu như không ý thức về nó, thấy mình đứng trước Chúa Kitô. Mười
Giới răn là bản chụp quang tuyến của Người, như một âm bản cho thấy gương mặt của
Người – như trên Tấm Khăn liệm. Và như thế Chúa Thánh Thần làm trái tim chúng
ta phong phú khi đặt vào chúng những ước muốn là quà tặng của Người, các ước muốn
của Thần Khí. Ao ước sống theo Thần Khí, ao ước sống theo nhịp điệu của Thần
Khí, ao ước với âm nhạc của Thần Khí.
Chiêm ngắm Chúa Kitô chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp, sự thiện hảo,
chân lý. Và Chúa Thánh Thần tạo nên một sự sống, theo các ước muốn này của Người,
làm nảy sinh trong chúng ta lòng tin, cậy và mến.
Trong Chúa Kitô, Mười Giới răn không còn là sự kết
án
Như thế chúng ta khám phá tốt hơn ý nghĩa của câu nói Chúa
Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn nó, và trong khi luật của
xác thịt là một loạt những quy định và cấm buộc thì theo Thần khí, những điều
luật này lại trở thành sự sống (x. Ga 6,63; Ep 2,15), bởi vì nó không còn là một
quy luật nhưng là chính xác thịt của Chúa Kitô, Đấng yêu thương, tìm kiếm, tha
thứ, an ủi chúng ta và trong chính Thân xác Người, Người tái tạo lại sự hiệp
thông với Chúa Cha, điều đã bị mất bởi sự bất tuân của tội lỗi. Như vậy, những
từ ngữ phủ định, các thành ngữ phủ định của Mười Giới răn như “chớ trộm cắp”,
“chớ sỉ nhục, “chớ giết người”, từ “không” đó được biến thành thái độ tích cực:
yêu thương, để người khác trong tim mình, tất cả các ước muốn gieo mầm tích cực.
Và điều này là sự hoàn thiện tràn đầy của luật mà Chúa Giêsu đến để mang lại
cho chúng ta.
Trong Chúa Kitô và chỉ trong Người, Mười Giới răn không còn
là sự kết án (x. Rm 8,1) nhưng trở thành chân lý đích thật của cuộc sống con
người, nghĩa là ước muốn yêu thương, ước muốn điều thiện, vui mừng, hòa bình,
cao thượng, thiện tâm, tốt bụng, trung thành, hiền hòa, làm chủ chính mình. Từ
không người ta chuyển sang có: thái độ tích cực của con tim mở ra cho Chúa
Thánh Thần hoạt động.
Mở cánh cửa cho ơn cứu độ
Tìm kiếm Thiên Chúa trong Mười Giới răn thì có ích gì: nó
làm phong phú con tim chúng ta để nó tràn đầy tình yêu và mở ra cho hoạt động của
Thiên Chúa. Khi con người yêu thích ý muốn sống theo Chúa Kitô thì họ mở cánh cửa
cho ơn cứu độ, nơi mà họ chỉ có thể đến, bởi vì Chúa Cha quảng đại và như Giáo
lý dạy “Thiên Chúa khao khát rằng chúng ta khao khát Người” (số 2560).
Nếu các ham muốn xấu hủy hoại con người (x. Mt 15,18-20),
Chúa Thánh Thần đặt trong trái tim chúng ta những ý muốn thánh thiện, là mầm sống
của sự sống mới (x. 1Ga 3,9). Cuộc sống mới thật ra không phải là sự nỗ lực to
lớn để theo đúng một quy tắc, nhưng sự sống mới là chính Thánh Thần của Thiên
Chúa Đấng bắt đầu hướng dẫn chúng ta cho đến khi đạt được kết quả, trong một sức
mạnh tổng hợp hạnh phúc giữa niềm vui được yêu thương của chúng ta và niềm vui
yêu thương của Người. Hai niềm vui gặp nhau: niềm vui yêu thương chúng ta của
Thiên Chúa và niềm vui được yêu thương của chúng ta.
Đây là ý nghĩa của Mười Giới răn đối với Kitô hữu chúng ta:
chiêm ngắm Chúa Kitô để mở lòng chúng ta đón nhận trái tim của Người, đón nhận
các ước muốn của Người, đón nhận Thần Khí của Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét