Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

25-11-2018 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN năm B - ĐỨC GIÊSU VUA VŨ TRỤ - LỄ TRỌNG


25/11/2018
Chúa Nhật tuần 34 Thường Niên năm B
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Lễ Trọng.
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B
LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
(Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37)
ĐỨC GIÊSU KITÔ
VỊ VUA CỦA VƯƠNG QUỐC VĨNH HẰNG
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18,36)

Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Đức Kitô là Vua vũ trụ. Điểm kết thúc lịch sử sẽ là vương quốc vinh thắng chung cuộc và vĩnh hằng của Đức Kitô. Ba bài đọc hôm nay cùng nói với chúng ta về vị vua và vương quốc này.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Đn 7,13-14)
Sách Đanien, dù phần mở đầu đặt trong bối cảnh ở Babylon thời lưu đày (587-538 tCN), nhưng thực ra, được soạn thảo ở thời kỳ bách hại khốc liệt của vị vua Hy Lạp, Antiôkô IV (175-164 tCN). Đền thờ Giêrusalem, nơi cực thánh của dân Do Thái, bị ông báng bổ khi cho đặt tượng các thần Hy Lạp bên trong. Các tín hữu Do Thái thì bị ép bỏ đạo và tập tục cha ông mà đi theo lề thói văn hóa Hy Lạp. Trong bối cảnh này, xuất hiện những thị kiến Đanien dưới dạng văn chương khải huyền với ngôn ngữ đầy tính biểu tượng.
Con Người từ mây trời ngự đến (c.13); bốn con thú từ biển đi lên (c.3): đây là hai hình ảnh tương phản đầy ý nghĩa mà chúng ta có trong một thị kiến ban đêm của Đanien.
Theo đó, những con thú tượng trưng cho các vương quốc cai trị nối tiếp nhau đàn áp dân Thiên Chúa. Quả thật, lịch sử Israel là một chuỗi cai trị tàn bạo của các vương quốc ngoại bang trên những con người bé nhỏ, nghèo hèn. Họ đã xâm phạm quyền con người với vũ lực và võ khí, tựa những con mãnh thú.
Sau những hình ảnh của mãnh thú là hình ảnh của Con Người; đây là một thuật ngữ Do Thái có nghĩa là ngườingười này mang hình ảnh của Thiên Chúa với ơn gọi là thống trị mọi loài dã thú (x. St 1,28; Tv 8,7-9).
Vậy Con Người đại diện cho ai?
Không như những con thú xuất hiện từ biển, tượng trưng cho thế giới hỗn mang và thù địch, Con Người ngự đến từ trời, nghĩa là từ nơi Thiên Chúa. Ở đây, tác giả không ám chỉ nhiều đến một cá nhân, nhưng chính yếu là với một Israel, sau khi phải đối mặt với nhiều cảnh bách hại tàn khốc của thời vua Antiôkô IV, sẽ nhận được từ nơi Thiên Chúa một vương quốc vĩnh cửu, chẳng hề bị suy vong; mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ sẽ đến quy phục.
Với sấm ngôn theo lối diễn tả của thể loại văn chương khải huyền, tác giả đã muốn củng cố niềm tin và gieo niềm hy vọng cho các tín hữu đang phải chịu cảnh đàn áp từ thế lực thù địch. Sự đàn áp này sắp qua đi, và Thiên Chúa sẽ sớm trao quyền cho Israel làm chủ thế giới này.
Vậy khi nào lời sấm này ứng nghiệm?
Các Rabbi Do Thái kể rằng, trong một đêm trời tối đen, có một người thắp một cây đèn để chiếu sáng. Nhưng vì những cơn gió mạnh cứ liên tục thổi, nên mỗi lần ngọn đèn ông ta thắp lên đều bị gió dập tắt. Không chịu được, cuối cùng người đó thốt lên: “thôi, tôi sẽ đợi mặt trời mọc lên vậy!”
Israel cũng thế. Trải qua biết bao nhiêu nỗ lực dành chủ quyền, nhưng rồi đều bị thế lực ngoại bang xâm lăng. Vì thế, Israel mong đợi một vương quốc vĩnh cửu của Đấng Messia, và đến tận hôm nay, Israel vẫn đang trông chờ ngày mặt trời công chính sẽ mọc lên (Ml 3,20).
Với chúng ta, Đức Giêsu Kitô là sự ứng nghiệm lời sấm ngôn năm xưa; chính Người đã khẳng định điều này trước Thượng Hội Đồng Do Thái khi dùng hình ảnh Con Người của Đanien: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,62). Tuy vậy, chúng ta cũng sẽ phải đợi đến ngày chung cuộc, khi đó, Mặt Trời Công Chínhsẽ soi chiếu hết mọi vẻ huy hoàng cho nhân loại trong sự viên mãn.
2. Bài đọc II (Kh 1,5-8)
Cũng như ở sách Đanien, khi các Kitô hữu bị bách hại khốc liệt dưới thời hoàng đế La Mã Đômitianô Augustô (81-96), từ một hòn đảo nhỏ Patmos, một kitô hữu bị lưu đày “vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su” (1,9), đã viết thư gởi cho bảy Hội Thánh miền Tiểu Á để khuyên họ kiên trì trong đức tin của mình.
Trong bối cảnh mà vị hoàng đế Rôma được xem như là kẻ nắm giữ mọi vận mệnh của con người, và tự xưng mình như là chúa và cho rải khắp vương quốc hình tượng của mình, thì tác giả lại tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô như là một vị thủ lãnh của mọi vương đế trần gian, Đấng mà Chúa Cha đã trao quyền và không ai có thể khuất phục.
Trái với những đặc điểm của một vương quốc thế trần, vốn hệ tại ở sự rộng lớn lãnh địa hay sức mạnh quân sự trên toàn dân, vương quốc của Đức Kitô là vương quốc phổ quát và không có yếu tố cai trị đàn áp. Những thành viên của vương quốc này không phải là binh lính, nô lệ hay thần dân, nhưng là các tư tế (c.6) được kêu gọi, cùng với của lễ đời mình, dâng hiến những hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là những việc làm của tình yêu. Đây là mệnh lệnh duy nhất mà họ nhận từ vị quân vương của mình.
Mỗi hành vi quảng đại ta làm là sự thực thi ơn gọi tư tế của mình. Vì thế, khi chịu bách hại vì Tin Mừng, chúng ta lại dâng lên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Chính cái chết của Chúa Giêsu minh chứng cho ta thấy rõ điều đó.
Cuối đoạn, Thiên Chúa mạc khải mình là Alpha và Omega. Đây có thể được xem như là một sự hoán chuyển văn hóa Do Thái sang Hy Lạp từ một khẳng định trong Cựu ước: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta” (Is 44,6). Lịch sử thế giới là chuỗi các sự kiện trung gian: mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa, và mọi sự rồi sẽ trở về với Người. Theo cái nhìn này, mọi thế quyền như La Mã là một sự chuyển tiếp, và cũng sẽ qua đi, ngay cả khi các Kitô hữu có phải đau khổ cùng cực; chỉ có Thiên Chúa là Vĩnh Hằng.
3. Bài Tin Mừng (Ga 18,33-37)
Phong vương cho một người nào đó để đùa cợt là một trò chơi phổ biến trong thế giới cổ thời. Một phạm nhân, sau khi bị xét xử và kết án, sẽ được khoác lên mình những huy hiệu vua chúa và bị giễu cợt như một vị vua. Cảnh huống xét xử được mô tả trong Tin Mừng Gioan hội đủ những yếu tố của một nghi lễ phong vương: trao vương miện, mặc áo cẩm bào kèm với những lời tung hô.
Đây là một sự nhại vương quyền và Đức Giêsu đã chấp nhận bởi nó diễn tả cách minh nhiên đâu là tiêu chí về quyền lực và vinh quang giữa hai thế giới đối nghịch: vương quốc từ trời và vương quốc thế trần; vị quân vương từ trời và vị quân vương thế trần. Hình ảnh tương phản này gợi cho ta hình ảnh tương phản của Con Người từ trời giá lâm và những con thú từ biển đi lên trong bài đọc 1.
Trong cảnh kết của phiên xử án (19,12-16), Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài và đặt Người ngồi trên một ngai tòa cao. Lúc đó là giữa ngọ, mặt trời đang rực chiếu ở đỉnh cao nhất, và trước mọi thần dân, Philatô đã chỉ vào Đức Giêsu với vòng gai đỉnh đầu và áo khoác cẩm bào quanh mình tuyên bố rằng: “Đây là vua các người”. Rõ ràng đây là giây phút phong vương, giây phút Philatô giới thiệu về một vị vua mới của vương quốc Thiên Chúa.
Cuối cùng, trên đồi Gôngôtha, vị vua Giêsu ở đó, cao trên thập giá, hai tay dang rộng, trên đầu là bảng hiệu “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” bằng ba thứ tiếng: Do thái, Hy lạp và La tinh để mọi người ai nấy đều có thể đọc hiểu. Philatô, vị đại diện cho một vương triều hùng mạnh nhất thế gian lúc bấy giờ, một cách chính thức, đã công nhận vương quyền của Đức Kitô khi ra lệnh treo bảng hiệu này. Các thượng tế phản đối nội dung bảng hiệu, nhưng Philatô khẳng định: những gì ta viết cứ để đấy!
Qua ánh mặt trời, hào quang của vị vua chiếu tỏa sáng ngời, để mọi người cùng chiêm ngắm và tôn thờ. Người ngự đó, trên ngai thập tự, như một vị vua của một vương quốc mới, vương quốc của tình yêu, sự thật và công lý, vương quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa, và đợi chờ con người chúng ta cất tiếng đáp lời chọn lựa của đời mình: vị quân vương nào tôi phải theo? vương quốc nào tôi nên chọn?
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. Thị kiến về cuộc vinh thắng của vương quốc Con Người đã soi chiếu niềm hy vọng trên những tín hữu đang khổ đau và bị bách hại vì niềm tin của mình. Trong những thời khắc đối mặt với khổ đau, bất công, sự dữ hôm nay, thay vì chán nản bỏ cuộc, tôi có biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa và vương quốc của Người trong chiến thắng chung cuộc?
2. Người làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. Những dòng chữ trong sách Khải Huyền đã vén mở cho các tín hữu cuộc vinh thắng khải hoàn cuối cùng của Đức Kitô, trong đó, thành thánh vĩnh cửu Giêrusalem trên trời sẽ quy tụ những thánh nhân của Người, để họp nhau dâng hy lễ vĩnh cửu và ca tụng Thiên Chúa. Vì thế, như là một dân tư tế, mỗi hy lễ và lời ca tụng trên Thiên Quốc mai sau là những hy lễ và lời ca tụng của các Kitô hữu hôm nay. Ý nghĩa này có giúp tôi ý thức trách nhiệm và bổn phận xây dựng Nước Chúa trong đời sống thực tại của mình hôm nay bằng những giá trị nhân văn Kitô giáo như là của lễ dâng lên Chúa mỗi ngày?
3. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Làm chứng cho sự thật và bước đi trong sự thật là hai thuật ngữ quen dùng của Gioan, diễn tả việc theo bước Đức Giêsu với tất cả đời mình. Một khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Vua, là Chúa, là Chân lý, tôi có can đảm noi gương và bước theo Người trong việc sống và làm chứng cho sự thật?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Đức Giêsu là vua, nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian này, và vương quyền của Người đặt nền tảng trên sức mạnh của tình yêu và sự thật. Cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh Chúa Kitô là Vua vũ trụ và tha thiết cầu xin:
1. “Tôi đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
2. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi chiếu ánh sáng trên những người thành tâm thiện chí đang miệt mài tìm kiếm chân lý, để họ nhận biết và qui phục Đức Giêsu Kitô là vua sự thật và tình thương.
3. “Nước của tôi không thuộc về thế gian này.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn ý thức mình thuộc về Chúa Kitô, để khi sống giữa thế gian, họ biết sử dụng những ân huệ và khả năng Chúa ban nhằm đạt tới nước trời.
4. Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở nên dân tư tế của Thiên Chúa. Xin Chúa thanh luyện và ban ơn Thánh Thần giúp mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hết lòng thờ phượng Chúa và nỗ lực thực thi giới răn yêu thương đối với mọi người.
Chủ tếLạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ và là Đấng cứu độ chúng con. Chúa đã chịu chết và sống lại để cho chúng con được sống đời đời trong Nước Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng là thần dân của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

SCĐ Chúa Nhật 34 Thường Niên B
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA
Chủ đề :
Đức Giêsu là vua

“Philatô hỏi : Vậy ông là vua sao ?
Đức Giêsu đáp : Chính Ngài nói rằng Tôi là Vua”

Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Đn 7,13-14) : Đaniên thấy một thị kiến trong đó Con Người được trao quyền thống trị mọi người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ.
– Tin Mừng (Ga 18,33b-37) : Đức Giêsu tuyên bố với Philatô “Tôi là vua”
– Bài đọc II (Kn 1,5-8) : Đức Giêsu là thủ lãnh mọi vương đế trần gian.
I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Hôm nay là Chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ. Lời Chúa vạch cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian Đức Giêsu sẽ làm vua ngự trị trên toàn thể mọi sự và mọi người. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Chúa vẫn làm vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận thức vị trí và vai trò làm vua của Chúa trên cuộc đời chúng ta, đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng ta phụng thờ Ngài cho xứng đáng.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta đã tôn thờ những “vua” khác không phải là Chúa, như tiền bạc, danh vọng, lạc thú v.v.
– Chúng ta không sống theo sự dẫn dắt của Chúa.
– Chúng ta không sống theo luật của Nước Chúa là luật yêu thương.
III. Lời Chúa
  1. Bài đọc I (Đn 7,13-14)
Trong sách Đaniên, có một nhân vật rất đặc biệt được gọi là Con Người. Con Người đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Tuy nhiên trong thị kiến của đoạn này, Đaniên thấy Đấng Lão Thành (tức Thiên Chúa) trao cho Con Người quyền thống trị tất cả loài người.
Nhân vật Con Người ấy chính là hình ảnh tiên báo Đấng Messia. Và Đức Giêsu chính là Đấng Messia hoàn thành lời tiên tri ấy.
2.                  Đáp ca (Tv 92)
Thánh vịnh này thuộc loại Thánh vịnh vương giả : ca tụng Thiên Chúa là vua. Ngai vàng Người kiên cố tự ngàn xưa và triều đại Người tồn tại mãi qua muôn thế hệ.
3.                  Tin Mừng (Ga 18,33b-37)
Đoạn Tin Mừng này là một phần cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Philatô. Philatô hỏi “Vậy ông là vua ư ?”. Đức Giêsu vừa đáp vừa giải thích :
– “Quan nói đúng, tôi là vua.”
– “Nhưng nước tôi không thuộc thế gian này.” : Nước của Chúa không giống nước trần gian.
– “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý” : Chúa làm vua cũng không giống cách làm vua của trần gian. Ngài làm vua để phục vụ chân lý.
– “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” : Công dân của Nước Chúa là những kẻ yêu chuộng chân lý.
4.                  Bài đọc II (Kn 1,5-8)
Đoạn sách Khải huyền này cũng mô tả Đức Giêsu là Vua : (1) Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã lấy máu mình rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta ; (2) Sau khi chịu nạn chịu chết, Ngài được tôn lên làm Vua mọi loài ; (3) Ngài làm cho chúng ta trở thành vương quốc của Ngài.
IV.             Gợi ý giảng
* 1. Đức Kitô là Vua
Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan : “Homo homini lupus” : con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.
Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên : lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình ? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết ; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.
Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy ? Tôi nghĩ rằng trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người : tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau ; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.
Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau ; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, ĐGH coi đó là chấm dứt chiến tranh
Vương quyền của Chúa Kitô không xây dựng trên sức mạnh, không củng cố bằng bạo lực theo kiểu các nước trần gian. Bởi thế CG đã nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị bắt như thế này”. Nói cách khác, CG không thích chiến tranh, không muốn có phe phái, phe này chiến đấu chống lại phe kia. Vương quyền của Chúa xây dựng trên sự thật, như Lời Chúa nói “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật”. Nhưng sự thật là gì ? Là cái làm cho con người đúng là con người chứ không phải là lang sói. Con người phải phát huy cái tính người của mình và đồng thời dần dần loại bỏ đi cái tính thú trong mình. Con người cố gắng sống cho ra người, mọi người biết tôn trọng nhân phẩm nhân quyền của nhau, mọi người nhắc nhở nhau và giúp nhau làm những việc tốt mà lương tâm chân chính của con người dạy phải làm. Người nào sống như vậy thì là người sống trong vương quốc của Chúa ; người nào, cố gắng làm cho nhiều người khác cũng sống như vậy thì là đang xây dựng vương quốc của Chúa.
Nhưng xin được nói thêm cho rõ kẻo có người hiểu lầm : để làm công dân của Nước Chúa, điều cốt yếu là cố gắng theo Lời Chúa dạy để sống cho đúng là một con người, sống theo tính người chứ không phải theo tính thú. Do đó, xây dựng Nước Chúa, hay mở mang Nước Chúa cũng là cố gắng làm cho có thêm nhiều người biết theo Lời Chúa dạy mà sống theo tính người như vậy. Không nhất thiết người ta phải rửa tội, phải theo đạo, phải gia nhập Giáo Hội. Điều cốt yếu là người ta phải theo những giá trị mà Tin Mừng Chúa đã đề ra : sống theo lương tâm ngay chính, sống hoà thuận, thương yêu, làm những việc lành… Càng có thêm nhiều người sống như thế thì Nước Chúa càng mở rộng ; và khi nào tất cả loài người biết sống như thế thì là lúc Nước Chúa đã trị đến. Và khi đó là thời thái bình, hạnh phúc.
Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hoà thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Đức Giêsu gọi đó là Sự Thật ; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa ; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa ; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Tuần sau là Mùa Vọng, bắt đầu một năm Phụng vụ khác rồi. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa : đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.
Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.
* 2. Một tước hiệu không xứng hợp
Trong số những tước hiệu mà ta có thể gọi Đức Giêsu, có lẽ tước hiệu “vua” là không xứng hợp nhất.
Khi nói tới “vua” là ta nghĩ đến ngai vàng, vương miện, hoàng cung, quyền lực, kẻ hầu người hạ, quan quân, vũ khí v.v.  Thế mà khi nhìn vào Đức Giêsu ta chẳng thấy có gì cả. Ngược lại, ta chỉ thấy Ngài lang thang trên những nẻo đường bụi bậm xứ Palestine, với một nhúm môn đệ ít ỏi, vây quanh là những người nghèo nàn, tật bệnh, tội lỗi và những người bị xã hội loại trừ.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện siêu nhiên thì Đức Giêsu đúng thật là vua. Ngài là vua và là Vua trên tất cả các vua, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng thống trị vũ trụ.
Ngay cả trên bình diện tự nhiên, Đức Giêsu cũng xứng đáng là Vua, Vua  của mọi người : Ngài là con người tuyệt vời nhất với đầy đủ những đức tính hoàn hảo nhất. Ngài đến với ai là vận mạng của người đó được thay đổi thành tốt hơn. Có những người tưởng rằng mình là người lớn bằng cách khiến cho mọi người cảm thấy nhỏ trước mặt mình. Nhưng người lớn đích thực là người làm cho ai nấy đều cảm thấy lớn lên. Theo nghĩa này, Đức Giêsu đích thực là Vua.
Chúng ta nên phân biệt quyền lực và ảnh hưởng. Philatô có quyền lực trên dân, nhưng kẻ có ảnh hưởng trên dân chính là Đức Giêsu. Ảnh hưởng của Ngài đem lại cho con người ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm, bình an, yêu thương, hạnh phúc. (Viết theo Flor McCarthy)
* 3. Đức Giêsu Kitô, vua vũ trụ
Đại Hội Trẻ Thế giới tại Pháp, hàng trăm ngàn thanh niên nô nức, tiến về thủ đô Paris dự đại hội để gặp gỡ, lắng nghe, và hiệp thông với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đấng thay mặt Đức Kitô ở trần gian.
Hệ thống xe điện ngầm Métro nổi tiếng của Paris dường như lúc nào cũng chật ních người. Hôm ấy, một cụ già ăn xin mù loà cũng cố chen lên một toa xe nhờ chú chó dẫn đường. Cụ vừa đi, vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng hảo tâm của giới trẻ. Tuy ồn ào nhưng người ta cũng nghe được những tiếng kêu loảng xoảng của những đồng cắc rơi vào đĩa.
Đi ngược chiều với cụ, một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người giúp đỡ. Khi hai người bất hạnh gặp nhau, cô bé tránh qua một bên cho người hành khất mù loà tiến bước. Và đầy kinh ngạc, các bạn trẻ không thể tin vào mắt mình, cô bé đã dốc hết số tiền kiếm được của mình đổ tất cả vào cái đĩa nhôm kia.
*
Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm thế giới : gồm 6 tỷ người đang sống trên đó. Với bao cảnh thất nghiệp, nghèo đói, lạc hậu, bất công. Với bao tệ nạn tham nhũng, ma tuý, mafia, sida. Với bao nhiêu thiên tai lũ lụt, động đất, cháy rừng… Thế lực của sự dữ và tội lỗi đang tung hoành khắp nơi.
Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên Vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng treo trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng dựa trên tình yêu thương. Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người.
Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của Sự thật : “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37). Sống theo sự thật chẳng dễ dàng chút nào, vì người thành thật thường thua thiệt, và kẻ dối trá lại được coi là khôn ngoan. Nhưng chỉ có những ai dám nói sự thật, chấp nhận sự thật, và sống theo sự thật mới được sống trong vương quốc của Người.
Vương quốc của Vua Giêsu còn là vương quốc của Tình yêu : “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc.10,45). Yêu mình, yêu thân nhân bạn bè thì dễ dàng ; yêu người xa lạ, yêu kẻ thù, mới thật là khó. Nhưng Chúa chính là vua Tình yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương mới đích thực là thần dân của Người.
Cô bé ăn xin trên xe điện ngầm trong câu chuyện trên đây, đã biết cho đi tất cả những gì mình có, những gì cần thiết nhất để sống mà không tính toán so đo. Đó mới thật là công dân của Nước Trời, là thần dân đích thực của Giêsu, Vua Tình yêu.
Đối với người tín hữu, công dân tương lai của Nước Trời, thì yêu thương là lẽ sống của mọi cá nhân, gia đình, và cộng đoàn. Dường như sống yêu thương sẽ thấy đời đơn giản, cuộc sống nhẹ nhàng thênh thang. “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”. Có Chúa trong tâm hồn họ luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc. Còn mọi thứ khác chỉ là kiểu cách, rườm rà, câu nệ, phô trương, là thanh la, não bạt, là tiếng muỗi vo ve.
*
Lạy Chúa, chúng con là đôi tay và đôi chân của Chúa, là miệng lưỡi và trái tim yêu thương của Người.
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và chân thật, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến trong vinh quang là một ngày vui trọn vẹn, một ngày hội lớn cho toàn thể nhân loại. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
4.                  Vua tình yêu
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa…
 Lê Quang Độ (Ricardo Conelo) từ nhỏ vẫn được ba má yêu quí, đến trường tỏ ra là người học trò xuất sắc. Nhưng bầu khí nơi trường học không được lành mạnh. Ở tuổi lên 10, em Độ đã ghiền xì ke. Em nhớ không có lý do gì để ghiền cả ngoài tính tò mò.
 Khởi sự em hút cần sa. Kế đến em nhập băng nhóm đi cướp giật. Lên 12 tuổi Độ đã được cảnh sát thành phố Sao Paolo của nước Braxin biết đến. Bố em tưởng có thể nhốt em trong phòng nhưng vô ích vì Độ luôn tìm ra cách thoát khỏi bàn tay của bố, với những gì có thể ăn cắp được nơi gia đình để tiếp tục hút. Chưa thất vọng, bố em dời gia đình đi nơi khác, nhưng Độ vẫn tìm cách nhập vào một băng nhóm ghiền Cocaine và những thứ nặng hơn nữa. Bố em hết chịu nỗi đành phải đuổi em đi để cứu nguy cho gia đình.
 Không chỗ tựa, Độ càng sa lầy. Nhưng nếu người thiếu niên đáng thương này có cơ may làm lại cuộc đời thì nhờ sức mạnh nào ? Ai là người cuối cùng sẽ hoán cải được em để em nên người hữu ích cho xã hội ?
 Bị đuổi khỏi gia đình, Độ trở nên mồi ngon cho tổ chức buôn ma tuý bất hợp pháp trong vùng. Tối đầu tiên đến với nhóm, Độ được mời tới dự bữa ăn, trong đó kẻ tố cáo bạn với cảnh sát đã bị bắn ngay nơi bàn ăn khiến Độ cũng bị bắn lây vào cẳng. Chàng liền chạy vào bệnh viện. Tưởng thoát khỏi sự truy lùng nhưng cảnh sát đã xuất hiện ngay bên giường. Họ chuyển Độ sang nhà tù dành cho thanh thiếu niên.
 Chính ở đây Độ may mắn nhận sự giúp đỡ của Trung Tâm Hy Vọng, là tổ chức thiện nguyện giúp phục hồi niềm hy vọng nơi người ghiền ma tuý. Sau này Độ mới biết đó là tổ chức do linh mục Hoàng Tâm Phú (Haus Stapelp) là thân hữu của phong trào Focolare điều khiển. Độ được an ủi nhiều do bầu khí đón tiếp nồng hậu của Trung Tâm ngay tối hôm đầu tiên đến đó.
 Độ sống chung với mười hai người trẻ khác, mà Độ là người trẻ nhất, nhưng lại là kẻ cứng đầu nhất, luôn gây chuyện và chơi khăm người khác, luôn hành động thiếu đắn đo.
 Hãy còn có Chúa đón nhận con
 Ba tháng sau người ta phải đưa Độ tới trung tâm dành cho thanh thiếu niên ghiền nặng hơn. Chính ở đây Độ khám phá những điều cơ bản nhất về bản thân. Lần đầu tiên Độ thốt lên lời than thở với Đấng em gọi là Thiên Chúa nhưng thực ra chưa bao giờ em được học biết Ngài. Cha mẹ em chỉ là người Công Giáo theo danh xưng mà thôi vì chưa bao giờ họ đi nhà thờ. Vậy em đã xin Chúa cho em cơ hội để bỏ hút xì ke, đổi mới cuộc đời và nên giống những người trẻ mà Độ biết là đã thành công theo lý tưởng sống vì người khác.
 Quả thật, em đã được ban cho cơ hội giúp người khác là Lâm Đình Ái (Claudio). Đó là một bạn trẻ mắc bệnh AIDS ngủ cùng phòng với Độ. Bệnh nhân chỉ còn chờ chết, không thể tự mình lo lấy mình nữa. Ngày kia Độ đã xin Chúa để được thấy dung mạo Chúa nơi dung mạo bệnh nhân trẻ này. Thế rồi em được giao việc tắm rửa, cạo râu và giúp người bệnh này ăn uống. Điều em không thể cắt nghĩa được là em nghiệm thấy sự sống mới đang lớn lên nơi tâm hồn em nhờ mối tương quan sống động giữa em và Thiên Chúa.
 Từ từ em khám phá ra nơi bản thân một tấm lòng quảng đại như thuộc bản năng đang được triển nở. Những người chung quanh em khó lòng tin được rằng điều gì đó thực sự đang xảy ra khiến em trở nên con người khác trước kia. Chẳng hạn, buổi tối hôm ấy em muốn đưa lời Tin Mừng ra thực thi, lời Tin Mừng mà Trung Tâm này sử dụng để chữa trị bệnh nhân, là “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người khác làm cho bạn.” Vậy tối hôm ấy em sắp bàn tử tế, đặc biệt để mừng sinh nhật một bạn trẻ ở Trung Tâm. Khi bạn ấy xuất hiện, em Độ đã niềm nở đưa bạn ấy ra ngoài và tặng chiếc áo mà chính Độ rất thích mặc để diện.
 Người nhận được quà cảm động đến rơi lệ khiến Độ cũng rưng rưng hai hàng lệ. Đó là những con người chưa bao giờ nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, nay khám phá ra điều đó qua cử chỉ cho và nhận quà.
 Em Độ nghiệm thấy ơn bình an như được gia tăng mỗi khi em làm điều này điều kia cho người khác. Tự nhiên em sốt sắng tham dự thánh lễ mỗi ngày.
 Khi ấy em lên 17 và được giao việc chăm sóc bệnh nhân mới được Trung Tâm tiếp nhận để chữa trị. Trong nhóm này có một người đã 40 tuổi mà ai cũng nhìn nhận là người khó tính. Thế mà Độ đã thành công trong việc chinh phục người ấy.
 Nhiều lần Độ trở về thăm gia đình nhưng chưa ai tỏ ra chú ý tới sự kiện là em không còn như trước nữa, kể cả mẹ em là người đã quá khổ vì em. Nhưng lần kia người anh của Độ đã trách mắng Độ cách thậm tệ trước mặt mọi người trong một cuộc họp mừng của gia đình. Người anh ấy rất ngỡ ngàng thấy Độ điềm tĩnh khác thường. Hơn nữa, còn xảy ra là khi Độ dọn đồ mà người anh ấy tỏ dấu ưa thích thứ thuốc thơm thoa xức sau khi cạo râu, em liền tặng lọ thuốc đó cho anh ấy !
 Cứ như vậy Độ tìm lại được tình thương của gia đình để không còn phải trở về với Trung Tâm nữa. Nhưng quan trọng hơn vẫn là ơn Chúa thúc đẩy lòng em khiến em được thanh lọc khỏi những đam mê hầu sống sự sống hoàn toàn mới của Tin Mừng, để trở nên người hữu ích cho xã hội. Hiện em sống bình thường trong nghề giáo viên.
 Cuộc hoán cải của Lê Quang Độ làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa và sự ưu ái của Ngài dành cho những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không bỏ rơi một ai, ngược lại, kẻ càng bị người đời khinh chê và gạt sang bên lề, thì Ngài càng ưu ái tìm kiếm và đưa vào Vương Quốc của Ngài.
 Cựu Ước không thiếu lời khẳng định về tình yêu trước sau như một của Thiên Chúa đối với thọ tạo. Thánh vịnh gia nói : “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 26,10). Tác giả sách Huấn Ca còn nói “Thiên Chúa nhân từ và biết vật Người nắn lên. Người không huỷ, không bỏ, nhưng dung tha” (17,21). Còn sách Khôn Ngoan dạy : “Quả thật những gì có trong vạn vật, Người đều yêu mến. Vì Người nắn nên gì Người không ghét bỏ. Vả lại có gì tồn tại được nếu Người không muốn ? Làm sao nó được bảo tồn điều Người đã không gọi (đến tên) ? Với mọi vật, Người xử khoan dung vì chúng là của Người, lạy Chúa Tể hiếu sinh !” (12,24-26).
 Thực ra Nước của Thiên Chúa là Nước mang lại cảnh hoà bình cho trăm họ, nhưng sự công chính của Thiên Chúa chủ yếu không khởi đi từ việc phân phối của cải để ai nấy nhận được những gì thuộc về mình. Tất cả những gì mà con người có cũng đều do Thiên Chúa ban nhưng không, dù là ngang qua cha mẹ hay do chính mình làm nên, cuối cùng cũng do chính Chúa là cội nguồn. Vậy sự công chính của Thiên Chúa khởi đi từ lòng ưu ái của Người dành cho dân nghèo. Cho nên Thánh Vịnh gia khi nói tới việc xét xử dân theo công lý thì nói ngay tới việc bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn và ra tay cứu độ kẻ nghèo khó (x. Tv 71,1-4)
 Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên
 Với Đức Giêsu trong Tân Ước, sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho người nghèo càng khiến ta phải ngỡ ngàng. Một trăm con chiên chỉ có một con bị lạc, chủ chiên cũng tập trung hết sự chăm chú của mình vào chiên lạc đó cho tới khi tìm được ; người đó sẽ vác nó lên vai đưa về và mở tiệc mừng. Mười đồng bạc mà một đồng bị mất thì người mất cũng thắp đèn tìm cho kỳ được ; người đó còn mời bạn bè xóm ngõ tới mừng vì đã tìm thấy. Phương chi người cha có hai con mà một đứa đi bụi đời này về, nào người cha đó lại không mở tiệc ăn mừng con trở về hay sao ? Đó là ba dụ ngôn trong Tin Mừng Luca (15,1-32) về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân, là người nghèo cần Chúa thương xót. Tin Mừng Gioan cũng cho thấy lòng thương xót đó của Thiên Chúa, nhưng nhấn mạnh về cái giá Người sẵn sàng trả là chính mạng sống của Con Thiên Chúa làm người. Sau khi chữa người bại liệt, Đức Giêsu bị người Do Thái tìm cách giết (x. Ga 5,18). Khi người mù từ tuổi mới sinh được Đức Giêsu chữa lành, người đó liền bị cha mẹ bỏ rơi và giới lãnh đạo Do Thái giáo trục xuất (x. Ga 9,21 và 34) Nhưng Đức Giêsu đã không bỏ rơi anh, Người đã tìm đến với anh và tự mạc khải bản thân Người cho anh (cc 35-38). Người còn tuyên bố “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Đó chính là ý nghĩa mà Tin Mừng Gioan hiểu về lời tuyên bố của thượng tế Caipha khi nói “thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
 Bài Tin Mừng hôm nay với lời tuyên bố của Đức Giêsu là “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (c.37). Tin Mừng Gioan cho biết phản ứng của ông Philatô là nêu câu hỏi “Sự thật là gì ?” (c.38). Nhưng ông đã không muốn nghe Đức Giêsu trả lời. Ông đã ra ngoài để gặp người Do Thái nên ông đã không đứng về phía sự thật là chính Đức Giêsu Vua Tình Yêu, hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cả loài người. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V.                Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay Hội thánh suy tôn Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, vua hiền hậu, vua mà uy quyền là tình yêu tự hiến. Chúng ta cùng dâng lên Người lời cầu nguyện khiêm tốn sau đây :
  1. Đức Giêsu là Vua đến trần gian để làm chứng về sự thật, là chính Thiên Chúa / xin cho Hội thánh luôn tuân lệnh Người để làm chứng cho mọi người rằng Thiên Chúa là tình yêu.
  2. Đức Giêsu là Vua nhưng Nước Người không thuộc về thế gian này / Xin cho các nhà lãnh đạo các nước trần gian hiểu rằng : Nước Chúa không cạnh tranh với nước của họ / nhưng đem lại sự thật, công lý và hòa bình cho các nước trần gian.
  3. Đức Giêsu là Vua tự hiến để cứu độ mọi người / Xin cho những người đang bị áp bức, bóc lột, tù đày / và những người nghèo đói, dốt nát / sớm được Người giải thoát để sống như công dân trong Nước Chúa.
  4. Đức Giêsu là Vua tình yêu, Người cai trị bằng phục vụ / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta là công dân Nước Chúa / biết noi gương phục vụ của Người.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, chúng con đã được Chúa mời gọi vào Nước Chúa, làm công dân của Nước Chúa, Xin giúp chúng con luôn hăng say hoạt động để Nước Chúa mở rộng đến mọi tâm hồn. Chúa là Đấng hằng sống…
VI.             Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Trong ngày lễ kính Đức Giêsu là Vua hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho Nước Chúa mau trị đến trong cõi lòng mọi người.
– Trước rước lễ : Vua Giêsu đã thương mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài. Chúng ta hãy đến dự tiệc thánh trong tâm tình biết ơn và cảm mến. “Đây Chiên Thiên Chúa…”
VII. Giải tán
Trong khi chờ đợi ngày Đức Giêsu hoàn toàn làm Vua toàn thể nhân loại, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm một công dân xứng đáng của Nước Chúa, đó là hằng ngày thực hiện giới luật yêu thương.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (B)
Chủ Nhật 25 Tháng Mười Một, 2018

Đức Giêsu là Vua Cứu Thế
Người đưa chúng ta cùng với Người bước vào vương quốc đời sau
Chúng ta lắng nghe sự thật, đứng bên cạnh ngai tòa của Người,
Đó là cây thập giá
Ga 18:33-37

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, Ngôi Lời của Cha đã gõ cửa nhà con trong đêm.  Người đã bị bắt, bị trói, nhưng Người vẫn nói, vẫn gọi mời, và như mọi khi, Người đang nói với con:  “Hãy trỗi dậy, nhanh lên và đi theo Thầy!”  Vào lúc bình minh, con nhìn thấy Người là một tù nhân của quan Philatô và, mặc dù với tất cả những đau khổ của cuộc Thương Khó, với sự ruồng bỏ Người đã gánh chịu, Người biết con và chờ đợi con.  Lạy Cha, xin hãy để con đi với Người vào trong dinh tổng trấn nơi Người bị buộc tội, bị kết án tử hình.  Đây là cuộc sống của con hôm nay, thế giới nội tâm của con.  Vâng, mỗi lần Ngôi Lời của Cha mời gọi con, thì giống như đang đi vào dinh tổng trấn của trái tim con, một nơi bị ô nhiễm và làm ô nhiễm, đang chờ sự hiện diện thanh tẩy của Chúa Giêsu.  Cha biết rằng con đang sợ, nhưng có Chúa Giêsu đang ở với con, con không phải sợ hãi nữa.  Lạy Cha, con ở lại, và chăm chú lắng nghe sự thật về Con Cha đang nói với con.  Con ngắm nhìn và chiêm ngưỡng các cử chỉ của Người, những bước đi của Người.  Con đi theo Người, như con đang đi, trong suốt cuộc đời Cha đã ban cho con.  Xin hãy ôm con vào lòng và ban cho con tràn đầy Chúa Thánh Thần.

 2.  Bài Đọc

a)  Đặt đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó:
Một ít câu Tin Mừng này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu chuyện cuộc Thương Khó và hầu như dẫn chúng ta vào một mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu, ở một nơi kín đáo, biệt lập, nơi mà chỉ có mình Người, đối mặt với Philatô: dinh tổng trấn.  Người bị tra khảo, Người trả lời, rồi hỏi trở lại, tiếp tục mặc khải mầu nhiệm ơn cứu độ của Người và mời gọi mọi người đến với Người.  Chính nơi đây Chúa Giêsu cho thấy Người là vua và là mục tử; Người bị trói và bị đội mão gai đang khi bị kết án tử hình.  Tại đây, Người dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ xanh rì Lời chân lý của Người.  Đoạn Tin Mừng này là một phần của một đoạn dài hơn, các câu 28-40, cho chúng ta biết về cuộc xét xử của Chúa Giêsu trước quan tổng trấn.  Sau một đêm dài thẩm vấn, tra tấn, nhạo báng và phản bội, Chúa Giêsu bị giao lại cho nhà đương cuộc La mã và bị kết án tử hình, nhưng chính vì cái chết này Người đã mặc khải mình là Chúa, là Đấng đã đến để thí mạng sống mình, là Đấng đem công lý vì chúng ta là những kẻ bất công, là Đấng vô tội vì chúng ta là những kẻ tội lỗi.

b)  Phần trợ giúp để đọc bài Tin Mừng: 
Các câu 33-34:  Philatô trở lại vào dinh tổng trấn và bắt đầu tra hỏi Chúa Giêsu.  Câu hỏi đầu tiên của ông ta là:  “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”  Chúa Giêsu không đáp lại trực tiếp mà tạo cớ cho Philatô phải nói rõ ràng tuyệt đối ông ta có ý gì khi đề cập đến vương quyền như thế, Người hướng dẫn cho Philatô phải suy nghĩ thêm.  Vua dân Do Thái có nghĩa là Đấng Cứu Thế, và vì là Đấng Cứu Thế mà Đức Giêsu bị xét xử và bị kết án.
Câu 35:  Trong câu trả lời của mình, Philatô dường như có vẻ xem thường người Do Thái, những kẻ rõ ràng là đang buộc tội Chúa Giêsu, các thượng tế và dân chúng, mỗi người cùng chịu trách nhiệm, như chúng ta đọc trong đoạn mở đầu:  “Người đã đến nhà mình, nhưng chính dân của Người đã chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11).  Sau đó đến câu hỏi thứ hai của Philatô dành cho Chúa Giêsu:  “Ông đã làm gì?” nhưng quan đã không nhận được câu trả lời cho câu hỏi này.
Câu 36:  Trong câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi đầu tiên của Philatô, ba lần Người dùng chữ “nước tôi”.  Ở đây chúng ta có một lời giải thích tuyệt vời về những gì thực sự là vương quốc và vương quyền của Chúa Giêsu:  nó không thuộc về thế gian này, mà là thuộc về đời sau, Người không có ngự lâm quân hay vệ sĩ để chiến đấu cho Người, chỉ có tình yêu hiến dâng mạng sống của Người trong tay Chúa Cha.
Câu 37:  Phần thẩm vấn trở lại với câu hỏi đầu tiên và Chúa Giêsu vẫn trả lời cách khẳng định:  “Quan nói đúng, Tôi là vua”, nhưng tiếp tục giải thích gốc tích và sứ vụ của Người.  Chúa Giêsu đã sinh ra vì chúng ta, Người được sai đến cho chúng ta, để mặc khải chân lý của Chúa Cha là Đấng mà chúng ta có ơn cứu rỗi và cho phép chúng ta lắng nghe tiếng Người và đi theo Người bằng cách trung thành với Người suốt đời chúng ta.

c)  Tin Mừng:
33 Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” 34 Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” 35 Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” 36 Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. 37 Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua.  Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý.  Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. 38 Philatô nói với Người: “Chân lý là gì?”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Như bước vào Dinh tổng trấn và lắng nghe cẩn thận mỗi lời phán ra từ miệng Chúa Giêsu.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp tôi tiến gần đến vị quân vương và trao cho Người tất cả con người tôi.
a)  Tôi nhìn vào các cử động của Philatô, ông ta ước muốn tiếp xúc với Chúa Giêsu, mặc dù ông ta không ý thức mình đang làm như thế.  Trong đời sống của riêng tôi, tại sao lại khó khăn cho tôi để bước vào, yêu cầu, gọi và tạo một cuộc đối thoại với Chúa?
b)  Chúa muốn có một mối quan hệ riêng với tôi.  Liệu tôi có khả năng để tham phần hoặc cho phép bản thân mình được tiến vào một mối quan hệ chân chính, quan trọng, mãnh liệt với Chúa không?  Và nếu tôi sợ phải làm điều ấy thì tại sao?  Điều gì đã ngăn cách tôi với Người, đã khiến tôi giữ khoảng cách với Chúa?
c)  “Giao nộp”.  Tôi dừng tại những chữ này và cố gắng nghĩ về chúng, giữ chúng trong lòng và đối diện chúng với cuộc đời tôi, với thái độ hằng ngày của tôi.
d)  Chúa Giêsu ba lần lặp lại rằng nước của Người “không thuộc về thế gian này”, và do đó, mời gọi tôi một cách tha thiết tiến sang một thực tại khác.  Một lần nữa Người làm tôi bối rối, đặt trước mặt tôi một thế giới khác, một vương quốc khác, một quyền năng khác.  Tôi đang ước vọng loại vương quyền nào?
e)  Sự hé mở cuối cùng của đoạn Tin Mừng thật là tuyệt vời:  “Nghe tiếng tôi”.  Tôi, là kẻ bị cuốn hút trong hàng ngàn công việc, cam kết, họp hành, tôi sẽ để cho tai mình nghe ở nơi nào đây?  Ai là người tôi sẽ lắng nghe?  Ai là người tôi sẽ nghĩ đến?  Mỗi buổi sáng, tôi nhận được một sức sống mới, nhưng thực sự tôi nghĩ tôi nợ ai về việc tái sinh này?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Chúa Giêsu, vị vua bị trói và bị giao nộp
Trong những dòng này là một động từ mạnh mẽ nổi bật, được lặp đi lặp lại từ đầu câu chuyện về Cuộc Thương Khó:  đó là động từ giao nộp, được nói ở đây lần đầu tiên bởi Philatô và sau đó bởi Chúa Giêsu.  “Đem giao nộp Chúa Kitô” là một thực tại thần học, thế nhưng cũng là thời điểm quan trọng, về tầm quan trọng tối thượng, bởi vì nó dẫn chúng ta vào cuộc hành trình của sự khôn ngoan và đào tạo ưu tú.  Có thể hữu dụng khi người ta đi tìm động từ này trong các trang Kinh Thánh.  Lần đầu tiên nó xuất hiện khi chính Chúa Cha giao nộp Chúa Giêsu, Con của Người, như là một tặng phẩm cho tất cả mọi người và mọi thế hệ.  Trong thư gửi tín hữu Rôma 8:32, chúng ta thấy:  “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.  Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta”.  Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng chính Chúa Giêsu, trong hiệp nhất thân mật nhất với thánh ý của Chúa Cha, đã tự giao nộp, dâng hiến mạng sống của Người vì chúng ta, trong một hành động của tình yêu tự do ban cho cao cả nhất.  Thánh Phaolô nói rằng:  “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa…” (Êp 5:2,25), và tôi cũng nhớ lại những Lời của Chúa Giêsu:  “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:15,18).  Do đó, vượt ra khỏi tất cả việc giao nộp, có sẵn việc tự nguyện giao nộp, đó hoàn toàn là tặng phẩm của tình yêu.  Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy việc giao nộp tội lỗi của Giuđa, gọi một cách chính xác là kẻ phản bội, đó là kẻ “giao nộp”, là kẻ đã nói với các thượng tế:  “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”  (Mt 26:15); cũng xem Tin Mừng Gioan 12:4; 18:2,5.  Sau đó là việc người Do Thái giao nộp Chúa Giêsu cho Philatô:  “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30,35) và chính Philatô kẻ đại diện cho dân ngoại, như Chúa Giêsu đã nói trước:  “Con Người…  sẽ bị nộp cho dân ngoại” (Mc 10:33).  Cuối cùng, Philatô giao Đức Giêsu cho dân Do Thái đem đi đóng đinh vào thập giá (Ga 19:16).  Tôi chiêm niệm những đoạn Tin Mừng này, tôi thấy vua của tôi bị trói, bị xiềng xích, như Thánh sử Gioan nói với tôi trong các câu 18:12 và 18:24.  Tôi quỳ xuống, tôi cúi đầu trước Người và xin Chúa cho tôi sự can đảm để theo dõi những đoạn Tin Mừng thương cảm nhưng lại tuyệt vời này giống như bài thánh ca về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, lời “xin vâng” của Người được lặp lại đến vô tận cho sự cứu rỗi của chúng ta.  Sách Tin Mừng nhẹ nhàng đưa tôi vào trong đêm duy nhất này, khi mà Chúa Giêsu bị giao nộp bởi vì tôi, như Bánh, như Sự Sống được làm bằng xác thịt, như tình yêu toàn vẹn.  “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh…  và nói:  ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (1 Cr 11:23).  Lúc ấy tôi bắt đầu hiểu được rằng niềm hạnh phúc dành cho tôi được ẩn dấu ngay cả trong những xích xiềng này, những dây thừng này, với Chúa Giêsu, với vị quân vương tuyệt vời, và nó được ẩn dấu trong những đoạn Tin Mừng này, nói về việc giao nộp này sang giao nộp khác, theo ý muốn của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Cha.

Đức Giêsu, vị vua Cứu Thế
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô:  trong cuộc tra vấn bí ẩn và lạ lùng này, những gì nổi bật là, thoạt đầu, Philatô gọi Đức Giêsu là “vua dân Do Thái” và sau đó chỉ còn là “vua”, như thể có một quá trình, nhờ đó ông ta trở nên hiểu biết đúng hơn và đầy đủ hơn về Chúa Giêsu.  Vào thời ấy, “Vua dân Do Thái” là một thể thức được sử dụng với một ý nghĩa rất phong phú bởi người Do Thái, và nó chứa đựng nền tảng, tâm điểm của đức tin trong sự kỳ vọng của dân Israel:  nó cho biết rõ ràng là Đấng Thiên Sai.  Đức Giêsu bị thẩm vấn và bị xét đoán xem Người có phải là Đấng Thiên Sai hay không.  Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng được xức dầu, Đấng được Thánh Hiến, Người là người tôi tá được sai đến thế gian vì điều này, để chính bản thân Người và mạng sống của Người làm viên mãn tất cả những gì mà các ngôn sứ, luật Môisen và các Thánh Vịnh đã nói về Người.  Những lời nói về sự bách hại, về đau khổ, khóc lóc, về các vết thương và máu, về cái chết của Chúa Giêsu, đối với Đấng được Đức Chúa xức dầu, và từng là lẽ sống của chúng ta đã nói “giữa chư dân, ta núp bóng Người”, như tiên tri Giêrêmia đã nói trong sách Aica 4:20; những lời nói về các cạm bẫy, những nổi dậy, mưu đồ và mưu chước (Tv 2:2).  Chúng ta thấy Người bị mất dáng vẻ con người, như một người chịu nhiều đau khổ, không thể nhận ra được ngoại trừ tình yêu, cũng giống như Người, chỉ biết chịu đau khổ quá nhiều.  “Vì lý do này, toàn thể Nhà Israel phải biết chắc điều này:  Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!” (Cv 2:36).  Vâng, vị vua của tôi là một vị vua bị trói, vị vua bị giao nộp, bị loại bỏ sang bên, bi khinh khi; Người là vị vua được xức dầu cho chiến trận, nhưng được xức dầu để bại trận, để hy sinh chính mình, bị đóng đinh vào thập giá, bị hiến tế như chiên con.  Đây là Đấng Cứu Thế:  vị vua mà ngai vàng là cây thập giá, có màu tím hoàng gia là do máu của Người đổ ra, có cung điện là trái tim của người ta, những kẻ nghèo khó như Người, nhưng được phong phú hóa và an ủi bởi sự sống lại liên tục.  Đây là thời gian của chúng ta, thời gian của sự an ủi bởi Thiên Chúa, khi Người sai Chúa Giêsu đến tất cả mọi lúc, Chúa Giêsu Đấng được dành riêng là Đấng Cứu Thế của chúng ta.

Chúa Giêsu, vị vua tử đạo
Chúa Giêsu nói:  “Ta đến để làm chứng cho sự thật”, dùng một thuật ngữ mạnh mẽ, theo tiếng Hy Lạp, chứa đựng ý nghĩa tử đạo.  Nhân chứng là người tử đạo, Đấng xác nhận bằng chính mạng sống mình, máu và tất cả những gì Người là và thuộc về Người, sự thật mà Người tin tưởng.  Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật, đó là Lời của Chúa Cha (Ga 17:17) và Người thí mạng sống mình cho Lời này.  Sự sống đáp trả sự sống, lời dành cho lời, tình yêu đáp trả tình yêu.  Chúa Giêsu là Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng (Kh 3:14); trong Người, chỉ có một lời “xin vâng”, đến muôn đời và ngay từ ban đầu, và trong lời “xin vâng” này Người ban cho chúng ta toàn bộ sự thật về Chúa Cha, về chính Người, về Chúa Thánh Thần, và trong sự thật này, trong ánh sáng này, Người làm cho chúng ta thuộc về vương quốc của Người.  Những ai trông cậy Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương” (Kn 3:8-9).  Tôi không tìm kiếm những lời nào hơn, tôi chỉ ở gần Chúa, tựa đầu vào lòng Người, như Gioan vào đêm ấy.  Vì thế, Người trở thành hơi thở của tôi, thị lực của tôi, lời “xin vâng” của tôi được nói với Chúa Cha, với anh chị em tôi, trong sự làm chứng tình yêu của tôi.  Người là Đấng trung thành, Đấng hiện hữu, Sự Thật mà tôi lắng nghe và bởi Người, tôi đã để cho mình được biến đổi.

6.  Thánh Vịnh 21 (20)

Bài thánh ca tạ ơn cho sự chiến thắng,
Đến từ Thiên Chúa 
Đáp ca:  Lạy Chúa, tuyệt vời thay tình yêu của Chúa dành cho chúng con!

Lạy CHÚA, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng,
Ngài đã chiến thắng, vua hoan hỷ dường nào!
Lòng vua ước nguyện sao, Chúa đã ban như vậy,
miệng vua khấn xin gì, Ngài cũng không từ chối.
Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc,
vương miện vàng, Ngài đội cho vua.
Vua xin được sống, Ngài cho được sống,
năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.
Vì Ngài chiến thắng, nên nhà vua rực rỡ vinh quang,
Ngài cho vua được oai phong lẫm liệt.
Ngài đặt vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời
và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan Thánh.
Quả thế, vua tin tưởng vào Chúa Tối Cao,
và nhờ CHÚA yêu thương, vua không hề lay chuyển.
Lạy CHÚA, xin đứng lên mạnh mẽ oai hùng,
chúng con sẽ đàn ca chúc tụng quyền năng Chúa.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Cha, con ngợi khen Cha, con chúc tụng Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã dẫn con đến cùng với Con Cha, Chúa Giêsu, vào trong dinh quan Philatô, vào trong miền đất xa lạ và thù nghịch này, nhưng là miền đất về sự mặc khải và ánh sáng.  Chỉ có Cha, trong tình yêu vô biên của Cha, có thể chuyển đổi mọi khoảng cách và mọi tối tăm thành nơi của sự gặp gỡ và sự sống.
Con cảm tạ Cha vì Cha đã mang lại thời gian an ủi, khi Cha sai Chiên Con của Cha, ngự trên ngai tòa, nhưng là một vị vua hằng sống hiến tế.  Máu của Người là những giọt sương ban sự sống, xức dầu với sự cứu rỗi.  Con xin cảm tạ Cha bởi vì Người hằng luôn nói và ca ngợi với con về sự thật của Cha, tất cả là tình yêu và lòng thương xót.  Con muốn được là một khí cụ trong tay vua của con, Đức Giêsu, để truyền đạt tất cả các câu an ủi của Lời Cha.
Lạy Cha, hôm nay con đã lắng nghe Cha trong đoạn Phúc Âm này.  Xin hãy ban cho con đôi tai không bao giờ chán lắng nghe lời Cha, lời Con Một Cha, lời của Chúa Thánh Thần.  Xin hãy ban cho con có thể được tái sinh từ sự thật để con có thể làm chứng cho sự thật.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét