Dale Recinella, người đồng
hành với các tử tù để nói với họ về Chúa Giêsu
Ông bà Dale Recinella |
Dale Recinella là một giáo dân linh hướng cho các tử tù. Ông
đã đồng hành với 18 tử tù tại một trại tù ở bang Florida, Hoa kỳ, đến giây phút
cuối cuộc đời của họ. Giờ đây ông đi khắp thế giới để kể lại câu chuyện của
mình, được xuất bản trong cuốn sách “Khi chúng tôi đến thăm Chúa Giêsu trong
tù". Vatican News đã có cuộc trò chuyện với ông. Sau đây là câu chuyện của
Vatican News.
Davide Dionisi - Hồng Thủy chuyển dịch
Tại sao Dale Recinella, một luật sư nổi tiếng tại trung tâm
tài chính ở phố Wall, tốt nghiệp trường luật Notre Dame, sở hữu căn hộ nhìn ra
vịnh Miami, đã để tất cả lại sau lưng, quyết định trở thành người trợ giúp tinh
thần, tuyên úy cho các tử tù tại các nhà tù ở bang Florida?
Chúng tôi muốn hiểu rõ tại sao cuộc đời của ông, sự dấn thân
hết mình để kêu gọi xóa bỏ án tử hình, nỗ lực của ông trong việc soạn thảo cuốn
sách mới nhất - “Khi chúng tôi đến thăm Chúa Giêsu trong tù" - được nhà xuất
bản Domenicana Italiana phát hành, và thậm chí cả cách xưng hô “anh” mà các tù
nhân gọi ông, là những dấu chỉ không thể bị giới hạn trong nhiều câu chuyện về
nhà tù mà ngày nay được kể trong các báo cáo chuyên đề tuyệt vời. Ông đáng được
biết đến nhiều hơn nữa và vì vậy chúng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ trong nhà tù
Rebibbia để phỏng vấn và giới thiệu cho ông biết về một thực tại khác. Chắc chắn
nó ít khắc nghiệt hơn khu tử thần của ông, nhưng nó cũng khó khăn để đối mặt.
Con của những người di dân miền Abruzzo và giấc mơ Mỹ
Ông khéo che dấu gốc gác người miền Abruzzo của mình. Ông
Dale, con của những người di dân gốc Castel Di Sangro, ngay lập tức cho chúng
tôi xem thẻ thăm tù có các chi tiết về cá nhân ông (chắc chắn không phải là
thói quen của người Ý) và miêu tả ngắn gọn về hoạt động của ông: linh hướng
“giáo dân”. Thật ra, khi thi hành sứ vụ, ông được bà Susan, vợ ông, đồng hành với
ông ở mọi nơi; bà trợ giúp các gia đình của các tử tù ở các nhà tù Hoa Kỳ. Dale
nhấn mạnh từng từ và nói ngay với chúng tôi rằng anh ấy muốn dành tặng cuốn
sách của mình cho hàng ngàn người nam nữ “mà Chúa đã cho phép tôi phục vụ trong
tù và cho hàng trăm tình nguyện viên cho phép tôi cùng sát cánh phục vụ".
Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, thì ông có cuộc sống khác, bởi vì ông thể
hiện hoàn hảo giấc mơ Mỹ. Kiếm được rất nhiều tiền, cuộc sống thì bận rộn, từ
cuộc hôn nhân này đến cuộc hôn nhân khác, cho đến khi bệnh tật buộc ông dừng lại
và suy tư về quá khứ của mình. Ông xin Chúa một cơ hội khác và ông đã được ơn
và từ đó cuộc đời ông đã thay đổi.
Cuộc đời thay đổi từ sự kiện Sacco và Vanzeti
Câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra cho ông là “tại sao lại là
những người bị kết án tử?” Ngần ngừ một chút để nhớ lại các sự kiện, rồi ông giải
thích: “Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha mẹ của tôi bị ấn tượng mạnh bởi vụ tử
hình Sacco và Vanzeti. Họ bị xử tử bằng ghế điện ngày 23.08.1927 tại nhà tù
Charlestown bang Massachusetts. Cha mẹ tôi cảm thấy kinh hoàng vì sự tàn bạo.
Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ phải chăm sóc lo lắng cho những người như họ”.
Cuộc gặp gỡ với những người bị kết án tử
Dale mỉm cười khi nghĩ về những người thân, nhưng khi chúng
tôi nhẹ nhàng yêu cầu ông kể về công việc của ông, giọng nói của ông trở nên trầm
tối và bắt đầu tường thuật về việc kết thúc sự sống theo cách thức của nhà tù ở
Florida: “Một khi lệnh thi hành án đã được ký, tù nhân sẽ được chuyển từ phòng
giam ở khu tử tù của anh ta đến nơi được gọi là ‘ngôi nhà sự chết’. Phòng mới
giống như căn phòng anh ta đã ở trước đó. Điều khác biệt duy nhất là chỗ ở của
anh ta bây giờ chỉ cách phòng xử tử vài mét”. Đối với chúng tôi, câu chuyện của
ông có thể kết thúc rồi nhưng ông muốn giải thích cách chi tiết những điều xảy
ra ở nơi địa ngục đó và chúng tôi không có can đảm ngắt lời ông. Ông kể: “Người
bị kết án tử ở lại đây 5 hay 6 tuần. Nếu anh ta xin tôi làm người trợ giúp về
tinh thần, người ta sẽ cho tôi ở bên cạnh anh ta ít nhất là 12 giờ mỗi tuần. Nếu
có gia đình ở với họ trong thời gian đau khổ này, họ có thể gặp vợ của tôi. Bà
ta sẽ an ủi họ trong lúc xử tử và cả sau đó.” Cánh cửa của căn phòng cuối cùng
nằm không xa nơi tử tù sẽ bị xử tử. “Vì vậy, tất cả những ai được đưa đến căn
phòng ấy thường nói rằng cánh cửa của phòng tử hình đang ngày càng gần hơn”.
Ngày tử hình
Tiếp đến, ông Dale nhấn mạnh đến các chi tiết: "Vào
ngày hành quyết, các thành viên trong gia đình được phép ôm anh ấy và chào anh ấy
lần cuối. Vào lúc 11 giờ sáng, tử tội ăn bữa ăn cuối cùng của mình, một giờ sau
đó, linh mục đến và ban bí tích xức dầu”. Chúng tôi hỏi Dale làm gì trong thời
gian cử hành bí tích, ông kể: " Sau khi linh mục rời đi, tôi thường ở đó
cho đến 4 giờ chiều; khi đó tử tù gửi cho tôi những tin nhắn cuối cùng cho gia
đình và đó cũng là khoảnh khắc đầy cảm xúc nhất". Câu chuyện bị gián đoạn
vì đôi mắt của Dale phản chiếu những ký ức đau buồn nhất và những lời chứng mạnh
mẽ nhất: "Một trong số họ nói với tôi: Ông là người cha mà tôi chưa bao giờ
có; người khác thì nói: Ông là người anh em mà tôi chưa bao giờ gặp; người khác
nữa lại nói: Nếu tôi biết ông trước đây thì có lẽ tôi đã không kết thúc cuộc đời
ở đây." Nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục không ngừng và người kể chuyện nhớ
rõ thời gian: "Vào lúc 4 giờ chiều, nhóm chịu trách nhiệm đến và chuẩn bị
cho nạn nhân, người mà ngay sau đó, sẽ bị trói vào chiếc giường, nơi anh ta sẽ
bị giết bằng cách tiêm thuốc độc".
Tiêm thuốc độc, kỹ thuật "hiệu quả và từ bi"
Nói tóm lại, chúng tôi chuẩn bị cho cuộc hành quyết, với hiệu
quả không thể chối cãi: chúng tôi đặt bữa ăn cuối cùng, chúng tôi tổ chức những
chuyến thăm cuối cùng, chúng tôi bốc thăm tên của người sẽ chứng kiến vụ xử tử
từ đàng sau một bức tường kiếng. Bằng một kỹ thuật "hiệu quả và từ
bi", đó là hai lý do chính của những người ủng hộ việc tiêm thuốc độc như
một phương pháp xử tử. Nhưng kể từ khi nó được đưa vào Bộ luật Tư pháp của Hoa
Kỳ vào năm 1972 và từ lần áp dụng đầu tiên ở Texas vào năm 1982, những nghi ngờ
và tranh cãi về sự thật của những tuyên bố này chưa bao giờ kết thúc. Ông Dale
tiếp tục: "Tôi cũng sẽ ở trong phòng của những nhân chứng tham dự vụ xử tử.
Đối với những người bị lên án tôi luôn nói: Hãy nhìn kỹ phía sau bức tường kiếng,
có một người yêu thương bạn. Hãy nhìn vào tôi”. Chúng tôi hỏi ông đã chứng kiến
bao nhiêu vụ hành quyết. Ông trả lời. "Một vụ đã là quá nhiều đối với
tôi, nhưng thật không may là tôi đã chứng kiến 18 vụ. Mặc dù trong thực tế tôi
đã chứng kiến 35 người bị kết án tử hình, nhưng một số trong họ đã chọn cha xứ
của họ hoặc mục sư Tin lành cho ngày hành quyết. Nhưng các vị này chỉ có thể ở
gần nạn nhân trong hai ngày cuối cùng và vì vậy trong những tuần trước đó, các
nạn nhân sống cùng tôi trong buồng tử thần."
Tôi sẽ không bao giờ quên ...
Sau đó, ông chuyển sang nói về những câu chuyện đã gây sốc đối
với ông: "Từ giây phút tôi dành rất nhiều thời gian cho họ trước khi họ chết,
tôi mang tất cả trong tim mình. Tôi yêu mến, quý mến tất cả mọi người. Nhưng có
hai trường hợp đã đánh dấu sâu đậm hành trình ơn gọi của tôi. Trường hợp đầu
tiên liên quan đến một người đàn ông, và ba cô con gái của ông bị suy sụp khi
phải ly biệt với cha của họ. Susan, vợ tôi, đã cố gắng an ủi họ, nhưng nó thực
sự bi thảm. Người đàn ông này có lẽ vô tội”. Phần thứ hai của câu chuyện bị
gián đoạn nhiều lần, và rất nhiều điều bạo lực. "Anh ta là người Puerto
Rico, và nhiều lần tuyên bố mình vô tội. Trong trường hợp này, cuộc hành quyết
không tiến hành tốt đẹp: anh ta đã giãy giụa và chiến đấu trong đau đớn trong
hơn nửa giờ trước khi chết. Do vỡ tĩnh mạch, chất độc được tiêm vào nằm ở cánh
tay. Điều này đã gây ra bỏng nội hơn ba mươi centimét và do đó anh ta không thể
chết. Anh ta có cảm giác chết đuối và nghẹt thở, anh ta quằn quại và gần như
làm đứt các dây đai trói anh ta xuống giường, đến nỗi họ cũng phải buộc đầu anh
ta". Dale đưa mắt nhìn Susan và tiếp tục: "Sau vụ hành quyết này,
trên đường trở về nhà, tôi gọi điện cho vợ tôi. Tôi bị sốc và nói với cô ấy:
"Tôi vừa thấy một người đàn ông bị tra tấn đến chết".
Cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô
Ông Dale kết thúc câu chuyện của mình và thông báo rằng
trong những ngày tới, ông sẽ tham dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại nhà
nguyện thánh Marta. Ông chia sẻ: "Tôi rất xúc động. Tôi sẽ cố gắng giải
thích cho ngài những gì chúng tôi đang làm để đảm bảo rằng án tử hình được bãi
bỏ. Thật vậy, bạn có biết những gì tôi nói với ĐTC? Tôi sẽ mời ngài đến Florida
để thăm tử tù và tôi sẽ cho ngài thấy khuôn mặt của những anh em này (ông Dale
luôn mang theo một cuốn album hình ảnh của các nạn nhân)". Trước khi chia
tay, Dale nhận ra rằng câu hỏi mà chúng tôi muốn hỏi ông từ đầu cuộc họp vẫn
chưa được đặt ra. Ông nói: "Tại sao tôi làm điều đó ư? Bởi vì khi vào tù để
tìm ai đó, chúng ta gặp Chúa Giêsu.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét