19/10/2019
Thứ Bảy tuần 28
thường niên
BÀI ĐỌC
I: Rm 4, 13. 16-18
“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn
tin”.
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham
hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của
đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng
dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi
đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: “Ta
đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc”. (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên
Chúa, Đấng ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như
có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc,
như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104,
6-7. 8-9. 42-43
Đáp: Tới muôn
đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng:
1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những
người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của
Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.- Đáp.
2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới
muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với
Isaac. – Đáp.
3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng
Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa
những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. –
Đáp.
ALLELUIA: Gc 1,
18
Alleluia, alleluia!
– Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng
ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 12,
8-12
“Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy
các con phải nói thế nào”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước
mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của
Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước
mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ
được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
“Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và
chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì
trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”. Đó là lời
Chúa.
Thánh Gioan
Brébeuf, linh mục, Thánh Isaác Jogues, linh mục, và các Bạn, tử đạo
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 4, 7-15
“Chúng tôi luôn mang trong thân
xác mình sự chết của Đức Giêsu”.
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để
biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự
chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải
long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị
quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác
mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác
chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn nộp
mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của
chúng ta.
Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em.
Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên
tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng
Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với
Đức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh
em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang
Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab.
2cd-3. 4-5. 6
A+B=Ai gieo trong lệ
sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).
A=Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người
đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng
hân hoan.
B=Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại
lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
A=Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền
nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
B=Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân
hoan, vai mang những bó lúa.
A+B=Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).
ALLELUIA: Mt 28, 19a.
20b
-Chúa phán: “Các
con hãy đi giảng dạy muôn dân. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận
thế”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20
“Các con hãy đi giảng dạy muôn
dân”.
Bài kết thúc Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước.
Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu
tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban
cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh
Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho
các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đó là
lời Chúa.
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dự báo trước những bối cảnh khác
nhau mà các tông đồ sẽ gặp khi làm chứng cho Người, gồm cả khả năng họ sẽ gặp
phải những phản ứng thù nghịch. Ra trước các hội đồng Do Thái và trước các nhà
cầm quyền, họ sẽ làm chứng đức tin của họ trước các môi trường tôn giáo và dân
sự. Các lời của Người được ứng nghiệm trong sách Công Vụ Tông Đồ khi Phaolô giảng
trong hội đường ở Salamis (x. Cv 13:4-17) và khi ngài làm chứng cho Đức Giêsu
trước nhà cầm quyền Rôma (x. Cv 21:33–22:29). Đức Giêsu bảo đảm cho những ai
theo Người rằng lời chứng của họ ở trần gian sẽ đạt thấu trời; cũng như họ nhìn
nhận Con Người trước mặt các cộng đồng tôn giáo hay dân sự ở dưới đất này thế
nào, thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa
như vậy. Ngay trước đó, Đức Giêsu đã từng khích lệ các môn đệ hãy dũng cảm
và tin tưởng vào những thời kỳ bị bách hại. Như có thể suy ra từ phần còn lại của
bài giảng truyền giáo, Người không hứa cho họ sự thảnh thơi hay không bị đánh đập
và chối bỏ, nhưng Người cho họ thấy gốc rễ thật sự của tự do: chiến thắng sự sợ
hãi bắt nguồn từ chiến thắng của Đức Giêsu trên sự chết. Đối với Đức Giêsu và
các môn đệ của Người, Phục Sinh sẽ là trải nghiệm cuộc chiến thắng này.
Những thời điểm trong lịch sử, khi các môn đệ được kêu gọi công khai nhìn
nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Mêsia, đó là thời điểm công bố cuộc phán xét
cuối cùng trước mặt Thiên Chúa, khi chính Đức Giêsu, là Con Người, sẽ đứng lên
làm vị luật sư bào chữa. Trong hình ảnh của tiến trình tố tụng (x. Is 50:8-9);
Rm 8:33), chúng ta hình dung ra Chúa Phục Sinh, Đấng đang ở với Thiên Chúa,
nhưng cũng đang hiện diện thực sự trong Hội Thánh nhờ Thần Khí của Người, trong
cuộc đấu tranh với các lãnh đạo và các thế lực của thế gian này mà các môn đệ vẫn
tiếp tục phải đối diện (x. Lc 11:11-12).
Lời phát biểu của Đức Giêsu rằng tôi phạm đến Chúa Thánh Thần thì không
bao giờ được tha thứ khiến chúng ta khá ngạc nhiên, nếu nghĩ về dụ ngôn người
con hoang đàng (sẽ được kể sau đó ba chương trong Lc), nhấn mạnh việc tha tội. Nhưng
chúng ta phải hiểu lời dạy này trong bối cảnh cụ thể của khái niệm Luca về sứ mạng
Kitô giáo. Những người đi theo Con Người sẽ chối bỏ Người, như chúng ta thấy
ngay cả ông Phêrô, tông đồ thứ nhất giữa các tông đồ, đã chối bỏ Đức Giêsu khi
Người bị bắt. Phêrô đã không nhìn nhận Đức Giêsu và không trung thành với Người
vì ông chưa chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, và cũng chưa nhận
lãnh Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Nhưng ông Phêrô đã được tha thứ với lời
chào của Chúa Phục Sinh, “Bình an cho anh em” (Lc 24:36), và bằng tình yêu (x.
Ga 21:15-19). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, trải nghiệm Tin Mừng được hoàn
tất và ông Phêrô được đổi mới và được tràn đầy quyền năng của Chúa Kitô Phục
Sinh, được chắc chắn về ơn đức tin. Lời tuyên xưng Kitô học của ông là kết quả
của Thánh Thần trong ông (x. Mt 16:18).
Đương nhiên Luca rất ý thức về các trải nghiệm của Hội Thánh sơ thời
trong sách Công Vụ - việc can đảm làm chứng của các tông đồ (x. Cv 4:5tt.;
5:32), nhưng cũng ý thức về sự dấn thân của các cộng đoàn Kitô hữu trước nguy
cơ bỏ đạo hay yếu đức tin khi phải đối diện với những mối đe dọa và đàn áp từ
bên ngoài. Sau đó ông nhắc nhớ lại một câu nói của Đức Giêsu khiến các tín hữu
phải suy nghĩ, làm cho họ ý thức hơn và mạnh mẽ hơn: một lời chống lại Con
Người sẽ có thể được tha thứ, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể
được tha. Ai từ chối Con Người trong sứ vụ của Người ở trần gian này thì sẽ được
tha và sẽ được một cơ hội mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần; do
đó họ sẽ có thể nhận được ơn hoán cải và ơn tha tội. Đó là trường hợp của
Phaolô và của nhiều người Do Thái đã hoán cải. Nhưng làm thế nào một người có
thể có thể được tha tội nếu họ từ khước Thánh Thần - Đấng là nguồn gốc và tác
nhân của ơn tha thứ, sám hối và đổi mới của các môn đệ? Luca thấy điều này được
khẳng định trong kinh nghiệm về sự cứng đầu và mù quáng của những người đã chối
bỏ các chứng từ của các tông đồ (x. Cv 28:25-28). Đây là một hành vi hoàn toàn
ý thức và tự do đóng chặt cửa trước hành động của Thánh Thần và chuyển động hòa
giải và tha thứ của Thánh Thần, đến mức không người nào có thể được cứu rỗi ngược
với ý muốn và hành động của họ. Việc đón nhận hay từ khước Chúa Thánh Thần là một
mối quan hệ mầu nhiệm của lương tâm và tự do của chúng ta với Thiên Chúa; chỉ một
mình Thiên Chúa thấu suốt lòng chúng ta. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng biết rõ
lòng chúng ta, có thể ban cho chúng ta ơn tha tội và ơn cứu độ.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo
ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 28 TN1
Bài đọc: Rom 4:13, 16-18; Lk 12:8-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin vào những gì Thiên Chúa hứa và làm chứng cho
Ngài.
Nhiều người thường áp dụng cách thức con người cho Thiên Chúa; chẳng hạn,
chỉ yêu những gì tốt lành. Họ nghĩ Thiên Chúa yêu con người vì những việc tốt
lành con người làm cho Thiên Chúa, như giữ luật, đi nhà thờ, giảng đạo, sống tốt
lành… Sự thật là Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, yếu
đuối, và đầy những khuyết điểm. Con người không có công trạng gì để xứng đáng
được Thiên Chúa yêu thương; chỉ có một điều con người có thể làm là nếu tin vào
tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ được trở nên công chính và hưởng
mọi ơn thánh Ngài hứa ban.
Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sang tỏ chân lý này. Trong Bài Đọc I, Phaolô
tranh luận với người Do-thái và nêu rõ lý do tổ Abraham được thừa hưởng lời hứa
“là cha nhiều dân tộc:” không phải vì việc giữ Luật; nhưng vì niềm tin tưởng
tuyệt đối nơi uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
muốn các môn đệ tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và nơi Thánh Thần của Ngài, nhất
là trong những lúc phải đương đầu với sự sai trá và làm chứng cho sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì tin mà Abraham được thừa hưởng
lời Thiên Chúa hứa.
1.1/
Lề Luật không có sức mạnh làm con người nên công chính.
(1) Không phải vì Lề Luật mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa:
Lề Luật mà Thiên Chúa ban qua Moses xảy ra 430 năm sau thời của Abraham; do đó,
một người không thể nói, nhờ việc giữ Lề Luật, Abraham được thừa hưởng lời
Thiên Chúa hứa; mà là do bởi niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô
tuyên bố: ”Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho
ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa
đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”
Nếu đã đúng cho Abraham, cũng đúng cho tất cả chúng ta: ”Bởi vậy, vì tin
mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên
Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không
phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông
là tổ phụ chúng ta hết thảy.”
(2) Thiên Chúa đổi tên cho Abraham: Khi còn ở bên xứ Urs, tên của ông là
Abram, có nghĩa “người cha được tôn vinh.” Thiên Chúa đổi tên của ông thành
Abraham, có nghĩa “người cha của nhiều dân tộc” (Gen 17:5). Thánh Phaolô lập lại
sự kiện này như sau: ”như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc.
Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ
chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”
1.2/
Tin tưởng lời Chúa hứa trong mọi hoàn cảnh: Thiên Chúa hứa cho Abraham một giòng dõi đông như
sao trên trời và cát ngoài bãi biển; nhưng thực tế trong cuộc đời của ông chỉ
có Isaac và Ismael. Làm sao Abraham trở thành cha nhiều dân tộc trong khi chỉ
có hai người con? Dưới mắt nhân loại, đây là điều không thể; nhưng dưới mắt đức
tin của Abraham, ông tin Thiên Chúa có quyền năng làm được những gì Thiên Chúa
hứa: ”Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó
ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi
sẽ đông đảo như thế.”
Các nhà chú giải Kinh Thánh nghĩ Thiên Chúa đã cho ông thấy trước ngày
sinh của Đức Kitô trong giòng dõi của ông; vì nhờ Đức Kitô mà ông trở thành tổ
phụ của nhiều dân tộc, vì họ tin vào Ngài: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở
vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Jn
8:56).
2/ Phúc Âm: Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt
thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của
Thiên Chúa.
2.1/
Cuộc sống chứng nhân cần thiết để khơi dậy niềm tin nơi người khác: Hai điều giúp con người tin vào
Đức Kitô là Tin Mừng và đời sống chứng nhân của người rao giảng; điều thứ hai
nhiều khi còn quan trọng hơn cả điều thứ nhất, vì “lời nói lung lay, gương bày
lôi cuốn.” Chính Gandhi đã từng nói: “Nếu mọi tín hữu sống những gì Đức Kitô dạy,
thế giới chắc đã tin tưởng nơi Ngài hết.” Để có thể sống những gì Đức Kitô dạy,
người tín hữu phải học hỏi Phúc Âm, nơi các thánh-sử ghi chép lại tất cả những
gì Đức Kitô muốn lưu lại cho hậu thế; nếu không chịu học hỏi để biết, làm sao
biết cách thực hành!
Cuộc sống của con người trên đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa.
Mục đích sự hiện hữu của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho
Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Nếu không chu toàn bổn phận này,
làm sao các tín hữu có thể đạt được phần thưởng mà Đức Kitô đã sắm sẵn cho họ.
Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu toàn
hay không chu toàn sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai
tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người
ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ,
thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”
2.2/
Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Một cách tổng quát là tội không tin vào Đức Kitô và
những gì Ngài dạy dỗ. Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ
của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến
Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong
Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa
Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ
mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).
Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi
cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người
Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được
hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng
còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người
từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ
không còn hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2.3/
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ
về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường,
trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải
bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho
anh em biết những điều phải nói.” Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng
Gioan; và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn
ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất
phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn
ngoan, bất khuất, và kiên cường.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tin vào những gì Thiên Chúa hứa là điều kiện để được nên công chính và
hưởng những hồng ân của Ngài; và ngược lại.
– Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho
con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng
ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng
ta.
– Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết
tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với
sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
19/10/2019 – THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12
SỨC MẠNH CỦA TRUYỀN THÔNG
“Phàm ai tuyên bố
nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước
mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Suy niệm: Chỉ mới đây thôi, người ta mới nhận ra rằng văn hoá
cũng là một lãnh vực làm ăn có lời mà có khi lời rất đậm. Bằng chứng là các điểm
kinh doanh về văn hoá vẫn đua nhau mọc lên. Quả thật, không ai chối cãi sức mạnh
của văn hoá qua các phương tiện truyền thông như sách vở, báo chí, phim ảnh,
truyền hình, truyền thanh, internet, v.v… một sức mạnh xây dựng cũng lớn mà huỷ
diệt cũng khủng khiếp. Hơn lúc nào hết, sứ mạng tuyên xưng danh Chúa “trước mặt
thiên hạ” phải được đẩy mạnh bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Lời
Chúa nghe được “trong phòng kín” có thể được chuyển ngay tức khắc thành “lời
rao giảng trên mái nhà” mà ở mọi xó xỉnh xa xôi nhất trên thế giới đều có thể
tiếp cận, truy cập được.
Mời Bạn: Người Ki-tô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô bằng
chính cuộc sống của mình, điều đó đúng! Nhưng xin bạn đừng quên rằng nếu bạn
không “nói” gì và không dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để “nói”
lên lời tuyên xưng của bạn, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để loan báo
Tin Mừng. Tệ hại hơn, bạn đang bỏ ngỏ cửa nhà bạn để những ảnh hưởng xấu ùa vào
tác hại trên chính người thân của bạn.
Chia sẻ: Bạn có
sáng kiến nào để phổ biến cho nhau cách tốt nhất những chứng từ loan báo Tin Mừng
không?
Sống Lời Chúa: Dùng điện thoại, email, twitter, tin nhắn hay các
phương tiện khác để chia sẻ cho bạn chứng từ sống đức tin mà bạn nhận được.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
Đừng lo (19.10.2019 – Thứ Bảy Tuần
28 TN)
Suy niệm:
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.
Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
Như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
Sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo
tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế
giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra
khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào
trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG MƯỜI
Chứng Từ Của Tình
Yêu Huynh Đệ
Sau khi ghi nhận những công việc xuất phát từ tình yêu lớn lao dành cho
Chúa Kitô trong trái tim của người phụ nữ này – một tôi tớ nhỏ bé của Thiên
Chúa – tôi liên tưởng đến giáo huấn mà Tông Đồ Phao-lô đã viết cho các tín hữu
Philipphê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm
an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần
Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy
làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một
lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,1-2).
Phải chăng những lời này của vị Tông Đồ Dân Ngoại chỉ dành cho giáo đoàn ở
Philipphê? Hay chỉ gởi cho giáo hội ở Calcutta? Không! Đó là những lời được gởi
cho toàn thể Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới, gởi cho mọi người Kitô hữu! Có
thể nói, đó là những lời được gởi cho mọi tín đồ thuộc mọi niềm tin tôn giáo,
cho tất cả những con người thiện chí. Đó là một chứng từ của tình yêu huynh đệ:
“Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được nên trọn vẹn, là hãy có cùng một
cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng
làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người
khác hơn mình” (Pl 2,2-3).
Đừng! Chúng ta đừng bao giờ hành động theo hướng nuôi dưỡng hận thù, bất
công, hoặc gây ra đau khổ! Đừng bao giờ hành động để chạy đua vũ trang! Đừng
bao giờ hành động theo hướng áp bức các dân tộc yếu kém! Đừng bao giờ hành động
theo những dạng trá hình của chủ nghĩa đế quốc và những ý thức hệ bất nhân chà
đạp tinh thần người ta.
Cuối cùng, hãy cho phép những người thấp cổ bé miệng được lên tiếng nói!
Hãy cho phép những người nghèo của Mẹ Têrêsa – cũng như mọi người nghèo trên thế
giới – được lên tiếng nói! Bởi tiếng nói của họ chính là tiếng nói của Đức
Kitô! Amen.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19/ 10
Thánh Gioan
Brêbeuf, linh mục.
Thánh Isaac Jogues,
linh mục, và các bạn tử đạo
Rm 4, 13.16-18; Lc
12, 8-12.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên
Chúa. Còn ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các
thiên thần của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu đang
đòi hỏi ở nơi mỗi một người tín hữu sự trung tín đối với Người, khi đứng trước
mọi mọi cám dỗ của mọi sự thử thách, của cải vật chất, uy quyền, tư lợi và mạng
sống. Phần thưởng của lòng trung tín là ở Thiên Đàng; Chính nơi đây Ngài sẽ
công khai công bố trước các thiên thần của Thiên Chúa: “Đây chính là người thuộc
về Ta”
Lạy Chúa Giêsu.
Xin Chúa luôn ban ơn cho chúng con, để chúng con biết khôn ngoan và trung tín với
Chúa cho đến trọn đời để ngày sau chúng con được vui hưởng Thiên Đàng với Chúa
cùng các thiên thần và các thánh.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 19-10
Thánh PHAOLÔ THÁNH
GIÁ
(1694 – 1775)
(1694 – 1775)
Ít có biến cố đẹp mắt để ghi lại cuộc đời của Paul Prannes Daniel. Thường
trọn đời Ngài dành cho cầu nguyện, sám hối và tôn sùng cụôc tử nạn của Chúa.
Ngài là dụng cụ phổ biến lòng tôn sùng này với dòng tu Ngài thiết lập, dòng
Thương khó. Ngài sinh tại miền Bắc Ý năm 1694 từ một gia đình trung lưu đạo đức.
Dầu cuộc sống Ngài cho tới tuổi15 đã diễn ra như cuộc sống bình thường của người
Kitô hữu, nhưng vào thời này, người đã trải qua một loạt trở lại khiến Ngài
dâng trọn đời cho việc cầu nguyện hãm mình: Ngài quỳ gối lâu giờ, thực hành những
việc phạt xác như ngủ trên đất và ăn chay liên tục, nhờ đó ảnh hưởng đối với những
người đương thời, khiến nhiều người đi tu dòng hay là một linh mục triều.
Vào tuổi 20, việc gia nhập đạo quân Venise để bảo vệ Kitô giáo chống lại
người Hồi cho thấy sau một thời lý tưởng Ngài đã khác. Nhưng Ngài đã trở lại đời
sống cầu nguyện hãm mình.
Sáu năm qua đi và chỉ đến lúc 26 tuổi, Ngài mới thấy rõ hơn chuỗi ngày
tương lai của mình trong một loạt các thị kiến. Ngài hiểu rằng: mình phải lập một
dòng tu đặc biệt tôn sùng cuộc khổ nạn. Trước hết Ngài bắt đầu nếp sống mà tu
sĩ dòng Thương khó sẽ phải sống, trong khi phát ra một qui luật gửi về Roma xin
phê chuẩn. Sau một ít khó khăn, luật này đã được chuẩn nhận. Ngài và em mình là
Gioan Tẩy giả đã lập dòng ở Mote Argentaro và nhận những tập sinh đầu tiên. Đức
Bênêdictô XIV đã buộc giảm nhẹ đôi chút sự khắc khổ trong đời sống tu trì và đi
rao giảng trong các miền lân cận.
Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành rao giảng cuộc Thương Khó khắp
nơi và gây được nhiều cuộc trở lại. Những năm cuối đời, Ngài đã lập dòng các nữ
tu thương khó. Bây giờ Ngài được dân chúng coi như một vị thánh và mỗi khi đi
qua đâu, Ngài phải chịu đựng đám đông những người lo kiếm miếng vải áo Ngài làm
thánh tích, họ chạm tới Ngài hay xin Ngài chữa bệnh hoặc một ân huệ nào khác.
Ngài qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1775 vào tuổi 80 và được tuyên thánh khoảng gần
thế kỷ sau năm 1865.
Điều lạ lùng là vị thánh người Ý không hề rời xa quê hương mình sinh trưởng
lại rất quan tâm tới việc trở lại của nước Anh mà Ngài biết đến rất ít. Ngài
nói: “Nước Anh luôn ở trứơc mặt tôi và nếu nước Anh trở lại công giáo thì ích lợi
cho Giáo hội vô kể”. Dầu bản thân Ngài đã không thể đi bước tích cực nào để cải
tiến vấn đề, cũng cần ghi lại rằng 65 năm sau khi Ngài qua đời,một tu sĩ, dòng
Thương Khó, anh Dominicô Barbeni đã tới nước Anh và trở thành dụng cụ đưa về hiệp
thông với Giáo hội Jolm Hery Newman và nhiều người khác nữa, như thế là góp phần
vào việc phục hồi đạo công giáo tại xứ sở này.
*****************
Ngày 19-10
Ngày 19-10
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO MIỀN
BẮC MỸ
(Thế kỷ XVII)
(Thế kỷ XVII)
Rênê (+1642) Jean Lalande Và Isaac Jogues (+1644) Antoine Daniel (+1648)
Jean De Brébeuf Và Gabriel Lalemant (+1649) Charles Garnier Và Noel Chabanel
(+1649)
Ngay từ năm 1608, hai tu sĩ dòng Tên đã được gởi tới miền Nova Scotia,
nhưng công cuộc sớm bị ảnh hưởng những cuộc chiến tranh với nước Anh và mãi tới
năm 1632 khi Canada đi về với Pháp, trung tâm truyền giáo mới được các tu sĩ
dòn Tên thiết lập thường xuyên ở Rucbee.
Năm 1633, bề trên Paul le Jeune kết hợp với Jean de Brébeuf, một nhà quí
phái sinh tại Normandie, và Antoine Daniel với Ennemond Massé. Những khó khăn của
các nhà thám hiểm này được biểu trưng bằng những kinh nghiệm của Le Jeune khi
Ngài theo nhóm Algonquin đi săn bắn: những cố gắng rao giảng của Ngài bị phá hoại
bởi những tiếng reo hò, chế giễu, bởi vì người da đỏ dạy người nói thổ ngữ để
châm chọc đã dùng những chữ độc ác nhất đặt ngang với từ ngữ chỉ đức tin Kitô
giáo. Le Jeune cũng bắt dầu cảm thấy bốn khía cạnh tệ hại nhất trong đời sống
dân da đỏ là: lạnh, nóng, khói và chó. Trong căn lều chất đầy đàn ông, đàn bà
và chó ngủ chung quanh đống lửa đến khi thường bị mù lòa. Một sự kiện khiến Le
Jeune nhận định: “Những lương dân bất hạnh này trải qua cuộc sống đời tạm trong
khói mờ và chôn vùi cuộc sống đời đời trong lửa cháy”.
Le Jeune quyết định rằng không có cuộc truyền giáo nào hy vọng thành công
được nếu không hướng về những bộ lạc đã định cư. Dân Huron sống ở miền phía
đông bờ biển Huron đã được chọn làm trung tâm truyền giáo. Năm 1634, Brébeuf
Daniel và Davort đã thành công trong việc hoà đồng với dân tộc gồm hai chục
ngàn dân sống trong ba mươi làng, mỗi làng có khoảng bảy trăm dân này.
Các nhà truyền giáo gặp được những người da đỏ lịch sự nhưng xa cách trẻ
em và những người hấp hối hầu như không thể trở lại đạo được, vì họ chỉ coi đó
là tôn giáo của người da trắng. Họ hỏi: “Các ông có săn bắn trên thiên đàng,
đánh nhau hay mừng lễ không ?”. Được trả lời là không. Họ liền đáp lời: “Vậy
chúng tôi không tới đó đâu. Nhàn cư vi bất thiện. Các nhà truyền giáo nhận thấy
điều chống lại mình chính là cả nếp sống với những cưới hỏi phải tranh hùng, những
hành hạ và những cuộc ăn thịt người. Các Ngài quyết định chính mình tập trung
dân lại, không coi họ là đồng minh. Nhưng khích lệ và còn hy vọng những cuộc
hôn nhân với dân cư gốc Pháp nưã.
Sự sáng suốt của quyết định này đã được củng cố với những kinh nghiệm thu
lượm được trong cuộc thí nghiệm năm 1638, trùng hợp với việc đến góp mặt của
năm nhà truyền giáo khác nữa trong đó có: Isaac-Joques, một học giả và nhà lực
sĩ có thể qua mặt cả người da đỏ và Charles Garnier. Dân da đỏ bắt đầu thù nghịch
với các tu sĩ dòng Tên như là những phù thủy nguyền rủa dân tộc họ, khi ấy bóng
áo dài của các Ngài in trên nền tuyết trắng trên đường đi tới làng nào, trẻ con
khóc thét tìm mẹ như là cơn đói và dịch tễ đã đến. Đó là lúc Jean de Brebeuf thấy
thánh giá vĩ đại của mình tiến đến từ vùng đất dân Iroquois cư ngụ, kẻ thù của
dân Huron. Khi được hỏi thánh giá ấy giống cái gì, Ngài trả lời: “Nó lớn đủ để
đóng đinh tất cả chúng ta”.
Dân Iroquois nuôi dưỡng sự tức giận từ khi bị người Pháp đánh bại 30 năm
về trước và mức độ tấn công của họ ngày càng lớn thêm. Vào tháng tám năm 1624
Jognes, Goupil (một giáo dân cộng tác vào việc truyền giáo) và một nhóm người
da đỏ từ Quebu trở về với thực phẩm cần thiết cho nhóm truyền giáo và những người
dân da đỏ đói khổ. Họ bị dân Iroquois tấn công và bắt giữ. Dân này gặm tay họ
như chó dại, rút móng tay và bắt họ chạy giữa hai hàng người cho người ta đánh
đập mỗi khi qua làng nào. Sự tinh chế hay là “Mơn trớn” (như người da đỏ nói) của
cực hình họ chịu còn nhiều hơn nữa: than nóng, dao mác, cắt xẻo để diễu cợt và
vui chơi. Cái chết trong bầu khí quỉ quái hơn là chỉ để vui chơi, thường bằng
cách thiêu sống và rồi sau đó thân thể được phân phát làm của ăn.
Goupil tồi tệ nhất. Ngài bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1642 bằng một nhát
búa vì dám rửa tội một em bé nhưng Jognes bị giam giữ nhiều tuần với bản án tử
hình vĩnh viễn. Cuối năm 1643, với sự trợ giúp của vài nhà buôn Hòa Lan, Ngài
đã trốn thoát được về Pháp bằng tàu, nhưng lại trở lại truyền giáo năm 1644 và
được chính quyền miền tân Pháp gửi tới dân Iroquois như một sứ giả trong một thời
gian hưu chiến ngắn.
Được khích lệ bởi những kết quả của cuộc viếng thăm này, Jognes đã trở lại
với một giáo hữu trợ tá khác là Jean Lalande. Nhưng thành công của họ không sống
lâu: một vụ mất mùa, một cái hộp khả nghi của Jognes mà người da đỏ tin là có
chứa một tai họa và cả hai bị bắt, bị hành hạ, bị giết ngày 18 tháng 10 năm
1644.
Hầu hết dân Huron đã bắt đầu đón nhận đức tin Kitô giáo, tinh thần của họ
như một dân bị khổ cực với những cuộc tấn công liên lỉ của dân Iroquois. Cuộc tử
đạo kế tiếp xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1648 khi pháo đài chính xứ thánh
Giuse, một làng 26 ngàn người bị dân Iroquois phá hủy. Antoin Daniel thành công
trong 4 năm liên tiếp vừa mới cử hành thánh lễ xong, khi thấy nhóm người bảo vệ
bị vây khốn, Ngài giục họ trốn đi và nói: “Tôi sẽ ở lại đây, chúng ta sẽ gặp lại
nhau trên thiên đàng”. Mặc nguyên áo, Ngài tiến ra gặp người Iroquois. Họ ngỡ
ngàng nhìn lại một chút, rồi bắn một loạt tên. Sau đó bắt nạn nhân của mình, tắm
mặt họ vào máu Ngài và ném xác Ngài vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy.
Mùa Xuân tiếp sau, người Iroquois tăng gấp đôi nỗ lực nhằm hại người Huron
và trong một cuộc tấn công của 1000 người vào làng thánh Lu-y, họ bắt thánh
Jean de Brébeuf và Gabriel Lement, thánh Jean de Brebeuf bị hành hạ nghiêm khắc
đến nỗi đã chết sau 4 tiếng đồng hồ. Một chiếc vòng bằng vàng những cái rìu
nóng đỏ quấn quanh cổ Ngài và Ngài đã được một người Huron phản đạo rửa tội
trong nước sôi. Nằm chết, đám đông uống máu Ngài và thủ lãnh họ được đặc ân ăn
trái tim Ngài.
Lelemant ốm yếu đã sống sót được 17 giờ bị hành hạ trước khi tắt hơi ngày
17 tháng 3 năm 1649.
Hai vị tử đạo khác bị những người Thổ của Giáo hội người da đỏ kêu gào
đòi mạng khi sự khủng khiếp trải rộng tới dân tộc Tobacco sống ở những thung
lũng núi Blue. Trong cuộc tấn công vào xứ thánh Gioan tháng 12 năm 1644,
Charles Garnier đã bị giết khi Ngài cố gắng giải tội cho một người da đỏ, đang
hấp hối. Là con của một người dân thành Paris, Ngài đã sống bằng rễ cây và trái
sồi và đi bộ 30 hay 40 dặm dứơi sức nóng của mùa hạ qua miền đất thủ hần để rửa
tội một người da dỏ đang hấp hối. Bạn Ngài, Noel Chabanel ngán các điều kiện của
việc truyền giáo đến nỗi tự buộc mình bằng lời khấn sẽ ở lại đó cho tới chết,
đã bị giết chết bởi một người Huron phản đạo vì tin rằng: tôn giáo mới chịu
trách nhiệm về số phận đau khổ của quê hương anh ta.
Cuộc truyền giáo cho người Huron như thế thật gian khổ chỉ thấy chán nản
thất vọng và phân tán. Tuy vậy ảnh hưởng của cuộc truyền giáo đã thay đổi nếp sống
những người da đỏ, dầu họ còn hoang dại nhưng hết độc ác.
(daminhvn.net)
19 Tháng Mười
Ôi Giêsu, Ôi Giêsu!
Jeanne D’Arc, một cô gái quê, đã nghe theo tiếng gọi từ trời cao để cầm
quân đánh đuổi người Anh ra khỏi đất Pháp. Nhờ chiến thắng này, hoàng tử
Charles đã được đăng quang làm vua nước Pháp.
Nhưng sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D’Arc bị bại trận, cô bị
người Anh bắt giữ và kết án hỏa thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ
còn trơ trọi một mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm, vua Charles không
muốn bỏ tiền ra để chuộc cô, các tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên
cô cũng đã bỏ chạy trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào cũng trung thành với
cô: đó chính là tiếng kêu của cô.
Trong cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu lớn: “Ôi Giêsu, ôi
Giêsu!”. Quả thật, dù lòng người có bội bạc phôi pha, Chúa Giêsu vẫn luôn ở với
cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.
Tin tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng phút giây ta có bị người
đời bỏ rơi, phản bội. Yêu là tin rằng ta có thể trung thành trước những bất
trung của người khác và những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta đứng vững
trong niềm tin vì cho dù xung quanh ta không còn một bóng người, Thiên Chúa vẫn
luôn ở đó.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét