20/10/2019
Chúa Nhật 29 Thường
Niên năm C.
CẦU CHO VIỆC RAO
GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC.
(phần I)
Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường
Niên Năm C
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 8-13
“Khi ông Môsê giơ tay lên, thì
dân Israel thắng trận”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, người
Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng:
“Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ
cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như
lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và
Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận,
còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông
Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và
ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến
khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân
nó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6.
7-8
Đáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở
nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất (c. 2).
Xướng:
1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh
núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh
Chúa, là Đấng tạo thành trời đất. – Đáp.
2) Người chẳng để cho chân ngươi
xiêu té; Đấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Đấng bảo vệ Israel, Người
không thiếp giấc, không ngủ say. – Đáp.
3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi,
Chúa là Đấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban
ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. – Đáp.
4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi
điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và
khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2
“Người của Thiên Chúa được hoàn
hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.
Trích thư thứ hai của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy bền vững
trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ
bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để
con được cứu rỗi nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa
linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng
công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi
việc lành.
Cha khuyến cáo con trước tôn
nhan Thiên Chúa và Đức Kitô, Đấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc
xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc
Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết
phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm
giáo huấn. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa
phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8
“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những
kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng:
“Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không
kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin
ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không
chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng
chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử
cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi
Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa
lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm
ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho
họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa
chăng?”. Đó là lời Chúa.
Suy
niệm
Vì
rơi vào ngày Chúa Nhật mừng lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, bài đọc I hôm nay với
bài tường thuật về trận chiến giữa quân Amalech và Ítraen có thể gây bối rối
cho những ai muốn nói về tầm quan trọng của ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu.
Bài đọc có thể bị hiểu sai như là kích động thánh chiến hay kêu gọi việc chiêu
dụ cực đoan. Trái lại, truyền giáo nhắm tới việc công bố cuộc Vượt Qua của Đức
Giêsu và sự hòa giải với Thiên Chúa được Đức Giêsu cống hiến. Mục đích của truyền
giáo là làm chứng cho Đức Giêsu, thông truyền Tin Mừng của Người, xây dựng Hội
Thánh của Người, trong một bầu khí huynh đệ chân thành và tôn trọng tự do
đích thực trong việc cùng nhau tìm kiếm sự gia tăng hiệp thông và công bằng
trên thế giới. Chưa kể đến việc Tin Mừng cũng dạy chúng ta, qua gương sáng của
Đức Giêsu, là phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại
chúng ta. Những người được rửa tội và được sai đi không có một sản phẩm để bán
hay áp đặt cho thế giới. Là Hội Thánh của Đức Kitô trong sứ mạng truyền giáo,
người tín hữu lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa để công bố, làm chứng và thông
truyền sự sống ấy cho sự cứu rỗi của bản thân mình và của mọi người khác.
Bản
văn Kinh Thánh của sách Xuất Hành 17:8- 13 cho chúng ta ký ức về một giai đoạn
trong đó Ítraen, một dân lánh nạn đang đi tìm một mảnh đất để định cư, bị đe dọa
diệt vong và phải dấn mình vào một cuộc đấu tranh cho sự tồn vong của mình. Chỉ
cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, với niềm tin chắc chắn giành chiến thắng
cũng như được giải phóng khỏi đất Ai Cập, dân tộc Ítraen lưu giữ ký ức về trận
chiến này, và về các trận chiến khác sau đó, làm bằng chứng cho lòng tin của họ
vào vị Thiên Chúa thật, là Chúa trời đất, Thiên Chúa các đạo binh, Đấng an ủi kẻ
yếu đuối và giải phóng những người bị áp bức. Đây là lời ca tụng mà thánh vịnh
gia, với lòng tin cậy và biết ơn, dâng lên cho Đức Chúa, Đấng bảo vệ
Ítraen: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn
phù hộ tôi đến từ ÐỨC CHÚA
là Ðấng dựng nên cả đất trời. (Tv 121:1-2)
là Ðấng dựng nên cả đất trời. (Tv 121:1-2)
Các
yếu tố gây hấn, oán ghét và hận thù đi kèm theo cách diễn giải này của Cựu Ước
về đức tin trong lịch sử cần phải được thanh tẩy dần dần qua các thế kỷ bởi dân
thánh, như các ngôn sứ và các bậc khôn ngoan, và cuối cùng bởi Chúa Giêsu,
Hoàng tử Hòa Bình và Công Lý, Đấng đã được các ngôn sứ nhìn thấy trước và chờ đợi
hàng thế kỷ. Những gì từng được hiểu như là sức mạnh và bạo lực trong việc tiêu
diệt các ngẫu tượng và các dân ngoại, thì nay trong Đức Giêsu, nó trở thành một
niềm đam mê nóng bỏng và một tình yêu thương bừng cháy đối với việc cứu rỗi mọi
người.
Thập
giá Chúa Giêsu là nơi mà sự ác đã bị đánh bại bởi tình yêu của Đấng chết vì
chúng ta, chết thay cho chúng ta, trải nghiệm cái chết của chúng ta như là của
chính Người. Người cũng chịu chết để cứu độ những kẻ bách hại và những kẻ thù của
Người. Mọi sự oán thù bị tiêu diệt bởi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, nơi Người
và trong sự hiệp thông Ba Ngôi, sự oán thù và sự chết càng khơi dậy tình yêu lớn
hơn và lòng thương xót hiệu quả hơn. Thiên Chúa đã huỷ diệt tội lỗi, sự bất
công và sự chết của chúng ta bằng cách mang lấy tất cả những điều ấy nơi chính
bản thân Người, và đã tiêu diệt chúng nhờ tình thương vô biên của Người. “Cái
chết của Đức Kitô trên Thập Giá là đỉnh điểm của việc Thiên Chúa quay lại chống
đối chính mình, trong đó Thiên Chúa tự hiến chính mình để nâng con người lên và
cứu độ họ. Đó là tình yêu trong hình thái triệt để nhất. Trong Mầu Nhiệm Vượt
Qua, sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết đã được thực hiện” (ĐGH
Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 9). Tân Ước và toàn bộ Sách Thánh giới
thiệu cho chúng ta và dạy dỗ chúng ta về hành động cứu độ này của Thiên Chúa
trong thế giới.
Trong
viễn tượng này, bài đọc 2 cho chúng ta thấy Thánh Phaolô dạy cho Timôthê biết tầm
quan trọng của Sách Thánh như thế nào: “từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh,
sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức
Kitô Giêsu” (2 Tm 3:15). Trên thực tế, Timôthê đã học Sách Thánh từ thời thơ ấu,
giống như mọi bé trai Do Thái; kể từ đó, các trẻ em Kitô hữu cũng học Sách
Thánh, với sự trợ giúp của cha mẹ các em và cộng đoàn. Timôthê ở tuổi thanh
niên đã cùng với cả gia đình mình đón nhận đức tin trong hành trình truyền giáo
lần thứ nhất của Tông Đồ Phaolô và sau này trở thành một thành viên trong
đoàn truyền giáo của Phaolô. Là con của một người mẹ Do Thái và người cha Hy Lạp,
Timôthê đã lãnh nhận từ thời niên thiếu một nền giáo dục tôn giáo sâu xa và vững
chắc từ bà ngoại anh là cụ Lôít và mẹ anh là bà Êunikê, hai người phụ nữ đã dạy
anh hiểu biết Sách Thánh. Đây là điều cần thiết, vì Sách Thánh được Thiên Chúa
linh hứng, và nếu được cắt nghĩa tốt (thay vì bị sửa đổi và xuyên tạc, như Thư
2 của Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta; x. 2 Pr 1:19-21), Sách Thánh khích lệ
chúng ta làm việc lành và xây dựng chúng ta trong sự công chính và thánh thiện.
Nhiệt tình truyền giáo chân chính không phải là thái độ chiêu dụ bằng bạo lực,
nhưng là ước muốn một trái tim huynh đệ đầy tràn Đức Kitô và được Thánh Thần
thúc đẩy để hợp tác vì sự cứu rỗi và hạnh phúc của mọi người, mọi nhóm sắc tộc,
bằng cách chia sẻ những giá trị đạo đức và văn hóa, những niềm vui và hy vọng,
tìm kiếm một sự sống viên mãn và bình an đích thực, là chính Đức Giêsu Kitô đã
chết và phục sinh. Vì lý do này, Thánh Phaolô mạnh mẽ khuyên nhủ Timôthê hiến
toàn thân xác và linh hồn cho việc giảng dạy Lời Chúa, trong khi đợi chờ ngày
Quang Lâm của Chúa.
Trong
các thư của ngài, Thánh Phaolô thường xuyên nhắc đến sự phục vụ của Timôthê cho
công việc rao giảng Tin Mừng. Là người luôn sẵn sàng và chăm chú, anh quảng
đại và yêu mến đồng hành với các cộng đoàn Hội Thánh. Phaolô nhắc các tín hữu
Philipphê nhớ đến chứng tá và lòng trung thành của Timôthêô: “Nhờ Chúa Giêsu,
tôi hy vọng có thể sớm cử anh Timôthê đến với anh em… Anh em biết: anh Timôthê
đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin
Mừng, như con với cha” (Pl 2:19.22). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh
Phaolô nhấn mạnh lòng can đảm và đặc sủng truyền giáo của Timôthê: “Và chúng
tôi đã phái anh Timôthê, người anh em của chúng tôi và cộng sự viên của Thiên
Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Ðức Kitô; anh đến để làm cho anh em được vững
mạnh, và khích lệ đức tin của anh em, khiến không ai bị nao núng vì các nỗi
gian truân ấy” (1 Th 3:2-3). Do đó, Timôthêô sẵn sàng đi và cần mẫn phục vụ các
giáo hội mới lập, làm sáng tỏ những mối hoài nghi của họ và nâng đỡ các cố gắng
của họ. Lời Thiên Chúa là sức mạnh và là bạn đồng hành của anh.
Câu
đáp ca Allêluia, với giọng trữ tình và lời lẽ trau chuốt, là một thánh thi tuyệt
vời ca tụng Lời của Thiên Chúa, được mô tả là “sống động và hiệu quả”, vì nó thấm
sâu vào lòng chúng ta như một thanh gươm hai lưỡi. Như lời thánh vịnh gia, Chúa
dò thấu lòng trí chúng ta và thấy rõ mọi đường đi nước bước của chúng ta. Cũng
vậy, chúng ta thấy ẩn dụ thanh gươm trong thư Êphêsô; được gọi là gươm của
Thần Khí, Lời Thiên Chúa đầy sức mạnh thấm sâu vào tâm hồn (x. Ep 6:17). Một vũ
khí ác liệt của chiến tranh cũng được dùng làm biểu tượng cho một cuộc chiến đấu
khác, đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng tạo nên sự sám hối và hoán cải, niềm
vui và sự sống mới, lòng nhân hậu và trung thành. Đây là những hoa quả của Lời
Thiên Chúa sống động và thân thiết, hoa quả của Đức Khôn Ngoan thấu suốt mọi sự,
thấm nhuần mọi sự và phán xét mọi sự, hiện diện trong tâm khảm chúng ta và chiếu
sáng chói lóa khiến không ai có thể bị che khuất. Tin Mừng Đức Giêsu, sự Khôn
Ngoan của Thiên Chúa, là thần khí và sự sống. Tin Mừng này làm cho kẻ chết sống
lại, phục hồi nhân phẩm cho những người bị loại trừ, ban niềm vui cho người sầu
khổ, đổi mới mọi tạo vật, biến đổi, thánh hóa và ban sự sống đời đời. Tuy
nhiên, khi Lời soi sáng, Lời cũng đồng thời xét xử, vì Lời gỡ bỏ các mặt nạ của
linh hồn, tiết lộ sự thật được bày ra trong lương tâm. Trong trái tim của người
được Thần Khí của Chúa Phục Sinh đổ vào, sự phán xét của Lời luôn luôn là để
ban ơn tha thứ và thanh tẩy.
Dụ
ngôn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật hôm nay mô tả cảnh một bà
góa bị một quan tòa tham ô từ chối quyền được tự biện hộ, một trải nghiệm mà
nhiều người trên thế giới phải chịu ngày nay. Câu chuyện dụ ngôn được đặt
trong khung cảnh “trong một thành kia” (Lc 18:2), một thành không có tên vì những
điều được kể có vẻ xảy ra ở khắp nơi - luật pháp phải được thi hành cho những kẻ
thù của quan tòa; còn đối với các bạn bè của quan tòa, chỉ cần diễn giải.
Người
đàn bà góa trong dụ ngôn không phải là bạn của quan tòa, vì thế chị không được
quan tòa lắng nghe. Bà góa này chồng đã chết, và trong xã hội Palestin ở thế kỷ
1, bà không được quyền thừa kế gia sản của người chồng quá cố. Các bà góa dễ bị
tổn thương về kinh tế và dễ bị bóc lột, như Đức Giêsu đã nặng lời nhắc nhở
chúng ta khi Người tố cáo các kinh sư xâu xé tài sản của các bà góa (Lc
20:46-47). Vì không có luật sư, bà góa phải tự biện hộ chống lại đối thủ của
bà. Đức Giêsu phơi bày lập luận trong lòng ông quan tòa bất lương, người không
quan tâm tới các lời phàn nàn của bà góa và không thèm biết bà là ai. Ông ta
không kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng đoái hoài gì tới lợi ích của người dân.
Người đàn bà góa nhất quyết không để mình bị làm ngơ, kể cả trước một ông quan
tòa bất lương, cho tới khi án kiện của bà được giải quyết có lợi cho bà.
Đức
Giêsu dùng các dụ ngôn để dạy chúng ta về nhu cầu phải cấp bách và liên tục cầu
nguyện. Nếu kinh nguyện là trái tim của sứ mạng Hội Thánh, đó là vì trong
mối quan hệ của cá nhân và của Hội Thánh với với Thiên Chúa (phụng vụ), những
con người và những cộng đoàn được đổi mới nhờ ơn cứu độ Đức Giêsu ban cho chúng
ta. Câu hỏi của người về đức tin khi Người sẽ đến lại có vẻ như chỉ ra một mối
quan tâm của Người về hiệu quả của sứ mạng sẽ được thi hành và tính chân thực của
chứng tá của các môn đệ truyền giáo. Những môn đệ này, được tháp nhập vào Mầu
Nhiệm Vượt Qua nhờ phép rửa, được sai vào thế giới rong tư cách Hội Thánh của Đức
Kitô, cộng đoàn của những người được cứu chuộc, là hạt giống và khởi đầu của Nước
Trời hầu cho toàn thể lịch sử và toàn thể nhân loại có thể được biến đổi và cứu
chuộc. Hiệu quả của việc cầu nguyện liên tục, của sự liên lỉ van xin, của việc
bền tâm tìm kiếm lòng yêu mến sự thật và công lý, giúp tôi luyện khả năng truyền
giáo của người môn đệ. Chỉ những ai kiên tâm cầu nguyện mới đặt Đức Kitô vào
tâm điểm đời sống của họ và của sứ mạng được trao cho họ, giúp tăng cường đức
tin. Chỉ những ai kiên trì cầu nguyện mới trở nên chăm chú và có khả năng lắng
nghe, thể hiện và khám phá ra những nhu cầu và những đòi hỏi của sự cứu rỗi vật
chất và thiêng liêng luôn hiện diện trong con tim của loài người hôm nay.
(Trích
31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường
10/2019)
Nguồn:
Uỷ ban loan báo Tin Mừng
BÀI ĐỌC THÁNH LỄ
CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG
CHO CÁC DÂN TỘC
BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6
“Nhà Ta được gọi là nhà cầu
nguyện cho mọi dân tộc”.
Bài trích sách tiên tri
I-sa-i-a.
Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi
Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy
trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân,
nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên
mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua
hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn
coi: Tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi, các con trai của
ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ
ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng
lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư
dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc
đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha. Tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, họ sẽ
tuyên-rao lời ca ngợi Chúa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng
trái đất (c. 5a).
Xướng:
1) Trời xanh tường thuật vinh
quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho
ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.
2) Đây không phải lời cũng không
phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng
trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8
“Thiên Chúa muốn cho mọi người
được cứu rỗi”.
Bài trích thư thứ nhất của
thánh Phao-lô tông đồ gửi cho Ti-mô-thê.
Trước tiên, cha khuyên con hãy cầu
nguyện, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những
bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và
thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu độ chúng ta là Thiên Chúa.
Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ có một
Thiên Chúa, và một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Kitô,
cũng là Con Người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để
nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ
rao giảng, làm tông đồ. Cha nói thật chứ không nói dối, và làm Thầy dạy dân ngoại
trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện
trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh
tranh.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 28, 19-20
All. All. – Chúa phán: “Các con
hãy đi giảng dạy muôn dân, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. –
All.
PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20
“Các con hãy đi giảng dạy
muôn dân”.
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các
môn đệ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị
kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ
sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống
nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh,
thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa
lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp
nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác
nhận lời các ông rao giảng.
Đó
là lời Chúa.
Từ
ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu nhận trong mình 3 sứ vụ : tư tế –
ngôn sứ và vương đế.
1 trong 3 sứ vụ đó – ngôn sứ – mỗi người được mời gọi cũng như phải có trách
nhiệm với ơn gọi của mình. Và, nhất là trước khi về Trời, Chúa mời gọi : “Các
con hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Với lời này, mọi người phải nhớ phận vụ loan báo Tin Mừng là không phải của
riêng ai. Có người thầm nghĩ là của giám mục, của linh mục, của tu sĩ hay người
thuộc Ban Truyền Giáo … Và như thế, cần phải cân chỉnh lại cách nhìn và nhất là
cân chỉnh đời sống của mình.
Người ta vẫn thường nói có đạo rồi phải giữ đạo và chuyện này rất quan trọng.
Hay hơn thế nữa khi ta nghe nói “tin đạo chứ đừng tin người có đạo”.
Thật đau lòng và suy nghĩ cho những người có đạo. Những người có đạo có thật sự
giữ đạo hay không và có để người khác tin rằng mình có đạo hay không ? Hay mình
chỉ là người đóng mác nhãn Kitô mà thôi còn trong người mình chả có một chút gì
Kitô cả.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, sứ mạng truyền giáo vẫn là sứ mạng căn cốt của người
Kitô hữu. Chả phải cứ lên đường loan báo Tin Mừng hay dự các hội thảo hội nghị
hay ra định hướng là truyền giáo. Chuyện cần thiết nhất là phải sống cùng, sống
với và sống cho người khác như Đức Kitô thì mới gọi là truyền giáo.
Nếu nhắc đến truyền giáo mà không nhắc đến Đức Kitô quả là điều thiếu sót thật
lớn và coi như chả có gì để nói. Đơn giản vì chính Đức Kitô đã được Thiên Chúa,
vì yêu thế gian đã ban cho con người để con người được cứu độ ngang qua cuộc đời
hay nói đúng hơn là ngang qua đau khổ – cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Đức Kitô đã đến thế gian này và đón nhận kiếp người cũng như sống chết với con
người với ơn gọi phục vụ ơn cứu độ. Cái chết trên cây thập tự chính là lễ tế cuối
cùng và tuyệt hảo nhất mà Chúa Giêsu đã dâng cho Chúa Cha để đền tội cho nhân
loại hững hờ.
Cả cuộc đời Chúa Giêsu, đến thế gian không phải để được phục vụ nhưng đã phục vụ
và làm giá chuộc cho nhân loại.
Nếu như Đức Kitô chỉ nhập thể nhưng không nhập thế thì coi như không hoàn thành
sứ mạng và có thể xem ra vô ích. Đức Kitô đã nhập thể và nhập thế.
Thật vậy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc (với các môn đệ), cùng đồng thân đồng
phận với con người và nhất là đồng thân đồng phận trong con người tội lỗi để
nâng người tội lỗi lên tầm cao mới là không chỉ sạch tội mà được ơn cứu độ.
Nhìn lại cuộc đời của nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại ta thấy Đức
Giêsu đã vùi đời mình trong thân phận làm người và gần gụi con người đến mức
không còn mức nữa. Chúa Giêsu đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ và đã hủy
đời mình ra không. Chính vì như hạt lúa gieo vào lòng đất đó mà 12 hạt lúa khác
và hàng ngàn, hàng vạn hạt lúa khác đã thối đi và sinh nhiều bông hạt.
Và ta thấy, công cuộc loan báo Tin Mừng mãi mãi là sự giằng co của biết bao
nhiêu người khi đứng trước sứ mạng to lớn ấy. Tôi phải làm gì ? Tôi phải sống
như thế nào ? Tôi không có tiền thì sao truyền giáo ? Tôi không tri thức sao
truyền giáo ? Tôi không có sức khỏe sao truyền giáo ? Có khi do suy nghĩ quá mà
người ta đâm ra lối loạn tâm thần.
Ta cứ nhìn lại hành trình của những hạt lúa đã gieo vào lòng đất ít nhiều ta thấy
cuộc đời của các Đấng như thế nào ?
Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ với 4 bức tường nhưng đã trở thành bổn mạng của
các xứ truyền giáo.
Một Gioan Maria Vianney đã hy sinh cả đời mình để phục vụ trong sứ mạng mục tử.
Một Phanxicô Xavie đã dong duỗi trên mọi nẻo đường …
Mỗi người một cách thế nhưng rồi có một cách thế chung là rập đời mình theo mầu
nhiệm Thánh Giá Chúa.
Còn nếu nói phải nói gì thì hẳn ta nhớ Thánh Phaolô : “Khi tôi đến với anh em,
tôi đã không những lời hoa mỹ nhưng đến với anh em bằng cả tấm lòng”.
Vâng ! Nếu dựa vào tiền bạc vật chất hay tài vặt để truyền giáo e rằng cần phải
xem lại. Khi ta vịn vào vật chất hay tài năng thì khi ấy ta đã lạc đường mất hướng.
Người ta sẽ không theo và tin anh khi anh giàu có ở giữa người nghèo đâu. Người
ta cũng chả tin anh khi anh nói hoa mỹ nhưng không sống như những gì anh nói.
Và nhất là ngày hôm nay người ta sợ anh định hướng lắm rồi hay không dám nói là
người ta ngán ngẫm những con người định hướng.
Khi và chỉ khi anh sống với người ta và cùng ăn cùng uống, cùng làm việc với
người ta thì khi ấy anh mới nói cho người khác về một Đức Kitô khác đang sống
trong anh. Không khéo thì anh sẽ sống khác Đức Kitô chứ không phải là một Đức
Kitô khác.
Thực trạng đáng buồn là ngày hôm nay người ta nói nhiều quá và nói hay
quá nhưng lại không sống. Hội thảo, hội nghị người ta nói nhiều quá, người ta định
hướng nhiều quá nhưng chưa bao giờ đưa ngón tay lay thử. Ngày nay, người ta
không cần định hướng nữa mà ngày nay người ta cần những người sống và chứng
nhân.
Thật thế, ta thấy Hội Nghị có mở ra, Hội Thảo có bàn thảo và định hướng cứ đánh
máy thì cũng chẳng làm được gì khi không thấy nhân chứng sống. Ngày xưa, Đức
Kitô hình như không ngồi bàn giấy để định hướng loan báo Tin Mừng. Ngày xưa,
chính Đức Kitô đã sống định hướng của mình bằng chính đời sống thật của mình.
Và như thế, nhân dịp Giáo Hội nhớ và mừng ngày khánh nhật truyền giáo, mỗi người
chúng ta được dịp nhắc nhở chính mình về sứ mạng mà Chúa mời gọi. Ta tự trả lời
trước mặt Chúa về sứ mạng và ơn gọi của chúng ta.
Nếu như không có sức lực và hạn chế về mọi mặt, Lời Kinh Mân Côi trong tháng
truyền giáo ngoại thường này chắc chắn sẽ là sức hút mãnh liệt cho công việc
loan báo Tin Mừng đã đang và sẽ đến với những vùng anh chị em chưa biết Chúa. Nếu
như còn sống và sinh hoạt với cộng đồng thì chính lời ăn tiếng nói, cách sống của
mỗi người sẽ minh chứng cho người khác biết mình là ai. Khi thật sự mình sống
trong tư cách một người có Chúa thật thì khi ấy lực hút người khác vào Đức Kitô
sẽ khác.
Vẫn là những con người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối, ta lại xin Chúa thêm ơn
cho mỗi người chúng ta để trong hoàn cảnh sống, môi trường sống, ta hãy là người
sống cùng, sống với và sống cho người khác như Đức Kitô vậy. Có như thế thì lời
mời gọi truyền giáo trở nên sống động ngay trong chính cuộc đời của chúng ta.
Tác
giả: Nguoi Giong Trom
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Exo
17:8-13; 2 Tim 3:14-4:2; Lk 18:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên trì cầu nguyện cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Rất nhiều người chúng ta không
hiểu đúng cách và giá trị của cầu nguyện. Nhiều người trách người cầu nguyện: Tại
sao không dùng cố gắng của mình để đạt mà cứ phải trông vào sự ban ơn của Thiên
Chúa? Làm như thế là yếu đuối và biến Thiên Chúa thành cái máy làm phép lạ theo
sự điều khiển của con người. Người cầu nguyện bị trách có thể trả lời: “Muôn sự
tại nhân, thành sự tại thiên.” Nếu Thiên Chúa không cho, có làm việc cật lực
cũng vô ích! (Hơn nữa, con người không có khôn ngoan và sức mạnh đủ để đối phó
với ba thù, nếu con người không cậy dựa vào Thiên Chúa, vì chúng khôn và mạnh
hơn con người).
Liên tiếp hai tuần lễ, Lời Chúa
tập trung trong việc kiên trì trong đức tin cho đến khi đạt được kết quả mong
muốn: tuần trước tập trung trong đức tin, tuần này tập trung trong cầu nguyện
và làm hết mọi cách. Trong bài đọc I, Moses cầu nguyện trong khi Joshua đem
quân giao chiến. Quân của Israel thắng thế khi Moses giơ hai tay lên trời cầu
nguyện. Quân địch Amalek thắng thế khi Moses bỏ hai tay xuống. Trong bài đọc
II, Phaolô khuyên Timothy phải kiên trì học hỏi và rao giảng Tin Mừng khi thuận
tiện cũng như lúc không thuận tiện. Tin Mừng có ích cho việc giảng dạy, biện
bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính, trở nên thập toàn, và được trang
bị đầy đủ để làm mọi việc lành và để lãnh nhận ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, bà góa
kiên trì mỗi ngày đến năn nỉ ông thẩm phán ngoại đạo cứu xét cho trường hợp bị
đối xử bất công của bà, cho đến khi bà dành phần thắng lợi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi ông Moses giơ tay lên, dân Israel thắng thế; khi ông hạ
tay xuống, Amalek thắng thế.
1.1/ Tại sao ông Moses phải cầu
nguyện? Nhiều người cho thắng lợi ngoài mặt
trận là do tài năng điều khiển và sức mạnh quân đội, chứ họ không tin vào lời cầu
nguyện và sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, thắng trận nhờ binh hùng tướng mạnh
là chuyện bình thường; nhưng thắng trận với một số binh lính với vũ khí thô sơ
là hoàn toàn do uy quyền trợ giúp của Thiên Chúa. Lịch sử Do-thái đầy dẫy những
thắng lợi do bởi Thiên Chúa và lời cầu nguyện của con người; ví dụ: biến cố Xuất
Hành và chiến thắng quân đội của vua Pharaoh, biến cố cầu nguyện giữa ngôn sứ
Elijah và 450 ngôn sứ của Baal trên núi Carmel, biến cố vua Cyrus cho dân
Do-thái hồi hương và giúp phương tiện để họ tái thiết Đền Thờ…
Ông Moses cầu nguyện với Thiên
Chúa, vì ông biết chỉ có Ngài mới giúp dân Israel đạt được thắng lợi trên đường
vào Đất Hứa. Ông chỉ có một số binh lính trên đường đi tỵ nạn với vũ khí thô
sơ, nhưng với một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Ông tin chắc Thiên Chúa sẽ
nhận lời ông cầu xin.
1.2/ Tại sao phải ông Moses phải
khó nhọc cầu nguyện? Thiên Chúa có uy quyền
ban cách nhanh chóng, tại sao Ngài lại muốn ông Moses phải mệt nhọc đến độ hai
ông Aaron và Hur phải lấy đá kê lên để giúp ông Moses giữ vị thế giơ hai tay
lên trời? Có hai lý do:
(1) Thiên Chúa muốn cho dân
Do-thái biết chiến thắng do quân Amalek là do Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa
cần lấy điểm với dân Do-thái; nhưng Ngài muốn chứng tỏ cho họ thấy nếu họ tin
tưởng vâng lời làm theo những gì Ngài dạy dỗ, Ngài sẽ giúp họ thành công.
(2) Thiên Chúa Ngài muốn con người
cộng tác trong việc mang lại kết quả. Ngài không muốn con người biến Ngài thành
cái máy làm phép lạ, muốn gì cứ việc thầm thĩ cầu xin; nhưng Ngài muốn con người
phải cố gắng hết sức và phải kiên nhẫn chờ đợi, để hiểu giá trị của những điều
con người cầu xin. Nếu đạt được kết quả cách dễ dàng và nhanh chóng, con người
sẽ không hiểu biết tình thương Thiên Chúa và giá trị của món quà. Họ sẽ dễ dàng
khinh thường Thiên Chúa và vất những quà tặng Ngài ban.
2/ Bài đọc II: Hãy rao giảng lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không
thuận tiện.
2.1/ Cầu nguyện và hoạt động bằng
Kinh Thánh: Nhiều người hiểu lầm cầu nguyện
là xin ơn. Hiểu cách đúng đắn, cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa; xin ơn
chỉ là một phần trong cầu nguyện. Trong cuộc nói chuyện cần có hai chiều: Thiên
Chúa nói, con người nghe; và khi con người nói, Thiên Chúa nghe. Cầu nguyện bằng
Kinh Thánh là cách cầu nguyện xứng hợp nhất, vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa
nói và dạy dỗ con người; sau khi đã hiểu những gì Thiên Chúa nói, con người quyết
định mang ra hành động với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Cầu nguyện bằng Kinh
Thánh cũng giúp con người biết xin những gì đẹp ý Thiên Chúa và có ích cho tha
nhân, chứ không ích kỷ chỉ xin cho mình.
Phaolô hiểu rõ giá trị của Kinh
Thánh, nên Ngài khuyên nhủ môn đệ Timothy: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh
đã học được và đã tin chắc… Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể
dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu
Kitô.
Tất cả những gì viết trong Sách
Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa
dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập
toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”
2.2/ Hãy lên tiếng lúc thuận tiện
cũng như lúc không thuận tiện: Con người thường
có khuynh hướng chỉ học hỏi khi thuận tiện, chỉ cầu nguyện khi cần, và chỉ giữ
đạo khi được mọi sự lành bằng an. Họ quên đi mọi sự đều có lúc và có thứ tự của
nó. Để có thể làm việc trong lãnh vực chuyên môn giới hạn, họ phải kiên trì trải
qua gần 20 năm của cuộc đời với biết bao cố gắng, hy sinh, và gian khổ, mới có
kiến thức đủ để hoạt động trong lãnh vực đó. Trong khi cuộc sống hạnh phúc đời
này và đời sau còn quan trọng hơn bội phần, thế mà họ không chịu bỏ thời gian để
học hỏi Kinh Thánh, bằng lòng với những bài giảng và thánh lễ cuối tuần mà
thôi!
Khi nhìn lại cuộc đời của Chúa
Giêsu và các nhà lãnh đạo trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, họ gần như dành cả cuộc
đời cho việc học hỏi, cầu nguyện, và rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu dành 30 năm
học hỏi và 3 năm rao giảng không ngừng. Các tông đồ cũng noi gương Chúa, theo
Ngài để học hỏi, và sau đó dành cả cuộc đời để rao giảng và chết làm chứng cho
Tin Mừng. Sau khi nhận ra tình thương của Đức Kitô, thánh Phaolô dành trọn cuộc
đời để rao giảng Tin Mừng: trong hội đường khi có hội đường; ngoài bãi biển khi
không có hội đường; với quan chức cũng như với thường dân; khi được tự do cũng
như khi vào tù ra khám. Ngài đã thực sự trở nên mọi sự cho mọi người.
Hiểu được tầm quan trọng của Tin
Mừng, Phaolô truyền lại những lời tâm huyết cho môn đệ Timothy: “Trước mặt
Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất
hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy
lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe,
khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.
3/ Phúc Âm: Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ ngày
đêm hằng kêu cứu với Người sao?
3.1/ Ông quan tòa vô đạo và bà góa
quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho
các môn đệ dụ ngôn này là để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản
chí.
(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ
Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời
gian khá lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông
ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra
gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến
hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
(2) Bà góa: Bà là người cô thân
cô thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác
hãm hại. Bà đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: “Đối phương tôi hại tôi,
xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không nản
chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được. Hai điều cần phải chú ý trong
trình thuật là: Thứ nhất, bà góa này đã bị đối xử bất công và bà xin được đối xử
công bằng, chứ bà không xin được đối xử thiên vị. Chính viên quan tòa cũng nói
là sẽ xét xử công bằng (ekdikein) cho bà. Thứ hai, bà góa phải vất vả
van xin ông quan tòa nhiều lần, chứ không phải chỉ ngồi nhà cầu xin!
3.2/ Thiên Chúa yêu thương các con
của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô
đạo đó với Cha Ngài, và Ngài bảo đảm sự đáp trả công chính hơn ông quan tòa bất
chính: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại
không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người
sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau
chóng minh xét cho họ.” Hai điểm chính Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua câu
truyện này:
(1) Thiên Chúa là Đấng công chính.
Ngài sẽ không bao giờ để các con cái của Ngài bị đối xử bất công. Ngài sẽ trừng
trị thích đáng những kẻ làm điều đó; nhưng Ngài muốn con cái kiên nhẫn chờ đợi
để luyện tập đức tin. Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá
Thiên Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một
tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử
thách là điều không thể thiếu. Chính Chúa Giêsu đã nhận ra sự khinh thường đức
tin của con người khi hỏi khán giả: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy
lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
(2) Cho kẻ gian ác có cơ hội ăn
năn trở lại: Con người thường có khuynh hướng tiêu diệt kẻ thù ngay; nhưng họ
quên đi kẻ gian ác cũng là con cái của Thiên Chúa. Ngài không muốn kẻ gian ác bị
tiêu diệt, nhưng muốn họ ăn năn xám hối để được sống. Nếu Thiên Chúa đã kiên nhẫn
với chúng ta khi ta vẫn còn là tội nhân, chúng ta cũng phải kiên nhẫn và cho mọi
người cơ hội.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa là người quan phòng
mọi sự trong cuộc đời, chúng ta không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của
Thiên Chúa. Vì thế, học hỏi và cầu nguyện để tìm ra ý của Thiên Chúa để thi
hành là điều kiện không thể thiếu.
– Để được Thiên Chúa ban, chúng
ta phải xin, và nhất là nỗ lực cố gắng và kiên trì để làm cho điều đó trở thành
hiện thực; chứ không chỉ ngồi nhà cầu xin mà thôi.
– Học hỏi Kinh Thánh trước khi
có thể áp dụng trong cuộc sống, dạy dỗ, biện bác, sửa dạy, và rao giảng Tin Mừng
là điều cần các tín hữu phải làm càng sớm càng tốt, và trong mọi hoàn cảnh; chứ
không phải là điều muốn làm cũng được hay chỉ làm khi có thời giờ rảnh rỗi mà
thôi.
– Chúng ta không chỉ phải đương
đầu với thế gian có thể nhìn thấy, mà còn phải đương đầu với quỉ thần không thấy.
Nếu không cầu nguyện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ thắng chúng được.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
20/10/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – C
Chúa Nhật Truyền Giáo
Lc 18,1-8
CỨ KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người
đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi
mãi?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Các sách Tin Mừng nói rất nhiều về việc cầu nguyện, không chỉ thuật lại
những lời giáo huấn của Chúa Giê-su thúc giục chúng ta cầu nguyện, mà còn cho
thấy chính Ngài là mẫu gương cầu nguyện cho các môn đệ. Ngài dạy chúng ta cầu
nguyện luôn luôn, cầu nguyện cách kiên trì. Và chính Ngài nêu gương cầu nguyện
trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trước những biến cố quan trọng của đời
sống. Ngài cầu nguyện không chỉ để cầu xin nhưng để kết hiệp mật thiết với Cha,
để nhận biết thánh ý Cha, để chúc tụng, ngợi khen Cha… Ngài cầu nguyện không chỉ
cho bản thân mình nhưng còn cho các môn đệ và những người khác, kể cả những người
thù nghịch, những kẻ bắt bớ và giết hại Ngài. Có thể nói rằng, trong suốt cuộc
sống tại thế của Chúa Giê-su từ đầu cho đến những giây phút cuối cùng trên
thánh giá, Chúa vẫn coi cầu nguyện là chính lẽ sống của Ngài.
Mời Bạn: Đức tin và sự kiên trì cầu nguyện liên hệ mật thiết với nhau và cũng
là điều kiện tiên quyết để lời cầu nguyện được nhậm lời. Bạn hãy dành ít phút
kiểm điểm lại việc cầu nguyện của bản thân và ý thức tầm quan trọng của cầu
nguyện trong đời sống của người Ki-tô hữu như thế nào.
Sống Lời Chúa: Kiên trì cầu nguyện trong việc đọc kinh sáng tối, mà còn trong cả cuộc
sống bằng việc hướng lòng lên Chúa với một lời nguyện tắt trước khi bắt đầu một
công việc gì.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin
giúp con kiên trì cầu nguyện cách chân thành, với tất cả tấm lòng của con.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG MƯỜI
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình
Yêu
Chiến tranh và bạo lực là con đẻ
của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con
người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được.
Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích
Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc
nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng
để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy
sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ
cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật
duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó
có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là
tình yêu.
Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn
gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của
Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con
yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một
ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần
tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta
sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực.
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Không nản chí (20.10.2019
– Chúa Nhật 29 TN, năm C)
Suy niệm:
Ngày
14-10-2010 là ngày vui đối với người dân Chilê.
Ba
mươi ba người thợ mỏ bị sụp hầm sâu gần 700 m, được giải cứu.
Mười bẩy
ngày đầu họ sống trong bóng tối, cạn kiệt lương thực.
Họ còn
phải sống gần hai tháng nữa mới được cứu lên khỏi mặt đất.
“Tôi ở
giữa Thiên Chúa và quỷ sứ. Tôi bị giằng co giữa hai bên.
Tôi nắm
chặt lấy bàn tay Chúa, và Chúa đã cứu tôi.”
Đó là
câu nói của anh Mario Sepulveda,
người thợ
mỏ thứ hai được đưa lên khỏi “địa ngục”.
Khi
còn ở dưới hầm, Jimmy Sanchez, anh thợ trẻ nhất nhóm đã viết lên:
“Ở đây
chúng tôi có 34 người, vì Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng tôi.”
Dù người
ta nhắc đến khoa học như chìa khóa cho thành công,
nhưng
chính việc cầu nguyện đã cho họ sức mạnh để đứng vững.
“Phải
cầu nguyện luôn, không được nản chí.”
Đó là
điều Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta qua dụ ngôn bà góa quấy rầy.
Bà là
người không còn chỗ dựa vững chãi của người chồng.
Bà lại
còn là nạn nhân đáng thương của một sự bất công chèn ép.
Nhất
quyết không để mình bị bóc lột,
bà đã
nhiều lần đến gặp quan tòa để xin ông minh xét cho (c. 3).
Tiếc
thay ông này lại là một vị quan tòa bất chính (c. 6),
nên vụ
kiện bị ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng
bà không hề nản chí, và cuối cùng bà đã thắng.
Ông
quan tòa đã phải đem ra xử vụ kiện, chỉ vì bị bà quấy rầy liên tục.
Đức
Giêsu đã táo bạo khi kể dụ ngôn trên.
Ngài
dám so sánh Thiên Chúa với ông quan tòa bất chính.
Dĩ
nhiên, Thiên Chúa thì tốt lành và chăm lo cho con người,
ngược
hẳn với ông quan tòa chẳng coi ai ra gì (c. 2).
Nhưng
cả hai lại có một nét chung.
Nhiều
khi chúng ta có kinh nghiệm về một Thiên Chúa như hững hờ,
như
không muốn đáp lại tiếng kêu của những người chịu bất công áp bức.
Có biết
bao tiếng kêu như thế vang vọng từ khắp địa cầu.
Có biết
bao người chịu bách hại mà không thể lên tiếng.
“Đối
phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho” (c. 3).
Đó vẫn
là lời kêu nài muôn thuở của những người thấp cổ bé miệng.
Chúng
ta ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa không lên tiếng bênh vực,
không
hành động gì để giải cứu, giải oan.
Đức
Giêsu mong chúng ta đừng thất vọng trước sự bất công trên thế giới,
đừng nản
lòng khi lời cầu nguyện của chúng ta có vẻ rơi vào quên lãng.
Hãy tiếp
tục cầu nguyện, vì Thiên Chúa tốt hơn ông quan tòa nhiều.
Nếu
quan tòa cuối cùng còn xử kiện cho bà góa chỉ vì tránh bị quấy rầy,
thì huống
hồ là Thiên Chúa, Đấng sẽ làm rõ trắng đen vì lòng cảm thương.
Lẽ nào
Người bắt những kẻ Người tuyển chọn,
những
kẻ ngày đêm kêu cứu với Người phải chờ đợi mãi? (c. 7).
Lòng
tin của chúng ta vẫn bị thách đố ngày nào còn bất công trên thế giới.
Chỉ
mong ta vẫn giữ được lòng tin như người thợ mỏ ở trong hầm tối.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20/ 10
Chúa Nhật XXIX thường niên
(Chúa Nhật Truyền Giáo)
Hc 35,15-17.20-22; 2Tm 4,
6-8.16-18; Lc 18, 9-14.
LỜI SUY NIỆM: “Chẳng lẽ
Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn ngày đêm hằng
kêu cầu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”
Trong việc dạy cầu nguyên, Chúa Giêsu luôn kêu mời mỗi người tín hữu không được
mệt mõi trong cầu nguyện. Bởi vì mỗi người trong chúng ta đều là những người đã
được chính Thiên Chúa tuyển chọn để được trở thành là con cái của Ngài, và Ngài
chính là Cha của mỗi người trong chúng ta. Ngài biết rất rõ mọi việc và mọi nhu
cầu cần thiết cho cuộc sống và sự cứu độ trong quá khứ, hiện tại và cả tương
lai của mỗi người với đầy quyền năng ban ơn và gìn giữ của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn giữ vững đức tin; đừng
bao giờ bị lung lạc trong lời cầu nguyện của mình.
Mạnh Phương
20 Tháng Mười
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy
Gần một nửa thế kỷ trước Chúa
Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: “Làm
trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường
mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp,
mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng:
cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó,
xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận
lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích
này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là điều đang
chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh.
Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt
trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có
một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn
lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường
tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét