Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

21-10-2019 : THỨ HAI - TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN


21/10/2019
 Thứ Hai tuần 29 thường niên

BÀI ĐỌC I: Rm 4, 20-25
“Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, _ vì ông đã gần trăm tuổi, _ và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.
Và khi chép rằng “Đã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Đấng đã cho Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Đáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người (c. 68).
Xướng:
1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Đavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. – Đáp.
2) Để giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người. – Đáp.
3) Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21
“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” ‘ Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Sợi chỉ chung xuyên suốt các bài đọc Sách Thánh hôm nay là chủ đề lớn về sự sống. Với ông Ápbraham - ở buổi xế chiều của hành trình cuộc đời ông ở trần gian này, theo câu chuyện của sách Sáng Thế, trong tình cảnh không còn hi vọng được thấy lời hứa về dòng dõi được thể hiện - Thiên Chúa xác nhận với ông rằng các rào cản sinh học không thể nào ngăn trở kế hoạch thần linh của Người. Ông Ápbraham và bà Sara, cặp vợ chồng già khắc khoải vì nỗi buồn không có con, giờ đây sinh ra Isaac, cái tên có nghĩa là tiếng cười, niềm vui của cuộc đời. Những tín hữu nào kiên cường trong đức tin “ngược với mọi hi vọng” thì được bảo đảm lãnh nhận cùng một món quà sự sống và niềm vui như ông Ápbraham.
Thánh Phaolô Tông Đồ, khi muốn bênh vực giáo lý công chính hóa nhờ đức tin bằng các luận cứ Kinh Thánh, đã nêu lên câu chuyện giao ước giữa Thiên Chúa với ông Ápbraham, giao ước mà Thiên Chúa là người khởi xướng và cam kết trung thành. Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trời và như cát biển, và mặc dù vợ ông đã già và không thể sinh con, ông Ápbraham vẫn hoàn toàn tin vào lời Chúa hứa. Và Thánh Phaolô cắt nghĩa rằng chính vì điều này mà ông Ápbraham đã được kể là người công chính. Theo nhận định của Thánh Phaolô, việc cắt bì, giao ước và Lề Luật, cả ba điều này đều đến sau. Rốt cuộc, lòng tin vào Thiên Chúa và vào Lời của Người giữ vị trí tối thượng và đem lại cho chúng ta ơn của lời hứa một cách nhưng không, chỉ nhờ vào lòng nhân hậu tự do của Thiên Chúa.
Kinh nghiệm của ông Ápbraham là yếu tố quan trọng, vì rõ ràng nó cho thấy sự cho không của Thiên Chúa bắt nguồn từ sáng kiến tự do của Người để biểu lộ lòng thương xót, hoàn toàn không dựa vào công trạng của những người nhận ân sủng của Thiên Chúa. Trên thực tế, câu chuyện ông Ápbra- ham mở đầu đơn giản bằng những lời này: “ÐỨC CHÚA phán với ông Ápram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi’” (St 12:1-2). Câu chuyện không hề nhắc tới một hành động tốt lành nào của ông Ápbraham để gợi ý rằng trước đó ông từng có công trạng gì. Dân Ítraen không thiếu những lời cảnh báo của các ngôn sứ để họ biết lấy đức tin mà chấp nhận sự độ lượng của Thiên Chúa, không phải như một phần thưởng họ đáng được, nhưng như là món quà Thiên Chúa ban không cho họ do lòng nhân hậu của Người. Tất cả chúng ta phải nhìn nhận rằng những điều tốt lành xảy ra cho chúng ta trong cuộc đời hoàn toàn là một món quà ban không của Thiên Chúa: điều này phải khích lệ chúng ta đáp lại Thiên Chúa với cùng một lòng quảng đại và yêu mến, biến các hành động của chúng ta nên giống hành động của Thiên Chúa. Còn về những điều xấu chúng ta gặp phải, câu chuyện ông Ápbraham cho chúng ta thấy rằng chúng có các nguyên nhân khác: sai lầm của con người, những lời dối trá, tham lam, chiến tranh, hay các tai họa tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn can thiệp để biến đổi những điều xấu này thành điều lành cho các thụ tạo yêu mến của Người.
Cùng một chủ đề sự sống này là tâm điểm của bài đọc Tin Mừng. Bối cảnh ở đây là một cuộc tranh giành giữa hai anh em về chuyện thừa kế gia sản - một tình huống cũng xưa như loài người, từng được xác nhận trong tường thuật của sách Sáng Thế về vụ sát nhân đầu tiên, một tội anh giết em vì người anh Cain không bằng lòng với việc là con cả và được kế nghiệp cha; anh ta còn ghen tị vì Thiên Chúa yêu Aben hơn. Động năng của sự xung đột gia đình giữa các anh em với nhau đã được minh họa một cách tài tình, với tất cả sự trần trụi của nó, trong dụ ngôn người cha nhân từ ở Lc 15:11-32. Trong cả hai câu chuyện này, con sâu gậm nhấm tình anh em là lòng tham, muốn vơ hết mọi sự cho riêng mình. Ở đây Đức Giêsu cho một lời khuyên cơ bản, một hướng dẫn hữu ích cho đời sống mọi người: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12:15). “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Sự ngu ngốc bị Đức Giêsu chê trách trong bài Tin Mừng hôm nay chính là ở điều này: quên rằng cuộc sống, trong mọi khía cạnh của nó, là một quà tặng. Nó là một ơn phải được chia sẻ, chứ không phải bòn mót vì những lợi lộc nó mang lại. Các hoa quả của trái đất là một phúc lành của Thiên Chúa (x. Đnl 28:1- 14), nhưng chúng có thể được biến đổi thành điều ngược lại, khi người ta đòi chiếm hữu và kiểm soát chúng. Ham muốn tích lũy của cải làm mờ mắt con người, đó là lý do tại sao Đức Giêsu gọi người phú hộ trong dụ ngôn này là “đồ ngốc”. Nó làm chúng ta quên rằng cái chết đang đợi ngay ở bên kia chân trời. Nhưng Sách Thánh cảnh báo chúng ta: Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng. (Tv 39:6-7)
Người phú hộ là kẻ ngốc vì sống mà hoàn toàn quên rằng sự sống là một món quà mà người ta có thể mất bất cứ lúc nào (x. Kn 15:8). Người ta không thể sống mà lúc nào cũng lo nghĩ tới cái chết, nhưng cũng đúng là những ai tự nhốt mình trong cái lồng của tính ích kỷ thì sống mà cũng được coi như là đã chết rồi!
“Tôi phải làm gì?” là một câu hỏi được lặp lại nhiều lần trong các sách của Luca (x. Lc 3:10.12.14; 16:3-4; Cv 2:37; 16:30). Chọn lựa giữa sống và chết là ngã rẽ đường mà mỗi người phải đối diện. Đối với Ítraen, và cả đối với ông Ađam trước Ítraen, món quà sự sống (với giá trị cao nhất của nó) ràng buộc chặt chẽ với việc vâng lời Thiên Chúa. Khi loài người chọn thụ hưởng vật chất dẫn đến loại trừ Thiên Chúa, chúng ta tự kết án chính mình vào cảnh chạy trốn, lưu đày và cuối cùng là khốn cùng và chết chóc. “Mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Của cải vật chất đến từ chính tạo hóa, là một bàn tiệc được Thiên Chúa dọn sẵn cho loài người hưởng dùng. Nhưng vấn đề nảy sinh khi người ta, lẽ ra phải là những người quản lý khôn ngoan các quà tặng ấy, thì lại nghĩ rằng mình có quyền là những chủ nhân độc quyền của chúng. Chúng ta đang sống trong một thời đại què quặt vì lo âu. Vấn đề nằm ở chỗ mối lo về điều có thể xảy ra không làm cho chúng ta tránh được đau khổ của ngày mai, nhưng chỉ làm chúng ta mất đi niềm hạnh phúc của hôm nay. Những mối lo về thế gian này được liệt kê chi tiết trong Bài Giảng Trên Núi (x. Mt ch. 5–7). “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?… Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:25.33-34). Chỉ có đức tin như sự sống đời đời mới là thước đo thích hợp cho mọi sự, cho thời gian của chúng ta, và cho các mối quan hệ của chúng ta.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 29 TNNăm lẻ
Bài đọcRom 4:20-25; Lk 12:13-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa hay nơi sức mình?
Đối với nhiều người thời nay, câu trả lời sẽ là nơi mình; vì ngoài mình ra, chẳng có ai lo cho mình cả. Đối với các tín hữu, Thiên Chúa muốn họ đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài; vì Ngài nắm giữ mạng sống và quan phòng mọi sự trong cuộc đời của họ.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong đòi hỏi con người phải hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tổ-phụ Abraham đặt trọn vẹn tin tưởng vào Lời Chúa hứa là sẽ ban cho ông một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới bể; mặc dù chỉ có vỏn vẹn một con là Isaac trong lúc tuổi già. Đối với người đời, đó là một lời chọc ghẹo; nhưng đối với tổ-phụ Abraham, ông tin nếu Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ có cách để hoàn thành. Thực tế đã chứng minh niềm tin của Abraham vào Thiên Chúa; ngay lúc này đây, ba tôn giáo lớn với số tín hữu hơn một nửa dân số của địa cầu tuyên nhận Abraham là tổ phụ của họ: Do-thái giáo, Kitô giáo, và Hồi-giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người chỉ biết cậy dựa vào sức mình, mà không cần tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều gì Thiên Chúa đã hứa, Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.
1.1/ Đức tin của tổ phụ Abraham: ”Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa.”
Thiên Chúa hứa hai điều với tổ-phụ Abraham: sẽ ban cho ông Đất Hứa và một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài biển. Lời hứa ban Đất Hứa được thực hiện khi Joshua dẫn dân Do-thái vào đất Canaan; tuy nhiên, đây chỉ là hình bóng của Đất Hứa thực sự là Thiên Đàng đời sau. Lời hứa ban một giòng dõi đông đúc là điều phải làm cho Abraham trăn trở: Làm sao có thể trở thành tổ phụ một giòng dõi đông đúc như thế, khi ông một trăm tuổi mới có người con đầu lòng là Isaac? Tuy nhiên, “vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.” Abraham được kể là người công chính không phải do những việc ông làm; nhưng là niềm tin tưởng ông đặt hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
1.2/ Đức tin của chúng ta: Thánh Phaolô suy diễn thêm về Lời Hứa này như sau: ”Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.”
Khi chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta trở nên con cháu của tổ-phụ Abraham, vì Đức Kitô được sinh ra trong giòng dõi của tổ-phụ Abraham. Nói cách khác, một người trở nên con cháu của tổ phụ Abraham nhờ niềm tin vào Đức Kitô; chứ không do liên hệ ruột thịt. Khi chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng tin vào Thiên Chúa là Người đã sai Đức Kitô đến để hoàn thành Lời Hứa. Chính do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta được trở nên công chính, và được thừa hưởng Đất Hứa mà Thiên Chúa đã hứa với tổ-phụ Abraham.
2/ Phúc Âm: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.
2.1/ Tranh chấp giữa anh em vì gia tài: Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Hai nguyên lý con người cần học hỏi để biết cách xử dụng của cải vật chất:
(1) Của cải Thiên Chúa ban là cho mọi người cùng hưởng: Của cải đã có sẵn trong trần gian khi con người bắt đầu xuất hiện. Con người không mang theo được gì vào thế giới, và cũng không mang ra được gì khi từ giã cuộc đời. Vì thế, đừng ai cậy sức để vơ vét và tich trữ của cải để làm của riêng; nhưng phải biết chia sẻ cho mọi người cùng hưởng. Một người có thể làm nhiều hơn hay cố gắng hơn; nhưng chẳng có ai tài đến nỗi tập trung trong tay của cải có thể nuôi hàng triệu người. Lý do xảy ra tranh chấp vì tính tham lam của con người, muốn cất giữ làm của riêng để tiêu xài phung phí hay để dành đến mãn đời cho con cháu.
(2) Phải đặt tình nghĩa lên trên của cải vật chất: Ai cũng biết điều này, nhưng khi phải áp dụng trong cuộc sống; rất ít người sống như thế. Trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy muôn vàn trường hợp cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng tranh chấp nhau vì gia tài. Hậu quả của việc đặt tiền bạc lên trên tình nghĩa là kiện cáo, chia rẽ, và gia đình ly tán.
2.2/ Khôn ngoan của con người và uy quyền của Thiên Chúa
(1) Khôn ngoan của con người: Sau đó Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn cho mọi người phải suy nghĩ: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
Biết bao nhiêu con người ngày nay có thái độ giống như nhà phú hộ này; một số các hình thức dẫn chứng lòng tham vô đáy của con người như thị trường chứng khoán, nhà cửa đất đai, vàng bạc… Biết bao người đã phải táng gia bại sản vì lòng tham vô đáy này. Con người cứ việc ngông cuồng tích trữ; đến khi Thiên Chúa muốn lấy ra cho người khác, con người không thể cản lại.
(2) Mạng sống con người nằm trong tay Thiên Chúa: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?
Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Con người biết mình không có quyền trên mạng sống dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi đến giờ đã định, con người phải từ giã cuộc trần. Nếu biết thế, tại sao phải lo lắng vất vả tích trữ của cải? Họ biết mình không mang theo được; con cháu chưa chắc đã cần, và nếu cần chưa chắc đã tốt cho chúng, ví dụ: sự phân chia gia tài trên; lại còn biết bao thiệt hại về đàng tinh thần, trí tuệ, hao mòn thân xác… Người khôn ngoan là người biết sống theo đường lối Thiên Chúa, dùng của cải chỉ như phương tiện để đạt được đích điểm là cuộc sống đời đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta sống nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Hãy tin tưởng nơi Ngài trong bất cứ trạng huống nào của cuộc đời, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.
– Máu tham lam đưa con người tới tranh chấp và bất hòa, chúng ta cần diệt trừ mọi thứ tham lam trong con người như uy quyền, danh vọng, và của cải vật chất.
– Hãy biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cho mọi người. Chạy theo tất cả những điều khác là rơi vào bẫy của ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


21/10/2019 – THỨ HAI TUẦN 29 TN
Lc 12,13-21


AI DẠI, AI KHÔN?
“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)

Suy niệm: Nỗ lực thoát nghèo, làm giàu là nỗ lực đáng khích lệ và trân trọng. Thế nhưng, làm giàu để có nhiều tiền bạc của cải, rồi mải mê hưởng thụ cách ích kỷ, cũng như cậy dựa vào của cải ấy như thứ bảo đảm duy nhất, chắc chắn nhất cho cuộc đời, lại là điều sai lầm, mù quáng. Người phú hộ trong dụ ngôn là hình tượng cho mẫu người này. Ông xây kho lẫm tích trữ của cải và yên tâm hưởng thụ. Ông đã quên mất một sự thật hiển nhiên: mạng sống của ông có thể kết liễu bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong đêm nay. Như vậy, số phận của những người chỉ biết làm giàu cho mình, gia đình mình theo kiểu thế gian đã rõ ràng. Chúa Giê-su dạy ta một cách làm giàu khác: làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng cách dùng tiền của như phương tiện nâng đỡ người khác. Sâu xa hơn, làm giàu trước mặt Chúa còn là lắng nghe, hiểu thấu và thực thi ý định của Chúa qua Lời Ngài dạy. Lúc ấy, ta trở nên giàu có vì có Chúa là gia nghiệp đời đời của mỗi chúng ta.
Mời Bạn: Đứng trước những cám dỗ, mời mọc làm giàu cách bất chính hiện nay, bạn sẽ chọn lựa thế nào? Thà chấp nhận nghèo, đủ ăn đủ mặc với lương tâm thanh thản hay cứ làm giàu bằng bất cứ giá nào?
Sống Lời Chúa: Tiếp tục suy nghĩ Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: Nếu trong đêm nay, Chúa gọi ta ra khỏi đời này, của cải ta đang có sẽ về tay ai? Ta đã biết làm giàu trước mặt Chúa chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết vượt qua lực hút của lợi lộc trần thế, biết làm việc để tích lũy của cải cho ngân hàng Nước Trời mai sau. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Những kho lớn hơn (21.10.2019 – Thứ Hai Tuần 29 TN)
Suy niệm:


Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.


Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.


Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.


Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để trao đi
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.


Cầu nguyện:


Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.


Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.


Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen. 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG MƯỜI
Nhu Cầu Tiếp Nhận Nguời Tị Nạn
Các quốc gia trên thế giới cần phải hợp tác với nhau để đáp ứng nguyện vọng về chỗ định cư cho những người muốn tìm đất sống mới. Chỉ có sự hợp tác trên qui mô lớn giữa các chính phủ mới có thể có được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề vốn dai dẳng và nghiêm trọng này. Trong Thông Điệp Pacem in terris, Đức Gioan XXIII đã đề cập đến tình trạng của những người bị trục xuất khỏi quê hương mình vì những lý do chính trị (PT 103–108). Ngài nhấn mạnh: “Những người tị nạn ấy là những nhân vị, và tất cả những quyền lợi của họ trong tư cách là những nhân vị cần phải được tôn trọng. Người tị nạn không thể mất các quyền căn bản của mình, cho dù họ bị tước đoạt quyền công dân tại xứ sở của họ”. (PT 105)
Với những lời khẳng quyết mạnh mẽ này, Đức Gioan XXIII đã đưa ra những lý do căn bản tại sao chúng ta – những Kitôhữu – phải quan tâm đến các anh chị em tị nạn. Họ đến với chúng ta từ những hoàn cảnh đau khổ và bị ngược đãi. Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ những quyền lợi cốt thiết của họ, những quyền căn bản của mọi con người, những quyền không thể bị chế định bởi các yếu tố của tự nhiên hay bởi những hoàn cảnh chính trị xã hội.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/ 10
Rm 4, 20-25; Lc 12, 13-21.

LỜI SUY NIỆM: “Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay là người chia gia tài cho các anh.”
          Qua câu chuyện có người đến xin Chúa Giêsu chia gia tài, trước hết Chúa Giêsu chối từ sự tôn phong Người là người xử kiện hay là người chia gia tài của người đó. Chúa Giêsu đã dẫn đưa tất cả đám đông trong đó có cả các môn đệ của Người vào dụ ngôn: “Nhà phú hộ”, để chỉ dạy cho họ phải có thái độ nào đối với của cải vật chất.
          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống ở trần thế này, chúng con đang bị nhiễm cái tính ích kỷ, chỉ biết cái tôi của mình. Xin cho mỗi người trong chúng con đừng thu tích của cải cho mình, nhưng phải biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, để chúng con khỏi khỏi bị Chúa phán: “Đồ ngốc”
Mạnh Phương


21 Tháng Mười
Hai Cha Con Và Con Lừa
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: “Hai cha con và con lừa”. Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: “Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!”. Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: “Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ”. Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: “Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa”.
Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: “Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế”.
Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: “Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ”. Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.
Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị “rung động” bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét