Trang

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

SUY NIỆM TUẦN THÁNH


SUY NIỆM TUẦN THÁNH
V

*Thứ Hai Tuần Thánh: CHÚNG TA GIỐNG AI? (Ga 12,1-11)
Sách Phúc âm giống như một quyển album: Mỗi hoạt cảnh là một tấm hình chụp lại hình ảnh của Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh nào đó: Đức Giêsu tại Bêlem, Đức Giêsu tại Nadarét, Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu trên Thập giá v.v… Hôm nay, chúng ta thử nhìn ngắm tấm photo mà thánh Gioan đã chụp lại tại Bêtania sáu ngày trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Đây là một hoạt cảnh rất sống động, trong đó, ngoài Chúa Giêsu, chúng ta thấy được đủ hạng người: Gia đình của Martha, Giuđa người môn đệ phản bội, đám dân chúng và các thủ lãnh của dân.

Để suy gẫm Phúc âm và thấm nhuần một cách sâu xa tinh thần của Chúa Giêsu thì một trong những phương pháp dễ dàng nhất và hữu ích nhất là ngắm các nhân vật trong Phúc âm.
Lẽ dĩ nhiên trước hết là phải nhìn ngắm Chúa Kitô và sau đó các hạng người, các môn đệ, các thân hữu của Chúa, các địch thủ (như nhóm Biệt phái, nhóm các Tư tế), rồi đám dân chúng; chúng ta phải xem họ nói năng gì, phản ứng thế nào trước con người của Chúa, và như thế chúng ta có thể rút ra được những chỉ dẫn quý báu để chúng ta sống đức tin Kitô hữu hôm nay. Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, nếu chúng ta không suy gẫm Phúc âm, không nhìn ngắm hình ảnh của Chúa, thì có lẽ chúng ta chỉ mang cái danh Kitô hữu, mà thực tế chẳng biết chúng ta là môn đệ của ai.
Sách Phúc âm giống như một quyển album: Mỗi hoạt cảnh là một tấm hình chụp lại hình ảnh của Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh nào đó: Đức Giêsu tại Bêlem, Đức Giêsu tại Nadarét, Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu trên Thập giá v.v… Hôm nay, chúng ta thử nhìn ngắm tấm photo mà thánh Gioan đã chụp lại tại Bêtania sáu ngày trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn.
Đây là một hoạt cảnh rất sống động, trong đó, ngoài Chúa Giêsu, chúng ta thấy được đủ hạng người: Gia đình của Martha, Giuđa người môn đệ phản bội, đám dân chúng và các thủ lãnh của dân.
1. ĐỨC GIÊSU biết rằng cuộc đời của Người ở trần thế sắp kết thúc. Trong ít ngày nữa, Người sẽ phải chịu khổ nạn, chịu đánh đập và cuối cùng chịu đóng đinh trên Thập giá. Trong tâm hồn Người có cái gì nặng nề: Người sợ hãi, Người buồn bã. Rồi đây Người sẽ tâm sự rõ ràng với Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được…” (Mc 14,34). Đức Giêsu là một con người hoàn toàn như ta, chỉ khác là Người không có tội thôi; vì thế trước giờ chết sắp đến, Người cũng cảm thấy một nỗi sợ hãi và buồn sầu đè nặng trên tâm can. Chính vì thế Người đến trong gia đình các bạn hữu tại Bêtania, như để tìm kiếm một sự an ủi, một sự thông cảm nào đó.
Tại Bêtania đây, gia đình ba chị em của Martha đón tiếp Người nồng hậu. Họ dọn một bữa cơm chiều thân mật. Như thông lệ, Martha, người chị cả, làm chị nuôi: nấu nướng, dọn dẹp. Lazarô, người em trai út, trước kia đã chết, đã được chôn cất 4 ngày và đã được Chúa Giêsu cho sống lại, nay ngồi đồng bàn với Chúa và các môn đệ.
2. Còn MARIA đã làm cho mọi người ngạc nhiên bằng một cử chỉ độc đáo: Chị lấy một chai dầu thơm, nặng một cân, nghĩa là hơn 300g; đó là dầu cam tùng, thứ dầu hảo hạng; theo ước lượng của Giuđa thì nó giá trị 300đ quan: Tiền lương của một công nhân trong 10 tháng. Chị đã đổ tất cả chai dầu thơm trên chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc mà lau.
Phải nói rằng cử chỉ của Maria là một cử chỉ tuyệt vời diễn tả một cách trọn vẹn niềm tin, yêu và lòng khiêm nhường của chị đối với Chúa.
Trong tập thơ “Rổ trái cây”, Tagore, nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ, được giải thưởng Nobel 1913, có kể một câu chuyện như sau (nên nhớ đây chỉ là một bài thơ dưới dạng một câu chuyện):
Một hôm khi mùa đông đã tàn phai hết các hoa trái thì Xuđa, người làm vườn, thấy còn sót lại trong hồ một bông sen, bông sen cuối cùng của vườn hoa. Anh liền hái và định tâm mang tới cung điện nhà vua để bán.
Dọc đường có người khách hỏi mua:
- Bông sen này giá bao nhiêu? Tôi muốn mua để dâng cho Thượng đế.
- Bông sen này giá một đồng vàng!
Người khách sắp trả tiền, thì nhà vua, trên đường đi chầu lễ, tiến tới. Nhà vua liền nghĩ: Đây là bông sen nở trong mùa đông. Thật là tuyệt, nếu ta dâng cho Thượng đế.
Nhà vua hỏi giá. Người làm vườn nói là ông khách kia đã trả một đồng.
Nhà vua liền hứa trả 10 đồng.
Nhưng ông khách kia lại hứa 20 đồng.
Lúc ấy người làm vườn cúi đầu trả lời:
- Tôi không thể bán bông sen này.
Anh nghĩ thầm trong bụng: Chắc chắn Thượng đế có thể trả cho tôi một giá đắt hơn.
Chiều hôm ấy, người làm vườn lặng lẽ tiến vào nhà thờ, đặt bông sen dưới chân Thiên Chúa, rồi cúi đầu sát đất. Thiên Chúa mỉm cười, hỏi người làm vườn:
- Con muốn xin điều gì?
Và anh Xuđa thưa:
- Xin cho bông sen con được chạm đến chân Ngài.
(Trích dịch: Rổ trái cây, số 19)
Qua bài thơ này, Tagore muốn nói lên một nguyện vọng: Ông ao ước các tín hữu hãy thờ phượng Thượng đế với một tâm hồn quảng đại như người làm vườn kia: Đối với Xuđa, được chạm đến chân Thượng đế thì còn quý hơn là được 20 đồng vàng, cho nên anh đã dành bông sen duy nhất còn của mùa đông cho Thượng đế.
Cử chỉ cao thượng mà Tagore ao ước được nhận thấy nơi các tín hữu, thì đã được thể hiện nơi Maria: Chị đã không tiếc một bình dầu thơm đáng giá 300 đồng vàng để rưới lên đôi bàn chân của Chúa Giêsu.
Chị đã làm như vậy vì tin rằng Đức Giêsu là Con của Thượng đế, là Đấng thánh, là Đấng vô cùng cao trọng.
Chị làm cử chỉ ấy với lòng khiêm nhường: Chị đổ dầu trên chân Chúa thôi, như một đứa nô lệ rửa chân cho chủ mình.
Sau hết đó là một cử chỉ đầy tình yêu mến: Chị rửa chân Chúa không phải là với nước lã, nhưng là với dầu thơm hảo hạng; rồi chị lau, không phải với chiếc khăn bằng vải, nhưng là với bộ tóc của chị. Vì thế cử chỉ của Maria tuyệt diệu hơn là cử chỉ của người làm vườn kia.
3. Đối diện với GIUĐA, một nhân vật đáng chú ý khác trong tấm photo, một trong 12 môn đệ của Đức Giêsu. Nhưng tâm hồn của người môn đệ này thật xấu xí:
Giuđa là con người keo kiệt tham lam. Tiền bạc làm cho anh ta mù mắt. Trong lúc Maria sẵn sàng đổ lọ dầu thơm đáng giá 300 đồng trên chân Chúa, thì Giuđa, chỉ vì tham 30 đồng mà sẽ phản bội và nộp Chúa.
Tệ hơn nữa, Giuđa là con người giả hình. Hắn che đậy lòng tham lam ấy với tấm màn đạo đức: Lòng thương người nghèo.
Chúa rất ghét nết xấu này. Nhưng trước mặt các khách dự tiệc, Đức Giêsu không muốn làm nhục Giuđa bằng cách nói thẳng ra cho hắn biết. Nhưng thực ra các môn đệ khác đều biết.
4. Rồi tới các TƯ TẾ, các THỦ LÃNH của dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ đã thấy một dấu lạ tỏ tường: Lazarô đã chết và nay đã được Đức Giêsu đã cho sống lại đó. Không có dấu lạ nào rõ ràng hơn!
Nhưng họ không muốn tin, vì tự ái, vì kiêu ngạo: Họ sợ mất uy tín, mất địa vị trong xã hội. Tệ hơn nữa, họ còn muốn giết cả Lazarô và sợ rằng dân chúng, vì ông, mà bỏ họ và tin theo Đức Giêsu.
5. Cuối cùng đám DÂN CHÚNG: Trước kia đám dân này đã tin Chúa chỉ vì được Chúa làm phép lạ cho họ ăn no nê; nay họ chạy đến, không phải chỉ Chúa Giêsu mà thôi, mà còn là để được nhìn thấy phép lạ: Nhìn Lazarô đã chết nay sống lại. Đức tin của đám dân chúng chỉ dựa trên vật chất và óc tò mò, thị hiếu thôi, chứ chẳng có gì sâu sắc.
Các nhân vật trong bài Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta những câu hỏi cụ thể. Đức Giêsu hôm qua, thì hôm nay vẫn còn đó. Ngày xưa Người sống ở Palestina, hôm nay cùng một Chúa Giêsu ấy đang hiện diện với chúng ta, đặc biệt trong phép Thánh Thể.
Trước hết gương của Maria đặt cho ta một câu hỏi: Chúng ta có dành cho Chúa Giêsu một tình yêu quảng đại, nồng nàn như chị không? Quảng đại nghĩa là biết hy sinh của cải, thì giờ và sức lực chúng ta cho Chúa. Nồng nàn nghĩa là đầy tâm tình khiêm nhường, tin kính, yêu mến.
Chúng ta cũng có thể như Giuđa, một trong 12 môn đệ của Chúa. Vì tham lam tiền bạc, của cải, chúng ta có thể chối bỏ và phản bội Chúa, mặc dầu đã được làm môn đệ của Chúa.
Chúng ta cũng có thể cứng lòng như các thầy Tư tế: Trong cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều dấu chỉ để mời gọi chúng ta suy nghĩ, hồi tâm và hoán cải. Chúng ta có biết đón nhận các dấu chỉ ấy không?
Sau hết chúng ta có thể như đám dân chúng ngày xưa: Chúng ta tin theo Chúa chỉ vì một lợi lộc vật chất, hay chỉ vì một câu chuyện lạ nào đó. Đức tin chúng ta chưa sâu sắc, vì chúng ta chưa chịu khó học hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đến đó tìm kiếm một lời đáp trả chân thành quảng đại của chúng ta. Nếu chúng ta biết đón tiếp Chúa như gia đình của chị Martha, đặc biệt là chị Maria, Người sẽ không để chúng ta thiệt thòi đâu: Người sẽ ban cho ta một phần thưởng quý giá hơn là tiền bạc, sức khỏe hay là sự an ổn ở đời này: Đó là tình yêu của Thiên Chúa, đó là sự sống đời đời.


*Thứ Ba Tuần Thánh: THEO CHÚA KITÔ (Ga 13,21-38)

Những câu hỏi của thánh Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay giúp ta hiểu được cách sâu xa bản chất của đời sống Kitô hữu, ngài xin cho được theo Đức Kitô bất cứ ở đâu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?... Con sẽ thí mạng sống con vì Thầy” (Ga 13,36).

Sống đức tin Kitô hữu không phải là giữ một mớ giới răn khô khan, lạnh lùng; nhưng là sống một mối tương quan linh động với Đức Kitô. Người Kitô hữu là một người môn đệ sẵn sàng theo Đức Kitô bất cứ Người đi đâu.
Những câu hỏi của thánh Phêrô trong bài Phúc âm hôm nay giúp ta hiểu được cách sâu xa bản chất của đời sống Kitô hữu, ngài xin cho được theo Đức Kitô bất cứ ở đâu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?... Con sẽ thí mạng sống con vì Thầy” (Ga 13,36).
Sống đức tin Kitô hữu không phải là giữ một mớ giới răn khô khan, lạnh lùng; nhưng là sống một mối tương quan linh động với Đức Kitô. Người Kitô hữu là một người môn đệ sẵn sàng theo Đức Kitô bất cứ Người đi đâu.
1. Lẽ dĩ nhiên người Kitô hữu trước hết phải học hỏi cho biết tư tưởng và đạo lý của Đức Kitô. Quan niệm của Đức Kitô như thế nào về sự sống của con người, về cuộc đời, về những tương quan giữa những con người với nhau, về chiến tranh và hòa bình, v.v..? Người Kitô hữu phải học hỏi, suy niệm Phúc Âm và lắng nghe Giáo Hội, vì Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân. Ai nghe các con là nghe Thầy.
2. Nhưng học hỏi mà thôi chưa đủ. Cần phải sống một cách cụ thể nữa trong cuộc sống hằng ngày.
Trên thế giới, không ai lại không biết một nhà ái quốc Ấn Độ là Gandhi (1869-1948). Ông đã dùng đường lối bất bạo động để thu hồi độc lập cho quốc gia mình. Lúc còn trẻ ông sang Anh quốc, học nghề luật sư và nhờ đó đã có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc Âm thường xuyên và rất say mê Đức Kitô, đặc biệt là thán phục “Tám Mối Phúc Thật” của Người; ông lấy đó làm nguồn cảm hứng cho phương pháp hành động của ông: phương pháp bất bạo động. Phương pháp này hoàn toàn mang tinh thần Tám Mối Phúc: Không bao giờ dùng bạo lực, nhưng dùng đường lối ôn hòa, đối thoại. Nhờ vậy ông đã thu hồi độc lập quốc gia từ tay người Anh.
Tuy nhiên vì còn mang nặng tư tưởng của Ấn giáo về Thượng Đế (Thượng đế là Đấng hoàn toàn siêu việt, không thể làm người một cách hèn hạ) và vì thấy nhiều Kitô hữu không sống Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu (đặc biệt là những người Anh đô hộ nước ông) nên ông đã không trở lại đạo. Ông nói một câu khiến ta phải suy nghĩ: “Tôi yêu mến Đức Kitô, nhưng tôi ghét người Kitô hữu vì họ không giống Đức Kitô. Nếu họ giống Đức Kitô thì dân Ấn chúng tôi đã trở lại Kitô giáo cả rồi”.
Bao nhiêu người chưa trở lại Kitô giáo, một phần lớn trách nhiệm là vì ta: Vì chúng ta, tuy mang danh là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, mà chưa sống Phúc Âm.
Sống Phúc Âm, trước hết là tuân giữ những lời Chúa dạy, và hơn thế nữa: phải theo Đức Kitô như Phêrô và các Tông đồ, bất cứ Người đi đâu. Nói rõ hơn: đó là tham dự vào cuộc thống khổ của Đức Kitô: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì chúng con sẽ ra sao?” (Mt 19,27). Nhưng chúng ta phải biết rằng chúng ta phải chia sẻ các gian truân và thống khổ của Người trước đã.
Muốn thế các tông đồ đã phải từ bỏ không những là của cải và sự an nhàn vật chất, nhưng chính bản thân mình nữa. Đức Giêsu đã nói: “Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta” (Mt 16,24).
Từ bỏ chính mình: là từ bỏ ý riêng, sở thích, lòng tự ái, lòng kiêu căng. Thánh Phanxicô đã cảnh cáo anh em người: “Có lắm tu sĩ cứ tưởng mình thấy được điều tốt hơn điều bề trên truyền dạy, nên ngoảnh mặt lại đằng sau và quay về ý riêng mình đã mửa ra; những tu sĩ ấy đích là những kẻ sát nhân, và gương xấu của họ làm hư mất nhiều linh hồn” (Hn 3,10).
Một trong những hình thức tinh vi của lòng kiêu ngạo là luôn luôn tự cho mình có lý.
Vác khổ giá của mình: đó là chấp nhận những đau khổ, phiền hà trong cuộc sống do hoàn cảnh hoặc bổn phận mang lại. Ước gì mỗi người chúng ta hãy nhẩm đi nhẩm lại câu nói của Thánh Phêrô và lấy làm của mình: “Con sẽ thí mạng sống con vì Thầy”.
3. Đức Giêsu chỉ cho Phêrô điều kiện tối hậu để có thể theo Người: “Ta đi đâu bây giờ ngươi không thể theo Ta; nhưng sau này ngươi sẽ theo” (Ga 13,36). Khi Đức Giêsu chưa đi trước mở đường bằng sự chết và sự sống lại, khi Người chưa ban Chúa Thánh Thần thì Phêrô và các Tông đồ chưa có thể theo được.
Đối với chúng ta cũng thế: Khi chúng ta chưa chiêm ngắm Đức Kitô chết và Phục sinh, chưa lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thể, thì không thể theo Người.
“Sau này ngươi sẽ theo Ta” nghĩa là sau khi đã thấy Chúa đi trước dẫn đường và sau khi đã đón nhận sức mạnh của Người.
Bài  Phúc Âm hôm nay gợi lên cho ta hai thái độ tiêu biểu của người môn đệ:
Thái độ của Giuđa. Vì tham tiền bạc, vì muốn đạt được những thành công ở đời này, Giuđa đã phản bội Chúa và chìm sâu vào đêm tối.
Thái độ của Phêrô: vì nhút nhát ông đã chối Chúa; nhưng ông đã chân thành hối cải và sau này ông đã quảng đại hy sinh mạng sống để theo Thầy như lời ông đã tuyên xưng.
Phần chúng ta, chúng ta đã chọn thái độ nào?

*Thứ Tư Tuần Thánh: GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU
“Con Người ra đi như đã viết về Ngài…”
(Mt 26,24)

Điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên đầu tiên là Đức Giêsu biết trước giờ của Người; Người biết trước từ lâu cuộc khổ nạn Người phải chịu. Đối với chúng ta, chúng ta bước đi trên con đường cuộc đời với sự vô tri: Chúng ta không biết trước được những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Lý trí chúng ta thực ra chỉ cho ta thấy trước một tương lai rất gần thôi. Phải nói rằng sự vô tri ấy gạt đi cho ta rất nhiều lo âu. Chính vì Đức Giêsu biết trước và biết rõ ràng giờ của Người, cho nên ta có thể nói Người phải gánh cuộc khổ nạn ngày này qua ngày khác. Phần chúng ta chỉ thực sự phải đối diện với cái chết một vài giờ, một đôi ngày; còn Chúa Giêsu đã sống cuộc khổ nạn suốt đời...
Một trong những kiểu nói kỳ lạ mà Chúa Giêsu thường dùng trong cuộc đời công khai: Đó là “Giờ của Ta”
I
1. Từ ngày đầu tiên của cuộc đời công khai, tại Cana, trước khi làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu, Đức Giêsu đã nói về giờ ấy: “Giờ Ta chưa đến” (Ga 2,4). Nhưng rồi giờ ấy đến dần dần. Thánh Gioan đã ghi lại rất nhiều chỉ dẫn về giờ ấy.
Khi giờ ấy chưa đến thì các kẻ thù của Đức Giêsu không làm gì được: “Họ định bắt Người, nhưng chẳng ai tra tay trên Người, vì giờ Người chưa đến” (Ga 7,30).
Nhưng rồi dần dần Đức Giêsu tiên báo giờ ấy đến gần. Cùng với các môn đệ và thân hữu thì Người nói nhiều lần. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Matthêu cũng có ghi lại một câu nói của Chúa:“Các ngươi hãy vào thành gặp ông kia mà nói với ông: Thầy bảo: Giờ của Ta đã gần, Ta muốn cử hành lễ vượt qua với môn đệ Ta tại nhà ngươi” (Mt 26,18).
Cùng với người Hy Lạp lên chầu lễ ở Giêrusalem muốn nhìn Người và nói chuyện với Người, thì Người nói: “Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh! Quả thật, quả thật Ta bảo các ngươi: Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả” (Ga 12,23-24).
2. Giờ ấy là giờ gì? Như Đức Giêsu đã gợi ý cho thấy trong câu nói trên, giờ ấy là “giờ con Người được tôn vinh”, giờ mà Đức Giêsu đã khải hoàn trên mọi quyền lực của sự dữ và sự chết. Nhưng trước khi khải hoàn thì phải chiến đấu, trước khi bước vào vinh quang, Đức Giêsu phải vượt qua cuộc khổ nạn và sự chết; cho nên đó cũng là giờ mà hạt lúa mì phải mục nát đi trong lòng đất.
Trong cụ thể đó là giờ:
* Tại vườn Giêtsêmani, nơi Đức Giêsu hấp hối, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện, mồ hôi và máu chảy ra chan hòa trên khuôn mặt và mình mẩy của Người.
* Đó là giờ mà Giuđa hôn Người để nộp Người cho quân lính để chúng trói Người lại như một kẻ gian phi;
* Đó là giờ trước tòa án của người Do Thái và của Philatô, Đức Giêsu phải chịu sỉ nhục, chịu đội mão gai, chịu đánh đòn, chịu tuyên án tử hình;
* Đó là giờ trên đồi Golgotha, nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, chịu treo trên thập giá ba giờ đồng hồ, giữa hai tên trộm cướp và giữa những tiếng hò la, nhạo báng của các địch thủ.
Phụng vụ Tuần thánh trong những ngày này sẽ trình bày cho ta những chi tiết trong giờ của Đức Kitô: giờ đau khổ, giờ chết, giờ vượt qua.
II
1. Điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên đầu tiên là Đức Giêsu biết trước giờ của Người; Người biết trước từ lâu cuộc khổ nạn Người phải chịu. Đối với chúng ta, chúng ta bước đi trên con đường cuộc đời với sự vô tri: Chúng ta không biết trước được những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Lý trí chúng ta thực ra chỉ cho ta thấy trước một tương lai rất gần thôi. Phải nói rằng sự vô tri ấy gạt đi cho ta rất nhiều lo âu.
Nếu tôi biết trước rõ ràng trong nửa giờ nữa, tôi sẽ bị tai nạn, và phải chết, chắc tôi sẽ không đủ thanh thản để đứng đây nói chuyện với ông bà. Biết bao nhiêu bệnh nhân khi nghe nói rằng mình bị mắc bệnh ung thư, nghĩa là biết rằng mình không thể thoát khỏi cái chết sắp đến thì xỉu đi… Chính nhờ sự vô tri mà ta đã sống phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, có thể sống bình tĩnh, thanh thản cho đến giây phút cuối cùng.
Còn đối với Chúa Giêsu, Người biết trước và biết rất rõ ràng cuộc khổ nạn của Người. Khi Người biến hình vinh quang trên núi Tabor cho Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy, thì Người đã đàm đạo về sự chết của Người với Môsê và Êlia (Lc 9,31).
Khi Maria đổ dầu thơm lên chân Người, thì Người giải thích cử chỉ ấy theo nghĩa “xức xác” trước (Mt 26,12).
Chính vì Đức Giêsu biết trước và biết rõ ràng giờ của Người, cho nên ta có thể nói Người phải gánh cuộc khổ nạn ngày này qua ngày khác. Phần chúng ta chỉ thực sự phải đối diện với cái chết một vài giờ, một đôi ngày; còn Chúa Giêsu đã sống cuộc khổ nạn suốt đời.
2. Điểm thứ hai mà chúng ta phải lưu ý, là Đức Giêsu đã đón nhận giờ của Người một cách rất tự do. Tiên tri Isaia đã tiên báo về một người tôi tớ thống khổ, tình nguyện hy sinh để đền tội cho dân:
“Đức Chúa đã mở tai tôi.
Phần tôi, tôi sẽ không hề phản ngụy,
Tôi đã không lùi sau tháo chạy.
Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập,
Và chìa má cho kẻ nhổ râu,
Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ…”
 (Is 50,5-6)
Đức Giêsu đã thực hiện từng chữ sấm ngôn của Isaia. Thánh Luca nói là Đức Giêsu “cương quyết” lên Giêrusalem (Lc 9,51). Người đã quở mắng ông Phêrô nặng lời khi ông này muốn ngăn cản Người.
Khi quân lính Do Thái và La Mã tới bắt Người. Phêrô rút gươm ra chém đứt tai một tên đầy tớ của thầy Thượng tế, Chúa liền nói:
“Hãy xỏ gươm vào bao… Hay ngươi tưởng Ta không thể xin cùng Cha Ta cấp ngay cho Ta hơn 12 cơ binh Thiên thần sao? Vậy thì làm sao nên trọn Lời sách thánh là phải xảy ra như vậy? (Mt 26,52-54).
Rồi trước mặt Philatô, Người tuyên bố: “Ông không có quyền gì trên Tôi, nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga 19,11).
Như vậy quyền của Tổng trấn La Mã, quyền tuyên án hay tha chết, là phát xuất từ Thiên Chúa.
Sở dĩ Chúa Giêsu đón nhận một cách rất tự do giờ khổ nạn của Người, là vì Người tin vào Thánh ý của Chúa Cha, thánh ý nhiệm mầu và đầy yêu thương đối với bạn thân Người và đối với tất cả nhân loại.
3. Nếu chúng ta nhìn Đức Giêsu với lý trí mà thôi, chúng ta sẽ không hiểu nổi. Chỉ có niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa mới giúp chúng ta hiểu rõ được cuộc đời của Đức Giêsu, mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu chuộc. Sở dĩ Con Thiên Chúa đã làm người là vì “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban người con một, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16).
Và sở dĩ Đức Giêsu đã đón nhận giờ khổ nạn của Người một cách tự do như thế, là vì “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Thánh Phaolô cảm thấy tình yêu ấy của Thiên Chúa và của Đức Giêsu bao trùm lấy toàn thể Giáo Hội. Trong thư gửi các tín hữu ở Êphêsô, thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô đã yêu mến Giáo Hội và đã phó nộp mình đi, ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch… hầu tự hiến cho mình một Giáo Hội quang vinh, không vết nhơ hay nếp nhăn, hay chút gì như thế” (Ep 5,25).
Câu này tóm tắt được tất cả mầu nhiệm khổ nạn: Đức Giêsu đã phó nộp mình đi, nghĩa là Người đã tình nguyện trao thân mình để đón nhận sự đau khổ và chết; và điều gì đã thúc đẩy Người phó nộp mình như thế? Lý do sâu xa nhất là tình yêu: “Người đã yêu mến Giáo Hội”. Và Giáo Hội ấy không phải là một ý niệm trừu tượng, một tập thể chung chung, nhưng là mỗi người chúng ta; cho nên cũng chính Thánh Phaolô đã viết: “Người đã yêu mến tôi và đã phó nộp mình vì tôi” (Gl 2,20).
Hậu quả của sự tự hiến bản thân mình vì tình yêu là sự thánh thiện của Giáo hội: “Ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch Giáo Hội”.
III
Đức Giêsu đã sống “Giờ” của Người, đã chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập giá vì sự thánh thiện và vì phần rỗi của tất cả chúng ta. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể được hưởng hiệu quả của công trình cứu chuộc ấy, nếu chúng ta tham dự vào của lễ của Người. Làm thế nào để tham dự vào của lễ của Đức Giêsu? Bằng nhiều cách:
1. Cách thứ nhất là chiêm ngắm với niềm tin và yêu mến các giai đoạn trong giờ khổ nạn của Đức Giêsu. Mỗi năm, trong suốt Tuần Thánh, Giáo Hội sống lại với Đức Giêsu, từng ngày một, từng giờ một, tất cả mọi biến cố trong công việc cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Nếu chúng ta chăm chỉ suy ngắm mầu nhiệm này, chúng ta sẽ tìm được một nguồn ân sủng vô giá.
2. Cách thứ hai là tham dự vào Thánh lễ. Sau khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Chính là để tưởng niệm tới Đức Giêsu trong mầu nhiệm cứu chuộc, mà Giáo Hội đã cử hành Thánh lễ không phải là mỗi năm một lần, nhưng là hằng ngày. Vậy chúng ta hãy cố gắng tham dự Thánh lễ hàng ngày, nhất là chịu lễ hàng ngày để tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
3. Sau hết chúng ta còn có thể kết hiệp vào mầu nhiệm Khổ nạn bằng cách đón nhận, vì tình yêu đối với Đức Giêsu, những đau khổ và những nghịch cảnh mà Thiên Chúa gửi đến cho ta. Đức Giêsu đã nói: “Nếu ai muốn đi theo Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta” (Lc 9,23).
Mỗi người chúng ta đều được Chúa trao cho một thánh giá. Chúng ta đừng nói: “Thiên Chúa phải thay đổi cho tôi hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia…”. Chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin ý Cha được thành sự, chứ không phải ý Con” (Lc 22,42).
“Chối bỏ chính mình” là từ bỏ ý riêng để có thể thực hiện Thánh ý của Thiên Chúa.
Ngay từ đầu bài suy gẫm này, chúng ta đã để ý: Giờ Đức Giêsu là giờ khổ nạn, nhưng cũng là giờ vinh quang. Nếu chúng ta chia sẻ cuộc khổ nạn của Người, Người cũng sẽ cho chúng ta tham dự vào vinh quang Phục sinh của Người. Trước ngày chịu nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ:“Các ngươi là những kẻ giữa những lúc Ta chịu thử thách đã hằng ở với Ta, thì phần Ta, cũng như Cha Ta đã phân định cho Ta vương quyền, thì Ta phân định là các ngươi được ăn uống nơi bàn tiệc Ta, trong nước của Ta…” (Lc 22,28).
Nếu chúng ta “hằng ở với Đức Giêsu trong các thử thách của Người”, nếu chúng ta năng chiêm ngắm các đau khổ của Người, thì khi đến giờ cuối cùng cuộc đời chúng ta, Người sẽ đến và đem chúng ta vào trong Vương quốc vinh quang của Cha Người.



*Thứ Năm Tuần Thánh: YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu đã thương yêu những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, và Người yêu họ đến cùng”.

"Yêu cho đến cùng" không phải chỉ có nghĩa là yêu cho đến giây phút cuối cùng mà còn có nghĩa là yêu hết mình. Đức Giêsu đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ tình yêu của Người và của Cha Người cho chúng ta.
1. Tình yêu của Đức Kitô
Phương cách thứ nhất là mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính, đồng quyền năng và đồng vinh quang với Chúa Cha. Nhưng vì thương yêu loài người, Người đến sống giữa chúng ta. Người đã mặc lấy thân xác loài người như thế, mục đích là chia sẻ thân phận yếu hèn khổ đau của loài người và đồng thời thông ban cho loài người thần tính của mình, tức địa vị là Con Thiên Chúa, và cùng với thân tính ấy là sự sống đời đời. Chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, chúng ta thấy yêu là đến với loài người, là thông cảm, là chia sẻ. Phương cách thứ hai mà Đức Giêsu đã dùng để biểu lộ tình yêu của Người, được cụ thể hóa nơi cử chỉ Người quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là công việc của người nô lệ trong nhà đối với chủ mình. Đó là công việc hèn hạ nhất.
Việc rửa chân mà Đức Giêsu làm đây, là một dụ ngôn bằng hành động. Nó diễn tả cuộc đời của Đức Giêsu: Người đã đến trong thế gian, không phải như một ông vua, ông quan, nhưng như một người nô lệ. Chính Đức Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45). Thánh Phaolô cũng đã diễn tả rất rõ cuộc đời của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,  nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Thánh Phaolô đã dùng một tiếng rất mạnh: “Đã hoàn toàn trút bỏ”, nghĩa là coi mình là hư không; trong cụ thể, Đức Giêsu đã từ khước vinh quang, quyền lực khi còn sống ở trần gian. Suốt đời Đức Giêsu không bao giờ nghĩ tới bản thân mình: Người đã không bao giờ làm phép lạ để có bánh ăn, có nước uống, hay để tìm danh dự cá nhân…
Người đã hiến tất cả thì giờ và sức lực của Người, để giảng dạy dân chúng, an ủi những kẻ liệt lào, chữa lành những người bệnh tật.
Cao điểm của cuộc đời phục vụ ấy là cái chết trên Thập giá, mà Đức Giêsu đã trình bày như một cái chết để phục vụ và để yêu thương: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con! Này là Máu Thầy sẽ phải đổ ra để chuộc tội nhiều người”. Hoặc Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu”.
Nhìn cuộc đời của Đức Giêsu, được tượng trưng qua việc rửa chân, chúng ta hiểu ra rằng yêu là phục vụ, phục vụ đến độ hy sinh cả mạng sống mình cho loài người. Đó là phương cách thứ hai để Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Người cho chúng ta.

Và đây là phương cách thứ ba: Người đã lập ra Bí tích Thánh Thể để hiện diện mãi với chúng ta.
Khi người ta thương mến nhau, thì người ta muốn sống gần nhau mãi mãi, muốn giữ sự trung tín với nhau mãi mãi. Chỉ vì muốn ở với chúng ta mãi mãi, mà Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để hiện diện với chúng ta, để trở nên lương thực cho chúng ta, để tiếp tục đồng hành với loài người, với mọi người trong cuộc hành trình ở chốn sa mạc trần gian này.
Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiểu được rằng yêu là hiện diện với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với bạn hữu của mình.
Đức Giêsu Kitô đã yêu các bạn hữu của Người “cho đến cùng” là như thế đó!
2. Noi gương Đức Kitô
Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã cố gắng nên giống “Thầy và Chúa” của chúng ta hay chưa?
Chính trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã ban giới răn mới cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Vậy chúng ta phải thực hiện giới răn bác ái huynh đệ theo gương của Đức Giêsu (“Như Thầy đã yêu mến các con”).
Theo gương Đức Giêsu, thì trước hết yêu mến là đến với người đồng loại của mình: Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã quan tâm đến những người chung quanh chúng ta chưa? Chúng ta đã chia sẻ cho họ phần nào hay chưa trên bình diện vật chất và trên bình diện tinh thần?
Tiếp đến, yêu mến và đặt mình trong tư thế tôi tớ để phục vụ. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có chu toàn bổn phận của mình với tinh thần phục vụ hay không? Trong cách cư xử, nói năng với người khác, chúng ta có khiêm tốn như một người tôi tớ không? Hay chúng ta tự xem mình như người trên, như kẻ cả?
Sau hết, yêu mến là chấp nhận ở với kẻ khác, hiện diện với kẻ khác, cộng tác với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với kẻ khác.
Theo khuynh hướng tự nhiên, khi chúng ta gặp một chút khó khăn với kẻ khác, là chúng ta muốn co rút lại, chia rẽ, đoạn tuyệt. Chính vì chưa thấm nhuần tinh thần này của Đức Kitô, mà bao đôi vợ chồng khi gặp chút khó khăn, là nghĩ ngay tới việc ly thân, ly dị… Tình yêu của Đức Kitô mời gọi chúng ta phải giữ “chữ tín” đến muôn đời, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống vợ chồng.
Kết: Đức Kitô - sức mạnh của chúng ta
Tình yêu của Đức Kitô không phải chỉ là mẫu mực mà còn là sức mạnh cho chúng ta. Trong dụ ngôn về cây nho, được Chúa kể trong bài diễn từ chia tay, Chúa nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).
Chúng ta ở lại trong Đức Kitô, như trong thân cây nho, nhờ đức tin và nhờ vào việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể. Chiều hôm nay, khi tiến lên rước lễ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta đang được tiếp nhận sức mạnh của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta có thể yêu mến anh em chúng ta như chính Đức Kitô đã yêu mến chúng ta.

*( Các bài trên của Lm.Noberto)


Thứ Sáu Tuần Thánh: THÁNH GIÁ
Phụng vụ hằng năm Giáo Hội Công giáo cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá (Cross bởi chữ Latinh Crux). Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh có nghi thức hôn kính và thờ lạy Thánh Giá cách đặc biệt. Thập giá kết bởi hai khúc gỗ đóng chéo lại với nhau một khúc ngang và một khúc dọc. Bóng thánh giá đã rợp che cả cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần thế. Ngay từ giây phút đầu tiên khi Chúa Giêsu giáng trần mang phận người, Mẹ Maria đã sinh hạ Chúa nơi máng cỏ nghèo nàn và tanh hôi. Kết thúc cuộc đời, Mẹ Maria lại ngắm nhìn Con Chí Ái bị treo thân trần trụi trên cây thánh giá. Con đường Chúa đi là con đường thánh giá. Hội Chữ Thập Đỏ cũng đã lấy hình thập giá làm biểu tượng cứu nhân độ thế.
Chúng ta biết ngày xưa người Rôma dùng cây thập giá để đóng đinh và treo thân các tội phạm. Hình phạt đóng đinh thập giá thật khủng khiếp chỉ áp dụng cho người Do thái và người ngoại quốc. Công dân Rôma đã không bị kết án khổ nhục này. Chúa Giêsu sinh ra là người Do thái. Chúa sống với cha mẹ và láng giềng tại Nazareth. Khi tới tuổi trưởng thành, 30 tuổi, Chúa Giêsu ra rao giảng Tin mừng cứu độ. Ba năm sau, Chúa Giêsu bị bán, bị bắt và bị kết án tử hình. Kết án đóng đinh vào thập giá là hình phạt nặng nhất và đau đớn nhất. 

Chúa Giêsu bị đóng đinh cả hai tay vào thánh giá. Đinh đóng vào cổ tay, nơi cổ tay có gân vươn tới vai và gân bị xé rách vì sức nặng. Khi nghẹt thở, Chúa đã phải dùng bắp thịt gượng nâng mình lên để lấy khí thở. Cả hai bàn chân được đóng dính vào nhau và vì quá đau đớn, chân của Chúa không thể chống đỡ thân xác. Chúa phải cố cong người tiếp tục hơi thở trong cơn hấp hối. Đây là sự đau đớn thống khổ cùng cực. Khi Chúa đã bị kiệt sức lại có một tên lính lấy đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Chúa đã trả lại cho thế gian tất cả những gì mà Chúa nhận lãnh trong thân phận con người. Bản án của Chúa được gắn trên thánh giá như một sự nhạo cười: Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giê su Nadarét, Vua dân Do thái" (Ga 19,19).

Kết án đóng đinh thập giá là một nhục hình. Có những tội nhân bị treo lơ lửng để rồi chết dần chết mòn. Sau khi chết, chim trời sẽ đến rúc rỉa thịt xương. Sự đau đớn cùng cực dầy vò xé nát tâm can. Chúa đã uống cạn chén đắng mà Chúa Cha trao. Chúa Giêsu đã hiến trọn thân mình làm của lễ đền tội dâng lên Chúa Cha. Chúa Giêsu chấp nhận cái chết trong ý thức và tình yêu dâng hiến. Những giọt nước và máu chảy ra hòa trộn giữa thần tính và nhân tính làm thành của lễ đền tội. Cây thập giá đáng tội đã trở thành Thánh Giá nơi treo thân Đấng Cứu Chuộc trần gian.

Khung cảnh trong các nhà thờ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thật ảm đạm. Các bàn thờ đều lột trần. Nhà tạm mở cửa trống vắng. Không có trang trí hay hoa nến. Không có đèn chầu Thánh Thể. Bầu khí chung quanh thật trầm buồn. Ngày hôm nay tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết và mai táng trong mồ. Lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, hầu hết các nhà thờ cử hành Nghi thức Suy Tôn Thánh Giá. Linh mục chủ tế nâng cao Thánh Giá và công bố: Đây là cây gỗ giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Cộng đoàn đáp lại: Chúng ta hãy đến thờ lạy. Sau khi rước Thánh Giá, mọi người đều đến quỳ kính hôn cây Thánh Giá. Có vài truyền thống khác nhau tùy theo mỗi vùng do các nhà truyền giáo thành lập. Có nhiều nhà thờ, cộng đoàn dân Chúa hôn kính thánh giá có tượng Chúa chịu nạn. Có nơi cộng đoàn chỉ hôn cây Thánh Giá trần. Giáo dân quỳ gối và lê bước tới hôn chân Chúa. Có nơi còn có rước nả hay gạo nổ. Thân xác của Chúa được đặt trong mồ. Dầu thơm xức chân Chúa và gạo nổ được đổ tràn lan trên chân và mình Chúa. Mọi người quỳ gối hôn chân Chúa và bốc một nắm gạo nổ như là ân lộc của Chúa.

Khi Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá, Thánh Giá được mang một ý nghĩa mới và một niềm hy vọng của ơn cứu độ. Thánh Giá đã trở nên nguồn sinh lực cho biết bao tâm hồn. Thánh Giá trở nên máng chuyển mọi ơn lành của sự tha thứ và hòa giải. Thánh Giá là dấu chỉ của người tin vào Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh. Thánh Giá không còn là sự khinh bỉ nhạo cười mà trở nên bàn thờ hiến tế. Thánh Giá được in dấu trong lòng mỗi Kitô hữu. Thánh Giá hiện diện khắp nơi trong nhà, công sở, nhà thờ, nơi nghĩa trang và xuất hiện cùng khắp. 

Trong tất cả các nhà thờ của Kitô giáo đều được treo hình Thánh Giá nơi cực trọng. Nơi thánh đường Công giáo, trên Thánh Giá có tượng chịu nạn và có 14 chặng Đàng Thánh Giá chung quanh. Nhà thờ Tin Lành thường có tượng Thánh Giá trần nơi chính điện. Thánh Giá xuất hiện khắp nơi cùng với nền văn minh Kitô giáo trải rộng. Ở nước Lithuania có một đồi Thánh Giá nổi tiếng. Người dân Lithuania đã đón nhận Kitô giáo vào thế kỷ XIV, không lâu sau hầu như cả nước thuần thành Công giáo. Đặc biệt nhất là có Đồi Ngàn Thập Giá. Đồi Ngàn Thập Giá ở gần thị trấn Siauliai và có khoảng trên năm mươi ngàn cây Thánh Giá lớn nhỏ được đặt trong khu vực này.

Suy gẫm lời nhắn nhủ của Thầy Chí Thánh: Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9,23), Năm Thánh 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có ý định làm một cây Thánh Giá lớn đặt tại bàn thờ chính trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Cuối Năm Thánh, ngài đã trao cây Thánh Giá cho các bạn trẻ tại trung tâm San Lorenzo. Ngài nói rằng chúng con hãy mang Thánh Giá này đi khắp nơi như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Kitô đối với nhân loại. Chúng con hãy đi rao giảng rằng Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh để cứu độ nhân loại. Và ngày nay Thánh Giá được giới trẻ tiếp tục di chuyển đi khắp năm châu.

Thánh Giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai bước theo Chúa: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Ga. 10.38). Vác thánh giá mình là vác những khổ đau cả về thân xác lẫn tinh thần mà theo Chúa. Đã gọi là thánh giá thì phải có sức chịu đựng nặng nề, nhẫn nại và can đảm. Xưa Chúa vác thánh giá đã bị ngã ba lần, Chúa vẫn gượng dậy vác thánh giá cho tới đỉnh đồi Canvê. Chúa không bỏ cuộc. Nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ trung thành của Chúa, chúng ta không thể đi theo con đường nào khác: Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Ga. 16.24). 

Trong các cử hành của Giáo Hội luôn khởi đầu và kết thúc bằng dấu thánh giá. Mọi nghi thức ban phép lành đều mang hình thánh giá như Phép Rửa Tội, Giải Tội, Thêm Sức, Xức Dầu, làm Phép Nước, phép Tượng Ảnh, ban Phép Lành… Thánh Giá trở thành nguồn suối của mọi ân sủng. Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã yêu thương tác tạo muôn loài. Chúa Con chịu chết chuộc tội cho loài người. Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta trong tình yêu liên kết Ba Ngôi. Thánh Giá chính là dấu chỉ của Tình Yêu Tuyệt Đối.Thánh Giá đã gắn kết với Chúa Giêsu trong lễ dâng toàn thiêu. Qua Thánh Giá, Chúa đã bước vào vinh quang phục sinh. Thánh Giá dẫn bước chúng ta đến với Chúa, đi theo Chúa và vui hưởng vinh quang Nước Chúa.

Chiều buồn bên đồi Canvê, Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá, mắt đẵm lệ sầu bi. Mẹ chứng kiến giây phút Con Yêu đang bị hấp hối trong tủi nhục. Mẹ không than van, trách móc hay xét đoán ai. Mẹ chỉ ngậm đắng nuốt cay nỗi sầu buồn của lòng người. Mẹ can đảm đứng đó chứng kiến Con Dấu Ái trút hơi thở cuối cùng. Lòng Mẹ nát tan nhưng Mẹ vẫn ôm chặt thánh giá. Mẹ nhìn xác Con rách nát và thương đau. Mẹ ôm xác Con lạnh giá vào lòng và nước mắt Mẹ hòa với máu khô dính trên thân xác của Con. Mẹ đã thông phần đau khổ và hiến dâng Con Yêu làm hy lễ đền tội cho nhân loại.

Thánh Giá là niềm hy vọng của mọi tín hữu. Thánh Giá là giá cứu chuộc trần gian. Đã gọi là thánh giá thì không có thánh giá nào nhẹ nhàng trơn tru. Chúng ta hãy chấp nhận mọi biến cố trong đời như là thánh giá để cùng vác với Chúa lên đồi Canvê. Thánh Giá là con đường dẫn chúng ta đến sự sống. Hãy chạy đến với Chúa xin ơn bền đỗ và nâng đỡ ủi an. Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta rằng:Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt. 11,28).
(Lm. Trần Việt Hùng)


Thứ Bảy Tuần Thánh: CHÚA CHỊU MAI TÁNG TRONG MỒ
Cuộc đời trần thế của chúng ta thế nào rồi cũng phải kết thúc bằng sự chết. Đó là một sự thật hiển nhiên và phũ phàng. Ai trong chúng ta cũng đã có chút kinh nghiệm đau buồn khi thấy các bạn hữu chúng ta, những người chúng ta thương mến, lần lượt bỏ đời này để ra đi…

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận loài người chúng ta. Nhưng nơi Người, sự chết chỉ là một ngưỡng cửa để đưa tới một sự sống khác: sự sống vĩnh cửu. Trong Đêm Thánh hôm nay, chúng ta tưởng nhớ tới biến cố Người đã từ cõi chết sống lại và trở nên ánh sáng cho loài người.
Cuộc đời trần thế của chúng ta thế nào rồi cũng phải kết thúc bằng sự chết. Đó là một sự thật hiển nhiên và phũ phàng. Ai trong chúng ta cũng đã có chút kinh nghiệm đau buồn khi thấy các bạn hữu chúng ta, những người chúng ta thương mến, lần lượt bỏ đời này để ra đi…

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận loài người chúng ta. Nhưng nơi Người, sự chết chỉ là một ngưỡng cửa để đưa tới một sự sống khác: sự sống vĩnh cửu. Trong Đêm Thánh hôm nay, chúng ta tưởng nhớ tới biến cố Người đã từ cõi chết sống lại và trở nên ánh sáng cho loài người.

Chúng ta cũng nhớ tới phép Thánh Tẩy là bí tích đã làm cho chúng ta được kết hợp vào sự chết và sự sống lại của Người. Khi đi theo ánh sáng của cây nến Phục sinh, chúng ta hãy làm sống lại niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chính người đã nói: “Ta là ánh sáng của thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng đêm”.
Bạn mến,
Tất cả chúng ta đều có một vài kinh nghiệm về những niềm vui: niềm vui được khỏe mạnh lại sau một thời gian đau ốm; niềm vui được thoát khỏi một tai nạn; niềm vui được gặp lại những người thân yêu sau môt thời gian xa cách lâu dài.
Tuy nhiên những niềm vui ấy điều có giới hạn. Chúng qua đi một cách nhanh chóng. Cuộc sống trần gian của chúng ta sẽ qua đi, với tất cả những niềm vui của nó.
Đêm hôm nay chúng ta cử hành lễ Phục Sinh. Đây là một niềm vui được tái diễn mỗi năm. Niềm vui này phải lớn lên dần dần. Sự chết cũng không cản nó lại được: niềm vui ấy là niềm vui phục sinh. Bởi vậy chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về những câu hỏi: Phục sinh nghĩa là gì? Lễ Phục sinh của Kitô giáo có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta?
1. Phục Sinh nghĩa là gì?
Phục sinh là một biến cố đã làm cho một nhóm người đánh cá Do Thái trở thành những chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô đã quy tụ môt vài môn đệ. Người đã mặc khải cho các ông biết Người là Thiên Chúa đến trong trần gian để ban ơn cứu rỗi. Người mời gọi loài người hãy thương yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa thương yêu nhau. Người nói với họ về Nước Trời, một vương quốc không bao giờ cùng tận. Để thiết lập vương quốc đó, Người tiên báo là phải chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá. Nhưng một khi được giương lên trên thập giá, Người sẽ dùng tình yêu để lôi kéo mọi người đến với Người, và sau ba ngày Người sẽ sống lại.
Chúng ta hãy nhớ lại não trạng của nhóm môn đệ đã đi theo và yêu mến Chúa Giêsu. Là thành phần của một dân tộc đang bị ngoại bang đô hộ, họ hy vọng Chúa Giêsu sẽ là một lãnh tụ chính trị và đưa lại cho họ một chút an bình và thư thái. Họ chưa hiểu gì về sự giải phóng khỏi ách tội lỗi và đời sống vĩnh cửu trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi thế khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập tự, những hy vọng của họ đều sụp đổ. Chúng ta hãy nhớ lại câu nói của hai môn đệ đi Emmau: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ giải thoát Irael. Nhưng với ngần ấy cớ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi các việc ấy diễn ra...” (Lc 24,21).
Nhưng, trong ngày phục sinh và 40 ngày kế tiếp, các môn đệ đã phải chấp nhận những sự kiện hiển nhiên: cái mồ đã trở nên trống rỗng, và nhất là Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với họ. Để họ khỏi nghi ngờ, Người đã cho họ xem các dấu đinh trên tay chân Người và đã ăn uống với họ. Sự sống mà Người đang sống chẳng những là một đời sống thể lý, nhưng là đời sống thần linh, tràn đầy ánh sáng và quyền năng của Thánh Thần. Dần dần, nhờ sự soi sáng bên trong của Thánh Thần, các môn đệ nhớ lại và thấu hiểu những lời mà Chúa Giêsu đã phán với họ về Thiên Chúa là Cha, về tình yêu giữa các tín hữu, về Nước Trời bất diệt đang thành hình trong thế giới.
Bấy giờ, từ hoàn cảnh những người đánh cá mộc mạc, nhút nhát, các ông đã trở thành những chứng nhân thâm tín. Họ đã hiến thân mình, đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng: Đức Giêsu Kitô đã phục sinh. Họ thà chết chứ không im lặng trước tin vui mừng vĩ đại đó.
2. Tin vui mừng ấy có liên hệ gì với chúng ta hôm nay không?
Thưa có. Đức Giêsu Kitô đã phục sinh là Chúa Tể của vũ trụ. Người đang hiện diện và đang hành động trong mỗi người chúng ta và trong thế giới.
Đang khi tội lỗi hoành hành trong cuộc sống chúng ta, thì Người mời gọi ta và ban ơn cho ta để ta hoán cải, để ta làm đẹp lại cuộc đời.
Đang khi lòng ích kỷ, lòng tham lam của cải, lòng ghen ghét đã chia rẽ loài người, thì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm hòa với nhau, hãy thương mến nhau. Chính Người sẽ giúp đỡ chúng ta xây dựng một xã hội công bình, trong đó mỗi người tôn kính nhau, phục vụ nhau và yêu mến nhau.
Nhưng người chỉ giúp đỡ chúng ta nếu chúng ta tin vào Người và trông cậy vào sự trợ giúp của Người. Người sẽ không làm gì, nếu chúng ta không tình nguyện cộng tác với Người.
Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy ‎‎ý thức rằng Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện:
* Trong cộng đoàn các tín hữu: Chính Người đang cầu nguyện qua miệng lưỡi các tín hữu;
* Trong Thánh Kinh: Khi Lời Chúa được công bố, chính Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân Người;
* Trong chủ tế: Qua tay Chủ Tế, Chúa Giêsu tự hiến mình lên cho Chúa Cha;
* Trong bánh và rượu được truyền phép: Chẳng những Chúa Giêsu là linh mục, Người là của lễ. Hôm nay Người hiện diện trong bánh và rượu để cho Giáo Hội dâng Người lên cho Chúa Cha.
Chúng ta hãy tham dự Thánh lễ một cách ý thức.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cố gắng trở thành một ngọn đuốc để Chúa thắp sáng ngọn lửa tình yêu và hy vọng.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh làm cho chúng ta thành những chứng nhân của Người.
(Lm.Noberto)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét