Đức Maria và tương lai đại kết
4/11/2012
4/11/2012
“Giáo Hội ‘là’ sự hợp nhất không tì ố và bất khả
tiêu của tình yêu Chúa Ba Ngôi được tràn đổ trên Nữ Tỳ của Người và được nữ tỳ
này tiếp nhận”
Năm thánh 2000 khiến nhiều người hy vọng có được một chứng tá hợp nhất của Kitô Giáo về hồng ân Thiên Chúa tự hiến cho thế gian. Ta nghe nhiều người thảo luận hăng say về tương lai của đại kết, khi các giáo hội Kitô Giáo bắt đầu cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải có một biểu thức bề ngoài nói lên sự hợp nhất trong niềm tin của họ vào Thiên Chúa Ba Ngôi, để thế giới thấy mà tin. Chọn đề cập tới chủ đề này từ một góc nhìn có lẽ là bất ngờ nhưng nó cho phép ta định vị sự hợp nhất Kitô Giáo vào chính nguồn gốc của nó là Thiên Chúa. Các giáo hội Kitô Giáo vốn chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa, “nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô và sự ngụ cư của Chúa Thánh Thần” (Novo Millennio Ineunte, 31). Theo nghĩa sâu xa nhất, sự hợp nhất mà ta đang cố gắng đạt tới thực ra đã được ban cho ta trong hồng ân Thiên Chúa. Hồng ân này đã được Đức Maria tiếp nhận; lời ưng thuận đơn giản của ngài đối với Ngôi Lời Thiên Chúa có thể dẫn ta tới chỗ làm chứng tá cho việc nên một trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Cho nên, trước khi bắt đầu cuộc thảo luận về tương lai của việc hợp nhất Kitô Giáo, ta phải cùng với Đức Maria lắng nghe Lời Người, là cách hay hơn hết để biện phân được bản chất của sự hợp nhất này và nguồn gốc phát sinh ra nó.
Năm thánh 2000 khiến nhiều người hy vọng có được một chứng tá hợp nhất của Kitô Giáo về hồng ân Thiên Chúa tự hiến cho thế gian. Ta nghe nhiều người thảo luận hăng say về tương lai của đại kết, khi các giáo hội Kitô Giáo bắt đầu cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải có một biểu thức bề ngoài nói lên sự hợp nhất trong niềm tin của họ vào Thiên Chúa Ba Ngôi, để thế giới thấy mà tin. Chọn đề cập tới chủ đề này từ một góc nhìn có lẽ là bất ngờ nhưng nó cho phép ta định vị sự hợp nhất Kitô Giáo vào chính nguồn gốc của nó là Thiên Chúa. Các giáo hội Kitô Giáo vốn chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa, “nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô và sự ngụ cư của Chúa Thánh Thần” (Novo Millennio Ineunte, 31). Theo nghĩa sâu xa nhất, sự hợp nhất mà ta đang cố gắng đạt tới thực ra đã được ban cho ta trong hồng ân Thiên Chúa. Hồng ân này đã được Đức Maria tiếp nhận; lời ưng thuận đơn giản của ngài đối với Ngôi Lời Thiên Chúa có thể dẫn ta tới chỗ làm chứng tá cho việc nên một trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Cho nên, trước khi bắt đầu cuộc thảo luận về tương lai của việc hợp nhất Kitô Giáo, ta phải cùng với Đức Maria lắng nghe Lời Người, là cách hay hơn hết để biện phân được bản chất của sự hợp nhất này và nguồn gốc phát sinh ra nó.
Nền tảng của Đại Kết
“Để chúng nên một; như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, để cả chúng nữa cũng ở trong chúng ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21). Sự hợp nhất được Chúa Giêsu cầu xin và chịu đau khổ cho, sự hợp nhất Người muốn chia sẻ với toàn thể nhân loại ấy chính là sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa từng được mạc khải trong cái chết và sự phục sinh của Người. Sự hợp nhất này chính thức bước vào lịch sử nhân loại khi Đức Maria Thành Nadarét nói lời “xin vâng” đối với kế hoạch của Thiên Chúa.
Tân Ước làm chứng rằng sự hợp nhất của Thiên Chúa và kế hoạch của Người là một mầu nhiệm của Tình Yêu: “Vì Thiên Chúa quá yêu thế giới đến nỗi đã ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không bị diệt vong trái lại được sống muôn đời” (Ga 3:16). Khi Thánh Gioan Thánh Sử nói về tình yêu Thiên Chúa, rõ ràng ngài nghĩ tới tình yêu vô lượng của Chúa Cha đối với thế giới, tuy nhiên, giáo huấn của ngài đi xa hơn thế. Người môn đệ yêu dấu biết rằng “Ai yêu mến thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa… vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:7-8). Khi viết “Thiên Chúa là tình yêu”, ngài nghĩ tới Đấng Thiên Chúa tự tại trong chính Người: tức Tình Yêu Ba Ngôi, khởi nguồn từ Chúa Cha sinh Chúa Con trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Bởi thế, theo Tân Ước, sự hợp nhất trong yếu tính Thiên Chúa phải được hiểu theo nghĩa Tình Yêu, theo nghĩa việc hiến mình đã phát sinh ra Chủ Thể Khác để Chủ Thể này là Một với mình, trong cùng một Thánh Thần.
Chúa Giêsu phán: “Cha Thầy với Thầy là một” và “Vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con cũng đã ban cho chúng, để chúng nên một như Cha với Con là một, Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng hoàn toàn trở nên một, ngõ hầu thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và yêu thương chúng như đã yêu Con” (Ga 17:23). Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha ban thứ hợp nhất hạng nhì, phản ảnh yếu ớt các mối liên hệ Ba Ngôi; Người cầu xin rằng cùng một tình yêu từng hợp nhất Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần cũng sẽ hợp nhất mọi môn đệ của Người, “để chúng cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17:19) và được “thấy vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17:24). Đối tượng tối hậu của lời Người cầu xin là sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha vốn rực sáng trong Chúa Thánh Thần. Thành thử, sự hợp nhất ở đây không hẳn là sự hợp nhất mô phỏng mà là sự tham dự vào chính mối liên hệ Ba Ngôi (1).
Thiên Chúa tình yêu muốn chia sẻ sự hợp nhất của Người với ta. Sự hợp nhất này xuống với ta khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Khi Con của Chúa Cha trở thành Con của Đức Maria, Người dẫn khởi tình yêu Ba Ngôi vào các liên hệ nhân bản làm nguyên tắc mới cho hợp nhất.
Đức Maria, trường dạy hiệp thông đại kết
Đức Maria là người lãnh nhận nguyên tắc này trước nhất khi ngài dùng đức tin thưa “xin vâng” đối với lời truyền tin của thiên thần rằng ngài sẽ là mẹ Con Thiên Chúa. Nhờ ơn thánh của lời xin vâng được nói lên trong Chúa Thánh Thần này, tình yêu Ba Ngôi đã tràn vào linh hồn và thân xác ngài để tạo ra việc các liên hệ nhân bản tham dự vào các liên hệ Ba Ngôi, qua Ngôi Lời nhập thể trong lòng ngài.
Trong đức tin, mối liên hệ mẹ con của ngài với Chúa Giêsu là trường học đầu tiên dạy sự hiệp thông Ba Ngôi trên thế giới, giữa lòng nhân loại. Chính Chúa Giêsu, trong tư cách nhân bản, cũng đã học tập để biết cách sống mối liên hệ của Người với Chúa Cha qua mối liên hệ mẫu tử với Đức Maria.
Thánh Giuse cũng được đưa vào Vương Quốc Tình Yêu qua việc chấp nhận ơn gọi độc đáo làm chồng Đức Trinh Nữ và là cha Con Trẻ vốn không phải là con mình. Ngài cũng tin vào mầu nhiệm Tình Yêu và không những chỉ là người bảo vệ và giám hộ mối liên hệ độc đáo giữa người mẹ này và Con Trẻ, mà còn tham dự vào mối liên hệ đó theo cách riêng của ngài nữa.
Trong mối liên hệ với Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Đấng lúc nào cũng ý thức rõ mối liên hệ độc đáo với Cha trên Trời của Người, muốn nói lên để Thánh Giuse hiểu sự tùng phục của Người đối với thánh ý Chúa Cha trên Trời và lòng biết ơn của Người vì có được một người cha phàm trần luôn chăm sóc Người và mẹ Người trong mọi sự.
Nhà quán quân của đại kết
Đức Gioan Phaolô II vốn suy nghĩ sâu sắc về mầu nhiệm hiệp thông trong gia đình nhân bản của Chúa Giêsu, qua đó, ta thoáng nhận ra gia đình Ba Ngôi của Người, một gia đình luôn sáng ngời ở hậu trường. Ngài từng biến suy tư này thành chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt triều đại của ngài, từ Tông Huấn Familiaris Consortio tới Thông Điệp Evangelium Vitae, từ Lá Thư viết về phẩm giá phụ nữ,Mulieris Dignitatem và Lá Thư Gia Đình, tới Thông Điệp Redemptoris Mater và, dĩ nhiên, Lá Thư Redemptoris Custos, chuyên về Thánh Giuse và vai trò của thánh nhân trong Thánh Gia, mà Đức Thánh Cha gọi là Giáo Hội Tại Gia đầu tiên.Tổng bộ các giáo huấn vừa kể giải thích cho ta hiểu lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã biến hôn nhân và gia đình thành ưu tiên mục vụ hàng đầu trong triều giáo hoàng của ngài, và tiết lộ cho thấy sự linh hứng và nền tảng cuộc đấu tranh của ngài cho phẩm giá nhân vị và sự tôn trọng nhân quyền. Ngài để lại cả một di sản gồm nhiều khai triển quan trọng đối với hình ảnh của Công Đồng về Giáo Hội được coi như gia đình của Thiên Chúa, một hình ảnh bắt đầu xuất hiện như một phạm trù đầy hứa hẹn của giáo hội học, nhất là tại Phi Châu (2).
Đại kết vốn là ưu tiên khác của triều đại Đức Gioan Phaolô II (Ut Unum Sint, 99); Ngài phát huy nó bằng việc trung thành tuân theo các nguyên tắc của Công Đồng Vatican II. Nhờ thế, ngài đã thực sự trở thành nhà quán quân độc nhất vô nhị của chính nghĩa hợp nhất Kitô Giáo. Nhờ giáo huấn, các cuộc tông du và nhất là các nghĩa cử của mình, ngài đã mở rộng cánh cửa Giáo Hội Công Giáo đón nhận một tình huynh đệ mới mẻ với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác. Việc chuẩn bị năm thánh, Thông Điệp Ut Unum Sint, các lời xin được tha thứ, việc cùng mở cửa thánh tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành với Tổng Giám Mục Canterbury và một vị tổng giám mục thuộc tòa thượng phụ Constantinốp, bàn tay khiêm nhường nhưng cương quyết chìa ra cho người Chính Thống trong các cuộc tông du mới đây, tất cả đều chứng tỏ một ý thức khẩn trương đối với chính nghĩa đại kết, và một quyết tâm dùng mọi phương thế có thể có để đáp ứng ý muốn của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Cuộc thăm viếng Rôma gần đây của một phái đoàn chính thức của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, thoạt đầu tuy có vẻ miễn cưỡng, nhưng đủ để đánh thức được niềm hy vọng về một hòa giải gần kề giữa các giáo hội, dù đường xem ra vẫn còn xa hơn ta tưởng.
Đàng khác, phải chăng việc tái hợp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Chính Thống Nga không thể có được ngoại trừ nhờ một cuộc hồi tâm sâu xa hơn và nhờ những liên hệ thân hữu chân thực hơn giữa đôi bên? Việc thực thi ưu tiên vĩ đại này trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đòi hỏi nhiều suy nghĩ và sáng kiến mạnh bạo, kiên nhẫn và đầy sáng tạo. Nhưng, vì hợp nhất vốn là hồng ân của Chúa, vì nó là hồng ân được Chúa lấy ra từ sự hiệp thông của chính Người, nên ta phải dành suy nghĩ của ta không những để canh tân cơ cấu, thói quen và não trạng, mà trên hết còn canh tân các thái độ nền tảng để Lời Thiên Chúa được tiếp nhận.
Vì hợp nhất trước hết là một ơn thánh, nên nó không phải là việc “của chúng ta” mà nó là việc của Thiên Chúa, và là việc chúng ta tiếp nhận chính Người. Chính vì thế, ta chọn nói về tương lai của đại kết trong tương quan với vai trò của Đức Maria trong gia đình Thiên Chúa, tức Giáo Hội của Người. Đối với ta, dường như việc canh tân phong trào đại kết trong ngôi trường Maria sẽ có sức mở ra nhiều chân trời mới cho cuộc hoà giải giữa các giáo hội. Do đó, ta sẽ bàn tới 3 điều: trước hết, Đức Maria và cuộc canh tân đại kết do Công Đồng Vatican II cổ vũ; thứ hai, Đức Maria và nền “linh đạo hiệp thông” do Đức Gioan Phaolô II đề ra trong Tông Huấn Novo Millenio Ineunte; thứ ba, “hình bóng Maria” của Giáo Hội và các vang dội đại kết của nó theo quan điểm của Hans Urs von Balthasar.
Một số người có thể cho đây là một đề nghị lạ lẫm, và điều này quả có rủi ro. Người ta sợ rằng vì thế mà có sự nghiêng về một Thánh Mẫu Học quá ư biệt lập của thời tiền Công Đồng. Nhưng trong hành động táo bạo này, ta có tiền lệ là nhóm đại kết Dombes. Trong hai năm 1997 và 1998, Nhóm này cho công bố một tài liệu tuyệt vời về Đức Maria Trong Kế Hoạch Thiên Chúa Và Trong Hiệp Thông Các Thánh. Nhóm gồm khoảng 40 nhà thần học Công Giáo và Cải Cách này đã đưa ra một tổng hợp tuyệt diệu qua kết luận sau đây: “Trọn công trình của chúng tôi cho thấy Đức Maria tuyệt đối không tạo nên bất cứ lý do gì khiến người ta biến ngài thành biểu tượng cho điều hiện đang phân rẽ chúng ta” (3). Một suy tư tương tự cũng đang diễn ra trong cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo. Há chúng ta lại không hân hoan trước sự sáp lại gần nhau quan trọng này và niềm hy vọng một ngày gần đây một Công Đồng chung về việc hợp nhất các Kitô hữu, với ơn Chúa, sẽ cử hành việc tái hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội? Ta hoàn toàn xác tín rằng cuộc đối thoại về Đức Maria sẽ đẩy nhanh cuộc hòa giải này, vì không còn chính nghĩa nào thân thiết hơn đối với Mẹ Thiên Chúa cho bằng sự hợp nhất của gia đình Thiên Chúa.
1. Tiến tới việc canh tân đại kết trong ngôi trường Maria
Nhiều tiến bộ lớn lao đã điễn ra kể từ ngày Giáo Hội Công Giáo long trọng và nhất quyết tham dự phong trào Đại Kết tại Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất tại Công Đồng không phải là lúc bỏ phiếu cho văn kiện Unitatis Redintegratio thiết lập ra các nguyên tắc Công Giáo cho đại kết, mà là lúc bỏ phiếu khác đáng chú ý hơn vì phiên họp gồm hai phe có số phiếu gần như ngang nhau, chỉ khác nhau 50 phiếu, sau một cuộc tranh luận nẩy lửa, cuối cùng đã quyết định lồng bản văn về Đức Trinh Nữ Maria, một bản văn lúc đầu được quan niệm là riêng rẽ, vào Hiến Chế về Giáo Hội, tức Hiến Chế Lumen Gentium. Quyết định hết sức quan trọng này đánh dấu bước ngoặt trong phương thế xử lý Đức Maria và Thánh Mẫu Học, không còn là một khoa riêng biệt nữa, nhưng đã trở thành một phần của giáo hội học và Kitô học. Được coi như một tấn công chống lại phong trào Thánh Mẫu, quyết định này đã khuyến khích rất nhiều việc sáp lại gần nhau giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô Giáo anh em vốn chống đối những quá lạm của lòng sùng kính Đức Maria trong Giáo Hội Công Giáo.
Trong số các giờ phút quan trọng của đại kết, ta phải kể đến việc ngày 7 tháng 12 năm 1964, Rôma và Constantinốp qua đại diện là Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras, cùng nhau bãi bỏ án tuyệt thông lẫn nhau vào năm 1054. Cử chỉ có ý nghĩa biểu tượng vĩ đại này đã nâng cao niềm hy vọng vào một sự hợp nhất nay mai giữa hai giáo hội anh em, là hai giáo hội hiện đã hòa giải nhưng chưa hiệp thông trọn vẹn với nhau như hồi thiên niên kỷ thứ nhất. Đàng khác, ta cũng lưu tâm tới các thoả thuận Kitô học được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo và một số Giáo Hội Đông Phương cổ xưa, trong đó, có các Giáo Hội Acmêni, Coptíc và Atsiri. Rồi còn tuyên ngôn rất quan trọng nữa là “Tuyên Ngôn Chung Về Công Chính Hoá” ký ngày 31 tháng 10 năm 1999 giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Minh Luthêrô Thế Giới. Gần đây hơn, việc cử hành Năm Thánh 2000 càng đẩy mạnh hơn nữa các hoài mong ngày càng lớn mạnh về một sự tái lập hiệp thông trọn vẹn giữa các môn đệ của cùng một Chúa, vốn tuyên xưng cùng một Tin Mừng trên khắp thế giới.
Làm thế nào vượt thắng được các trở ngại vẫn còn hiện diện trên đường tiến tới chứng tá chung mà mọi Kitô hữu phải cung hiến trước mặt thế giới? Ngày nay, ta hiểu biết nhiều hơn các giới hạn nhân bản từng làm chậm bước chân ta hướng tới hiệp thông trọn vẹn; chính vì vậy, ta phải phục hưng tinh thần đại kết thiêng liêng, một tinh thần luôn đặt các cố gắng nhân bản dưới ánh sáng thích ứng của chúng và luôn được coi là linh hồn của phong trào đại kết (4). Điều này buộc ta phải làm sống lại việc tha thiết cầu nguyện cho hợp nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng vốn tha thiết cầu xin Cha Người cho cùng một mục đích. Ta nhớ rằng lời khẩn cầu của Người xin sự hợp nhất cho các môn đệ “để thế gian tin”. Tuy nhiên, ta không nên quên rằng lời cầu xin ấy, trước hết, quan tâm tới vinh quang Chúa Cha: “Lạy Cha, xin vinh danh Con Cha, để Con vinh danh Cha” (Ga 17:1). Chúa Giêsu không tìm vinh danh cho riêng Người; nếu Người cầu xin cho Người được vinh danh thì chính là vì để Chúa Cha được vinh danh mà thôi. Thái độ của Người hoàn toàn đặt trọng tâm vào Chúa Cha, Đấng mà Người muốn vinh danh trong sứ mạng của Người như Người vẫn hằng vinh danh từ thuở đời đời. Ước nguyện sâu xa nhất của Chúa Giêsu không phải là sự thành công trong sứ mệnh của mình, mà là Chúa Cha được nhìn nhận, được yêu mến và được vinh danh trên thế giới, qua sự hợp nhất của con cái mình, những kẻ mà Người sẵn sàng tự hiến cho.
Thái độ con thảo này của Chúa Giêsu được truyền qua Đức Maria vào lúc Nhập Thể. Chúa Thánh Thần, Đấng phủ bóng lên ngài, trước nhất đã qui hướng tâm hồn và đức tin của ngài vào thái độ này, để ngài xứng đáng đón chào vị khách thần thiêng, là chính Con Đấng Tối Cao, đến đổ tràn ơn thánh trên ngài, biến ngài thành nơi cư trú của mình. Chính vì thế, Đức Maria phải trong trắng với một lòng trong trắng không ai sánh bằng, vì trong việc vâng nghe Ngôi Lời, ngài đã mặc lấy chính thái độ của Ngôi Lời vĩnh cửu, hoàn toàn hướng về Chúa Cha từ trước cả khi có tạo thành trời đất (Ga 1:18). Do đó, mà có sự hợp nhất hoàn toàn giữa Mẹ và Con, trong cùng một Thần Trí ca ngợi, vâng lời và phụng sự Vinh Quang Chúa Cha. Giáo Hội đã được sinh ra từ sự hợp nhất ấy; vì Giáo Hội vốn “là” sự hợp nhất không tì vết và không thể hủy tiêu của tình yêu Ba Ngôi tràn đổ trên và được tiếp nhận bởi Nữ Tỳ Thiên Chúa.
Há đức tin sống động của Đức Maria vào Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa đang ngụ cư nơi ngài này không luôn luôn là qui phạm cho đức tin của Giáo Hội vào Thánh Kinh đó sao? Làm thế nào ta có thể lập lại được sự hợp nhất các giáo hội nếu không phải là nhờ thái độ đón chào và vâng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa? Đức Maria là nhắc nhở sống động khiến ta hướng lên Chúa Giêsu, phó thác mọi nhu cầu của ta cho Người, và làm theo lời Người dạy. Tại sao ta không xin Chúa Thánh Thần phủ bóng trên phong trào đại kết để, cùng với Đức Maria, ta tìm được thái độ đúng đắn trước Ngôi Lời? Phong trào đại kết thiêng liêng sẽ không thể thực hiện được tiến bộ nào thêm nếu không có sự canh tân và phát triển nào mới trong phạm vi này. Tuần lễ cầu nguyện cho hợp nhất Kitô Giáo phải mỗi lúc một chứng tỏ rõ ràng hơn về tình yêu của ta đối với Ngôi Lời. Các cử hành trong Đại Năm Thánh có mục đích khơi dậy niềm hy vọng ấy. Ước gì Năm Thánh này đừng bị thất vọng vì sự quên lãng phong trào đại kết thiêng liêng của ta!
2. “Biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông”
Dưới tiêu đề trên, Tông Thư Novo Millennio Ineunte đề nghị rằng “về phía Giáo Hội hoàn vũ và các giáo hội đặc thù, cần đưa ra cam kết và kế hoạch” cho một nền linh đạo hiệp thông có khả năng “mặc lấy và biểu lộ chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội” (số 42). “Biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông: đây là thách thức lớn lao đang đặt ra cho ta trong thiên niên kỷ đang bắt đầu” (số 43).
Thách thức lớn lao ấy đòi ta phải có một chương trình cụ thể và tiến hành được, nhưng trước hết, nó giả thiết phải có một “tinh thần” mà nếu thiếu nó “các cơ cấu bên ngoài của hiệp thông sẽ chẳng ích lợi chi” (số 43). Trong thời đại hoàn cầu hóa và khát vọng nóng bỏng của nhân loại muốn có “căn nhà chung” không những cho Âu Châu mà cho cả thế giới này, Giáo Hội của thiên niên kỷ mới cảm thấy từ mọi phía một nỗi khẩn trương muốn được tái lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng đang nói với các giáo hội Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu và nhiều nơi khác, để có thể nghe được tiếng kêu của người nghèo và đem lại cho họ tin vui của Nước Chúa đang tới. “Biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông” là một lý tưởng luôn bắt đầu với việc cùng người nghèo gặp gỡ Chúa Kitô, với việc gặp gỡ người nghèo tên Kitô, một cuộc gặp gỡ làm nền móng cho việc tuyệt đối tôn trọng con người, bất kể các giới hạn và thiếu sót của họ. Ta thường nghĩ tới chứng từ cảm động của Jean Vanier trong Lễ Hiện Xuống năm 1998 khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi mọi phong trào và cộng đồng mới của Giáo Hội tới Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Trước mặt Đức Thánh Cha, ông nói tới phẩm giá không ai được vi phạm của những người bé nhỏ nhất và yếu kém nhất. Giáo Hội là ngôi trường đó của yêu thương, một ngôi trường luôn dành ưu tiên cho những người yếu đuối nhất, bị đe doạ nhiều nhất, vì chính nơi họ, Giáo Hội nhận ra Chúa Kitô đang xin ta tình yêu và cảm thương. Mẹ Têrêxa chỉ dạy có thế khi bà ôm lấy Chúa Kitô nơi bất cứ ai nghèo khổ vì Người là người Nghèo Nhất trong số các người nghèo. Đó chính là nguồn tạo ra tác động có tính cùng khắp thế giới của lời chứng nơi bà, một lời chứng minh họa rõ nét phong trào đại kết bằng thánh thiện.
Như thế, như ta đã nhắc trên đây, nền “linh đạo hiệp thông” giả thiết “ trái tim phải chiêm niệm mầu nhiệm Ba Ngôi ngự trong ta, và ta cũng phải có khả năng nhận ra ánh sáng của Người chiếu rọi trên khuôn mặt anh chị em quanh ta” (NMI số 43). Cái nhìn thấy được ánh sáng Thiên Chúa vừa ở bên trong lòng vừa ở bên ngoài ấy chính là cái nhìn của Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc. Đó là cái nhìn của đức tin qui hướng vào vị Khách bên trong, nhưng lại trực tiếp dẫn tới hành động tức khắc và đầy chăm chú. “Ngài vội vàng đi thăm người chị em họ Êlisabét”. Sau này, tại tiệc cưới Cana, ngài sẽ thấy niềm vui tiệc tùng bị đe dọa nên đã đơn thành can thiệp: “Các anh hãy làm mọi điều Người truyền cho các anh”. Dưới chân Thánh Giá, Người Mẹ thấy cạnh sườn Con bị thâm thủng nhưng vẫn đứng thẳng, bằng đức tin, trong cơn đau khôn xiết, lòng cùng thống khổ (com-passion). Từ đầu tới cuối, cuộc chào đón ngài dành cho Ngôi Lời nhập thể hết sức đơn sơ, chăm chú, hân hoan, kín đáo, và được diễn dịch hoàn toàn thành phục vụ. “Phúc cho bà, người đã tin!” Giáo Hội ngợi ca như thế khi cố gắng chia sẻ cùng một tinh thần.
Sự đơm bông của hiệp thông này trong Giáo Hội đòi các thái độ chào đón, trao đổi, hòa giải và liên đới giữa mọi người. Do đó, “giới răn mới” (Ga 13:34) và “con đường cao hơn” của đức ái như mô tả của Tông Đồ Dân Ngoại (1 Cor 13) thực là quan trọng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị tiến sĩ của tình yêu, coi sứ mệnh của mình trong Giáo Hội như một chứng nhân cho Tình Yêu siêu việt và sinh động mọi đặc sủng. Sứ mệnh hiện sinh và thần học của bà là sống thứ tình yêu bao gồm mọi người và ôm lấy mọi người ấy, một tình yêu khiến bà đại đồng đến thế, và nhờ đó hết sức gần gũi với Mẹ Thiên Chúa. Di hài của vị nữ bổn mạng các xứ truyền giáo này hiện đang du hành khắp thế giới, từ Bắc xuống Nam và từ Đông qua Tây chính là một bí tích của Tình Yêu không biên giới. Xin Thánh Nữ gợi hứng cho Phong Trào Đại Kết và cổ vũ nơi các giáo hội và cộng đồng giáo hội một sự cởi mở hơn đối với Thánh Thần Tình Yêu, Đấng đã tạo nên sự hợp nhất trong đa dạng.
Tính tối thượng của Tình Yêu cũng đem lại cho ta một cái hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của định chế giáo hội, với những cơ chế quản trị, tham khảo và tham dự. Nền linh đạo hiệp thông “cung cấp linh hồn cho thực tại định chế” bằng cách “thúc đẩy sự tin tưởng và cởi mở” giúp mọi thành viên dân Chúa thi hành trách nhiệm riêng của họ. Tông Huấn Novo Millennio Ineunte kịp thời nhắc nhở ta nghĩ tới nhu cầu phải chứng thực và khai triển “thừa tác vụ Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục” thành “các phục vụ chuyên biệt cho hiệp thông” (số 44). Tuy nhiên, vì phương pháp thượng hội đồng không phải là phương pháp dân chủ đại nghị, nên mọi biến đổi chính đáng mà ta có thể mong ước trong việc phân chia trách nhiệm cách tốt hơn giữa trung tâm và ngoại vi phải được đặt trong luận lý học hiệp thông, do cảm thức mầu nhiệm Giáo Hội điều hướng. Sự hợp nhất của Giáo Hội và của các giáo hội chắc chắn sẽ tùy thuộc ở việc cải thiện các cơ cấu tham gia, nhưng phải có điều kiện này là không được đánh giá thấp sức mạnh của tình yêu và tha thứ, là sức mạnh luôn giải phóng nhiều năng lực sâu xa hơn là các cuộc thương thảo hay hành động ngọai giao.
Về phương diện này, kinh nghiệm của Phong Trào Focolare rất có tính biểu tượng và đầy hứa hẹn cho tương lai đại kết. Nền linh đạo hợp nhất của phong trào không là gì khác hơn “Via Mariae”, Con Đường Thánh Mẫu, Đấng đã tiếp nhận Chúa Giêsu trong tâm hồn và trong lòng mình, và hiến Người cho thế giới (5). “Công trình của Đức Maria” (tên chính thức của phong trào) không chuyên biệt cổ vũ dung mạo Đức Maria; đúng hơn, nó tiếp nhận sự quyết đoán và hiệp thông của ngài với Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Đấng đã phát sinh ra sự hợp nhất yêu thương mạnh hơn sự chết. Các kinh nghiệm vô kể của Chiara Lubich về đại kết và cả liên tôn nữa đều qui về một đại kết sống và đại chúng (de popolo) mà hiện Giáo Hội đang hết sức cần đến, ngõ hầu trở nên khả tín hơn đối với con mắt thế giới.
Trên bình diện các liên hệ đại kết, nền linh đạo hiệp thông ghi nhận các thành quả đã được mô tả trong Thông Điệp Ut Unum Sint, đặc biệt là tình huynh đệ mới mẻ vừa tìm lại được giữa các giáo hội và cộng đồng giáo hội. Tình huynh đệ vừa tìm lại được này, một tình huynh đệ thay thế cho thái độ chống đối nhau trong quá khứ, đã phản ảnh một cách tích cực hơn cách xưng hô đối với các giáo hội anh em: trước đây bị coi là “phân rẽ” nay là anh em chưa hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Các cuộc gặp gỡ của ta với các anh em này trong các dịp cử hành, đối thoại và cùng dấn thân chung càng ngày càng chứng tỏ một cách rõ hơn rằng tình huynh đệ và “đối thoại không phải chỉ đơn thuần là những trao đổi ý nghĩ. Xét theo một phương diện, chúng luôn là việc “trao đổi quà phúc” (UUS số 28; LG số 13). Các trao đổi này càng ngày càng đòi một cách tha thiết hơn phải có một cuộc “đối thoại bằng hồi tâm” không phải chỉ của cá nhân, mà còn của các giáo hội nữa.
3. “Hình bóng Maria” của Giáo Hội và cuộc đối thoại đại kết
Duyệt lại các cuộc đối thoại đại kết của 20 năm vừa qua cho ta thấy ý niệm koinonia, hiệp thông, đã trở thành quan niệm chủ yếu cả đối với nền giáo hội Công Giáo lẫn các đối tác đối thoại đa dạng của ta nữa. Có một sự đồng qui đáng chú ý chung quanh quan niệm Thánh Kinh này. Nó vốn nằm ở tâm điểm khoa giải thích giáo hội học của Công Đồng Vatican II. Các tranh luận chung quanh việc giải thích thích đáng thuật ngữ hiện tồn trong (subsistit in) đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng, nhất là sau tuyên bố Dominus Jesus của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ta phải hiểu ra sao việc Giáo Hội công giáo hiện tồn trong Giáo Hội Rôma mà vẫn không đồng nhất với giáo hội này đến độ loại bỏ mọi thực tại giáo hội khác, là các thực tại xem ra đã phân ly khỏi sự hiệp thông của giáo hội này?
Việc giải thích sự hiện tồn của Giáo Hội như “chủ thể” hiệp thông khiến người ta thắc mắc về bản chất của Giáo Hội, về mối liên hệ giữa các chiều kích phổ quát và đặc thù hay địa phương của Giáo Hội cũng như về mối liên hệ giữa tính tối thượng của giáo hoàng và tính hiệp đoàn của hàng giám mục. Các thắc mắc này hiển nhiên có ảnh hưởng tới cách ta quan niệm việc phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và các giáo hội cùng cộng đồng giáo hội khác. Cuộc tranh luận này đang được khai triển trong chính Giáo Triều Rôma. Tại nơi này, cuộc tranh luận mới đây giữa các vị hồng y Joseph Ratzinger (Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI) và Walter Kasper đã làm nổi bật các tiêu chí của nền giáo hội học hiệp thông. Thiển nghĩ cuộc tranh luận ấy sẽ có thêm sinh khí nếu hoà nhập được nền giáo hội học Thánh Mẫu của Hans Urs von Balthasar, người đã dùng nền thần học biểu tượng để giải quyết vấn đề hợp nhất trong Giáo Hội (6).
Theo Balthasar, tính ưu tiên của Giáo Hội phổ quát đối với Giáo Hội địa phương phải được đặt cơ sở, không phải nơi Giêrusalem, Antokia hay Rôma, mà đúng hơn nơi Đức Maria, Đấng đã dùng đức tin tiếp nhận và bước vào hiệp thông với Ngôi Lời nhập thể. Nhà thần học này cho rằng Giáo Hội Công Giáo bắt đầu không phải ở lễ Ngũ Tuần, mà ở trong căn phòng tại Nadarét, nơi việc hiệp thông giữa Mẹ và Con trong Chúa Thánh Thần đã chứa đủ các đặc điểm của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội, từng tiền hữu trong tâm trí Thiên Chúa, vốn là người con gái Sion, mà theo lịch sử, đã được bản vị hóa nơi Đức Maria; xét về phẩm tính, Giáo Hội hiện tồn trong con người “đặc thù” và “công giáo” này, người đã kết hợp Giáo Hội phổ quát với từng giáo hội địa phương. Từ con người Đức Maria, tức Giáo Hội đầu tiên, sự hợp nhất của Giáo Hội đã diễn ra trong tính đa phức của nhiều cộng đoàn, mà không có cả việc hủy tiêu phổ quát trong đặc thù lẫn sự hoà tan của đặc thù trong phổ quát. Ở bất cứ đâu, sự hợp nhất thiêng liêng và bản vị nơi Maria-Giáo Hội này đều phát sinh từ hiệp thông Thánh Thể được mỗi cộng đoàn môn đệ chia sẻ khi cùng với ngài, họ tiếp nhận Thánh Thần của lễ Ngũ Tuần.
Chúa Thánh Thần, Hồng Phúc của Chúa Cha qua Chúa Con, đem tình thân mật của Ba Ngôi vào mối liên hệ Kitô-Maria-Giáo Hội. Không quan niệm phàm nhân nào có thể hoàn toàn mô tả được thực tại này, nó vốn là một mầu nhiệm của đức tin. Hình ảnh vĩ đại về hôn lễ mà Thánh Phaolô áp dụng vào Chúa Kitô và Giáo Hội đã lắp bắp nói được đôi điều về sự hiệp thông vô cùng thân mật này. Các hệ luận của nền giáo hội học hôn lễ này cần được nghiên cứu thêm, nhờ tác động qua lại (perichoresis) giữa Đức Maria và Giáo Hội từng được mô tả trong nền thần học giáo phụ, ngõ hầu soi rọi được một ánh sáng mới vào các vấn nạn đầy tranh cãi liên quan tới các thừa tác vụ tông đồ và Phêrô.
Đức Gioan Phaolô từng hàm nghĩa điều đó khi ngài mô tả “hình bóng Maria” (Marian profile) của Giáo Hội, coi nó như điều nền tảng đối với sự hợp nhất của Giáo Hội hơn là “nguyên lý Phêrô” (7). Trong số 27 của văn kiện Mulieris Dignitatem, vượt ra ngoài sự dè dặt thường lệ vốn dành cho các văn kiện huấn quyền, Đức Thánh Cha đã trích dẫn nhà thần học, lúc đó, vẫn còn sống, là Hans Urs von Balthasar, như sau: “Hình bóng Maria này cũng có tính nền tảng và đầy đặc điểm đối với Giáo Hội như hình bóng tông đồ và Phêrô, có khi còn hơn thế nữa, dù hai hình bóng này liên kết chặt chẽ với nhau… Chiều kích Maria của Giáo Hội đi trước hình bóng Phêrô, tuy không hề phân rẽ khỏi hình bóng này hoặc kém tính bổ túc. Đấng Vô Nhiễm Maria đến trước mọi người khác, kể cả Phêrô và các Tông Đồ… những kẻ vốn sinh ra từ nhân loại bị nặng trĩu bởi tội lỗi… Một nhà thần học đương thời đã có lý khi tuyên bố rằng Đức Maria là ‘Nữ Vương Các Tông Đồ’ nhưng không có cao vọng nắm quyền tông đồ” (8). Điều mà ngài có còn lớn hơn thế nhiều.
Maria là lời đáp trả của tình yêu đối với Tình Yêu. Ngài là nữ tỳ của Chúa, người đã tiếp nhận trọn vẹn Tình Yêu của Chúa, một điều vốn cần thiết cho cõi vĩnh cửu. “Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu từng viết rằng: “thưa mẹ, trong lòng Giáo Hội, con sẽ là tình yêu, và do đó, con sẽ là tất cả!”. Đức Maria không thèm muốn quyền lực của các Tông Đồ để được đại diện cho Chúa Kitô, vì ngài đã nhập thể căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội một cách đơn giản nhưng lại hoàn toàn độc đáo và có tính bản vị. Các chiều kích cơ cấu, quyền lực, định chế trong Giáo Hội chỉ có nghĩa trong tương quan với Tình Yêu. Đức Maria không đại diện cho điều gì cả; ngài chỉ đơn giản là Giáo Hội của Tình Yêu trong chi thể nổi bật nhất của nó, mà sự ưu việt của chi thể này hệ ở mối liên hệ hiệp thông thâm sâu với mọi chi thể khác của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Một suy niệm có tính Thánh Kinh và đại kết về mối liên hệ này sẽ giúp ta làm sáng tỏ hơn nữa “phẩm trật các chân lý” rất cần thiết cho việc hợp nhất của Giáo Hội, cũng như thâm hậu hóa thái độ đại kết, một thái độ giúp ta biết tôn trọng và hội nhập các tính đa dạng nào đi đôi được với sự hợp nhất mà Chúa Kitô hằng mong muốn.
Ta xác tín rằng một cuộc đối thoại rộng rãi hơn theo các đường hướng trong cuốn “Đức Maria trong Kế Hoạch Thiên Chúa và trong Hiệp Thông các thánh” của Nhóm Des Dombes sẽ là bước hết sức quan trọng hướng tới chính nghĩa hợp nhất. Một hiểu biết rộng hơn và sâu hơn đối với sự hợp nhất phát sinh từ “nguyên lý Maria” sẽ giúp ta xác định được tốt hơn các chiều hướng tông đồ và Phêrô hiện đang là tâm điểm của cuộc tranh luận của chúng ta, cuộc tranh luận mà ta không thể nào nhất trí được cho tới khi chịu hội nhập trọn vẹn hơn chiều kích Maria và chiều kích nữ tính của Giáo Hội. Bao lâu các Giáo Hội Chính Thống và Đông Phương chưa cảm nhận được chiều sâu của việc hiệp thông hỗ tương đối với Mẹ Thiên Chúa, họ vẫn còn e ngại đối với phong trào đại kết của ta và nhất định sẽ cưỡng lại điều bị họ coi là sự xâm lấn của Tây Phương. Về phía Thệ Phản, việc định lại trung tâm do Công Đồng thực hiện và được tài liệu của Nhóm Des Dombes củng cố cho phép ta dự kiến nhiều tiến bộ có ý nghĩa trong tương lai. Thiển nghĩ, một thỏa thuận đa phương về khuôn mặt của Đức Maria theo Thánh Kinh trong tương quan của ngài với Chúa Kitô và Giáo Hội sẽ gây được một tác động có tính biểu tượng chưa từng có. Há việc ấy không thúc đẩy mọi chi thể của các giáo hội, bắt đầu là Giáo Hội Công Giáo, bước vào một cuộc hồi tâm sâu xa đối với chính nghĩa hợp nhất hay sao?
Phóng dịch bài “Mary and the Future of Ecumenism” của Đức Hồng Y Marc Ouellet, S.S., cựu Tổng Giám Mục Québec, Canada, và hiện đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục và là chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. (Communio 30, Xuân 2003 . © 2003 by Communio: International Catholic Review)
Chú thích
(1) Xem Klaus Scholtissek, In Ihm sein und bleiben. Die Sprache der Immanenz in den Johanneischen Schriften (Freiburg i. Breis.: Herders Biblische Studien, Herder, 2000).
(2) Xem John Paul II, Apostolic Exhortation Ecclesia in Africa (Ed. Vaticana, 1995), 63, 80–85, 92.
(3) Tài liệu của Nhóm des Dombes, Marie dans le dessein de Dieu et la communion des saints. I. Dans l’histoire et l’Ecriture; II. Controverse et conversion (La Documentation catholique, 3 và 17 Tháng 8, 1997, số 2165, 721–749; 2 và 16 Tháng 8, 1998, 719–745).
(4) Xem Walter Kasper, “Ein Herr, ein Glaube, eine Taufe. Ökumenische perspektiven für die Zukunft,” in Stimmen der Zeit, vol. 220, no. 2 (February 2002), 75–89.
(5) Chiara Lubich, La dottrina spirituale (Mondadori, 2001), 80ff.
(6) Xem Hans Urs von Balthasar, “Who Is the Church?”, trong Explorations in Theology II: Spouse of the Word (San Francisco: Ignatius, 1991); Theo-Drama III. Dramatis Personae: Persons in Christ (San Francisco: Ignatius, 1992), 263–360.
(7) John Paul II, Apostolic Letter Mulieris Dignitatem, 27, chú thích 55.
(8) Ibid., chú thích 55; H.U. von Balthasar, Neue Klarstellungen. “Address to the Cardinals and Prelates of the Roman Curia” (22 December 1987) in L’Osservatore Romano, 23 December 1987.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét